Tam Quốc Chí

Chương 35

Tả hữu của Sách đều nói: "Từ tất sẽ đi lên bắc không quay về nữa." Sách nói: "Tử Nghĩa mà bỏ ta, còn quy phục ai được?" Rồi tiễn đưa Từ ở Xương Môn, nắm tay chia biệt, nói: "Khi nào khanh quay về?" Từ đáp: "Chẳng quá sáu mươi ngày." Quả nhiên Từ trở về đúng kỳ hẹn.

[Giang Biểu truyện chép: Sách mới phái Từ đi, kẻ bàn luận phân vân, bảo rằng Từ chưa đáng tin, có kẻ cho rằng Từ với Hoa Tử Ngư là đồng hương, sợ Từ lưu lại bên đó trù liệu kế sách, hoặc ngờ là Từ sang Tây thác thân theo Hoàng Tổ, mượn đường lên Bắc, đa phần nói phái Từ đi không phải là kế hay. Sách nói: "Các ông nói đều không phải cả, Cô xét đã rõ ràng rồi. Thái sử Tử Nghĩa dù là người có khí phách, dũng cảm, can đảm, cứng cỏi, nhưng chẳng phải là người thủ đoạn(7). Trong lòng ông ấy đã có toan tính, hiểu rõ đạo nghĩa, quý trọng lời hứa, một lời đã hứa với tri kỷ, có chết cũng chẳng phụ nhau, các ông chớ có lo lắng nữa." Từ từ Dự Chương trở về, những người bàn luận mới phục Sách. Từ diện kiến Sách, nói: "Hoa Tử Ngư là người hiền đức, nhưng không phải là người có tài toan tính, dân chúng ở địa phương không quy phục, chỉ tự thủ mà thôi. Lại có người ở Đan Dương là Đồng Chi tự chuyên ở Lư Lăng, nói dối là chịu chiếu thư làm Thái thú. Hắn thống suất dân chúng ở Bà Dương lập riêng một giáo phái, ngăn cản binh lính giữ địa giới, không

vâng lệnh Tử Ngư sai khiến làm trưởng lại, nói rằng "Ta lập một quận riêng, đợi khi nhà Hán phái chân Thái thú(8) đến, ta mới chịu ra nghênh đón." Tử Ngư không những không dàn xếp xong việc ở Lư Lăng, Bà Dương, mà ở bên cạnh huyện Hải Hôn có dốc Thượng Liễu, ở đó có năm sáu nghìn nhà kết hợp với nhau thành đội ngũ, chỉ nộp tô thuế cho quận thôi, phát lệnh triệu gọi mọi người thì không thể được, Tử Ngư cũng chỉ đứng nhìn mà thôi." Sách vỗ tay cười lớn, vì thế có ý định thâu tóm vùng ấy. Không lâu sau đó, Sách bình định Dự Chương.]

Cháu của Biểu là Bàn, là người kiêu dũng, mấy lần vào cướp ở các huyện Ngải, Tây An. Sách liền phân binh tới sáu huyện bên phải và bên trái Hải Hôn, Kiến Xương, lấy Từ làm Đô uý Kiến Xương, đóng sở trị ở Hải Hôn, đôn đốc chư tướng chống cự Bàn. Bàn tuyệt tích không quay lại cướp nữa.

Từ mình cao bảy thước bảy tấc, có bộ râu rất đẹp, tay dài như vượn lại có tài thiện xạ, bắn cung không trượt phát nào. Từ thường theo Sách đi đánh dẹp bọn giặc ở Ma Bảo, quân giặc trong đồn trèo lên lầu cao mắng chửi, tay bám vào xà nhà, Từ giương cung bắn chúng, tên xuyên qua tay ghim vào xà nhà, vạn người vây quanh chẳng ai không khen giỏi. Kỳ diệu đến như thế. Tào công nghe cái tiếng ấy, liền gửi thư cho Từ, bỏ thư trong tráp phong kín, Từ mở ra xem không thấy viết gì, mà chỉ thấy có vị thuốc Đương quy(9). Lúc Tôn Quyền thống quản chính sự, thấy Từ có thể khắc chế Bàn, bèn uỷ thác cho Từ việc ở phía nam. Năm bốn mươi mốt tuổi, là năm Kiến An thứ mười một, Từ mất.

[Ngô thư chép: Lúc Từ sắp mất, than thở rằng: "Bậc trượng phu sinh ra ở đời, đáng phải đeo kiếm bảy thước, được trèo lên bậc thềm của bậc thiên tử. Nay chí nguyện của ta còn chưa đạt, sao đã chết rồi ư!" Quyền thương tiếc Từ vô cùng.]

Con trai Từ là Hưởng, làm quan tới chức Việt kỵ hiệu úy.

[Hưởng tự Nguyên Phục, trải qua các chức Thượng thư, Thái thú Ngô quận.]

Chú thích:

(1) Hán Sở tranh thiên hạ, Lưu Bang, Hạng Vũ thế giằng co nhau, Hạng Vũ đóng quân ở Bành Thành, Lý Tả Xa, tức Quảng Vũ quân là mưu sĩ của Hàn Tín xin đi trá hàng Hạng Vũ, lừa Hạng Vũ rằng: "Quân Hán đông, quân Sở ít, quân Hán thiếu lương, nên đến đánh." Hạng Vũ nghe theo, tụ quân ở núi Cửu Lý giao chiến với quân Hán do Hàn Tín chỉ huy, bị thua trận, sau phải tự vẫn.

(2) Tức Khổng Dung, Văn Cử là tên tự của Dung.

(3) Chỗ này Tôn Sách nhắc đến cái tích Quản Trọng người thời Xuân Thu, lúc trước thờ Công tử Bạch, bắn trúng Tề Hoàn Công, sau này Tề Hoàn Công làm vua nước Tề, lại dùng Quản Trọng mà thành bá chư hầu. Đây Sách muốn nói rằng lúc trước đánh nhau ở Thần Đình, chỉ là ai vì chủ nấy, không có gì phải lo lắng cả.

(4) Nguyên văn câu này là: "tiên xích giai mộc giả dã". Rất khó hiểu, ND không hiểu lắm, tra cứu trên zdic thấy trích dẫn một câu trên tấm bia của đạo nhân Thiết Công Thần do Lưu Tích Vũ người đời Đường chép và giảng rằng "xích mộc" là một vật có hình dáng như quả núi nằm ở trên đầu của con rồng. Có lẽ chỗ này Sách muốn nói nếu muốn thành bá nghiệp thì cần có được người như Thái Sử Từ.

(5) Tức Tôn Kiên.

(6) Tức Hoa Hâm, sau này Hoa Hâm làm đại quan nhà Nguỵ.

(7) Nguyên văn: "tung hoành chi nhân".

(8) Vì Hoa Hâm thay quyền Do cai quản quận, Đồng Chi không chịu, tuyên bố rằng chỉ theo lệnh nhà Hán, chờ nhà chiếu chỉ của nhà Hán phái Thái thú đến, không theo lệnh của Hoa Hâm.

(9) Đương quy là một vị thuốc bắc, chỗ này không hiểu ý của Tào Tháo thế nào? Là chơi chữ chăng?

NGÔ THƯ QUYỂN 5 - Phi tần truyện

Ngô phu nhân, Tạ phu nhân, Từ phu nhân, Vương phu nhân (hai người), Phan phu nhân, Toàn phu nhân, Chu phu nhân, Hà Cơ, Đằng phu nhân

Ngô phu nhân của Tôn Phá lỗ, là mẹ của Ngô chủ Quyền vậy. Vốn là người huyện Ngô, sau dời đến huyện Tiền Đường, cha mẹ mất sớm, ở với em trai là Cảnh. Tôn Kiên nghe nói về tài sắc của phu nhân, muốn lấy phu nhân. Người thân nhà họ Ngô ghét sự khinh nhờn của Kiên, ngăn chống lại, Kiên rất lấy làm tiếc giận. Phu nhân bảo người thân nói: "Sao lại yêu một đứa con gái mà rước họa vào thân? Nếu không được hắn đãi tốt thì đấy là mệnh trời vậy". Do đó bèn hứa làm vợ, sinh bốn con trai, một con gái.

Sưu thần kí chép: Lúc trước, phu nhân mang thai thì nằm mơ thấy Mặt trăng rơi vào bụng, rồi mới sinh ra Sách. Đến lúc mang thai Quyền, lại nằm mơ thấy Mặt trời rơi vào bụng, kể việc này cho Kiên nói: "Lúc trước mang thai Sách, nằm mơ thấy Mặt trăng rơi vào bụng ta, nay cũng lại nằm mơ thấy Mặt trời rơi vào bụng ta, sao vậy"? Kiên nói: "Mặt trăng, Mặt trời là thần của âm dương, biểu tượng rất tôn quý, chẳng lẽ con cháu ta sẽ nổi lên sao"!

Cảnh thường theo Kiên đánh dẹp có công, bái làm Kị đô úy, Viên Thuật cử Cảnh làm Đan Dương Thái thú, đánh Thái thú Chu Hân lúc trước, bèn chiếm quận ấy. Tôn Sách cùng Tôn Hà, Lữ Phạm dựa vào Cảnh, hợp quân cùng đánh giặc trong núi ở huyện Kính là Tổ Lang, Lang thua chạy. Gặp lúc bị Lưu Do ép, Cảnh lại về phía bắc nương nhờ Thuật, Thuật cho làm Đốc quân trung lang tướng, cùng với Tôn Bôn đánh Phàn Năng, Vu Mi ở Hoành Giang, lại đánh Trách Dung, Tiết Lễ ở Mạt Lăng. Bấy giờ Sách bị thương ở Ngưu Chử, quân giặc đã hàng lại phản, Cảnh đánh dẹp, bắt hết chúng. Theo đi đánh Lưu Do, Do trốn đến quận Dự Chương, Sách lại sai Cảnh-Bôn đến Thọ Xuân báo cho Thuật. Thuật đang tranh Từ Châu với Lưu Bị, lấy Cảnh làm Quảng Lăng Thái thú. Sau đó Thuật tiếm hiệu, Sách gửi thư khuyên Thuật, Thuật không nghe, lại chặn bến sông, không qua lại với nhau nữa, sai người báo cho Cảnh, Cảnh liền bỏ quận về phía đông, Sách lại lấy Cảnh làm Đan Dương Thái thú. Nhà Hán sai Nghị lang Vương Phổ Đọc là "phổ" vâng lệnh đi về phía nam, bái Cảnh làm Dương vũ tướng quân, lĩnh quận như cũ.

Đến lúc Quyền tuổi nhỏ nối nghiệp, phu nhân giúp trị việc quân, rất có bổ ích.

Cối Kê điển lục chép: Quan Công tào của Sách là Ngụy Đằng vì trái ý mà bị phạt, Sách muốn gϊếŧ đi, các quan sĩ đại phu lo sợ, không bày được kế gì. Phu nhân bèn dựa vào giếng lớn mà bảo Sách nói: "Mi vừa lấy đất Giang Nam, việc còn chưa yên, nay đang trọng người hiền dùng kẻ sĩ, tha lỗi ghi công. Ngụy Công tào dốc hết mưu làm việc công, mà ngày nay mi gϊếŧ hắn thì ngày sau người khác sẽ đều phản mi. Ta không nỡ thấy họa đến thân, nên lao xuống giếng này trước đây". Sách cả kinh, bèn tha cho Đằng. Mưu trí quyền biến của phu nhân đều đại loại như thế.

Năm Kiến An thứ bảy, sắp hoăng, sai bọn Trương Chiêu đến gặp, trao cho việc sau này, hợp táng ở Cao Lăng.

Chí lâm chép: Xét thấy quận Cối Kê cử chọn ít, từ năm Kiến An thứ mười hai đến năm thứ mười ba thì cử chọn thiếu, cũng cử chọn, nói rằng quan phủ gặp việc buồn, như thế Ngô Hậu hoăng vào năm thứ mười hai vậy(1). Năm thứ tám, năm thứ chín đều có cử chọn, việc này rất rõ ràng.