Võ Lâm Ngũ Bá

Chương 56: Nghĩa Nặng Tình Sâu

Hoàng Dược Sư liền chan canh vào cơm, thổi cho nguội nhúm từ nhúm nhỏ đút vào miệng thiếu nữ.

Nàng con gái vì quá đói quên cả vết thương trên cổ, ăn một loáng đã vơi hết nửa phần cơm canh trong giỏ, nước da trắng tái mới có chút sinh khí phơn phớt đỏ trở lại, nàng lờ đờ bất lực mở mắt ra rồi khóc và kêu lên:

- Mẹ ơi!

Hoàng Dược Sư thót giật mình thầm nghĩ:

- Té ra nàng còn cả cha mẹ, nhưng chẳng hiểu tại sao lại một thân một bóng trôi dạt trên biển cải mà trên cổ lại bị thương, chẳng hiểu do nguyên nhân nào gây ra?

Chàng bèn dịu dàng hỏi:

- Tiểu cô nương, cô tỉnh lại đi, nơi đây là bờ biển, cha mẹ cô ở đâu? Tại sao cô phải ra nông nổi này? Có thể cho tôi biết được chăng?

Thiếu nữ nghe Hoàng Dược Sư hỏi văng vẳng bên tai, thần trí có phần khôi phục trở lại, nàng mở mắt nhìn thấy có một vị thư sinh trung niên anh tuấn, phong cách tiêu sái cùng một chú bé mặt mũi sáng sủa đứng gần bên mình, nàng bỗng khóc ồ lên và nói:

- Quân cường đạo ác nhân thất đức kia đã gϊếŧ chết cha mẹ tôi rồi!

Nói xong khóc lên tức tưởi rất bi thương.

Hoàng Dược Sư thầm kinh hãi, té ra cha mẹ nàng đã bị cường đạo sát hại, chàng tình cờ gặp phải chuyện bất bình này, không thể bỏ qua mà chẳng can thiệp, nhưng nàng cứ khóc lóc mãi biết làm cách nào đây?

Võ Hồng Quang vọt miệng nói:

- Sư phụ, nơi đây chẳng phải là chỗ nói chuyện, thầy trò ta nên dìu nàng tìm một nơi nào có nhà cửa nghỉ ngơi, đợi lúc nàng bình phục hẳn tính chuyện sau!

Hoàng Dược Sư khẽ gật đầu tán đồng:

- Có lý! Thầy quên mất vết thương trên cổ của nàng!

Nói đoạn chàng móc ra một hoàn thuốc kim thương, đắp vào vết thương trên cổ nàng, sau đấy bảo Võ Hồng Quang:

- Đồ đệ hãy cùng nàng vào bờ, tìm nơi nào có nhà cửa dân cư tạm cho nàng nghỉ ngơi đôi ngày.

Hồng Quang trù trừ đáp:

- Cái ấy, cái ấy...khó quá vì cô ta là con gái!

Hoàng Dược Sư sầm mặt lại quát:

- Người lại giở giọng cũ rồi! Lễ giáo đâu phải áp dụng cho hạng chúng ta! Một con người chỉ cần tâm địa quang minh, cần gì phải khư khư theo lối cổ hủ nam nữ thọ thọ bất thân rỗng tuếch ấy!

Võ Hồng Quang thấy sư phụ sắp nổi giận hoảng hốt líu lưỡi dạ luôn miệng, vội khom người xuống xốc thiếu nữ lên lưng cõng nàng trở lại hướng có nhà cửa mà cậu đã trộm thức ăn lúc nãy, khoảng khắc sau là đã đến nơi cũ.

Thật là oan gia gặp gỡ giữa đường, thiếu phụ quê mùa mà lúc nãy đã bị Hồng Quang dùng kế "điệu hổ ly sơn" để trộm giỏ cơm canh lúc nãy vừa qua lại xách lại giỏ tre lủng lẳng từ phía trước mắt đi lại, chợt thấy tên tiểu yêu Võ Hồng Quang, nàng lập tức la bài hãi lên khiến những tráng phu đang cày cấy gần đó bỏ cả công việc chạy ùa đến độ bảy, tám người, đồng lên tiếng hỏi:

- Gì thế, mụ Tế Nhị? Mụ la lối ai đấy?

Thiếu phụ xỉa tay vào mặt Hồng Quang và đáp:

- Mau lại đập thằng tiểu yêu này! Nó dám trộm cơm canh của tôi, còn dùng than lửa đốt phỏng chân tôi, bây giờ lại lấm la lấm lét trở lại đây, định ăn cắp thêm gì nữa đấy. Mau tóm cổ đừng để nó chạy thoát!

Những nông phu ấy đều là những người thật thà thô lỗ, nghe mụ Tế Nhị nói thế, đều nổi giận la hét lên inh ỏi, kẻ cuốc người xuổng định sấn tới, có vài tên nông phu lanh mắt la to:

- Khoan đã, thằng tiểu yêu ấy sau lưng có cõng một cô gái, chắc là bắt cóc con nhà ai chứ chẳng sai, tóm cổ nó trước rồi sẽ nói chuyện sau!

Mọi người định tiến tới bao vây Hồng Quang vào giữa.

Hoàng Dược Sư liền sấn bước ra trước và nói:

- Các vị hương thân không nên động thủ!

Mấy tên nông phu thấy Hoàng Dược Sư ăn mặc theo lối học trò, mà Tống Trào rất quí kẻ đọc sách, trọng văn khinh võ nên bọn chúng chẳng dám mạo muội thất lễ đành buông xuôi cuốc xuống chờ ý kiến của chàng.

Hoàng Dược Sư mới ung dung tiếp lời:

- Đứa nhỏ đó là học trò của tôi, chư vị có điều gì cứ đem ra thảo luận, chứ chẳng được vô lễ với đồ đệ tôi.

Thiếu phụ nghe Hoàng Dược Sư nói thế, nổi giận cành hông tác sắc mắng to:

- Gã học trò hôi hám kia khéo dạy đứa học trò làm giặc mà còn giở giọng bênh vực nữa.

Hoàng Dược Sư chẳng đáp chẳng rằng, cười nhạt một tiếng tay phải giơ lẹ lên như chớp "bốp! chát", vả vào quai hàm thiếu phụ hai cái như trời giáng, khiến thiếu phụ trẹo cả quai hàm sang bên, đau thấu trời xanh đất đỏ.

Không sao mở miệng chưởi được, mụ chỉ rống lên từng hồi, như heo bị chọc tiết.

Mấy tên nông dân thấy Hoàng Dược Sư bỗng dưng ra tay đánh người, giận không nhịn được, la hét vang rần, kẻ phản người cuốc nhất tề giáng xuống đầu đối phương.

Hoàng Dược Sư bình tĩnh như không, khẽ nhắc một cánh tay lên, chẳng hiểu chàng dùng thủ pháp gì mà đoạt một hơi bảy tám nông khí của đối phương vào tay, đoạn chàng phất nhẹ tay áo trở ra, mấy tên nông phu cả người lẫn khí giới, văng ra bảy tám bước, té lổm ngổm trên mặt đất.

Mấy tên nông phu vừa giận vừa sợ, lồm cồm ngồi chờ vậy, ráng gân cổ la lên:

- Không xong! Có quân cướp gϊếŧ người, bớ bà con! Có cướp! Có cướp!

Hoàng Dược Sư lặng thinh tung người đến sát bên họ, tên nào hả họng la làng, chàng cứ theo phép trừng trị, vả trẹo quai hàm tên ấy, khiến bọn chúng đau đớn quá đỗi, lăn lộn dưới đất như trâu điên.

Những nông dân đang cầy cấy gần đấy, nghe tiếng vội bỏ việc đồng áng tụ tập thành đoàn, chỉ trong chốc lát kéo đến trên một trăm tên.

Hồng Quang cả kinh nói:

- Sư phụ, bọn họ đông người quá, thầy trò ta quả bất địch chúng, chi bằng nhanh chân trở về lối cũ để thoát thân!

Hoàng Dược Sư cười nhạt luôn miệng, ngang nhiên chẳng sợ hãi. Chàng chờ cho đám nông phu kéo đến cách xa độ hai ba trượng, liền chấp hai tay lại như xá, mường tượng như vái chào ra mắt bọn chúng, nhưng kỳ thật chàng chẳng phải hạ mình thủ lễ với họ, mà chính chàng đem sức mạnh Phách Không Chưởng ra áp dụng, khí thế tuy chậm rải từ tốn nhưng sức mạnh thật vô cùng.

Những tên nông phu đi hàng đầu độ ba bốn mươi tên bị sức đẩy của Phách Không Chưởng thi nhau té lộn mèo trở ra sau, "lộp! bộp!" như tàu chuối rụng, người trước đè người sau kẻ té trên đè kẻ té dưới, khiến bọn chúng kêu lên ôi ối náo loạn cả nột vùng.

Hoàng Dược Sư cất giọng oai nghiêm hét lớn:

- Tên nào không sợ té bưu đầu khỏi cổ thì cứ việc tiến tới thử xem?

Đám người ô hợp tráng nông kia, tên nào cũng ngán bị té đau, chẳng dám tiến tới chỉ đứng ở xa xa vây lấy thầy trò Hoàng Dược Sư.

Chàng lại cười nhạt bảo:

- Các người cứ một hai vu oan cho thầy trò ta là giặc. Nhưng thầy trò ta trộm cắp vật gì của các người, các người nói cho ta lẹ đi!

Đám nông phu thấy diện mạo Hoàng Dược Sư thần uy lẫm lẫm: mắt sáng mày dài, bọn chúng đều giương cặp mắt đớ lưỡi không sao đáp trôi.

Đào Hoa đảo chủ cười khẫy một tiếng, lại nói tiếp:

- Một chó sủa bậy, trăm chó hùa theo, chúng ta đường đường chính chính như thế này, mà là đạo tặc được sao?

Những tên đại tặc hung ác nhất trong thiên hạ, tên nào cũng ngôi cao phẩm trọng, ngồi chễm chệ giữa triều ca, hút máu dân đen, đoạt vợ người lành, dù nói ra chưa chắc các ngươi đã hiểu! Bây giờ bọn ngươi phải nói rõ lý do tại sao cho ta là đạo tặc, nếu nói không thông ta vả rụng hàm hạ của mỗi người cho biết tay.

Đám nông dân vừa mới nếm qua bản lĩnh lợi hại của họ Hoàng, biết rằng chàng đã nói là làm, tên nào cũng kinh tâm run mật, cuối cùng có một tên nông phu bạo dạn nhất trong bọt đứng ra lên tiếng:

- Ông thì không phải là giặc, nhưng đồ đệ của ông lại đi trộm cơm canh của mụ Tế Nhị.

Hoàng Dược Sư cười to đáp:

- Quả thế, đồ đệ của ta trộm cơm canh của các người, không phải vì quá đói bụng mà làm thế, mà hoàn toàn vì cứu sống mạng người. Ban đầu nó đưa bạc ra mua hẳn hòi, nhưng các người lại làm hiểm chẳng chịu bán cho nó, có khác nào bức bách nó phải trộm cho kỳ được?

Bọn ngươi lại chẳng suy nghĩ cho rõ thiệt hơn đen trắng lại a phù vác cuốc xuổng đánh kẻ có lòng nhân, thử hỏi ai mới là giặc!

Chàng dùng lời ngay ý chánh nói một hơi, nông phu câm mồm không sao đáp được, bọn họ một mặt nể sợ bản lĩnh tuyệt vời của Hoàng Dược Sư, mà còn nơm nớp lo âu chàng nổi nóng bất tử, đưa bọn họ đến cửa quan trị tội phạm thượng kẻ sĩ, thì khốn cả lũ.

Hoàng Dược Sư biết bọn chúng đã sợ, không khỏi cười nhạt luôn mấy tiếng, rảo chân đến chỗ những tên bị vả trẹo quai hàm, đở xốc họ dậy, mỗi tên được chàng tặng thêm hai bạt tay lốp bốp, sửa cho quai hàm trở về vị trí cũ, tức thì bao nhiêu đau đớn phút chốc tiêu tan, tên nào tên nấy xưng tạ luôn miệng.

Mọi người thấy thủ pháp của Hoàng Dược Sư thần diệu như thế, đều nô nức khen lạ kỳ, bọn chúng sau trận đòn ấy đều kính phục Hoàng Dược Sư như thiên thần chẳng còn dám mạo phạm nữa!

Hoàng Dược Sư quay ra sau bảo Hồng Quang:

- Đồ đệ lại đây với thầy!

Hồng Quang thấy sư phụ mình đã chế phục được đám nông dân mới hết sợ, bạo gan tiến lên.

Hoàng Dược Sư lấy tay chỉ vào thiếu nữ và nói với mọi người:

- Cô gái ấy từ trong sào huyệt bọn cướp trốn thoát ra ngoài, chúng ta mới cứu sống nàng và đem lên đây, nàng vẫn còn bị thương nặng! Tục ngữ có câu: Cứu một mạng người, còn hơn xây chín phù đồ.

Chúng tôi định mượn địa phương của quí vị để cứu mạng nàng. Còn như tên học trò tôi có lỡ trộm cơm của Tế Nhị Nương, tôi xin tạ lỗi quí vị về chuyện ấy, buổi cơm ấy giá đáng bao nhiều tiền, tôi xin bồi thường cho quí vị có được chăng?

Chàng nói lên như thế, càng làm cho dám nông phu thêm phần kính trọng, nên đồng rập lên tiếng trả lời:

- Được lắm! Được lắm! Lúc nãy chúng tôi lỡ nóng mạo phạm đến tướng công hải hà chi lượng, hỉ xả cho chúng tôi vậy.

Mọi người đều ùn ùn đi trước, dẫn đường cho thầy trò của Hoàng Dược Sư về thôn trang mình.

Hồng Quang lẹ mồm nhạy miệng hỏi thăm người trong thôn biết rõ nơi đây là Thanh Vận thôn, ước độ trên một trăm nóc gia chuyên nghề nông vụ làm kế sinh nhai. Vị trí của thôn nằm dưới chân núi cách xa bờ biển độ bảy dặm, trong thôn đại đa số chỉ có hai họ Tề, Vu.

Nơi đây cách huyện thị rất xa, nếp sống thanh bình không nhiễm thói điêu ngoa của phồn hoa đô hội, ngày làm đêm nghỉ, thong dong tự tại như thú sống khoái lạc của đào nguyên, an vui hòa lạc như thiên đàng trên nhân thế, đang lúc vui theo câu chuyện, đoàn người về đến cổng thôn mà không hay.

Hoàng Dược Sư bèn tạm trú tại nhà của một nông dân tên Võ Nhuận.

Nơi đây có phần rộng rãi, hơn nữa lại có nữ tì.

Hoàng Dược Sư đưa thiếu nữ an trí xong xuôi, mới gia tâm băng bó vết thương cho nàng, thuốc thang thoa phết bận rộn hơn một buổi trời, thiếu nữ mới hoàn toàn tỉnh táo hẳn.

Nhưng vì vết thương trên cổ nàng vẫn còn đau đớn lắm, không thể nói chuyện nhiều được vài câu.

Hoàng Dược Sư chỉ còn cách để nàng tịnh dưỡng thêm đôi ngày nữa?

Cho đến ba hôm sau, vết thương nơi cổ mới kéo da non và sắp lành.

Nàng mới từ từ thuật lại hoạn nạn đã trải qua, khiến Hồng Quang đứng bên nghe lỏm, phải nghiến răng châu mày liền hồi.

Thì ra thiếu nữ ấy họ Phùng, khuê danh Hương Điệp người tỉnh Triết Giang, con nhà lễ giáo gia phong, cha tên Phùng Lai một vị nho sĩ hữu danh nơi đất Triết sớm dấn thân đường hoạn lộ, thi được trúng chức Tiến Sĩ.

Nhưng vì không quen được cảnh thối tha dơ dáy trên chốn quan trường, không chịu hạ thấp phẩm giá theo lũ ruồi nhặng hôi tanh, nên treo ấn từ quan lui về thú sàng dã.

Tiến sĩ Phùng Lai này tánh khí thanh cao, ghét nịnh như kẻ thù. Tại phòng khách nơi nhà, ông tạc lên bốn bức tượng bằng đất của bốn tên gian tên đương triều là Trà Kinh, Đồng Quán, Trương Bang Xương, Tần Cối.

Mỗi ngày sáng sớm thức dậy, sau khi súc miệng rửa mặt xong xuôi, chuyện làm thứ nhứt của Phùng Lai là đến phòng khách mắng chưởi bốn tượng đất gian thần một hơi.

Nào Trà Kinh, Đồng Quán lộng quyền hại nước, Trương Bang Xương mãi quốc cầu vinh, dắt giặc vào nhà, Tần Cối tư thông Kim Bang, hại mạng Nhạc Phi, mắng chưởi cho đến khi hơi giận xông lên đầu, lại dùng roi quất túi bụi vào bốn tượng đất.

Nhưng vì tượng làm bằng đất nung chín, đâu có thể chịu đựng được sự đánh đập nặng tay, không tới năm ba ngày sau là sứt đầu gảy cổ, lại lui cui nắn tượng khác để đánh đập nữa, sở dĩ thế mà một số người kêu lén ông là Phùng Khải Tử (tên Phùng khật khùng).

Vợ con trong nhà dù hết sức khuyên ngăn, nhưng ông vẫn giữ y tật cũ, cuối cùng chán nản đành để cho ông tha hồ nắn tượng theo như ý muốn.

Năm họ Phùng ba chục tuổi, thì vợ là Tần thị sanh được một mụn con gái, vì ngày lâm bồn nằm mộng thấy có một con bướm có hoa điểm tròn bay xà vào lòng nên mới đặt cho con gái tên là Phùng Hương Điệp.

Hương Điệp càng lớn, càng tỏ ra thông minh hơn người, năm tuổi làm văn, bảy tuổi đã biết làm thơ, liếc mắt nhìn sơ, đã thuộc được mười giòng nghiễm nhiên là một nữ tấn sĩ không chức phẩm.

Phùng Lai thấy con gái mình thông minh tuyệt đỉnh như thế, hết sức vui lòng, thường bảo vợ:

- Điệp nhi thông minh như thế, thật là hoa quí trong nữ giới, đáng tiếc là hễ thông minh có dư, thì phúc hậu chẳng đủ, e cho con phải hồng nhan bạc mệnh, không được thọ tuổi trời lắm!

Quả đúng như lời tiên tri của Phùng Lai, Hương Điệp đến tuổi mười sáu, đã gặp phải thảm họa tày trời.

Nguyên vì Tri Phủ nơi đất ấy là Ngõa Tế Dân xuất thân vốn môn hạ Tần Cối, tánh tham vô độ. Từ lúc nắm chức Tri Phủ, hoành hành, tác oai tác phúc khắp địa phương, cai trị tham tài đoạt vật, xén bớt của công hối mại của tư, vơ vét thỏa thích theo túi tham không đáy, tiếng oán của lương dân kêu thấu lừng trời, nên dân chúng lén đặt cho y cái ngoại hiệu là "Ngõa lóc da".

Ngõa Tri Phủ sanh một quí tử tên Ngõa Hy Thuấn, bẩm tánh hành vi còn hơn cha một bực. Hư hỏng cực cùng, suốt ngày lân la tửu điếm trà đình du thủ du thực, đi rong các đường phố tìm gái đẹp cưỡиɠ ɧϊếp.

Bá tánh trong thành thấy mặt y ở xa xa là đã lẩn trốn, để tránh việc gây họa vào thân. Mọi người đều đặt cho y cái tên là Hoa Thái Tếu.

Như vậy, đủ thấy y ham da^ʍ háo sắc đến bực nào!

Một hôm Hy Thuấn, dắt theo vài tên cận vệ lang sói rong chơi ngoài đường phố, tình cờ đi ngang qua cửa nhà Phùng Lai, thấy trước cửa có chiếc kiệu xanh ngừng lại rồi trong kiệu bước ra một thiếu nữ thiên kiều bá mị, sắc thần như Hằng Nga, tuổi cũng vừa độ trăng tròn, có một nữ tì gìa phò đưa thẳng vào bên trong.

Ngõa Hy Thuấn sững sờ đến phách lạc hồn xiêu cho đến khi cánh cửa đóng sầm lại, y mới giật mình sực tỉnh, nháy mắt nhăn răng nói với thủ hạ:

- Thật là một tuyệt thế giai nhân?

Đám thủ hạ thấy chủ mình tỏ vẻ mê một như thế, bèn hỏi:

- Triết gia, nàng thiếu nữ ấy nhạp nhãn chăng?

Hy Thuấn xuýt xoa nói:

- Hạp quá rồi! Chỉ tiếc cô ta là một khuê nữ gia phong không phải hạng liệu ngỏ hoa tường, làm sao mà lọt vào tay.

Một tên ác nô biệt danh là "Thại Tô Tần " cười đáp:

- Con gái nhà lành thì hết cách rồi sao? Thiếu gia dù có thích mặt trăng trên trời, đại lão gia túng ráng mà cắt mặt trăng xuống cho thiếu gia vừa ý nữa là khác?

Hy Thuấn được gã bộ hạ nịnh bợ, khoái trá đến từng sợi chân lông cũng thấy hơi mát, tuoi tắn tươi cười nói:

- Phải rồi, nuôi binh hàng ngày dùng trong một buổi, bọn bây tìm mưu cho ta toại nguyện xem nào!

Thại Tô Tần đáp:

- Nếu thiếu gia thích ý, thì chuyện này tiểu nhân sẽ bảo lãnh giúp thiếu gia đến toại nguyện mời kỳ thôi.

Bàn tán xong, cả bọn kéo nhau trở phủ.

Nửa ngày sau Thại Tô Tận từ bên ngoài trở về cười hì hì bước vào cửa thư phòng của Hy Thuấn và nói:

- Thiếu gia ơi, có đường rồi! Tên thiếu nữ ấy là Hương Điệp, năm nay mới mười sáu tuổi còn trinh chưa chồng, con gái của quan Tiến sĩ Phùng Lai!

Ngõa Hy Thuấn hỏi:

- Hả? Con của lão "Phùng Khải Tử" ấy à? Chuyện này không nên đâu?

Thái Tô Tần đáp:

- Phùng Khải Tử thì sao! Tục ngữ có câu: Chẳng sợ quan nhưng phủ sợ làng! Thiếu gia là con của quan Tri Phủ sở tại, họ Phùng dù to gan mấy cũng phải nể nang. Thiếu gia chỉ cần nói rõ với lão gia, bảo chắc là thành công như trở bàn tay, nàng tiên yêu kiều như mộng kia sớm muộn gì chẳng mặc tình thiếu gia ôm hương ấp ngọc.

Ngõa Hy Thuấn ngẫm nghĩ cũng phải, liền đem y muốn mình thuật lại cho cha rõ.

Ngõa Tri Phủ vốn tánh chìu con, trăm sự đều nghe theo, tuy biết Phùng Lai là hạng danh sĩ khí khái, chẳng ham quyền quí nhưng chuyện con mình cưới vợ là một điều đại sự đáng mừng, đâu có gì quá đáng mà chẳng y theo.

Nên hắn phái một viên Thư lại đến nhà họ Phùng mời Phùng Lai đến phủ có chuyên cần kíp.

Phùng Lai hết sức ngạc nhiên vì bao lâu nay chẳng hề giao kết với quan phủ, hà cớ gì Ngõa Tri Phủ lại cho mời mình đến đàm đạo chuyện trọng yếu?

Ông vốn từ lâu khinh thị Ngõa Tri Phủ là hạng tham quan ô lại quen thói chắt bóp máu mũ lương dân. Nhưng vì đối phương đã có thành ý mời mọc, nên không thể chẳng đi.

Nên buổi chiều hôm ấy, ông buộc lòng đến dinh quan phủ.

Quả nhiên Ngõa Tri Phủ rất ân cần tiếp rước, trà nước xong xuôi bèn mở lời muốn kết thân với nhà họ Phùng.

Phùng Lai nghe xong biến sắc mặt, phất tay áo, đứng ngay dậy đáp:

- Ô hô! Sao có thể như thế được, họ Phùng nhà tôi cùng gia thế đại nhân sang hèn cách nhau rất xa, tệ nữ vụng về yếu đuối, đâu thể xứng với tư cách của công tử phủ quan? Chuyện ấy xin phủ quan chớ trách vãn sanh sao chẳng tuân mệnh!

Ngõa Tri Phủ không thể ngờ là Phùng Lai chẳng chút vị nể mình, ngang nhiên từ chối quyết liệt như tát nước vào mặt mình. Nhưng vì hôn sự của cậu quí tử đành phải nén lòng cười giả lả:

- Huynh đài sao còn câu chấp quá! Bổn quan trọng vọng huynh đài đạo đức văn chương thanh cao, khí tiết, danh rền sĩ lâm. Nên mới...

Phùng Lai chẳng đợi lão ta dứt lời, liền

khoát tay nói:

- Đại nhân không cần nhiều lời, Phùng mỗ nầy là hạng người nào?

Trong nhà tôi tạc những tượng ai? Đại nhân là môn hạ của vị nào? Không cần nói rõ chúng ta cũng điều hiểu rồi!

Nói đoạn cười lên ha hả như điên rồi đứng dậy phủi áo rời ngay phủ đường.

Lời nói ấy tuy nghe chẳng có gì nặng nề, nhưng đã làm cho Ngõa Tri Phủ giận đỏ mặt tía tai, thẹn thùng ngồi cứng một chỗ, không sao nên tiếng được.

Tri Phủ Ngõa Tế Dân là môn hạ của Tần Cối, được đến đây trấn nhậm, hoàn toàn cậy nhờ vào thế lực của Tần Thừa Tướng.

Trong nhà Phùng Lai đã tạc tượng đất Tần Cối để đánh đập sỉ vả, nói một cách rõ hơn là nhất định Phùng Lai không sao ưa được môn hạ của Tần Cối!

Lời của Phùng Lai vừa thốt ra, chẳng khác nào vít bãi bùn dơ lên tô đầy mặt Ngõa Tri Phủ, nặng nề cay cú còn hơn lời chửi rủa.

Ngõa Tri Phủ tức nghẹn giây lâu mới hết, quay sang quát đám thủ hạ nha trảo đang đứng hầu hai bên:

- Đồ vô dụng, còn đứng đực ra đó làm gì! Mau kêu Diêm Giáp Ty lại đây, nói ta có việc cần thương nghị.

Bọn hữu dạ vâng, chạy bay ra khỏi sãnh đường.

Diêm Giáp Ty mà Ngõa Tri Phủ vừa nhắc đến vốn họ Diêm tên Văn Đạo, là một tay túc trí đa mưu, nhờ tánh tình gian trá, khéo nịnh bợ, nên Ngõa Tri Phủ mới liệt vào hàng tâm phúc để hỏi mưu vấn kế.

Diêm Giáp Ty nghe lịnh Tri Phủ gọi, vội đến sãnh đường luồn lưng uốn gối cười nịnh bợ hỏi:

- Đại lão gia hôm nay có chuyện chi cần đến tài hèn của vãn sanh chăng?

Ngõa Tri Phủ đáp:

- Chính thế, ta đang mắc phải chuyện khá rắc rối.

Y bèn đem chuyện con trai mình muốn cưới con gái của Phùng Lai làm vợ, và y đã mời Phùng Lai đến cầu thân, và tên Phùng Khai Tử từ chối và xúc phạm y ra sao, nhất nhất thuật lại cho Diêm Giáp Ty nghe hết, cuối cùng nói tiếp:

- Văn Đạo, ngươi làm cách nào cho đứa con gái của gã Phùng khật khùng kia rơi vào tay chúng ta, để trả cái nhục này bổn quan sẽ hậu tạ công lao ngươi!

Diêm Giáp Ty rùn vai, cười nói:

- Sao đại nhân lại nói thế! Vãn sanh nhờ ơn đại nhân cất nhắc cho chức vị này, lý ra phải vì chủ, chia lo xẻ buồn, đâu dám mong mỏi tưởng thưởng công lao! Chẳng qua, hôm nay vừa mới tiếp được thư nơi quê nhà gởi đến, nhắn là gia mẫu gần đây vì gìa yếu nên hay bịnh...

Ngõa Tri Phủ chẳng đợi Diêm Giáp Ty nói thêm, lập tức trám miệng y lại. bảo:

- Thôi, khỏi cà kê dài dòng, ta cho mi trước ba trăm lượng bạc sau khi thành công mọi việc, sẽ thưởng thêm ba trăm nữa, đủ chăng?

Diêm Giáp Ty cười híp mắt, đáp lia:

- Đa tạ ơn sâu của đại nhân! Gã họ Phùng kia quen tánh tự cao cuồng ngạo, đối với hạng người ấy mềm với họ không được! Vãn sanh có một diệu kế gọi là "Dụi chão dưới lửa", cam đoan sẽ hiệu nghiệm như thần.

Nói xong y khẽ rỉ tai nói nhỏ với Ngõa Tri Phủ một hồi.

Ngõa Tri Phủ vỗ tay khen dốt:

- Kế ấy tuy có phần ác độc tổn đức, nhưng nếu chẳng làm thế, thì chẳng thỏa được lòng con ta, mặc, mặc!

Cứ y theo thế ấy mà làm!