Bàn tay lấm lem bùn đất nên cậu rời chỗ đến thùng gỗ để rửa. Đi rồi trở lại, cậu nhìn thấy nhánh hoa hồng đặt dưới phiến đá xanh. Nó sắp héo, buổi sáng còn dính sương đã được hong gió.
Ngu Tô nhặt nhánh hoa lên, đặt nó bên cạnh phôi gốm rồi để chúng trên giá gỗ.
Nhờ tác động của gió và nhiệt độ buổi trưa làm cho phôi gốm mềm oặt dần dần cứng rắn, cũng làm cho nhánh hoa hồng héo rũ úa tàn.
Ánh nắng lặng lẽ lướt qua giá gỗ, giống như mây trên trời.
Ngu Tô cầm bút lông vẽ màu đen cho phôi gốm. Vẽ lên một nhánh hoa hồng chúm chím xinh đẹp. Vẽ xong hoa văn cho gốm bằng hai màu trắng đen rõ ràng vừa trang nhã lại độc đáo.
Nhà cậu không có lò nung bèn bê cái bàn đựng đồ gốm bán thành phẩm đến nhà chú Nhân.
Con chim trên cây vẫn đang hót líu lo, ở xa xa bên ngoài sân có mấy đứa nhỏ nghịch ngợm chạy đuổi bắt nhau.
**
Đám lau sậy bên bờ sông dưới ánh nắng chiều vuốt ve toát ra sánh sáng vàng óng ánh.
Tự Hạo đang vội vàng lùa đàn dê, đột nhiên đứng lặng nhìn hoàng hôn nơi hoang vu. Anh ôm bờ ngực đứng nghiêng, tay cầm roi dê, khuôn mặt hờ hững trầm tĩnh. Dung mạo anh rất anh tuấn, mặt mày điềm tĩnh không hợp với lứa tuổi. Vẫn còn trẻ lắm, ước chừng tầm mười sáu mười bảy.
– Gâu gâu!!!
Một con chó đen chạy lanh quanh bên anh, nó lắc lắc cái đuôi không ngừng sủa vang. Nó vẫn còn nhỏ, thân mình tròn lẳng chân ngắn, tiếng kêu hãy còn non nớt.
Tự Hạo nhặt được nó, định nuôi làm chó chăn dê. Nhưng vẫn phải đợi nó lớn lên mới huấn luyện được.
– Be be….
Đám dê con vui mừng kêu to giống như đang hối thúc chủ nhân, mặt trời đã ngả về tây, mau mau đuổi chúng tôi về chuồng dê đi. Cái bụng chúng nó ăn no tròn xoe ra, mùa xuân cỏ xanh mọc đầy núi đồi để chúng nó sinh tồn không âu lo.
Tự Hạo thôi không nhìn nữa, lại phát hiện đàn dê theo con đầu đàn đi xa lắc, đi đúng hướng về chuồng dê.
Nơi anh chăn dê không xa nhà nhưng không có đường, xung quanh đều là cỏ hoang. Bụi gai mọc tràn lan, thường thường chọc thủng giầy rơm gây chảy máu chân, mấy con rắn cũng hay núp trong bụi cỏ.
Lúc mới đến đây, Tự Hạo chịu đủ mọi khổ cực. Không thể không dùng đá sò(*) đổi lấy một đôi giày da dê của cư dân nơi này.
(*) Đá sò là tiền tệ dùng ở thời cổ đại.
Giày nâu giẫm sột soạt qua bụi cỏ. Đám dê con nhanh nhẹn bước đi, đỉnh tai phe phẩy, kêu to be be suốt dọc đường. Thỉnh thoảng có con dừng lại ăn cỏ, anh rút roi quất quất bụi cỏ đuổi nó đi, bởi anh thương đàn dê của mình.
Lúc ấy, cuối xuân anh đến núi Giác, mua hơn hai mươi con dê của người chăn dê, có lớn có nhỏ. Nuôi được một thời gian không những sống sót mà còn khỏe mạnh.
– Be be……
Đột nhiên một con dê dừng lại, nó nhích nhích cái mũi tới bụi hoa, ồ là bụi hoa hồng đang nở rộ.
Loài hoa quen thuộc sa vào mắt, Tự Hạo vươn tay chạm đến đóa hoa mềm mại, hai cánh hoa rơi xuống lòng bàn tay. Vẻ mặt anh dường như nghiêm túc rồi lại u sầu, anh hất cánh hoa đi rồi đuổi con dê vào đàn.
Dưới ánh hoàng hôn, bóng anh và đàn dê kéo dài ra mãi, ở phía sau còn đi theo một con chó đen nhỏ.
**
Vào ban đêm, Mẹ Ngu giã gạo chuẩn bị cho ngày mai. Bà dùng cái chày gỗ giã những hạt thóc bỏ trong cối đá để tách lớp vỏ trấu. Tiếng giã gạo nhịp nhàng vang lên âm thanh quen thuộc như khúc hát ru các em bé trước khi ngủ say.
Mẹ Ngu dùng cái gáo bầu gom thóc rơi vãi quanh cối đá rồi đổ ở giữa, sao cho chúng nó đều bị chày gỗ giã bình bịch tróc hết vỏ ra. Gĩa gạo cần sự kiên nhẫn chứ không cần quá nhiều sức lực.
- Tô ơi, con không đi ra xã(*) à?
(*) xã: Ngày xưa cứ mỗi khu tầm trên 25 nhà là một xã, để cùng mưu tính các việc công ích.
Mẹ Ngu thấy con trai còn ở nhà mà trời đã tối đen, bên kia xã cây (*)chắc chắn rất náo nhiệt.
(*) xã cây: Mọi người trong khu xã tụ tập quây quần bên nhau dưới 1 cái cây cao lớn.