Truyện này rõ ràng đã được nhà nho tô điểm để đề cao "thiên mệnh", đề cao "thuyết dòng giống" nhưng vẫn không xóa mờ được tính chất dân gian của nó. Chúng tôi kể vào đây để bạn đọc tiện so sánh với những truyện khác như Vua Heo. Về đoạn đội nón sắt cưỡi thuyền rồng có sách kể là đội nón sắt đi kiệu: "Chổm đội chảo lên đầu che mưa, đến nhà hàng bị chó đuổi phải chạy lên cối xay ngồi".
Đoạn cuối có lẽ mượn lại một mô-típ của thần thoại hoặc anh hùng ca thời cổ: mô-típ kéo mặt trời lùi lại. Có phần tương tự với truyện Anh hùng Ghi-ông của đồng bào Ba-na (Bahnar): Ghi-ông cùng em là Ghi-ơ luôn luôn là kẻ chiến thắng trong các cuộc đọ sức với các lực sĩ khác. Mọi người đều phải hàng phục họ. Một hôm Ghi-ông lên trời đánh Thần Sét và làm cho Thần Sét bị thương. Hôm khác, Ghi-ông đến xứ sở của Đam Da-rai bắt lấy vợ của y đem về. Đam Da-rai đuổi theo đòi Ghi-ông bồi thường nhưng y chỉ nhận được những lời chửi rủa. Cuộc giao chiến bèn nổ ra lúc mặt trời mọc với một khí thế rất dữ dội. Ghi-ông càng đánh càng khỏe làm cho Đam Da-rai có phần suy nhược. Nhưng lúc ấy trời đã sắp tối mà anh chàng vẫn chưa kết liễu được trận thắng. Ghi-ông bèn nhảy lên trời gọi tất cả các thần kéo lùi mặt trời trở lại thành buổi trưa để cho hắn đánh nốt. Mặt trời quả được kéo lên, mặt đất đang tối tự nhiên lại sáng. Ghi-ông hạ được đối phương, chiếm được người đẹp. Đam Da-rai ngã xuống chiến trường sau thành một ngôi sao, ngày nay còn gọi là sao Đam Da-rai.
Trung quốc cũng có một truyện thuộc kiểu truyện Anh hùng Ghi-ông: Lỗ Dương Công đem quân đánh nhau với quân nước Hàn, nhưng chưa phân thắng phụ. Trời đã chiều, ông không muốn bỏ dở trận đánh. Bèn giơ ngọn giáo vẫy mặt trời lên. Mặt trời quả vâng theo lời lùi lại ba xá (mỗi xá là 30 dặm, tức là 90 dặm) cho ông kết liễu trận thắng.
Về tình tiết Chổm đày Mụ Thiện, ở truyện Trạng Hiền , truyện Lý Thái Tổ (của ta), truyện Minh Thái Tổ (của Trung-quốc) đều có, tuy đối tượng bị đày có thay đổi: truyện Trạng Hiền thì đày Phật, truyện Lý Thái Tổ đày Hộ pháp, truyện Minh Thái Tổ đày Giả Lam.