Linh Phi Kinh

Quyển 2 - Chương 8-3: Tinh Ẩn Chân Nhân (3)

Nhạc Chi Dương kinh hãi:

- Nói như vậy, cứ qua bảy ngày, đạo trưởng lại bị phác tác một lần hay sao?

- Ừm! - Tịch Ứng Chân thở dài: - Loại chỉ kình này chỉ có mình đảo vương hiểu rõ, đây vốn là cách thức chuyên dùng để trừng trị những tên phản đồ của Đông Đảo, Vân Hư sử dụng lên người ta, ý đồ hết sức rõ ràng: nếu ta không chịu nổi đau đớn khi chỉ kình phác tác sẽ phải khuất phục trước y rồi thay y đi hành thích Chu Nguyên Chương.

- Vậy đạo trưởng đã khuất phục rồi ư? - Nhạc Chi Dương vừa hỏi vừa nghĩ thầm, nếu như khuất phục thì Chu Nguyên Chương đã chết nhăn răng từ lâu, Tịch Ứng Chân cũng đã không bị nhốt ở cái nơi quái quỷ này nữa.

Chỉ nghe Tịch Ứng Chân đáp:

- Ta lên đảo ngót hai năm, mùi vị của Nghịch Dương Chỉ đã hơn trăm lần nếm trải, mỗi lần như vậy Vân Hư đều đến bức ép ta tuân theo lệnh y nhưng ta đều phớt lờ. Nếu y muốn gϊếŧ ta cũng dễ thôi, chỉ cần khoanh tay đứng nhìn, đợi cho khí huyết của ta chảy ngược thì sau cùng cũng chết tốt. Nhưng y tính khí ngang ngạnh, ta càng không khuất phục y lại càng không để ta chết dễ dàng, đến thời điểm nghìn cân treo sợi tóc cuối cùng y luôn ra tay cứu chữa, còn nói: "Để ta xem ngươi chịu đựng đến bao giờ, một năm không được thì hai năm, hai năm không được thì ba năm, cỡ nào ta cũng sẽ bắt ngươi ngoan ngoãn khuất phục, thay ta đi gϊếŧ tên cẩu hoàng đế đó". Ta cũng trả đũa lại: "Hai ba năm bõ bèn gì, sao không đợi qua hai ba chục năm ấy, khi đó Chu Nguyên Chương đã cưỡi rồng lên trời, không cần ta gϊếŧ ông ấy thì ông cũng trả được mối thù". Miệng tuy nói thế nhưng nỗi đau đớn cứ mỗi bảy ngày kéo đến ấy quả thật không dễ chịu chút nào.

Tịch Ứng Chân nói hết sức nhẹ nhàng nhưng Nhạc Chi Dương lại cảm giác sống lưng lạnh toát. Thử tưởng tượng, nỗi đau đớn bảy ngày đến một lần này nếu đổi lại là chính gã, cho dù không khuất phục thì cũng phải phát điên phát cuồng. So ra, trận đòn bằng trượng kia đơn giản là chả thấm vào đâu cả. Nghĩ đến đây, gã chợt nảy sinh một niềm kính trọng dành cho Tịch Ứng Chân, bất kể Chu Nguyên Chương là tốt hay xấu thì nghĩa khí của lão đạo sĩ đều hết sức tuyệt vời.

Đang suy nghĩ, gã chợt nghe Tịch Ứng Chân bảo:

- Nhóc con, đệ tử Đông Đảo đi tuần đêm từ canh hai đến canh ba một lần, canh năm đến bình minh một lần, giờ đã qua canh năm, ngươi muốn về cũng khó đấy.

Nhạc Chi Dương nghĩ thầm chả trách ông ta lại kêu mình "Canh ba đến gặp", bèn vội vã chấp tay tạm biệt, lại hỏi:

- Tịch đạo trưởng, tối mai ta có thể đến nữa không?

Tịch Ứng Chân cười bảo: "Chân cẳng trên người của ngươi, ngươi muốn đến thì ai mà cản được?"

Nhạc Chi Dương mừng rỡ, bấu lấy dây leo trèo lên phía trên, mắt thấy nguyệt hằng sắp khuất dạng nẻo tây, gã vội vã trở về Yêu Nguyệt Phong, ngủ qua loa chốc lát rồi lại trở dậy đi làm việc.

Hôm sau vào giờ nghỉ trưa, Nhạc Chi Dương lấy mặt sắt của cây bừa bẻ ra một đoạn, dùng lửa nung cho đỏ mềm rồi rèn thành một sợi len thép dài mảnh. Ngủ đến canh ba, gã chạy đến hang Tinh Ẩn, lại phía trước cánh cửa đá, rút sợi len thép ra hí hoáy làm gì đó trên lỗ khóa. Tịch Ứng Chân nghe tiếng lách cách, bèn hỏi:

- Ngươi làm gì đó?

Nhạc Chi Dương im re không đáp, loay hoay một hồi, "Tách tách" - ổ khóa theo tiếng bật mở, Tịch Ứng Chân ồ lên bảo:

- Thằng nhóc giỏi, ngươi biết mở khóa à?

Nhạc Chi Dương sống lẫn trong đám ô hợp ven sông Tần Hoài, mấy trò mánh khóe hạ lưu đê tiện chẳng trò nào là không rành, bản lĩnh nhập nha này gã từ một lão thợ khóa già mà học được, sau khi học xong thì đây là lần đầu tiên dùng đến. Vừa nghĩ đến cảnh Tịch Ứng Chân có thể thoát khỏi nơi đây, gã cảm thấy vui mừng khôn xiết, nhưng nhìn mãi mà bên trong cửa đá vẫn tối u u, gã bất giác kêu lên:

- Tịch Đạo Trưởng?

Lão đạo sĩ thở dài, thắp sáng một bát đèn dầu. Nhạc Chi Dương nheo mắt nhìn vào, trong buồng giam là một ông lão râu tóc hoa râm đang ngồi, áo đạo màu xám, dáng hình gầy gò, đôi mắt sáng ngời minh mẫn ẩn bên dưới hàng chân mày mảnh dài khe khẽ rũ xuống.

Nhạc Chi Dương cười:

- Tịch đạo trưởng, sao còn chưa ra?

Tịch Ứng Chân vươn người đứng dậy, mỉm cười không đáp. Nhạc Chi Dương lấy làm lạ:

- Bộ ông không muốn rời Đông Đảo sao?

Tịch Ứng Chân khe khẽ lắc đầu:

- Nhóc con, ta trúng Nghịch Dương Chỉ, rời Đông Đảo cùng lắm chỉ sống được bảy ngày, ở lại đây tốt xấu gì cũng còn một tia hy vọng.

Nhạc Chi Dương nói:

- Đi Trung Thổ chuyến này chỉ mất không quá hai ba ngày đường, lên đến bờ rồi ông có thể đi tìm đại phu chữa trị.

- Đại phu? - Tịch Ứng Chân bật cười chua chát: - Có đại phu nào trên đời giải được Nghịch Dương Chỉ đâu!

- Ngón chỉ lực này thật sự vô phương cứu chữa sao? - Nhạc Chi Dương thầm cảm thấy tuyệt vọng.

- Không hẳn là không có cách. - Tịch Ứng Chân xòe lên hai ngón tay: - Trên đời này trừ Vân Hư ra, vẫn còn một người có thể phá giải được.

- Ai vậy? - Nhạc Chi Dương vội hỏi.

- Nói cũng vô ích thôi! - Tích Ứng Chân sắc mặt buồn rượi: - Người nọ ở tận núi Côn Luân ngoài Tây Vực, cách trở vạn dặm, nước xa không cứu được lửa gần.

- Tây Vực... - Trong đầu Nhạc Chi Dương lóe lên một ý nghĩ, gã buộc miệng: - Ông nói Lương Tư Cầm à?

Tịch Ứng Chân trầm ngâm không nói, Nhạc Chi Dương chỉ cảm thấy nhiệt huyết dâng trào, nhịn không được bật thốt lên:

- Đạo trưởng cứ an tâm, nếu tôi có thể rời khỏi Đông Đảo, nhất định sẽ đến núi Côn Luân tìm vị Lương tiền bối ấy, mời ông ấy đến đây cứu ông.

- Tiểu huynh đệ thật là tốt bụng! - Tịch Ứng Chân mỉm cười lắc đầu: - Nhưng với bản lĩnh của cậu, sợ là chẳng thể rời khỏi hòn đảo này được đâu.

Nhạc Chi Dương nghe xong cảm thấy chán nản vô cùng, lại thấy bên trong buồng giam để lỉn kỉn không ít vật dụng thường ngày, thậm chí còn có vài ba pho sách mục. Tịch Ứng Chân nhìn ra suy nghĩ của gã, bèn cười:

- Vân Hư tuy nhốt ta ở đây nhưng thức ăn thường ngày cũng chưa cắt xén đi bữa nào, chỉ hiềm thiếu mỗi bộ cờ vây. Ta đây, một hôm mà không sờ đến quân cờ là cảm thấy ngứa chân ngứa tay lắm, hai năm rồi chưa được chơi cờ, quả là bức bối muốn phát bệnh.

Nhạc Chi Dương cười:

- Sao đạo trưởng không nói sớm? Mai ta làm một bộ mang đến cho ông.

Tịch Ứng Chân xua tay bảo:

- Một mình ta vừa tung vừa hứng thì có ý nghĩa gì chứ!

Ngẫm nghĩ một lát, ông liền gọi:

- Nhóc con, ngươi qua đây.

Nhạc Chi Dương ậm ừ bước đến, Tịch Ứng Chân chợt phất tay, một luồng gió mạnh liền phất thẳng vào mặt gã.

Thiếu niên vừa cảm thấy hô hấp khó khăn, bàn tay của lão đạo sĩ đã chạm đến chóp mũi của gã.

Nhạc Chi Dương chẳng biết phải làm sao, trống ngực đập mạnh thình thịch. Tịch Ứng Chân bất ngờ thu tay về, trầm ngâm bảo:

- Quái lạ, lúc ta thấy ngươi đến đây, thân thủ có vẻ cũng khá lắm, rõ ràng là biết võ công, sao giờ ta chỉ tiện tay tung chưởng mà ngươi không đỡ được?

Nhạc Chi Dương ấp úng đáp:

- Chẳng dám giấu đạo trưởng, lúc trước ta có học qua một ít nội công, còn mấy thứ công phu khác thì chả học được môn nào cả.

Tịch Ứng Chân đưa tay bắt lấy mạch môn của gã, chỉ cảm thấy bên trong tràn trề sung mãn, nội công đã ở mức tương đương cơ bản. Ông bất giác lắc đầu:

- Đáng tiếc, đáng tiếc.

- Đáng tiếc gì ạ? - Nhạc Chi Dương thắc mắc.

- Năm xưa, tổ sư Bách Ách có thu nhận một gã đệ tử từng học qua võ công, kẻ nọ sau khi thành tài thì phạm phải tội nghiệt tày trời, vì vậy tổ sư trước lúc lâm chung có để lại di huấn: phàm đệ tử Thái Hạo Cốc thu nạp, nhất định phải không biết võ công. Ta thấy ngươi căn cơ không tệ, người cũng lanh lẹ, hiềm vì thân mang nội công, không thể làm đệ tử của ta được.

Nói đến đây, Tịch Ứng Chân không kềm được xót xa, lại cất lên hai từ "Đáng tiếc".

Nhạc Chi Dương nghe xong những lời này, trong lòng có cảm giác hẫng hụt, gã ngẫm nghĩ rồi mỉm cười bảo:

- Làm thầy trò thì đương nhiên là tốt, nhưng nếu là bằng hữu cũng đâu có tệ.

Tịch Ứng Chân ngẩn người, kế đó bật cười:

- Không sai, bần đạo trứ tướng(*) rồi, làm bằng hữu không câu nệ không ràng buộc, so với làm sư đồ sướиɠ khoái hơn nhiều.

(ND chú: một từ trong kinh Phật, đại ý là cố chấp với những thứ bên ngoài mà xa rời bản chất)

Nói đến đây, ông lại suy nghĩ gì đó rồi hỏi dò:

- Nhạc Chi Dương, ngươi có muốn học võ công không?

Nhạc Chi Dương ngạc nhiên đáp:

- Ông không thể dạy tôi thì tôi học thế nào?

Tịch Ứng Chân nói:

- Võ công trong thiên hạ nhiều vô số kể, đâu chỉ có mỗi Thái Hạo Cốc chúng ta, tổ sư Bách Ách dặn là không được học võ công của bản phái, còn võ công môn phái khác chẳng lẽ ta không dạy cho ngươi được chắc?!"

Nhạc Chi Dương như mở cờ trong bụng, luôn miệng đáp "Phải". Tịch Ứng Chân võ học uyên bác, công phu của mỗi môn mỗi phái đều biết qua sơ lược, trước tiên dạy từ mã bộ trạm thung(*), sau khi căn cơ đã vững rồi lại chọn ra một số bài quyền thuật, dần dần từng bước truyền dạy cho Nhạc Chi Dương. Từ đó về sau, Nhạc Chi Dương cứ mỗi canh ba đều đến Tinh Ẩn Cốc tập võ. Gã mang trong mình "Linh khúc chân khí", lại luyện qua "Linh vũ", hai thứ này đều là võ công thượng thừa từ cổ chí kim, lấy chúng làm nền tảng, cho dù học bất cứ môn võ công nào cũng giống như "Cao ốc kiến linh, thủy đáo cừ thành"(**). Tịch Ứng Chân chỉ cần giảng giải qua mấy lần, gã liền có thể học được y chang.

(*ND chú: Mã bộ trạm thung là một trong tam đại khí công, là công pháp trở thành căn bản của "nội kình nhất chỉ thiền" của Thiếu Lâm khí công, có tác dụng lưu thông "khí" toàn thân, cường hóa phần dưới cơ thể, nhất là chân. Phương pháp này làm khí huyết lưu thông toàn thân tốt hơn, cường hóa hạ bàn, được cho là có tác dụng duy trì sức khỏe và là phần căn bản của khí công)

(**ND chú: "Cao ốc kiến linh" nghĩa là nhà cao làm ngói máng, ý nói chỗ cao dễ xuống chỗ thấp, còn “Thủy đáo cừ thành” là câu thành ngữ Trung Quốc ý nói rằng thành công sẽ tự nhiên đến khi có đầy đủ các điều kiện cần thiết mà không cần phải nhất mực truy cầu)

Tịch Ứng Chân thấy gã tiến bộ thần tốc, miệng tuy không nói nhưng trong lòng lại sửng sốt vô cùng, chỉ cảm thấy trên đời này dẫu có là thiên tài thì tốc độ tinh tiến cũng không thể nhanh như vậy được. Trong lúc truyền thụ quyền thuật, có đôi chỗ Nhạc Chi Dương chưa thể thông thạo ngay nhưng đến khi xuất chiêu thì gã luôn luôn có thể tùy ý thay đổi, nhẹ nhàng bổ khuyết đi chỗ còn thiếu sót, quyền cước trở nên tròn trịa tự nhiên, so với chiêu thức gốc còn có vẻ cao minh hơn một bậc.

Lão đạo sĩ tri thức hơn người, thầm biết Nhạc Chi Dương còn có một mối kỳ ngộ nào khác, nhưng tính ông vốn chẳng tò mò, cũng không tiện truy tận nguồn cơn. Nhạc Chi Dương không nói, ông cũng lười hỏi nhiều.

Chỉ lực của "Nghịch Dương Chỉ" cứ mỗi bày ngày phát tác một lần, thời gian rơi vào khoảng trước sau giờ Tý. Vào đêm hôm ấy, Vân Hư nhất định sẽ đến nơi này, Tịch Ứng Chân sợ y và Nhạc Chi Dương chạm mặt, cho nên mỗi khi đến ngày phát tác thì không cho phép Nhạc Chi Dương tiến vào đáy hang nữa. Nhạc Chi Dương trong bụng cảm thấy khó chịu, thầm hận bản thân võ công thấp kém, không thể giúp đỡ người bạn già này thoát khỏi nguy khốn, nghĩ như vậy gã lại càng dốc lòng học võ nhiều hơn.

Khổ luyện vài tháng, quyền cước của Nhạc Chi Dương dần dần thuần thục, "Linh khúc chân khí" dồn nén trong cơ thể cũng bị dẫn phát ra, lúc giơ tay nhấc chân hệt như cuốn theo gió mạnh. Tịch Ứng Chân càng cảm thấy kinh ngạc, nhìn quyền phong của gã mãnh liệt như vậy chí ít cũng mất ba bốn năm khổ luyện, bản thân ông truyền cho gã đa phần là công phu ngoại gia, không hề tu luyện nội lực, nhưng quan sát Nhạc Chi Dương lúc này, trong thì ẩn chứa tinh hoa, ngoài thì sức mạnh bùng phát, rõ ràng đã mang dáng vóc của cao thủ nội gia.

Đêm ấy, Nhạc Chi Dương tiến vào đáy cốc, mở cánh cửa đá ra, vừa cười vừa réo:

- Tịch đạo trưởng, ông xem đây là gì?

Tịch Ứng Chân đón lấy bao vải trong tay gã, mở ra xem thử, hóa ra là một bộ cờ vây, quân đen là những viên đá sẫm màu được tuyển lựa tỉ mỉ, quân trắng là những vỏ sò được mài nhẵn, viên nào viên nấy đều tròn đầy bóng loáng, đủ thấy đã hao phí rất nhiều tâm sức.

Tịch Ứng Chân lòng thầm cảm động, thật lâu không thốt nên lời. Nhạc Chi Dương bất giác hỏi:

- Tịch đạo trưởng, bộ có gì không đúng à?

Lão đạo sĩ giật mình tỉnh ra, vuốt râu cười khà khà:

- Chẳng có gì không đúng cả.

Ông bị nhốt trên đảo, cứ tưởng cả đời này vô vọng, nào ngờ trời còn sai một người bạn nhỏ đến đây giúp cho tâm hồn già cỗi của ông tươi mới trở lại. Ông lập tức cười bảo:

- Bộ cờ này làm khéo vô cùng, nhóc con, ngươi biết đành cờ chứ?

- Đủ để tiếp lão gia mấy ván.

Nhạc Chi Dương mở túi, lấy than đen vẽ trên nền đất một bàn cờ, lại lôi ra một bầu rượu nóng hệt như dùng ảo thuật. Tịch Ứng Chân mừng rỡ ngoài dự kiến, cảm giác chẳng còn mong cầu gì hơn, vì thế hai người ngồi đối diện nhau, bắt đầu chơi cờ dưới ánh đèn dầu.

Tịch Ứng Chân với trình độ chơi cờ tuyệt diệu đủ để đứng đầu cả nước, nếu thật sự so về tài nghệ chơi cờ thì Nhạc Chi Dương chạm còn không đến một góc nhỏ của ông, thế nhưng Nhạc Chi Dương đầu óc linh hoạt, lúc nào cũng nảy ra những suy nghĩ quái đản, năm lần bảy lượt thế cờ tưởng đâu chết chắc bỗng đâu lại được cải tử hoàn sinh.

Tịch Ứng Chân liên tục thắc mắc:

- Nhóc con, năng khiếu chơi cờ của ngươi rất cao, nếu không vào được môn phái của ta quả thật đáng tiếc. Nền tảng "Dịch Tinh Kiếm" của bản phái được đúc kết từ dịch lý đời trước, về sau tổ sư Liễu Tình lấy thêm cảm hứng từ Tây Côn Luân-Lương Tiêu, mang tinh tượng vũ trụ gộp vào trong kiếm pháp. Sư phụ Thiên Dịch chân nhân cùng ta rất thích chơi cờ, lại đem kỳ đạo dung hợp vào trong kiếm đạo. Nghĩa của "Dịch Tinh" chính là lấy trời xanh làm bàn cờ, lấy thiên hà làm quân cờ, lấy ngôi sao làm công thức, di tinh hoán đẩu, tung hoành Sâm-Thương(*). Bởi kỳ đạo và tinh tượng có liên quan với nhau, nên khi thiên văn càng rõ thì sức cờ cũng càng cao, đường kiếm pháp này cũng trở nên siêu việt hơn.

(ND chú: di tinh hoán đẩu là thay đổi vị trí của các vì sao, còn sao Sâm-Thương là 2 ngôi sao cách nhau rất xa và không bao giờ xuất hiện cùng lúc trên bầu trời, dân gian quen gọi là sao Mai-sao Hôm)

- Bình sinh ta có thu nhận bốn người đệ tử, đại đệ tử Đạo Diễn, kỳ đạo và thuật số đều tinh thông, đã học được chân truyền của ta. Nhị đệ tử Chu Lệ, sức cờ cao cường nhưng lại khá kém về thiên văn thuật số, may nhờ vóc dáng to cao, kiếm khí mịt trời, tuy tài kiếm thuật không bằng Đạo Diễn nhưng nhìn chung cũng hết sức khả quan. Tam đệ tử Chu Quyền, trời sinh sẵn tính thông minh, bất kể là học cái gì, hễ học là học đến nhuần nhuyễn, trong bốn người thì thiên phú của hắn cao nhất, chả bù với tiểu đồ đệ Chu Vi kia, bản tính con nhóc ấy chỉ yêu thích âm nhạc, không muốn đánh đánh gϊếŧ gϊếŧ, học võ nhưng không hề chuyên chú cho nên cảnh giới chỉ làng nhàng mức trung bình.

Nghe đến hai từ "Chu Vi", Nhạc Chi Dương lại thấy nhoi nhói trong tim, bất giác đưa tay dốc thêm vài chung rượu, rượu cạn rồi chợt thấy chếnh choáng men say, gã ngước mắt nhìn lên trời cao, nơi ấy vầng trăng đang rót ánh sáng trong trẻo xuống mặt đất, soi chiếu đáy cốc sáng lên vằng vặc. Nhất thời men rượu bốc lên đầu, gã chồm dậy, múa một bài quyền dưới bóng trăng.

Đầu tiên, gã thi triển một bài "Thái tổ trường quyền" rồi lại chuyển sang "Du thân bát quái chưởng", cả chân lẫn tay đều thấp thoáng chiêu thức của "Cửu cung bộ". Gã càng đánh càng nhanh, miệng khẽ hú dài, trong lòng nổi lên "Chu Thiên Linh Phi Khúc", bất chợt tâm tư lâng lâng, "Linh Vũ" rót vào quyền cước hệt như liễu nương theo gió, mây trôi chớp lóe, đánh đến mức quên mất cả bản thân đang ở đâu. Bỗng nhiên khi quay đầu lại, gã nhát thấy bên cạnh mình thò ra một bóng đen, chân trái hạ thấp, tay phải co vào như thể đang muốn chạy xộc đến, ẩn tàng nguy hiểm.

Nhạc Chi Dương không thèm nghĩ ngợi nhiều, chân trái đá về phía đối thủ, chỉ nghe "cốp" một tiếng, bóng đen lập tức ngã phịch ra đằng sau còn xương ngón chân Nhạc Chi Dương lại truyền đến một cơn đau nhói.

- Thằng nhóc ấm đầu hả? - Tịch Ứng Chân vỗ tay cười phá lên: - Đương không ngươi kích vào hòn đá làm gì vậy?