Hậu Thủy Hử

Chương 90: Núi Ngũ Đài, Tống Giang Đi Lễ Phật

Đang nói chuyện Trí Chân trưởng lão tu hành trên núi Ngũ Đài có tiếng là đức Phật sống ở thời Tống bấy giờ. Trưởng lão hay biết cả việc quá khứ và việc tương lai. Từ mấy năm trước, Trí Chân trưởng lão biết rõ Lỗ Trí Thâm này sẽ có chính quả, chỉ hiềm tục duyên chưa dứt, còn nặng nợ sát sinh, nên hãy để cho một phen long đong nơi trần thế. Vốn có lúc căn từ kiếp trước, Lỗ Trí Thâm vẫn giữ được đạo tâm, hôm ấy chợt có ý muốn về lễ chùa nghe sư phụ thuyết pháp. Tống Công Minh sẵn có thiện tâm, nhân dịp ấy cũng muốn cùng Lỗ Trí Thâm đến lễ chùa yết kiến trưởng lão.

Hôm ấy Tống Giang và các tướng chỉ đưa theo một ít quân mã tuỳ tòng cùng đi với Lỗ Trí Thâm. Đến chân núi Ngũ Đài, Tống Giang sai dựng trại cho quân sĩ nghỉ ngơi rồi cho người lên chùa báo tin. Tống Giang và các tướng đều thay mặc thường phục, đi bộ lên núi. Vừa đến trứơc cổng chùa đã nghe bên trong tiếng trống dóng chuông khua, rồi các sư đều ra cổng ngoài đón tiếp, chắp tay vái chào Tống Giang, Lỗ Trí Thâm và các đầu lĩnh cùng đi. Trong số các sư ra đó, có nhiều người nhận ra Lỗ Trí Thâm, lại thấy đoàn đông các vị đầu lĩnh ấy hàng ngũ chỉnh tề theo sau Tống Giang, các nhà sư đều ngạc nhiên. Nhà sư thủ toà gian chùa ngoài đến thưa với Tống Giang:

- Trưởng lão hiện đang tọa thiền nhập định, chưa tiếp kiến ngay được, xin tướng quân chớ làm kinh động.

Nói đoạn mời Tống Giang và các đầu lĩnh vào phòng khách ngồi nghỉ. Trà nước xong người hầu vào thưa:

- Trưởng lão thiền định đã xong, hiện đang đợi ở nhà phương trượng, xin mời tướng quân vào.

Tống Giang và hơn trăm đầu lĩnh đều theo đến nhà phương trượng yết kiến Trí Chân trưởng lão. Trưởng lão trông thấy vội xuống dưới thềm đón tiếp, mời tất cả Tống Giang và hơn trăm đầu lĩnh đều theo đến nhà phương trượng yết kiến Trí Chân trưởng lão. Trưởng lão trông thấy vội xuống dưới thềm đón tiếp, mời tất cả cùng lên. Chủ khách thi lễ đã xong, Tống Giang ngước thấy vị hoà thượng ấy trạc ngoài sáu mươi, mày tóc bạc trắng, cốt cách thanh tao, tướng mạo uy nghi đường bệ. Mọi người đã lên cả trên nhà phương trượng. Tống Giang mời Trí Chân trưởng lão ngồi ghế thượng tọa rồi thấy hương làm lễ bái kiến. Các đầu lĩnh xếp hàng cùng lạy. Lễ xong, Lỗ Trí Thâm lại bước lên dâng hương lạy chào riêng. Trí Chân trưởng lão nói:

- Đồ đệ ra đi đã mấy năm nhưng tính hay đốt nhà gϊếŧ người xem ra vẫn chưa bỏ được.

Lỗ Trí Thâm lặng thinh không dám đáp. Tống Giang bước lên đỡ lời:

- Bấy lâu từng được nghe tiếng đức thanh cao của trưởng lão, chẳng may tục duyên phận mỏng chưa được bái yết tôn nhân. Nay anh em chúng tôi phụng chiếu triều đình đi đánh giặc Liêu về qua đây, được yết kiến trưởng lão, thật là phúc lớn trong đời. Hiền đệ Trí Thâm đây quả có chuyện đốt nhà gϊếŧ người, nhưng vốn lòng trung nghĩa không dám tàn hại lương dân, hôm nay Trí Thâm hiền đệ đưa bọn anh em chúng tôi cùng đến kính thăm sư phụ.

Trí Chân trưởng lão đáp:

- Các vị cao tăng thường đến đây cùng bần đạo luận bàn thế sự, nhờ thế bần đạo được biết lâu nay tướng quân thay trời hành đạo, lấy trung nghĩa làm gốc cõi tâm. Đồ đệ Trí Thâm theo giúp tướng quân thì có gì sai trái!

Tống Giang nghe xong cảm tạ trưởng lão hồi lâu.

Lỗ Trí Thâm lấy gói vàng bạc vóc lụa đem dâng lên sư phụ. Trí Chân trưởng lão nói:

- Này đồ đệ, những thứ này ở đâu ra? của phi nghĩa ta quyết không thu nhận!

Lỗ Trí Thâm thưa:

- Đệ tử có chút công lao, mấy lần được ban thưởng nhưng không dùng đến, đệ tử dành góp lại, nay xin dâng lên sư phụ để dùng vào việc chung của nhà chùa.

Trưởng lão nói:

- Việc chung cũng không cần đến, ta sẽ mua riêng cho đồ đệ một bộ kinh để sớm tối tụng niệm cho tiêu trừ tội ác, sớm thành chính quả.

Lỗ Trí Thâm lạy tạ hồi lâu. Tống Giang cũng lấy vàng bạc vóc lụa đưa biếu trưởng lão, trưởng lão một mực từ chối. Tống Giang thưa:

- Sư phụ nhất định không chịu thu nhận, vậy xin phép được sai khố ti sửa soạn bữa tiệc chay để cúng hiến tăng ni trong chùa.

Hôm ấy anh em Tống Giang ngủ đêm ở chùa Ngũ Đài Sơn. Trí Chân trưởng lão sai dọn cơm chay tiếp đãi, việc không có gì phải nói.

Ngày hôm sau, khố ti sửa soạn tiệc chay đã xong, Trí Chân trưởng lão sai điểm chuông gõ trống gọi tất cả tăng ni lên nhà giảng kinh nghe thuyết pháp. Chỉ một lát các sư ni lần lượt đến đông đủ, người nào cũng cầm theo một chiếc ghế thấp vào ngồi trong nhà giảng kinh. Tống Giang, Lỗ Trí Thâm và các đầu lĩnh sắp hàng hai bên. Theo nhịp khánh mở đầu cuộc lễ, hai sư bác x ach hai ngọn đèn l*иg bọc lụa đỏ đi hai bên dìu trưởng lão lên bệ giảng kinh. Trưởng lão Trí Chân đứng trên bệ, đốt hương chúc niệm: "nén hương thứ nhất xin cầu chúc cho hoàng thượng thánh thọ vô cương, muôn dân được yên cư lạc nghiệp. Nén thứ hai xin cầu nguyện cho trai chủ hôm nay được vui vẻ bình an, tuổi thọ thêm dài. Nén thứ ba cầu chúc cho nước nhà yên ổn chúng dân hưởng thái bình, mưa hoà gío thuận, mùa màng tươi tốt, tam giáo đều hưng thịnh, bốn phương yên lành.

Chúc niệm xong, Trí Chân trưởng lão ngồi xuống ghế giảng kinh, còn các tăng ni xong lễ vấn tấn vẫn đứng yên như cũ. Tống Giang cầm hương bước lên vái lễ rồi chắp tay trước ngực thưa:

- Đệ tử thường nghe nói: "Kiếp phù sinh có hạn mà bể khổ vô bờ, thân phận con người nhỏ mọn mà việc tử sinh coi là chuyện lớn nhất trên đời". Dám mong được sư phụ chỉ giáo cho.

Trí Chân trưởng lão bèn đọc một bài kệ đáp:

Lục căn trói buộc lâu năm

Tứ đại giềng chân đã lắm

Đá loà chớp lửa ầm ầm

Thây rụng xương tan thê thảm

Thế giới bao la rộng lớn

Chúng sinh bùn đất bết lầm.

Trưởng lão đọc xong bài kệ, Tống Giang lạy tạ rồi lui về đứng chỗ cũ. Sau đó các đầu lĩnh cầm hương vái lễ, cùng đồng thanh thề: "cầu cho anh em chúng tôi được cùng sống, cùng chết, lúc nào cũng có nhau".

Lễ cầu hương đã xong, các tăng ni đều đến nhà Vân Đường dự tiệc chay. Mọi người ăn uống đã xong, Tống Giang và Lỗ Trí Thâm theo Trí Chân trưởng lão về nhà phương trượng. Tối hôm ấy ngồi hầu chuyện trưởng lão, Tống Giang nói:

- Đệ tử và hiền đệ Lỗ Trí Thâm vẫn muốn ở hầu sư phụ thêm vài hôm để đuợc chỉ giáo cho điều tăm tối u mê, nhưng vì phải thống lĩnh đại quân, không dám nấn ná ở lại. Lời kệ ngũ sư phụ ban cho hôm nay đệ tử quả thật chưa hiểu rõ. Nay sắp bái từ sư phụ về kinh, không biết việc tiền trình của anh em đệ tử ra sao, cúi mong sư phụ cho lời dạy bảo.

Trí Chân trưởng lão sai lấy giấy bút viết bài kệ bốn câu như sau:

Đương phong nhạn ảnh phiên

Đông khuyết bất đoàn viên

Chỉ nhãn công lao túc

Song Lâm phúc thọ tuyển

Trời cao bóng nhạn vờn

Cung khuyết chẳng đoàn viên

Hễ thấy công lao đủ

Song Lâm phúc vẹn tuyền.

Viết xong, trưởng lão cầm đưa cho Tống Giang, nói:

- Bài kệ này nói đến việc cả đời của tướng quân. Tướng quân cứ giữ kín, sau sẽ thấy ứng nghiệm.

Tống Giang xem hết vẫn không hiểu, hỏi lại Trí Chân trưởng lão:

- Đệ tử ngu muội không hiểu lời thiền ngữ, xin sư phụ giải thích để đệ tử khỏi băn khoăn nghĩ ngợi.

Trưởng lão nói:

- Đấy là lời ẩn ngữ can hệ đến cơ thiền, tướng quân phải suy ngẫm tự hiểu, chứ không thể nói rõ.

Nói đoạn trưởng lão gọi Lỗ Trí Thâm lại gần căn dặn:

- Đồ đệ đi chuyến này chắc không còn gặp lại ta: có lẽ ta sắp đến gần chính quả! nay cho ngươi bài kệ bốn câu nói việc tiến trình của ngươi, hãy cất giữ để trọn đời suy nghiệm.

Bài kệ viết:

Phùng hạ nhi cầm

Ngô lạp nhi chấp

Thích triều nhi viện

Kiến tín nhi tịch

Gặp Hạ thì bắt

Gặp Lạp thì giữ

Nghe triều thì viên

Thấy sóng thì tịch.

Lỗ Trí Thâm lạy nhận bài kệ, đọc đi đọc lại mấy lần mới xếp cất trong người, rồi lạy tạ sư phụ lần nữa. Anh em Tống Giang nghỉ thêm một đêm trên chùa Ngũ Đài Sơn.

Sáng hôm sau, Tống Giang, Lỗ Trí Thâm cùng Ngô Dụng và các đầu lĩnh đến từ biệt Trí Chân trưởng lão trở về doanh trại. Trí Chân trưởng lão và các tăng ni theo tiễn đưa đến tận cổng ngoài mới quay lại.

Không nói việc Trí Chân trưởng lão và các tăng ni đi tiễn trở về. Kể tiếp chuyện Tống Giang và các đầu lĩnh đến doanh trại dứới núi Ngũ Đài Sơn liền hạ lệnh cho quân sĩ nhổ trại gấp rút trở về. Đến trước doanh trại đã thấy bọn Lư Tuấn Nghĩa, Công Tôn Thắng ra tiếp đón. Mọi người cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Tống Giang kể lại cho bọn Lư Tuấn Nghĩa nghe chuyện các anh em đầu lĩnh đã cùng nhau đốt hương chung thề trên chùa Ngũ Đài Sơn. Lại lấy bài thơ thiền ngữ đưa cho Lư Tuấn Nghĩa và Công Tôn Thắng cùng xem nhưng cũng chẳng ai hiểu gì.

Tiêu Nhượng nói:

- Lời thiền bí ẩn, anh em bọn ta hiểu sao được!

Ai nấy đều kinh lạ.

Tống Giang truyền lệnh đốc thúc quân mã lên đường. Các tướng được lệnh liền gấp rút cho ba quân xuất phát, thẳng hướng trở về Đông Kinh. Quân lính không mảy may đυ.ng chạm đến tài sản của dân những vùng đi qua. Dân chúng già trẻ dắt dìu nhau đi xem quân đội của nhà vua. Thấy Tống Giang và các tướng uy nghi lẫm liệt, ai nấy đều trầm trồ thán phục.

Quân Tống Giang đã đi mấy ngày đường, hôm ấy đi qua Song Lâm trấn. Dân trong trấn cùng dân các làng lân cận đều kéo đến xem. Anh em Tống Giang xếp hàng đôi, sánh cương ngựa đi qua. Hàng quân đang tiến, bỗng một đầu lĩnh từ trên ngựa nhảy xuống chạy đến kéo tay một người trong đám dân chúng đang đứng bên vệ đường reo to:

- Đại huynh sao lại ở đây!

Hai người chào hỏi, chuyện trò với nhau. Tống Giang đến gần thấy Lãng Tử Yến Thanh đang nói chuyện với một người. Yến Thanh chắp tay nói:

- Hứa đại huynh, đây chính là Tống tiên phong.

Tống Giang thấy tướng mạo người ấy có phần cổ quái, nhưng phong thái ung dung nhã nhặn, vội xuống ngựa cúi chào:

- Mong được biết quý danh của cao sĩ!

Người khách lạ thấy Tống Giang liền quỳ xuống vái lạy, nói:

- Từng nghe đại danh đã lâu, nay mới được yết kiến!

Tống Giang đáp lễ không kịp, vội đỡ người ấy đứng dậy, nói:

- Tống Giang tôi không dám làm phiền cao sĩ!

Người kia nói:

- Tiểu nhân họ Hứa, tên Quán Trung, tổ phụ vốn quê ở phủ Đại Danh, đến ngụ cư ở nơi sơn dã này. Ngày trước Hứa tôi từng kết bạn với tướng quân Yến Thanh, xa nhau đã hơn mười năm. Về sau lênh đênh trên sông nước, nghe nói Yến huynh tìm đến dưới cờ của tướng quân, Hứa tôi thật mát lòng hởi dạ. Nay nghe tin tướng quân đại phá giặc Liêu trở về, Hứa tôi đón đường ngóng trông, được thấy chư vị anh hùng thật vô cùng may mắn. Nay Hứa tôi muốn mời Yến huynh đến tệ xá nghỉ chân, anh em cùng nhau trò chuyện, không biết tướng công có ưng thuận không?

Yến Thanh cũng thưa:

- Tiểu đệ với Hứa huynh đây xa cách đã lâu, bất ngờ được gặp lại, Hứa huynh có nhã ý như vậy, tiểu đệ cũng xin tướng quân cho phép theo Hứa huynh về ở chơi ít ngày. Đại huynh cùng các tướng quân cứ đi trước, tiểu đệ xin đuổi theo sau.

Tống Giang chợt nẩy ra một ý liền nói:

- Này hiền đệ Yến Thanh, ta thường nghe nói Hứa tiên sinh là bậc anh hùng quả cảm, Tống Giang này chỉ giận mình phận mỏng không có duyên tương ngộ. Nay gặp Hứa đại huynh có lòng thương yêu hiền đệ, chi bằng ta mời Hứa đại huynh cùng đi để được nghe lời chỉ giáo.

Hứa Qúan Trung từ tạ nói:

- Biết tướng quân là người trung nghĩa, khảng khái, Hứa tôi vẫn ao ước từ lâu được đi theo tướng quân, hiềm vì còn có mẹ già ngoài bảy mươi nên không dám đi xa.

Tống Giang nói:

- Nếu quả như vậy Tống Giang tôi không dám nài ép.

Đoạn quay lại nói với Yến Thanh:

- Hiền đệ đi chóng mà về cho kịp, chớ để anh em ta mong. Vả lại về đến kinh đô còn phải thu xếp để sớm vào triều kiến.

Yến Thanh đáp:

- Tiểu đệ không dám sai lệnh của đại huynh!

Rồi Yến Thanh đi tìm Lư Tuấn Nghĩa để báo tin và tạm biệt Lư Tuấn Nghĩa.

Tống Giang lên ngựa đi tiếp. Các đầu lĩnh đi được một quãng quá tầm tên bắn, thấy Tống Giang đứng nói chuyện với Hứa Qúan Trung thì đều dừng ngựa đứng chờ. Tống Giang thúc ngựa đuổi kịp, lại cùng các đầu lĩnh tiến về phía trước.

Tiếp đây chuyện kể theo hai mối.

Yến Thanh gọi một quân sĩ tuỳ tòng thân tín đi theo mang hành lý, cho lấy thêm ngựa, nhường con tuấn mã của mình cho Hứa Quán Trung. Đến một quán rượu gần đó, Yến Thanh cởi xếp giáp phục, mặc quần áo thường. Hai người cùng lên ngựa, người lính hầu khoác bao hành lý theo sau. Ra khỏi trấn Song Lâm, ba người theo con đường nhỏ đi về phía tây bắc. Đi qua vài làng xóm, lại vượt mấy cánh rừng, đằng trước là con đường núi hẻo lánh quanh co. Hai người đóng ngựa vừa đi vừa kể lại tình bạn ngày xưa, nói cả những ý nghĩ vẫn giấu kín trong lòng. Ra khỏi đường vách núi, vòng theo con suối lớn, đi chừgn ba mươi dặm nữa, Hứa Quán Trung chỉ tay nói:

- Nhà tranh của tiểu đệ ở dãy núi cao kia!

Lại đi hơn mười dặm nữa mới đến nơi. Quả lả một vùng non xanh nước biếc, phong cảnh khác thường, Yến Thanh mãi nhìn cảnh núi, bất giác bóng chiều đã ngả về tây.

Ngọn núi này gọi là núi Đại Phi, đời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ khơi sông trị thuỷ từng đi qua vùng này. Kinh Thư có câu: "Chi vu Đại Phi" quả có di tích này chứng thực. Vùng núi này ngày nay ở vào địa phận huyện Túân thuộc phủ Đại Danh, việc ấy không cần nói đến.

Kể tiếp chuyện, Hứa Quán Trung dẫn Yến Thanh đi vòng qua mấy ngọn núi vào sâu một lũng hẻm có bãi cát bằng rộng chừng ba bốn dặm. Từ xa trông thấp thoáng mấy khu nhà khuất sau lùm cây, lại có mấy nếp nhà tranh chếch về hướng cổng khép hờ. Một vùng sau trước tốt tươi, rặng phong đỏ ối, thông xanh tùng biếc chen màu.

Hứa Quán Trung chỉ tay nói với Yến Thanh:

- Nhà tiểu đệ ở nơi đó!

Yến Thanh nhìn qua hàng giậu, thấy một đứa trẻ đầu tóc đỏ hoe, mặc chiếc áo bán thân đang lúi húi nhặt củi khô chất lên bờ hè. Nghe tiếng vó ngựa, tiểu đồng vội ngẩnh nhìn, kinh ngạc thốt lên: "quái lạ, ngựa nào qua đây thế?" Nhìn kỹ thấy chủ nhà cưỡi ngựa đi sau, tiểu đồng vội chạy ra cổng vòng tay đứng ngây mà nhìn. Nguyên lúc sửa soạn lên đường, Hứa Qúan Trung bảo không cần đạc ngựa, vì thế gần đến nơi người nhà mới biết.

Hai người xuống ngựa đi vào. Người lính hầu buộc ngựa bên gốc cây. Quán Trung và Yến Thanh vào nhà chia ngôi chủ khách cùng ngồi. Trà nước xong, Quán Trung bảo người lính hầu tháo yên cương dắt ngựa ra nhà sau, sai tiểu đồng đi cắt cỏ cho ngựa rồi mời người lính hầu vào nghỉ trong buồng xép. Liền đó Yến Thanh vào chào thăm sức khỏe thân mẫu Quán Trung. Quán Trung cầm tay Yến Thanh dắt sang gian buồng chếch về phía tây. Đẩy cửa sổ nhìn ra, bên ngoài là dòng suối nước trong như lọc, hai người ngồi dựa lưng bên bậu cửa.

Quán Trung nói:

- Nhà của tiểu đệ chật hẹp, mong huynh trưởng đừng cười.

Yến Thanh đáp:

- Nhân huynh ở nơi non xanh nước biếc, tiểu đệ dẫu muốn cũng khó lòng theo kịp!

Qúan Trung hỏi Yến Thanh về việc đi đánh giặc Liêu. Một lúc sau, tiểu đồng khép cửa thắp đèn đưa lên, thu dọn bàn ghế bày ra năm sáu bát thức ăn, lại bưng thêm một đĩa thịt gà, một đĩa cá rán và trái thơm quả lạ nơi rừng núi, sau hết mới rót rượu vào bình đem hâm. Quán Trung rót chén rượu nóng đưa mời Yến Thanh, nói:

- Tiểu đệ mời nhân huynh quá bộ đến tệ xá mà chỉ có rượu quê rau rừng, tiểu đệ thật có lỗi!

Yến Thanh đỡ lời nói:

- Chớ bầy vẽ phiền phức mới thật tình anh em.

Rượu cạn mấy tuần, ngoài song trăng soi vằng vặc. Yến Thanh đẩy cửa nhìn ra, phong cảnh thật hữu tình: gió nhẹ mây cao, suối trong l*иg bóng núi, ánh nguyệt hắt đầy thềm. Yến Thanh không ngớt lời ca ngợi, nói:

- Ngày trước ở phủ Đại Danh, bọn ta thật tâm đầu ý hợp. Từ khi nhân huynh đăng trường thi võ cử, anh em không gặp lại nhau, hay đâu nhân huynh tìm đến chốn này, thật là một nơi thanh u nhã cảnh! còn như tiểu đệ theo việc chính chiến, nay đây mai đó chưa từng được một ngày rảnh rỗi.

Qua n Trung cười đáp:

- Tống Công Minh cùng quý vị tướng quân là những bậc anh hùng cái thế, ứng mệnh vớii thiên tinh, nay đi đánh dẹp khuất phục được cường địch. Hứa tôi chẳng qua như con ốc sên ẩn náu nơi rừng hoang núi vắng, dám đâu sánh với các đại huynh. Tính Hứa tôi không hợp thời nay, thấy bè đảng quyền thần gian nịnh lừa dối triều đình, Hứa tôi buồn chán không còn ham thiết công danh, chỉ thích ngao du sơn thủy.

Nói đoạn cười ha hả, nâng chén uống cạn lại rót thêm. Yến Thanh lấy ra hai chục lạng bạc đưa biếu Quán Trung, nói:

- Có món quà mọn, gọi chút lòng thành của tiểu đệ.

Qúan Trung một mực từ chối không nhận. Yến Thanh lại lựa lời khuyên Quán Trung:

- Nhân huynh là người có tài năng thao lược, chuyến này nên cùng tiểu đệ về kinh sư tìm đường xuất thân.

Qúan Trung thở dài đáp:

- Thời nay, bọn tà gian điều hành chính sự, ghen ghét kẻ hiền tài, rặt những quỷ quái yêu ma đeo đai đội mũ, còn những kẻ trung lương ngay thẳng đều bị hãm hại ở chốn lao tù. Tấm lòng của đệ đã nguội lạnh. Đến ngày công thành danh toại, huynh trưởng cũng nên tìm đường thoái lui. Từ xưa đã có câu: "chim săn đã hết, cung báu cất đi".

Yến Thanh gật đầu thở dài. Hai người trò chuyện đến tận nửa đêm mới đi nghỉ.

Sánt hôm sau, rưae mặt mũi xong, Qúan Trung mời Yến Thanh ăn cơm sáng rồi dẫn đi dạo chơi xem cảnh núi. Yến Thanh lên cao nhìn ra thấy đèo dốc chập chùng, bốn bên đều núi cao rừng rậm chưa có dấu chân người, tiếng chim hót khi gần khi xa. Dân ở đây chỉ có độ hơn hai chục nhà. Yến Thanh nói:

- Cảnh vật nơi đây, Đào Nguyên dễ đâu sánh kịp!

Yến Thanh mải mê ngắm cảnh núi rừng. Tối hôm ấy lại nghỉ ở nhà Quán Trung.

Hôm sau, từ biệt Quán Trung lên đường, Yến Thanh nói:

- Ở lại đây lâu sợ Tống tiên phong trông đợi, hôm nay xin từ biệt nhân huynh!

Qúan Trung đưa Yến Thanh ra cửa, nói:

- Huynh trưởng chờ chút đã!

Lát sau tiểu đồng cầm ra một cuộn giấy, Quán Trung cầm cuộn giấy trao cho Yến Thanh, nói:

- Mấy bức họa vụng về này tiểu đệ mới vẽ gần đây. Huynh trưởng về đến kinh hãy xem kỹ, ngày sau hoặc giả cũng có khi dùng đến.

Yến Thanh cảm tạ đưa cuộn tranh cho người lính hầu cất vào trong bao hành lý. Yến Thanh và Quán Trung tiễn đưa lưu luyến, lại cùng nhau đi thêm mấy dặm đường. Yến Thanh nói:

- Tiễn đưa dù nghìn dặm, đến lúc cũng phải xa. Nhân huynh đừng buồn, sau này còn dịp gặp nhau.

Rồi hai người buồn rầu chia tay.

Yến Thanh ngóai lại thấy Hứa Quán Trung đi đã xa mới gọi lính hầu cùng lên ngựa. Hai người đi mấy ngày đường, đến Đông Kinh vừa lúc Tống tiên phong đang đóng quân ở trạm Trần Kiều chờ thánh chỉ. Yến Thanh vào doanh trại yết kiến Tống tiên phong, việc ấy không có gì phải nói.

Nói tiếp Túc thái uý cùng đội trung quân của Triệu khu mật về thành từ trước đã tâu lên thiên tử biết công lao của bọn anh em Tống Giang. Nay nhận được tin báo Tống Giang đưa tướng sĩ hồi kinh, hiện đã về đến ngoài cửa quan, Triệu khu mật liền vào tâu triều đình, cũng nhắc lại công lao vất vả của anh em Tống Giang khi hành quân ngoài biên giới. Thiên tử nghe tâu hết lời khen ngợi, truyền quan hoàng môn thị lang gọi anh em Tống Giang vào triều kiến, cho phép được mặc giáp phục và mang theo binh khí vào thành. Tống Giang và các tướng vâng mệnh chỉ, ai nấy đều mặc cẩm bào ngoài chẽn giáp sắt, lưng đeo đai da, đầu đội mũ trụ, trước ngực đeo thẻ vàng thẻ bạc, theo cửa Đông Hoa môn vào thành, đến điện Văn Đức triều kiến thiên tử. Các tướng đều quỳ lạy dưới thềm, tung hô "thiên tử vạn tuế". Thiên tử nhìn khắp lượt thấy Tống Giang và các tướng khí phách anh hùng lẫm liệt, tất cả đều mặc nhung y cẩm bào; chỉ có Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng mặc thường phục. Thiên tử vui lòng, nói:

- Quả nhân biết các khanh trận mạc vất vả, tổn lực hao tâm, thương vong cũng nhiều, quả nhân thực lấy làm thương tiếc.

Tống Giang sụp lạy hai lạy, tâu:

- Đội nhờ hồng phúc của thánh thượng, bọn hạ thần chúng tướng tuy cũng có kẻ bị thương, nhưng đều được bình yên vô sự. Nay quân giặc phải đầu hàng, khắp miền biên giới đều được yên ổn, thật là nhờ uy đức của bệ hạ, đâu phải do công lao của bọn hạ thần.

Nói xong lại sụp đầu lạy tạ. Thiên tử truyền mệnh cho các quan sảnh viện bàn bạc để phong tước cho bọn Tống Giang. Thái sư Sái Kinh và quan khu mật Đồng Quán bàn riêng với nhau rồi tâu:

- Việc phong tước cho bọn anh em Tống Giang, xin thư thả để bọn thần nghĩ kỹ rồi sẽ tâu lên bệ hạ.

Thiên tử chuẩn tâu rồi sai viện quang lộc sửa soạn bày đại yến, ban thưởng cho Tống Giang một chiếc cẩm bào, một áo giáp nạm vàng, một con ngựa quý, từ Lư Túân Nghĩa trở xuống đều được thưởng vàng lụa, tất cả đều dùng ngân quỹ trong nội phủ. Tống Giang và các tướng sĩ tạ ơn hồi lâu rồi ra khỏi hoàng thành, đi bộ đến ngoài cửa Hoa Môn mới lên ngựa trở về doanh trại nghỉ ngơi chờ thánh chỉ. Thấm thoát đã hết mấy ngày, bọn Sái Kinh, Đồng Quán không bàn tính gì đến chuyện phong tước, thực tâm cốt để anh em Tống Giang phải chờ đợi.

Nói tiếp chuyện Tống Giang nhân lúc rỗi rãi ngồi đàm đạo với quân sư Ngô Dụng về sự đời hưng vong, được mất xưa nay, bỗng Đái Tôn và Thạch Tú cùng mặc thường phục vào thưa:

- Bọn tiểu đệ ở doanh trại không có việc gì buồn lắm, hôm nay xin huynh trưởng cho bọn tiểu đệ ra ngoài chơi một chuyến.

Tống Giang nói:

- Hai hiền đệ đi chóng về, ta sẽ đợi để uống với hai hiền đệ dăm chén cho khuây khoả!

Đái Tôn và Thạch Tú ra khỏi trạm Trần Kiều, lững thững đi về hướng bắc. Qua mấy phố phường chợ búa, chợt thấy một bia đá to chôn bên vệ đường. Giữa bia có ba chữ lớn: "tạo tự đài", phía trên có mấy hàng chữ nhỏ đã bị mưa gío bào mòn. Đái Tôn xem kỹ rồi nói:

- Hoá ra chỗ này là nơi Thương Hiệt đặt ra chữ viết.

Thạch Tú cười nói:

- Chúng ta chẳng cần đến những thứ này!

Cả hai người cùng cười rồi lại đi tiếp. Qua một bãi rộng thấy ngổn ngang những ngói vỡ gạch vụn, phía chính bắc có một cổng đá cổ. Tấm bia bắc ngang khắc ba chữ lớn: "Bác Lãng thành". Đái Tôn ngẫm nghĩ rồi nói:

- Thì ra chỗ này Hán Lưu hầu đánh Tần Thuỷ Hoàng.

Rồi Đái Tôn lại tấm tắc thán phục: "Lưu hầu thật giỏi". Thạch Tú tiếp lời:

- Chỉ tiếc ngọn chùy ấy lại đánh trượt!

Hai người lấy làm tiếc vừa đi về hướng bắc vừa bàn tán, hay đâu cách xa doanh trại đã ngoài hai mươi dặm. Thạch Tú nói:

- Bọn ta đi chơi đã quá buổi, phải kiếm chút gì ăn mới được!

Đái Tôn nói:

- Đằng trước có quán rượu đấy!

Hai người vào trong quán chọn chỗ ngồi bên cửa sổ sáng sủa. Đái Tôn gõ tay lên bàn gọi:

- Cho rượu đây!

Tửu bảo bưng đến năm sáu đĩa thức ăn, hỏi:

- Hai quan dùng bao nhiêu rượu ạ?

Thạch Tú đáp:

- Cứ cho hai giác đã, để xem món nhắm có khá không rồi hãy gọi thêm.

Lát sau tửu bảo hâm hai giác rượu nóng bê lên cùng một đĩa thịt bò, một đĩa thịt dê và đĩa thịt gà tơ. Đái Tôn và Thạch Tú ngồi nhắm rượu bàn chuyện phiếm, chợt thấy một người chống cán ô, vai khoác tay nải, áo dài thâm vén cao, lưng buộc bao tượng, đi giày bát tháp bện bằng gai, xà cạp quấn quá gối, hổn hển mệt mỏi rẽ vào quán. Vào đến nơi liền vứt ô quăng đẫy, ngồi phịch xuống ghế gọi ngay.

- Mau đưa rượu thịt ra đây!

Tửu bảo bưng ra một giác rượu nóng và hai ba đĩa mùi rau. Người khách nói:

- Chẳng kể ngon dở gì, có thịt thì thái đưa ra đây, ta ăn mau còn kịp vào thành đi công cán.

Vừa nói vừa rót rượu uống cạn một hơi. Đái Tôn đưa mắt nhìn người khách, nghĩ bụng: "gã này là công sai, không biết có việc gì mà gấp thế?"

Nghĩ đọan liền tới trước mặt người khách vòng tay lễ phép hỏi:

- Đại ca có việc gì mà gấp thế?

Người ấy vừa nhấp rượu vừa khề khà nói mấy câu. Chỉ biết:

Tống Công Minh lại lập tiếp kỳ công

Miền Phần, Tẩm sẽ thu về Đại Tống.

Chưa biết người công sai kia nói điều gì, xem hồi sau sẽ rõ.