Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 2

Nước Nam, người Lạc Việt, từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, mười năm kháng chiến đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi. Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ lập nên nhà Hậu Lê đặt tên nước là Đại Việt (năm Mậu Thân - 1428).

Vua Thái Tổ truyền đến đời con cháu là Thái Tông, Thánh Tông đều là những bậc anh quân vì dân vì nước. Từ ấy bốn phương thiên hạ thái bình, muôn dân no ấm. Lúc bấy giờ người dân trong nước truyền tụng câu ca rằng:

Đời vua Thái Tổ, Thái Tông

Lúa thóc đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn.

Nhà Hậu Lê truyền ngôi được trăm năm, đến đời vua Chiêu Tông thì Mạc Đăng Dung soán ngôi vua lập nên nhà Mạc vào năm Đinh Hợi (1527). Lúc bấy giờ có quan Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thạch Hầu Nguyễn Kim cùng rể là Trịnh Kiểm tìm dòng dõi vua Lê Thái Tổ lập lên làm vua rồi đem quân chiếm đất Nghệ An đánh nhau với nhà Mạc.

Sau Nguyễn Kim chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm. Kiểm sợ con Nguyễn Kim là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng tranh quyền với mình, bèn gϊếŧ chết Nguyễn Uông. Trịnh Kiểm lại có ý xưng làm vua, nhưng thấy lòng người còn thương mến nhà Lê nên sai sứ vào Hải Dương hỏi ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình bảo:

- Năm nay mất mùa, thóc giống không tốt nên tìm giống cũ mà gieo mạ.

Rồi Trạng sai đầy tớ quét dọn chùa rồi đốt hương khấn rằng: Giữ chùa thờ phật thì ăn oản.

Kiểm hiểu ý vẫn giữ vua Lê làm hư vị, còn mình nắm giữ hết quyền hành.

Nguyễn Hoàng thấy Trịnh Kiểm gϊếŧ anh mình là Nguyễn Uông sợ vạ lây đến thân, bèn lén vào hỏi ý Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng chỉ tay vào Nam nói:

- Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân (một dãy Hoành Sơn dung thân ngàn đời).

Hoàng lấy tình thâm ruột thịt nói với chị mình là vợ Trịnh Kiểm tên là Ngọc Bảo, xin với Kiểm cho Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (Bình Trị Thiên ngày nay). Ấy là vào năm Mậu Ngọ (1558).

Sau Trịnh Kiểm chết, con là Trịnh Tùng lên thay quyền. Tùng đem quân đánh dứt được nhà Mạc. Tùng vẫn giữ vua Lê làm hư vị, còn mình tự xưng là chúa Trịnh.

Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa thấy Trịnh Tùng xưng chúa ở Thăng Long, bèn tự xưng là chúa Nguyễn. Về sau Hoàng chết, con là Nguyễn Phúc Nguyên sai Đào Duy Từ đắp lũy Trường Dục ở Châu Bố Chánh (Quảng Bình ngày nay) chống nhau với quân Trịnh.

Hai bên bắt đầu đánh nhau vào năm Đinh Mão 1627. Từ ấy về sau đất nước chia hai, lấy sông Linh Giang làm ranh giới. Từ sông Linh Giang trở ra tục gọi là Đàng Ngoài. Từ sông Linh Giang trở vào tục gọi là Đàng Trong.

Hai Đàng đánh nhau ngót một trăm năm, tạo ra cảnh binh đao khói lửa, huynh đệ tương tàn, nhân dân ta thán!

Ở Đàng Ngoài, Trịnh Tùng mượn tiếng tôn phò vua Lê nắm hết quyền hành. Thủa ấy trong nhân gian thường truyền miệng nhau câu sấm rằng:

Chẳng Đế chẳng Bá, quyền nghiêng thiên hạ,

Đến đời thứ tám, trong nhà dấy vạ.

Họ Trịnh cha truyền con nối làm chúa ở Đàng Ngoài đến đời thứ tám là Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Lúc ấy vua nhà Lê là Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng có một người con lớn là Thái tử Lê Duy Vỹ. Duy Vỹ tư chất thông minh diện mạo khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Thường ngày Duy Vỹ đi ngao du sơn thủy kết giao với hào kiệt khắp vùng, ai ai cũng thương tài mến đức.

Một ngày kia, trong cung điện, vua Hiển Tông đánh cờ uống rượu cùng các quan thái giám, Duy Vỹ vào trông thấy quỳ tâu:

- Thưa Phụ hoàng, từ ngày nhà Lê ta trung hưng đến nay trải mười đời vua. Họ Trịnh tiếng là tôn phò nhưng thực chất là áp chế nhà Lê ta. Họ Trịnh muốn cho ai làm vua thì cho, muốn gϊếŧ ai thì gϊếŧ. Như hai trăm năm trước Trịnh Tùng gϊếŧ chết Anh Tông Hoàng Đế. Rồi ba mươi năm sau Trịnh Tùng lại gϊếŧ chết Hoàng Đế. Mới bảy mươi năm trước đây Dụ Tông Hoàng Đế bị Trịnh Cương bắt phải thoái vị nhường ngôi cho Thái tử Duy Phương. Thái tử Duy Phương làm vua được ba năm lại bị Trịnh Giang vu là thông da^ʍ với vợ Trịnh Cương mà đem gϊếŧ đi. Rồi đến lúc Phụ hoàng lên ngôi là do chính Trịnh Doanh đã buộc vua Ý Tông thoái vị nhường ngôi cho Phụ hoàng đó. Xét trong lịch sử từ trước đến nay chưa có quyền thần nào lại lộng hành tàn ác, khi quân phạm thượng như họ nhà chúa Trịnh. Vả lại xưa nay chỉ có nhà vua mới được quyền cha truyền con nối, chưa nghe nói đại thần mất thì con được lên thế chức bao giờ. Nay họ Trịnh xưng vương, cha mất thì con lên kế vị, ấy chẳng qua là vì không dám phế bỏ nhà Lê ta để làm vua mà thôi. Nay Phụ hoàng lên ngôi đã ba mươi hai năm mà mọi việc trong triều ngoài cõi Trịnh Doanh rồi đến Trịnh Sâm có cần bẩm báo gì với Phụ hoàng chăng? Sao Phụ hoàng cứ mải vui say với cầm kỳ thi hoạ mà không nghĩ đến việc lấy lại quyền hành của nhà Lê ta? Con vì giận họ Trịnh mà có đôi lời mạo phạm đến Phụ hoàng, xin Phụ hoàng thứ tội.

Duy Vỹ trong lòng uất hận họ Trịnh nói luôn một hơi. Vua Hiển Tông nghe Vỹ nói xong liền quăng cờ, đuổi các thái giám ra ngoài rồi hốt hoảng nói:

- Bọn nội thị này tiếng là hầu hạ cho ta, nhưng đều là tay chân của Trịnh Sâm cả. Sao con lại buông lời càn rỡ? Nếu đến tai Trịnh Sâm mạng ắt chẳng còn!

Duy Vỹ nghe cha nói thế lại càng giận lắm, đứng dậy nói lớn:

- Sao Phụ hoàng lại sợ thằng nghịch tặc ấy đến thế? Nếu Phụ hoàng giữ mình để mưu việc lớn thì con thật là khâm phục. Còn Phụ hoàng vì sợ như bề tôi sợ vua mà im hơi lặng tiếng thì con thật lấy làm đau lòng lắm!

Hiển Tông ứa nước mắt hỏi:

- Con ơi! Cha con ta khác nào thân cá chậu chim l*иg! Chính con vừa nói rằng họ Trịnh muốn gϊếŧ ai thì gϊếŧ, muốn lập ai thì lập đó sao? Con có biết vì sao cha làm vua ba mươi hai năm nay mà chẳng có một tai hoạ nhỏ nào không?

- Con không được biết, xin Phụ hoàng phân giải!

- Làm vua thì phải lo cho dân cho nước, họ Trịnh đoạt quyền ta thì phải lo lấy cái lo của ta, để ta ngồi không mà hưởng lộc. Ấy là phước sao gọi là hoạ? Chính nhờ cha an phận như thế nên cha làm vua hơn ba mươi năm mà không bị một tai hoạ nhỏ nào!

Duy Vỹ nghe Hiển Tông nói thế biết cha mình nhu nhược, có phân giải thế nào cũng vô ích đành ngồi ôm mặt khóc. Vua Hiển Tông nói tiếp:

- Nay các quan trong triều tiếng là tôi nhà Lê nhưng kỳ thực đều là tay chân nhà chúa cả. Con muốn làm điều lấp biển vá trời kia cha e rằng họa hổ bất thành mà chuốc vạ vào thân.

Nói rồi cha con ôm nhau khóc. Khóc một hồi Duy Vỹ nói:

- Con xin vâng lời cha dạy.

Nói rồi lạy mà cáo từ về dinh phủ.

Lúc ấy trong cung điện vua Hiển Tông có tên quan nội thị tên là Phạm Ngô Cầu. Ngô Cầu vốn là người xu nịnh tham quyền, hắn nghe mấy lời của thái tử Duy Vỹ rồi bị vua Hiển Tông đuổi ra, Cầu bèn chạy sang phủ chúa mách với Trịnh Sâm. Sâm nổi giận nói:

- Duy Vỹ thật to gan, dám toan trở mặt làm phản, ta quyết gϊếŧ chết không tha. Ta nhớ lúc còn là Thế tử có lần ta và Phụ vương sang phủ vua. Ta thấy Phụ vương ta ngồi ngang hàng với vua Hiển Tông, cũng bèn ngồi vào bàn với Duy Vỹ, lúc ấy Duy Vỹ hãy còn bé buột miệng nói rằng: Làm tôi sao lại dám ngồi cùng với vua, nói xong đứng lên bỏ đi. Từ ấy đến nay ta vẫn muốn gϊếŧ chết Duy Vỹ mới hả giận mà không có cớ gì. Nay là tự tìm lấy cái chết mà thôi!

Nói xong Sâm hỏi Ngô Cầu:

- Nếu ta bắt tội Duy Vỹ, ngươi có dám đối chất chăng?

Cầu đáp:

- Hạ thần chịu ơn Chúa thượng không lấy chi trả được, Chúa thượng bảo nhảy vào lửa nào dám không vâng!

Sâm mừng rỡ nói:

- Xong việc này ta nhất định thăng thưởng cho ngươi.

Ngô Cầu hớn hở bái tạ ra về. Ra ngoài phủ chúa, Cầu gặp quan thị lang là Vũ Trần Thiệu. Thiệu vốn biết Cầu là kẻ tham lam, vô đạo, bất trung, bạo ngược. Nay thấy mặt Cầu nửa vui lại nửa lo, Thiệu sinh nghi thầm nghĩ rằng: Phạm Ngô Cầu đang làm nội thị trong cung vua, nay bỗng dưng lại sang phủ chúa, ắt là ton hót việc gì hại vua đây, ta phải hỏi cho ra lẽ mới được! Nghĩ rồi gọi Ngô Cầu hỏi:

- Xin chào quan nội thị. Chẳng hay ngài có mạnh khoẻ chăng? Đi đâu mà vội vàng thế?

Cầu lên giọng đáp:

- Hoàng thượng sai ta sang phủ chúa có việc. Xong việc ta lại về điện vua. Còn ngài đi đâu đó?

Thiệu biết Cầu rất ham mê bói toán liền nói gạt:

- Tôi nghe có một vị đạo sĩ gieo quẻ rất hay, định mời về tệ xá xem cho đường hoạn lộ ấy mà!

Cầu liền nói:

- Xin ngài cho tôi xem với!

Thiệu bảo:

- Vậy ngài hãy về nhà tôi trước. Tôi đi rước đạo sĩ về chúng ta cùng xem.

Cầu tưởng thật vội vã đi ngay về nhà Thiệu, lát sau Thiệu về đến than rằng:

- Thật không may đạo sĩ đi vắng không có nhà. Thôi nhân dịp này mời ngài vài chén vậy.

Nói xong gọi gia đình mang rượu thịt lên. Rượu ngà ngà Cầu nói khoác rằng:

- Tôi muốn xem để thử tài đạo sĩ ấy mà thôi. Chứ tôi đây xem thiên văn có thể đoán biết điều nhân sự thì cần gì phải nhờ ai xem cho.

Thiệu giả vờ say hỏi:

- Vậy ngài xem thiên văn biết sắp tới đây trong nước sẽ xảy ra việc gì?

Cầu đáp:

- Tôi đêm đêm xem thiên văn thấy chính tinh thì mờ mà phụ tinh lại sáng. Nay mai thế nào Thái tử cũng gặp nạn mà thôi!

Nghe Cầu nói xong Thiệu thất kinh hồn vía, giả say ngã lăn ra mà ngủ, Cầu đứng dậy ra về. Cầu về rồi Thiệu mới vùng dậy dặn dò người tín cẩn lập tức sang mật báo cùng Thái tử. Duy Vỹ nghe nói xong giật mình than:

- Lời cha ta nói quả không sai. Ta vì một lúc uất hận mà chuốc hoạ vào thân!

Than rồi liền lánh mình vào điện vua Hiển Tông. Duy Vỹ vừa đi khỏi đã thấy quan binh đến vây nhà. Quân về báo cùng Trịnh Sâm:

- Thái tử trốn sang điện vua. Chúng thần không dám vây phủ vua, xin Chúa thượng định liệu.

Sâm liền sai quân đi gọi Phạm Ngô Cầu. Cầu đến, Sâm bảo:

- Ta giao gươm lệnh cho ngươi, hãy dẫn quân sang phủ vua bắt Duy Vỹ về đây cho ta.

Ngô Cầu vâng lệnh đi ngay. Đến chánh điện vua Hiển Tông bước ra hỏi:

- Việc gì các ngươi đem quân mang vũ khí đến đây? Muốn làm phản gϊếŧ vua chăng?

Ngô Cầu quỳ dưới thềm đáp:

- Hạ thần vâng lệnh chúa đến bắt Thái tử trốn trong điện Bệ hạ. Xin Bệ hạ giao Thái tử ra đây, chúng thần lập tức về ngay.

Hiển Tông hỏi:

- Ngươi hãy về thưa với Tĩnh Đô Vương đến đây nói cho ta biết Thái tử có tội gì?

Cầu đáp:

- Chưa mời được Thái tử, hạ thần không dám về. Xin Bệ hạ giao Thái tử cho!

Hiển Tông không đáp quày quả trở vào. Cầu quỳ mãi dưới thềm, đến trưa Cầu đứng dậy nói lớn:

- Chúa bảo đến trưa mà Thái tử không ra, chúng thần được lệnh vào điện vua mà bắt. Xin Bệ hạ lượng thứ.

Nói xong toan xông vào. Bỗng Duy Vỹ bước ra quát:

- Ta đã ra đây, không cần các ngươi vào điện vua làm kinh động long thể mà mang tiếng là loài phản nghịch.

Nói xong toan theo Cầu đi, vua Hiển Tông chạy theo níu áo Thái tử gọi: “Con ơi”. Hai cha con ôm nhau mà khóc. Vua Hiển Tông than rằng:

- Vì sự nhu nhược của cha đã gϊếŧ con rồi vậy!

Thái tử nói:

- Sanh tử do trời. Xin Phụ hoàng đừng quá ưu phiền.

Nói xong lạy vua Hiển Tông ba lạy rồi theo Phạm Ngô Cầu về phủ chúa. Đến nơi Trịnh Sâm ngồi trên cao hỏi:

- Ngày hôm qua Thái tử nói nhà chúa thế nào?

Duy Vỹ đáp:

- Nhà chúa của ngươi ăn ở thế nào ai mà không biết, cần gì phải nói!

Sâm bảo Phạm Ngô Cầu:

- Hôm qua ngươi nghe Thái tử nói những gì, hãy thuật lại cho các quan cùng nghe.

Cầu chưa kịp mở lời, Duy Vỹ gạt đi bảo:

- Không có cớ này ngươi cũng tìm ra cớ khác, muốn gϊếŧ ta thì gϊếŧ cần gì phải đối chất làm chi!

Trịnh Sâm nổi giận truyền giam Thái tử vào ngục, Sâm nói với bá quan:

- Hơn một trăm năm nay nhà chúa ta một lòng phò tá vua Lê, gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong triều, ngoài cõi. Ơn ấy không nhớ thời thôi, nay Thái tử Duy Vỹ lại lấy oán trả ơn, tội thật đáng chết. Nhưng ta thiết nghĩ Duy Vỹ là Thái tử con vua nên không thể đem ra pháp trường hành quyết như dân thường được. Vậy ai thay ta vào ngục ban ân cho Thái tử được tự xử?

Bá quan văn võ đều cúi đầu làm thinh, không ai dám lên tiếng lãnh mạng. Phạm Ngô Cầu bước ra nói:

- Khải Chúa, trăm quan ai cũng đồng lòng rằng Thái tử đáng tội chết nhưng không ai dám lãnh việc này vì sợ mang tiếng gϊếŧ vua. Phạm Ngô Cầu tôi xin lãnh mạng vào ngục ban ân cho Thái tử được tự xử.

Trịnh Sâm mừng lắm nói:

- Xử Thái tử không thể người tước thường mà làm được. Nay ta phong cho ngươi tước Công vào ban ân của ta cho Thái tử.

Nói xong liền phong cho Phạm Ngô Cầu tước Tạo quận Công. Cầu vào ngục nói với Duy Vỹ:

- Chúa thượng vì nể Thái tử là con vua nên sai thần vào đây, xin Thái tử hãy tự chọn lấy.

Nói xong dâng cho Duy Vỹ một chiếc khay đồng, trên khay ấy đựng một giải lụa, một thanh gươm và một chén thuốc độc. Thái tử nhìn mâm đồng nói:

- Ta biết sớm muộn gì cũng có ngày này nên từ lâu đã lo trừ Trịnh Sâm. Việc sinh tử là do số mệnh. Nhưng trước lúc chết ta muốn hỏi ngươi, tại sao ngươi làm nội thị hầu hạ vua, ăn lộc vua còn dính kẽ răng sao nỡ phản vua như thế?

- Thần ăn lộc nhà chúa không ăn lộc nhà vua. Vả lại phản vua là chúa phản, không phải thần phản.

- Lời ngươi cũng phải. Hãy về nói với chúa ngươi rằng ta dù chết xuống âm phủ cũng làm ma cũng theo Trịnh Sâm mà đòi mạng.

Nói rồi ứa nước mắt bưng thuốc độc mà uống, Duy Vỹ vừa uống vào khỏi miệng liền thổ huyết chết ngay. Vừa lúc ấy trời đang nắng to bỗng mây đen vần vũ, sấm chớp ầm ầm, gió bụi nổi lên, rồi một trận mưa lớn chưa từng thấy đổ xuống thành Thăng Long, trời đất tối mịt mù. Duy Vỹ chết rồi mắt vẫn mở trừng trừng ai vuốt sao cũng không chịu nhắm. Trịnh Sâm không biết làm sao đành để vậy mà tống táng. Dân chúng trong thành ngoài nội nghe Thái tử bị Trịnh Sâm gϊếŧ, nhà nhà đều đóng cửa cha ôm con, chồng ôm vợ, anh em ôm nhau mà khóc.

Từ ấy, trong Hoàng tộc nhà Lê, không còn ai dám nghĩ đến việc tranh giành quyền hành với nhà chúa cả.

oOo

Họ Nguyễn làm chúa ở Đàng Trong cha truyền con nối đến đời thứ tám là Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Võ Vương đóng đô ở Phú Xuân (Huế ngày nay) phong Trương Phúc Loan làm Thái phó. Phúc Loan là cậu ruột của Võ Vương nên người đời thường gọi là quan Quốc phó.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát ngày ngày ở mãi trong tam cung, bỏ bê việc triều chính, do sắc dục quá độ mà mắc bệnh ngày càng nặng. Loan thấy Võ Vương bệnh tình trầm trọng không thể sống được bèn toan lập vây cánh để sau khi chúa chết mình đoạt lấy quyền hành. Loan cho gọi tay chân của mình là thái giám Chữ Đức đến bảo:

- Ta định tâu Chúa thượng phong ngươi làm Đô thống chỉ huy quân túc vệ. Ngặt chức này Ngô Mãnh đang nắm giữ không có cớ gì mà thay thế được!

Chữ Đức nói:

- Quốc phó hãy lấy lòng Ngô Mãnh để mua chuộc hắn thì không cần phải thay tôi vào chức ấy.

Loan bảo:

- Ngô Mãnh võ nghệ siêu quần, sức khoẻ muôn người khôn địch, tính tình lại thẳng thắn cương trực không dễ gì mua chuộc được!

Lúc ấy có người thầy thuốc ở trong nhà Phúc Loan tên là Vương Đức Quý. Quý mang thuốc lên cho Loan, nghe được bèn quỳ tâu:

- Tôi có một kế khiến cho quan thái giám Chữ Đức có thể thay thế chức của Ngô Mãnh.

Phúc Loan liền hỏi:

- Kế thế nào ngươi nói thử xem?

Đức Quý đáp:

- Quốc phó tiến cử tôi vào thăm bệnh cho chúa, tôi sẽ có cách khuyên chúa đi tuần du vào Nam, lúc ấy Quốc phó lại tiến cử Ngô Mãnh theo hộ giá, tất chức Đô thống chỉ huy cấm vệ quân cần được thay thế. Chữ Đức có làm được chức quan ấy chăng là do Quốc phó vậy.

Phúc Loan cả mừng nói:

- Nếu được như thế ta nhất định thăng thưởng cho ngươi!

Nói xong liền sửa sang áo mão vào chầu chúa Vũ Vương.

Ngày sau chúa gọi Đức Quý đến hỏi:

- Ta mắc bệnh cứ đi khoảng vài trăm bước là hoa mắt, chân run, toàn thân giá lạnh. Các danh y đã điều trị nửa năm mà không hề thuyên giảm là cớ làm sao vậy?

Đức Quý xem mạch cho Vũ Vương xong, quỳ tâu:

- Xin Chúa thượng tha tội kẻ hạ thần mới dám tâu trình.

Chúa bảo:

- Vì sức khoẻ của ta, ngươi cứ thật sự tỏ bày. Có gì ta cũng không bắt tội.

Đức Quý thưa:

- Mạch của Chúa thượng ở bộ xích quá trầm mà lại quá vi ấy là thận gần tuyệt. Mạch sáu bộ đều quá nhược, quá hư ấy là dương khí đại suy. Trong sách y có nói: Thận là khí tiên thiên, là nguồn gốc của sự sống con người. Thận sinh tinh, tinh sinh ra tủy, tủy nuôi dưỡng xương, tủy thông lên óc não. Bởi vậy nên tinh khô thì thận tuyệt, không đủ tinh để nuôi dưỡng xương, tủy, óc não nên hoa mắt chân run là do thế. Vả lại trong thận có thận âm và thận dương. Tinh là khí của thận âm, hễ âm suy thì dương thoát. Dương chủ quản phần ngoài cơ thể để hấp thụ thanh khí và bài trừ trọc khí của vũ trụ. Dương đại suy nên toàn thân giá lạnh là do thế.

Chúa lo lắng hỏi:

- Chẳng lẽ bệnh của ta không có thuốc chữa khỏi hay sao?

- Nếu chỉ dùng thuốc thôi thì không thể khỏi.

Chúa vội vàng hỏi:

- Nói vậy là còn cách gì khác hay chăng?

- Bệnh của Chúa thượng trong dùng thuốc Nhân sâm, Huỳnh kỳ, Phụ tử bổ dương khí, dùng Hoài sơn, Thục địa bổ thận đã đành. Kẻ hạ thần trộm nghĩ nay là tháng hai đang tiết xuân, khí dương đang thịnh. Hướng Nam cũng là hướng thuộc dương. Nay chúa thượng nên tuần du một chuyến về phương Nam cho thân thể hấp thụ thanh khí dương của trời đất để bồi bổ bệnh dương suy. Trong Chúa thượng lại có thể xa lánh tam cung thì khỏi hao tinh làm tổn thương nguyên khí, thì sẽ tráng dương bổ thận. Trong sách y có câu: Tích tinh, dưỡng khí, tồn thần là ba đạo lớn trong thuật dưỡng sinh. Xin Chúa thượng minh xét.

Chúa gật đầu nói:

- Lời ngươi thật hữu lý, ta cũng nên du xuân vào Nam một chuyến để xa lánh phi tần mỹ nữ. Vả lại tháng trước vua Cao Miên có tặng ta con ngựa tên Xích kỳ, toàn thân đỏ như lửa. Nó là con tuấn mã ngày chạy ngàn dặm không biết mệt. Ta dắt theo để khi hết bệnh sẽ cưỡi xem nó chạy hay dở thế nào.

Hôm sau chúa liền thiết triều hội bá quan văn võ, gọi quan Quốc phó Trương Thúc Loan bảo:

- Nay ta vào Nam tuần du xa lánh tam cung để dưỡng bệnh. Vậy khanh hãy thay ta trông coi việc triều chính. Từ việc lớn đến việc nhỏ cho khanh trọn quyền quyết định.

Loan lạy tạ tâu:

- Nay Chúa thượng đem thân vàng ngọc ra khỏi kinh thành e có điều bất trắc, vậy thần xin tiến cử một người theo hộ giá.

- Người nào vậy?

- Ấy là quan Đô thống Ngô Mãnh chỉ huy cấm vệ quân.

Chúa khen:

- Lời khanh rất hợp ý ta. Đô thống Ngô Mãnh võ nghệ tuyệt luân, từ lâu đã nổi danh vô địch, nay theo hộ giá thì ta còn gì lo nữa.

Bỗng Ngô Mãnh bước ra quỳ tâu:

- Kính Chúa thượng, thần đã trên lục tuần, tuổi già sức yếu không còn xứng với danh hiệu vô địch nữa. Nay có một người tài khiêm văn võ, thượng thông thiên văn hạ đạt địa lý. Chúa thượng nên sai người ấy theo hộ giá mới được trọn vẹn.

- Người ấy là ai?

- Người ấy tuổi trạc tứ tuần tên Trương Văn Hiến, là gia tướng của lão đại thần Ý Đức hầu Thái uý Trương Văn Hạnh.

Chúa hỏi Hạnh:

- Khanh có người gia tướng có tài sao lâu nay không tiến cử để giúp việc quốc gia?

Văn Hạnh tâu:

- Kính Chúa thượng, Hiến là cháu của lão thần, cũng có ít tài văn võ. Nếu muốn giúp việc quốc gia thì đã có trường thi để tiến thân trên đường quan lộ, nhưng tánh nó ưa ngao du sơn thuỷ, chẳng thiết công danh nên không chịu thi cử gì cả. Bởi vậy nay đã bốn mươi tuổi mà vẫn giúp việc gia đình. Vả lại, nếu lão thần tiến cử thì e mang tiếng là thiên vị thân nhân. Mong Chúa thượng lượng cả xét soi.

Phúc Loan xen vào nói:

- Kính Chúa thượng, tài Văn Hiến hư thực chưa rõ ra sao. Vả chăng việc hộ giá mình rồng không thể đường đột mà giao cho kẻ chưa từng bụng dạ. Xin…

Chúa ngắt lời Loan:

- Lời hai khanh đều hữu lý, người không muốn lập công danh thì chẳng nên ép làm gì. Truyền quân phi báo vào các phủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn chuẩn bị đón tiếp. Đô Thống Ngô Mãnh đem năm trăm quân cấm vệ ngày mai hộ giá vào Nam!

Phúc Loan tâu:

- Ngô Mãnh theo hộ giá Chúa thượng tuần du, vậy thần xin tiến cử thái giám Chữ Đức làm Đô thống chỉ huy quân túc vệ. Chẳng hay ý Chúa thượng thế nào?

Chúa đáp:

- Nay ta phong cho Vương Đức Quý làm ngự y, Ngô Mãnh làm đại hộ giá, Chữ Đức làm Đô thống chỉ huy quân túc vệ. Sau khi xa giá vào Nam mọi việc trong triều giao cho Quốc phó được thay quyền nhϊếp chính.

Nói xong truyền bãi chầu. Ra ngoài Ngô Mãnh nói riêng với Trương Văn Hạnh:

- Phúc Loan tâu chúa cho tôi theo hộ giá, hòng để tay chân là Chữ Đức thay vào chức chưởng cấm vệ quân, làm vây cánh cho mình. Tôi đã biết ý ấy của Loan nên tiến cử Văn Hiến đi thay, không ngờ chúa chẳng chịu. Nay tôi theo hộ giá ra ngoài, quan Thái uý hãy đề phòng bụng dạ của Loan.

Văn Hạnh nói:

- Quan Quốc phó xưa nay thường tị hiềm với tôi là kẻ đại thần được nhiều người mến phục. Nhưng ngặt nỗi quan Quốc phó nắm quyền nhϊếp chính, lại là cậu của Chúa thượng, ông ấy nói gì chúa lại chẳng nghe. Xét cho cùng Phúc Loan là kẻ tham danh hám lợi nên lập vây cánh để làm lợi riêng mình chứ dám đâu làm việc của Mạc Đăng Dung ngày trước. Ông hãy hộ giá chúa hết lòng, còn tôi sẽ liệu bề tính kế. Nhưng ông chớ để lộ ra ngoài kẻo không bảo toàn tính mạng được đâu!

Nói xong hai người chia tay nhau.