Bệnh Tình Yêu

Chương 26

Năm đó cha Giản Minh nghỉ hưu, mua nhà ở khu vực gần nhà ở của Giản Minh, muốn ở gần con gái một chút, sau này về già có nơi nhờ cậy.

Năm đó La Thế Hoa tốt nghiệp đại học báo chí, nhờ phúc của anh trai La Thế Triết, tìm được việc ở đài truyền hình thành phố, sống vui vẻ với anh trai và chị dâu, hòa thuận đầm ấm.

Sau đó ngày đó năm đó, La Thế Triết bỗng nhiên nói, muốn đón mẹ đến ở một thời gian.

Hiếu thảo với cha mẹ là nghĩa vụ bắt buộc của con cái, mẹ chồng cũng đã lớn tuổi, ở góa nhiều năm, nuôi ba đứa con thành tài đâu dễ dàng gì, đến đây ở một thời gian để Thế Triết báo đáp lại công ơn của mẹ, Giản Minh vui vẻ đồng ý. Giản Minh biết mẹ chồng không thích mình lắm, kết hôn nhiều năm như vậy cũng chưa có cơ hội gần gũi với mẹ chồng, hai bên không hiểu nhau lắm, ở với nhau thế nào cũng nảy sinh mâu thuẫn, thế nào cũng sẽ có những tháng ngày “đau khổ” như kiểu răng cắn phải lưỡi, về vấn đề này, Giản Minh đã chuẩn bị tư tưởng. Có điều, nói thế nào cũng là người một nhà, không vui cũng cố chiều chuộng một chút là sẽ xong, Giản Minh đã chuẩn bị hết rồi, nếu có mâu thuẫn, cô sẽ nhường nhịn mẹ chồng, không gây gổ với bà. Nhưng ai ngờ mâu thuẫn lại đến nhanh như thế, bà La ở với Giản Minh đến ngày thứ ba, đã gây gổ ầm ĩ với Giản Minh

Nguyên do là sau khi đón Đông Đông ở nhà trẻ về nhà, Đông Đông kêu đói, Giản Minh vội vàng vào bếp nấu cơm. Nấu cơm tối xong chắc chắn sẽ cho trẻ con ăn trước, dù sao mẹ chồng cũng đang ở đây, chi bằng cả nhà ăn trước cho xong. Trời lạnh, ăn khi cơm canh còn nóng không phải là ngon hơn sao? Giản Minh chẳng có ý định gì, chỉ lo lắng cho người già và trẻ con, liền gọi mẹ chồng đến ăn cùng. Ba bà cháu chưa ăn cơm xong, La Thế Triết đi làm về, Giản Minh nhanh nhảu, “Anh về rồi à? Để em xới cơm cho anh.”

Cô xới cơm xong, La Thế Triết rửa tay xong, ngồi xuống ăn cho nóng, bà La nói với Giản Minh bằng tiếng phổ thông lơ lớ tiếng quê bà, “Mẹ tưởng Thế Triết nói với con không về nhà ăn cơm tối.”

Giản Minh không hề giấu giếm: “Không ạ. Anh Thế Triết ấy à, không phải lúc nào cũng nói trước với con. Nhiều lúc nhớ ra thì gọi điện cho con báo xem có về hay không, bận quá không gọi được thì cũng thôi. Hai mẹ con cũng thế, có lúc sẽ chờ cơm anh ấy, có lúc thì không chờ được.” Cô tiếp tục đút cơm cho Đông Đông, giả giọng trẻ con nói với Đông Đông: “Cha của Đông Đông vất vả nhất vì hai mẹ con mình, đúng không nào?”.

Đông Đông cũng bi ba bi bô trả lời: “Đúng rồi, Đông Đông thương cha lắm.”

Đây vốn dĩ là hình ảnh bình thường nhất, vui vẻ nhất trong cuộc sống thường ngày của gia đình Giản Minh, nào ngờ làm cho bà cụ cảm thấy không vui. Sắc mặt của bà La thay đổi, cầm chén cơm dằn mạnh xuống bàn ăn, “Chị biết nó làm ăn vất vả để nuôi hai mẹ con, thế mà không đợi nó về cùng ăn tối hử?”.

Giản Minh vẫn chưa ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, vẫn nhoẻn cười giải thích: “Mẹ, Đông Đông đói rồi, hơn nữa mẹ cũng lớn tuổi rồi, ăn ngay khi còn nóng không phải tốt hơn sao?”.

Bà La lạnh lùng hừ một tiếng: “Chị không cần phải đối xử tốt với tôi, đối xử tốt với con trai tôi là được rồi, cơm canh nguội rồi thì có làm sao? Nguội thì cả nhà cùng ăn nguội.”

Lúc này đây Giản Minh mới phát hiện ra có gì đó không bình thường, giải thích: “Mẹ, con…”.

La Thế Triết cắt ngang lời cô: “Đổi cho mẹ một chén cơm nóng đi, mẹ dạy em, em nghe theo là được rồi, còn cãi cái gì?”.

Giản Minh nghĩ rằng mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu sẽ làm người đàn ông trong nhà khó xử, cho nên không tranh cãi nữa, im lặng, lấy chén cơm nóng khác cho mẹ chồng. Khi mọi người tranh cãi, họ quên mất có Đông Đông, Đông Đông năm tuổi đã tinh tế, sắc sảo như cha vậy. Sáng ngày hôm sau, sau khi ngủ dậy Đông Đông không thèm quan tâm đến bà nội, bà nội ở đằng sau gọi cháu nội mấy tiếng liền, cháu nội trả lời: “Bà đừng nói chuyện với cháu, ai bảo bà dữ dằn với mẹ cháu làm chi.” Bà La nhất thời không nói nên lời.

Bữa sáng của ngày hôm đó, có món mì sợi cho Đông Đông, cháo dành cho bà nội. Sáng sớm Giản Minh nấu hai món này cũng có nguyên nhân của nó, trước đây bà La có nói, buổi sáng tốt nhất nên ăn cháo, những món khác ăn không có lợi cho sức khỏe, chủ yếu bởi vì bà La là người miền Nam, thích ăn gạo chứ không thích ăn những món ăn làm từ bột mì, nhưng Đông Đông là đứa trẻ thuần miền Bắc, bởi được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, cứ thích ăn mì sợi, hoành thánh gì đó. Giản Minh nghĩ rằng, bởi vì mỗi người một khẩu vị, thôi thì chuẩn bị hai món là được, ai thích ăn gì thì ăn đó. Nào ngờ khi bà La nhìn thấy Giản Minh bê ra hai món ăn sáng, hỏi ngay lập tức: “Chị có ý gì vậy hả? Tôi biết ngay mà, chị đâu có thích tôi vào đây ở!”. Bà La nói với dáng vẻ tức giận, nói một tràng tiếng địa phương với Giản Minh. Giản Minh nghe không hiểu tiếng địa phương của quê hương La Thế Triết, chỉ hiểu được rằng mẹ chồng đang rất tức giận, cô còn vội để đưa Đông Đông đi nhà trẻ, không biết làm thế nào để mẹ chồng mới bớt giận, vào phòng gọi La Thế Triết dậy, tủi thân chảy nước mắt: “Khuyên mẹ giúp em với.”

La Thế Triết ra ngoài phòng, bà La lo lắng mình làm căng lên sẽ làm con trai mình không vui, đang định cho qua, nào ngờ La Thế Triết giúp mẹ mình hỏi Giản Minh: “Đúng rồi, em có ý gì thế hả? Tại sao lại có sự phân biệt như thế? Mẹ vào đây ở cảm thấy không vui sao? Giản Minh, căn nhà này đâu phải chỉ mình của cô?”.

Giản Minh cho dù có trăm miệng cũng không giải thích được, định giải thích rằng mỗi bữa ăn sáng cô đều thay đổi món, luôn nấu cho La Thế Triết và con trai những món ngon nhất, nấu qua loa cho mình những món ăn đơn giản, cho dù cô có ý định phân biệt đối xử như thế, cũng không phải vì bản thân mình… Nhưng cuối cùng đôi môi cô run run, không nói nên lời, nước mắt cứ thế trào ra. Giản Minh khóc, Đông Đông cũng khóc theo. La Thế Triết thương con, ôm Đông Đông dỗ dành: “Không sao không sao…”. Liếc mắt nhìn về phía bà La, ánh mắt lạnh lẽo như băng đó, làm bà La cảm thấy lạnh run người, không nói gì nữa.

Sau khi đưa Đông Đông đến nhà trẻ, Giản Minh không quay về nhà, cô đi tìm Thế Hoa, kể hết đầu đuôi câu chuyện, Thế Hoa bình tĩnh khuyên: “Chị dâu, chị đừng giận, anh trai em không phải là không thương chị, anh em ngốc quá, không biết cách giảng hòa, chắc muốn chứng tỏ lòng hiếu thuận của mình đó mà, để em khuyên nhủ mẹ em. Mẹ em cũng lớn tuổi rồi, nhưng tính tình như con nít, chắc là muốn mọi người quan tâm đến mình…”. Tiếp theo đó, La Thế Hoa còn mách cho Giản Minh một vài mẹo nhỏ để sống chung với mẹ mình, ví dụ buổi tối nghỉ ngơi sớm một chút, dành không gian riêng cho mẹ và anh trai. La Thế Hoa nói: “Cho bà không gian riêng để bà trách móc về chị với anh trai, bà sẽ không thường xuyên nổi nóng lên nữa đâu. Có điều bà có trách móc gì về chị, chị đừng để ý làm gì, anh trai em cũng chẳng để ý đâu. Đây là kỹ năng sống, làm cho các bà vui ấy mà. Mấy người già hay giữ thể diện lắm, bà có thể diện rồi thì sẽ hết phiền phức thôi.”

Được cô em chồng khuyên nhủ như thế, Giản Minh cảm thấy tâm trạng khá lên nhiều, mua một ít rau tươi, trái cây xách về nhà, mở cửa vào nhìn thấy ngay giày và túi xách của La Thế Triết đều treo ở móc đằng kia, thắc mắc trong lòng, chẳng nhẽ anh không đi làm sao? Đang định mở miệng gọi một tiếng, chợt nghe thấy tiếng cười của mẹ chồng trong phòng ngủ vọng ra, Giản Minh còn nghĩ, chao ơi, mẹ chồng hết giận rồi sao? Tốt quá còn gì, cô đi về hướng phòng ngủ của bà, đến cửa phòng, một câu nói bay đến bên tai cô, đó là câu hỏi của mẹ chồng: “Con định lúc nào thì ly hôn với Giản Minh?”. Giản Minh nghệt mặt ra, đứng ở cửa phòng, những lời nói của mẹ chồng và La Thế Triết, nghe rất rõ ràng không lọt tiếng nào.

Bà La nói, “Nếu như anh trai và chị dâu không tìm con nhờ chút công việc, thì không biết con và cô Tô yêu nhau đâu. Thực ra cô Tô và con rất xứng đôi với nhau, ngay từ đầu mẹ đã thấy Giản Minh không được.”