(5) Chữ tùng như chữ "thập" ghép với chữ "bát" và chữ "công": chữ tùng như chữ thập ghép với chữ bát và chữ công.
(6) Quy Mệnh Hầu: tức Tôn Hạo, sau khi hàng, được nhà Tấn phong làm Quy Mệnh Hầu.
(7) Sao Huỳnh hoặc: sao Huỳnh hoặc là một tên gọi khác của sao Hỏa.
(8) "Tam công trừ, Tư Mã tới": "Tam công" là bà họ Tào, Lưu, Tôn của ba nhà Ngụy, Thục Ngô. Tư Mã là họ Tư Mã của nhà Tấn. Ba nhà Ngụy, Thục, Ngô bị trừ thì nhà Tấn nổi lên thay vậy.
(9) Quẻ "đồng nhân" và quẻ "di": Quẻ "đồng nhân" là quẻ thứ mười ba, quẻ "di" là quẻ thứ hai mươi bảy trong sáu mươi tư quẻ của kinh Dịch.
(10) Nhưng được nhận chiếu không gϊếŧ chết, lại còn được ban cho ân sủng, đấy há chẳng phải là ân rất lớn, đức rất dày sao!: câu này có ý khen ngợi ân đức của Tấn, ý nói tội Tôn Hạo đáng gϊếŧ chết nhưng nhà Tấn tha cho lại còn ban ân sủng, như vậy là "ân rất lớn, đức rất dày" vậy.
(11) Càn khôn: theo kinh Dịch thì càn là trời, khôn là đất, do đó người ta vẫn gọi trời đất là càn khôn.
(12) Thang, Vũ vung rìu, không bị chê cười là không kính thuận; Hán Cao Tổ vung kiếm mà không bị bàn tán là làm mất khí tiết: ý nói vua Thang là bầy tôi của nhà Hạ mà nổi dậy diệt nhà Hạ lập nhà Ân, vua Vũ Vương là bầy tôi của nhà Ân mà nổi dậy diệt nhà Ân lập nhà Chu là đúng đạo, không bị chê cười là không kính thuận, Hán Cao Tổ là bầy tôi của nhà Tần mà nổi dậy diệt nhà Tần thì không bị bàn tán là làm mất khí tiết.
(13) Tân, Quý: Tân là vua Trụ của nhà Ân, Quý là vua Kiệt của nhà Hạ, là vua tàn bạo thời xưa.
(14) Nghĩa "tam xu": tức nghĩa tha chết, ngày xưa vua đi săn bắn, bao vây ba phía mà đuổi con thú, để một phía còn lại cho nó chạy, biểu thị lòng nhân không nỡ bắt gϊếŧ, "tam xu" là "đuổi ba phía" vậy.
(15) Đạo quyền biến cũng quá: mọi việc đều tùy lúc mà làm, nhưng lúc này không thể tùy lúc nữa, ý nói tội của Tôn Hạo không thể quyền biến mà tha được.
(16) Vũ Liệt Hoàng Đế: chỉ Tôn Kiên, được Tôn Quyên truy tặng thụy là Vũ Liệt Hoàng Đế.
(17) Miền Kinh Nam: tức vùng phía nam của Kinh Châu.
(18) Di Nghệ: tức Hậu Nghệ, là vua chư hầu thời nhà Hạ, nổi tiếng thiên hạ thời ấy, bắn tên rất
giỏi.
(19) Lục Công: tức Lục Tốn.
(20) Đất Tương Tây: đất phía tây sông Tương thuộc Kinh Châu.
(21) Nhà Hán: ý chỉ nhà Thục Hán. Lưu Bị xưng Đế ở đất Thục, đặt hiệu là Hán có ý thay nhà Hán, không xưng là Thục vậy.
(22) Đất Dung Thục: tức đất Dung, đất Thục ở phía tây Kinh Châu, ý nói vùng Hán Trung, Ích Châu.
(23) Xe nhẹ ruổi ở miền nam, xe lớn nghỉ ở bãi bắc: xe nhẹ cho sứ giả ngồi, xe lớn cho tướng sĩ ngồi. Ý nói phía nam vỗ về người rợ, phía bắc đóng quân phòng bị quân Ngụy, ở yên không có giao tranh.
(24) Không có đồ thang mây của Công Du Ban cho nên Trí Bá bị hại ở rãnh ao, Sở Tử phải đắp thành để vây, Yên Tử phải dẫn quân vượt sông về phía tây: Công Du Ban là thợ giỏi thời Xuân thu làm ra các đồ dùng có ích, cho nên Trí Bá, Sở Tử, Yên Tử không có đồ dùng có ích thì gặp khó khăn khi đánh trận.
(25) Thái Tổ: tức Tôn Quyền, truy tặng thụy là Thái Tổ, người Ngô gọi là Đại Hoàng Đế.
(26) Bốn châu: tức bốn châu Kinh, Dương, Giao, Quảng của nước Ngô.
(27) Không bài hát Mạch tú nhớ nhà Ân, chẳng có bài hát Thử li thương nhà Chu: sau khi nhà Chu diệt nhà Ân, Cơ Tử đi qua thành nhà Ân thấy cung điện đổ nát, có cây lúa mạch mọc lên đó mà thương xót, khóc lóc mà hát bài Mạch tú; sau khi nhà Tây Chu mất, có một quan Đại phu của nhà Chu đi qua tông miếu cũ, thấy đều cây kê mọc đầy, nhìn cảnh ấy mà thương cảm, bèn làm hát bài Thử li. Người đời sau xem đấy để chỉ bài hát của kẻ mất nước.
NGÔ THƯ QUYỂN 4 - Lưu Do Thái Sử Từ Sĩ Nhϊếp truyện
Lưu Do, Thái Sử Từ, Sĩ Nhϊếp
SỸ TIẾP TRUYỆN
Sĩ Tiếp(1) tự là Uy Ngạn, người quận Thương Ngô huyện Quảng Tín. Tổ tiên Tiếp vốn là người huyện Vấn Dương nước Lỗ, đến loạn Vương Mãng, tránh nạn đến đất Giao Châu. Qua sáu đời đến cha Tiếp là Tứ, vào thời Hoàn Đế(2) làm Thái thú Nhật Nam. Tiếp lúc còn trẻ đi du học ở kinh sư, thờ người ở Dĩnh Xuyên là Lưu Tử Kỳ, hiệu đính sách Tả thị Xuân Thu. Được xét làm Hiếu liêm, bổ nhiệm chức Thượng thư lang, vì việc công bị bãi chức. Sau khi hết tang cha là Tứ, lại được đề cử làm Mậu tài, được phong chức Vu lệnh, rồi đổi làm Thái thú Giao Chỉ.
Em Tiếp là Nhất, ban đầu làm Đốc bưu ở quận. Thứ sử Đinh Cung được vời về kinh đô, Nhất theo hầu rất cung kính, Cung cảm cái tình ấy, lúc sắp ly biệt nói: "Thứ sử nếu ở lại thì sẽ mắc ba tội, nên ta phải giúp vua vậy". Về sau Cung làm Tư đồ, cho vời Nhất. Nhất sắp đến, thì Cung đã bị miễn chức, Hoàng Uyển lên thay làm Tư đồ, lấy hậu lễ đãi Nhất. Đổng Trác làm loạn, Nhất bỏ trốn về quê.
Ngô thư chép: Uyển và Trác căm ghét nhau, nhưng Nhất tận tâm với Uyển, rất đáng khen ngợi. Trác ghét Uyển, bèn truyền mệnh rằng: "Quan Tư đồ Duyện là Nhất, không được đổi chức quan." Cho nên hết năm không được thăng chức. Đến khi Trác về quan ải, Nhất bèn trốn về.
Thứ sử Giao Châu là Chu Phù bị giặc người Di gϊếŧ hại, châu quận nhiễu loạn. Tiếp bèn dâng biểu cho Nhất lĩnh chức Thái thú Hợp Phố, em thứ đang làm Từ Văn lệnh là Sĩ Hoàng Hữu làm Thái thú Cửu Chân, em của Sĩ Hoàng Hữu là Vũ, lĩnh chức Nam Hải Thái thú.
Tiếp vốn độ lượng khoan hòa mà nồng hậu, lại nhún nhường với kẻ sĩ, sĩ nhân Trung Quốc đi tránh nạn đến nương dựa tới mấy trăm người. Tiếp thích đọc kinh Xuân thu, tự chú giải sách ấy. Người nước Trần là Viên Huy cùng với Thượng thư lệnh là Tuân Úc dâng thư rằng: "Ở Giao Chỉ có Sĩ phủ quân là người học vấn uyên bác, lại thấu hiểu việc chính trị, ở giữa thời loạn, giữ toàn vẹn một quận, hơn hai mươi năm bờ cõi được vô sự, dân không mất nghiệp, bọn khách trọ ở đó, đều được nhờ mông ân che chở, dẫu như Đậu Dung gánh vác việc ở Hà Tây, sao hơn được đây? Lúc hết việc quan, Tiếp thường nghiền ngẫm sách truyện, các sai lầm ở Xuân thu Tả thị truyện được Tiếp sửa lại mạch lạc chu đáo, tôi mấy lần hỏi về những điều còn ngờ vực trong truyện, đều nhận được các lời lí giải của bậc thầy, ý tứ rất sâu xa. Tiếp lại còn đọc hết các sách kim cổ, hiểu đầy đủ và tường tận được đại nghĩa. Nghe nói những người có học xưa nay ở kinh sư, lẽ phải trái không tranh giành, nay muốn giải nghĩa các điều lý ở sách Tả thị-Thượng thư để dâng lên chúa thượng". Việc thấy được là như thế.
Anh em của Tiếp đều giữ các quận, làm hùng trưởng một châu, ở nơi xa vạn dặm, uy quyền không ai hơn được. Khi ra vào thì gõ chuông khánh, đầy đủ vẻ uy nghi, kèn tiêu trống sáo, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi gần bánh xe đốt hương thường có mấy chục. Vợ cả nàng hầu ngồi xe truy bình(3), con em có quân kị theo hầu, người đương thời rất quý trọng, trăm bộ tộc người Man kính sợ phục tùng, Uý Đà(4) cũng không hơn được. Vũ bị bị bệnh chết trước tiên.
Thần tiên truyện của Cát Hồng chép: Tiếp từng bị bệnh chết, qua ba ngày, có vị tiên nhân là Đổng Phụng đem một viên thuốc cho uống, lấy nước đổ vào miệng, nâng đầu Tiếp dậy để trôi thuốc, uống xong được một lát, Tiếp lập tức mở mắt, chân tay động đậy, sắc diện dần dần thay đổi, nửa ngày có thể ngồi dậy được, bốn ngày sau lại có thể nói năng, sau bình phục như thường. Phụng tự Quân Dị, là người ở huyện Hầu Quan.
Sau khi Chu Phù chết, nhà Hán phái Trương Tân tới làm Thứ sử Giao Châu, Tân sau lại bị tướng của mình là Khu Cảnh gϊếŧ hại ở đó, nên Kinh châu mục Lưu Biểu phái người ở Linh Lăng là Lại Cung đến thay Tân. Bấy giờ quan Thái thú Thương Ngô là Sử Hoàng chết, Biểu lại phái Ngô Cự thay chức Hoàng, Cự với Cung cùng đi nhậm chức. Nhà Hán nghe tin Trương Tân chết, ban ấn thư cho Tiếp nói: "Đất Giao Châu ở tận cùng bờ cõi, phía nam liền với sông biển, ân trên chẳng tỏ hết được, đạo nghĩa ở dưới tắc nghẽn, biết kẻ nghịch tặc là Lưu Biểu vừa phái Lại Cung dòm ngó đất phương nam, nay cho Tiếp làm Tuy nam Trung lang tướng, đốc trách bảy quận, lĩnh chức Thái thú Giao Chỉ như cũ". Sau Tiếp phái Trương Mân dâng cống vật đến kinh đô, bấy giờ thiên hạ nhiễu loạn, đường lớn cách tuyệt, nhưng Tiếp không bỏ chức phận tiến cống, nên được đặc cách ban chiếu bái làm An viễn Tướng quân, phong tước Long Độ Đình hầu.