Chôn Xác Hồi Sinh Quỷ

Chương 1

Hàng trăm năm trước, ở bên xứ tàu có thịnh hai môn phái lớn mạnh về thuật bỏ bùa là phái Lỗ Ban và phái Mao Sơn. Người xưa thì thường nghi kị hai phái này và xếp họ vào trong những loại môn phái tà ma ngoại đạo. Và hiếm khi những người thuộc môn phái này lộ diện ra cõi đời. Thậm chí bẵng đi một thời gian, người ta còn cho rằng hai phái này đã tuyệt tích, chỉ còn là hư danh. Và rằng hai phái kiệt mạch đệ tử, nên đã sớm bị thất truyền.

**

Dẫu vậy, thi thoảng vẫn có tích truyện khác kể lại rằng, đệ tử của hai phái này lẩn khuất trong đời, giấu đi danh tính thực mà thi hành công việc trừ tà. Số đệ tử hai phái cứ ngày một xuất hiện hiếm hoi, sau cùng đến thời Thanh mạt đã không còn rõ nữa.

Phái Lỗ Ban lưu truyền từ Lỗ Ban Tiên Sư, người nước Lỗ thời Xuân Thu. Lỗ Ban giỏi về nghề mộc và chế tạo, sau này khi ông đắc đạo còn truyền lại cho đệ tử những loại bùa phép để trừ tà khắc lên đồ mộc. Phái ấy về sau phát triển càng thịnh, rồi phân ra thành rất nhiều chi nhánh, nhưng tựu chung vẫn gọi là phái Lỗ Ban.

Phái Mao Sơn thì khác biệt, phái này do ông Đào Hoằng Cảnh, sáng lập ra tại vùng Mao Sơn. Phái này cũng tập trung vào bùa chú, nhưng lại thiên về việc dẫn thi hồi hương, hay còn có thể hiểu theo một cách khác, là phái Mao Sơn thịnh một việc là biến người chết thành cương thi rồi dán bùa chú của mình, cho nó tự đi về quê hương để chôn cất. Thời nhà Thanh, phái này cũng rất thịnh với việc vận chuyển xác, bởi theo cách như vậy vẫn rất thuận lợi.

Thế nhưng suy cho cùng, cả hai phái này về đến thời hiện đại, đã dần vắng bóng và không còn rõ lai lịch. Những lời đồn đại vẫn cứ thế tiếp diễn, những cuộc truy tìm những truyền nhân thực sự của hai môn phái này nổ ra trên khắp các quốc gia châu Á. Họ tìm kiếm những truyền nhân của hai phái này, đều có những mục đích riêng của mình. Một là để trấn yểm ma quỷ, khiến cho dòng họ hưng vượng. Hai là muốn mượn tay những người như thế để triệt hạ kẻ đối địch.

Những truyền nhân chân chính của hai phái thì không bao giờ dính vào ác nghiệp. Suy cho cùng, nếu có chăng thì cũng chỉ là những con cá lọt lưới, mười kẻ biết nghề thì cũng chỉ có một hai kẻ là vì sức cám dỗ của đồng tiền mà bán rẻ tư cách. Ấy thế nhưng những truyền nhân thật sự của hai phái cho dù có là thiện hay ác thì cũng rất khó tìm. Mà lại nổi lên những kẻ bịp bợm lừa lọc, học được chút da lông của hai phái, vỗ ngực tự xưng mình là truyền nhân chân chính để đi lường gạt, kiếm trác bỏ túi, tư lợi cá nhân.

Ở vùng Tà Xùa huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La, có một tích truyện kể lại rằng. Hằng trăm năm trước có ông thầy pháp người tàu qua định cư ở núi này, tự xưng là có thuật pháp cao minh của phái Mao Sơn, cả của Lỗ Ban lưỡng đạo, có thể hồi thi sống lại rồi đem đi chôn cất ở nơi phù hợp với nghiệp căn của người. Không chỉ giỏi về pháp thuật bỏ bùa, phép hồi thi, mà ông ta còn rất giỏi phong thủy.

Dưới vực Tà Xùa có một cây liễu nhỏ, người ta kể rằng sau khi ông thầy pháp đó chết đi, đã được chôn cất tại gốc cây liễu ấy. Sau cùng thì vì tử khí cái xác của ông ta quá nặng, mà hóa thành cương thi. Rồi xác của ông ta tự động di chuyển được mà chạy về hướng bắc. Người ta cho rằng ông ta khi chết đã tự hạ bùa lên thân mình, cho cái xác sau khi chết có thể tự động hồi hương. Còn cây Liễu nhỏ nơi trên mộ phần của ông ta, cũng được cho rằng đã hóa thành yêu tinh. Rồi sau này cây liễu ấy cũng biến mất, có thể là vì nó đã hóa thành tinh rồi tự bỏ đi, hay có thể là vì bị người ta chặt bỏ.

Kể đến đây, bà cụ chép giọng ngừng bặt. Đứa cháu gái nhỏ vẫn đang chăm chú lắng nghe, mà nuốt từng miếng nước bọt hồi hộp. Nó chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy bà cụ trả lời. Nó đành cất tiếng hỏi:

- Câu chuyện có vậy thôi hả bà? Rồi cái cây liễu ấy đi đâu, nó còn sống hay đã chết? Cái vực Tà Xùa gần nhà mình có cái cây ấy thật ư?

Bà cụ gật đầu, xoa đầu đứa cháu gái nhỏ rồi âu yếm nói:

- Hồi bà bằng tuổi cháu, cũng có một lần xuống vực Tà Xùa. Và cũng được chiêm ngưỡng qua cái cây ấy, nhưng hồi ấy bà cũng chỉ dám đứng ở trên vách đá, cách xa lắm để nhìn xuống, chứ không dám lại gần. Lâu dần, sau này có một vài lần bà quay lại nơi đó, nhưng cái cây liễu ấy cũng đã biến mất mất rồi cháu à.

Đứa cháu gái chép miệng tỏ vẻ tiếc nuối, nó quay lưng đứng dậy. Rồi đi về phía gian phòng cuối nhà, chui tọt vào bên trong, mà chẳng thấy quay ra nữa.

Bà cụ tươi cười, tay bà liên tục nhanh thoăn thoắt. Bà đút củi vào mồi lửa dưới đáy nồi nhôm đen kịt, để lửa có đủ củi mà cháy thật bén.

Sau lưng bà cụ, có một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, đang xoa tay, mắt nhìn vào mồi lửa cháy bén mà nghĩ ngợi hồi lâu. Người đàn ông ấy là ông Khanh con trai cả của bà cụ.

Ông Khanh có vẻ rất có hứng thú với câu chuyện mà bà cụ vừa kể. Ông suy đi tính lại, lòng tham nổi lên vì có ý niệm muốn lấy được gỗ của cây liễu cổ. Ông cố gằn lòng lắm, nhưng vẫn không nhịn được mà bấm bụng liều hỏi bà cụ:

- Vậy cái chuyện cây liễu ở dưới vực Tà Xùa là có thật hả mẹ?

Bà cụ ngừng dụi củi, chợt quay sang nhìn ông Khánh rồi thản nhiên nói:

- Thật chứ sao không? Ngày xưa chính bố mày còn ngồi ở cái gốc cây ấy, cái cây liễu ấy nhiều tuổi rồi nên to lắm. Liễu rủ xuống xanh um, hiếm có được cây liễu nào mà sống lâu được như nó...

Ông Khanh run run giọng, nói ngắt quãng:

- Lớn cỡ nào hả mẹ... có cỡ khoảng hai, ba người ôm không?

Bà cụ xua tay nói với vẻ rất nghiêm trọng:

- Ba người ôm là thế nào, cỡ nó thì phải bảy tám người ôm cũng chẳng xuể. To như cây đa dưới quê ấy!

Ông Khanh nuốt nước bọt hỏi:

- Liễu mà cũng có thể to như thế hả mẹ?

Bà cụ gật đầu chắc nịch nói:

- Chứ sao không, nó đã là cây liễu thành tinh rồi! Lớn như thế chứ lớn nữa có ăn nhằm gì. Nó sống dai là nhờ có cái xác của ông thầy phép chôn ở đấy, nên được hưởng ké cái phúc âm. Chứ bằng không thì chẳng bị sét đánh mấy lần chết ngẻo rồi...

Ông Khanh nghĩ ngợi gì một chốc, đôi mắt chợt như lóe sáng, rồi vội quay đầu sang nói với bà cụ:

- Đêm nay con không ăn cơm ở nhà, con qua nhà chú út. Mẹ đừng nấu cơm con...

Nói xong, ông Khanh vội vàng đứng phắt dậy quay đầu đi thẳng.

Bà cụ toan gật đầu, nhưng chợt bà lại nghĩ ngợi đến điều gì đó, thì liền hoảng sợ, kêu toáng lên gọi ông Khanh:

- Này, chúng mày chớ có tơ tưởng gì đến cái cây liễu ấy. Mày mà động vào không què cụt chân tay, thì cũng méo mồm đấy con ạ, cái cây ấy... nó có ma...

Nhưng tiếng bà cụ vang đều, mà chẳng có âm thanh nào đáp lại. Hẳn là ông Khanh đi vội quá nên không kịp nghe thấy tiếng bà cụ. Bà cụ thở dài, chân tay bà yếu chẳng thể đi lại nhiều, chỉ mong ông Khanh đừng có cái ý định dại dột ấy, thì may sao mọi chuyện còn êm xuôi, chứ bằng không thì...

Bà nghĩ, rủi chăng mà ông Khanh thật có cái chủ ý ấy, thì không chỉ ông tận số kiếp, mà còn liên lụy đến vận số của cả nhà bà cụ, ngay cả đứa cháu gái đang ngủ trong buồng kia cũng không thoát được cái kiếp nạn ấy, đều phải chết bởi lời nguyền bùa ngải của ông thầy pháp người tàu.

...

Ông Dương lụi cụi đóng cây đinh sắt cột thật chắc cái chân giường đang bị lung lay, trực sắp kéo cả cái giường đổ sập xuống. Chợt ông nghe thấy có tiếng âm thanh vang lên ồm ồm từ ngoài sân vọng vào:

- Dương, có nhà không, anh Khanh đây!

Ông Dương ngoái đầu nhìn ra ngoài, chợt ném cái búa xuống nền đất, rồi phủi tay đứng thẳng dậy, đi ra chỗ bàn uống nước, xoa tay vô cái giẻ lau qua một lượt. Lại lấy một ấm trà với cái phích nước nóng ra, pha một ấm trà, vừa làm những thao tác ấy, ông Dương vừa nói:

- Dạ có ạ, anh vào đi, em cũng vừa mới về nhà xong thôi!