Hậu Thủy Hử

Chương 96: Hỗn Ma Quân Thua Trận Ngũ Long Sơn

Đang nói chuyện vị đạo sĩ bên quân Tống Giang phá được yêu thuật của Kiều Đạo Thanh chính là Nhập Vân Long Công Tôn Thắng. Công Tôn Thắng đang ở Vệ Châu tiếp mệnh lệnh của Tống tiên phong liền cùng bọn Vương Anh, Trương Thanh, Giải Trân, Giải Bảo lên đường ruổi sao đi gấp theo đại quân. Tới nơi, Công Tôn Thắng liền vào trướng yết kiến Tống tiên phong, vừa đúng lúc Kiều Đạo Thanh đang trổ tài yêu thuật đánh lại Phàn Thụy. Hôm ấy là ngày mồng tám tháng hai, lịch can chi là ngày Mậu Ngọ. Mậu thuộc về thổ. Công Tôn Thắng liền làm phép thỉnh cầu các vị Thiên Can thần tướng đến phá tan thuỷ trận ở phương Nhâm Quý. Tà khí của Kiều Đạo Thanh bị quyét sạch, trời xanh nắng sáng lại trở về như cũ. Tống Giang, Công Tôn Thắng sánh ngựa ra trước trận. Lúc ấy Kiều Đạo Thanh hổ thẹn đang dẫn người ngựa rút lui về phía nam. Công Tôn Thắng nói:

- Kiều Đạo Thanh thua phép phải bỏ chạy, nếu thả cho hắn về thành thì sau này khó trị lắm. Huynh trưởng nên sai ngay Từ Ninh, Sách Siêu lĩh năm ngàn quan, theo đường phía đông, đi tạt sang cửa thành phía nam để chặn đức đường về của hắn. Sai Vương Anh, Tôn Tân lĩnh năm nghìn quân đi gấp chặn đường cửa tây, hễ gặp Kiều Đạo Thanh thua trận trở về thì chặn không cho vào thành.

Tống Giang theo kế ấy cắt cử các tướng thi hành, ai nấy tuân lệnh ra đi.

Bấy giờ đã gần trưa, Tống Giang và Công Tôn Thắng thống lĩnh bọn Lâm Xung, Trương Thanh, Thang Long, Lý Vân, Hỗ Tam Nương, Cố Đại Tẩu cùng hai vạn quân mã bộ đuổi lên phía trước. Bên quân Bắc, bọn Lôi Chấn hộ vệ Kiều Đạo Thanh vừa đánh vừa chạy. Phía trước lại có một đội quân mã nữa tiến đến. Đó là quân của Tôn Kỳ, Nhϊếp Tân. Bọn Kiều Đạo Thanh, Tôn Kỳ hội binh trở về doanh trại ở núi Ngũ Long. Bỗng nghe phía sau có tiếng trống thúc phèng khua, quân Tống hò hét vang trời đang đuổi đến Tôn Kỳ nói:

- Mời quốc sư vào đóng giữ trong trại, Tôn Kỳ tôi xin quyết chiến!

Kiều Đạo Thanh đã trót huênh hoang khóac lác là yêu thuật chưa từng gặp kẻ nào đáng kể là đối thủ, nay bị quân Tống truy đuổi thì lấy làm xấu hổ, bèn nói với Tôn Kỳ rằng:

- các ngươi cứ lui về phía sau, chờ ta lên trước đánh tan bọn chúng.

Nói đoạn dừng quân bầy trận rồi một mình một ngựa phóng lên trước, bọn Lôi Chấn theo hộ vệ hai bên. Kiều Đạo Thanh cất giọng quát to:

- Bọn giặc cỏ sao dám lừa bịp? ta quyết cùng bọn người một phen sống chết.

Kiều Đạo Thanh vốn sinh trưởng ở đất Kinh Nguyên cuối miền tây bắc, cách Sơn Đông khá xa, không biết rõ tình hình bên quân Tống Giang.

Bên quân Tống Giang cờ lệnh phất trái vẫy phải, điều khiển quân sĩ xếp thành thế trận hai mặt trông nhau. Tù và, trống trận nổi vang. Ở phía nam cờ vàng phấp phới. Từ dưới môn kỳ có hai tướng cưỡi ngựa ra trận: ngồi trên lưng ngựa thẳng lối chính giữa là Sơn Đông Hô bảo nghĩa Cập thời vũ Tống Công Minh, bên trái là Nhập Vân long Công Tôn Nhất Thanh. Công Tôn Nhất Thanh tay cầm bảo kiếm giơ lên chỉ Kiều Đạo Thanh mà nói:

- Pháp thuật của ngươi không phải là chính pháp, mau xuống ngựa quy hàng!

Kiều Đạo Thanh đáp:

- Chẳng may pháp thuật của ta không thiêng. ngươi dám bảo ta hàng phục?

Công Tôn Thắng nói:

- Ngươi còn dám trổ ngón gì nữa không?

Kiều Đạo Thanh quát:

- Ngươi xem thường ta quá lắm, phải cho ngươi biết phép thuật của ta!

Kiều Đạo Thanh lẩm nhẩm niệm chú rồi nhìn vào Phí Trân mà vẫy tay. Ngọn thương thép của Phí Trân liền rời khỏi tay rồi chờn vờn bay tới đâm vào Công Tôn Thắng. Công Tôn Thắng cũng giơ kiếm chỉ vào Tần Minh. Cây lang nha côn của Tần Minh liền rời khỏi tay Tần Minh bay tới đón chặn ngọn thương thép. Hai binh khí cái tiến cái lùi, vù vù rít gió giao đấu với nhau giữa không trung. Quân hai bên hò reo khen giỏi. Chợt nghe một tiếng kêu "rắc", quân đội bên hò reo vang dậy; giữa không trung, cây lang nha côn đã đánh rơi ngọn thương thép. Ngọn thương rơi trúng vào trống trận của quân Bắc, phát ra một tiếng "tùng" rồi cắm xuyên vào xẻ rách mặt trống. Tên quân giữ trống khϊếp sợ tái mặt. Cây lang nha côn lại trở về với Tần Minh. Công Tôn Thắng quát:

- Ngươi còn múa rìu qua mắt thợ nữa không?

Kiều Đạo Thanh lại bắt quyết niệm chú, giơ tay vẫy về phía bắc, quát:"mau!" Bỗng từ phía lũng núi Ngũ Long sau trại quân Bắc có một đám mây đen bay lên, trong mây hiện ra một con rồng đen trương vảy quẫy đuôi bay đến. Công Tôn Thắng ha hả cười to rồi cũng giơ tay vẫy về phía Ngũ Long sơn, liền thấy một con rồng vàng từ trong lũng núi bay vụt ra toả mây mù chặn đánh rồng đen giữa không trung. Kiều Đạo Thanh gọi:"thanh long đến mau!" liền thấy một con rồng xanh từ trên đỉmh núi bay tới, tiếp theo sau là một con rồng bạch cùng bay kịp lên giao chiến. Quân hai bên đều đứng xem. Kiều Đạo Thanh giơ kiếm gọi to:"xích long ra mau!" Trong khoảnh khắc, một con rồng đỏ từ trong lũng núi bay đến. Năm rồng giao chiến giữa không trung. Quả là theo đúng thuyết ngũ hành: năm chất kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ "tương sinh tương khắc". Lốc to gió lớn nổi lên, quân sĩ vác cờ của cả hai bên bị gió cuốn một lúc ngã liền mấy chục tên. Công Tôn Thắng tay trái giơ kiếm, tay phải cầm chiếc phất trần ném lên trời. Chiếc phất trần lộn một vòng rồi biến thành một con chim trông giống như con ngỗng trời bay đi. Trong khoảnh khắc con chim ấy đã bay cao, càng cao càng lớn ra, vờn theo luồng gió lốc mà bay lên tận chín tầng mây, biến thành con chim bằng vươn cánh như đám mây buông ngang trời. Con thần ưng nhằm đúng giữa năm con rồng bổ nhào xuống đánh. Chỉ nghe tiếng rào rào như tiếng sấm ở tít trời cao, năm con rồng bị đánh sầy da sầy vẩy. Nguyên là ở núi Ngũ Long có điềm thiêng trên vùng núi thường có đám mây năm sắc hiện lên. Thấy thần báo mộng, dân chúng cùng nhau lập miếu thờ. Giữa miếu có bầy bài vị Long vương đắp tượng năm con rồng xanh, vàng, đỏ, đen, trắng uốn lượn trên cột miếu, mỗi con ứng với một phương. Những tượng rồng ấy đắp bằng đất sét, ngoài tô nhũ vàng. Cả Kiều Đạo Thanh và Công Tôn Thắng đều dùng phép gọi năm con rồng ấy vào cuộc chiến. Công Tôn Thắng lại dùng chiếc phất trần hoá phép biến thành chim bằng bổ nhào xuống đánh. Cả năm con rồng đất tả tơi rơi xuống. Kiều Đạo Thanh đành chịu bó tay, lại bị đuôi con rồng vàng rơi xuống trúng đầu làm bẹp chiếc mũ đạo sĩ của y. Công Tôn Thắng lại vẫy tay, chim bằng liền biến mất, chiếc phất trần lại trở về trong tay Công Tôn Thắng. Kiều Đạo Thanh còn muốn trổ yêu thuật nữa, nhưng Công Tôn Thắng đã dùng phép Ngũ lôi thần thông, gọi một vị thần mặc áo giáp vàng hiện ra trên đầu Kiều Đạo Thanh mà quát:

- Kiều Đạo Thanh hãy xuống ngựa chịu trói!

Kiều Đạo Thanh lẩm nhẩm niệm chú nhưng không thấy linh nghiệm nữa. Kiều Đạo Thanh vội quất ngựa chạy về trận nhà, Lâm Xung xách xà mâu phóng ngựa đuổi theo quát:

- Tên yêu đạo kia chớ chạy!

Bên quân Bắc, Nghê Lân khua đao thúc ngựa chạy lên chặn đánh. Lôi Chấn cũng cầm kích phong ngựa lên trợ chiến. Bên quân Tống Giang có Thang Long vác chuỳ sắt xông tới chặn đánh. Quân hai bên hò la vang dậy, bốn viên chiến tướng phân làm hai đội ra sức giao chiến giữa trận. Nghê Lân và Lâm Xung đánh hơn hai mươi hiệp vẫn không phân thắng bại. Lâm Xung lựa đúng lúc đối phương đâm trượt liền phóng mâu đâm trúng chân ngựa của Nghê Lân. Con ngựa ngã nhào, Nghê Lân bị hất lăn xuống đất liền bị Lâm Xung phóng mâu đâm trúng ngực chết ngay tại trận. Lôi Chấn thấy Nghê Lân ngã ngựa bèn cố ý đâm dứ một đường rồi giật ngựa chạy. Thang Long đuổi kịp, vung thiết chuỳ vụt trúng. Lôi Chấn toác mũ sắt, vỡ đầu chết lăn dưới ngựa. Tống Giang giơ roi chỉ lên trước. Bọn Trương Thanh, Lý Vân, Hỗ Tam Nương, Cố Đại Tẩu nhất loạt xông lên. Quân Bắc rối loạn tìm đường chạy trốn, bị chém gϊếŧ nhiều không kể xiết.

Tôn Kỳ, Nhϊếp Tân, Phí Trân, Tiết Xan theo hộ vệ Kiều Đạo Thanh chạy về Chiêu Đức. Cả bọn chạy vòng ra sau núi, còn cách thành chừng năm sáu dặm. Bỗng nghe phía trước trống nổi vang trời, quân sĩ hò reo dậy đất, một đội quân theo con đường nhỏ phía đông đang tiến đến. Hai tướng dẫn đầu là Kim thương thủ Từ Ninh và Cấp tiên phong Sách Siêu. Quân hai bên chưa kịp giao chiến lại có thêm một đội quân nữa vừa tiếp đến. Đó là năm nghìn quân ở thành Chiêu Đức do hai tướng trấn thủ Đái Mỹ và Ông Khuê mở cửa thành phía nam ra tiếp ứng. Từ Ninh, Sách Siêu chia nhau hai đường cự địch. Sách Siêu dẫn hai nghìn quân tiến lên đánh phía bắc. Đái Mỹ đi đầu, xuất trận đấu với Sách Siêu, chưa đuợc mười hiệp thì bị Sách Siêu vung búa chém đứt làm hai đoạn. Ông Khuê vội đưa quân quay về thành, Sách Siêu phóng ngựa đuổi theo chém hơn trăm tên, đuổi sát tận chân thành cửa nam thì người ngựa của Ông Khuê đã vào thành, rút cầu treo, đứng trên mặt thành lao gỗ bắn đá xuống như mưa. Sách Siêu đành phải đưa quân trở về.

Lại nói Từ Ninh dẫn ba nghìn quân chặn đường rút lui của bọn Tôn Kỳ. Bọn Tôn Kỳ, Nhϊếp Tân tuy bị thua một trận nhưng lúc ấy vẫn còn đến hơn hai vạn quân. Tôn Kỳ, Nhϊếp Tân cố sức đánh quân của Từ Ninh để lấy đường thoát. Phí Trân và Tiết Xán không tham đánh, dẫn năm nghìn quân kỵ hộ vệ Kiều Đạo Thanh chạy về hướng tây. Từ Ninh một mình hết sức chống cự với Tôn Kỳ, Nhϊếp Tân, bị lọt vào giữa vòng vây. May có Tống tiên phong và Sách Siêu từ hai phía nam, bắc kịp đưa quân đến. Tôn Kỳ, Nhϊếp Tân không chịu nổi quân ba mặt đánh tới. Nghϊếp Tân bị Từ Ninh phóng câu liêm đâm trúng tay trái, ngã nhào rồi bị người ngựa xông lên xéo nát. Tôn Kỳ cướp đường toan chạy, bị Trương Thanh đuổi kịp đâm thương trúng vào gáy lăn nhào xuống đất. Ba vạn quân người ngựa của Kiều Đạo Thanh bị chém gϊếŧ quá nửa, thây chết đầy đồng, máu chảy thành sông. Chiêng trống, áo giáp mũ trụ, ngựa chiến vứt bỏ giữa bãi chiến trường nhiều không đếm xuể, người ngựa sống sót tìm đường chạy trốn tán loạn.

Tống Giang, Công Tôn Thắng, Lâm Xung, Trương Thanh, Thang Long, Lý Vân, Hỗ Tam Nương, Cố Đại Tẩu cùng bọn Từ Ninh, Sách Siêu hợp binh làm một, tất cả hai vạn năm nghìn quân. Nghe báo Kiều Đạo Thanh cùng bọn Phí Trân, Tiết Xán dẫn năm nghìn quân mã chạy trốn về phía tây, Tống Giang muốn cho quân đuổi theo, nhưng lúc ấy trời đã xế chiều, người ngựa đều đói mệt nên Tống tiên phong muốn thu quân về trại ăn uống nghỉ ngơi. Giữa lúc ấy có tin bọn Phàn Thuỵ, Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc do quân sư Ngô Dụng sai đem một vạn quân mã đi tiếp ứng đã tới. Tống tiên phong cả mừng.

Công Tôn Thắng nói:

- Bây giờ đã có thêm quân đến cứu viện, tiên phong cùng các vị đầu lĩnh cứ về trại nghỉ ngơi, bần đạo sẽ cùng Phàn Thụy, Đan Đình Khuê, Ngụy Định Quốc đưa quân đuổi theo Kiều Đạo Thanh, bức hắn phải hàng phục.

Tống Giang nói:

- Nhờ phép thần thông kỳ diệu của tiên sinh đại quân ta mới thoát cơn nguy khốn. Tiên sinh mới từ xa đến đang mệt mỏi hãy cùng Tống Giang tôi về đại trại nghỉ ngơi, ngày mai sẽ tính. Bọn Kiều Đạo Thanh cùng đường hết kế, chẳng có gì đáng lo.

Công Tôn Thắng nói:

- Sư phụ La chân nhân thường nói với bần đạo: "Kiều Liệt ở đất Kinh Nguyên từng đến học đạo với ta, cũng đáng kể là người có cốt cách đạo nhân, nhưng ta chưa nhận hắn làm đồ đệ, vì xét hắn còn nặng tà tâm. Âu cũng là do oan hồn người chết oán ghét nên vận xấu của hắn còn chưa dứt được. Ngày sau tà tâm bớt dần, cơ duyên gặp hội, tìm được người nhân đức hắn sẽ hàng phục. Nếu ngươi gặp Kiều Liệt thì nên cảm hoá cho hắn giác ngộ lẽ huyền vi, tất cả sẽ có lúc dùng đến". Bần đạo từ Vệ Châu vâng lệnh đến đây, dọc đường có tìm hỏi lai lịch của hắn. Trương tướng quân cho biết hàng tướng Cảnh Cung nói Kiều Đạo Thanh tức là Kiều Liệt ở Kinh Nguyên. Vừa rồi bần đạo thấy phép thuật của hắn cũng không phải hạng xoàng, bần đạo nhờ được sư phụ La chân nhân truyền cho Ngũ lôi chính pháp nên mới phá đuợc tà thuật của hắn. Thành này gọi là thành Chiêu Đức, xét ra là hợp với lời pháp ngữ của sư phụ: "Ngộ đức ma hàng" (gặp người có đức, ma quỷ phải hàng). Nếu để cho Kiều Liệt chạy thoát về, sau lại rơi vào nghiệp chướng tức là bần đạo làm sai lời dạy của bản sư. Vì vậy xin tiên phong cho bần đạo đưa quân đuổi theo, tùy cơ mà thu phục hắn.

Tống Giang nghe xong rất vui mừng, cùng các tướng đưa quân về đại trại, còn Công Tôn Thắng cùng Phàn Thuỵ, Đan Đình Khuê, Nguỵ Định Quốc thống lĩnh một vạn quân mã đuổi theo Kiều Đạo Thanh.

Lại nói Kiều Đạo Thanh cùng với Phí Trân, Tiết Xán dẫn năm nghìn tàn quân người ngựa chạy băng về phía tây thành Chiêu Đức, định vào thành theo lối cửa tây. Bỗng nghe tiếng tù và xen lẫn tiếng trống nhất loạt nổi vang, rồi thấy phía cánh rừng rậm có một đội quân kỵ phóng đến như bay. Hai tướng dẫn đầu là Nuỵ cước hổ Vương Anh và Tiểu Uý trì Tôn Tân dẫn năm nghìn quân dàn thành thế trận chặn đường về của Kiều Đạo Thanh. Phí Trân, Tiết Xán liều mạng xông vào đánh. Tôn Tân và Vương Anh theo lẹnh của Công Tôn Thắng không đuổi đánh chỉ chặn đường không cho bọn chúgn về thành. Kiều Đạo Thanh thấy vậy chỉ dẫn quân chạy về phía bắc. Các tướng của Điền Hổ giữ thành Chiêu Đức biết Kiều Đạo Thanh thua trận, nhưng thấy quân Tống Giang ào ạt đánh đến nên đóng chặt cửa thành không ra tiếp ứng.

Trên đường đuổi theo Kiều Đạo Thanh, Công Tôn Thắng gặp quân chặn đường của bọn Tôn Tân, Vương Anh, Công Tôn Thắng nói:

- Hai đầu lĩnh hãy trở về đại trại, bần đạo sẽ dẫn quân đuổi theo bọn chúng.

Bấy giờ trời sắp tối, Tôn Tân, Vương Anh tuân lệnh đem quân về.

Lại nói Kiều Đạo Thanh cùng Phí Trân, Tiết Xán dẫn tàn quân hoảng hốt chạy gấp về phía bắc. Một vạn quân của bọn Công Tôn Thắng, Phàn Thụy vẫn đuổi sát theo sau. Công Tôn Thắng gọi to:

- Kiều Liệt mau sống ngựa đầu hàng!

Kiều Đạo Thanh đáp:

- Ta là kẻ bề tôi phải hết lòng với chủ, sao người bức bách ta quá thế?

Bấy giờ đã tối, quân Tống Giang đốt đuốc sáng trưng. Kiều Đạo Thanh quay nhìn xung quanh thấy quân sĩ đã bỏ trốn cả chỉ còn bọn Phí Trân, Tiết Xán cùng hơn ba chụ tên quân kỵ, Kiều Đạo Thanh toan rút kiếm tự tử, Phí Trân trông thấy vội ngăn lại mà nói:

- Quốc sư bất tất phải quên thân như thế! xin quốc sư hãy thúc ngựa đến tìm nơi ẩn náu ở ngọn núi đằng trước kia.

Kiều Đạo Thanh kế cùng lực kiệt đành theo hai tướng chạy vào núi Bách Cốc lĩnh ở phía tây bắc thành Chiêu Đức. Tương truyền đó là nơi vua Thần Nông trông thử các giống lúa. Kiều Đạo Thanh cùng bọn Phí Trân, Tiết Xán chạy vào ẩn trong miếu thờ Thần Nông. Thủ hạ chỉ còn mười lăm, mười sáu tên quân kỵ.

Lại nói Công Tôn Thắng nghe nói bọn Kiều Đạo Thanh đã trốn vào núi liền chia quân ra bốn ngả bao vây Bách Cốc lĩnh khắp bốn phía. Vào khảong canh hai bỗng thấy lửa sáng rừng rực hai phía đông, nam. Đó là Tống tiên phong sau khi về trại lại sai bọn Lâm Xung, Trương Thanh mỗi người dẫn năm nghìn quân mã luôn đêm đi tiếp ứng. Các tướng hợp binh làm một, tất cả gồm hai vạn người ngựa, rải khắp bốn phía đóng trại bao vây bọn Kiều Đạo Thanh.

Sáng hôm sau, biết tin bọn Kiều Đạo Thanh bị quân Công Tôn Thắng bao vây ở Bách Cốc lĩnh, Tống Giang cùng với quân sư Ngô Dụng liền bàn đánh thành, rồi truyền lệnh cho đại quân nhổ trại tiến sát đến bao vây thành Chiêu Đức, không để sơ hở một nơi nào. Tướng giữ thành là Diệp Thanh cố giữ vững thành trì, quân Tống Giang đánh hai ngày liền không hạ được. Tống Giang đóng quân ở phía nam thành Chiêu Đức có ý buồn phiền, lại thêm chuyện bọn Lý Quỳ bị bắt không biết sống chết ra sao, Tống Giang càng lo lắng, bất giác nước mắt trào thấm áo.

Quân sư Ngô Dụng khuyên:

- Huynh trưởng chớ nên buồn phiền, ta chỉ tốn thêm dăm tờ giấy, quân trong thành tất phải đầu hàng cả.

Tống Giang vội hỏi:

- Quân sư có kế gì hay?

Ngô Dụng bèn bật hai ngón tay, thong thả nói với Tống Giang. Chỉ biết rằng:

Máu đào chẳng nhuốm, thành bèn hạ

Quân đi chúc giáo, vạn dân nhờ.

Chưa biết mưu kế của quân sư Ngô Dụng ra sao, xem hổi sau sẽ rõ.