Nam Thành Có Mưa

Chương 4

Mốc dịch

Quay trở lại xe, dường như tâm trạng của Tống Uyển đã tốt hơn, không làm khó anh thêm, nói địa chỉ ở phố Phù Dung sau đó cầm điện thoại hờ hững gửi tin nhắn cho người khác.

Xe vào trong thành phố, lúc này điện thoại của Diệp Gia Thụ nhận được một cuộc gọi. Anh liếc mắt không nhận, thẳng tay tắt máy. Điện thoại lại kêu lên lần nữa, Tống Uyển ngồi phía sau nói: “Nghe máy đi, không trừ lương anh đâu.”

Diệp Gia Thụ khựng lại, ngón tay ấn nút màu xanh lá cây trên màn hình. Là cuộc điện thoại của bác trai thu mua phế liệu trong khu nhà, hỏi anh có ở nhà hay không, nếu có thì chuyển những đồ không dùng đến xuống. Bác trai đã tìm anh mấy lần, nhưng lần nào anh cũng không ở nhà làm bác mất công đến, ít nhiều Diệp Gia Thụ cũng cảm thấy ái ngại.

“Một tiếng nữa bác qua được không ạ? Bây giờ cháu không ở nhà...” Diệp Gia Thụ nói mấy câu xin lỗi rồi cúp điện thoại.

Tống Uyển ngước mắt khỏi màn hình di động, liếc anh: “Anh sống ở đâu?”

“Phố Thanh Thủy.”

Tống Uyển ngập ngừng, “Anh sống ở phố Thanh Thủy à?”

Diệp Gia Thụ cân nhắc câu chữ cô thốt ra có hàm ý gì, cảm thấy anh không hợp sống ở phố Thanh Thủy, hay cô có vướng mắc gì không tiện nói ra với nơi ấy?

Trong im lặng, Tống Uyển nói thêm câu nữa: “Phố Thanh Thủy cách đây hai cây số nhỉ, anh đi làm chuyện của mình trước rồi đưa tôi về cũng được.”

“Nhưng sẽ làm lỡ thời gian của cô.”

Tống Uyển nhìn anh, “Tôi nói sẽ lỡ à?”

Diệp Gia Thụ không nói gì, lấy điện thoại ra gọi lại cho bác trai, bảo ông ấy đợi một lát, năm phút nữa anh sẽ về.

Phố Thanh Thủy là minh chứng rõ ràng nhất của chuyển giao thời đại, trước đây là khu bất động sản có giá nhất Nam Thành, sau đó thành phố quy hoạch lại, nơi này xuống cấp chỉ trong một thời gian ngắn, hiện giờ người sống ở đây, hoặc là không có nơi ở cố định như Diệp Gia Thụ, hoặc là những nhà thơ thủ cựu suốt ngày than vắn thở dài, hoặc là những đôi vợ chồng một túp lều tranh hai trái tim vàng vào thành phố mưu sinh...

Một con phố cũ kĩ, ven đường xe đạp xếp dày đặc, Diệp Gia Thụ không lái chiếc Porsche này vào được đành phải xuống xe ở đầu đường.

Anh bảo Tống Uyển ngồi trên xe đợi mình một lát, cô đồng ý, anh để lại chìa khóa xe trên xe, xuống xe chạy đến chỗ mình ở.

Bác trai đã đợi sẵn dưới sân, ngồi trên đòn gánh bìa các tông hút thuốc. Diệp Gia Thụ lên tiếng chào hỏi, ông khiêng đòn gánh theo anh lên tầng.

Hai người giúp đỡ nhau, lên lên xuống xuống ba chuyến thì chuyển xong đống đồ gia dụng cũ trong nhà.

Bác trai móc một cuộn tiền trong túi áo ra, ngón tay cái chấm một ít nước miếng rồi bắt đầu đếm, “... Đống đồ này của cậu nát quá rồi, tôi thu mua cũng không bán được bao nhiêu tiền! Thôi thì đưa cậu năm mươi đồng, cậu thấy được không?”

“Đồ để ở chỗ cháu cũng mất công, chú đến giúp cháu dọn đi là giúp cháu rất nhiều rồi, gánh đi cũng tốn công, tiền cháu không cần đâu ạ.”

“Ôi dào, vậy chẳng phải ăn không của cậu sao.”

“Không sao, chú cứ lấy đồ đi.” Diệp Gia Thụ đẩy tay của bác trai về.

Bác trai mừng rỡ, “Vậy được, sau này đến quán bà xã tôi ăn bánh trứng nhé, không lấy tiền của cậu.”

Diệp Gia Thụ cười nói: “Vâng.”

Anh giúp bác trai vác đống đồ gia dụng lên xe ba bánh, đứng đằng sau ra sức đẩy, bánh trước quẹo một cái, đi về phía con ngõ sâu hun hút.

Diệp Gia Thụ phủi bụi trên người mình, xoay người đi, bước chân lập tức khựng lại... Tống Uyển không biết đã xuống xe từ lúc nào, đang đi vào trong ngõ.

“Cô Tống về xe đi, nơi này hỗn loạn lắm.”

Tầm mắt Tống Uyển lướt qua vai anh, cô cười cười: “Con người anh rất thích nói lời hay làm việc tốt (1) nhỉ?”

Diệp Gia Thụ đương nhiên hiểu ý tứ cười nhạo trong ấy nên không trả lời lại.

Ánh mắt Tống Uyển dừng lại, nhìn chằm chằm vào một kiến trúc cũ ba tầng nằm sâu trong con phố, cô hất cằm ra hiệu cho anh nhìn: “... Hiện giờ ai đang sống ở đấy?”

“Nhiều hộ gia đình, tôi chưa bao giờ chào hỏi họ nên không quen biết lắm...” Anh lại nhìn cô, “Cô Tống quen người sống ở đây ư?”

Cô lắc đầu, cách một màn đêm, ánh mắt cô hiện lên nét dịu dàng làm người ta hoài nghi có phải ảo giác hay không.

Rất lâu sau cô dời ánh mắt đi, đút hai tay vào túi áo khoác mỏng, hơi rụt cổ lại quay người đi: “Đi thôi.”

Diệp Gia Thụ không nhanh không chậm đi theo cô.

Lái xe cho Tống Uyển được một thời gian, những việc cô làm trong cuộc sống hàng ngày có thể đếm được trên đầu ngón tay: làm tóc, thẩm mĩ làm đẹp, đi ngắm quần áo mới, uống trà với bạn bè, chơi bài ở nhà, hoặc đi cùng với Đường Kiển Khiêm. Dù đi đâu thái độ vẫn luôn chán nản uể oải, làm bộ làm tịch, không khác gì những bà vợ bé xinh đẹp lẳиɠ ɭơ trong mấy bộ phim Dân Quốc.

Nhưng giờ phút này sống lưng cô thẳng tắp sải bước ra ngoài, ngay cả mũi chân cũng ghì xuống đất thật mạnh, hình như có một lòng tin nào đó đang mỉa mai cô.

Như chú chim công bị người ta vặt sạch lông mà vẫn dựng thẳng mào ngẩng cao đầu sải thẳng bước về phía trước, tuyệt đối không chịu nhận thua... Diệp Gia Thụ không thể nói rõ ràng rốt cuộc là lòng tin thế nào, nhưng thoáng cảm nhận được một thứ nào đó giống thế.

Trở về xe, Diệp Gia Thụ sờ túi quần mình.

“Đây.” Tống Uyển nói, dang tay ra ném chìa khóa xe cho anh.

Anh bắt được, cô vội thốt một tiếng “này”, Diệp Gia Thụ đưa mắt nhìn, cô nói: “Chuyện tôi đến phố Thanh Thủy, anh đừng nói với Đường Kiển Khiêm.”

Diệp Gia Thụ nói được.

* * * * *

Cái vòng giao tiếp của họ nói nhỏ thì không nhỏ, nhưng nói to cũng không to. Có điều luôn có một số người chỉ chăm chăm soi mói sự riêng tư của người khác, phân tích sự thay đổi của con người sự việc phức tạp rối rắm qua những manh mối nhỏ nhất... Phải nói rằng, dù có lúc không đúng nhưng cũng không xa.

Sau lần cãi nhau ở biệt thự ngoại ô thành phố, hai tháng nay Đường Kiển Khiêm chưa gọi một cuộc điện thoại cho Tống Uyển. Nhiều cuộc gặp mặt cá nhân quan trọng, trước đây ông ta vẫn hay dẫn Tống Uyển đi cùng, còn hiện giờ thay bằng người khác. Cô ấy là sinh viên học viện nghệ thuật, con lai, Hoa kiều quốc tịch Pháp, xinh đẹp trẻ trung, hồi cấp ba đã nổi bật hơn bạn bè cùng trang lứa. Cô gái này đã đi theo Đường Kiển Khiêm nhiều lần, dần dà mọi người đã đánh hơi được một vài tín hiệu ý nhị: cái vị được mệnh danh “Bà chủ Tống” địa vị không bao giờ dao động, lần này có lẽ đã...

Tụ tập cuối tuần, Phó Tiểu Oánh đã nghe thấy tin đồn bèn hỏi Tống Uyển: “Hai người sao vậy? Trước đây chưa thấy cô và giám đốc Đường cãi nhau lâu thế...” Cô ấy khựng lại rồi nói sang chuyện khác: “Thật ra cũng tốt, cô vẫn còn trẻ, bây giờ không hẳn không phải là cơ hội.”

Tống Uyển cười cười không trả lời lại, chỉ hỏi Phó Tiểu Oánh, “Những người như các cô, nếu không còn hứng thú rồi thì sẽ làm thế nào?”

“Còn làm thế nào nữa? Tôi đi đường tôi anh đi đường anh.”

“Đây chính là điểm khác nhau giữa cô và Đường Kiển Khiêm.”

Nói đến đây cũng đã rõ ràng, người thông minh đương nhiên sẽ hiểu.

Tống Uyển luôn nhớ, mấy năm trước Đường Kiển Khiêm say mê sưu tập đồ cổ, mất một đống tiền cùng với thời gian và công sức để tìm mua lại một chiếc bát nhỏ đấu thái (2) thời Minh Tuyên Đức, hàng ngày đều lấy ra để chơi. Sau này có một ngày bỗng nhiên không thấy chiếc bát nhỏ ấy đâu nữa. Nửa năm sau, lúc Tống Uyển xuống tầng hầm tìm dụng cụ câu cá thì nhìn thấy chiếc bát được vứt bừa trong tủ, bên ngoài phủ một lớp bụi dày.

Thích hay không thích, bên trên đã viết tên Đường Kiển Khiêm thì mãi mãi là đồ của ông ta.

Đã vào tháng năm, thời tiết oi bức, không phải mùa xuân cũng chẳng phải mùa hè.

Những ngày nhàn rỗi của Tống Uyển chẳng được bao lâu, Tống Giới lại gây phiền phức lớn cho cô.

Hôm đấy cô đang đọc sách trong căn nhà ở phố Phù Dung thì nhận được cuộc điện thoại từ trợ lý của Tống Giới, nói Tống Giới đang tranh người đẹp với một cậu ấm giàu có ở quán bar, đánh nhau chỉ vì một em gái. Tống Giới và cậu ấm kia thì không sao, nhưng lái xe của cậu ấm chịu đòn thay cho chủ, ăn vài cú đấm bị thương nặng đã đưa tới bệnh viện.

Cậu ấm nhà giàu kia sao chịu để yên, liền gọi người mình đến bao vây phòng việc của viện sáng tạo nghệ thuật Nam Thành do Tống Giới mở, nhất định phải đòi lại công bằng cho bên mình.

Trợ lý tức tối: “Đúng là hổ xuống đồng bằng (3), nếu như là trước đây...”

“Được rồi!” Tống Uyển khó chịu cắt ngang lời anh ta, “Báo cảnh sát chưa?”

“Chuyện này sao báo cảnh sát được? Cô Tống, bây giờ cô mau qua đây hòa giải đi, giám đốc Tống...”

“Nó là giám đốc gì.”

Tống Uyển cúp điện thoại, tức đến nổ phổi.

Phòng làm việc nghệ thuật của Tống Giới cũng được mở dưới danh nghĩa của Đường Kiển Khiêm. Anh ta chỉ núp dưới cái danh nghĩa ấy, công việc của phòng làm việc đều do người của giám đốc xử lý.

Tống Uyển không biết giữa phòng làm việc và Đường Kiển Khiêm có trao đổi lợi ích gì hay không, cũng không muốn tìm hiểu.

Diệp Gia Thụ lái xe đưa Tống Uyển đến viện nghệ thuật.

Xe còn chưa đến gần phòng làm việc tường đỏ ngói đen thì đã nhìn thấy mười mấy người đứng ở cửa, ai cũng cao to hung dữ, che kín cửa lớn đến con kiến cũng không vào được.

Diệp Gia Thụ tìm vị trí trống đỗ xe, Tống Uyển định mở cửa xuống xe thì anh gọi cô lại.

Tống Uyển quay sang: “Sao thế?”

“... Để tôi đi với cô.”

Cô cười nói: “... Lúc này vẫn không quên chức trách của mình à?”

Anh lướt mắt qua cô: “... Người nhiều, sợ xảy ra chuyện.”

“Anh chỉ là lái xe thôi, đi liệu có tác dụng bao nhiêu?”

Diệp Gia Thụ rút chìa khóa xe ra, mở ngăn chứa đồ dưới điều hòa lấy một con dao găm ở bên trong giấu vào ống tay áo, sau đó mở cửa xe, khom lưng chui ra ngoài, giọng trầm xuống: “Chưa chắc.”

Động tác của anh rất nhanh, Tống Uyển suýt nữa đã không nhìn ra cách anh xoay cổ tay giấu dao thế nào. Hoàn hồn lại Diệp Gia Thụ đã xuống xe, sống lưng thẳng tắp đứng dưới ánh mặt trời.

Tống Uyển ngẩn người, lập tức đi theo anh.

Tống Giới đang ngồi ôm đầu hút thuốc trên cầu thang sắt nối với tầng hai, thấy Tống Uyển xuất hiện thì lập tức đứng lên, ném điếu thuốc đi, giơ chân dập tắt tàn thuốc, gọi từ phía xa: “Chị! Chị!”

Đám đông đồng loạt quay đầu lại, mắt Tống Uyển không nhìn bất cứ nơi khác, đi thẳng tới chân cầu thang, ngẩng đầu lên lạnh lùng lên tiếng: “Xuống đây.”

Tống Giới lảo đảo chạy xuống cầu thang bằng khung sắt, một loáng sau nhảy tới trước mắt Tống Uyển.

Cô ngước mắt lên lạnh tanh nhìn anh ta: “Lúc đánh người còn không sợ cơ mà? Bây giờ sợ cái gì mà sợ?”

“Ai nói em sợ, em chỉ...”

Tống Uyển lạnh lùng nói: “Mấy ngày nữa giám đốc Đường sẽ đến phòng làm việc kiểm tra, mày gây ra đống bầy nhầy này, thành tâm thành kính muốn làm ông ta nổi giận hả?”

Cậu ấm nhà giàu nghe thấy Tống Uyển nhắc đến Đường Kiển Khiêm, lúc này hơi do dự. Nếu Tống Uyển chỉ thất thế trong thời gian ngắn, anh ta sẽ kết thù kết oán với nhà họ Đường, cũng tự gây khó dễ cho bản thân mình.

Nhưng lấy lại thể diện thì vẫn phải làm, anh ta bèn nói: “Bà chủ Tống, chú Triệu đã lái xe cho bố tôi mười mấy năm nay, hôm nay lại bị em trai cô bắt nạt, tôi phải đòi lại công bằng cho ông ấy.”

Tống Uyển hờ hững trả lời: “Tôi sẽ phạt Tống Giới đích thân đến bệnh viện xin lỗi đền bù cho chú Triệu, tất cả chi phí chữa trị và bồi thường cũng do chúng tôi chi trả.”

“Còn nữa...”

Tống Uyển biết cậu ấm đó muốn nhắc đến chuyện em gái kia, “Chẳng qua chỉ là phụ nữ mà thôi, quân tử làm đẹp cho người (4).”

Dù tin đồn bị thất thế là thật hay giả thì giữ lại đường lui cho mình mới là hành động thông minh. Câu ấm nọ chấp nhận hòa giải, dẫn đám người hùng hổ kia đi.

Nhưng Tống Giới lại không vui vẻ cho lắm, “Chị, chị còn nói em sợ à, em thấy chị...”

Tống Uyển chẳng buồn để ý đến anh ta mà đi thẳng ra ngoài.

Tống Giới đuổi theo, “Này này, chị nói mấy ngày nữa chú Đường qua đấy có thật không? Hai người làm hòa rồi sao?”

Bước chân của Tống Uyển càng nhanh hơn, không hề muốn đáp lại lời anh ta, anh ta xông lên phía trước mấy bước, thoáng cái bắt lấy cổ tay Tống Uyển: “Chị, em hỏi chị đấy, chị và chú Đường đã làm hòa chưa, nếu chưa thì chị mau đi dỗ chú ấy đi.”

“Đường Kiển Khiêm là bố mày à? Dính hơi ông ta thế, sao không tự mày đi dỗ ông ta đi?!”

Tống Giới cười mỉa, rũ hai vai xuống, trong chốc lát ngừng công kích, “Chị... em không có ý đấy... Đường Kiển Khiêm là người thế nào, chị còn rõ hơn cả em...”

“Mày hiểu khỉ gì!” Tống Uyển giơ túi xách trong tay mình lên đập vào người Tống Giới.

Tống Giới không kịp phòng bị, kết quả lĩnh trọn cú đầu tiên, cú thứ hai vừa giáng xuống, anh ta vội vã trốn ra phía sau, “Chị!! Chị đừng ra tay!”

Lần này trúng vào không trung, hơn nữa dùng sức khá mạnh nên túi xách tuột khỏi tay rơi xuống đất, đồ đạc linh tinh bên trong rơi tung tóe.

Tống Giới định tới nhặt giúp cô thì bị Tống Uyển lườm một cái, đành phải ỉu xìu lùi về.

“Sau này ra ngoài đừng gây sự chuốc thêm phiền phức cho tao nữa, cút xa chút!”

“Chị...”

Tống Uyển chỉ về phía sau: “Cút!”

“Được được, em cút, em cút...” Chân Tống Giới như được bôi dầu, chạy nhanh như khói về phòng làm việc.

Cảm giác hoang đường không chân thực bủa vây lấy Tống Uyển, cô cười một tiếng tự giễu, quỳ chân xuống đất.

Một bóng hình đã quỳ xuống trước cô, nhặt chiếc ví cô làm rơi dưới đất lên, phủi sạch đất cát lấm len trên ấy.

Tống Uyển thoáng do dự, nói một câu cảm ơn, cúi đầu xuống không nói thêm gì, cùng với Diệp Gia Thụ nhặt mấy thứ linh tinh lên, nhét từng cái lại vào túi.

Tống Uyển nói: “... Chuyện hôm nay, anh đừng nói với Đường Kiển Khiêm.”

Hai người họ cùng lúc đưa tay ra nhặt cây son cuối cùng trên mặt đất lên.

Ngón tay chạm vào nhau.

Diệp Gia Thụ lập tức rụt tay về, ngón tay khép lại bên người rồi lại chầm chậm thả lỏng.

“... Được.”

(1) Từ gốc là Ngũ giảng tứ mỹ: ngũ giảng tức nói văn minh, nói lễ phép, nói vệ sinh, nói trật tự, nói đạo đức; tứ mỹ chỉ tâm hồn đẹp, ngôn ngữ đẹp, hành vi đẹp, hoàn cảnh Tđẹp.

(2) Đấu thái: là trân phẩm của công nghệ làm gốm truyền thống Trung Quốc, mở đầu từ thời Tuyên Đức nhà Minh, đến thời Thành Hóa. Đấu thái là lối vẽ nhiều màu sắc lên men.

(3) Hổ xuống đồng bằng: Ý chỉ người bị thất thế.

(4) Một câu nói của Khổng Tử. Nguyên gốc: Quân tử thành nhân chi mỹ, trích từ câu: Quân tử thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác. Tiểu nhân phản thị.

(Tạm dịch: Quân tử làm đẹp cho người, không làm xấu cho người. Kẻ tiểu nhân thì ngược lại.)