Chương 23: Ngoài nhạn môn quan lại thấy a châu
Trong khi xuất kỳ bắt ý, Ðại Hán tát trúng được chiêu đầu. Từ chiêu thứ hai Ðại Hán đánh không trúng, cả hai bên đánh đỡ đều dùng đòn hờ.
Thật là những đòn hiếm thấy trong những tay cao thủ vào loại thượng thừa.
Ðại Hán xử đủ mười hai chiêu.
Kiều Phong đang bị trọng thương và vẫn biến đổi thế thủ rất thần tốc, nhận huyệt rất đúng chống cự được.
Ðại Hán đột nhiên thu chưởng về nhảy lùi lại nói:
- Ta không ngờ ngươi ngu xuẩn đến thế. Biết vậy ta chẳng thèm cứu ngươi nữa.
Kiều Phong nói:
- Kiều mỗ xin kính cẩn nghe lời giáo huấn của ân công.
Ðại Hán mắng:
- Ngươi thật là con lừa! Ðã luyện được thành bản lĩnh thiên hạ vô địch, sao còn vì một con nhóc ẻo lả kia thí mạng? Thị đã không thân thích lại không ơn nghĩa gì với ngươi, mà tài thị đã chẳng bằng ai, sắc thị nào phải hoa nhường nguyệt thẹn cho cam. Trong thiên hạ sao lại có kẻ điên rồ như ngươi.
Kiều Phong thở dài nói:
- Lời giáo huấn của ân công thật là đích đáng! Kiều Phong này đem cái thân hữu dụng vào những việc vô ích, không xứng đáng chút nào. Chỉ vì một lúc quá bồng bột nóng giận, hành động điên rồ không kịp suy xét đến hậu quả.
Ðại Hán ngửa mặt lên trời cười một tràng dài.
Kiều Phong nghe tiếng cười có ngụ ý thê lương không khỏi ngạc nhiên.
Thốt nhiên Ðại Hán đứng phát dậy, nhảy ra ngoài một trượng, lại bay người đi một cái đã biến vào sau tảng đá lớn che khuất đi.
Kiều Phong gọi với theo:
- Ân công! Ân công!
Chỉ nghe thấy tiếng Ðại Hán nhảy luôn mấy cái nữa. Rồi tiếng chân mỗi lúc một xa.
Kiều Phong toan bước đi nhưng người lảo đảo muốn ngả phải va vào vách núi. Ông định thần quay gót trở lại quả nhiên thấy vách núi có một sơn động. Ông vừa vịn vách núi vừa từ từ tiến lên động. Ông thấy trên mặt đất có vô số thịt nướng, cơm chín, trái cây cùng cá khô để làm lương thực. Tuyệt nhất là còn có một bình rượu lớn.
Kiều Phong mở hũ rượu ra một mùi hương ngào ngạt xông lên mũi. Ông thò tay vào hũ vốc rượu lên uống, vừa ngon vừa ngọt, thật là một thứ rượu thượng hạng. Trong lòng cảm kích vô cùng ông nghĩ thầm:
- Không ngờ vị ân công này lại chu đáo đến thế, ta mà ưa rượu nên để cho một hũ. Có điều đường núi hiểm trở khó đi mà đeo hủ rượu lớn nầy đến đây chỉ thật phí nhiều hơi sức quá!
Thuốc dầu của Ðại Hán rất là linh nghiệm.
Kiều Phong rịt vài lát đã cầm máu ngay không chảy ra nữa, Ông nhờ được nội công cực kỳ thâm hậu nên tuy bị thương nặng như thế mà phục hồi rất mau.
Kiều Phong ở trong động được sáu bảy ngày thì ba vết thương đã lành mạnh khá nhiều.
Trong sáu bảy ngày này, lúc nào ông cũng lo nghĩ đến hai điều: Kẻ nào ám hại mình? Ân nhân cứu mạng cho mình là ai? Cả hai người này đều bản lĩnh nghiêng trời, xem ra không kém gì mình.
Tính ra những tay cự phách trong võ lâm như thế phỏng được mấy người? Ông nhẩm lại những tay võ nghệ tuyệt luân và suy nghĩ mãi chưa thấy ai bản lãnh được đến mức này. Cừu nhân là ai không đoán được đã đành, còn ân nhân cùng mình đấu đã ngoài hai chiêu thức phải cố nghĩ ra thuộc môn phái nào nhưng những chiêu thức của ân nhân toàn là những ngón bình thường không có chi kỳ mà chẳng khác gì những chiêu thức trong "Thái tổ trường quyền" mà mình đã xử dụng trong Tự Hiền Trang. Nó không bộc lộ một chút gốc gác nào về bản lĩnh người ra chiêu.
Kiều Phong vốn tính tình hào sảng nên hai điều kiện cốt yếu đó không đoán ra được, rồi cũng bỏ ngay không để tâm đến nữa.
Hũ rượu lớn Kiều Phong chỉ uống được hai ngày là cạn sạch. Ông nún nán ở trong động đến ngày thứ mười lăm thì những vết thương mười phần đã khỏi được bảy tám. Người khỏe lên lại càng thèm rượu, không thể nhịn được, liệu chừng trèo núi vượt khe không có điều gì đáng ngại, ông liền đi ra khỏi sơn động, lặn lội qua những khu rừng núi hiểm trở để lại len lỏi vào đám giang hồ.
Kiều Phong hồi tưởng lại: A Châu đã rơi vào tay họ nếu chết thì nàng đã chết rồi, dù nàng còn sống mình cũng bất tất phải quan tâm đến nữa. Việc đầu tiên bây giờ là phải điều tra xem mình là giống người nào? Gia nương cùng sư phụ đều đã qua đời, gốc gác mình khó lòng tìm được người để hỏi cho biết rõ. Chỉ còn cách ra ngoài ải Nhạn Môn Quan xem bài di văn ở trên vách núi.
Kiều Phong tính toán đâu đấy rồi, trông về hướng Tây Bắc mà đi. Ðến một thị trấn việc đầu tiên là ông tìm vào hàng rượu để uống vài chục bát.
Kiều Phong uống một bữa rượu, trong túi có mấy lạng bạc vụn chỉ đủ trả tiền rượu trong một ngày là hết sạch.
Thời bấy giờ giang san nhà Ðại Tống là đất Trung Nguyên, chia ra làm mười lăm lô. Thủ đô ở Ðại Lương, gọi phủ Khai Phong là Ðông Kinh, Lạc Dương là Tây Kinh thuộc Hà Nam phủ Tống Châu là Nam Kinh, Ðại danh phủ là Bắc Kinh, thế là bốn kinh.
Kiều Phong đi đến Như Châu thuộc lộ Tây Kinh.
Hôm ấy tại Lương Huyện, bên mình hết sạch tiền, ông phải chờ đến đêm liền vào huyện nha, ăn trộm mấy chục lạng bạc trong công khố. Thế là cao lương mỹ tửu cuộc hành trình của ông đều do công do nhà Ðại Tống phải đài thọ.
Một hôm Kiều Phong đi đến Ðại Châu thuộc lộ Hà Ðông , ải Nhạn Vô Quan ở trên núi Nhạn Môn cách Ðại Châu ba mươi dặm về phía Bắc. Hồi Kiều Phong còn là hiệp khách trong đám giang hồ, đã từng qua đây. Nhưng khi đó vì có việc gấp, nên chỉ đi qua chứ không để ý. Ông đến Ðại Châu lúc đầu giờ Ngọ vào thị trấn uống hơi mười bát rượu và ăn một bữa thật no xong ra khỏi thành đi về hướng Bắc. Ông đi rất mau, ba chục dặm đường chỉ mất độ nữa giờ đã tới nơi.
Kiều Phong trèo lên núi thấy hai mặt Ðông Tây, đều là hai rặng núi bích lập, giữa có một lối đi quanh co gập ghềnh, quả là một nơi rất hiểm trở.
Ông nghĩ bụng:
- Chim nhạn vào phương Nam tránh rét lúc về Bắc không thể vượt qua được những ngọn núi cao ngất trời đều phải bay len lỏi vào lối đi giữa hai rặng núi để bay ra, nên đây mới gọi là Nhạn Môn. Bữa nay mình ở phương Nam đến đây, giả tỷ mà những tự tích khắc trên núi đã chứng minh mình là giống Khất Ðan, thì Kiều mỗ sau khi ra khỏi ải Nhạn Môn Quan, sẽ vĩnh viễn thành người ải Bắc, không bao giờ trở lại cửa ải này nữa. Thật không bằng giống chim nhạn mỗi năm được một chuyến tự do đi lại cửa quan này vào phương Nam đến hết rét trở lại về Bắc .
Nghĩ tới đó ông không khỏi bùi ngùi trong dạ .
Nhạn Môn Quan là một trọng trấn biên cương về mặt Bắc nước Ðại Tống.
Hơn bốn mươi ải đất Sơn Tây thì Nhạn Môn hùng vĩ và kiên cố nhất.
Ra khỏi vài chục dặm là thuộc địa phận nước Liêu, cửa ải này có đặt trọng binh để trấn giữ bờ cõi.
Kiều Phong tính rằng nếu mình theo cửa ải mà đi tất bị quan quân tra hỏi.
Ông liền đi vòng đỉnh núi cao ở mé Tây quan ải.
Lên đến đỉnh núi cao nhất, Kiều Phong phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía thấy mé Ðông có núi Ngũ Ðài, phương Tây có dãy Ninh Vũ, phía Nam là những ngọn Chinh Dương, Thạch Cổ, mặt Bắc là dãy thuộc Sóc Châu, dài dằng dặc không biết đến đâu là cùng. Phong cảnh núi rừng lạnh lẽo tiêu điều.
Kiều Phong nhớ lại hồi trước mình qua ải Nhạn Môn Quan rồi có nghe người bạn đồng hành kể chuyện rằng: Ðại Tướng Lý Mục Triệu về thời Trấn Quốc và Ðại Tướng Thương Ðô triều Hán đã trấn thủ ở Nhạn Môn để chống giữ quân Hung Nô vào xâm lấn Trung Nguyên. Nếu quả là giòng dõi Hung Nô Khất Ðan thì ra hơn nghìn năm trước đây, những vụ vào xâm lấn Trung Nguyên đều là tổ tiên mình cả.
Ông lại ngoảnh về phía Bắc để xem địa thế rồi lẩm bẩm: Ngày trước Uông Bang Chúa cùng bọn Triệu Tiền Tôn phục kích bọn võ sĩ Khất Ðan ngoài ải Nhạn Môn Quan, tất chọn địa điểm lợi thế trên sườn núi. Quanh đây hơn mười dặm, địa thế không hay bằng chỗ sườn núi ở góc Tây Bắc, tất bọn họ mai phục ở đó. Ông liền chạy xuống để sang sườn núi bên kia.
Thốt nhiên Kiều Phong cảm thấy một nỗi đau thương phiền não không biết từ đâu đưa đến. Ông chợt để ý nhìn chỗ sườn núi nầy, thấy một khối đá rất lớn, sực nhớ đến lời Trí Quang đại sư bữa trước kể lại quần hùng phục ở phía sau tảng đá lớn để tiện trông ra ngoài liệng ám khí, hẳn là tảng đá này.
Cách tảng đá mấy bước là đến bờ vực thẳm. Lòng vực mây mù phong tỏa trông không rõ đáy.
Kiều Phong lẩm bẩm:
- Nếu lời tường thuật của Trí Quang đại sư là đúng sự thì sau khi má má ta bị bọn họ đánh chết, gia gia ta ở chỗ này phải nhảy xuống vực thẳm tự vận. Gia gia không nỡ để ta đây phải chết theo, liền tung người ta rớt xuống trên mình Uông Bang Chúa. Gia gia ta đã viết những gì vào vách đá?
Kiều Phong quay đầu lại nhìn vách núi mé hữu, bỗng thấy một chỗ thiên nhiên phẳng phiu nhẵn nhụi. Nhưng chính giữa tấm đá phẳng phiu trên vách núi nầy đã có vết những nhát búa chém vào trông rất rõ. Phải chăng có người đã cố ý bạt những tự tích của người võ sĩ Khất Ðan đi.
Kiều Phong đứng thộn mặt nhìn vách đá, bất giác lửa giận bốc lên bùng bùng, những muốn vung dao chém chết một mẻ nhưng thốt nhiên nhớ lại một điều: Lúc ta rời khỏi Cái Bang đã từng bẻ lưỡi cương đao của Ðơn Chính, tuyên thệ rằng: "Dù tôi là người Hán hay là người Khất Ðan cũng vậy, quyết không hạ sát một người nào". Thế mà ở Tự Hiền Trang mình đã trót gϊếŧ bao nhiêu người Há? Bây giờ lại còn gϊếŧ người nữa há chẳng trái với lời thề ru?
Than ôi! Sự việc xảy ra như thế, mình không gϊếŧ người, người cũng chẳng tha mình. Nếu bó tay chịu chết mặc người băm vằm, há phải là hành vi của đại trượng phu?
Kiều Phong rong ruỗi ngàn dặm chỉ vì mục đích muốn điều tra cho rõ thân thế mình, rút cục chẳng được việc gì.
Ông càng nghĩ càng căm giận, nóng nẩy quát to lên:
- Ta không phải là người Hán! Ta không phải là người Hán! Ta là giống rợ Hồ Khất Ðan! Ta là giống rợ Hồ Khất Ðan!
Rồi giơ tay lên đập mạnh vào vách núi thì đồng thời từ bốn phía hang núi có tiếng vọng lại "Ta không phải người Hán! người Hán! Ta là người rợ Hồ Khất Ðan! ... rợ Hồ Khất Ðan!..." .
Ngoài tiếng vọng vách núi cao ngất vẫn trơ trơ!
Nỗi uất hận của Kiều Phong không bề giải tỏ. Thương thế ông vừa khỏi, nội lực sung mãn, ông giơ tay lên đập vách đá mỗi lúc một mạnh tựa hồ như đem nỗi uất ức hơn tháng nay trút lên vách đá cho hả giận.
Trong lúc Kiều Phong đang đập tay, bất thình lình có tiếng trong trẻo của một cô gái vang lên ở phía sau lưng:
- Kiều đại gia ơi! Ðại gia đập nữa đi! Không chừng trái này sẽ bị đại gia làm đổ xuống!
Kiều Phong giật mình ngoảnh đầu nhìn lại thấy bên sườn núi, một thiếu nữ đứng tựa gốc cây đang toét miệng ra cười. Thiếu nữ này chính là A Châu.
Bữa trước Kiều Phong sở dĩ ra tay cứu vớt A Châu chỉ vì lòng phấn khích nổi lên trong chốc lát. Thực ra đối với người nữ tỳ này, ông chẳng quan tâm chút nào. Về sau ông tự lo cứu mình cũng chưa xong may được người cứu thoát. Ông không nghĩ gì đến sự sống còn của A Châu nữa. Bây giờ thốt nhiên thấy nàng xuất hiện ở đây, thật là một sự bất ngờ, ông cũng thấy vui mừng chạy lại rồi cười hỏi:
- A Châu! Người cô đã lành mạnh chưa?
Có điều ông đang căm giận đến cực điểm, thốt nhiên chuyển giận làm mừng, nên tuy vẻ mặt tươi cười nhưng không khỏi có nét miễn cưỡng.
A Châu đáp:
- Kiều đại gia! Ðại gia cũng mạnh giỏi đấy ạ?
Nàng ngẩn ngơ nhìn Kiều Phong một hồi đột nhiên nhảy vào lòng ông khóc sướt mướt nói:
- Kiều đại gia ơi! Tôi ở đây chờ đại gia đã năm ngày năm đêm rồi, lúc nào cũng phập phồng lo ngại không biết đại gia có đến hay không. Quả nhiên bây giờ lại được thấy mặt đại gia. Cảm ơn Trời Phật phù hộ, đại gia vẫn bình yên vô sự.
Nàng vừa nức nở khóc vừa ấp úng nói mấy câu này. Song trong lời nói đầy vẻ mừng vui, đầy tình an ủi.
Kiều Phong vừa nghe đã biết ngay nàng lo lắng cho mình khôn xiết! Ông cảm thấy xúc động trong lòng liền hỏi nàng:
- Cô ở đây chờ tôi đã năm ngày, năm đêm rồi ư? Sao cô biết tôi đến đây?
A Châu từ từ ngẩng đầu lên. Nàng sực nhớ ra mình đã nằm vào trong lòng một người đàn ông bất giác mặt thẹn đỏ bừng, lùi ra hai bước. Nàng bình tĩnh nghĩ lại cái cử động vừa rồi trong lúc tâm thần bị xúc động, cảm thấy hổ thẹn vô cùng. Ðột nhiên nàng chạy bon bon nấp vào sau gốc cây.
Kiều Phong hốt hoảng gọi theo:
- A Châu, A Châu! Cô làm chi vậy?
A Châu không đáp, trái tim đập loạn lên.
Hồi lâu nàng mới đi ra nét mặt vẫn còn có ý bẽn lẽn, ấp úng mãi, nói không ra lời.
Kiều Phong thấy vẻ mặt A Châu khác lạ liền hỏi:
- A Châu cô có điều chi nan giải nói cho tôi nghe. Chúng ta đã gặp gỡ nhau trong bước đường hoạn nạn, đã cùng nhau chia sẻ nỗi gian nguy thập tử nhứt sanh thì còn có điều chi phải e dè?
A Châu đỏ mặt lên nói:
- Không có điều chi.
Kiều Phong vỗ nhè nhẹ vào vai A Châu, xoay mặt nàng ra ánh sáng mặt trời, tuy thấy dung nhan hãy còn tiều tụy nhưng trong sắc trắng bệt đã ửng hồng, không xám xịt như hôm bị thương nữa. Ông lại để ngón tay lên xem mạch nàng. Ngón ông vừa chạm vào cổ tay A Châu, thốt nhiên toàn thân nàng run bắn lên.
Kiều Phong hỏi:
- Sao vậy? Cô còn có chỗ chưa được bình phục chăng?
A Châu đỏ mặt lên vội đáp:
- Không phải! Không... Không có gì khó chịu hết.
Kiều Phong cầm mạch nàng thấy mạch chạy bình thường và đã có sức lực, liền nói:
- Phép"điệu thủ hồi xuân"của Tiết Thần Y quả nhiên danh bất hư truyền.
A Châu nói:
- Nhờ được ông bạn đại gia là Bạch Thế Kính trưởng lão chỉ mũi dao vào ngực Tiết Thần Y, nên lão bất đắc dĩ phải cứu chữa cho tôi.
Kiều Phong lại hỏi:
- Cô khỏi rồi, sao họ để cho cô ra tự nhiên?
A Châu cười đáp:
- Ðời nào họ dễ dãi thế được. Từ lúc thương thế tôi mới bớt đi nhiều, mỗi ngày có đến bảy tám gã lại vặn hỏi tôi đủ điều: Tên ác tàn Kiều Phong với mi quen thế nào? Hắn trốn đi đâu? Tên đại hắc áo đen cứu hắn là ai? Những điều đó tôi có biết đâu. Nhưng tôi thành thực trả lời thành thực là không biết thì họ lại cho mình nói dối còn dọa không cho ăn cơm cùng là dùng cực hình khảo đả. Sau tôi kiếm cách khủng bố tinh thần họ: "Vị tiên sinh áo đen đó tôi được nghĩ nhiều chuyện rất hoang đường. Hôm nay tiên sinh đang ở núi Côn Luân mà sáng mai đã thấy ở vùng Ðông Hải". Tôi thổi phồng tiên sinh lên bằng những câu chuyện lạ đời. Họ nghe dường như lọt tai.
Nàng nói đến đây, nhớ lại bữa đó bịa đặt ra những chuyện vu vơ trên trời dưới đất bịp được bao nhiêu anh hùng hào kiệt nổi tiếng trên đời, bất giác cảm thấy khoan khoái trong lòng, miệng cười như hoa nở.
Kiều Phong cười tủm tỉm hỏi:
- Bọn họ có tin lời cô không?
A Châu đáp:
- Người tin, người không. Ðại đa số là bán tin bán nghi. Tôi đoán chắc bọn họ không ai biết lai lịch tiên sinh áo đen, không ai chứng minh được là tôi nói dối. Câu chuyện cổ tích của A Châu này càng nói càng ly kỳ cổ quái, khiến bọn họ ngờ Ðại Hán là thần thánh hay là ma quỷ rồi họ đâm ra sợ sệt.
Kiều Phong nói xen vào:
- Vị tiên sinh áo đen đó chính tôi cũng chẳng biết là ai. Tôi e rằng chính mình nghe miệng cô nương cũng đâm ra bán tín bán nghi.
A Châu lấy làm kỳ hỏi:
- Ðại gia cũng không quen biết Ðại Hán áo đen thật ư? Sao Ðại Hán lại chịu xông pha vào nơi đầm rồng hang cọp để cứu mạng đại gia? À mà phải! Những bậc đại hiệp cứu người trong cơn hoạn nạn đều như thế cả.
Kiều Phong thở dài nói:
- Tôi chẳng biết bây giờ đi báo thù ai đã đánh, mà cũng không biết ân nhân mình là ai? Mình là người Hán hay người Hồ? Hánh vi của mình phải hay quấy mình cũng không biết nữa! Kiều Phong hỡi Kiều Phong! Làm người như ngươi thật là uổng quá!
A Châu thấy Kiều Phong buồn bực trong lòng, bất giác thò tay ra nắm lấy tay ông an ủi:
- Kiều đại gia ơi! Ðại gia buồn làm chi? Việc gì mà chẳng có đầu mối. Cái kim bọc để lâu ngày cũng ra. Chỉ cần đại gia vốn tâm không có gì đáng hổ thẹn, làm việc hợp với lẽ trời là được.
Kiều Phong nói:
Nhưng tôi tự vấn tâm có điều hổ thẹn nên mới khó chịu, khi ở trong rừng hạnh, tôi bật đao tuyên thệ quyết không gϊếŧ một người Hán nào. Thế mà...
A Châu ngắt lời:
- Bọn người ở Tự Hiền Trang không phân rõ trắng đen, vây đánh đại gia một cách hồ đồ. Nếu đại gia không đánh lại tất bị họ gϊếŧ chết.
Kiều Phong nói:
- Cô nói đúng lắm!
Kiều Phong là một Ðại Hán suy nghĩ chóng vánh, việc gì cũng qua đi được ngay không để tâm nữa. Có bị thương cảm xúc cũng chỉ một lúc rồi không quan tâm đến nữa.
Ông nói tiếp:
- Trí Quang thiền sư cùng Triệu Tiền Tôn, nói trên vách núi có khắc chữ mà không biết ai bạt đi rồi.
A Châu reo lên:
- Phải mà! Tôi đoán thế nào đại gia cũng ra ngoài ải Nhạn Môn Quan để xem lại lời di văn trên vách núi, nên sau khi thoát hiểm tôi đến đây chờ đại gia ngay.
Kiều Phong hỏi:
- Cô làm thế nào mà ra thoát. Có phải Bạch trưởng lão lại giúp cô nữa không?
A Châu tủm tỉm cười đáp:
- Không phải đâu. Chắc đại gia còn nhớ khi ở chùa Thiếu Lâm tôi đã cải trang làm một vị hòa thượng mà cả bọn sư huynh sư đệ cũng không rõ rồi chứ?
Kiều Phong đáp:
- Ðúng rồi! Cái kiểu nghịch ngợm của cô nương ghê gớm lắm.
A Châu nói:
- Ðến hôm nay thương thế tôi khá lắm rồi, Tiết Thần Y biểu không cần phải điều trị thêm nữa, chỉ cần nghĩ ngơi bảy tám ngày là phục hồi được như cũ. Trong thời gian đó tôi nằm suy nghĩ về những việc đã làm qua để tìm kế thoát thân. Càng ngày càng khám phá ra những chỗ sơ hở của họ để thi hành kỳ kế một cách tế nhị hơn. Tôi lại nhớ đại gia quá đỗi, thế là tối hôm đó tôi cải trang làm một người...
Kiều Phong sửng sốt hỏi ngắt lời:
- Lại cải trang! Cô cải trang làm ai?
A Châu nói:
- Tôi cải trang làm Tiết Thần Y. Nhưng làm sao mà giống lão được?
A Châu đáp:
- Ngày nào tôi cũng thấy mặt lão đến chữa cho tôi. Nhiều khi trò chuyện rất lâu, nên từ diện mạo cho đến thanh âm tôi thuộc kỹ lắm. Lão thường thường ngồi một mình bên tôi. Tối hôm đó tôi giả vờ ngất xỉu, lão lại chẩn mạch cho tôi. Tôi liền trở tay nắm lấy huyệt mạch môn lão, thế là lão không nhúc nhích được nữa, để mặc tôi bố trí.
Kiều Phong không nhịn cười, nghĩ bụng:
- Tiết Thần Y chỉ nghĩ đến chữa bệnh cho người, có ngờ đâu gặp phải của quỷ này!
A Châu kể tiếp:
- Tôi điểm huyệt lão xong, lột hết quần áo và tụt giầy lão ra. Tôi e thì rất nguy cho mình, liền lấy dây cột chặt lão lại để nằm trên giường đắp chăn lại cho tử tế. Nếu có người ghé cửa sổ nhòm vào cũng chỉ cho tôi là trùm chăn nằm ngủ, chớ không nghi ngờ gì nữa. Tôi mặc quần áo và đi giày của lão vào, nhồi mặt cho dãn dẹo. Thế là mười phần đã giống đến bảy, chỉ còn thiếu bộ râu nữa là hoàn toàn...
Kiều Phong ngắt lời:
- Thiếu bộ râu mới khó! Vì Tiết Thần Y râu lốm đốm, nửa đen nửa bạc khó làm giả lắm.
A Châu nói:
- Không giả được thì tôi mượn bộ râu thật.
Kiều Phong ngơ ngác lặp lại:
- Mượn bộ râu thật?
A Châu nói:
- Ðúng vậy! Tôi lấy bộ râu của lão. Tôi mở hòm thuốc của lão ra lấy một lưỡi dao cạo tuột bộ râu của lão đính vào cằm tôi. Bây giờ thì tôi giống lão hoàn toàn không sai chút nào. Tiết Thần Y tuy tức chết đi được nhưng chẳng biết làm sao? Lão chữa thương cho tôi không phải do lòng tốt mà ra thế thì tôi có cạo lão cũng không phải là lấy oán trả ơn. Huống chi sau khi bị cạo mất bộ râu, tựa hồ như lão trẻ thêm được mười tuổi, tướng mạo trông anh tuấn đáo để!
Kể tới đây hai người trông nhau cả cười.
A Châu lại kể tiếp:
- Tôi giả trang làm Tiết Thần Y xong, đường hoàng bước ra khỏi Tự Hiền Trang, dĩ nhiên không ai dám hỏi vặn, tôi kêu người sắp ngựa, lấy tiền, rồi lập tức đi luôn.
Rời khỏi trang ba mươi dặm, tôi bỏ bộ râu đi lại biến thành một đứa nhỏ. Tôi đoán chắc sáng hôm sau bọn Tự Hiền Trang phát giác ra thì tôi đã cải trang rồi, bọn họ có tìm cũng chẳng thấy.
Kiều Phong vỗ tay khen:
- Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu!
Ðột nhiên ông lại nhớ lại bóng người ông đã trông thấy qua tấm gương tại viện Bồ Ðề chùa Thiếu Lâm thì ngẩn người ra, trong lòng cảm thấy không yên. Bây giờ ông nghe nàng thuật lại việc cải trang để đánh lừa người, ông cũng có cảm giác hồi hộp, mà lần này lại càng băn khoăn hơn nữa.
Ông nói:
- A Châu! Cô lại gần đây cho tôi coi.
A Châu không hiểu dụng ý của ông, bước lại gần Kiều Phong trầm ngâm một lúc, cởϊ áσ ngoài ra khoác vào mình nàng.
A Châu mặt ửng đỏ, cặp mắt ôn nhu quay lại nhìn Kiều Phong nói:
- Tôi không lạnh mà.
Kiều Phong thấy nàng khoác áo ngoài của mình, lập tức nghĩ ra điều gì, xoay lại nắm lấy cổ tay nàng, lớn tiếng hỏi gặng lọng:
- A! Ra chính ngươi! Ai đã xúi ngươi, phải nói cho mau!
A Châu giật mình hỏi:
- Kiều đại gia! Có chuyện chi vậy?
Kiều Phong nói:
- Ngươi đã giả trang ra ta, mạo nhận làm Kiều mỗ phải không? Kiều Phong chợt nhớ tới bữa trước mình đi cứu anh em Cái Bang trên đường, nhác thấy sau lưng một người giống hệt, nhưng bấy giờ vội vàng chưa để ý. Ðến khi chưa nhìn nhận thấy bóng mình trong tấm gương tại viện Bồ Ðề, mới nhớ lại bóng sau lưng con người mình gặp ngoài đường cũng giống in như thế.
Nguyên bữa trước Kiều Phong vào chùa Thiên Ninh định cứu quần hùng Cái Bang, nhưng tới nơi thì mọi người đã thoát hiểm từ trước, và ai cũng biểu vừa nãy đã thấy ông vào.
Ông có cãi không nhận mà chẳng ai tin. Lúc đó ông cũng nghĩ rằng ngoài chuyện có người mạo nhận là mình thì không còn cách giải thích nào khác. Có điều người giả trang làm mình mà bọn Bạch Thế Kính Ngô trưởng lão đã ngày đêm bên mình chẳng lẽ cũng không nhận ra được ư?
Bây giờ Kiều Phong thấy bóng A Châu khoác áo ngoài của mình vào liền tỉnh ngộ ra ngay, tuy trong người nàng không độn mền bông, thân hình bé nhỏ so với tầm vóc vạm vỡ của ông thật khác nhau xa vì khắp thiên hạ ngoài nàng ra còn có ai giả trang tuyệt khéo nữa đâu?
A Châu không kinh hãi gì cả, cười khanh khách nói:
- Vâng tôi xin cung xưng. Rồi nàng đem chuyện giả trang Kiều Phong thế nào, đến cứu quần hào Cái Bang ra sao, nhất nhất thuật lại.
Kiều Phong buông tay nàng ra lớn tiếng hỏi:
- Người giả trang ta đi cứu người là có dụng ý gì?
A Châu lộ vẻ kinh dị nói:
- Tôi vốn tính tinh nghịch như vậy, chứ có dụng ý gì đâu? Tôi thấy bọn họ vô ân bội nghĩa với đại gia, nên nghĩ cách giả trang đại gia đến giải cứu cho bọn họ đã bị ngộ độc để họ phải ăn năn và tự tin thế là tôi lấy làm thích thú.
Nàng lại thở dài, tức mình nói tiếp:
- Ngờ đâu ở Từ Hiền Trang;bọn họ vẫn đem lòng độc ác đối với đại gia, chẳng nhớ gì đến tình xưa nghĩa cũ.
Kiều Phong vẻ mặt mỗi lúc một thêm nghiêm trọng, nghiến răng nói:
- Nhưng sao ngươi lại mạo nhận ta để hạ sát song thân ta? Rồi lại vào chùa Thiếu Lâm ám toán sư phụ ta?
A Châu giật nẩy mình lên:
- Trời ơi! Ðâu có việc ấy! Ai hạ sát song thân đại gia? Ai ám toán sư phụ đại gia?
Kiều Phong nói:
- Sư phụ ta bị đánh trọng thương, rồi người vừa trông thấy ta đến liền bảo là chính ta hạ độc thủ. Không phải ngươi thì còn ai vào đây?
Nói tới đây, Kiều Phong mặt đầy sát khí từ từ giơ tay phải lên còn chờ A Châu nói một câu ấp úng là đánh xuống thì dù đếm đến mười A Châu cũng chết ngay tức khắc.
A Châu nhìn mặt Kiều Phong, run sợ vô cùng bất giác lùi lại một bước. Nàng chỉ lùi bước nữa là rớt xuống vực sâu muôn trượng.
Kiều Phong quát lên:
- Ðứng lại! Không được nhúc nhích!
A Châu sợ quá rưng rưng hai hàng lệ nhỏ xuống, đáp bằng giọng run run:
- Tôi không... sát hại song thân đại gia, cũng không... ám toán sư phụ đại gia. Sư phụ đại gia bản lãnh... biết đến mực nào. Tôi làm gì ám sát được người?
Hai câu sau cùng quả nhiên có sức mạnh khiến cho Kiều Phong hồi tâm nghĩ lại lập tức ông biết mình trách oan nàng. Nhanh như chớp ông đưa tay trái ra giữ lấy vai nàng kéo lại để tựa vào vách núi cho khỏi lỡ chân rớt xuống vực sâu, rồi nói:
- Phải rồi! Phải rồi! Sư phụ tôi đúng không phải cô ám sát.
Nguyên Huyền Khổ đại sư là sư huynh, sư đệ với các vị Cao Tăng như Huyền Từ, Huyền Tịch, Huyền Nạn, võ công đứng vào bậc nhất phái Thiếu Lâm. Huyền Khổ không phải chết vì trúng độc hay vì gươm đao, ám khí, mà bị chưởng lực làm tan nát phủ tạng. A Châu là một cô gái nhỏ tuổi làm gì có nội lực thâm hậu đến thế? Nếu nội lực nàng chấn động đánh chết được Huyền Khổ đại sư thì đã không bị Kim Cương Chưởng của Huyền Tử đánh cho đến nỗi thập tử nhất sinh.
A Châu đang nước mắt nước mũi phá lên cười, vỗ ngực nói:
- Ðại gia làm tôi sợ muốn chết. Ðại gia thật là vô lý. Nếu tôi có bản lãnh đánh chết được sư phụ Ðại gia, thì ở Tự Hiền Trang tôi đã giúp Ðại gia gϊếŧ bọn họ một mẻ.
Kiều Phong thấy nàng hơi có vẻ giận dữ, thẹn thùng nói:
- Mấy bữa nay thần trí tôi hoang mang thành ra ăn nói hàm hồ. Cô nương đừng giận tôi.
A Châu cười nói:
- Tôi giận đại gia làm quái gì? Nếu tôi giận đã chẳng nói chuyện với đại gia nữa.
Kiều Phong ngơ ngẩn xuất thần, thốt nhiên hỏi:
- A Châu! Cái thuật giả trang mau lẹ dễ dàng tài tình cô đã được ai truyền thụ cho? Sư phụ cô còn có đồ đệ nào khác nữa không?
A Châu lắc đầu nói:
- Không có ai dạy hết. Từ thưở nhỏ tôi đùa nghịch bắt chước người chơi. Thế rồi tôi càng tập bắt chước cách giả trang càng giống hệt, chứ làm gì có thầy dạy? Chẳng lẽ cả đến cái trò chơi tinh nghịch cũng phải tìm sư phụ ư?
Kiều Phong thở bực mình nói:
- Thế này thì lạ thật! Trên đời sao lại có kẻ khác giống tôi như hệt. Giống đến sư phụ nhận lầm là chính tôi đây.
A Châu nói:
- Ðã có đầu dây mối nhợ thì vụ này cũng dễ. Ta đi kiếm người đó khảo đả cho y phải xưng ra là được.
Kiều Phong nói:
- Ðã đành rằng thế. Nhưng trời đất bao la bát ngát biết tìm đâu ra. Thế mới khó chứ?
Kiều Phong để ý nhìn trên vách núi chỗ vết búa đẻo, để cốt tìm xem có ra được chữ gì không. Nhưng coi đi coi lại không thấy chữ gì hết.
Ông nói:
- A Châu cô nương! Tôi muốn đi tìm Trí Quang đại sư hỏi lão xem trên núi đã viết những gì. Tôi chưa tra được vụ này thì ăn ngủ không yên.
A Châu nói:
- Tôi sợ lão không chịu nói với đại gia.
Kiều Phong nói:
- Chắc chắn là lão không chịu nói rồi, nhưng tôi bức bách lão phải nói mới nghe.
A Châu nói: Trí Quang đại sư là người gan lỳ không sợ chết. Bất luận dù nhu hay cũng không ăn thua, chỉ còn cách...
Kiều Phong gật đầu nói:
- Ðúng rồi! Chỉ còn cách đi hỏi gã Triệu Tiền Tôn. Chà, Triệu Tiền Tôn cũng gan lắm, thà chết không chịu khuất phục, nhưng đối với gã tôi đã có cách.
Nói đến đây ông đưa mắt nhìn xuống vực sâu rồi tiếp:
- A Châu! Tôi tưởng phải xuống dưới kia xem.
A Châu giật nẩy mình lên đưa mắt nhìn xuống vực chỉ thấy mây che mù mịt liền nói:
- Không được! Không được! Ðại gia không thể nào xuống được đâu. Và xuống đó làm gì?
Kiều Phong nói:
- Tôi là người Hán hay là người Khất Ðan? Câu hỏi này quanh quẩn trong óc tôi không lúc nào khuây. Tôi muốn xuống đó điều tra cho rõ bằng cách xem lại thi thể người Khất Ðan còn ở dưới ấy.
A Châu nói:
- Người đó đã nhảy xuống ba mươi năm nay, nhiều lắm là còn nắm xương trắng, chớ có gì mà xem.
Kiều Phong nói:
- Tôi tưởng nếu người đó quả là cha ruột tôi, thì tôi đem nắm xương tàn lên an táng, cho tỏ chút đạo làm con.
A Châu nói bằng một giọng lanh lãnh:
- Không phải đâu! Ðại gia là người nhân từ nghĩa hiệp có lý đâu lại là giòng dõi Khất Ðan bạo ngược.
Kiều Phong nói:
- Cô cứ ở đây chờ tôi một ngày một đêm. Bằng giờ ngày mai nếu không thấy tôi lên thì đừng chờ nữa.
A Châu sợ quá, kêu lên một tiếng khóc rưng rức nói:
- Kiều đại gia ơi! Ðại gia đừng xuống đó. Kiều Phong là người gan tim dạ sắt không cảm động chút nào, tủm tỉm cười nói:
- Ở Tự Hiền Trang bao nhiêu anh hùng hảo hán còn chưa đánh chết được tôi, chẳng lẽ cái khe núi cỏn con này đòi được mạng tôi ư?
A Châu không tìm được lời ngăn trở, liền nói quanh:
- Biết đâu dưới đó chẳng có rắn độc, hoặc quái vật hung dữ.
Kiều Phong cười ha hả vỗ vai nàng nói:
- Nếu quả có rắn độc hoặc quái vật thì càng hay chớ sao? Tôi sẽ bắt lên đây mấy con cho cô chơi.
Kiều Phong đảo mắt nhìn bốn phía để kiếm chỗ sườn núi khả năng đặt chân để lần lần tụt xuống vực.