Mùa Nước Nổi

Chương 69: Xin cô tin cháu! (1)

Không khí Tết rục rịch về khắp Hà Nội, trời lạnh căm căm nhưng không đủ để làm dịu đi cái hối hả của con người chuẩn bị cho một mùa Tết 12 tháng mới có một lần. Những người buôn bán làm ăn như Cẩm Tú cũng bận hơn rất nhiều, những ngày cuối năm này công việc ở shop thời gian nhiều vô số kể, hàng vào hàng đi từ tờ mờ sáng đến tận tối mịt mới tạm ngớt, cũng phải thôi, những ngày cuối năm lượng hàng bán ra phải gấp ba gấp bốn lần ngày thường. Ấy thế nên cả tuần nay Cẩm Tú chưa có cuộc “hẹn hò” nào với Nghĩa cả.

Còn đối với những người lao động ở tỉnh như Nghĩa thì cũng tất tả hơn những ngày cuối năm này, Nghĩa làm mọi việc từ tờ mờ sáng đến khi nào không nhận được việc nữa mới về, ai thuê gì cũng làm tất. Công xá những ngày Tết này cũng cao hơn, người thuê cũng xuề xòa hơn với một câu nói cửa miệng: Tết mà.

Hôm nay là 26 Tết, anh Cung sáng nay đã thông báo là buổi tối xóm có liên hoan vừa là để chia tay nhau về quê ăn Tết, cũng vừa là dịp để Nghĩa làm quen với mọi người. Thế nên khi dứt công buổi chiều là Nghĩa về xóm trọ luôn mà không lân la bắt cuốc việc đêm nữa. Không phải qua nhà cô Cẩm Tú tưới cây vì trưa nay Nghĩa đã qua đó rồi. Về đến nhà cũng gần chập tối, vừa dắt cái xe đạp vào trong phòng, đang định chạy sang phòng chị Mận giúp chị nấu cơm tối thì Nghĩa nghe thấy có tiếng người cùng xóm trọ nói ở cửa phòng:

– Anh hỏi Nghĩa quê Hưng Yên hả? Kia kìa, nó ở phòng kia.

Nghĩa chưa kịp ra xem ai tìm mình thì đã có tiếng gõ cửa phòng. Mở cửa, Nghĩa hết sức ngạc nhiên khi đứng trước phòng mình là một người quen:

– Ô, anh Ba. Sao anh biết em ở đây?

Anh Ba nhà ta mặc quần vải, chân đi giầy tây đen bóng loáng, bên trong mặc áo sơ mi đàng hoàng, bên ngoài là một chiếc áo khoác kiểu giả vest, đầu anh bóng lộn vuốt keo trải ngược ra đằng sau. Khuôn mặt có ngấn thịt trắng hởn. Có đánh chết cũng không ai tin là chỉ cách đây nửa năm anh Ba gầy đét đen nhẻm đứng ở chợ người gầm cầu Chương Dương cùng với Nghĩa. Trên tay anh là một túi quà tết mầu đỏ được làm bằng bìa cứng.

– Chú quên là một lần anh đưa chú về đến đầu ngõ rồi à, chỉ chưa vào phòng thôi.

Do bất ngờ quá nên Nghĩa cũng ngạc nhiên quên cả mời anh vào phòng, thành ra cứ đứng ở cửa mà hỏi han:

– Anh chưa về quê ăn Tết à? Hăm sáu rồi còn gì.

– Thế chú không định mời anh vào phòng sao?

Nghĩa mới nhớ ra mình thất thố quá, cậu gãi đầu gãi tai:

– Ôi chết em quên mất, mời anh vào trong này. Em cũng vừa đi làm về.

Nói xong Nghĩa đi vào trong phòng lấy tay phủi phủi một đoạn giường nằm của mình để cho anh Ba ngồi. Trong phòng chẳng có bàn ghế chi hết. Ngoài một cái tủ vải đựng quần áo thì có mỗi cái giường ngủ gọi là đồ đạc trong phòng mà thôi.

Anh Ba ngồi xuống giường, túi quà Tết anh để bên cạnh:

– Anh chắc phải hai ba hôm nữa mới về được. Tết nên nhiều hàng về hàng đi lắm. Thế sao chú còn chưa về. Làm cả năm rồi cũng nên về sớm một tí cho thầy u mừng.

– Em cũng tranh thủ kiếm thêm những ngày giáp Tết này. À mà để em lấy nước anh uống.

Nói xong Nghĩa đứng lên tìm nước nhưng chẳng thấy đâu. Thực sự thì trong phòng cậu không có nước uống thật, mùa đông cũng ít có nhu cầu, với lại bình thường toàn ăn uống bên phòng anh chị, khi đi ngủ chỉ rót thêm chai nửa lít mang về uống đêm thôi chứ không tích trữ trong phòng.

Ngại quá nên Nghĩa đành nói:

– Chết thật, phòng em không có nước. Hay anh Ba chờ em tí, em chạy ra đầu ngõ mua chai nước về anh em mình uống. Mấy khi anh đến chơi.

Ba tỏ vẻ ngần ngừ một chút nhưng đồng ý luôn:

– Ừ, chú đi mua đi. Anh đợi ở đây cũng được.

Rồi Nghĩa đi mua nước, cửa hàng tạp hóa ở ngay đầu ngõ nên chỉ 5 phút là cậu đã về đến nhà, trên tay là vài chai nước lọc.

Bóc một chai nước mời anh Ba, Nghĩa nói:

– Anh đến chơi hay có chuyện gì?

Ba chưa uống nước, anh với sang cầm túi quà Tết, bên trong có một hộp bánh, một chai rượu vang, một hộp mứt Tết và 1 cây thuốc. Đối với người ở quê, đây là hộp quà Tết rất có giá trị:

– Nghĩa này. Anh được như ngày hôm nay cũng một phần có công sức của chú. Anh chẳng biết cảm ơn chú thế nào cho phải. Anh có gói quà Tết biếu chú để chú mang về quê làm quà. Gọi là tấm lòng của anh.

Nghĩa thấy anh Ba thật tốt bụng. Mình cũng có giúp được gì cho anh đâu. Còn nhớ hồi mới xảy ra chuyện ở trên sông. Anh đã cho mình 500 nghìn và cái xe đạp thồ mà mình đã sử dụng biết bao ngày qua, giờ vẫn còn dựng ở đây. Nay lại còn đến tận đây mà cho túi quà đắt tiền này nữa. Thật là khó nghĩ quá đi:

– Anh cứ khách sáo làm em ngại quá. Anh cho em tiền, rồi cho em cái xe đạp nữa. Giờ lại còn thế này nữa.

Nhưng Nghĩa vẫn nhận quà, được biếu quà ai chẳng thích cơ chứ. Anh Ba nói vớt:

– Thôi chú cứ nhận cho anh vui. Anh em mình lọt sàng xuống nia đi đâu mà thiệt.

– Vâng, thế anh cho em xin.

Khi thấy Nghĩa đã nhận quà xong, Ba đứng dậy tỏ vẻ vội vàng:

– Thôi, anh cũng phải đi đây. Tranh thủ còn ra chợ mua ít quà về cho mẹ nó và hai thằng cu ở nhà.

Nghĩa cũng có ý muốn giữ anh Ba ở lại nhưng cũng không cương quyết lắm. Cơ bản trong nhà cũng chẳng có đồ ăn thức uống gì để mà giữ người ở lại. Anh Ba đi rồi, Nghĩa mới nhìn vào bên trong túi quà, cậu trầm trồ phán đoán giá trị của nó chắc cũng phải bằng hai ba ngày công chứ không ít

– “He he he, vậy là có quà Tết về biếu bố mẹ rồi. Đỡ phải mua nữa. Anh Ba tốt thật”, Nghĩa vừa cất túi quà vào cái tủ vải vừa nói.

——–

Tối 26 Tết, xóm trọ tổ chức liên hoan gọi là chia tay về quê ăn Tết, tất nhiên không phải ngày mai mọi người sẽ về quê hết mà là nhúc nhắc về dần, như Nghĩa chẳng hạn, cậu dự định đến tận 29 Tết mới về.

Mọi người quây quần tại sân chơi chung, ai có gì mang ra cái đấy gọi là có tí liên hoan. Hơn 2 chục con người lam lũ ngồi thành vòng tròn quanh cái 2 cái chiếu. Anh Cung – chị Mận và Nghĩa ngồi gần nhau.

Từ ngày Nghĩa chuyển về khu trọ này cũng chưa có dịp nào được gặp mặt đông đủ như vậy, cơ bản ai ai cũng bận bịu với công việc của riêng mình, nay mới có dịp, vừa là liên hoan chờ Tết, thứ nữa nhân dịp này anh Cung cũng sẽ giới thiệu chính thức Nghĩa cho mọi người cùng biết.

Nhấp một ngụm bia cho ngọt giọng, anh nói với mọi người:

– Các anh chị em xóm trọ, hôm nay liên hoan xóm để mọi người về quê ăn Tết. Cũng chả mấy khi đông đủ thế này, tôi xin giới thiệu chú em của tôi cho mọi người. Là chú Nghĩa, con anh chị Bừng Tươi ở xóm bãi quê mình.

Có một anh cứng tuổi cười cười giơ cốc bia cỏ ra nói:

– Chả nhẵn mặt nhau giờ còn giới thiệu. Hà hà hà. Chú Nghĩa, uống với anh ngụm bia.

Nghĩa cũng giơ cốc bia ra nhưng chỉ nhấp một ngụm nhỏ xíu, cậu tiếp lời anh Cung:

– Em mới lên còn lạ nước lạ cái, có gì các anh chị chỉ bảo giúp ạ.

Anh Cung cao hứng đế vào trong khi chị Mận cứ ngồi nguyên một chỗ vừa tủm tỉm cười vừa ăn bánh phồng tôm do chính tay chị vừa rán mang ra đây. Chắc chị nghĩ đến cái bữa hôm nọ hú chết nên mới cười tủm kiểu khó hiểu như vậy:

– Thế từng người giới thiệu cho thằng em Nghĩa biết, xem có nghề nào mà nó muốn theo không nhỉ.