Cô Gái Đồ Long

Chương 23: Thất hiệp đoàn tụ

Tứ hiệp vội quay về núi.

Lúc ấy trên núi chỉ còn một mình Lợi Hanh.

Thế rồi hai người liền chia đường xuống núi cứu viện.

Trương Tòng Khê thì đối phó với Ngũ Phụng đao, còn Lợi Hanh thì theo dõi Tam Giang Bang.

Liên Châu nghe kể, thở dài một tiếng rồi xen vào:

- Nếu tứ đệ không thông minh một chút có lẽ phái Võ Ðang chúng ta hôm nay đã bị bêu xấu trước mọi người rồi.

Thúy Sơn hổ thẹn đáp:

- Một mình tiểu đệ bảo vệ nhị ca không nổi! Than ôi, cách biệt sư phụ mười năm võ nghệ của tiểu đệ đã kém anh em xa quá!

Lợi Hanh vừa cười vừa nói:

- Sao ngũ ca lại nói thế? Vừa rồi ngũ ca đã chẳng đánh lão già Cao Ly là gì? Những miếng võ ngũ ca dùng , sư phụ có dạy cho người thứ hai đâu? Lần này ngũ ca trở về núi thế nào sư phụ cũng mừng lắm. Vài hôm nữa sư phụ sẽ dạy cho ngũ ca rất nhiều võ công tinh diệu, chỉ sợ ngũ ca học không kịp thôi. Môn kiếm thần môn thập tam này nếu ngũ ca thích học thì tiểu đệ xin chịu thua ngũ ca ngay.

Ðêm hôm đó, bốn người nghĩ ngơi ở khách sạn, Lợi Hanh đòi ngủ chung một giường với Thúy Sơn.

Thúy Sơn cũng mến lục đệ vô cùng, Võ Ðang thất hiệp chỉ có mạc thanh cốc là trẻ nhưng Thanh Cốc đã chững chạc từ hồi còn ít tuổi. Trái lại Lợi Hanh lại ngây thơ hơn nhiều.

Thúy Sơn chỉ hơn Lợi Hanh có vài tuổi nên hai người rất thông cảm nhau.

Liên Châu thấy Lợi Hanh đòi ngủ chung với Thúy Sơn liền vừa cười vừa nói:

- Ngũ đệ đã có vợ, không còn như mười năm trước nữa đâu. phen này ngũ đệ về thật đúng lúc, vừa được uống rượu mừng lục đệ.

Thúy Sơn nghe nói vừa vỗ tay vừa nói:

- Hay lắm! hay lắm! Chẳng hay cô dâu là con gái của thế gia nào thế?

Lợi Hanh mặt đỏ bừng, xấu hổ quá đến mức không trả lời được.

Liên Châu liền trả lời giúp:

- Cô dâu là con gái của quý Kim Tiên Kỷ lão anh hùng ở Hán Dương.

Thúy Sơn thè lưỡi vừa cười vừa nói:

- Nên lục đệ không ngoan ngoãn nghe lời là sẽ bị cô dâu dùng roi vàng đập cho vỡ đầu đấy.

Liên Châu mỉm cười, bỗng sực nghĩ ra một chuyện gì bèn lên tiếng:

- Kỷ cô nương sử dụng kiếm, chứ không phải sử dụng roi đâu, ngu huynh chỉ mong trong số các thiếu nữ ngăn cản chúng ta ở bờ sông hôm nọ không có Kỷ cô nương.

Thúy Sơn cũng hơi giật mình và hỏi:

- Thế ra Kỷ cô nương là môn hạ của phái Nga My đấy à?

Liên Châu gật đầu đáp:

- Những thiếu nữ của phái Nga My mà chúng ta gặp trên bờ sông bữa nọ võ công rất tầm thường, chắc không có Kỷ cô nương trong đó. Lục tức muội tương lai của chúng ta chẳng những tướng mạo rất đẹp mà võ công cũng cao siêu, đúng là đệ tử danh môn. Nàng với lục đệ thật xứng đôi vừa lứa.

Chàng vừa nghĩ tới đây, bỗng sực nhớ Tố Tố là con gái của giáo chủ tà giáo mà mình mải khen Kỷ cô nương như vậy em mích lòng Thúy Sơn nên liền nói sang chuyện khác ngay.

Bỗng có một người đi tới cửa phòng lên tiếng:

- Dư nhị gia có mấy vị đến thăm nhị gia đây. Các vị ấy bảo là bạn của nhị gia.

Mọi người đưa mắt nhìn mới hay người đó là tiểu nhị.

Liên Châu liền hỏi:

- Ai đó?

- Tất cả sáu người họ nói là môn hạ của Ngũ Phụng Ðao gì đó.

Ba anh em Liên Châu nghe nói liền nghĩ thầm:

- Trương Tòng Khê nhận lời đi đối phó với bọn người của Ngũ Phụng Ðao không hiểu tại sao những người đó lại đến đây. Chẳng lẽ Tòng Khê thất thế rồi chăng?

Thúy Sơn liền nói:

- Ðể đệ ra xem sao?

Chàng sợ vết thương của nhị ca chưa được khỏi vả lại đấu với kẻ địch trong khách sạn thật là bất tiện.

Liên Châu vội nói:

- Mời các vị ấy vào trong này.

Lát sau có năm đại hán và một thiếu phụ rất xinh đẹp bước vào.

Thúy Sơn cùng Lợi Hanh tuy tay không cầm võ khí nhưng đã đứng cạnh Liên Châu, giữ thế phong bị.

Ngờ đâu sáu người đều cúi đầu, vẻ mặt bẽn lẽn lưng không đeo khí giới và không có vẻ gì là muốn gây sự cả.

Người lãnh đầu, tuổi trạc bốn mươi, nhưng tóc đã trắng xoá, cung kính chắp tay vái chào và nói:

- Ba vị có phải là dư nhị hiệp, Trương ngũ hiệp và Hân lục hiệp không? Tại hạ là Mạnh Chính Phi, đệ tử của Ngũ Phụng Ðao tới đây vấn an các vị.

Ba anh em Liên Châu cũng chắp tay đáp lễ, và cũng lấy làm lạ thầm.

Liên Châu liền mời:

- Mời Mạnh lão sư cũng quý vị ngồi chơi.

Mạnh phi không dám ngồi đáp:

- Xưa nay tệ môn vẫn ở phủ Hà Ðông, tỉnh Sơn Tây nhưng môn phái chúng tôi bé nhỏ, xưa nay vẫn ngưỡng mộ Trương chân nhân cũng Võ Ðang thất hiệp. Oai danh của quý vị thật là lừng lẫy như tiếng sấm vọng bên tai, chỉ hận không có dịp may để bái kiến. Ngay hôm nay, chúng tôi được đến chân núi Võ Ðang, đáng lẽ phải lên núi vái chào Trương chân nhân nhưng vì chúng tôi nghe Trương chân nhân đã bách tuế không tay tiếp khách, đồng thời chúng tôi là những kẻ thô lỗ không dám đường đột lên núi quấy nhiễu đại nhân. Khi ba vị trở về núi, xin làm ơn thỉnh an Trương chân nhân hộ chúng tôi, và nói giúp là môn hạ của Ngũ Phụng Ðao ở Sơn tây chúc phúc cụ thiên thu an khang, phúc lộc vô cương.

Liên Châu bị thương chưa khỏi, đang ngồi trên giường nghe Mạnh phi nói đến sư phụ, liền vịn tay Lợi Hanh, đứng ngay xuống đất thái độ rất cung kính đáp:

- Không dám! không dám! Tại hạ xin thay mặt ân sư cảm ơn quý vị.

Chính phi lại tiếp:

- Chúng tôi ở chốn thôn quê, tỉnh Sơn Tây không khác nào ếch ngồi đáy giếng không biết trời cao đất dày lại dám táo gan tới đây quấy nhiễu. Ngày nay được các vị hào hiệp của phái Võ Ðang khoan hồng tha thứ, lại còn giải cứu mối nguy của chúng tôi tại hạ cám ơn vô cùng, vì vậy mới tới đây trước để cảm ơn quý vị sau là tạ lỗi mong ba vị là người lớn tha thứ cho chúng tôi là những kẻ vụng dại.

Nói xong, y quì xuống vái lạy, Thúy Sơn vội giơ tay ra đỡ hỏi:

- Mạnh lão sư hà tất phải thủ lễ như thế.

Chính Phi ngập ngừng mãi muốn nói rồi lại thôi.

Thấy vậy, Liên Châu liền hỏi:

- Mạnh lão sư cứ việc tự nhiên nói ra hà tất phải ấp úng như vậy?

Chính Phi liền nói:

Tại hạ chỉ yêu cầu Dư nhị hiệp ban cho một câu để chúng tôi trở về thưa lại với sư phụ.

Liên Châu cau mày lại vừa cười vừa hỏi:

- Có phải quý vị không ngại quãng đường xa xôi tới đây là muốn biết tung tích của Tạ Tốn đấy không? Nhưng không hiểu Kim Mao Sư Vương với quý môn phái có thù hận gì?

Chính Phi rầu rĩ dáp:

- Gia huynh Mạnh Chính Nhân đã bị Tạ Tốn dùng chưởng đánh chết một cách thảm khốc vô cùng.

Liên Châu nghe nói giật mình kinh hãi và tiếp:

- Quả thực chúng tôi có nỗi khổ tâm nên không sao thưa cùng quý vị về tung tích của Tạ Tốn được. Vậy mong Mạnh lão sư cùng quý vị thứ lỗi cho. Còn quý vị có trách cứ hay không, chúng tôi cũng đành chịu. Khi mạnh lão sư về gặp tôn sư Ôn lão gia thì xin nói hộ, là chúng tôi Dư nhị , Trương ngũ và Hân lục vấn an.

Chính Phi lại tiếp:

- Như vậy tại hạ xin cáo biệt, sau này phái Võ Ðang có việc gì cần sai bảo thì cho chúng tôi hay. Tuy năng lực rất kém cỏi, nhưng chúng tôi cũng sẽ tới ngay để chờ lệnh của quý phái.

Nói xong, y với năm người nọ vái chào mọi người rồi rút đi ngay.

Thiếu phụ nọ đi được mấy bước liền quay lại quì xuống và nói:

- Tiện thϊếp được bảo tồn danh tiết là nhờ quý hiệp sĩ phái Võ Ðang ban cho. Tiện thiép còn sống ngày nào trên đời này thì không bao giờ dám quên ơn đại đức của quý vị.

Ba người của phái Võ Ðang không hiểu nguyên nhân ra sao cả, nhất là khi nàng nói đến hai chữ danh tiết, tuy ngạc nhiên nhưng không tiện hỏi lại nên khiêm tốn ậm ừ vài tiếng thôi.

Thiếu phụ nọ liền vái mấy vái rồi ra đi ngay.

Sáu người của Ngũ Phụng Ðao vừa đi khỏi, thì màn cửa lại kéo lên. Một người lách mình bước vào, chạy lại ôm chặt lấy Thúy Sơn.

Thấy rõ mặt người nọ Thúy Sơn mừng rỡ vô cùng la lên:

- Tứ ca!

Thì ra người đó là Trương Tòng Khê.

Thúy Sơn lại nói, tứ ca quả thật là người đa mưu túc trí thần ké diệu toàn nên mới khiến được môn hạ của Ngũ Phụng Ðao từ địch hóa thành bạn. Việc này không phải chuyện dễ.

Tòng Khê đáp:

- Ðó cũng là do sự ngẫu nhiên, chớ tiểu huynh có công gì đâu.

Thế rồi chàng kể rõ đầu đuôi cho ba người.

Thiếu phụ nói trên họ Ôn, con gái thứ hai của người trưởng môn Ngũ Phụng Ðao. Chồng nàng là Mạnh Chính Phi, tất cả bọn chúng sáu người xuống Hồ Bắc tìm kiếm tung tích của Tạ Tốn. Giữa đường chúng gặp trại chủ Tam Giang Bang mới hay Trương Thúy Sơn của phái Võ Ðang biết rõ tung tích Tạ Tốn. Thiếu phụ họ Ôn được cha mẹ nuông chiều quen rồi, liền chủ trương lập kế bắt Thúy Sơn tra hỏi, Chính Phi xưa nay vấn có tiếng là sợ vợ nhưng không hiểu sao lần này y cưỡng lại kế hoạch của vợ. Theo lời Chính Phi thì đệ tử Võ Ðang lợi hại lắm chi bằng lễ phép mà yêu cầu thì hơn. Nếu đối phương không chịu nghe theo lúc đó mới nghĩ cách đối phó. Nhưng Ôn Thị lại chủ trương:

- Dịp may này rất hiếm có, nếu để Thúy Sơn về tới núi Võ Ðang thì sư huynh đệ của Thúy Sơn sẽ họp nhau lại có Trương Tam Phong làm bùa hộ mạng làm sao tra hỏi được.

Thế rồi hai vợ chồng mỗi người một ý kiến, gây thành cuộc cãi vã, còn bốn người đi theo là sư đệ và sư điệt không ai dám lên tiếng cản ngăn.

Ôn Thị cả giận liền nói:

- Anh là một con mà nhát gan! Trả thù đây là là trả thù cho huynh trưởng của anh chớ có phải của em đâu. hừ anh sợ các đệ tử phái Võ Ðang đến thế, thì dù Thúy Sơn có nói rõ tung tích Tạ Tốn thử hỏi anh có đủ can đảm đi tìm y không? Tôi lấy phải anh, một con ma nhát gan, thật là xui xẻo cho đời tôi.

Chính Phi vẫn quen sợ vợ nghe vợ nói như vậy không dám cãi đành phải nghe theo ý Ôn Thị mà hành động. Theo kế hoạch của Ôn Thị là dọc đường ngầm ngầm bỏ thuốc mê để cho vợ chồng Thúy Sơn uống, nhưng Chính Phi nhứt định không chịu làm như vậy, vì thế Ôn Thị mới nổi giận, nhân lúc chồng ngủ say liền lẻn đi một mình. Ngờ đâu một tên trại chủ Tam Giang bang biết được, lại thấy Ôn Thị xinh đẹp mới nổi lòng tà da^ʍ bèn ngấm ngầm theo sau. Ôn Thị định dùng thuốc mê là mê vợ chồng Thúy Sơn ngờ đâu chính nàng lại uống phải thuốc mê đó. Nhưng cả nàng lẫn tên trại chủ Tam Giang bang không ngờ Trương Tòng Khê ẩn núp trong bóng tối xem xét hành động của chúng. Chờ tới khi Ôn Thị sắp bị tên trại chủ kia hãʍ Ꮒϊếp, Tòng Khê mới ra tay tương cứu. Chàng trừng trị tên trại chủ đó một phen rồi đuổi cổ đi. Chàng không nói rõ tên họ của mình cho On Thị hay chỉ cho nàng biết là đệ tử của phái Võ Ðang thôi.

Ôn Thị vừa kinh hãi vừa xấu hổ, trở về gặp chồng nói rõ nguyên nhân. Rồi hai người bàn tán nhau đều công nhận phái Võ Ðang là người đại ơn đại đức của bổn môn, nên hai vợ chồng cùng mấy tay bộ hạ tới quán trọ để cám ơn anh em Liên Châu. Tòng Khê chờ sáu người của Ngũ Phụng Ðao đi khỏi mới xuất hiện. Sở dĩ chàng lánh mặt là sợ Ôn Thị thấy chàng đâm ra xấu hổ.

Thúy Sơn nghe Tòng Khê nói xong, thở dài và nói:

- Ðối phó với Tam Giang bang không phải là chuyện khó, nhưng tứ ca hành sự rất khôn khéo để cho tên đó có dịp hối cãi và phùng hưng hoán cải như vậy, thật đúng lối của sư phụ.

Tòng Khê vừa cười vừa nói:

- Mười năm không gặp nhau, thế mà vừa gặp mặt ngũ đệ đã tâng bốc ta rồi.

Ðêm hôm đó, bốn sư huynh đệ nằm chung một giường chuyện trò suốt đêm.

Tòng Khê tuy là người đa mưu túc trí nhưng vẫn không đoán ra vị cao thủ nào đã giả dạng quân Nguyên để bắt cóc Vô Kỵ.

Sáng hôm sau, Thúy Sơn giới thiệu Tòng Khê với Tố Tố rồi năm người thủng thẳng về phía núi Võ Ðang.

Giữa đường còn phải nghỉ trọ ở khách sạn 1 đêm, đến hôm sau mới tới núi.

Cách biệt nơi sinh trưởng ngót mười năm trở về đây Thúy Sơn sắp được bái kiến sư phụ gặp gỡ các anh em lòng mừng vui vô hạn.

Tuy vợ vẫn còn đau, con mất tích nhưng trong lòng vẫn cảm thấy vui nhiều hơn buồn rầu.

Lúc năm người lên tới trên núi thấy ngoài cửa quan đã có cột tám con ngựa, biết ngay đó là ngựa bổn sơn, nên Tòng Khê lên tiếng nói:

- Chắc có khách tới thăm, chúng ta nên vào cửa hông thì hơn, khỏi mất công chào họ.

Thế rồi Thúy Sơn đỡ vợ theo cửa hông vào trong quan.

Các đạo nhân và người làm trong quan thấy Thúy Sơn bình yên trở về đều hoan hỉ vô cùng.

Thúy Sơn muốn đi bái kiến sư phụ ngay, nhưng tên đạo đòng hầu hạ Trương Tam Phong cho chàng hay là Trương chân nhan chưa khai quan.

Thúy Sơn đành phải quì lạy ở ngoài cửa, nơi sư phụ toạ quan.

Ðoạn chàng mơi tới thăm đại Nham. đạo đồng hầu hạ Dư đại Nham liền ngăn lại:

- Tam sư thúc đang ngủ, ngũ sư thúc để lúc khác hãy vào thăm thì hơn. Hay là để cháu vào gọi tam sư thúc dậy.

Thúy Sơn vội xua tay, rồi rón rén đi vào phòng.

Ðại Nham đang nhắm mắt ngủ say, sắc mặt lợt lạt hai mà hõm lại. Tội nghiệp thay một đại hiệp trước mạnh như rông như hổ, giờ còn lại thân tàn, như có xác mà không có hồn.

Thúy Sơn ngắm nhìn Ðại Nham một hồi rồi ôm mặt đi ra và hỏi đạo đồng rằng:

- Ðại sư bá với thất sư thúc hiện ở đâu?

Tiểu đông đáp:

- Hiện đang ở khách sảnh.

- Chẳng hay khách nào thế?

- HÌnh như những người đi bảo tiêu.

Lợi Hanh lúc ấy vừa trở lại nghe Thúy Sơn đang hỏi liền đỡ lời:

- Ba người đó là Kỳ Thiên Bưu, tổng tiêu đầu của Hổ phiêu tiêu cục ở Kim Lăng, Văn Hạt tổng tiêu đầu của Tần Dương Thái Nguyên và Cung Cửu Giai, tổng tiêu đầu của của Yếu Vân ở Kinh sư.

Thúy Sơn hơi kinh hãi và hỏi lại:

- Hiện giờ ở trong số các tổng tiêu đầu toàn quốc, phải công nhận ba người đó võ công cao nhất, và danh vọng cũng lớn nhất. Chẳng hay việc gì mà họ cùng một lúc đưa nhau lên núi Võ Ðang?

Lợi Hanh vừa cười vừa đáp, chắc họ mất ngân tiêu gì đó mà người cướp đoạt quá mạnh nên họ biết địch không lại mới đến đây cậy sư huynh chúng ta cũng nên? Mấy năm nay, đại ca chúng ta hay giúp giới giang hồ bất cứ ai gặp việc gì nguy nan, hễ đến mời đại ca ra mặt giúp là đại ca nhận lời ngay.

Thúy Sơn mỉm cười tiếp:

- Ðại ca là người từ bi, không bao giờ thỏi thoát. mười năm không gặp, không biết đại ca có già thêm chút nào không?

Nghĩ tới đó, chàng muốn được gặp đại ca ngay, liền nói thêm:

- Lục đệ, chúng ta đi ra ngoài khách sảnh để ngu huynh núp sau bình phong xem mặt đại ca đi.

Thế rồi, hai người rón rén ra ngoài khách sảnh, đứng núp sau bình phong ngó ra. Thúy Sơn thấy Tống Viễn Kiều và Mạc Thanh Cốc ngồi phía dưới chỗ chủ nhân, để tiếp khách.

Tống Viễn Kiều mặc quần áo đạo sĩ, vẻ mặt không thay đổi gì mầy chỉ mập mạp hơn xưa, và hai bên mái tóc hơi hoa râm một chút. Sự thực Viễn Kiều không muốn đi tu, nhưng vì thấy sư phụ là người đạo đức vả lại ở trong đạo quan, nên khi nào ở trên núi là chàng ăn mặc theo đạo sĩ, còn lúc xuống núi mới ăn mặc theo người tục. Còn Mạc Thanh Cốc cao lớn vạm vỡ hơn xưa nhiều. Tuy tuổi mới hai mươi mà đã mọc đầy râu, trông già hơn Thúy Sơn.

Thúy Sơn và Lợi Hanh đang để ý mọi người bên ngoài thấy Thanh Cốc lớn tiếng nói:

- Ðại sư ca của chúng tôi nói một là một hai là hai, đã có ba chữ Tống Viễn Kiều bảo đảm, ba vị còn không tin sao?

Thúy Sơn nghĩ thầm:

- Tính nết có thể thất đệ vẫn không thay đổi chút nào, không hiểu vì việc gì y cãi vã với những người ấy như thế?

Chàng lại đưa mắt nhìn mấy người khách, thấy ba người đó tuổi trạc năm mươi, một người khí độ oai mãnh, một người vừa cao vừa gầy, một người diện mạo trông rất thanh tao, nhưng tựa như một người bịnh vậy.

Sau ba người lại có năm người, chắc là theo hầu mấy người kia. Chàng vừa nhìn tới đó, thì nghe người vừa cao vừa gầy lên tiếng:

- Nếu Tống đại hiệp đã nói vậy, chúng tôi đâu đám không tin nhưng không biết bao giờ Trương ngũ hiệp mới về tới ? Chẳng hay hai vị có thể cho chúng tôi biết ngày giờ đích xác không? Thúy Sơn nghe người đó nói tới Trương ngũ hiệp thì kinh ngạc vô cùng và nghĩ thầm: "Thì ra ba tổng tiêu đầu đó vì ta mà tới đây, chắc họ định dò hỏi tung tích nghĩa huynh ta chăng?"

Chàng lại nghe Thanh Cốc nói tiếp:

- Bảy anh em chúng tôi tuy bản lĩnh rất hèn kém nhưng việc hành hiệp trượng nghĩa thì xưa nay không chịu kém ai cả nên cũng được các bạn giang hồ quá khen mà cho ngoại hiệu là Võ Ðang thất hiệp, bốn chữ Võ Ðang thất hiệp đó nói ra thật hổ thẹn, thật tình chúng tôi đâu dám nhận .

Thúy Sơn lại nghĩ tiếp :

- Mười năm không gặp mặt nhau, không ngờ thật đệ lại khéo ăn nói đến thế. Xưa kia người ta mới hỏi một câu y đã đỏ mặt nửa ngày, mới trả lời được một câu. Trong mười năm qua, ngoài ta và tam ca ai nấy đều tiến bộ nhanh chóng vô cùng.

Thanh Cốc lại tiếp:

- Nhưng chúng tôi đã lỡ mang cái tên đó thì phải thừa nghiêm huấn của ân sư mà hành sự, quyết không lầm nửa bước. Trương ngũ ca là một trong Võ Ðang thất hiệp, anh ta văn võ song toàn nho nhã hòa thuận. Trong bảy anh em chúng tôi, chỉ có tính nết của anh ấy là thuần nhất. Tại sao quý vị cứ nhất định vu cho anh ấy gϊếŧ cả nhà Long Môn tiêu cuộc?

Thúy Sơn nghe nói rùng mình và nghĩ thầm:

- Thì ra bọn ngay vì việc Ðỗ Ðại Cẩm của Long Môn tiêu cuộc mà tới đây. Xưa nay ta vẫn nghe ở phía Nam sông Trường Giang các tiêu cuộc đều tôn Hổ Phiêu ở Kim Lăng là thủ lãnh, chắc họ mới nghe tin ta ở hải ngoại về, nên Hổ Phiêu mới rủ hai tổng tiêu đầu của Tấn Dương và Yên Văn tới đây vấn tội .

Ðại hán có khí độ oai mãnh lên tiếng:

- Cái oai của Võ Ðang thất hiệp đã lừng lẫy bốn phương, người trong võ lâm ai mà không ton kính, còn chúng tôi thì đã nghe từ lâu, như sấm động bên tai.

Thanh Cốc nghe tổng tiêu đầu đó chế nhạo mình như vậy, liền biết sắc trả lời:

- Kỳ tổng tiêu đầu muốn gì, cứ nói thẳng ra.

Ðại hán có khí độ oai mãnh đó chính là Kỳ Thiên Bưu tổng tiêu đầu của Hổ Phiêu tiêu cục.

Y bèn lớn tiếng:

- Võ Ðang thất hiệp nói một là một nói hai là hai. Nhưng chẳng lẽ quý vị cao tăng của phái thiếu lâm lại chuyên môn nói dối, nói trá sao? Tăng nhân của phái phái Thiếu Lâm đã chính mắt trông thấy cả nhà già trẻ lớn bé của Long Môn tiêu cuộc ở Lâm An đều bị Trương ngũ hiệp gϊếŧ!

Y nói đến ba tiếng Trương ngũ hiệp lại kéo dài ra hiển nhiên là chế nhạo Thúy Sơn, cho chàng không đáng là một hiệp sĩ.

Lợi Hanh đứng sau bình phong, nghe Thiên Bưu nói như vậy, tức giận vô cùng muốn chạy ra tát tai y ba cái liền. Nhưng Thúy Sơn đã vội nắm tay chàng lại, lắc đầu ngầm bảo chàng chớ nên nóng.

Lợi Hanh thấy Thúy Sơn có vẻ khó chịu và đau đớn, không hiểu tại sao trong lòng nghĩ thầm:

- Lòng nhẫn nại của đại ca càng ngày càng khá hơn trước, thảo nào sư phụ cứ khen anh ấy hoài .

Thanh Cốc đứng dậy lớn tiếng nói :

- Ðừng nói ngũ ca mỗi lúc này chưa về núi, mà dù anh ấy có về núi rồi, anh ấy cũng trả lời quý vị như thế thôi. Mạc mỗ với Thúy Sơn cùng sinh tử có nhau, việc anh ấy tức là việc của mỗ. Ba vị muốn tới đây để kiếm Thúy Sơn trả thù, thì cứ đối phó với mỗ đây đủ rồi. Nếu ba vị phân biệt phải trái thì cứ nhất định vu khống cho ngũ ca mỗ là kẻ gϊếŧ hại cả nhà Long môn tiêu cuộc thì cứ coi như tất cả những việc đó mạc mỗ gây ra vậy. Ba vị muốn trả thù cho Long Môn tiêu cuộc thì cứ việc gϊếŧ Mạc mỗ đây là xong.

Kỳ Thiên Bưu cả giận, đột nhiên đứng lên quát:

- Ngày hôm nay Kỳ mỗ lên núi Võ Ðang quấy rầy các nhân sĩ trong thiên hạ đều cười là kẻ múa rìu qua mắt thợ không biết tự lượng sức mình chút nào, nhưng cả nhà của Long môn tiêu cuộc bị gϊếŧ trước đây mười năm vẫn bị trầm oan cha ai rửa hận, nên Kỳ mỗ không sao nhịn được. đằng nào phái Võ Ðang cũng đã gϊếŧ bảy mươi hai mạng người của Long Môn tiêu cuộc rồi thì bây giờ gϊếŧ thêm Kỳ mỗ cũng không sao. Ngày hôm nay Kỳ mỗ được tưới máu của mình ở núi Võ Ðang cũng coi như là chết phải chỗ lắm. Lúc chúng tôi lên núi, vì tôn trọng đức cao trọng vọng của Trương Chân Nhân nên không đem khí giới theo, vậy bây giờ Kỳ mỗ xin lãnh cái chết dưới tay Mạc thất hiệp bằng quyền pháp vậy.

Nói xong, y bước tới giữa khách sảnh.

Tống Viễn Kiều vẫn ngồi yên, không nói nửa lời, lúc này thấy hai người đã đi đến chỗ quyết liệt và sắp đánh nhau, bèn giơ tay cản Thanh Cốc lại mỉm cười nói:

- Ba vị lên tới tệ sơn, nói đi nói lại và cứ nhất định đổ riệt cho ngũ sư điệt chúng tôi gϊếŧ cả nhà Long Môn tiêu cuộc ở Lâm An, cũng may tệ sư đệ cũng sắp về tới núi rồi, ba vị hãy tạm nhịn ít lâu, để gặp mặt tệ sư đệ rồi hãy phân biệt phải trái sau, chẳng hay ba vị nghĩ sao?

Cung Cửu Giai tổng tiêu đầu của Yến Văn tiêu cục người gầy gò trông như có bệnh nhưng rất nhiều mưu trí liền đứng lên nói:

- Kỳ tổng tiêu đầu hãy ngồi xuống, Trương ngũ hiệp chưa về tới núi thì việc này vẫn chưa thể dứt khoát được, chi bằng chúng ta hãy bái kiến Trương chân nhân và xin ông ta cho một chỉ thị rõ ràng. Trương chân nhân là một vị Thái sơn bắc đẩu trong võ lâm ngày nay thiên hạ anh hùng hảo hán ai mà chẳng kính ngưỡng, chẳng lẽ cụ đi bênh vực đệ tử sao?

Mấy lời nói của y, tuy rất khách sáo, nhưng bên trong bao hàm ý nghĩa rất lợi hại, làm sao Thanh Cốc không hiểu ý nghĩa đó, chàng liền trả lời:

- Gia sư hiện đang tịnh tu chưa tới ngày khai quan. Hơn nữa những năm gần đây việc của phái Võ Ðang chúng tôi đều do đại sư ca xử lý. Trừ những cao nhân có danh vọng thật lớn trong võ lâm gia sư rất ít tiếp khách.

Y nghĩa lời chàng nói là ba người không có tư cách gặp sư phụ.

Văn Gạt tổng tiêu đầu của Tấn Dương tiêu cuộc cười nhạt đáp:

- Việc thiên hạ kể cũng khéo ngẫu nhiên, vừa lúc chúng tôi lên trên núi, thì Trương chan nhân lại bế quan! Nhưng đối với bảy mươi mấy nhân mạng của long môn tiêu cục không thể dùng sự bế quan mà trốn tránh được đâu.

Cung Cửu Giai nghe Văn Hạt nói vậy vội đưa mắt cấm thị.

Nhưng Thanh Cốc đã không còn nhịn được nữa lớn tiếng quát liền:

- Người bảo sư phụ ta vì việc ấy mà bế quan phải không?

Cung Cửu Giai cười nhạt một tiếng, nhưng không trả lời.

Tống Viễn Kiều tuy rất nhẫn nại nhưng khi nghe Văn Hạt nhục mạ ân sư, chàng cũng không sao chịu được. Chàng nhận thấy hơn mười năm nay chưa ai dám thốt lên lới thất kính với Trương Tam Phong trước mặt Võ Ðang thất hiệp, nên chàng từ từ nói:

- Ba vị ở xa tới là khách, chúng tôi không dám mích lòng chút nào vậy xin tiễn khách.

Tống Viễn Kiều nói xong, vung tay ném một cái ba hòn đạn liên tiếp bay ra xượt qua đầu của ba vị tổng tiêu đầu.

Ba vị này không thấy kịp nên không sao tránh được nếu Tống Viễn Kiều cố ý hại cả ba. Cả ba đều kinh hãi vô cùng.

Ba tổng tiêu đầu lúc này mới biết Tống Viễn Kiều đứng trước mặt kia thật nho nhã hiền lành và khiêm tốn mà võ công tuyệt luân không thể tưởng tượng được.

Thiên Bưu là người nhanh nhảu hơn vội chắp tay vái chào nói:

- Cám ơn Tông đại hiệp đã nể nang không hạ độc thủ xin cáo biết từ đây.

Viễn Kiều và Thanh Cốc tiễn ba người ra tận mái hiên.

Thiên Bưu vội quay lại nói:

- Hai vị hãy lui bước, khỏi phải tiễn xa.

Viễn Kiều đáp, mấy khi được ba vị tổng tiêu đầu giáng lâm tệ sơn, chúng tôi thế nào cũng phải tiến tới bên ngoài và một ngày gần đây tại hạ sẽ đi Kinh Sư Thái Nguyên và Kim Lăng ba nơi sẽ tới các quý cuộc đáp lễ.

Thiên Bưu liền đỡ lời:

- Chúng tôi đấu dám phiền đến Tống đại hiệp.

Y lãnh giáo võ công của Viễn Kiều rồi, cảm thấy vị Tống đại hiệp này, tuy võ công cao siêu như vậy mà ăn nói rất lễ phép không có vẻ gì là kiêu ngạo cả, lòng y đã cảm phục Viễn Kiều vô cùng và vẻ mặt không còn hung hăng như lúc mới tới núi vấn tội nữa.

Hai người đang chuyện trò khách sáo, đột nhiên bên ngoài có một chàng thanh niên, mặt rất anh tuấn người bé nhỏ nhanh nhẹn đang hấp tấp đi tới, Viễn Kiều thấy người nọ liền lên tiếng ngay:

- Tứ đệ đã gặp ba bạn này chưa?

Nói xong, chàng giới thiệu bọn Thiên Bưu với Tòng Khê.

Tòng Khê vừa cười vừa nói:

- Ba vị tới thật đúng lúc, tôi đang có mấy vật và vài việc để giao cho quý vị.

Chàng vừa nói vừa móc trong túi ra, giao cho mỗi người một gói nhỏ, Thiên Bưu liền hỏi:

- Cái gì thế hở Trương tứ hiệp.

Tòng Khê đáp:

- Ở đây giở ra xem không tiện, quý vị xuống núi hãy giở ra xem.

Tiếp theo đó, ba anh em Võ Ðang tiễn ba tổng tiêu đầu ra khỏi cửa đạo quan, rồi mới từ biệt.

Chờ ba người đi khỏi, Thanh Cốc vội hỏi:

- Tứ ca, ngũ ca đâu? anh ấy đã về núi chưa?

Tòng Khê vừa cười vừa nói:

- Thất đệ hãy vào gặp ngũ đệ trước, ngu huynh với đại ca ở lại ngoài khách sảnh chờ ba vị tổng tiêu đầu trở lại.

Thanh Cốc ngạc nhiên hỏi:

- Ba người đó còn quay lại làm gì?

Nhưng chàng vẫn nhớ Thúy Sơn nói xong không chờ Tòng Khê trả lời, đã chạy thẳng vào trong nhà.

Thanh Cốc vừa bước vào trong nội đường thì quả nhiên bọn Thiên Bưu ba người đang trở lại, quì lạy Viễn Kiều và Tòng Khê ngay.

Hai anh em Viễn Kiều vội đáp lễ.

Văn Hạt nói, đại ân đại đức của các vị đại hiệp của phái Võ Ðang thật khôn lường đến bây giờ Văn mỗ vì quá nóng đã lỡ lời xúc phạm đến Trương chân nhân thật không bằng con heo con chó.

Nói xong, y giơ tay thẳng lên, tự tát vào má mười mấy cái liền.

Anh em Viễn Kiều thấy Văn Hạt đánh hai má đỏ bừng và sưng húp vẫn chưa ngừng tay.

Viễn Kiều ngạc nhiên không hiểu tại sao cả vội giơ tay ngăn cản .

Tòng Khê nói:

- Văn tổng tiêu đầu là một nam nhi có chí khí lớn về việc xua đuổi bọn Mông cổ ra khỏi bờ cõi lấy lại giang sơn đất nước cho chúng ta, thì bất cứ người trai nào của nước Trung Hoa cũng đều phải gánh vác. Việc nhỏ mọn ấy là phận sự của chúng tôi phải làm Văn tổng tiêu đầu hà tất tự khiển trách như vậy?

Văn Hạt đáp:

- Mẹ già con thơ và tính mạng gia đình Văn mỗ đều được quý vị ban cho. Văn mỗ ngu si dốt nát trong 55 nay tựa như nằm mơ vậy. Nghĩ đến vừa rồi Văn mỗ ăn nói vô lễ nếu được hai vị đánh cho một trận thật đau thì lương tâm Văn mỗ mới được yên phần nào.

Tòng Khê mỉm cười:

- Việc đã qua, Vân lão tiêu đầu đừng nhắc tới nữa. Chính gia sư đã đích tai nghe hai câu nói đó, va cũng kính mến hành vi của Văn tổng tiêu đầu nên gia sư không bao giờ để bụng chuyện đó đâu.

Nhưng Văn Hạt vẫn nơm nớp không yên, cứ tự khiển trách hoài.

Viễn Kiều không hiểu nguyên nhân bên trong, chỉ thuận miệng khiêm tốn nói vài cây nữa thôi. Nhưng chàng thấy Cửu Giai và Thiên Bu cứ cám ơn luôn miệng.

Trái lại Tòng Khê không kính trọng và thân mật hai người đó như đối với Văn Hạt.

Sau đó ba vị tổng tiêu đầu nhất định đòi tới chỗ Trương tam Phong tọa quan để được quì lạy ở ngoài cửa và gặp cho được Thanh Cốc để tạ tội.

Nhưng Tòng Khê nhất nhất từ chối hết, lúc ấy ba người mới cáo lui xuống núi.

Ba người đi khỏi ròi, Tòng Khê thở dài một tiếng nói:

- Tuy ba người ấy trong lòng rất cám ơn chúng ta nhưng không thấy họ nhắc nhở tới nhân mạng của Long Môn tiêu cuộc gì cả. Xem ra họ cảm ơn là một việc còn vụ án kia họ coi như một việc.

Viễn Kiều định hỏi nguyên nhân ra sao, đã thấy Thúy Sơn ở trong nội đường chạy ra quì xuống đất vái lạy và nói:

- Tiểu đệ nhớ đại ca quá.

Viễn Kiều là người rất khiêm tốn mặc dầu đối với đồng môn sư đệ cũng vậy đã vội cung kính đáp lễ nói:

- Ngũ đệ đã trở về.

Thúy Sơn liền kể qua loa chuyện cách biệt bấy lâu cho mấy anh em nghe.

Thanh Cốc nóng lòng vội hỏi:

- Ngũ ca, ba tên tiêu khách đó vô lễ lắm, chúng nhứt định vu khống cho ngũ ca gϊếŧ gia đình Long môn tiêu cuộc. Ngũ ca tốt nhịn thật tại sao không ra cho chúng một bài học hể chúng sáng mắt ra.

Thúy Sơn mặt rầu rĩ thở dài một tiếng rồi đáp:

- Nguyên ủy của vụ này rất phức tạp chỉ vài lời không sao nói hết được, hãy đợi chờ tam ca thức tỉnh đệ sẽ báo cáo tường tận, để quý vị huynh đệ cùng suy nghĩ một mưu kế hay mà giải quyết cho xong.

Lợi Hanh liền an ủi Thúy Sơn:

- Ngũ ca cứ yên tâm. Long Môn tiêu cuộc hộ giá tam sư ca bất lực nên tam sư ca mới bị tàn phế suốt đời. Dù có phải là ngũ ca gϊếŧ cả nhà Long Môn tiêu cuộc đi chăng nữa, cũng chỉ vì tình nghĩa anh em chúng ta quá thâm sâu mà dụng lòng nghĩa hiệp cũng phẫn uất.

Liên Châu vội quát mắng:

- Lục đệ chớ nói lung tung. Nếu những lời của đệ vừa nói tới tai sư phụ thì lục đệ bị giam vào trong phòng tối ngay. Anh em chúng ta có khi nào làm những trò gϊếŧ toàn gia người như thế đâu mà lục đệ lại nói ví dụ.

Năm anh em đều đưa mắt nhìn Thúy Sơn chỉ thấy thần sắc của chàng rất thê thảm. Một lát sau chàng lại nói:

- Ðệ không gϊếŧ một người nào ở Long Môn tiêu cuộc cả. Không bao giờ đệ dám quên lời dạy bảo của sư phụ và cũng không dám làm lụy tới thịnh đức của quý anh em.

Năm người nghe chàng nói vậy, đều cả mừng, và cũng thở ra nhẹ nhõm. Tuy tất cả anh em đều không tin Thúy Sơn đã ra tay gϊếŧ cả gia đình Long Môn tiêu cuộc nhưng họ thấy các cao tăng của phái Thiếu Lâm nói chắc chắn như vậy, và còn nói chính mắt thấy. Hơn nữa họ lại thấy lúc ba Tổng tiêu đầu tới vấn tội, không thấy Thúy Sơn xông ra đính chính thị phi gì cả nên người nào người nấy trong lòng đều có chút hoài nghi. Bây giờ họ nghe Thúy Sơn nói như vậy đều yên tâm và cũng nghĩ:

- Chắc bên trong có nhiều chuyện khó nói, nhưng quý hồ không phải Thúy Sơn ra tay gϊếŧ những người đó là yên trí rồi. Sau này thế nào cũng có ngày giải quyết minh bạch ngay .

Tiếp theo đó, Thanh Cốc liền hỏi Tòng Khê về nguyên do tại sao ba tổng tiêu đầu đã đi khỏi lại quay trở lại.

Tòng Khê vừa cười vừa nói :

- Trong ba tổng tiêu đầu ấy, chỉ có Văn Hạt là ăn nói vô lễ nhất, lại tốt bụng hơn ai cả. Y ở Thiểm tây rát có danh vọng, đã ngấm ngầm liên lạc với các anh hùng hào kiệt ở Sơn Tây và Thiểm Tây cắt máu ăn thề để khởi nghĩa phản kháng quân mông cổ.

Tống Viễn Kiều và bốn anh em kia đều vỗ tay khen ngợi.

Thanh Cốc còn lên tiếng nói:

- Không ngờ y có nghĩa khí như vậy, thật đáng kính trọng. Tứ ca đừng nói chuyện này vội đợi tiểu đệ về đã rồi hãy nói sau.

Nói xong chàng chạy thẳng ra ngoài.

Tòng Khê chỉ hỏi han Thúy Sơn về những phong vật trên Băng Hỏa đảo thôi.

Thúy Sơn để tới chuyện con Ngọc diện hỏa hầu linh dị như thế nào bốn người kia kinh ngạc vô cùng.

Thúy Sơn lại nói tiếp:

- Chúng tôi định đem con Ngọc diện hỏa hầu về Trung thổ, nhưng khi bè gỗ trôi được mấy ngày thì tiết trời ấm áp dần, nó không quen khí hậu nóng nên nhảy xuống biển leo lên một tảng băng đi ngược về phía bắc. Chắc bây giờ nó đã về tới Băng Hỏa đảo cũng nên?

Lợi Hanh xen vào:

- Ðáng tiếc thật!

Viễn Kiều cũng lên tiếng:

- Một con khỉ nhỏ như vậy mà xé nổi óc con gấu, thật không thể tưởng tượng.

Thúy Sơn lại tiếp:

- Con hỏa hầu ấy tuy hình thù là con khỉ nhưng đẹ tưởng nó không phải là loài hầu vượn đâu? Chắc Băng Hỏa đảo khí hậu kỳ lạ nhờ linh khí của thiên địa sinh ra giống kỳ thú đó chăng?

Viễn Kiều gật đầu đáp:

- Ngay trong Trung thổ, ở những nơi thâm sơn cùng cốc cũng có những thứ linh vật nhưng người không ra người thú không ra thú.

Mọi người đang nói chuyện, Thanh Cốc đã chay về nói:

- Ðệ đuổi theo Văn tổng tiêu đầu vái chào và xin lỗi còn khen y là một nam nhi đại trượng phu nữa.

Mọi người đều biết người tiểu sư đệ này tính rất thẳng thắn và đoán ngay y vừa đi đâu về.

Vừa đi vừa về hơn sáu dặm đường Thanh Cốc không mệt mỏi chút nào. Chàng nghĩ Văn Hạt là người có huyết tính, nếu không đuổi kịp theo xin lỗi và xử hòa thì có lẽ mấy đêm liền chàng cũng không sao ngủ yên được.

Lợi Hanh lại nói:

- Thất đệ, câu chuyện của tứ ca vẫn còn đợi hiền đệ về mới nói, nhưng câu chuyện Ngọc diện hỏa hầu của ngũ ca nghe còn thú hơn nhiều.

Thanh Cốc nghe nói nhảy bắn lên và hỏi:

- Thực thế?

Tòng Khê thấy Thanh Cốc đã trở về liền lên tiếng nói tiếp câu chuyện vừa rồi:

- Văn hạt vừa trù tính xong mọi kế hoạch Thanh Cốc xua tay nói:

- Xin lỗi tứ ca, hãy chờ em một lát nữa .

Thúy Sơn mỉm cười nói:

- Thất đệ không bao giờ chịu thiệt thòi.

Thế rồi chàng đem chuyện con Ngọc diện hỏa hầu kể cho Thanh Cốc nghe.

Thanh Cốc liền tiếp:

- Lạ thạt lạ thật! Bây giờ đến lượt tứ ca nói tiếp đi.

Tòng Khê lên tiếng:

- Văn Hạt vừa trù tính xong mọi kế hoạch, chỉ đợi ngày giờ tới là ra lệnh cho Thái Nguyên đại đồng và Phần Dương đông thời khời nghĩa, không ngờ trong bọn người đồng minh đó lại có một tên đại phản đồ. Ba đêm trước ngày khởi nghĩa tên ấy lấy trộm danh sách của mọi người và tờ kế hoạch chính tay Văn Hạt thảo đem dâng cho quân Mông Cổ để cáo mật..

Thanh Cốc vỗ đùi la lớn:

- Ối chà nguy quá!

Tòng Khê lại tiếp:

- May thay lúc ấy đệ ở Thái Nguyên, liền cho quan Tri phủ một bài học. Nửa đêm đệ lén vào trong phủ nha, thấy tên phản đồ đó đang bàn tán với quan Tri phủ định một mật báo cho nhà vua biết, một mặt điều binh khiển tướng định bắt trọn ổ bọn người khởi nghĩa. Ðệ liền chui quá cửa sổ vào cho mỗi đứa một nhát, rồi cướp luôn tờ danh sách và bản kế hoạch đem về miền Nam. Bọn Văn Hạt phát giác tờ danh sách với kế hoạch bị mất, biết đã hỏng đại sự không những cuộc khởi nghĩa không thành mà những người trong danh sách đó sẽ bị hoạ.

Nhà người nào cũng sẽ bị đem chém đầu hết. đêm hôm ấy, bọn Văn Hạt liền báo tin để họ cao chạy xa bay mà tị nạn. Nhưng lúc bấy giờ cửa thành đóng kín, không sao đưa được tin ấy lọt ra ngoài thành để báo cho mọi người được.

Sáng sớm hôm sau, dân chúng hay tin quan Tri phủ bị ám sát thành Thái Nguyên đóng kín cửa để lùng bắt thích khách, bọn người Văn Hạt lại càng nóng lòng sốt ruột, họ nghĩ thầm: "Phen này cả nhà chúng ta bị chém gϊếŧ đã đành, nhưng còn làm lụy đến bao nhiêu anh hùng nghĩa sĩ ở Sơn Tây và Thiểm Tây."

Không ngờ chúng lo sợ trong mấy ngày liền mà vẫn được bình an vô sự, đều ngạc nhiên vô cùng, sau quân lính trong thành khám xét mãi mà không bắt được thích khách vụ án đó liền bỏ qua.

Bọn Văn Hạt thấy tên phản đồ chết trong phủ nha đoán rằng có lẽ có người ngấm ngầm ra tay cứu giúp nhưng dù sao chúng không thể đoán biết được là do đệ ra tay.

Lợi Hanh liền nói:

- Còn Cung Cửu Giai thì sao? Tứ ca giúp y những gì?

Võ công của Cung Cửu Giai cao siêu thật, nhưng nhân phẩm của y không sao bằng được Văn hạt. Sáu năm trước đây, y bảo tiêu đến tỉnh Vân Nam. Sau đó có một nhà buôn châu báu lớn ở Côn Minh nhờ y đem ngầm một món châu báu giá trị hơn sáu mươi lạng bạc đi Bắc Kinh. Nhưng khi y đi tới Giang Tây đến bờ hồ Bá Dương, thì bị ba anh em trong Bá Dương tứ nghĩa vây đánh, rồi tam nghĩa cướp món châu báu đó đi. Cung Cửu Giai có bán hết gia sản cũng không sao đền cho đủ. Huống hồ Yến Vân tiêu của y đứng đầu trong các tiêu cuộc ở Bắc phương nay y bị người chận đường cướp tiêu hàng như vậy, thì sau này còn ai dám nhờ y bảo tiêu nữa? Vì hai lẽ đó y suy đi tính lại không còn cách nào khác giải thoát bèn định tự tử trong khách điếm ở Giang Tây.

Bá Dương tam nghĩa, không phải là lục lâm thảo khấu mà cướp món châu báu ấy làm chi?

Thì ra người anh trong tứ nghĩa, phạm tội lớn bị giam trong ngục, và sắp bị xử trảm đến nơi. Hai lần cướp đề lao, tam nghĩa không sao cứu được người anh cả. Trái lại quan Tri phủ lại đề phòng nghiêm ngặt hơn trước nhiều. Sau Tam nghĩa biết quan Tri phủ đó tham tài định dùng châu báu đó để hối lộ cho tên quan tham lam để giảm khinh tội lỗi cho người anh kết nghĩa. Ðệ thấy bốn người đó rất có nghĩa khí liền lập kế cứu lão đại ra khỏi lao và bảo chúng đem trả món của báu đó lại cho Cung Cửu Giai. Tuy trông mặt của tổng tiêu đầu này rất đáng ghét và không biết ăn nói nữa, nhưng trong đời y không làm một điều gì gian ác và cũng không có giao kết với quan phủ bắt nạt luơng dân, nên đệ mới cứu y thoát chết. đệ dặn Bá Dương tứ nghĩa đừng nhắc tới tên đệ làm gì, và đệ chỉ giữ lại miếng cẩm đoan bọc những châu báu ấy thôi. Vừa rồi đệ trao cho y miếng đoạn bọc châu báu đó tất nhiên y phải hiểu ngay ai đã ra tay cứu y rồi.

Liên Châu gật đầu nói:

- Việc này tứ đệ làm rất khéo. Không nói gì Cung Cửu Giai mà Bá Dương tứ nghĩa là những người rất có nghĩa khí hiền đệ cứu họ như vậy là rất phải.

Thanh Cốc lại xen lời:

- Còn Kỳ Thiên Bưu, thì tứ ca giao cho y cái gì thế?

Tòng Khê đáp:

- Chín mũi đoạn ngô công tiêu.

Năm người nghe nói đều kêu "ủa" một tiếng. Vì đoạn hồn Ngô công tiêu rất nổi danh trên giang hồ, cùng là một môn ám khí đã làm Ngô Nhất Manh nổi tiếng ở Lương châu.

Tòng Khê lại tiếp, việc này đệ làm quả thật táo bạo. đến bây giờ nghĩ lại đệ vẫn còn kinh hãi. Ngày hôm ấy, quả thật là may mắn, Kỳ Thiên Bưu bảo tiêu đi qua Ðông Quan vô hình trung y đã gây hân với đệ tử của Nhất Manh và đấu với nhau. Ngờ đâu Kỳ Thiên Bưu dùng chưởng đánh đệ tử của Nhất Manh bị thương. Sau đó Kỳ Thiên Bưu đã biết mình gây nên tai họa lớn rồi, vội vàng trao trả tiêu ngân cho sư chủ ngay đêm ấy trở về Kim Lăng liền. Rồi y triệu tập các bạn hữu chí giao để hợp lực đối phó Nhất Manh. Ngờ đâu, y vừa về đên Lạc Dương đã bị Nhất Manh đuổi tới hẹn ngày hôm sau tỷ thí ở ngoài cửa Tây thành Lạc Dương.

Lợi Hanh lại hỏi:

- Võ công của Nhất Manh chưa chắc đã kém anh em mình như vậy Kỳ Thiên Bưu làm sao địch nổi.?