Mất nửa tháng trời Cảnh Tịch mới đến được cổng thành Trường An, nàng thong thả dắt ngựa đi vào bên trong thành, Lộ Kiều nhìn nàng mỉm cười, nụ cười như muốn nói rằng, "Chúng ta sắp đón được thê tử về rồi". Hai người thấy bảng hiệu Tô gia tiền trang khá to ở cổng thành Nam, đi vài bước lại thấy Tô gia phấn son, Tô gia lụa, Tô gia bán lúa gạo. Tô gia thật sự rất bành chướng, mà Nam quốc Trữ Kiện chẳng hề kiêng dè gì Tô gia, có thể nói giao tình khá tốt, trong đó có cả sự tin tưởng tuyệt đối.
Nếu không tin tưởng, Trữ Kiện vương phải sớm đem Tô gia dẹp xuống, vì ai độc quyền thị trường đều là điều không tốt. Mà Tô gia có thể nói là nắm cả kinh tế của Nam quốc. Cảnh Tịch nhìn ngó một chút, thấy bóng dáng quen thuộc, liền nói với Lộ Kiều.
– Hình như trong cửa hiệu phấn son là Ánh Tuyết cô nương, ngươi lại xem thử xem, cái tiệm to nhất đó.
Lộ Kiều theo hướng tay của Cảnh Tịch mà nhìn, nheo cả mắt lại cũng không thấy được gì, bèn chạy như bay lại nhìn cho rõ. Là Ánh Tuyết, đúng là nàng rồi, tên là Ánh Tuyết nhưng nàng lại rất ấm áp, nhìn thấy Ánh Tuyết, lòng như tảng băng của Lộ Kiều cũng muốn tan chảy. Nàng gọi một tiếng:
– Tuyết!
Ánh Tuyết đang dọn dẹp cửa hiệu chuẩn bị bán phấn son, nghe thấy giọng nói quen thuộc bèn quay đầu nhìn sang, là Lộ Kiều, người mà nàng nghĩ sẽ vĩnh bất tương kiến, nàng ấy đang đứng, chân thật đứng đó nhìn nàng. Yêu thương trong mắt nàng ấy làm sao Ánh Tuyết không nhìn ra? Tim nàng run rẩy đi lại gần Lộ Kiều, hỏi:
– Ngươi tới?
– Vâng, vâng. Ta tới kiếm nàng. Ta không thể sống thiếu nàng!
Lộ Kiều bước lên hai bước ôm lấy Ánh Tuyết. Ánh Tuyết lúc đầu hơi sững sờ, nhưng sau đó nàng cũng vòng tay ôm lấy eo của Lộ Kiều, bờ vai run run rồi bật khóc. Một năm qua, không lúc nào Ánh Tuyết không nhớ đến lúc hai người ở bên cạnh nhau, lúc hai người trốn việc cùng nhau đi ra bên dưới gốc cây hoa hòe già ngồi, lần đầu trao nhau nụ hôn. Lúc đó Ánh Tuyết vẫn còn nhớ sự mâu thuẫn trong hành động của mình. Nàng siết chặt Lộ Kiều hơn, chỉ thấy Lộ Kiều vững chãi ôm lấy nàng một lúc lâu, nàng ấy như tượng gỗ vậy, mỗi khi nàng ấy buồn vui Ánh Tuyết cũng chẳng biết được.
– Đừng kêu ta phải quên nàng đi. Ta không quên nổi.
Cảnh Tịch dắt ngựa đi ngang qua chỗ hai nàng đang ôm nhau, hừ một tiếng khinh thường. Đừng tưởng chỉ có hai người yêu nhau, Tịch nàng và phu nhân cũng rất yêu nhau. Cổng Tô gia cao cao, hai chữ Tô gia thật lớn, dát vàng. Cảnh Tịch nói với hai tên lính gác cửa rằng Tịch vương muốn viếng, một tên lính gác chạy vào trong bẩm báo. Tô An đang ngồi ở thư án đọc sổ sách, nghe vậy bên lấy ly trà trên bàn uống một ngụm, bảo với ngũ phu nhân rằng:
– Không giữ được Trúc Nhi lâu hơn rồi.
Không phải Trúc Nhi không muốn về, mà là Tô An giữ nàng lại không cho về. Ngài nói, nếu Tịch vương đến đón sẽ cho nàng về, đợi một năm mới thấy tới đón, đúng là nhanh nhẩu. Trúc Nhi đương nhiên không biết Cảnh Tịch đã tới, hai người một năm nay vẫn hay gửi thư tín cho nhau, nàng ấy hay hỏi nàng chừng nào về, nàng thường không trả lời. Nàng chẳng lẽ nói 'nàng tới rước ta mới được về?' Tịch vương trăm công nghìn việc, không phải một vương gia tiêu dao thong thả, cũng không phải con của phú gia coi trời bằng vung. Nàng là chủ thượng của ngàn vạn người, nàng phải chăm lo cho con dân của mình.
Nhưng thật ra, trong tâm của Trúc Nhi cũng muốn biết nàng có quan trọng với Cảnh Tịch không. Nên nàng đợi nàng ấy đến đón.
Tô An gấp lại sổ sách của mình, thong thả đi ra đại sảnh tiếp đón quý nhân đến. Đây là lần thứ hai Tịch vương đến nhà nàng, lần trước đến đúng là chẳng tốt lành gì, còn ngó nghiêng ngó dọc các phu nhân của nàng. Nhưng có vẻ lần này thấy nàng ấy một lần nữa, tâm tình có chút thay đổi, Tịch vương không mặc áo bào cho vua nữa, chỉ như nữ nhân bình thường mặc y phục màu vàng nhạt. Xiêm y đơn bạc như vậy để cầu thê tử về, cũng hợp lý đi.
– Tịch vương đến có chuyện gì?
Tô An ngồi xuống ghế chủ thượng của mình, ngẫm nghĩ thấy để Tịch vương đứng nói chuyện với mình cũng không nên, bèn nói: – Mời ngồi.
– Nhạc phụ, con đến để đưa thê tử về nhà.
Chữ thê tử bao giờ cũng nặng hơn những chữ khác, bây giờ nàng ấy là thê tử của nàng, là thê tử, không phải bằng hữu, không phải thϊếp, không phải phi tử. Mà là thê, câu nói dụng ý như thế, ý tứ rõ ràng như thế làm sao Tô lão gia không hiểu cho được. Tô lão gia cười nhìn Tịch vương ngồi bên ghế bên trái, nói:
– Mất một năm mới tới, ta còn tưởng ngươi phải hai ba năm nữa mới có thể tìm nàng.
– Nhạc phụ đại nhân, con đã nghĩ người sẽ đưa thê tử con về nhà, không nghĩ giữ lâu như vậy. Nếu biết con phải đến rước mới được, con đã đi từ sớm.
Tiểu nha đầu này thật hay, Tô An cười còn sáng lạng hơn. Ý tứ trách móc Tô An vô lý giữ thê tử của Tịch Vương ở nhà không rước không cho về rõ ràng như vậy, còn cho thấy nàng ấy rất quan tâm An Trúc, nói gì mà nếu biết liền rước. Nói rõ ràng như vậy còn gì trách móc được, Tịch Vương đem hòn than nóng đưa sang tay nàng, nàng buộc phải nhận lấy, nhận sai.
– Thân thể nhạc phụ không tốt, mới vừa khỏe lên. Cho nên ta giữ nhi nữ ở lại hơi lâu.
Tịch Vương hùa theo, biết thừa là Tô lão gia không hề có bệnh gì, mặt mày hồng hào, xuân sắc, tươi vui, chỗ nào giống bệnh mới khỏi?
– Nhạc phụ bị gì vậy ạ? Bên con có rất nhiều dược liệu hiếm, về tới liền gửi sang cho nhạc phụ.
– Cũng không có gì nặng, tuổi già đến rồi. Tiểu Lạc, mau bố trí phòng ở cho Tịch vương- Tô An quay sang gia nhân phía sau, nói. Sau đó ngượng ngùng quay đầu lại nhìn Cảnh Tịch- Nhạc phụ còn có việc phải làm, tối về nói chuyện với con.
– Vâng, nhạc phụ đi thong thả.
Tịch vương lễ phép nói. Thái độ so với lần đầu gặp tốt hơn rất nhiều, nàng cũng len lén yên tâm cho nữ nhi của mình.
Tiểu Lạc là gia nhân của Tô An, làm việc đã lâu nên rất rõ những gì Tô lão gia sai bảo, nàng ngay lập tức chuẩn bị giường ngủ, các vật dụng cơ bản ở Diên Tường cư, nơi dành cho khách ở Tô phủ. Bố trí xong liền thỉnh Cảnh Tịch đến, trên đường đi Cảnh Tịch nhìn ngắm một chút Tô gia. Có nơi thì trồng đầy tường vi, nơi thì trồng đầy mẫu đơn, Cảnh Tịch đi xuyên qua cửa nguyệt thì thấy một rừng trúc nhỏ xinh xắn. Trông từng cây trúc tuy nhỏ bé nhưng lại rất kiên cường, Cảnh Tịch vô thức nhìn xuyên qua rừng trúc, thì ra không hẳn có trúc, bên trong còn có một mái đình.
Cũng là vô thức thấy bóng lưng quen thuộc đang cho cá ăn, nàng ấy chăm chú thả từng mẩu bột xuống nước, mái tóc không búi kiểu quý phi nữa mà tùy tiện thả xuống sau lưng, vài sợi ở trước vai, đôi mày nàng nhăn lại, có vẻ đang nghĩ gì nghiêm trọng lắm.
– Ta đi vào bên trong được không? – Cảnh Tịch thấy gia nhân tên Tiểu Lạc nhìn nàng, nàng liền hỏi. Tiểu Lạc nhìn sâu vào trong thì thấy bóng dáng của đại tiểu thư đang cho cá ăn, nghĩ một lúc liền gật đầu. Có tiểu thư ở đây, chắc tiểu thư sẽ dẫn được Tịch vương về phòng. Nghĩ vậy nên nàng lui đi làm chuyện khác.
Vườn trúc bao bọc lấy Thính Phong lâu, người này tạo ra mái đình như vậy cũng để ủi an giai nhân, Cảnh Tịch thấy có vẻ như ngụ ý là ta bao bọc nàng, sự kiên cường của ta sẽ chữa lành cho nàng. Mặc dù Cảnh Tịch không biết chuyện xưa của Thính Phong lâu là gì, chỉ thấy một mảnh tâm ý sâu đậm.
Nữ nhân của nàng lớn lên ở đây, từ lúc còn là một tiểu hài cho đến khi trở thành thiếu nữ rồi gả đi, nàng đã sống và đi qua từng tấc đất ở nơi đây. Cho nên khi Cảnh Tịch đạp chân lên từng phiến lá trúc già cỗi rụng xuống nàng liền cảm thấy kì diệu, có thể quay trở về nơi mà nàng ấy từng lớn lên, cảm nhận ký ức trên từng vật thể nàng ấy chạm qua.
An Trúc quay đầu nhìn xem ai đi tới thì thấy là Cảnh Tịch đang bước vào, nàng lại quay đầu tiếp tục cho cá ăn, lẩm bẩm: – Lại như vậy rồi, cứ tưởng tượng lung tung.
Cho đến khi vòng tay của Cảnh Tịch ôm lấy nàng nàng mới nhận ra không phải mình nghĩ lung tung, là sự thật, Cảnh Tịch đang ở đây, ở bên nàng. Nàng hơi run rẩy quay người sang, chạm vào da mặt trơn mịn của Cảnh Tịch, đây là thật, không phải mơ.
– Trúc Nhi.
Hai người ôm lấy nhau, thiên ngôn vạn ngữ cũng không giải bày được hết tâm tình lúc này. Chỉ thấy những nhánh trúc kiên cường đứng trong gió lạnh mùa xuân. Ta đã đến, nàng sẽ phải theo ta về. Cảnh Tịch thì thầm.