Dứt Tình

Chương 10

Mặt trời buổi sáng đã bắt đầu dòm dỏi vào phòng ăn. Trên trần nhà có in bóng mấy cây hoa hồng ở bên ngoài cửa sổ. Lớp bóng đen của những hoa, lá, và cành lộn xộn, không trật tự nào nữa, lại nhấp nhoáng rung động, thì quả nhiên đẹp hơn những hoa với lá đã vẽ sẵn trên trần nhà.

Huỳnh Đức đứng thắt ca vát trước gương và cất tiếng gọi:

– Nguyên!

Sau tiếng dạ dài, con đòi chạy lên thì Đức bảo:

– Lên mời bà xuống điểm tâm.

Đức ngồi vào bàn chờ độ vài phút thì vợ chàng đã xuống. Với cái áo màu hồ thủy mặc cẩu thả không cài khuy, với món tóc vấn tạm, để rối loạn trên đầu, Hằng lại đẹp hơn những lúc trang điểm cho thật óng chuốt.

Đức hỏi:

– Đêm qua mình ngủ ngon giấc?

– Vâng.

– Chốc nữa mình có cần bảo nó đánh xe lên Hồ Tây không?

– Thôi.

– Có gì lạ không?

Hằng bật cười mà rằng:

– Mình gàn lắm! Lại còn có gì nữa?

Đức cau mày mà rằng:

– Phải, tôi chả gàn thì còn ai gàn! Tôi gàn vì tôi săn sóc đến vợ tôi quá. Chỉ vì thế, mắc tiếng gàn.

Hằng cười, hỏi trêu:

– Chứ không ư?

Đức để cốc sữa lên miệng, uống một hớp rồi tiếp:

– Còn mình thì không bao giờ mình gàn một tí nào cả. Thật thế.

– Vì lẽ gì?

– Vì bao giờ mình lại thèm săn sóc đến chồng mà hỏi chồng rằng: có gì lạ không?

Hằng tủm tỉm cười, dịu dàng hỏi:

– Thế mình có gì lạ không?

– Tôi thì còn có cái gì lạ được nữa.

– Thế thì còn cần gì tôi phải hỏi mình?

Hằng nói xong cũng nâng cốc sữa… Lúc đó, Đức cúi mặt nhìn xuống cốc, nói dằn từng tiếng:

– Nói chứ thế mà cũng có một sự lạ…

Hằng không hỏi, chỉ giương cặp mắt ngạc nhiên nhìn chồng. Song Đức cũng đăm đăm nhìn vợ, không chịu nói ngay, khiến cho sự im lặng trong một lúc hóa ra nặng nề khó chịu. Sau cùng, Đức nói tiếp, và trong khi nói vẫn không quên nhìn chòng chọc vào mặt vợ.

– Việt Anh có gửi cho tôi một bức thư… yêu cầu vợ chồng chúng ta tiếp hắn một buổi. Mợ có muốn đọc lá thư ấy không?

– Thôi, mình đã đọc rồi thì tôi chả cần gì phải đọc nữa.

– Mợ nghĩ thế nào?

– Cậu nghĩ thế nào?

– Nhận lời!

Hằng tái mặt, cúi đầu xuống. Chân tay nàng run lẩy bẩy… Những hơi thở rối loạn làm cho cái ngực của nàng rung động, phập phồng, như ngực một người chạy thi lúc đã tới đích… Cái thìa bạc tự nhiên ở tay nàng rơi xuống thềm gạch, làm một tiếng keng. Nàng thất thanh hỏi, như người sợ hãi gì, thì thào rằng:

– Mình đã nhận lời đấy à?

Đức căm tức nhìn cái thái độ đáng căm tức của vợ. Mãi mới đáp:

– Tôi chưa trả lời… Vì còn muốn hỏi ý kiến Hằng…

– Thế thì từ chối đi! Hoặc là mặc kệ, không trả lời gì cả.

– Vì lẽ gì?

– Vì lẽ gì? Mình lại phải hỏi à?

– Việt Anh xưa kia là bạn thân của Đào Quân… Dù sao nữa, người ta cũng là chỗ quen thuộc cũ với mình… Vả lại, người ta cũng đã quen thuộc tôi… Người ta muốn đến chơi, việc gì tôi lại không tiếp?

– Nhưng mà người ta đã hỏi tôi… Rồi chúng tôi lại không lấy nhau! Tôi không muốn giáp mặt người ấy!

Đức thản nhiên căn vặn:

– Việc gì mà sợ? Nếu mình xưa kia không có tình gì với…

Đến đây thì Hằng không còn chịu nổi nữa. Nàng gắt:

– Nhưng mà tôi không muốn thì sao?

Song le chồng nàng vẫn còn dịu giọng:

– Sao lại không muốn? Hằng ơi, cái thái độ khó hiểu của mình, sự im lặng của mình làm cho người chồng đáng yêu nhất đời, hiền lành nhất đời, cũng phải nổi ghen. Bây giờ mới đến lúc tôi nói rõ ra với vợ tôi là tôi không thể nào chịu nổi nữa! Tôi đã đến lúc bực tức đến cực điểm rồi! Tôi cần phải biết hết mọi sự! Việt Anh với mình đã có những điều gì mà mình cứ giấu mãi tôi? Hở Hằng?

– Chả có gì cả.

– Nhiều lắm! Mình giấu tôi nhiều điều lắm! Mà tôi, tôi lại muốn biết rõ, và tôi tưởng tôi cũng có quyền biết rõ, tôi, hiện nay là chồng mình! Hằng! Việt Anh đã là tình quân của mình, có phải thế không?

– Tôi tưởng đã nhiều lần tôi nói với mình rằng không thì phải.

– Bây giờ thì không thể tin được mình nữa rồi.

Hằng chỉ bình tĩnh mà rằng:

– Cảm ơn!

Đức đứng phắt lên, đẩy hắt ghế ra sau lưng, to tiếng.

– À, thế thì dễ thường tôi phải xin lỗi mình đấy nhỉ? Nhưng đến lúc nãy. Hằng mà là tôi thì Hằng sẽ trông thấy Hằng có những thái độ kỳ lạ, khi chợt nghe thấy tôi nói đến tên Việt Anh thôi, mặt mày mình cũng đủ biến sắc, chân tay mình cũng đã run lên lập cập! Vậy mà mình tưởng tôi mù à? Mình đã là người yêu của Việt Anh!

– Im đi! Mình im ngay đi!

– Mình đã là người yêu của Việt Anh, rồi thì mình vì một tai họa gì, đã không lấy được Việt Anh, cho nên mình đến nay cũng vẫn đau khổ, cho nên mình mới sợ phải gặp mặt người ấy!

– Ô hay! Mình có im đi không?

– Được lắm! Mình không chịu thú thật gì cả thì để tôi, chính tôi, tôi sẽ hỏi thẳng Việt Anh!

Hằng cũng đứng lên, làm một hồi:

– Tôi cấm mình đây! Tôi cấm mình giáp mặt Việt Anh đấy! Coi chừng đấy, Đức ạ! Cuộc sum họp của chúng ta rất là mỏng mảnh… Mình chỉ vô lý một tí, nhỡ tay một cái, là có thể chúng ta đoạn tuyệt nhau, mình nên coi chừng! Khi tôi nói rằng mình không nên tiếp người ấy chính là vì tôi lo sợ cho cuộc tình duyên của chúng ta! Người ấy là một người tai hại, mình nghe ra chưa? Tai hại cho hết thảy mọi người, có thể làm rợp mất hạnh phúc của mọi người! Đây mình xem! Bởi với người ấy, tôi chỉ ghê sợ, phải, ghê sợ!

Đức quắc mắt lên, nghẹn ngào mà rằng:

– Tôi tưởng đó chỉ là lòng căm hờn! Mà lòng căm hờn thì vẫn còn là lòng yêu!

– Nếu tôi yêu Việt Anh thì tôi lại lấy Huỳnh Đức à? Tôi lại phó cho mình cả cuộc đời tôi à?

– Cả cuộc đời? Mình muốn nói gì? Hằng! Mình muốn nói gì? Cả cuộc đời mà tôi không hề biết mình có những ý nghĩ gì, mình đau khổ vì lẽ gì à? Hằng!

– Hay là tôi phải nói dối để cho mình sung sướиɠ?

– Phải thật thà! Bao giờ cũng phải thật thà. Vào trường hợp nào cũng phải thật thà, dù sự gì đã xảy ra nữa, cũng phải thật thà! Chỉ có sự thật thà là đáng quý.

– Tôi biết bịa đặt gì bây giờ để cho mình yên tâm?

– Hằng cứ việc nói thật! Không thì Việt Anh cũng nói. Tôi sẽ hỏi hắn và chắc hắn sẽ nói.

– Tôi cấm mình nhận lời tiếp hắn đấy!

– Tôi đã nhận lời rồi.

– Mình đã nhận lời rồi à? Để hỏi Việt Anh về tôi đấy à?

– Mà Việt Anh sắp đến ngay bây giờ đây này.

– Trời ơi! Không ngờ chưa! Tôi tưởng tôi không nói thì mình khỏi phải đau khổ, vì nói ra, rồi mình sẽ hối hận là đã bắt tôi nói rõ. Nếu mình muốn Việt Anh nói rõ thì thà để vợ mình nói còn kín chuyện hơn. Mình hứa là sẽ không hối hận đi, tôi sẽ nói lập tức!

– Tôi không hối gì cả!

Hằng ngồi xuống ghế, hằn học tiếp:

– Phải, tôi, tôi đã là người yêu của Việt Anh.

Đức thở dài một cái ra vẻ hả lòng hả dạ lắm:

– Biết mà!

Hằng phát điên lên, nói rất nhanh và to tiếng:

– Chính thế! Tôi đã là người yêu của Việt Anh, từ trước khi Đào Quân chết nữa! Tôi đã lừa chồng tôi mãi, mãi mãi, một cách khôn ngoan, một cách đáng bỉ. Từ khi còn đi học với nhau, chúng tôi đã đem lòng yêu quý nhau. Vậy mà tôi không lấy nổi Việt Anh, vì bố mẹ tôi giàu. Đào Quân cũng giàu, mà Việt Anh thì lại nghèo. Thế nghĩa là khi còn là con gái ngây thơ và sau khi đã lấy chồng, tôi cũng là tình nhân của Việt Anh mãi mãi! Tôi đã lừa dối Đào Quân mãi, mình hiểu rõ chưa? Bây giờ thì mình đã trông thấy rõ cái hình thù của Tiết Hằng là một con đàn bà ghê tởm mà mình yêu quý nhất đời, hay là chưa? Mình muốn biết đến đây thôi hay là mình còn muốn biết thêm nữa, muốn biết rõ hơn nữa?

Bị thương nặng, Huỳnh Đức ngã ngồi xuống ghế. Chân và tay của chàng đều run bần bật lên. Hai tay chàng bưng lấy thái dương như choáng váng vì say nắng vậy. Nhưng mà Hằng cũng không tha, nói luôn thêm một thôi một hồi:

– Phải, Việt Anh là tình quân của tôi… Chúng tôi yêu nhau, quấn quít nhau, tưởng không lấy nhau thì không sống được… Vậy mà rồi tôi bỏ chàng. Không phải! Chính ra tôi nhầm, vì ấy là Việt Anh bỏ tôi. Bỏ tôi vì một người đàn bà khác. Nghĩa là quả tim tôi vẫn còn dấu vết nỗi đau xưa! Thế mà chồng tôi muốn bắt tôi phải họp mặt với kẻ đã phụ tình tôi! Thế mà chồng tôi tưởng hễ tôi trông thấy bạc tình lang thì tôi mới được sung sướиɠ trong lòng!… Nhưng mà bây giờ thì chồng tôi đã biết rồi, chắc là đã đủ sung sướиɠ rồi. Từ bây giờ chắc là hết những tấn kịch ghen tuông nhau, căn vặn nhau, tra khảo nhau! Từ bây giờ trở đi, chắc là tôi được nằm yên một mình mà khóc!

Nói đến đó, nước mắt ứa ra giàn giụa. Hằng chỉ kịp lôi vạt áo lên lau mặt, đứng nức nở một lúc rồi choáng váng đi ra ngoài phòng, lên gác, tiếng dép nặng nề vỗ bình bịch vào những bậc thang.

Còn Đức thì vẫn ngồi, ngồi ngây người ra như tượng gỗ vậy.

Năm phút…

Mười phút…

Huỳnh Đức vẫn cứ ngồi ngây ra như thế thì chợt từ bên ngoài giàn lý, một hồi còi điện kêu ran lên, người làm vườn ló đầu vào:

– Thưa ông, có một ông vào!

– Mời vào.

Đức nói xong vội đứng lên, ra soi gương, sửa sang lại nét mặt… Một hồi gót giày nghiến trên đường cuội lạo sạo, thì rồi… Việt Anh. Nhưng mà đó là Việt Anh khác chứ không còn là Việt Anh ngày trước nữa. Má chàng hõm lại, da chàng tái đi. Trông già hẳn đi như đã sống thêm mười năm nữa vậy.

Hai người đứng nhìn nhau một lúc lâu rồi Việt Anh cất tiếng:

– Kính chào ông…

Đức trỏ ghế mà rằng:

– Anh ngồi chơi. Chúng ta đã quen thuộc nhau, việc gì còn khách sáo thế? - Rồi chàng nhìn vào phía trong nhà, phán rằng: - Bồi đâu, dọn bàn đi mày.

Chờ khi người bồi mang khay cốc tách ra ngoài phòng rồi, Việt Anh mới nói với Huỳnh Đức:

– Cảm ơn anh đã sẵn lòng tiếp tôi. Cảm ơn cả chị ấy nữa. Tôi mong chị ấy cũng sẵn lòng tiếp tôi như anh.

Đức ngồi ngay ngắn lên mà rằng:

– Nhà tôi không bằng lòng gặp anh…

Việt Anh sửng sốt hỏi:

– Vậy mà trong cái thư của anh gửi cho tôi…

Thì Đức cắt lời:

– Về sau, nó lại đổi ý.

Nghe đến đó, Việt Anh buồn rầu, nhìn vào gầm bàn, Đức thêm.

– Và tôi mong rằng từ nay trở đi, anh đừng nên tìm cách gặp mặt Tiết Hằng… Anh lại nên tránh sự gặp mặt cả tôi nữa.

Tức thì Việt Anh đứng lên, chỉ vào mặt Đức mà rằng:

– Tôi, tôi, rất vui lòng gìn giữ cho Tiết Hằng khỏi bực mình mà thôi, còn ngoài ra, lời yêu cầu của anh nghe không thể lọt tai được! Tôi xin phép anh mà nói rằng lời lẽ trong thư của anh với cái thái độ bây giờ của anh làm cho tôi rất ngạc nhiên. Tôi muốn đi đâu thì đi, đến đâu thì đến, mà nếu anh không có thư trả lời, tất nhiên tôi đã không đến.

– Tôi dịu dàng yêu cầu anh sao anh lại sừng sộ thế?

– Thế còn anh? Thế cái giọng ôn tồn một cách giả dối, dịu dàng mà rất hách dịch của anh vừa rồi? Một người đắc thắng một cuộc đời, một người gặp đủ mọi sự may mắn, là anh, mà như anh, thì là một người kém lịch sự. Anh cho phép tôi nói thế, vì tôi tưởng rằng hình như bây giờ anh hưởng hạnh phúc thế này là do Việt Anh, là tôi, mà nên! Đáng lẽ ra, anh phải tiếp đãi tôi như một ân nhân mới phải.

– Tôi cấm anh nói nhảm!

– Thôi đi! Anh là một đứa vô ơn! Anh là chồng Tiết Hằng rồi mà chưa là đủ hay sao? Ái tình làm cho anh đến nỗi xấu thói đến thế à? Nếu tôi vào địa vị anh thì… Trời ơi! Tôi tưởng rằng anh sẽ sung sướиɠ cực điểm, say sưa cực điểm, kiêu ngạo cực điểm, tử tế cực điểm! Ấy thế mà chính anh, anh đã cướp mất Tiết Hằng của tôi! Thật là một sự khốn nạn cho tôi!

– Anh nên đi đi, vì anh hiện là một người điên đáng thương hại.

Việt Anh rền rĩ:

– Anh nhầm lắm! Anh còn phải ghen với tôi hay sao? Anh thử nhìn anh trong gương xem! Anh thử nhìn tôi xem! Anh giàu có, sung sướиɠ, là chồng Tiết Hằng… Hằng đã về tay anh! Còn tôi… tôi… bò lê trên mặt đất, cô độc khổ sở ốm yếu, không lấy gì được nữa… Tôi không ao ước được gì nữa, không biết hy vọng gì nữa… Tôi muốn chết mà không chết được, ấy là tôi đã cực kỳ chán đời… Tôi muốn kiếm ngày hai bữa cho no bụng cũng không xong… Anh Đức! Tôi đã như thế, mà anh nỡ đuổi tôi như xua một con chó à! Anh Đức, anh nỡ cấm tôi không cho tôi gặp một lần cuối cùng nữa à?

– Tôi không muốn anh gặp Hằng nhưng mà tôi rất sẵn lòng làm những việc khác cho anh, giúp đỡ anh…

Việt Anh xua tay mà rằng:

– Không! Không phải thế. Dù tôi chết đói, tôi cũng không đến đây xin tiền.

– Nhưng mà anh yêu cầu, một điều không ai thuận được. Anh mơ mộng quá. Tôi không thích khôi hài.

– Anh sợ à? Anh Đức, anh còn sợ gì?

– Nhưng mà tôi không muốn làm một thằng ngu.

Đức đáp xong đứng lên, khoanh tay sau lưng, đi đi lại lại…

Việt Anh, bằng một giọng đầy những căm hờn, dọa rằng:

– Anh không thể cấm tôi gặp mặt Hằng đâu.

– Sao lại không?

– Anh không cấm được tôi nói với Hằng vài lời đâu!

– Anh cứ thử đi xem nào!

– Thật đấy. Vì anh nên nhớ rằng tối thứ bảy nào cũng vậy, tại rạp chiếu bóng nọ đều có mặt vợ chồng anh. Anh nên biết rằng tuần lễ nào tôi cũng đến đó ngồi ở hàng ghế cuối cùng, chờ những lúc đèn sáng mà nhìn lên, ngắm cái hạnh phúc của anh, của vợ chồng anh, cái hạnh phúc tôi có thể đập vỡ tan ra được, nếu tôi muốn…

Đương đi đi lại lại như hóa điên mà nghe đến đó, Đức cũng phải tức giận đến cực điểm, cũng phải đứng dừng lại. Chàng đỏ mặt lên như đã rót đến mấy chai rượu mạnh vào đáy lòng… Chàng săm săm định lên gác gọi ngay Hằng xuống, nhưng vừa đẩy cửa thì đã thấy Hằng đứng đờ người ở bên trong.

Đức hỏi dịu dàng một cách đáng sợ:

– Mình nghe chắc đã đủ đấy chứ?

Hằng so vai mà rằng:

– Tôi tưởng không phải chính tôi mời… người ấy đến đây.

– Thế thì mình còn chờ gì mà không ra tiếp người nhân tình cũ?

Việt Anh sửng sốt hỏi:

– Anh Đức, anh nói gì càn rỡ thế?

Đức gắt:

– Thôi anh không phải đóng kịch. Chính vợ tôi đã thú tội với tôi rồi.

– Thú tội là tình nhân của tôi ấy à?

– Chứ gì! Hai người đã nhân tình với nhau, đã chỉ non thề bể với nhau… Nói thế cho gãy nghĩa chữ nhân tình.

Việt Anh nhìn trừng trừng Tiết Hằng rồi quay lại với Đức:

– Ồ hay! Sao chị ấy lại nói thế? Cần gì chị ấy phải bịa đặt ra như thế? Lạ thật! Chị Đức! Sao bỗng dưng chị lại vu oan cho chị như thế. Tiết Hằng là nhân tình của Việt Anh à? Đây ba mặt một nhời, thì chị hãy thử nhìn thẳng vào mắt tôi mà nhắc lại thế để tôi xem. Để tôi xem Tiết Hằng có can đảm nhận liều đã là nhân tình của Việt Anh không nào.

Đến đây thì Hằng cúi gằm mặt xuống. Anh phân bua ngay:

– Ấy đấy! Rõ có phải chị ấy đã thêu dệt ra để buộc tội tôi và tự buộc tội mình một cách vô nghĩa không!

Đức ngạc nhiên mà rằng:

– Thế này là nghĩa lý gì? Trong hai người, người nào đã nói dối? Tôi không tin được ai cả đâu… Nhưng mà hiện giờ thì tôi có cả hai người trước mặt tôi, tất là tôi phải biết rõ sự thực.

– Nhưng mà anh Đức muốn biết gì?

– Tôi muốn biết tại sao anh lại không lấy Tiết Hằng! Tại sao sắp lấy nhau mà anh lại bỏ đi! Đó, điều tôi muốn biết. Mà tôi mong ở lòng lương thiện của anh, mong anh thật thà mà nói ngay cho tôi nghe…

– Ô hay! Thế vợ anh chưa nói gì với anh hay sao?

Đức so vai một cách nhọc mệt:

– Nó lại có nói gì với tôi bao giờ!

Hằng vội cãi rằng:

– Chỉ có Việt Anh biết, mà lại không nói thì tôi có quyền tố cáo anh ấy hay sao? Vả lại, tôi cũng chưa biết đích xác thế nào… Đáng lẽ thú thật, thì anh đã bỏ tôi ra đi, như người đi trốn. Anh đã hổ thẹn với lương tâm! Mà tôi, tôi cũng xấu hổ thay cho anh nên chỉ đáng lẽ nói thật với chồng tôi, tôi cũng đã câm miệng hến! Thành thử vì muốn bảo toàn danh dự cho anh, tôi đã vô tình trở nên kẻ tòng phạm với anh! Bây giờ thì chúng ta không ai thua kém ai nữa. Cái hèn nhát của tôi đã bắt tôi, cùng hàng với anh rồi. Anh cứ việc thù tôi đi, và đồng thời, tố cáo cả tôi đi!

Đức hỏi:

– Thế là nghĩa lý gì hở Hằng?

Anh đỡ lời:

– Không, cứ để yên chị ấy… Chị ấy không hiểu gì cả nên chị ấy nói nhảm…

– Ô hay, thế thì việc gì mà bí mật đến thế?

– Anh nóng biết thế kia à? Coi chừng đấy, anh Đức! Khi biết sự thực rồi, thì anh sẽ như mắc một bệnh lây. Đó là một bệnh tinh thần. Anh thử nhìn mặt tôi xem. Thử nhìn mặt chị ấy xem! Liều thuốc độc cho tinh thần đã hại chúng tôi đến như thế… Rồi nó sẽ hại đến anh! Lúc nãy tôi bảo nhờ tôi, anh mới lấy được Hằng thì anh đã so vai lên. Rồi anh sẽ chịu điều đó là thật! Xưa kia, Hằng đã tưởng tôi gây ra cái chết của Đào Quân. Hằng đã tưởng Việt Anh là một kẻ có tâm địa hại người! Nào phải đâu vì tôi mà Quân chết đuối, có phải thế không anh Đức? Anh có tin được Việt Anh là kẻ gϊếŧ người không? Không chứ? Ấy thế mà tôi cũng đã làm một việc ghê tởm cũng gần như việc manh tâm hại người! Tôi, tôi đã để cho Đào Quân phải thiệt mạng!

Đức giương tròn cặp mắt hỏi:

– Thế anh đã…

Hằng cũng thở hồng hộc mà hỏi:

– Thế anh đã làm gì?

Đến đây, Việt Anh đứng sát vào cái bàn phân địa thế bằng hai tay đặt lên bàn để cắt nghĩa rõ cái lúc Đào Quân chết đuối.

– Tôi đương dạo chơi trên bờ, thình lình bể nổi sóng lớn, giữa lúc Quân và Yvonne đương bơi thì… Thế là tôi đã nhảy xuống vớt được Yvonne lên… Rồi tôi lại nhảy xuống để cứu Đào Quân. Tôi đã ôm được ngực anh ấy… một làn sóng qua… tôi lại phải bơi theo dìu anh ấy một lần nữa, thì… lại một lớp sóng nữa… Tôi đã chìm lỉm… rồi tôi lại ngoi lên… Tôi trông trước nhìn sau chẳng thấy Quân đâu cả mà tôi chỉ trông thấy ai, anh có biết không? Tôi, lúc ấy, tôi chỉ trông thấy Tiết Hằng! Tiết Hằng, phải, Tiết Hằng đứng ở trên bờ nghĩa là Tiết Hằng góa chồng và tự do!… Tiết Hằng, sự cám dỗ, lòng ham muốn, sự mê muội, ngần ấy điều nghĩ của tôi bảo tôi là có thể lấy Hằng làm vợ, thì tôi khỏi phải đau khổ, khỏi phải cô độc ở đời!… Thế là đáng lẽ bơi đến dìu Quân thì tôi thôi, tôi giơ tay vẫy cầu cứu… chính ra, lúc ấy tôi còn đủ sức cố cứu Quân khỏi chết, nếu không có sự cám dỗ kia, nếu tôi không trông thấy Tiết Hằng đứng một mình trên bờ… Tôi, tôi đã không để bạn tôi thiệt mạng!

Hằng nức nở lên mà rằng:

– Trời ơi! Khổ chưa! Sao từ trước anh không nói ngay ra!

Việt Anh so vai buồn rầu, đáp:

– Về sau, tôi mới hiểu rằng thế là xong, tôi không còn hy vọng gì nữa… Tôi không thể lấy được người đàn bà mà tôi yêu quý, nghĩa là vợ góa của Quân. Tôi, tôi không thể lợi dụng được cái chết của Quân, cái chết mà tôi cũng có chịu một phần trách nhiệm! Anh Đức ơi, tưởng anh cũng tin được rằng dù sao đi nữa thì tôi cũng là một người, có một lương tâm… mà đã có lương tâm thì phải tự xử! Thế là hết! Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu điều mơ mộng, hết sạch!

Đức bỗng ngậm ngùi đỡ lời:

– Chính ra thì có phải vì anh mà Quân chết đâu.

Việt Anh hấp tấp đáp:

– Phải, việc của tôi, trước mắt anh, không ghê tởm như một việc gϊếŧ người đã đành. Nhưng đối riêng với tôi thì khác hẳn… Tôi không thể cầm đến bút mà hô hào nhân đạo với công lý gì nữa. Vậy mà tôi vẫn làm cái nghề kêu đòi công lý với nhân đạo! Thật vậy, khi người ta đã làm một việc như tôi làm rồi, thì người ta không có quyền nói đến nhân đạo nữa, có phải thế không?

Hằng lau nước mắt, hỏi:

– Thế bấy lâu nay, anh sống bằng cách gì?

Việt Anh lắc đầu rồi ngồi phịch xuống ghế mà đáp:

– Tôi có sống nữa đâu! Tôi có sống cái đời của tôi như xưa đâu! Tôi bây giờ sống vì quân bài lá bạc, hôm nào vận đỏ thì có tiền uống rượu và hút thuốc phiện, mà hôm nào thua thì nhịn! Vả lại tôi cũng không thấy đói bao giờ. Có tiền thì một ngày bốn năm bữa tiệc cũng được, mà hết tiền thì hai ba ngày nhịn ăn cũng chả sao.

– Trời ơi! Những điều anh kể ra nghe thảm hại quá! Tôi không ngờ một người như anh mà nay đến nỗi hết nghị lực…

– Nghị lực để làm gì?

– Để kiến thiết lại cuộc đời…

Anh rền rĩ:

– Kiến thiết lại cuộc đời… cuộc đời không cùng với Hằng ư? Anh Đức, anh tha cho cái lỗi tôi nói thế trước mặt anh, tôi đã đau khổ quá! Phải, không có Hằng thì sống nữa mà làm gì. Thôi! Tôi không hy vọng gì nữa. Hiện giờ thì tôi vẫn sống để thỉnh thoảng tự hỏi: sống làm gì?

Việt Anh nói xong, sằng sặc cười ra nước mắt. Hằng cũng ngồi bưng mặt khóc nức nở, không còn nhớ đến chồng là ai… Sau Việt Anh đứng lên:

– Thôi, không việc gì phải xót tôi… Tôi chẳng đáng thương tí nào. Có phải thế không, anh Đức? Anh im lặng đấy à? Phải lắm, anh muốn biết thì bây giờ anh được biết! Những ý nghĩ u ám làm khổ chúng tôi mãi, bây giờ đã bắt đầu làm khổ anh! Tôi đã để chết một người để anh sung sướиɠ.

Hằng kêu van cùng chồng:

– Mình ơi, xin mình cố cứu vớt lấy Việt Anh!

Thì Việt Anh cầm mũ đứng lên, rất chán chường:

– Muộn mất rồi còn gì! Còn ai cứu sống nổi một cái xác chết nữa! Tôi bây giờ cũng như mảnh ván mục của một chiếc thuyền bị bão đập tan nát vậy. Mảnh ván ấy muốn dạt vào đâu thì dạt, muốn trôi đi đâu thì trôi, vả lại chính tôi, tôi cũng không muốn cứu tôi nữa, thì ai cứu tôi nữa mà làm gì!… Thôi, tôi chúc anh sung sướиɠ, chúc Hằng sung sướиɠ.

Nói xong, chàng bước ra, Đức giơ tay gọi:

– Việt Anh!

Thì Anh quay vào, bắt tay rất chặt rồi mới đi hẳn.

Hằng đã đứng trông theo người có bộ y phục bẩn thỉu, nhầu nát ấy, mãi cho đến lúc khuất bóng sau bức tường bằng hoa hồng.