Tôi trợn mắt :
- Học nguyên cả cuốn ?
- Đành phải ráng chứ sao ! - Phú ghẻ nhún vai - Văn nghị luận mày học cả hai năm trời còn không hiểu, tao chỉ cho mày chưa đầy một tháng thì ăn nhằm gì !
Tôi đang phân vân trước lời đề nghị kém khí thế của Phú ghẻ thì thằng Cường ngồi bên cạnh bỗng hùa vô :
- Ý kiến của Phú ghẻ hay đấy ! Tao nhất trí !
Cái thằng vô duyên này, chuyện của tôi chứ đâu phải chuyện của nó mà nó bày đặt "nhất trí" ! Cường không biết tôi đang chửi thầm nó. Mặt nhơn nhơn, nó quay sang vỗ vai tôi :
- Mày đừng lo ! Tao sẽ học chung với mày !
Ai chứ thằng Cường bảo đừng lo, tôi càng lo hơn ! Nó cùng một giuộc với tôi, học hành năm nào cũng lăm le thi lại, có cho vàng tôi cũng chẳng dám nghe theo lời khuyên của nó. Nhưng sau một hồi suy đi ngẫm lại, tôi buồn bã nhận ra chẳng còn con đường nào khác ngoài cách gò lưng tụng cho hết ba mươi đề thi văn lẫn những bài đáp án dài dằng dặc kia. Hồ sơ thi vào trường Trần Cao Vân tôi đã nộp rồi, muốn rút lại cũng không còn kịp nữa. Ba tôi lại đứng án ngữ phía sau, võ công của ông dạo này lại toàn chiêu sát thủ, tôi mà thoái bộ một cái là lãnh ngay "thiết cước" vào lưng. Phú ghẻ thương tôi thì có thương thật nhưng mới kèm tôi ba buổi nó đã chạy dài. Đã đến nước này, tao chỉ còn mỗi cách khăn gói theo mày "học tủ" quách, Cường ơi !
Tôi với Cường "học tủ", nhưng "tủ" của tôi không giống "tủ" của nó đầy nhóc, toàn bộ ba mươi đề thi lẫn bài giải đều nhét vào hết ráo. Còn tôi tụng đến gãy lưỡi gần cả tháng trời chỉ thuộc được mười bảy bài rưỡị Phú ghẻ tới kiểm tra, biết sức tôi chỉ tới đó, bèn ân cần động viên :
- Vậy là giỏi rồi ! Biết đâu đề thi năm nay chẳng nằm trong mười bảy cái đề đó !
Phú ghẻ nói càn mà sém tí nữa trúng phóc. Bữa thi môn văn đề bài ra na ná một trong mười bảy cái đề tôi đã học. Thế là nhắm mắt nhắm mũi, tôi tuôn một mạch, ngòi viết chạy ro ro nghe bắt sướиɠ lỗ tai. Nhoáng một cái, tôi đã đem bài lên nộp trước ánh mắt kinh dị và thán phục của cả phòng thi. Mấy đứa học sinh giỏi, mồm cứ há hốc ra, chẳng tài nào ngậm lại được.
Khi bước chân ra khỏi phòng thi, tôi cứ tiếc hùi hụi phải chi tôi sinh vào thế kỷ trước thì phen này chắc chắn dã "bỏ túi" cái Trạng nguyên, biết đâu lại được công chúa kén làm phò mã nữa không chừng !
Tôi làm phò mã tưởng tượng được chừng mười lăm phút thì những thí sinh trong phòng lục tục bước ra. Sau khi hỏi han, nghe tụi nó bảo đề thi vừa rồi không thể làm giống y chang đáp án mà phải sửa lại một vài chỗ, suýt chút nữa tôi đã xỉu ngay trong sân trường. Phải gắng gượng lắm tôi mới trấn tĩnh được và không buồn ở lại đợi Phú ghẻ như đã hẹn, tôi phóng một mạch về nhà.
Ba tôi hỏi :
- Làm bài được không con ?
- Trúng phóc ba à !
Mẹ tôi hỏi :
- Làm bài được không con ?
- Ngon lành mẹ à !
Nhỏ Châu hỏi :
- Làm bài được không anh ?
Tôi hạ giọng :
- Trớt quớt rồi mày ơi !
Một kế hoạch "lánh nạn" hiện ra chớp nhoáng trong đầu, tôi xin phép ba mẹ về nghỉ hè ở nhà ngoại dưới quê để đầu óc được thư giãn sau những ngày ôn thi căng thẳng. Chỉ những học trò chăm chỉ cần cù mới nêu ra được lý do chính đáng như vậy, ba tôi nghe bùi tai, bèn gật đầu ngay không cần suy nghĩ. Từ khi sinh ra tôi đến giờ, có lẽ đây là lần đầu tiên ông mới hưởng được hạnh phúc của một người cha có con "căng thẳng" vì học tập. Mẹ tôi hỏi :
- Chừng nào con đi ?
- Dạ, ngay bây giờ.
- Ngay bây giờ ? Làm gì gấp vậy ? - Mẹ tôi chưng hửng.
Tôi chép miệng :
- Dạ không hiểu sao con thấy nhớ ngoại quá !
Mẹ tôi có vẻ nghi ngờ trước tình cảm tràn trề đột xuất của tôi nhưng bà không nói gì, chỉ móc trong túi ra một xấp tiền dúi vào tay tôi :
- Xuống dưới nhớ đừng leo trèo nghịch ngợm coi chừng té gãy cổ nghen con !
- Dạ.
Tôi nhét tiền vô túi rồi vội vã đi tìm nhỏ Châu :
- Mày ở nhà nhớ trông nom vườn hoa cẩn thận nghen !
- Dạ.
- Khi nào có kết quả thi vô lớp mười, mày đi coi giùm tao. Nếu thấy tao đậu, mày phải bay xuống ngoại báo tin cho tao liền !
Nhỏ Châu rụt rè :
- Nhỡ anh rớt thì sao ?
- Thì thôi, mày cứ ở nhà ! - Tôi thở dài - Quá một tuần lễ, không thấy mày xuống, tao sẽ biết là tao đi đời! Lúc đó, tao sẽ ở luôn dưới ngoại, không về nhà nữa !
- Sao vậy ? - Nhỏ Châu ngẩn ngơ - Đằng nào anh cũng phải về nhà chứ ?
Tôi lắc đầu :
- Nếu rớt, tao sẽ không về. Tao mà dẫn xác về, ba sẽ sút tao bay tới tận mặt trăng !
- Nhưng ở dưới ngoại làm sao anh đi học ? - Nhỏ Châu bắt đầu lo âu.
- Tao không đi học nữa ! Tao sẽ đi chăn bò. Nhà ngoại có mấy con bò, mày không nhớ sao ?
Viễn ảnh tôi vẽ lên bi đát đến mức giọng tôi bỗng trở nên bùi ngùi. Còn nhỏ Châu thì rơm rớm nước mắt. Nó sụt sịt :
- Không được, anh phải về nhà với em ! Em sẽ năn nỉ ba cho !
Tôi nhún vai, hừ giọng :
- Khỏi ! Nam tử đại trượng phu không cần nhờ ai năn nỉ giùm ! Bốn bể là nhà, sống nơi đâu mà chẳng được, màykhỏi phải lo cho đại huynh của mày !
Nói xong một câu "thuổng" trong truyện kiếm hiệp, tôi "phất tay áo" ra đi. Nhỏ Châu không hiểu tôi vừa lảm nhảm những gì nhưng khi nãy nghe tôi doạ sẽ bỏ học đi chăn bò, nó hãi quá, cứ giương đôi mắt mờ lệ trông theo.
Tôi rảo bước ra bến xe mà bụng cứ thấp thỏm sợ tụi bạn bắt gặp. Thi xong, chắc chắn thằng Cường và Phú ghẻ phóc ngay đến nhà tôi. Biết tôi vừa mới đi, thế nào tụi nó cũng đuổi theo. Lúc này tôi sợ gặp hai thằng cốt đột đó còn hơn là sợ gặp cọp. Sỡ dĩ tôi phải khăn gói trốn chui chốn nhủi như thế này cũng chỉ vì không muốn bị tụi nó cật vấn, hạch hỏi lôi thôi về bài thi văn ban sáng.
Tôi vừa đi vừa ngoảnh cổ dòm dáo dác như thằng ăn trộm vừa thó tiền ở nhà băng. Chỉ đến khi ngồi thu lu trên chiếc xe đò sắp chạy mà vẫn chưa thấy bóng dáng hai thằng mắc dịch đó đâu, tôi mới biết là mình thoát nạn.
Những ngày kế tiếp theo đối với tôi là những ngày rất đỗi nặng nề. Thấy tôi lâu lắm mới về chơi, ngoại chiều chuộng tôi hết biết, nhưng lòng đang nóng như lửa đốt, tôi chẳng thấy khoan khoái tí ti ông cụ nào. Từ nhà ra vườn rồi từ vườn vào nhà, mỗi ngày tôi đi vào đi ra cả chục lược đếm lá vàng rơi.
Đến ngày thứ sáu, tôi bắt đầu ngóc cổ ngóng lên đường lộ, chờ phép màu xuất hiện mặc dù trong thâm tâm, tôi không tin môn toán của tôi có thể cứu được môn văn trời đánh thánh đâm kia. Quả như tôi lo lắng, ngày hôm sau rồi ngày hôm sau nữa, bóng dáng của nhỏ Châu vẫn biệt mù ở tận đâu đâu, mặc cho tôi chờ dài cả cổ.
Đến trưa ngày thứ mười thì niềm hy vọng mong manh trong lòng tôi đã thực sự tắt ngấm. Nhưng đúng vào lúc tôi chán đời leo lên giường quấn chăn trùm kín người và bắt đầu nghĩ đến sự nghiệp chăn bò sắp tới thì đột nhiên có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Tôi chưa kịp nhỏm người dậy thì thằng Cường và Phú ghẻ đã ập vào nhà như một cơn lốc.
Vừa thấy mặt tôi, Cường đã oang oang :
- Mày đậu rồi Chuẩn ơi ! Đậu đúng 10,5 điểm !
- Xạo đi mày ! - Tôi bán tín bán nghi - Nếu tao đậu thì ba ngày trước nhỏ Châu đã xuống báo cho tao biết rồi !
- Bữa nay trường Trần Cao Vân mới niêm yết danh sách thí sinh trúng tuyển, trễ ba ngày so với thông báo, thằng ngốc ạ ! Lúc nãy tụi tao ghé nhà mày, thấy nhỏ Châu định đi tìm mày để khuyên mày thôi nghề chăn bò, tụi tao mới bảo nó ở nhà để tụi tao đi cho. Chỗ bạn bè dù sao cũng dễ khuyên hơn !