Hoàn Châu Cách Cách

Chương 11

Cái hôm ấy quả là một ngày trọng đại, cờ hoa bay phất phới, lễ nhạc đi đầu, người ngựa hai bên. Vua Càn Long mặc lễ phục ngồi trong kiệu rồng, chung quanh có Vĩnh Kỳ và các hoàng tử khác uy dũng mở đường.

Tiểu Yến Tử sắc phục lộng lẫy ngồi trên một kiệu lớn có mười mấy người khiêng, cũng có thị vệ, lính hầu bốn bên bảo vệ, phía sau là đám quần thân nhà Thanh.

Tiểu Yến Tử chợt thấy mình quan trọng hẳn lên, oai phong quá nên rất đắc ý, cứ mở màn kiệu hoa, thò đầu ra ngoài, để mình ngắm người và cũng để người ngắm mình.

- Hoàng thượng vạn vạn tuế! Cách cách vạn tuế!

Quần chúng hai bên đường hô vang khi kiệu đi qua.

Tiểu Yến Tử thấy mình được hoan hô càng bị kích động. Chưa bao giờ nàng thấy mình sang trọng như thế. Trước kia sống đời tiện dân, đi ngoài đường có ai thèm để ý đến? Bây giờ khác hẳn dân chúng rạp người hoan hô. Quần chúng bỗng trở nên dễ thương vô cùng.

Tiểu Yến Tử bận ngây ngất trên cái vinh quang hoàn toàn chẳng thấy Tử Vy, Kim Tỏa, Liễu Thanh, Liễu Hồng cũng có trong đám đông đó.

Tử Vy nhìn vào chiếc kiệu lớn chở cách cách, cách cách thì lại thò đầu ra ngoài, áo vàng mão ngọc xum xuê. Chợt nhiên Tử Vy phát hiện ra cách cách. Và đứng sững như trời trồng. Kim Tỏa đứng cạnh cũng thấy và nước mắt chợt lăn dài, nó lạc giọng nói:

- Tiểu thư! Tiểu thư xem kìa! Tiểu Yến Tử đấy mà! Người ngồi trong kiệu chính là Tiểu Yến Tử! Sao vậy? Cô ta đã biến thành cách cách phải không?

Tử Vy nhìn Tiểu Yến Tử không chớp mắt, làm sao có thể như vậy được? Tiểu Yến Tử không thể cư xử tệ như vậy với nàng được!

Liễu Thanh nhìn theo kiệu, không dằn được kêu:

- Tiểu Yến Tử! Tiểu Yến Tử kìa!

Liễu Hồng cũng khoát khoát khăn tay:

- Tiểu Yến Tử! Tiểu Yến Tử! Nhìn sang nơi này này! Làm sao ngươi lại biến thành cách cách vậy?

Trong đám đông ồn ào, Tiểu Yến Tử đâu nghe thấy được tiếng bạn bè cũ. Những tiếng gọi lạc giọng như thoảng tan trong gió. Đường phố đầy người. Tiếng tung hô tiếng nhạc đầy ấp không gian. Mà Tiểu Yến Tử cũng nào có ở không? Cô nàng bận cười khoát tay mãi với những đám quần chúng.

Tiếng tung hô vẫn vang rền:

- Cung hi? Hoàng thượng! Hoàng thượng vạn tuế! Hoàn Châu Cách cách vạn tuế!

Tử Vy nghe tiếng tung hô ngỡ ngàng:

- Hoàn Châu Cách cách? Tiểu Yến Tử là Hoàn Châu Cách cách ư?

Liễu Thanh vội hỏi một bô lão đứng gần đó.

- Tại sao gọi là Hoàn Châu Cách cách?

Những người đứng gần muốn chứng tỏ ta là người hiểu biết nhiều, vội tranh nhau nói:

- Huynh chẳng biết gì cả ư? Vạn tuế vừa thu nhận một nghĩa nữ ở chốn dân gian, phong hiệu là Hoàn Châu Cách cách. Hôm nay là ngày đưa nàng cách cách đó đến Thiên đàn để tế lễ tạ ơn.

- Nghe nói vị cách cách này thần thông quảng đại nên vua quý mến vô cùng.

- Chú tôi làm việc trong triều nên biết rất rõ ràng. Cách cách này mang tiếng là nghĩa nữ chứ thật ra cũng là nòi rồng đấy. Quý vị không thấy là nhà vua rất thích cải trang để du ngoạn trong dân gian ư… Chính những cuộc du hành đó, đã đẻ ra nàng cách cách này đấy.

Những lời bình luận kia như nhảy nhót trên trái tim của Tử Vy. Kim Tỏa thì phẫn nộ tột độ, nó lắc lấy lắc để Tử Vy, nói lớn:

- Đấy, tiểu thư, cô thấy chưa! Người ta đã lường gạt cô, lấy hết tín vật để được nhảy lên làm cách cách!

Tử Vy không biết làm gì hơn là nhìn trừng trừng về phía chiếc kiệu hoa mà lòng nhói đau. Vua Càn Long càng lúc càng xa. Chiếc kiệu chở Tiểu Yến Tử cũng xa dần. Nhưng cái khuôn mặt Tiểu Yến Tử đầy phấn son, châu ngọc vẫn còn trong mắt Vy, còn vẫy tay và cười với nàng nữa.

- Hoàn Châu cách cách vạn tuế, vạn tuế!

Tiếng hoan hô của quần chúng đầy nhóc trong tai, không những thế càng lúc càng to dần. Hoàn Châu cách cách! Hoàn Châu cách cách! Hạt châu thất lạc nay đã trở về với vua. Tử Vy thấy tim đau thắt, nỗi đau vì bị lừa gạt chưa từng có bao giờ.

Sau kiệu hoa là đoàn người ngựa, rồi ban nhạc… Đoàn người ngựa kéo dài như không dứt.

Nhĩ Khang, Nhĩ Thái cũng có trong đoàn hộ tống, đang la hét binh sĩ:

- Quần chúng đứng xem quá đông! Các ngươi phải cẩn thận tuần canh nghe không? Coi chừng thích khách!

- Vâng, bọn tôi biết!

Lời của Nhĩ Khang như chọc thêm vào trái tim đang căng phòng vì đau tức của Tử Vy. Đang đứng trong đám đông, Tử Vy chợt chen ra phía trước và đuổi chạy về phía kiệu của Tiểu Yến Tử, vừa chạy vừa hét:

- Đó không phải là Cách cách! Đó là sự lường gạt! Hoàng thượng! Hoàng thượng ơi! Người đã bị lường gạt rồi. Cô ta không phải là cách cách chính hiệu đâu. Tôi đây mới là cách cách. Tiểu Yến Tử sao ngươi lại xấu xa như vậy? Bọn ta chẳng phải đã kết nghĩa tỉ muội rồi ư? Tại sao ngươi còn lừa dối tả Tại sao ngươi lại có thể đối xử với ta như vậy?

Hành động của Tử Vy làm quần chúng náo động lên. Đội quân hộ tống cũng rối lên. Nhĩ Khang nghe ồn vội vã phóng ngựa đến, thấy có một cô gái xinh đẹp, lại la hét như kẻ điên, nên ra lệnh cho binh sĩ:

- Thị vệ! Bọn ngươi hãy giữ cô ta lại!

Nhĩ Thái thấy có chuyện lộn xộn cũng vội chạy đến, nhưng Nhĩ Khang đã xua tay:

- Nhĩ Thái, ngươi hãy lo bảo vệ cho Hoàng thượng và cách cách đi, đừng để cho những người đó bị quấy rầy, ở đây có ta lo.

- Vâng!

Nhĩ Thái vội kéo thêm một số binh sĩ đến để tăng cường cho đội bảo vệ vua Càn Long và cách cách. Vua và Tiểu Yến Tử vẫn cười, vẫn khoát tay với đám đông chào đón mà không hề biết chuyện gì đã xảy ra đằng sau.

Ở đây Tử Vy bị quân binh bao vây và giữ chặt, Tử Vy vẫn tiếp tục vùng vẫy la hét:

- Tiểu Yến Tử! Hãy quay lại đây, hãy nói rõ cho ta biết… Tại sao ta một lòng một dạ phơi bày hết mọi chuyện cho ngươi biết để rồi ngươi lại cư xử với ta như vậy? Ngươi đã mạo nhận là ta để làm cách cách, còn ta thì sao? Ta phải làm sao bây giờ?

Quay qua đám binh sĩ đang giữ chặt tay mình, Tử Vy van xin:

- Đừng bắt tôi hãy cho tôi gặp cách cách kia, tôi muốn hỏi cho ra lẽ… Tôi muốn gặp Hoàng thượng… Tôi cần gặp Hoàng thượng…

Nhĩ Khang thì chẳng biết gì, chỉ thấy kẻ quấy phá đoàn diễn hành nên hét: truyện được lấy tại s1apihd.com

- Con điên này ở đâu đây? Dám phá rối cuộc di hành của vua, binh sĩ hãy trói lại và bỏ vào ngục!

- Vâng!

Thế là Tử Vy bị lôi đi, Kim Tỏa thấy vậy vội vã chạy theo vừa chạy vừa gọi:

- Tiểu thư! Tiểu thư!

Liễu Thanh, Liễu Hồng thấy vậy cũng xông tới:

- Tử Vy đừng chống trả nữa hãy quay lại đây!

Trong khi dân chúng thì hiếu kỳ nên thấy đông là cứ tràn đến xem làm đám quan quân phải mệt nhọc ngăn cản đến nổi nóng.

Tư Vy bị bọn lính bắt vẫy vùng kêu la thảm thiết:

- Hoàng thượng ơi! Hoàng thượng! Người đã nhìn lầm người rồi! Người đã bị gạt rồi!

Nhĩ Khang thấy Tử Vy cứ la hét, mà càng la hét thì dân chúng bu lại càng đông, sợ làm kinh động vua Càn Long nên nói lớn:

- Mau giải đi đi! Phải cho cô ta câm mồm để Thánh thượng và cách cách không bị quấy rầy chứ?

Cùng lúc đó Liễu Thanh và Liễu Hồng nhảy vào giải vây cho Vy, hai người vừa gạt tay binh sĩ, vừa hét:

- Hãy buông cô ấy ra! Mau lên! Cô ta vô tội!

Nhĩ Khang thấy chuyện xé to, vừa tức vừa giận, trong ngày vui của Hoàng thượng không thể để quấy rầy nên hạ lệnh cho các võ tướng:

- Hạ Sầm Hản đâu! Hãy bắt hết bọn chúng lại!

- Vâng!

Thế là một đại hán cao lớn, cùng mấy tên cao thủ khác nữa nhảy vào, họ vây kín Liễu Thanh và Liễu Hồng lại. Tử Vy bị đám thị vệ kéo xếch đi trong nỗi tuyệt vọng tận cùng. Vy vẫn hét:

- Hoàng thượng ơi! Chiếc quạt kia là của con, Yên Vũ đồ cũng là của con… Hạ Vũ Hà là mẹ ruột con đấy!

Nhĩ Khang đứng đó, bất chợt nghe vậy giật mình. Cô gái này sao lại biết chiếc quạt, biết Yên Vũ đồ và biết cả tên của Tiểu Yến Tử và Hạ Vũ Hà nữa. Vậy là thế nào, lai lịch ra sao? Bất giác chàng nhìn về phía cô gái.

Cùng lúc đó, đám thị vệ thấy Tử Vy cứ la hét nên bực dọc ra tay. Một đấm rồi một đá, Tử Vy ngã nhào xuống đất, máu chảy ra miệng. Nhĩ Khang vội nhảy xuống ngựa, chụp lấy tay thị vệ:

- Không được đánh! Không được đánh!

Tên thị vệ dừng tay ngạc nhiên nhìn Nhĩ Khang.

Lúc đó, Tử Vy ngước mắt nhìn lên, vết thương trên mặt rỉ máu, nhưng đôi mắt nàng vẫn sáng, nàng nhìn Nhĩ Khang với ánh mắt van xin:

- Hãy nói với Hoàng thượng giùm tôi, xin ông hãy nói giúp tôi với Hoàng thượng giùm là: "Sau mưa, sen động châu trên lá, nắng ấm ban mai rạng bóng thành" bài thơ đó Hoàng thượng viết cho… Hạ Vũ Hà…

Chỉ nói đến đây là Tử Vy ngất xỉu dưới chân Nhĩ Khang.

Nhĩ Khang giật mình vì chàng biết rõ đó là câu thơ của Hoàng đế, nhưng cô gái này là ai mà cũng biết vậy?

Ngay lúc đó Kim Tỏa cũng vừa đến nhìn thấy Tử Vy nằm dưới đất, nó tưởng là Tử Vy đã bị đánh chết, đau khổ ôm lấy chủ khóc òa lên:

- Tiểu thơ ơi tiểu thơ… Tiểu thơ chết rồi ư? Tiểu thơ chết là có tội với bà, nếu sớm biết sẽ có chuyện này, chúng ta thà ở lại Tế Nam hơn là đến Bắc Kinh.

Lời của Kim Tỏa càng khiến cho Nhĩ Khang biết hẳn có một điều gì không ổn. Tiểu thơ? Bà? Rồi Tế Nam. Thế này là thế nào?

Ngay lúc đó Đại học sĩ Phước Luân cũng vừa cưỡi ngựa đến, hỏi:

- Nhĩ Khang, có chuyện gì vậy? Một đứa con gái điên ư?

Nhĩ Khang ngẩn nhìn cô gái nằm gục dưới đất rồi quay sang nhìn Phước Luân:

- Thưa cha, chuyện này lạ lắm, con thấy là chúng ta nên đưa cô gái này về nhà mình, rồi từ từ hỏi việc thì hơn.

Đại học sĩ Phước Luân gật đầu.

Trong khi phía trước, vua Càn Long với tâm trạng phấn khởi, tiếp tục vẫy chào quần chúng nghênh đón, không hề biết chuyện gì xảy ra đằng sau. Ông nào hay là có một núm ruột mình, gian khổ đi tìm mình lại bị bọn thị vệ đánh bán sống bán chết nằm đó.

Tiểu Yến Tử cũng vậy, ngất ngây trên cả vinh quang, đón nhận sự tung hô của dân đen bên đường với biết bao hí hửng. Tiểu Yến Tử hình như cũng nghe ai đó gọi đúng tên mình: " Phải Tử Vy chăng?". Nhưng rồi nhìn ra đám đông lúc nhúc. Lại chẳng thấy ai cả. Đâm ra nghi ngờ đó chẳng qua mình bị tự kỷ ám thị nên nghe nhầm thôi! Chắc chẳng có gì đâu! Tiểu Yến Tử tự nhủ. Vả lại ta chỉ làm cách cách tạm thời thôi, rồi từ từ khi thuận lợi ta sẽ trả lại chức cách cách cho ngươi mà. Có gì đâu, Tử Vy ạ! Ta hứa đấy! Hứa đấy!

Tiểu Yến Tử lẩm bẩm và thấy lòng thanh thản như cũ.

Đám đông đứng hai bên đường, vẫn tiếp tục tung hô:

- Cung chúc Hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế! Chúc Hoàn Châu Cách cách vạn tuế!

o0o

Được đưa về Phủ học sĩ. Tử Vy chẳng làm sao ngờ được Phủ học sĩ lại là một nơi ấm cúng thân thiện đến thế.

Bà Phước Tấn, vợ của Phước Luân là một người đàn bà đôn hậu. Nhìn thấy cô gái bị thương tích, được mang về nhà, bà chẳng cần hỏi han gì cả, lập tức ra tay, đích thân thay áo cho cô gái rồi ra lệnh cho bọn a đầu, mang khăn mang nước, kêu bọn thị vệ mời đại phu đến.

Và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau Tử Vy đã được chăm sóc chu đáo. Nằm trên giường, tuy đã tỉnh, nhưng tinh thần Vy lại hoàn toàn suy sụp, nên trông rất tội.

Bà Phước Tấn nhìn Tử Vy, cười nói:

- Vậy là xong, áo quần đã thay, người cũng đã tỉnh rồi. Đại phu khám bệnh cho biết chỉ bị thương, nên không có gì phải ngại, chỉ cần nghỉ ngơi ít bữa là khỏe.

Tử Vy thấy Phước Tấn đôn hậu như vậy sụp xuống thi lễ, rồi nói

- Thưa Phước Tấn, Hạ Tử Vy này vô tài kém đức lại được Phước Tấn đích thân chăm sóc như vậy, vô cùng cảm kích xin được khấu đầu lạy tạ.

Phước Tấn thấy Tử Vy nói năng một cách có học như vậy rất ngạc nhiên, nhưng cũng nói

- Chẳng có gì đâu. Cô nương đã đến tệ phủ, thì coi như là khách quý của tệ phủ rồi. Cứ nằm yên dưỡng bệnh, đừng khách sáo, còn việc khác tính sau.

Kim Tỏa mang chén thuốc đến giường, hai tay nâng lên mời:

- Tiểu thư, hãy mau ngồi dậy dùng thuốc. Phước Tấn nhiệt tình lo lắng cho cô và đại phu nói. Bắt buột phải uống thuốc.

Tử Vy vừa thấy Kim Tỏa là sực nhớ đến Tiểu Yến Tử, bất giác nỗi đau trỗi dậy, cô đẩy chén thuốc ra nói.

- Chuyện Tiểu Yến Tử phản bội đã làm cho lòng tôi tan nát. Tín vật lại không còn mẹ thì đã chết, cha không còn nhìn được. Vậy thì tôi còn gì? Tôi sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa?

Kim Tỏa sợ hãi, khuyên:

- Cô đừng nên nói vậy! Mọi thứ rồi sẽ được sáng tỏ, rồi cô sẽ gặp được cha.

Cùng lúc đó Nhĩ Khang, Nhĩ Thái và ông Phước Luân đi vào. Đại học sĩ Phước Luân hỏi

- Thế nào? Cô ấy đã khỏe chưa?

Kim Tỏa đáp

- Vâng, đã đỡ rồi.

Nhĩ Khang đến gần nhìn kỹ Tử Vy, tuy cô gái còn đầy vết thương trên mặt, nhưng cái đẹp thanh tú trang nhã vẫn ẩn hiện trên đôi mắt trên khuôn mặt. Và cái khí phách đó đã chinh phục cảm tình của Nhĩ Khang ngay. Chàng cười xã giao với Vy, rồi nói:

- Để tôi giới thiệu cô biết, đây là cha tôi làm chức quan đại học sĩ, được Hoàng thượng phong thêm Trung Dũng nhất đẳng công. Còn đây là mẹ tôi, cô đã biết rồi đấy, tôi là Phước Nhĩ Khang là Ngự tiền hành tẩu của Hoàng thượng, phụ trách đội bảo vệ, còn đây là em trai tôi Phước Nhĩ Thái cũng làm việc ở triều đình, cô cũng biết rồi đấy, thế còn cô? Cô là ai?

Tử Vy nhìn Nhĩ Khang vui vẻ, nên yên tâm bước xuống giường sụp lạy Phước Luân

- Tiện nữ là Hạ Tử Vy xin bái kiến Phước Đại nhân. Xin chúc phúc Phước Đại nhân!

Rồi quay sang Nhĩ Khang và Nhĩ Thái, vừa chào vừa nói

- Đã kiến qua nhị vị công tử!

Lối hành lễ của Tử Vy làm ông Phước Luân giật mình, ông vội đỡ Tử Vy dậy.

- Cô nương khỏi phải hành lễ nhiều như vậy. Hôm nay cô nương đã làm náo loạn đội ngũ diễu hành là có ý gì?

Tử Vy xúc động nói:

- Chuyện này dài lắm.

- Thì cô nương cứ nói ra đi, chẳng có gì phải ngại.

Tử Vy suy nghĩ rồi đưa mắt nhìn quanh. Nhĩ Khang hiểu ý, quay sang khoát tay, với bọn tỳ nữ.

Đám tì nữ vừa đi ra ngoài, Nhĩ Khang cẩn thận khép cửa lại

Phước Luân, Nhĩ Khang, Nhĩ Thái và bà Phước Tấn chăm chú nhìn Tử Vy chờ đợi. Vy bắt đầu kể:

- Tiện nữ họ Hạ, tên là Tử Vy. Có mẹ là Hạ Vũ Hà, sống bên bờ hồ Đại Minh ở Tế Nam. Từ nhỏ tiện nữ đã biết mình khác hẳn những đứa bé chung quanh, tiện nữ chẳng có cha và mỗi lần hỏi mẹ, cha con đâu? Là chỉ thấy mẹ gạt nước mắt hoặc lảng tránh sang chuyện khác. Điều này khiến tiện nữ sợ hãi không dám hỏi thêm. Tuy không có cha nhưng con được mẹ dạy dỗ rất kỹ càng mẹ bán bớt tài sản để mướn thầy đến nhà dạy cho các loại cầm kỳ thi họa. Đến năm mười hai tuổi, được mẹ nhờ thầy dạy cho cả tiếng Mãn Châu và như thế đến năm rồi, mẹ bị bệnh nặng, biết là khó mà qua khỏi, mới kêu lại nói cho biết, cha chính là Hoàng thượng đương triều.

Mọi người nhìn Tử Vy, gian phòng yên lặng như tờ. Tử Vy lại tiếp:

- Trước khi mẹ qua đời, người có trao lại cho tiện nữ hai tín vật của cha, một là chiếc quạt xếp trên đó có bài thơ của Hoàng thượng đích thân viết và một là bức tranh Yên Vũ đồ bảo tiện nữ hãy mang những thứ này đến Bắc Kinh, tìm Hoàng thượng. Mẹ cứ dặn đi dặn lại hai ba lần như vậy, sau khi chôn cất mẹ xong tiện nữ bán hết gia sản, dẫn a hoàn là Kim Tỏa đến Bắc Kinh, không ngờ đến đây rồi mới biết là hoàng cung lúc nào cũng canh phòng nghiêm ngặt, muốn gặp được Hoàng thượng nào phải chuyện dễ dàng và thế là tiện nữ sống lưu lạc ở Bắc Kinh. Ngày ngày vẫn tìm cách gặp Hoàng thượng và trong lúc tưởng là cùng đường, thì gặp một người con gái có vẻ đầy nghĩa khí, đó là Tiểu Yến Tử. Thế là kết thân ngay và tiện nữ dọn về Viện nhà nghèo ở xóm Đuôi chó để ở chung với Tiểu Yến Tử, tình cảm mỗi lúc mỗi khăng khít nên tiện nữ và cô ta đã kết nghĩa tỉ muội.