Thiên Linh Cái

Chương 2: Đốm đỏ mong manh

- Không được lần này thì mình cố lần khác. Quan trọng là em phải khỏe lại… - Tuần nói, cố không nhắc đến những từ mà Tuần đoán có thể làm Tho đau lòng.

Tho gật, ngoan ngoãn húp mấy muỗng cháo Tuần lia lịa đút về phía miệng mình. Tuần nhìn Tho, dò xét.

- Chiều nay là bốn tuần thầy Hai Tưng dựng chòi. Anh tính… tính…

Tho gật, vẫn ngoan ngoãn húp tiếp cháo, không nói năng gì.

- Em muốn đi với anh không? - Tuần hỏi, nhẹ nhàng và dè chừng.

- Bốn tuần rồi hả? Nhanh quá! Mai, em không ăn cháo nữa! Ớn lắm rồi! - Nói rồi, Tho nằm xuống, quay mặt vô trong tường.

Tuần lừng khừng lát rồi đứng dậy, thở dài đi lui ra sau bếp. Tiếng chén dĩa chồng lên nhau sau khi được rửa sạch nghe loang xoang, nhưng lòng Tho, nhưng lòng Tuần cứ loang xoang những nỗi niềm chung mà riêng, khó nói.

Phê từ ngoài bước vô căn nhà tuềnh toàng trống của Tho và Tuần, nhìn dáng người Tho không những thon gọn lại như những ngày còn con gái mà phần nào tóp teo đi hẳn. Phê tay xách giỏ nhựa, tay cởi mũ, bước thẳng vô trong.

- Mày ăn gì chưa?

Tho nghe tiếng Phê thì quay hẳn người lại, vẻ vui mừng.

- Ăn rồi, mới ăn xong.

- Lại cháo nữa, hả? - Phê hỏi, cố kéo dài giọng cốt để Tuần nghe.

Tiếng bát đĩa chạm nhau dừng hẳn. Hơi thở nào của Tuần dẫu rất khẽ nhưng rất cay dội thẳng vô trong này, áp sát Tho. Tho chống tay ngồi dậy.

- Thì ăn cháo thịt là được rồi!

Phê cười khẩy, lạnh băng.

- Cũng may mày bịnh nên có cháo thịt mà ăn, hả? Không thì suốt đời mày cứ trông chờ vô những thứ mà người ta câu được, bắt được về thôi.

- Cái gì cũng được, có ăn là may rồi! - Tho nói, giọng mệt mỏi.

- Mày cứ cái kiểu đó, nên đời mày giờ ra vầy đó! - Phê bất ngờ nổi nóng, giọng gắt gỏng, cáu bẳn.

Tho chùng người xuống. Tiếng gà quang quác sau vườn nhà. Tho khẽ đảo cái nhìn của mình ra đó. Phê cũng nhìn ra theo, chỉ là ánh sáng trắng hắt vào từ liếp cửa mở. Phê nói, giọng khô khan:

- Nghe tao nói nên bắt gà cho mày ăn, chắc. Chớ không thì cũng để dành làm thịt bù khú ăn nhậu thôi!

- Không phải! Chắc làm gà qua cúng thầy Hai Tưng…

° ° °

Khoảnh đất người dân dành cho Hai Tưng nằm ở cao cao triền đồi. Hai Tưng dựng căn chòi nhỏ xíu xiu, lúc nào cũng im ỉm đóng cửa. Căn chòi nhỏ, yếu ớt và luôn dọa sập ấy lại được bao bọc bởi lớp hàng rào đóng cọc chằn thép gai dầy kịt.

Hai Tưng từ ghe lên bờ. Hai Tưng không lên bờ một mình như người ta vẫn tưởng Hai Tưng là ông thầy lang tốt bụng sống độc thân trên chiếc ghe nhỏ vẫn chống dọc sông cứu người, chữa bệnh. Hai Tưng lên bờ cùng một người phụ nữ câm - người đàn bà đã chấm hàng ngàn dấu hỏi trong đầu những con người quanh đây. Bà ta là ai? Bà ta là vợ thầy Hai Tưng chăng? Bà ta câm mà không điếc, tại sao? Tại sao xưa nay không ai từng thấy bà - kể cả những người đã được thầy Hai Tưng đem lên ghe mình cứu chữa? Và, nhiều, nhiều nữa…

Mỗi sáng, người đàn bà câm mở bung cửa chòi, mở he hé cửa cổng của dãy hàng rào thép gai. Rồi, cứ thế, mỗi sáng mụ bắt ghế ra ngồi hóng nắng suốt ngày ở cổng, đón người bệnh đến chòi thầy Hai Tưng bắt bệnh. Có người mụ cho vào. Có người mụ đuổi đi. Chẳng ai biết dựa trên cái gì để mụ làm thế. Cũng chẳng ai biết lý do nào sẽ khiến con người ta không được bước vào trong. Chỉ biết, khi không đồng ý cho người bệnh vào, mụ câm cứ che ché kêu những tiếng kêu vô nghĩa với cặp mắt đỏ đùng đυ.c cùng thái độ khó chịu hằn rõ khắp cả gương mặt mụ…

Danh tiếng Hai Tưng từ ghe lên đất liền như kiểu một hội chứng, một chấn động khắp vùng. Người này truyền tai người nọ, nói, thầy Hai Tưng bốc thuốc, uống một lần là hết tiệt, cho dù là bệnh gì. Cái tiếng tăm đẹp đẽ ấy càng đẹp đẽ hơn khi người này kháo với người kia, thầy Hai Tưng không bao giờ nhận tiền ai… Chỉ lạ một cái, thầy Hai Tưng không bao giờ đoán bệnh cho nam, chỉ tiếp nữ. Kể cả những ông chồng mắc phong hàn, cảm lị, chỉ vợ được đến lạy thầy mà đem thuốc về.

° ° °

Tuần đến chòi thầy Hai Tưng khi trời bắt đầu lem nhem tối. Chiều tháng chín bảng lảng sương đầu mùa. Nghĩ lạ, vùng này hiếm lắm mới có sương, riệt mấy năm nay chả thấy mảng sương nào, giờ, thầy Hai Tưng về, đầu mùa sao sương dầy quá?! Tuần nhìn lên cao cao, nơi căn chòi tồi tàn của thầy Hai Tưng vẫn im ỉm đứng, cửa toang mở, cánh cổng thép gai chỉ hé ra một phần. Tuần lừng khừng, hơi nhác chân khi nhớ về những lời bàn tán, nam nhân nào mà xuất hiện gần nhà thầy đều bị xua đuổi, làm thầy phật ý. Nhưng thật, Tuần muốn cảm ơn thầy Hai Tưng. Tuần thấy mang ơn thầy đã cứu vợ mình, dẫu không thể cứu đứa con non bảy tháng tuổi trong bụng Tho…

Vừa toan dợm bước bước lên, người đàn bà câm xuất hiện bất ngờ không âm thanh khiến Tuần giật bắn người. Cái nhìn của mụ ma mị và đầy căm hờn giáng vào Tuần. Tuần không hiểu! Tuần chùng chân, chùng cả lòng mình. Vẫn cái nhìn từ khi vừa xuất hiện, mụ câm lừ lừ tiến thẳng đến Tuần, ngấc ngấc mặt, ý hỏi chuyện gì. Tuần giơ cao hai tay, đưa mâm cỗ ngang đầu, giọng lễ phép:

- Con đến cúng thầy Hai con gà. Đội ơn thầy chuyện cứu vợ của con. Mấy tuần rồi vợ con ốm nặng quá, con không qua kịp, mong thầy sá tội.

Mụ câm trơ trơ nhìn Tuần, không nói - vì, mụ chả thể nói. Giọng thầy Hai Tưng đều đều vọng từ trên - phía cửa chòi - xuống:

- Mang về mà tẩm bổ cho vợ. Thầy ăn lạt, không thịt thà gì đâu. Đừng bày vẻ mà mang tội!

Không hiểu vì gì, dẫu rất muốn ngẩng lên nhìn tận mặt ân nhân gia đình mình, nhưng, cứ như có một luồng sức mạnh vô hình giáng thẳng vào đầu Tuần từ giọng nói của thầy Hai Tưng, đẩy đầu Tuần cúi rạp, không thể ngấc lên. Tuần chỉ biết dạ rồi vẫn mâm lễ dâng cao tận đầu, Tuần bước thụt lùi…

Tận đến khi Tuần cách xa chân đồi nơi đặt chòi thầy Hai Tưng cả năm chục bước, Tuần mới từ từ hạ mâm lễ xuống rồi quay mặt về hướng nhà mình, bước đi, vẫn không dám nhìn lại chỗ chòi thầy Hai Tưng để mong thấy được, dẫu chỉ là bóng thầy. Có giọng nói xa lạ rất khẽ vọng từ sau lưng Tuần:

- Đi đi! Nhanh lên! Chạy đi! Chạy về nhà…

Giọng nữ, thanh, rõ ràng, nhưng bé quá và xa lạ quá! Tuần không biết đó là ai, cũng không thể nhận ra đó là giọng nói đã từng bao giờ trong đời mình nghe qua lần nào chưa. Tuần quay đầu nhìn lại. Không ai cả! Chỉ khoảng không đen đen của bóng đêm ập xuống vội vã. Dong mắt nhìn chếch lên một tí, trên rẻo đồi ấy, căn chòi của thầy Hai Tưng cửa đã đóng im lìm, hắt ra giữa khoảng đêm bao quanh một đốm đỏ mong manh, leo lét.