Pháp Y Tần Minh - Quyển 3: Ngón tay thứ mười một

Chương 31: Vụ án thứ 8 - Bé trai mất tích (1)

Kẻ si tình ảo tưởng đã lầm tưởng mộng ảo là hiện thực, họ cuồng nhiệt và mù quáng; kẻ bảo vệ sự điên cuồng vẫn sẵn sàng trả giá bằng gϊếŧ chóc, họ mê muội và cực đoan.

Voltaire

Khám bệnh ở bệnh viện quả là một cơn ác mộng, vẫn may sau khi cơn ác mộng ấy kết thúc, kết quả cũng giống như tỉnh mộng, tôi và vợ đều bình thường đến không thể bình thường hơn.

“Chắc là công đức của hai chúng ta chưa đủ nên bà mụ vẫn chưa rủ lòng thương đấy.” Tôi trêu chọc.

“Một năm anh đi công tác hơn hai trăm ngày, trách bà mụ thế nào được.” Linh Đan lườm tôi.

“Vậy hôm nay anh không đi công tác nữa nhé, tập trung sinh em bé.” Tôi tiếp tục trêu nàng.

“Thế anh hết vụ án rồi à?” Linh Đan hỏi.

“Suỵt…” Tôi kêu lên. “Câu này không nói bừa được đâu.”

Tôi còn chưa kịp dứt lời, chuông điện thoại đã réo lên hết sức vô duyên.

“Em xem, em xem, em xem.” Tôi chỉ mấy chữ “trung tâm chỉ huy” trên màn hình điện thoại nói. “Anh đã bảo không được nói như thế mà, càng nói không có thì lại càng kéo đến, cứ như có ma.”

“Huyện Dương Cung xảy ra án mạng, yêu cầu chi viện.” Nhân viên trực ban của trung tâm chỉ huy nói. “Chắc là pháp y và pháp chứng đều phải đi, phiền anh thông báo cho Lâm Đào giúp.”

“Nhưng mà,” tôi chống đối yếu ớt, “chúng tôi vẫn đang theo chuyên án Ba Sáu mà, tối nay phải họp báo cáo về vụ án.”

“Đây là chỉ thị của lãnh đạo sở.” Nhân viên trực ban nói. “Hơn nữa công tác điều tra chuyên án Ba Sáu hiện vẫn chưa có gì mới, vẫn phải đợi tin từ bộ phận điều tra, các anh có theo cũng chưa phát huy được vai trò. Nếu bộ phận điều tra có vướng mắc gì cần các anh giải thích, có thể liên lạc qua điện thoại được mà. Vậy nên các anh cứ đi Dương Cung trước đã.”

Kết thúc cuộc gọi, tôi nhìn sang Linh Đan, thấy sắc mặt nàng thản nhiên như không. Bầu bạn từng ấy năm, nàng đã quá quen với việc tôi chạy hiện trường hết ngày này qua tháng khác. Tôi cảm thấy hơi xót xa nhưng chỉ biết cười trừ, giữ sự áy náy trong lòng, bắt chước giọng Kinh kịch hát lên léo nhéo: “Nương tử nàng ơi! Chúng ta không thể sinh con, Lâm Đào cũng thành ế vợ, đều do tội phạm gây ra. Đợi bản thiếu gia đi bắt chúng về, chúng ta lại bàn chuyện cháu con nối dõi…”

*

Bà Triệu đã ngoài bảy mươi, sống một mình trong căn tứ hợp viện nhỏ ở phía đông huyện Dương Cung. Mấy người con đều đi xa làm việc, cả năm mới về một lần. Bà Triệu thường ngày đi nhặt ve chai mang bán, góp cùng khoản tiền con cái biếu thêm để sống qua ngày. Bà rất khỏe mạnh, sáng nào cũng ra ngoài tản bộ, tiện đường nhặt nhạnh những thứ có thể bán lấy tiền.

Sáng sớm ngày 11 tháng Tám, cũng giống như mọi ngày, bà Triệu đi dạo một vòng trong con ngõ gần nhà.

Ngõ xóm ngoằn ngoèo phức tạp, đã có lịch sử mấy chục năm, trong ngõ còn lưu lại rất nhiều “nhà rác”. “Nhà rác” tức là những ô chứa rác nhỏ xếp bằng gạch được dựng từ mấy chục năm về trước. Vì dọn dẹp nhà rác kiểu này rất mất công nên hiện nay, về cơ bản không có ai dùng đến nữa. Dân làng xung quanh một số thùng rác bên cạnh nhà rác, như vậy công nhân vệ sinh chỉ cần điều khiển xe rác nhấc thùng lên đổ là được, thuận tiện hơn rất nhiều.

Những thùng rác ở đây thường mang lại nhiều niềm vui bất ngờ cho bà Triệu. Thực ra thì bà cũng chẳng thiếu thốn gì chút tiền bán ve chai ít ỏi, mà bà thích cảm giác vui vẻ khi “đãi được vàng” từ trong thùng rác.

Sáng hôm đó, tiết trời oi bức, ẩm ướt rất khó chịu, nhưng trông lại không giống như sắp có mưa. Bà Triệu đi trên con ngõ vắng vẻ, thầm cảm thấy may mắn vì mình đã dậy sớm. Trời mới lờ mờ sáng, bà lại tới bên thùng rác tìm kiếm như thường lệ, bỗng nhìn thấy loáng thoáng có một đống gì đen đen bên trong nhà rác.

“Ồ, cái bao to tướng thế này, đựng gì vậy nhỉ?” Bà lẩm bẩm tự hỏi, rồi cố gắng duỗi thẳng lưng, bước vào trong nhà rác.

Trong một góc nhà rác có một bao gai căng phồng, miệng bao hình như được buộc chặt bởi một chiếc khăn lụa, ánh lên lờ mờ dưới ánh sáng yếu ớt lúc ban mai.

Bà Triệu bước lại gần cái bao gai, chợt ngửi thấy mùi thối nồng nặc.

Mùi hôi thối quá khủng khϊếp khiến bà Triệu phải lảo đảo.

“Cứ tưởng có thứ hay ho,” bà Triệu dụi mũi, “bao gì mà thối hoắc thế này, chắc nhân viên vệ sinh chẳng chở đi cho đâu.”

Bà Triệu tiếc rẻ nhìn tấm khăn lụa buộc miệng bao, lẩm bẩm: “Chẳng hiểu ai mà lại lộn xộn thế không biết, vỏ tôm hùm mà cũng vứt bừa ở đây? Thời tiết này mà bỏ đó hai ngày thì làng xóm đến chết ốm mất. Mà khăn lụa dù không dùng nữa thì cũng không nên mang buộc túi rác thế này chứ, đúng là lãng phí.”

Cư dân huyện Dương Cung có một thói quen, từ tháng Tư đến tháng Mười hàng năm là mùa tôm hùm nước ngọt nên cư dân thường ăn đêm bằng tôm hùm nước ngọt với bia. Vì thế, vừa chập tối, ven các đường phố trong huyện lại bày hàng dãy quán tôm hùm, đông nghịt thực khách cởi trần uống bia, trò chuyện rôm rả. Nghe nói, huyện Dương Cung mỗi ngày tiêu thụ đến vài tấn tôm hùm, hệ quả là cũng xả ra hàng tấn vỏ tôm cần được xử lý.

Một số tiểu thương thiếu lương tâm vì muốn tiết kiệm khoản phí vệ sinh đã tự mình đi vứt vỏ tôm hùm. Bởi thế, phát hiện ra những bao tải vỏ tôm chồng chất trong khu dân cư đã không phải là chuyện hiếm.

Bà Triệu là người rất giàu tinh thần cộng đồng nên đã bịt mũi cố chịu đựng mùi hôi thối, nhặt một mảnh giẻ lót tay, kéo cái bao gai đến một khu trại lợn bỏ hoang cách đó vài chục mét.

“Để đây thì hàng xóm cũng đỡ thối.” Bà Triệu hài lòng phủi tay, sau đó đưa mắt nhìn theo mảnh khăn lụa buộc miệng bao đã bị tuột ra trong lúc bà lôi kéo, đang bay dạt theo gió sớm.

Bà Triệu chưa kịp rời khỏi khu trại lợn thì bỗng thấy hai con chó hoang gầy như que củi chạy bổ tới, xúm vào nhay cắn cái bao.

“Ăn đi, hôm nay chúng mày tha hồ mà chén no nê nhé!” Bà Triệu bước đi một đoạn rồi ngồi xổm xuống, nheo nheo mắt nhìn hai con chó đang hớn hở trước bữa đại tiệc trời cho.

Miệng bao gai đã bung ra, hai con chó nhanh chóng kéo từ bên trong ra một thứ gì giống như ga trải giường. Đó là loại ga giường “quốc doanh” bằng vải hoa màu hồng mà hầu hết những người sống vào thập kỷ 70 đều đã từng quen thuộc.

“Sao lại dùng ga giường để bọc vỏ tôm hùm nhỉ?” Bà Triệu tròn mắt ngạc nhiên.

Ga giường đã bị hai con chó giật tung, bên trong không phải là đống vỏ tôm hùm như bà Triệu nghĩ, mà lòi ra một cái chân người trần trụi.

Cảnh tượng ghê sợ khiến bà Triệu kinh hoàng ngã ngồi xuống đất. Chết lặng đi mất một lúc, ý thức trách nhiệm cộng đồng lại một lần nữa trỗi dậy, bà gần như ném sạch toàn bộ gạch đá xung quanh mới đuổi được hai con chó đi, sau đó một tay đè lên l*иg ngực vẫn đang đập thùm thụp, một tay rút chiếc điện thoại di động rẻ tiền, run rẩy bấm số 110.

*

“Thời tiết hôm nay hình như hơi bất thường.” Tôi tắt điện thoại, hơi nhoài người ra khỏi cửa sổ, nhìn bầu trời dày đặc mây đen. “Hy vọng công tác khám nghiệm sơ bộ đã được tiến hành nhanh chóng, sắp mưa đến nơi rồi.”

Hiện trường án mạng ở ngoài trời sợ nhất là gặp mưa, nếu khám nghiệm không kịp thời, có thể đánh mất manh mối và chứng cứ then chốt nhất. Tôi bắt đầu nhấp nhỏm không yên.

“Phải đấy.” Cặp lông mày rậm như xoắn lại thành nút trên khuôn mặt trắng trẻo của Lâm Đào. “Dấu vết ban đầu đã bị phá hoại rồi, nếu lại gặp mưa nữa thì đúng là toi.”

Đại Bảo chẳng quan tâm đến thời tiết ra sao, giơ hai ngón tay hình chữ V bật ra câu nói muôn thuở: “Chạy hiện trường không lo bị trĩ, yeah!”

Một lát sau, những giọt mưa lớn bắt đầu quất ràn rạt vào cửa kính. Trời đổ mưa rào rào, đúng là họa vô đơn chí. Con đường cao tốc hoang vắng từ từ tối sầm lại như ban đêm khiến cho tài xế Hàn Lượng buộc phải bật đèn, lái xe thật chậm trong màn mưa xối xả. Trước luồng đèn xe bỗng lờ mờ hiện ra xác con chó nhỏ bị xe cán chết.

“Gặp mưa thì thi thể càng thối rữa nhanh chóng, chẳng mấy chốc sẽ chỉ còn lại một nắm xương thôi.” Tôi xót thương cho sinh mệnh bé nhỏ đã lìa đời, dùng kiến thức pháp y để dự đoán tương lai cho thân xác điêu tàn đó.

“Sao trời lại đen ngòm thế nhỉ?” Đại Bảo đẩy gọng kính trên sống mũi, chẳng hề đồng điệu với cảm xúc của tôi, nhìn trời đất tối sầm như ban đêm, lẩm bẩm: “Hay là nhật thực rồi?”

“Không phải đâu! Tại mây đen đấy.” Hàn Lượng nói. “Lần nhật thực tiếp theo, cho dù là nhật thực không toàn phần thì cũng phải đợi đến năm 2020, còn nhật thực toàn phần thì phải đến tận năm 2034 nhé.”

Anh tài xế Hàn Lượng của chúng tôi vốn là một cậu ấm nhà giàu rất khác người, vốn theo nghề cảnh sát vũ trang. Sau khi xuất ngũ đã bỏ qua cơ hội quản lý khối tài sản mấy chục triệu nhân dân tệ, vẫn ôm giấc mộng quân phục nên xin vào làm tài xế cho sở Công an tỉnh. Tuy học vấn không cao nhưng hiểu biết rộng, vốn kiến thức uyên bác của anh thường khiến chúng tôi phải khâm phục sát đất.

Nghe Hàn Lượng nói vậy, Đại Bảo liền xòe bàn tay ra tính toán. Tôi biết anh ta đang tính xem đến lúc đó mình bao nhiêu tuổi.

Tôi lắc đầu bó tay trước anh chàng tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên nhưng dốt toán đến phát gớm kia rồi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, rầu rĩ nói: “Sao lại mưa to thế không biết? Thôi đừng mưa nữa. Tôi biết anh oan ức lắm, nhưng chúng tôi đang đến đây mà!”

Tôi nhìn thấy mái tóc của Lâm Đào như dựng đứng lên, đang ngồi ở hàng ghế sau, anh chàng ôm cứng lấy lưng tựa ghế của hàng ghế trước, nơm nớp hỏi: “Cậu đang nói chuyện với ai thế? Cậu nhìn thấy gì à?”

*

Nhưng thật bất ngờ, khi chúng tôi sắp sửa xuống khỏi đường cao tốc, bỗng thấy trước mặt trời đất sáng bừng. Nhìn mặt đất khô ráo, biết rằng Dương Cung chưa hề đổ mưa. Mùa hè là như vậy đấy, đi có một đoạn đường cao tốc mà chỗ thì âm u, chỗ thì nắng ráo, chỗ thì mưa rào. Cũng chính vì vậy, xác chết trong môi trường thoắt mưa thoắt nắng cũng thối rữa rất nhanh. Thi thể phân hủy nhanh nhất mà tôi từng gặp mới tử vong có hai ngày đã thối rữa đến trương phềnh.

Nhưng hôm nay thật đáng mừng, huyện Dương Cung không mưa, chúng tôi có đủ thời gian để khám nghiệm hiện trường.

Trong “Hồng lâu mộng” có miêu tả Vương Hy Phượng “chưa nhìn thấy người đã nghe thấy tiếng”, còn với các bác sĩ pháp y có khứu giác nhạy bén thì mỗi lần đến hiện trường án mạng vào mùa hè đều là “chưa nhìn thấy xác đã ngửi thấy mùi”. Chúng tôi còn chưa nhìn thấy đám đông vây quanh hiện trường, Đại Bảo đã phán một câu: “Ồ, sắp đến nơi rồi!”

Hiện trường nằm ở cuối một con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, gần một trại lợn bỏ hoang, gồm mấy dãy nhà gạch hoang tàn mất hết cửa nẻo và khoảng sân um tùm cỏ dại. Cái bao gai ruồi nhặng bu kín nằm chỏng chơ dưới đất chính là đối tượng công tác của chúng tôi.

Từ nhà rác nơi bà Triệu phát hiện ra cái bao đến trại lợn bỏ hoang dài khoảng sáu chục mét. Cảnh sát đã giăng dây cảnh giới từ nhà rác trở vào, lại thêm đây là khu dân cư, người dân ra vào khá nhiều, vì thế cứ cách vài mét lại có một cảnh sát khu vực đứng canh gác, đề phòng có người dân tò mò lách qua vòng dây lẻn vào hiện trường.

“Chào trưởng phòng Tần!” Bác sĩ Giang của huyện Dương cung tháo găng tay, bước tới bắt tay tôi. Anh là bác sĩ pháp y cấp huyện hiếm hoi trong toàn tỉnh nhận được chức danh chuyên gia pháp y cấp phó phòng, khoảng bốn chục tuổi, trông rất tháo vát nhanh nhẹn, tính tình khiêm tốn hòa nhã.

“Thi thể đến giờ vẫn chưa tìm thấy.” Bác sĩ Giang nói. “Nãy giờ chúng tôi chủ yếu tiến hành tìm kiếm theo kiểu cuốn chiếu ở xung quanh nhà rác, đáng tiếc là chỗ này nhiều người qua lại quá, không thể phát hiện ra manh mối có giá trị nữa. Chỉ có một phát hiện duy nhất, đó là tìm thấy một cái điện thoại trong kẽ đá nhà rác.”

Bác sĩ Giang đưa ra một túi vật chứng, bên trong có một chiếc điện thoại rẻ tiền đã bị vỡ màn hình.

“Điện thoại vẫn bật lên được.” Bác sĩ Giang nói. “Đã liên hệ với những người trong danh sách cuộc gọi của điện thoại, chủ điện thoại là một cậu bé 11 tuổi tên là Bào Quang Mẫn. Cậu bé đã mất tích vào năm ngày trước, tức là ngày 9 tháng Tám. Vì thế, chúng tôi sơ bộ phán đoán nạn nhân chính là chủ nhân của chiếc điện thoại, Bào Quang Mẫn.”

Lâm Đào đeo găng tay, cầm lấy túi vật chứng, lấy ra nguồn sáng nhiều dải từ trong hòm đồ nghề, quan sát tìm kiếm dấu vết trên chiếc điện thoại.

“Chẳng có dấu vết gì hết.” Bác sĩ Giang nói. “Khi chúng tôi phát hiện ra, cái điện thoại ướt rượt, đang trong trạng thái tắt máy. Bộ phận pháp chứng đã kiểm tra rồi, không phát hiện ra bất cứ dấu vết gì.”

“Ướt? Thế mà vẫn mở máy được?” Tôi hỏi. “Là điện thoại của hãng nào vậy?”

Đại Bảo nói: “Trong phim truyền hình đã nói rồi đấy thôi, điện thoại nhái thật bá chấy!”

“Thế chiếc khăn lụa mà người báo cảnh sát nói đến có tìm thấy không?” Từ trong một vài thông tin rời rạc về vụ án, tôi chỉ thấy điểm này là then chốt nhất. Đồ vật dùng để gói buộc thi thể trong những vụ án vứt xác giữ vai trò vô cùng quan trọng, đôi khi có thể trở thành nhân tố then chốt để phá án.

Bác sĩ Giang lắc đầu, nói: “Bên ngoài tường bao của trại lợn là sông Dương, nếu chiếc khăn bị gió cuốn ra đó, sẽ không thể tìm thấy được nữa. Chúng tôi đã thử đi tìm, nhưng không thấy đâu cả.”

“Đúng là không có dấu vết gì.” Lâm Đào đứng dậy nói. “Danh sách cuộc gọi thì sao?”

Bác sĩ Giang nói: “Đã kiểm tra, không có gì khả nghi.”

“Không có hiện trường, không có kết quả điều tra sơ bộ, chỉ còn cách để tử thi lên tiếng vậy.” Tôi đưa tay dụi mũi rồi đeo găng tay, tiến về phía thi thể.

Còn cách khoảng hai mét, mùi hôi thối đã bắt đầu tấn công dữ dội vào thần kinh khứu giác của tôi. Dưới ánh nắng chói chang, mùi thối bốc lên ngùn ngụt khiến tôi gần như không mở nổi mắt.

Cái bao gai trước mặt là loại bao xác rắn thường gặp, cũ nát đến mức dòng nhãn hiệu in bên ngoài đã không tài nào nhìn rõ. Cái bao ướt rượt, tôi biết đây là dịch phân hủy ứa ra từ xác chết bị thối rữa. Từ miệng bao thò ra một góc ga trải giường, cũng đã bị ướt phần lớn, dịch phân hủy thấm xanh lét cả màu vải hồng.

Nhìn vào hình thù và độ căng phồng của cái bao, biết rằng trong bao đựng một xác trẻ con hoàn chỉnh. Miệng bao ruồi nhặng bu kín, tôi cầm chiếc áo giải phẫu vẫn còn nguyên trong túi nilon quạt lấy quạt để, ruồi nhặng vo ve bay túa ra, để lộ một cái chân người trắng bệch thò khỏi miệng bao.

Đại Bảo đứng bên cạnh gãi đầu, ngạc nhiên hỏi: “Lạ thật đấy, mất tích bao nhiêu ngày rồi, lại nhìn vào tình trạng của cái bao, nặng thì đã hóa xương, nhẹ thì cũng phải trương phềnh nhưng tại sao cái chân trông vẫn nguyên lành sạch sẽ thế nhỉ? Không hề có dấu vết bị thối rữa.”