- Tiểu Tô, ngày mai cậu mang hai mái chèo nhé, chứ nhà thằng Duẫn không có đâu.
Phong Xuyên dặn dò thêm.
- Mái chèo bị người ta lấy trộm rồi, không biết là ai, thật là xấu xa.
Ngu Viên tức giận nói. Cô nhỏ tuổi nhất trong đám sáu người, gia cảnh cũng tốt, lúc nói chuyện có phần kiêu căng.
- Chắc thấy thuyền nhà tôi đỗ ở ven bờ mà lâu rồi không dùng nên mượn mái chèo ấy mà.
Ngu Duẫn cười cười, hiển nhiên không cáu giận gì. Cậu ta là con nhà khanh thần(*) hầu vua, cha thường dạy dỗ đừng mang ác ý đi đo lòng người.
(*) khanh thần ở đây có nghĩa là chức quan thời xưa.
- Không phải mượn đâu, rõ ràng là trộm. Trộm đồ không phải là việc nhỏ nên tìm ra kẻ đó, đánh một trận cho bõ rồi trói lại đi gặp xã chánh.
Vân Chu tiếp lời, nghe rất là hả hê tự đắc.
- Không cần, không cần đâu làm lại hai cái là được mà.
Ngu Duẫn vội vàng xua tay, cậu ta thật sự cảm thấy không đáng.
- Nhà của tôi có này, ngày mai tôi mang qua cho.
Ngu Tô vui vẻ đáp lại. Ở thành Ngu, gần như nhà nào cũng biết bắt cá, dĩ nhiên nhà cậu cũng có đồ đi thuyền.
Mọi người vừa đi vừa nói chuyện tới trước cây đại thụ xã đông, mảnh đất dưới chân bỗng trống trải hẳn. Trong quảng trường phẳng phiu, đám đông đầu người qua lại náo nhiệt ồn ào. Mỗi khi đến hoàng hôn, bốn phía xã cây bùng lên lửa trại, mọi người vây quanh tụ tập bên ngọn lửa thành nhóm thành tốp gọi bạn gọi bè dưới tàng cây.
Đám Ngu Tô đã quen với cảnh tượng tưng bừng này từ nhỏ. Lúc bé xíu khi cả đám để mông trần, từng đội trên đầu các vì sao, chạy đuổi bắt, chơi diễn trò, cười ríu ra ríu rít dưới tàng cây cao lớn.
Cả bọn đến xã đông, đám Phong Xuyên muốn xem đấu vật, chen vào giữa một đám nam nữ trẻ tuổi đi theo thét to trợ uy mà cũng háo hức muốn thử sức. Còn Ngu Tô lại lơ đễnh, tâm trí cậu không ở trên người đám trai trẻ tranh cường háo thắng, cũng không ở trên người các cô gái duyên dáng, ăn mặc tỉ mỉ hơn khi vào đêm.
- A Tô, cậu đi cùng bọn tôi tìm chị Chu Vân nhé?
Phong Tịch kéo nhẹ tay áo Ngu Tô, cô nhỏ giọng hỏi. Bên cạnh có Ngu Viên đi theo, tình cảm hai cô khá tốt.
Nhà Chu Vân ở gần xã đông, cư dân bên khu đông phần lớn, Phong Tịch không biết ai, sợ ở trên đường gặp phải kẻ càn rỡ.
- Đi thôi, tôi mang hai người đi qua đó.
Ngu Tô che chở cho hai người, đi hướng khu dân cư có ánh đèn leo lét.
Hai cô gái đi bên cạnh cậu, Phong Tịch ít nói còn Ngu Viên lại ríu rít tính cách hoàn toàn khác biệt.
Ba người đi vào trong sân nhà Chu Vân, cậu thấy chị ấy đang dệt vải trong nhà, cũng yên tâm để hai cô ở lại rồi một mình quay về xã cây.
Quả thật tụ hội ở xã đông sôi nổi hơn ở xã bắc nhiều. Theo như Ngu Tô thấy, cậu thích đến xã đông vì ở đây có một vị gọi là Bỉnh Tẩu hay kể chuyện xưa.
Bỉnh Tẩu là sứ giả của vua Ngu đi qua rất nhiều quốc gia, ông sẽ kể chuyện xưa bên ngoài vừa mới lạ vừa thú vị. Mỗi lần đến xã đông, cậu đều nghe ông kể chuyện xưa.
Bỉnh Tẩu ngồi bên đống lửa bập bùng và đám trẻ con, đàn bà ngồi đầy xung quanh. Hầu hết mọi người ở khu đông lớn lên đều nghe chuyện xưa của Bỉnh Tẩu, hết đám này rồi đến đám khác thế nên ông chưa bao giờ thiếu người nghe.
Ngu Tô tìm một chỗ ngồi xuống xen lẫn giữa đám người xa lạ. Khi cậu đến, Bỉnh Tẩu đã bắt đầu kể chuyện xưa khá lâu. Có vị thiếu niên cầm cây cung hỏi: "Ông Bỉnh Tẩu, cây cung dài của Tấn Di trông thế nào?"
- Cây cung Tấn Di ấy à, có lông mũi tên màu xanh biếc, ở đầu mũi được quét sơn màu đỏ.
Bỉnh Tẩu là một ông cụ gầy gò, râu tóc xám trắng lưa thưa. Giọng ông khàn khàn, khi kể chuyện luôn luôn thong thả.
- Tại sao bọn họ muốn bắt người khác?