Mợ Hai Nhà Họ Dương

Chương 6


Nụ cười của bà lão ở khu nhà từ đường cứ gây ám ảnh cho tôi, cũng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác… nụ cười ấy không chỉ đơn giản là nụ cười xã giao. Mà nếu không phải là xã giao thì tôi cũng không đoán được bà lão ấy có ẩn ý gì, nói chung là khó hiểu.

Buổi tối, sau khi đọc truyện ru cho cu Gin ngủ, tôi với bé Thà lại hì hục ôm một chồng sách lên trên phòng. Đặt chồng sách vừa mới đặt mua lên trên bàn, tôi quay sang nói với bé Thà:

– Được rồi, em cứ để đây đi, lát mợ sắp xếp lại.

Bé Thà lại tranh với tôi:

– Ấy mợ để em xếp lên cho, mợ chỉ chỗ đi, em sắp xếp gọn vô cho mợ rồi em xuống nhà.

Tôi xua tay:

– Không cần đâu, cái này mợ tự làm được, em cứ xuống nhà đi ngủ trước đi, đi đi.

– Dạ, vậy em xuống nhà nha mợ, có gì thì mợ kêu em nha.

– Ừ mợ biết rồi, đi đi, ngủ sớm đi.

Bé Thà đi xuống dưới, tôi trong phòng lại tiếp tục phân loại sách rồi sắp xếp chúng lên kệ cho ngăn nắp cẩn thận. Lúc Chính Quân về cũng vừa hay tôi mới sắp xếp xong, thấy tôi đứng nhìn tủ sách cười thích thú, anh ta liền đi tới nhìn rồi cất giọng nhàn nhạt hỏi:

– Cái gì vậy? Sách ở đâu mà cô chất đầy lên tủ của tôi vậy?

Tôi cười khoái chí:

– Sách của tôi, tôi vừa mới mua. Chẳng phải anh kêu tôi có thời gian rảnh thì đọc sách à?

Chính Quân nhìn tôi kiểu ngạc nhiên rồi anh ta đi lại tủ sách, nhìn thật kỹ một vòng, sau đó quay lại nhìn tôi, khoé môi giật giật:

– Sách? Cô gọi đây là sách à?

Tôi gật đầu:

– Dĩ nhiên, anh nhìn không thấy à?

Chính Quân cười khinh:

– Toàn là truyện ma, truyện kinh dị, truyện tâm linh đủ các thể loại mà cô bảo là sách? Tôi nói một đằng mà cô toàn làm một nẻo, bộ cô nghĩ đọc sách là không nằm mơ thấy bị ma dí chạy à?

Có hơi mất hứng, tôi bỉu môi, nói:

– Thì kệ tôi đi, ma dí cũng là dí tôi chứ có dí anh đâu. Cùng lắm thì tối tôi nằm mơ thấy đang đọc sách bị ma dí chạy thôi chứ có gì mà ghê gớm. Nó cũng không có dí anh được, anh đừng sỉ vả tôi như thế chứ.

Anh ta lắc đầu nhìn tôi rồi buông ra một câu đầy bất lực:

– Tùy cô, đến lúc bị ma dí thì ôm cái tủ sách mà chạy chứ đừng có ôm tôi.

Tôi “xì” một tiếng về phía anh ta, kệ, người nhát gan như anh ta thì biết gì về thế giới huyền ảo mà nói chứ. Nhát gan!

Ờ mà nhắc đến chuyện này, tôi chợt nhớ đến bà lão buổi sáng tôi vừa gặp, sẵn dịp có Chính Quân ở đây, tôi hỏi anh ta mới được.

– Chính Quân này, có chuyện này tôi muốn hỏi anh.

Chính Quân vừa cởi cúc áo sơ mi, vừa trả lời:

– Nói đi, chuyện gì?

Tôi đi tới gần anh ta, khẽ hỏi:

– Anh có biết bà lão ở khu nhà từ đường… là ai không?

Anh ta quay lại nhìn tôi, mày chau lại:

– Bà lão ở khu từ đường?

Tôi gật gật:

– Phải rồi, khi sáng này tôi có gặp một bà lão ở từ đường, thấy lạ nên muốn hỏi anh.

– Có phải bà lão tóc rối không?

– Tóc rối… phải phải rồi… là bà ấy.

Chính Quân uống một hơi nước lọc rồi mới nhàn nhạt trả lời:

– Hình như là người quen của ông nội, tôi cũng không rõ lắm. Nhưng nếu có gặp bà ấy thì chào hỏi một tiếng, dù sao cũng là bậc trưởng bối.

Tôi gật gù tỏ vẻ đã hiểu, khi sáng nghe Má Lớn cảnh cáo Má Nhỏ, giờ lại nghe Chính Quân nói vậy, vậy thì sau này gặp lại bà lão ấy tôi phải chào hỏi đàng hoàng mới được.

………………….

Còn gần tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, nhà chồng tôi có vẻ đã chuẩn bị sẵn sàng cho dịp Tết năm nay. Chuyện xin về nhà mẹ đêm giao thừa, tôi không biết có xin được không nữa, chuyện này tôi vẫn chưa nói với Chính Quân, không biết ý của anh ta thế nào.

Chuyện chi tiêu trong nhà trước giờ đều do bác Thuận quản gia quản lý, đứng trên bác Thuận chính là Ông Nội chồng tôi. Má Lớn có nhiệm vụ sắp xếp vòng ngoài, Má Nhỏ thì lo vòng trong. Vòng ngoài bao gồm các việc như lễ nghi giỗ quải đám tiệc, giao tiếp hai bên nội ngoại, thông gia sui gia các thứ. Còn vòng trong bao gồm các mảng ăn uống sinh hoạt trong gia đình. Ông nội đến bây giờ vẫn chưa chịu giao quyền quản lý chi tiêu lại cho ai cả, trước kia lúc Bà Nội chồng còn sống thì Bà quản lý, kể từ lúc Bà mất đến giờ, Ông Nội vẫn chưa có ý định để lại quyền cầm trịch đó cho một trong hai cô con dâu lớn. Tôi nghe vυ' Lệ nói, chỉ cần nắm quyền quản lý chi tiêu trong tay thì coi như có được toàn bộ quyền quản lý của nhà họ Dương, giống như là chủ mẫu đứng đầu một gia tộc, ai ai cũng phải nghe theo. Ái chà, nếu mà đúng như vậy thì xem ra, hai vị lớn kia còn phải đấu nhau dài dài đây.

Tôi với Châu Nhi mùa này cũng bận tối mặt tối mũi, một người thì phụ lên danh sách quà biếu tết cho họ hàng, đối tác, một người lại phụ giúp xông xáo trang hoàng chuẩn bị cho mùa Tết sắp đến. Mà xui một cái là tôi lại theo chân Má Nhỏ, còn Châu Nhi lại phụ giúp cho Má Lớn.

Đi từ sáng đến trưa mới về đến nhà, Má Nhỏ thấy mặt mũi tôi bơ phờ, bà coi như cũng có chút thương xót mà quan tâm đến:

– Con lên phòng nghỉ ngơi một chút đi, đầu giờ chiều rồi xuống theo Má đi chọn bánh mức để gói tặng. Còn vài ngày nữa, chuẩn bị không kịp là Ông Nội trách, cố một chút.

Tôi gật đầu, dù mệt cũng mỉm cười trả lời:

– Dạ, Má cũng đi nghỉ ngơi chút đi, lát con xuống con kêu Má dạy.

Má Nhỏ nhìn tôi, giống như là hài lòng:

– Cũng được, Má vào nghỉ ngơi đây.

– Dạ.

Đợi Má nhỏ đi rồi, tôi mới lết cái thân xác mỏi nhừ đi lên phòng, vừa ngã ra giường đã ngủ đến quên trời quên đất. May là trước khi ngủ có dặn bé Thà đúng giờ thì gọi tôi dậy, không thì lại trễ hẹn với Má Nhỏ.

Hơn một tuần sau, mọi chuyện coi như được chuẩn bị gần hoàn tất, giờ chỉ cần để cho người làm trong nhà hoàn thành nốt phần cuối nữa là được. Đúng là mệt thật ấy, nhà bình thường đón tết đã mệt, nhà giàu đón tết còn mệt hơn.

……………………………

Trưa hôm nay nhà bếp có làm món khô đù một nắng chiên giòn siêu ngon, khô này là Mẹ tôi gửi từ dưới quê lên cho tôi. Bà sợ gửi ít thì ngại nên để có nhiều khô với mắm bà mới gửi lên cả thảy. Từ lúc gả về đây đến giờ, tôi ăn toàn các món vừa lạ vừa ngon, lại vừa sang trọng nữa, ban đầu thì thích thú nhưng sau lại nhớ tha thiết cái vị khô vị mắm quê nhà. Bữa nay biết có món mẹ gửi lên nên tôi cứ trông đến trưa để ăn cơm, trông còn hơn trông mẹ đi chợ về. Đến giờ cơm, tôi hí hửng xuống sớm, cu Gin thấy có con cá lạ lạ trên bàn, cu cậu một hai bắt A Mỹ róc thịt cá khô ra cho cậu ăn cơm. Nhìn thấy cu Gin ăn ngon lành, tôi tự nhiên thích chí cười đến không khép được miệng. Con không phải tôi sinh nhưng so ra sở thích cũng giống tôi lắm chứ bộ.

Má Lớn nhìn thấy có cá khô trên bàn, bà vui miệng nói:

– Chà, nay nhà bếp có món lạ hả thím Điệp?

Thím Điệp nhìn nhìn tôi, bà ấy nói:

– Cá khô này là của người nhà mợ Hai ở dưới quê gửi lên đó Bà, khô ngon lắm.

Má Lớn gật gù:

– Vậy à, vậy đem tới cho tôi một con đi, bữa nay vì cá khô của An Lâm mà phá lệ một bữa vậy.

Anh Cả nhìn cu Gin, thích thú cười nói:

– Em xem cu Gin kìa, nhìn thằng bé ăn trông ngon ghê chưa?

– Đã hai chén cơm rồi đó anh Cả.

Anh Cả cười hiền hậu nhìn thằng bé:

– Nó chịu ăn là được, phải ăn nhiều cơm mới chắc thịt khỏe mạnh. Mà từ bữa giao cu Gin cho em, anh thấy thằng bé khỏe mạnh, hoạt bát hơn trước rất nhiều.

Tôi gật gật cười tủm tỉm rồi lại nhìn về phía cu Gin, tầm này chỉ thích có người khen tôi nuôi cu Gin khéo thôi chứ chả mong gì hơn. Mà cũng không phải tôi muốn lấy lòng ai hết, chỉ đơn giản là tôi thấy vui khi cu Gin khỏe mạnh thôi. Chắc kiếp trước tôi mắc nợ gì cu cậu nên kiếp này mới có thể yêu thương cu cậu như con như cháu ruột thịt của mình. Hy vọng thời gian cu Gin ở bên cạnh tôi, cu cậu sẽ được sống những tháng ngày hạnh phúc nhất, bù đắp được những mất mác khi không có mẹ bên cạnh. Từ tận đáy lòng của tôi, tôi thật sự rất quý thằng bé… rất quý!

– Gin no rồi cô Mỹ, cho Gin uống nước đi.

– Ăn thêm chút nữa đi con.

– Thôi, Gin no rồi mà.

Thấy thằng bé không chịu ăn nữa, tôi mới nói với A Mỹ:

– Đừng ép con ăn nữa cô Mỹ ơi, lát nữa cho con uống thêm sữa là được mà.

A Mỹ quay sang nói với tôi:

– Trong chén chỉ còn có vài muỗng thôi mợ, cứ để em đút cho cậu chủ ăn hết. Cậu hay có cái tật ăn gần hết là bỏ thừa, thói quen như vậy không tốt đâu.

– Tôi sợ là thằng bé no rồi, nãy giờ đã ăn đến chén thứ hai.

A Mỹ vẫn kiên quyết:

– Chưa no đâu, mợ cứ để em, em biết ý của cậu chủ mà.

Thấy A Mỹ kiên quyết như vậy, tôi cũng không nói thêm nữa, để cho cô ấy ép cu Gin ăn thêm vài muỗng nữa cho hết chén cơm. Tôi dù sao cũng mới tiếp xúc với thằng bé nên có nhiều thứ có thể tôi không bằng A Mỹ và vυ' Lệ được. Trong chuyện nuôi trẻ, tôi vẫn là tay gà mờ chưa có kinh nghiệm gì, không thể bằng bảo mẫu và vυ' nuôi bỏ tiền để mời về.

Má Lớn nói với tôi:

– Con cứ để A Mỹ chăm cho cu Gin, cô ấy chăm cho thằng bé cũng tốt lắm, con yên tâm đi.

– Dạ.

Má Nhỏ, chú Ba Vũ với Châu Nhi lúc này mới đi xuống, thấy mọi người đang chờ, chú Ba liền lên tiếng:

– Xin lỗi mọi người, mời mọi người dùng cơm. Má Lớn, anh Cả, chị Hai… mọi người dùng cơm đi.

Chờ nãy giờ cũng đến giây phút được ăn, tôi hí hửng gắp miếng cá khô cho vào dĩa riêng, còn chưa kịp bỏ vào miệng nhai đã nghe giọng khó chịu của Châu Nhi cất lên:

– Sao bữa nay nhà bếp nấu món lạ vậy, cá khô… hôi như vầy sao mà ăn được.

Tôi nhìn biểu cảm bực mình kèm gương mặt nhăn nhó của Châu Nhi, bất giác tôi lại ngửi ngửi miếng cá khô trong chén của mình. Hôi… sao tôi có ngửi thấy mùi gì đâu?

Khẽ cười, tôi nói:

– Đâu có hôi đâu thím Ba, nó cũng giống cá chiên vậy mà.

Châu Nhi lại càm ràm:

– Không có đâu chị Hai, cái thứ này nó hôi muốn chết đi được, nhà bếp bữa nay bị thần kinh hay sao mà làm món này vậy?

Tôi có hơi chột dạ trước câu nói của Châu Nhi, đang định lên tiếng giải thích thì Má Nhỏ cũng cau có cất giọng:

– Ăn riết rồi cho ăn cá khô, bộ muốn biến nhà mình thành người nhà quê hết hay sao vậy? Thím Điệp, kêu đầu bếp lên đây đi cho tôi.

Thím Điệp bị quát, bà ấy khó xử nhìn về phía tôi, tôi thì hơi ngại ngùng nhưng cũng không muốn để người khác phải khó xử. Đang định lên tiếng để giải thích rõ ràng thì chú Ba Vũ bên cạnh lại gắp miếng cá khô lên rồi cho vào miệng ăn ngon lành, vừa ăn chú ấy vừa gật gù khen:

– Ngon, khô ngon mà.

Châu Nhi cau mày nhìn chú ấy:

– Ngon hả, bộ anh không ngửi thấy mùi gì hay sao?

Chú Ba lắc đầu, lại gắp thêm vài miếng nữa:

– Anh thấy ngon, em cũng ăn thử đi, ngon lắm.

Châu Nhi mặt mũi càng lúc càng méo mó, đến cả Má Nhỏ cũng không tin được mà nhìn con trai mình, hỏi:

– Chính Vũ, con cũng thích cá khô à, đó giờ mẹ có thấy con ăn khô bao giờ đâu?

Chú Ba cười nhẹ:

– Con không ăn chứ không phải là không thích, lâu lâu đổi món đồng quê ăn cũng được mà Mẹ. Mẹ với em không thích thì ăn món khác, trên bàn cũng còn nhiều món mà.

Châu Nhi vẫn cố õng ẹo:

– Nhưng mà em…

Chú Ba Vũ nhìn cô ấy, vì khuất tầm nhìn nên tôi cũng không biết chú ấy có khó chịu với Châu Nhi hay không. Chỉ là sau đó, tôi không còn nghe Châu Nhi phàn nàn nữa, cả Má Nhỏ cũng không nói thêm gì.

Vài giây sau, chú Ba Vũ lại quay sang nhìn tôi, chú ấy cười nói:

– Chị Hai, chị ăn cơm đi, khô rất ngon đó.

Lại quay sang anh Cả và Má Lớn, chú ấy cất giọng mời:

– Mọi người ăn đi, ăn đi.

Anh Cả cũng lên tiếng phụ họa, bữa cơm trưa diễn ra trong trạng thái có hơi… trầm mặc một chút. Thấy Châu Nhi rũ mặt, tôi tự nhiên không biết nên làm sao. Chuyện người thích ăn cái này, người thích ăn cái khác là chuyện hết sức bình thường, tôi thật không muốn vì tôi mà vợ chồng chú Ba lại lục đυ.c không vui.

Bữa cơm vốn dĩ trầm mặc lại vì chuyện A Mỹ ép cu Gin ăn đến nôn hết ra lại khiến mọi người khó chịu hơn nữa. Tôi đứng dậy, đi đến chỗ cu Gin, thằng bé thấy tôi liền nép sát vào sau lưng tôi, mắt ứa lệ, giọng nghẹn ngào như khóc:

– Mẹ… Gin không muốn ăn nữa… Gin đã nói là Gin no rồi mà.

Tôi ngồi xuống trước mặt thằng bé, tôi cất giọng an ủi:

– Không sao đâu… không ăn nữa thì không ăn nữa. Con nôn hết ra người rồi, giờ theo vυ' Lệ đi tắm rửa cho sạch sẽ nha.

Cu Gin níu lấy tay tôi, cu cậu oà khóc:

– Nhưng con nôn ra… mẹ đừng có đánh con… con đau lắm.

Nhìn thằng bé khóc mà tôi thấy xót, tôi dỗ dành:

– Không, không đánh, sao mẹ lại đánh con. Nôn thì cũng nôn rồi mà nhưng sau này cố gắng đừng nôn như vậy nữa, sẽ đau bụng đó, con biết chưa?

Cu Gin gật gật, tay quệt nước mắt trên mặt. Dỗ dành cu cậu xong, tôi giao cu Gin lại cho vυ' Lệ đưa thằng bé lên phòng tắm rửa thay quần áo khác. Cu Gin được vυ' Lệ dắt lên phòng mà vẫn còn ấm ức thút thít mãi thôi, thấy mà thương. Đợi cu Gin lên phòng, tôi mới quay sang A Mỹ đang lau dọn cơm dưới đất, tôi có chút không vui, nói:

– Nãy tôi đã nói với cô là đừng cho cậu chủ ăn nữa, cứ ép ăn như vậy cũng đâu phải tốt đâu. Cu Gin đã ăn đến chén thứ hai rồi mà, cô phải để ý một chút chứ.

A Mỹ cắn môi, mặt sụ xuống:

– Bình thường cậu chủ cũng vậy, em ép cậu vẫn ăn, bữa nay chắc làm nũng với mợ…

Tôi lắc đầu không đồng ý:

– Tôi thì lại nghĩ là thằng bé no rồi, nếu như nó chỉ ăn có một chén thì cô ép được, đây đã là chén thứ hai.

A Mỹ cãi không được lại bán sang chuyện cá khô:

– Nếu vậy… chắc tại vì ăn cá khô… cá khô tanh rất khó tiêu hóa.

Tôi nhìn A Mỹ, cô ấy càng nói càng nghe không lọt được tai. Tôi có hơi bực dọc, lớn tiếng nói:

– Là vì cô cho thằng bé ăn quá nhiều chứ không liên quan gì đến chuyện ăn cá khô cả.

A Mỹ ngước mắt lên nhìn tôi, cô ấy phản bác lại:

– Mợ đang trách em sao, em cũng vì muốn tốt cho cậu chủ thôi mà?

Tôi nhìn cô ấy, càng lúc càng bất mãn với thái độ không có trách nhiệm như vậy:

– Tôi không trách cô, tôi là đang muốn góp ý. Cô là bảo mẫu của cu Gin, cô cũng nên tiếp nhận những ý kiến tốt để giúp thằng bé tốt lên chứ? Chẳng lẽ đến góp ý mà tôi cũng không được nói?

A Mỹ nhăn mặt, trực tiếp đối đầu với tôi:

– Em chăm sóc cho cậu chủ trước mợ, em biết rõ thói quen, sở thích, tính cách của cậu ấy rõ hơn mợ. Mợ góp ý thì em nghe chứ mợ bắt em phải nghe theo mợ… em nghĩ là hơi khó. Em biết cái nào tốt cái nào không tốt cho cậu chủ… trước kia… cậu Hai cũng không xen vào chuyện em nuôi cu Gin như thế nào…

Tôi tròn mắt nhìn cô ấy, càng nghe A Mỹ nói tôi càng thấy cô ấy có vấn đề. Mà không phải là một vấn đề mà là rất nhiều vấn đề là đằng khác. Cái ánh mắt kia, trông chẳng khác gì là ánh mắt ghen tị cả.

Tôi đi tới trước mặt A Mỹ, khẽ cất giọng:

– Vậy tôi hỏi cô, tôi là mẹ của cu Gin hay cô là mẹ của cu Gin? Là tôi bỏ tiền ra thuê cô về hay là cô bỏ tiền ra thuê tôi về?

A Mỹ trợn mắt ra nhìn tôi, cô ấy nói lấp bấp trong kinh hoảng:

– Mợ… mợ coi thường tôi?

– Tôi không coi thường cô nhưng ngược lại, tôi thấy cô đang coi thường tôi thì phải. Tôi không nghĩ là bảo mẫu lại có tất cả các quyền, bao gồm luôn cả quyền… làm mẹ cho chủ nhân của mình. Cô là bảo mẫu của con tôi, cô muốn tôi không được xen vào chuyện cô nuôi con tôi như thế nào… cô nghĩ cô là ai vậy?

Mặt A Mỹ càng lúc càng tái đi, cô ta nhìn tôi chăm chăm, nửa chữ cũng không nói nên lời. Tôi cũng chẳng sợ gì cô ta, tôi lại gằn giọng cảnh cáo:

– Tôi không cần biết trước kia cô nuôi con tôi như thế nào, cậu Hai cho cô quyền hành ra sao nhưng bây giờ, ngay hiện tại bây giờ, tôi muốn cô phải nghe theo tôi. Cu Gin là con trai của tôi, hơn ai hết, tôi chính là người có quyền quyết định cao nhất. Nếu cô muốn cãi lời tôi… được… lên gặp bác Thuận lãnh tiền lương tháng này rồi rời đi đi.

A Mỹ lại một lần nữa xanh mặt, hai má cô ta đỏ ửng, mắt trực trào lệ như sắp khóc đến nơi:

– Mợ… mợ đuổi tôi?

Tôi cười nhạt, trả lời:

– Tôi không đuổi cô, cô nên nghe cho kỹ một chút.

Thấy tình hình căng thẳng quá mức, Má Lớn mới đi tới giảng hoà. Bà ấy nhìn A Mỹ, quát nhẹ:

– Còn không mau đi lên xem cậu chủ thế nào rồi, cô là muốn nghĩ việc luôn hay sao?

A Mỹ vừa khóc vừa lắc đầu:

– Không Bà… con đâu có ý đó.

– Nếu vậy sao không đi đi, đứng ở đây cãi bướng với mợ Hai để làm gì?

Má Nhỏ lúc này cũng lên tiếng khinh thường:

– A Mỹ, tôi thấy cô sai đó, cô nên biết thân biết phận mà im miệng lại đi. Người ta là mẹ, người ta có quyền, cô là cái khá gì mà đòi công bằng ở đây.

Tôi nhìn A Mỹ, thấy cô ta khóc càng lúc càng nhiều, nhìn lại có chút chán ghét. Cô gái này làm sao ấy, lúc nào cũng muốn chống đối với tôi, lúc nào cũng muốn hơn tôi về chuyện chăm sóc cu Gin. Thật, chả hiểu kiểu gì.

Phải bị Má Lớn quát cho một trận A Mỹ mới chịu lên phòng, cả buổi hôm đó, tôi nghe thím Điệp nói cô ta xin nghỉ đến hết ngày. Chỉ là xin nghỉ thôi chứ không nghe cô ta nói sẽ nghỉ luôn. Cái cô A Mỹ này, được việc thì cũng được thật đấy, chỉ có tính tình là kỳ lạ, làm việc luôn thích theo ý mình. Thế mà chẳng hiểu sao, chồng tôi lại muốn để A Mỹ ở lại chăm sóc cho cu Gin, cũng chưa có ý định đổi bảo mẫu khác. Mà mặc kệ tên đó đi, nếu ngày mai cô ta không đến nói chuyện rõ ràng với tôi, tôi cũng không muốn giữ cô ta lại. Tôi là người như thế, luôn yêu cầu đức và tài đi chung một đôi. Người có tài mà không có đức thì cũng vứt, vứt hết.

…………………….

Tối hôm ấy, tôi đợi Chính Quân về để nói chuyện của A Mỹ, ấy thế mà anh ta đi cả đêm không về, gọi điện cũng không nghe máy. Chuyện anh ta đi qua đêm cũng không có gì lạ, tôi cũng không nghĩ nhiều đến, chỉ nghĩ đơn giản là anh ta ở công ty làm việc xuyên đêm mà thôi.

Có điều, sáng hôm sau, tôi lại nhận được một cuộc điện thoại, người gọi cho tôi là dì Gấm, mẹ của chị Như. Trong điện thoại, bà ấy nói… bà ấy vừa gặp chồng tôi đi cùng một cô gái, hiện tại hai người bọn họ đang ngồi ăn với nhau ở sảnh ăn của khách sạn A hạng bốn sao. Trong ảnh của dì gửi đến, chồng tôi đúng là mặc y nguyên bộ đồ đi làm ngày hôm qua chưa thay, mà cô gái trong ảnh cũng quen mắt quen mặt lắm. Vừa hay, cô Trâm đêm qua cũng đi không có về nhà, có vẻ như… chà, vụ này hay rồi đây.

Tắt điện thoại, tôi nói với dì gửi định vị chỗ khách sạn đó cho tôi, sau đó, tôi sang phòng cu Gin, mặc thêm quần áo cho cu cậu rồi khẽ nói:

– Gin, mẹ đưa con đi chơi, con chịu không?

Cu Gin khoái chí cười lớn, cu cậu hí hửng hỏi:

– Đi đâu hả mẹ? Mình đi đâu?

Tôi cười rạng rỡ, nháy mắt đầy vui vẻ, tôi cười nói với cu cậu:

– Mẹ đưa con đi tìm ba Quân, chịu không?

Cu Gin gật đầu lia lịa, cu cậu chạy loạn vì được ra ngoài đi chơi, lại còn được gặp ba của mình. Dắt tay cu Gin ra xe, tôi mở điện thoại ra xem định vị vị trí khách sạn, tay đẩy mắt kính lên cao, môi nở nụ cười châm biếm:

– Chính Quân, lần này anh chết với tôi!

___________________

❌ TƯƠNG TÁC CHO EM NHA CẢ NHÀ ƠI, LIKE + SHARE CHO EM DU NHAAAA.