Hồi 12: Na Tra xuất hiện ải Trần Ðường
Hồi 12: Na Tra xuất hiện ải Trần ÐườngNgày kia, Hoàng Phi Hổ nghe tin con trai Khương Hoàng Sở là Khương Văn Hoán lên ngôi Ðông Bá Hầu đem bốn mươi vạn binh mã làm phản đánh ải Du Hồn.
Lại nghe con trai Ngạt Sùng Võ là Ngạt Thuận thế chức Nam Bá Hầu cũng dẫn binh mã năm mươi vạn, đến phá ải Tam So dể báo thù cha.
Hai tổng trấn nầy khuyên dụ bốn trăm chư hầu theo làm phản.
Hoàng Phi Hổ than:
- Thiên hạ đã loạn hết nửa phần rồi. Ôi, từ đây thế cuộc sinh nhiều rắc rối. Hai cõi can qua biết bao giờ cho yên giặc?
Nói rồi ban cờ lệnh, truyền hai ải thủ thành, đợi cho địch quân phá không nổi kéo quân về, chớ không cho xuất quân đối địch.
Ðây nói về ông Thái Ất ở động Kim Quang, thuộc núi Cát Nguyên là một vị tiên đã sống trên một ngàn rưỡi năm, vì phạm luật sát sinh, nên thầy của ông là Nguyên Thỉ đóng cửa không chịu giảng kinh nữa.
(Ấy bởi luật Thiên Ðình muốn dùng các tiên phạm tội sát sanh ra giúp Khương Tử Nha, chém tướng phong thần cho đủ chức, sau khi nhà Châu diệt nhà Thương xong, đem lại thái bình cho muôn dân, chừng ấy ông Nguyên Thỉ mới giảng kinh và các tiên phạm luật mới được phép tu lại).
Hôm ấy ông Thái Ất đang ngồi trong động bỗng thấy Bạch Hạc đồng tử đến nói:
- Ngài Nguyên Thỉ dạy rằng: Chẳng bao lâu sẽ sai Khương Thượng ra đời, vậy ông phải cho Linh Châu Tử xuống đầu thai kẻo trễ.
Thái Ất thấy có lệnh thầy mình ban xuống liền cúi đầu đón nhận:
- Việc ấy ta đã biết rồi.
Bạch Hạc đồng tử liền giã từ ra về.
Bây giờ tại ải Trần Ðường, quan Tổng Binh ải này là Lý Tịnh vốn học trò của ông Ðộ Ách ở núi Côn Lôn, khi còn nhỏ có đi tu, sau bị đuổi về ra phò vua Trụ. Vợ Lý Tịnh là Ân phu nhân sanh được hai con, hình dung tuấn tú. Con lớn tên Kim Tra, con nhỏ tên Mộc Tra. Ðến nay, Ân phu nhân lại mang thai nữa, nhưng lần nầy rất lạ, thai nghén đã ba năm rưỡi mà chưa khai hoa nở nhụy.
Lý Tịnh buồn bã, than:
- Thai nghén khác thường như vậy chắc là loại quái thai, nếu không sanh ra yêu cũng sanh ra quỉ.
Ân phu nhân cũng sợ, nhưng không biết làm sao.
Ðêm kia, Ân phu nhân đang nằm ngủ trong phòng thấy một vị đạo sĩ đầu chừa hai vá tay cầm gậy, râu dài đuộc bước đến.
Ân phu nhân nạt lớn:
- Thầy là ai? Không biết phép, dám vào phòng riêng của ta?
Ðạo sĩ nói:
- Phu nhân mau lãnh con quí.
Ân phu nhân chưa kịp trả lời, đã thấy Ðạo sĩ tay cầm vật gì không biết, ném ngay giữa bụng mình, làm cho phu nhân giật mình thức dậy mồ hôi ướt đầm mình.
Phu nhân gọi chồng thuật lại câu chuyện vừa chiêm bao. Lý Tịnh còn đang suy nghĩ thì phu nhân đã chuyển bụng, rên la rất dữ.
Lý Tịnh nghĩ thầm:
- Ðây chắc là một vị tướng đầu thai, nhưng chẳng biết tướng hiền hay tướng dữ đây.
Xảy thấy thế nữ vào thưa:
- Phu nhân đẻ ra một quái thai.
Lý Tịnh nghe nói thất kinh, xách gươm vào phòng, nghe mùi thơm ngào ngạt. Ðến bên giường phu nhân thì chỉ thấy một cái bọc lớn bằng cái bánh xe. Lý Tịnh cầm gươm chém rách cái bọc ấy tức thì bên trong một đứa bé nhảy ra, mình chiếu hào quang, mặt như dồi phấn, tay cầm Càn khôn quyện, lưng buộc Hỗn thiên lăng. (Ấy là Linh Châu Tử đầu thai, sau đi tiên phuông cho Khương Thượng, nên buộc mình dây đỏ, tay cầm vòng vàng. Hai vật ấy là bửu bối của Thái Ất chơn nhơn cho).
Lý Tịnh thấy thằng nhỏ chạy giáp vòng, biết không phải yêu quái liền bắt lại, bồng lên giường, đưa cho phu nhân.
Vợ chồng trầm trồ, cưng như trứng mỏng.
Hôm sau, các quan hay tin đồng đến chúc mừng.
Tiếp đó, có một vị đạo sĩ đến trước ải xin vào ra mắt.
Lý Tịnh trước kia là người tu hành, nên không dám xem thường các Ðạo sư, liền ra rước vào.
Lý Tịnh hỏi:
- Chẳng hay đạo sư ở núi nào?
Ðạo sĩ nói:
- Ta là Thái Ất ở động Kim Quang, núi Càn Nguyên, nghe Tướng quân sanh con quí nên đến chúc mừng. Vậy cho ta xem thử.
Lý Tịnh truyền thế nữ bồng đứa bé ra ngoài. Thái Ất bồng đứa bé vào lòng xem xét và hỏi:
- Sanh vào giờ nào vậy?
Lý Tịnh đáp:
- Ðúng vào giờ Sửu.
Thái Ất nói:
- Không tốt.
Lý Tịnh nói:
- Khó nuôi lắm hay sao?
Thái Ất nói:
- Sanh nhằm giờ ấy thì phạm sát sinh. Nó gϊếŧ hơn một ngàn bảy trăm mạng. Nhưng Tướng quân đặt tên nó là gì?
Lý Tịnh nói:
- Tôi chưa đặt tên.
Thái Ất nói:
- Ðể tôi đặt tên cho nó,và sau nầy nó theo tôi làm đệ tử được không?
Lý Tịnh nói:
- Ðược đạo sư thương tình như vậy còn gì quí hơn.
Thái Ất hỏi:
- Tướng quân được mấy vị Công tử?
Lý Tịnh đáp:
- Tôi có ba đứa con trai. Thằng lớn tên Kim Tra đi học với Văn Thù ở núi Ngũ Long. Thằng thứ hai là Mộc Tra đi học với Phổ Hiền ở núi Cửu Cung. Còn thằng thứ ba đó, nếu Ðạo sư muốn thu dùng làm đệ tử xin cứ đặt tên.
Thái Ất nói:
- Ta đặt nó là Na Tra, cũng lấy chữ hai đứa lớn.
Lý Tịnh cảm tạ, rồi truyền dọn cơm chay thết đãi.
Thái Ất nói:
- Ta có việc gấp, xin kiếu về.
Lý Tịnh thân đưa ra khỏi phủ.
Ngày kia, Lý Tịnh nghe hai Trấn nổi loạn, vội củng cố binh lực để giữ ải mình. Nhất là nơi núi Giả Mã, chỗ địa đầu, Lý Tịnh cố đóng quân thật nhiều để ngăn ngừa mũi giặc.
Thời gian trôi rất nhanh, thấm thoát đã bảy năm trôi qua...
Na Tra mau lớn phi thường, mình cao sáu thước, vai rộng dềnh dàng. Mới bảy tuổi mà nghịch không thể tả nổi.
Lý Tịnh vì nghe tin Khương Văn Hoàn khởi binh đánh ải Du Hồn nên ngày đêm lo luyện tập binh mã để phòng, không rảnh để dạy dỗ Na Tra. Na Tra được thế không còn kiêng nể ai.
Một hôm, nhân trời nóng nực, Na Tra vào thưa với mẹ:
- Xin cho con ra ngoài chơi hóng mát.
Ân phu nhân vốn cưng con, không nỡ làm phật lòng, liền bảo:
- Con muốn ra ngoài thì đi một chút rồi về, kẻo cha con hỏi không có nhà sẽ rày la đó.
Na Tra nói:
- Thưa mẹ, con biết mà.
Ân phu nhân khiến một tên gia bộc đi theo. Na Tra ra ngoài, đi chưa đầy hai dặm đã thấy đổ mồ hôi, ráng đi đến một rặng dương liễu đυ.t nắng. Bên hàng dương liễu lại có một giòng sông lớn, ghềnh đá cheo leo, nước trong leo lẻo.
Na Tra nói:
- Hay lắm! Trời đang nóng nực lại gặp dòng sông, không tắm cho mát thì còn gì thú vị?
Tên gia nô nói:
- Không nên. Công tử tắm ở đâv rủi gặp Tướng công điểm binh về trông thấy thì nguy, chi bằng trở về là hơn.
Na Tra nói:
- Không sao đâu! Ta tắm cho mát dẫu gia gia ta trông thấy, lại cấm ngăn à?
Nói rồi cổi hết quần áo, lội xuống sông, ngồi trên một bực đá, dỡn nước.
Dỡn nước chán rồi, Na Tra lại cởi dây lưng đỏ ra giặt, làm cho mặt sông nước loang màu hồng, cả sông nổi sóng.
Sông Củu Loan chảy vào biển Ðông Hải nên lúc ấy vua Long Vương biển Ðông là Ngao Quảng, đang ngự nơi cung Thủy Tinh thình lình thấy đền đài rung rinh cả, liền hỏi quần thần:
- Việc gì mà cung điện rung rinh như vậy?
Triều thần không ai hiểu việc gì cả. Ngao Quảng liền truyền quỉ Dọa Xoa là Lý Lương lên mé biển tuần hành xem thử vật chi.
Lý Lương tuân lệnh vác búa đến mé biển thấy vàm sông Cửu Loan sóng bủa rập rềnh, liền theo dòng sông thẳng đến.
Khi đến nơi, thấy một thằng nhỏ đang ngồi trên ghềnh đá, cởi dây lưng ra giặt. Lý Lương trồi đầu lên hét lớn:
- Thằng nhỏ kia. Mày giặt cái gì mà làm cho nước sông đỏ rực, đền đài của Long Vương rung chuyển như vậy?
Na Tra trông thấy quỉ Dọa Xoa, cười lớn:
- Cha chả. Mầy ở đâu đến đây làm phách vậy? Lâu đài mầy chỗ nào? Tao giặt dây lưng can hệ gì đến mầy?
Lý Lương nói:
- Tao bắt mầy đem về nạp cho Long Vương hỏi tội.
Vừa nói, Lý Lương vừa xách búa chém sả vào Na Tra.
Na Tra thấy quỉ Dạ Xoa làm dữ liền rút càn khôn quyện liệng đùa. Lý Lương nát óc chết tươi.
Na Tra cười lớn:
- Thằng chó chết báo hại cho dơ càn khôn quyện của ta.
Nói rồi lại đem xuống sông rửa.
Thảm hại, những lâu đài thành quách của Long Vương bị báu vật ấy làm rung chuyển, đổ nghiêng chẳng khác một trận bão trên đất liền.
Ngao Quảng thất kinh hỏi triều thần:
- Lý Lương đi chưa về, không biết cái gì càng ngày càng làm cho lâu đài rúng động dữ vậy?
Xảy có bọn thủy quân chạy về báo:
- Trên bờ sông có một đứa bé giặt dây lưng đỏ. Lý tướng quân đã bị thằng nhỏ đó gϊếŧ chết rồi.
Ngao Quảng thất kinh la lớn:
- Thủy thần Dạ Xoa là tướng trời phong, ai dám gϊếŧ?
Bèn truyền quân sắm sửa khí giới theo mình đến đó xem thử.
Bỗng có Thải Tử Ngao Bính bước ra tâu:
- Phụ vương định đem quân đánh ai vậy?
Ngao Quảng thuật lại chuyện đứa bé vừa gϊếŧ Dạ Xoa cho Thái Tử nghe. Ngao Bính nói:
- Việc nhỏ mọn như vậy phụ vương đi làm gì. Ðể con đến đó bắt nó đem về đây cho phụ vương tra hỏi cũng được.
Ngao Bính nói rồi xách kích, cỡi thú ra đi. Ðến vàm sông quả thấy nước tuôn cuồn cuộn, sóng bổ ầm ầm.
Bấy giờ Na Tra đang mải mê đứng xem sóng bủa. Thình lình thấy một con thú từ dưới nước nhảy vọt lên, trên lưng có một chàng trai tay cầm kích, mình mặc giáp, miệng kêu lớn:
- Thằng nhỏ kia. Có phải mầy vừa gϊếŧ chết tướng Dạ Xoa của tao không?
Na Tra nói:
- Tao gϊếŧ nó chớ còn ai nữa.
Ngao Bính hỏi:
- Mầy là thằng con nít ở đâu lại hung hăng như vậy?
Na Tra đáp:
- Tao là Lý Na Tra, con ông Lý Tịnh, hiện làm Tổng Trấn nầy.
Ngao Bính nói:
- Con ông gì mặc kệ mầy. Mày gϊếŧ tướng trời tất phải đền tội.
Na Tra nói:
- Thằng phách lối. Tao đang tắm nơi đây, đâu phải là một khúc gỗ trôi sông mà nó vác búa đến bửa vào người tao? Tao đánh nó chết lại tội vạ gì?
Ngao Bính nói:
- Tao bắt mầy đem vào Thủy điện rồi mầy muốn nói gì thì nói.
Na Tra trợn mắt:
- Thủy điện là đâu? Mầy là thằng nào?
Ngao Bính nói:
- Tao là Ngao Bính, con của Ngao Quảng, Ðông Hải Long Vương.
Na Tra cười:
- A, nói vậy thì bay là loài rồng ở dưới nước. Nhưng đừng làm phách, hễ chọc đến tao, tao lột da cả cha mầy nữa chứ không phải chỉ một mình mầy thôi đâu.
Ngao Bính tức giận quá, cầm kích lướt tới đâm đùa. Na Tra sợ hãi, quăng Hỗn thiên lăng ra trói. Ngao Bính té xuống lưng thú, rồi nhảy xổ đến đạp chân vào cổ, lấy Càn khôn quyện đập đầu chết tốt biện nguyên hình một con rồng nhỏ.
Na Tra nói:
- Ðể tao rút lấy gân mầy đem về cho cha tao buộc giáp chơi, nghe nói gân rồng chắc lắm.
Nói rồi làm y như vậy. Xong mặc quần áo lại, trở về ải.
Tên gia nô nãy giờ chứng kiến cuộc tàn sát, mặt không còn chút máu, không dám đi gần Na Tra, cứ lểnh mểnh theo sau cách một khoảng.
Phu nhân thấy Na Tra về, liền hỏi:
- Con đi chơi đâu đến nửa ngày mới về?
Na Tra thưa:
- Con mải mê ngắm cảnh đẹp nên về trễ.
Nói rồi đi thẳng ra sau vườn.
Bấy giờ, đoàn thủy quân theo Ngao Bính thấy Ngao Bính bị đánh chết lật đật trở về báo với Ngao Quảng.
Ngao Quảng thất kinh, la lớn:
- Con ta là một vị thần làm mưa, sao nó dám gϊếŧ đi. Vả ta với Lý Tịnh trước kia kết tình bằng hữu, sao va lại để con đánh chết Ngao Thái Tử, rút lấy gân? Việc nầy chẳng những một hận thù mà còn là một nhục nhã nữa.
Nói rồi liền hóa ra một vị tú tài thẳng đến dinh Lý Tịnh.
Bấy giờ Lý Tinh mới điểm quân về, nghe quân báo:
- Có Ngao Quảng xin vào yết kiến.
Lý Tịnh mừng rỡ, vì lâu ngày xa cách, nên lật đật ra rước vào.
Ngao Quảng mặt phừng phừng, nói vói Lý Tịnh:
- Tôi đến đây không còn tình nghĩa gì nữa!
Lý Tịnh ngạc nhiên hỏi:
- Anh em lâu ngày xa cách, được gặp nhau là vui lắm, sao hiền huynh buông lời như vậy?
Ngao Quảng nói:
- Tình nghĩa gì nữa mà anh em. Anh để con anh đánh chết tướng Dạ Xoa của tôi, lại gϊếŧ con trai tôi rút gân đem về. Con cái hung dữ như vậy anh còn bênh nó à?
Lý Tịnh ngạc nhiên đáp:
- Anh lầm rồi, Tôi chỉ có ba đứa con. Hai đứa lớn đi học chỉ còn thằng nhỏ bảy tuổi không hề ra khỏi cửa, lẽ nào có xảy ra chuyện như vậy!
Ngao Quảng nói:
- Chính là thằng Na Tra, con trai nhỏ của anh. Nó có xưng tên xưng họ rõ ràng, chối làm sao được.
Lý Tịnh nói:
- Thằng Na Tra mới có bảy tuổi mà đánh ai được? Tuy vóc nó lớn thật, song còn nhỏ lắm! Thôi anh chớ giận, để tôi gọi nó ra đây cho anh nhìn mặt.
Lý Tịnh nói dứt lời, để Ngao Quảng ngồi đó, ra hậu phòng gọi vợ hỏi:
- Thằng Na Tra đâu?
Ân phu nhân không rõ chuyện gì, thấy nét mặt chồng có điều quan trọng, liền hỏi:
- Ai ở đằng trước vậy?
Lý Tịnh nói:
- Có Ngao Quảng, bạn của ta đến thăm và trách ta để con gϊếŧ chết vị Thái Tử, con trai của ông ấy. Ta thiết tưởng rằng con trai ta là Na Tra mới có bảy tuổi, chưa từng ra khỏi cửa, có đâu sanh chuyện với ai, chắc Ngao Quảng lầm, nên ta gọi Na Tra ra cho Ngao Quảng thấy mặt.
Ân phu nhân nghe nói lòng nghi ngại, đứng suy nghĩ, Lý Tịnh hỏi:
- Na Tra ở đâu?
Ân phu nhân đáp:
- Nó chơi đâu ngoài vườn hoa.
Lý Tịnh liền Chạy tuốt ra sau vườn, thấy Na Tra đang thơ thẩn ở đó.
Lý Tịnh hỏi:
- Na Tra con làm gì đó?
Na Tra nói:
- Có mấy sợi gân rồng con mới tìm được, định ôm phơi khô để cha dùng làm dây cột giáp, thứ nầy tốt lắm.
Lý Tình sững sờ, hỏi:
- Gân rồng ở đâu vậy?
Na Tra kể lại chuyện đi tắm sông gϊếŧ chết thái tử long vương.
Lý Tịnh đứng chết điếng. Giây lâu mới mở miệng mắng:
- Mầy là đồ oan gia nghiệp báo, Ngao Quảng làm chức Ðông Hải Long Vương trước kia là bạn với tao, sao mầy gϊếŧ con trai người ta rút lấy gân đem về phơi. Nay bác mầy đến đòi thường mạng, mầy tính sao bây giờ?
Na Tra nói:
- Thưa cha, con không biết cha nó là bạn với cha nên lầm lỡ. Vả lại không biết thì chẳng có tội gì, cha đừng lo, gân rồng còn đó, chưa cắt đứt sợi nào, để con lấy đem trả cho lão là yên chuyện.
Na Tra bèn đến trước mặt Ngao Quảng xá một cái và nói:
- Chào bác. Cháu vì không biết nên lầm lỡ xúc phạm đến đại huynh. Nay gân của đại huynh còn nguyên, chưa đứt khúc nào, xin trả lại bác, mong bác tha lỗi.
Ngao Quảng thấy nắm gân rồng càng đau xót dạ, nhớ đến con, liền ngó sang nói với Lý Tịnh:
- Chú sanh con dữ như vậy mà còn đổ lỗi cho tôi xét lầm. Nay tôi không còn tình nghĩa gì hết, quyết đến trước mặt Thượng đế đầu cáo, thử chú tránh khỏi vạ nầy không?
Ngao Quảng nói rồi bước ra ngoài đi thẳng. Lý Tịnh ngồi chết điếng, không nói nên lời. Qua một lúc, Lý Tịnh bỗng khóc oà!
Ân phu nhân bước ra hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Lý Tịnh nói:
- Con dại cái mang đó là lẽ thường xưa nay. Chúng ta sanh đặng con dữ, không tránh khỏi tai nạn. Ngao Quảng đến trước cửa trời đầu cáo, vợ chồng chúng ta không thể nào toàn thân.
Nói rồi khóc nữa, phu nhân an ủi:
- Công việc chưa biết thế nào, sao Tướng quân vội bi quan?
Lý Tịnh nói:
- Phu nhân không rõ. Lẽ trời không thể tránh được. Tôi trước kia tu luyện không thành, song đã biết được mọi huyền cơ vũ trụ. Trên thượng giới có cả một triều đình. Thượng Ðế có các vì tiên, phật cai quản chia làm hai nghành Xiển Giáo và Triệt giáo. Luật lệ, phép tắc điều định theo lề lối phân minh.
Ân phu nhân nghe chồng giải thích thất kinh, nói với Na Tra:
- Tao có công cưu mang mầy hơn ba năm, mầy không đền đáp lại gây ra tai họa làm hại đến mẹ cha như vậy thật bất hiếu.
Na Tra thấv mẹ mình than vãn, liền quì thưa:
- Nay con không lẽ giấu mẹ cha, con không phải người phàm tục mà chính là học trò của ông Thái Ất ở động Kim Quang. Con có hai món báu vật không ai đánh lại. Ðể con về động thuật lại việc cho thầy con. Nếu Ngao Quảng có làm gì bất quá mạng thế mạng thôi. Quyết không để liên lụy đến mẹ cha.
Nói rồi hốt một nắm đất vãi lên trời, độn vào đất ấy mà bay đi mất.
Vợ chồng Lý Tịnh trông thấy cũng thất kinh, biết con mình là một bậc tướng tài, Thượng Ðế sai xuống đầu thai. Tuy vậy công lý không thể nào trốn tránh được. Gϊếŧ người vô cớ phải chịu tội mà thôi.
Na Tra độn thổ về đến động Kim Quang. Thái Ất cho đồng tử đòi vào hỏi.
Na Tra đem mọi việc thuật lại một hồi nhờ thầy cứu mạng.
Thái ất nói:
- Ngao Bính số mạng chỉ đến đó thôi. Ngao Quảng là một vị thần mưa lẽ nào không biết, chuyện gì phải đi kiện?
Liền dặn nhỏ Na Tra bảo phải làm y kế rồi họa bùa trên lưng Na Tra, khiến Na Tra đến cửa trời đón đường Ngao Quảng.
Na Tra lạy tạ lui ra, đằng vân thẳng đến cửa trời đứng trước đền Bửu Ðức đợi Long Vương.
Bởi có bùa ẩn thân nên không ai thấy được. Bấy giờ Ngao Quảng mới lểnh mểnh đến, Na Tra trông thấy nổi xung, xách Càn khôn quyện nhắm trên lưng Ngao Quảng đánh xuống. Ngao Quảng bị đánh lén không đề phòng được, té nhào dưới đất. Na Tra lập tức đạp một chân lên lưng, một chân đạp vào cổ, không cho Ngao Quảng ngóc dậy.
Ngao Quảng la ré om sòm nhưng lúc nầy còn sớm đền Bửu Ðức chưa mở cửa, không một ai can thiệp.