Đang nói chuyện Yến Thanh gặp Đạo quân hoàng đế ở nhà Lý Sư Sư, xin được chiếu thư ân xá cho mình, sau đó tìm gặp Túc thaí uý, rồi bàn mưu với Đái Tôn đến phủ Cao thái uý cứu được Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà. Bốn người đợi mở cổng thành lập tức đi ra, theo đường tắt đi gấp về Lương Sơn Bạc thuật lại những sự việc trên.
Nói tiếp, đêm hôm ấy Lý Sư sư không thấy Yến Thanh trở về đã có ý nghi ngờ. Lại nữa, sáng hôm sau người hầu riêng trong phủ Cao thái uý bưng cơm nước vào nơi ở cho Tiêu Nhượng và Nhạc Hoà, nhưng chẳng thấy hai người đâu, vội đi báo với quan đô quản. Viên đô quản vào vườn hoa xem xét, thấy hai sợi dây thừng to buộc trên cây liễu thì biết ngay hai người đã trốn, đành phải trình lên Cao thái uý. Cao Cầu nghe nói giật mình, lại càng thêm lo buồn, đành cáo bệnh ở lỳ trong phủ.
Tảng sáng hôm ấy, Đạo quân hoàng đế ra ngự triều ở điện Văn Đức. Hai hàng văn võ đến đủ, thiên tử truyền mệnh cuốn rèm, sai tả hữu cận thần gọi quan khu mật sứ Đồng Quân ra khỏi hàng chầu. Thiên tử phán rằng:
- Năm ngoái nhà ngươi thống lĩnh mười vạn đại quân địch thân đi đánh Lương Sơn Bạc, thắng bại ra sao?
Đồng Quân quỳ xuống tâu:
- Năm trước thần có đưa đại quân đi đánh, nhưng không thắng, không phải thần không gắng sức nhưng vì thời tiết nóng bức, quân sĩ không quen thuỷ thổ, sinh bệnh đau ốm nhiều, mười phần chết mất đến hai, ba. Thần thấy người ngựa gặp lúc gian nan, vì vậy tạm thời phải cho thu quân nghỉ đánh, doanh nào về doanh ấy lo việc tập luyện. Trong chuyến ấy, quân ngự lâm đi đường bị ốm đau cả, thiệt mạng cũng nhiều. Lần thứ hai, thần phụng chiếu đi chiêu an, nhưng bọn giặc ấy không chịu nghe lời vỗ yên chiêu an. Đến khi Cao Cầu đưa chiến thuyền đi đánh, thấy quân sĩ ốm đau dọc đường cũng lại phải cho quay về.
Thiên tử cả giận quát:
- Các ngươi đều là bọn thần gian tôi nịnh, ghen ghét kẻ hiền tài, dám bịt mắt quả nhân để chuyên quyền làm bậy! Năm ngoái ngươi đưa quân đi đánh Lương Sơn Bạc, cớ sao chỉ mới hai trận mà người ngựa đã bị quân giặc đánh cho tan tác, mảnh giáp chẳng còn mà về, khiến cho quân nhà vua mang tiếng là thua trận? Sau đó đến Cao Cầu tiêu phí không biết bao nhiêu tiền gạo của các châu quận, làm tổn thiệt một số lớn chiến thuyền, người ngựa, chính bản thân y cũng bị bắt sống đưa lên núi, bọn Tống Giang không nở gϊếŧ mới tha cho về. Quả nhân nghe nói bọn Tống Giang không xâm phạm gì đến các châu quận, không cướp bóc dân lành, chỉ mong đợi chiếu chiêu an để được ra sức giúp nước. Nguyên do chỉ vì bọn các người bất tài, tham lam gian nịnh, uổng phí tước lộc triều đình, làm hỏng việc quốc gia đại sự! Người đứng đầu viện khu mật chẳng lẻ lại không biết hổ thẹn hay sao! Lý ra phải hỏi tội ngươi, nhưng trẫm tha cho lần này, tái phạm ắt sẽ không dung!
Đồng Quân cúi đầu im thin thít, lui về chỗ. Thiên tử lại hỏi:
- Trong số đại thần các ngươi, ai có thể đi chiêu dụ vỗ yên được bọn Tống Giang ở Lương Sơn Bạc?
Thiên tử chưa dứt lời đã thấy quan điện tiền thái uý Túc Nguyên Cảnh bước lên quỳ tâu:
- Thần dẫu bất tài cũng xin được đi.
Thiên tử cả mừng, nói:
- Trẫm sẽ tự viết chiếu trao cho ngươi.
Nói đoạn, sai khiêng án thư, trải giấy để viết chiếu. Tả hữu cận thần bưng nghiên mực ống bút đến, thiên tử tự tay viết xong tờ chiếu son rồi gọi quan khố ti lấy ba mươi sáu chiếc thẻ vàng, bẩy mươi hai chiếc thẻ bạc (Thẻ vàng (kim bài): tấm thẻ gỗ ở giữa có khắc chữ thếp vàng, do nhà vua phát cho các đại thần và các tướng làm hiệu lệnh dùng trong việc quan việc quân. Thẻ bạc (ngân bài): như đã nói về thẻ vàng, nhưng dùng cho những chức vụ thấp hơn, chữ khắc trên thẻ màu trắng. ), ba mươi sáu tấm gấm hồng, bẩy mươi hai tấm gấm xanh, một trăm linh tám vò rượu ngự có niêm phong giấy vàng - tất cả đều giao cho Túc thái uý. Thiên tử lại ban cho các chánh phó đầu lĩnh hai mươi tư bộ quần áo lụa và giao cho sứ bộ một lá cờ ngực có thêu hai chữ “Chiêu An” bằng chỉ vàng, hẹn ngày hôm sau thì lên đường.
Túc thái uý quỳ trước điện Văn Đức cáo từ thiên tử. Các quan bãi chầu. Đồng khu mật lấy làm hổ thẹn, trở về phủ riêng, cáo bệnh không vào triều. Cao thái uý nghe nói lại sự việc, lo sợ không biết ứng phó ra sao, nên cũng không dám vào triều. Có thơ làm chứng như sau:
“Nhất phong ân chiếu xuất minh quan
Trữ khán Lương Sơn tận thúc trang
Tri đạo hoài nhu thảng chinh phạt
Hồi giao xích tử thụ di thương.
Dịch:
Một tờ ân chiếu toả ánh soi
Trông đợi Lương Sơn thuận chịu lời
Mềm dẻo cao tay hơn chinh phạt
Khỏi để dân đen chịu thiệt thòi.
Nói tiếp, Túc thái uý sai người gồng gánh ngự tửu cùng các thẻ vàng, thẻ bạc, gấm vóc áo quần rồi lên ngựa, đóng cờ ngự ra đi. Các quan tiễn chân đến ngoài cửa Nam Huân mới trở về. Người ngựa nhắm hướng Tế Châu mà đi, chuyện ấy không phải nói đến.
Lại nói bọn bốn người Yến Thanh, Đái Tôn, Tiêu Nhượng, Nhạc Hoà ngày đêm đi gấp về sơn trại, kể hết mọi việc cho Tống Công Minh và các đầu lĩnh nghe. Yến Thanh lấy tờ xá thư do chính tay Đạo quân hoàng đế viết đưa cho Tống Giang và mọi người cùng xem. Ngô Dụng nói:
- Vậy thì lần này thế nào cũng có tin vui.
Tống Giang đốt lò hương thơm, tay cầm quyển thơ sấm của Cửu Thiên Huyền Nữ, ngửa mặt lên trời cầu khấn rồi bốc một quẻ bói, được quẻ “thượng thượng đại cát” (rất tốt). Tống Giang cả mừng, tin chắc công việc phen này sẽ xong xuôi. Lại sai Đái Tôn và Yến Thanh đi nghe ngóng xem hư thực ra sao, về báo tin ngay để còn kịp chuẩn bị cho chu đáo. Đái Tôn, Yến Thanh đi mấy hôm, trở về kể lại rằng: “Triều đình đã sai Túc thái uý mang chiếu thư cùng ngự tửu, thẻ vàng, thẻ bạc, gấm vóc, áo quần lên đường đi chiêu an, sớm muộn thế nào cũng sẽ đến!” Tống Giang nghe nói rất mừng, vội truyền lệnh ngay giữa Trung Nghĩa đường, cắt cử từng người ai lo việc nấy, từ Lương Sơn Bạc cho đến phần đất Tế Châu sai dựng hai mươi tư trạm cổng chào, trên cổng treo cờ kết hoa, bên cổng sắp đặt sẵn môt đội nhạc sênh, tiêu, đàn, trống, sai người đi khắp các châu quận xung quanh tìm thuê mời cho đủ số nhạc công, phân chia đến các trạm cổng chào đợi sẵn để nghênh tiếp chiếu sắc. Mỗi trạm cổng chào cử riêng một viên tiểu đầu mục để trông nom công việc. Một mặt sai người chia nhau đi tìm mua các thứ vật phẩm hoa quả, tôm quý cá ngon, cất rượu, làm sẵn những thức ăn khô, dựng làn che rập làm nơi yến tiệc.
Kể tiếp việc Túc thái uý vâng lĩnh chiếu sắc đi chiêu an Lương Sơn Bạc, người ngựa một đoàn vòng vèo đến phủ Tế Châu. Thái thú Tế Châu là Trương Thúc Dạ ra ngoài thành nghênh tiếp, mời về nhà khách nghỉ ngơi. Vấn an sức khoẻ đi đường đã xong, Trương Thúc Dạ rót rượu bưng mời Túc thái uý cạn chén tẩy trần. Trương Thúc Dạ thưa:
- Triều đình đã hai lần ban chiếu sắc đi chiêu an, nhưng vì chọn cử không đúng người nên mới hỏng việc quốc gia đại sự. Thái uý đi chuyến này thế nào cũng lập được công lớn cho nước nhà!
Túc thái uý nói:
- Gần đây thiên tử mới biết đám hảo hán Lương Sơn Bạc ấy chỉ lấy điều nghĩa làm đầu, không xâm phạm các châu quận, không gϊếŧ hại lương dân, thường vẫn nói là thay trời hành đạo. Nay thiên tử tự tay viết chiếu son giao cho hạ quan lĩnh mệnh đi chiêu an, sắc ban cho ba mươi sáu thẻ vàng, bẩy mươi hai thẻ bạc, ba mươi sáu gấm điều, bẩy mươi hai tấm gấm xanh, một trăm linh tám vò rượu ngự niêm phong giấy vàng, hai mươi bốn bộ quần áo để đưa đi chiêu an, lễ vật như thể không biết đã tạm được chưa?
Trương Thúc Dạ đáp:
- Những kẻ ấy không phải hạng coi lễ vật khinh trọng làm điều, chỉ mong được dốc lòng trung nghĩa báo đền ơn nước, lưu danh cho hậu thế. Nếu được thái uý sớm đến thì nước nhà không đến nỗi phải hao binh tổn tướng, tổn phí gạo tiền. Đám nghĩa sĩ ấy sau khi về hàng chắc sẽ lập công lớn cho triều đình.
Túc thái uý nói:
- Hạ quan nghỉ chờ ở đây, dám phiền quan thái thú thân hành lên sơn trại báo tin cho bọn họ biết để sửa soạn nghênh tiếp.
Trương Thúc Dạ đáp:
- Tiểu nhân xin đi ngay!
Trương thái thú lập tức lên ngựa ra khỏi thành cùng hơn chục người tuỳ tùng theo đường tắt lên Lương Sơn Bạc. Vừa đến dưới chân núi đã thấy một tiểu đầu mục ra đón tiếp, báo tin lên đại trại. Tống Giang nghe tin vội đi ngay xuống núi nghênh tiếp, mời Trương thái thú lên Trung Nghĩa đường trên đại trại. Hai bên chào hỏi xong, Trương Thúc Dạ nói:
- Xin có lơì chúc mừng các nghĩa sĩ! Triều đình đặc phái quan điện tiền Túc thái uý phụng lĩnh chiếu thư ngự bút đến chiêu an, đưa theo các bản tặng như kim bài, ngự tửu, áo quần gấm vóc, hiện đã đến thành Tế Châu. Nghĩa sĩ nên cho sửa soạn để nghênh tiếp chiếu chỉ.
Tống Giang cả mừng, xoa tay lên má nói:
- Anh em Tống Giang tôi thật là được hưởng phúc tái sinh!
Nói đoạn, mời Trương thái thú ở lại nghỉ ngơi cơm nước.
Trương thái thú nói:
- Chẳng phải hạ quan có ý chối từ, chỉ sợ thái uý quở trách là chậm trễ.
Tống Giang nói:
- Chỉ mời thái thú uống chén rượu, chứ co dám soạn sửa gì đâu!
Trương Thúc Dạ nhất mực từ cóh6i ra về. Tống Giang vội cho bưng ra một mâm vàng bạc để biếu Trương thái thú. Trương thái thú nhìn thấy liền nói:
- Cái ấy hạ quan quyết không dám nhận!
Tống Giang nói:
- Chúng tôi chỉ có chút lễ mọn gọi là bầy tỏ tấm lòng thành, sau này công việc xong xuôi dám mong quan thái thú vui lòng nhận cho.
Trương Thúc Dạ nói:
- Đa tạ nhã ý của nghĩa sĩ, xin cứ giữ để ở quý trại, sau này nhận cũng không muộn!
Trương thái thú thật đáng gọi là người biết giữ đức liêm chính. Có thơ làm chứng như sau:
Tế Châu thái thú thế vô song
Bất ái hoàng kim, ái Tống Giang
Tín thị thanh liêm năng phục chúng
Phi quan uy thế khả chiêu hàng.
Dịch:
Thái thú Tế Châu đức ai bằng
Chảng tham vàng bạc, mến Tống Giang
Mới hay liêm khiết dân đều phục
Thế mạnh phải đâu dụ được hàng.
Tống Giang bèn sai quân sư Ngô Dụng, tiểu quân sư theo Trương thái thú xuống núi về thành Tế Châu yết kiến Túc thái uý, hẹn đến ngày kia tất cả các đầu lĩnh sẽ ra ngoài trại ba mươi dặm đón đường nghênh tiếp. Bọn Ngô Dụng cùng Trương thái thú xuống núi, thâu đêm đi đến phủ Tế Châu. Ngày hôm sau đến công đường yết kiến Túc thái uý. Bốn ngườilạy chào rồi quỳ đợi. Túc thái uý cho phép đứng dậy vào bảo ngồi. Bốn người khiêm tốn không dám cùng ngồi. Túc thái uý hỏi họ tên từng người. Ngô Dụng thưa:
- Tiểu sinh là Ngô Dụng, còn đây là Chu Vũ, Tiêu Nhượng, Nhạc Hoà. Chúng tôi vâng lệnh huynh trưởng Tống Công Minh phái đến đây nghênh tiếp ấn tướng thái uý. Huynh trưởng chúng tôi cùng tất cả các anh em ngày mai sẽ ra ngoài trại ba mươi dặm đợi chờ tiếp đón.
Túc thái uý cả mừng, nói:
- Này Gia Lượng tiên sinh (Ngô Dụng giữ chức quân sư trong nghĩa quân của Tống Giang, nên Túc thái uý gọi là Gia Lượng, ví như Gia Cát Lượng đời Tam Quốc), từ ngày gặp gỡ ở Hoa Châu thấm thoát đã mấy năm rồi, ai ngờ hôm nay lại có dịp cùng nhau tái hội! Hạ quan vẫn biết anh em các vị luôn giữ tấm lòng trung nghĩa, chỉ vì bọn gian thần rào đường rấp lối, gian nịnh chuyên quyền, khiến anh em các vị không thể bày tỏ tình cảnh của mình thấu đến bề trên. Nay thiên tử đã biết hết mọi chuyện, đặc mệnh cho hạ quan đưa chiếu thư ngự bút cùng thẻ vàng, thẻ bạc, rượu ngự gấm vóc, áo quần đến chiêu an. Anh em các vị chớ nên nghi ngờ, cứ thành tâm mà tiếp nhận.
Bọn Ngô dụng lạy hai lạy rồi thưa:
- Chúng tôi chỉ là bọn cuồng phu nơi sơn dã mà dám phiền ân tướng phải khó nhọc đến đây. Anh em chúng tôi được đội ơn thiên tử cũng là nhờ thái uý, dẫu khắc cốt ghi tâm cũng còn khó báo đền!
Sau đó Trương Thúc Dạ bầy tiệc khoản đãi bọn anh em Ngô Dụng.
Sáng sớm ngày thứ ba, xe hương (xe ngựa trang hoàng lộng lẫy ) ba cỗ sắp sẵn ở Tế Châu. Rượu ngự thì xếp vào thùng gỗ to chạm hình long phượng chở riêng một xe; thẻ vàng, thẻ bạc, gấm hồng, gấm xanh chở riêng một xe; còn chiếu thư ngự bút thì để lên ngai rồng đặt riêng trên một xe. Túc thái uý lên ngựa đi bên phía trái ngai rồng, thái thú Trương Thúc Dạ cưỡi ngựa theo sau, bọn Ngô Dụng bốn người nối bước, sau hết mới đến lính tráng và tuỳ tùng lũ lượt đi theo. Lá cờ vàng trương cao trên ngựa trước, đội chiêng trống cờ nheo mở lối tiếp theo, đoàn người ngựa ngoằn ngoèo tiến ra khỏi thành Tế Châu. Chưa đầy mười dặm đã gặp trạm cổng chào đầu tiên. Ngồi trên lưng là đội sênh tiêu đàn trống đứng sẵn bên đường chờ nghênh tiếp. Lại đi chưa đầy mười dặm nữa, gặp trạm cổng chào thứ hai. Tới nơi đã thấy khói hương nghi ngút, Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa quỳ phía trước, các đầu lĩnh khác cũng đều quỳ hết đằng sau đợi chờ nghênh tiếp chiếu ân. Túc thái uý nói:
- Cho mọi người lên ngựa!
Tất cả cùng đi đến bến thuyền. Hơn nghìn chiếc chiến thuyền của Lương Sơn Bạc đã đậu sẵn ở đấy, cùng lúc chở hết người ngựa sang bãi Kim Sa lên bờ bên kia. Trước và sau cửa tam quan, tiếng chiêng trống vang trời; quân sĩ nghi thức oai vệ xếp hàng chào đón suốt dọc đường đi, trầm hương đốt lên thơm ngát. Mọi người lên đến Trung Nghĩa đường thì xuống ngựa. Ngai rồng trên xe khiêng xuống đặt giữa nhà Trung Nghĩa. Giữa nhà đặt ba chiếc kỷ án, đều phủ khăn lụa thêu hình long phượng. Án giữa đựng long bài, để hai chữ “Vạn tuế”, chính giữa đặt chiếu son ngự bút; thẻ vàng, thẻ bạc bầy trên án bên trái; gấm hồng, gấm xanh để trên án bên phải, phía trước đặt ngự tửu và áo quần. Trầm thơm, hương quý nghi ngút cháy toả trong đỉnh đồng. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa mời Túc thái uý và Trương thái thú lên ngồi ở Trung Nghĩa đường. Tiêu Nhượng, Nhạc Hoà đứng hầu bên trái; Bùi Tuyên, Yến Thanh đứng hầu bên phải. Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa và các đầu lĩnh khác đều quỳ cả dưới thềm.
Bùi Tuyên xướng lệnh, mọi người cúi đầu lạy. Tiếc đó Tiêu Nhượng đọc chiếu văn:
“ Phán rằng: Trẫm từ khi lên ngôi đến nay chỉ lấy điều nhân nghĩa để trị vì thiên hạ, lấy điêu thưởng phạt công minh dẹp yên việc binh đao; cầu hiền chưa từng trễ nãi, yên dân lúc nào cũng lo lắng như có điều sơ suất, con dân gần xa đều biết lòng trẫm.
Xét thấy các ngươi Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa đều thật lòng trung nghĩa, không làm điều bạo ngược, ý quy thuận vẫn đã từ lâu, có chí lớn muốn đền ơn giúp nước. Tuy đều phạm tội, nhưng mỗi người đều bởi một nguyên do, xét rõ nội tình thật đáng nên thương xót.
Trẫm đặc sai quan tiền thái uý Túc Nguyên Cảnh lĩnh chuyển chiếu thư đích thân đưa đến Lương Sơn Bạc ân xá hết mọi điều tội lỗi cho Tống Giang cùng thuộc hạ lớn nhỏ; ban ba mươi sáu thẻ vàng, ba mươi sáu tấm gấm hồng cho Tống Giang và các đại đầu lĩnh, lại ban bẩy mươi hai thẻ bạc, bẩy mươi hai tấm gấm xanh cho các đầu mục bộ hạ của Tống Giang. Ngày nào chiếu thư ân xá này đưa tới, các ngươi chớ phụ lòng trẫm, sớm thu xếp quy thuận, ắt sẽ được trọng dụng.
Nay ban chiếu, tưởng các người đều nên hiểu rõ.
Niên hiệu Tuyên Hoà thứ tư (1122) mùa xuân, tháng hai, ngày….”
Tiêu Nhượng đọc xong chiếu văn, anh em Tống Giang đều tung hô “Vạn tuế”, lạy hai lạy tạ ơn. Tiếp đó, Túc thái uý lấy thẻ vàng, thẻ bạc, gấm hồng, gấm xanh sai Bùi Tuyên theo thứ tự trên dưới mà ban phát. Rồi cho mở ngự tửu đổ vào vò bạc lớn, chuyển dần từng ấm, đốt lửa hâm nóng ở ngay trước nhà Trung Nghĩa, sau đó đem rót đều vào các nậm bạc. Túc thái uý cầm chiếc nậm bạc rót đầy một chén, nói với các đầu lĩnh:
- Túc Nguyên Cảnh tôi vâng mệnh hoàng đế đưa ngự tửu đến đây ban cho các đầu lĩnh, nhưng thật lòng còn lo các nghĩa sĩ có điều nghi ngờ, vậy Nguyên Cảnh tôi xin uống chén rượu này để các nghĩa sĩ cùng nhìn thấy.
Các đầu lĩnh cùng lạy tạ hồi lâu. Túc thái uý uống cạn, lại rót đầy một chén khác đưa mời Tống Giang. Tống Giang nâng chén rượu quỳ mà uống, rồi đến Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng….khắp lượt một trăm linh tám đầu lĩnh đều uống cạn một tuần rượu ngự. Rồi đó Tống Giang truyền lệnh bưng cất ngự tửu, mời Túc thái uý ngồi ghế chính toạ để các đầu lĩnh lạy mừng. Tống Giang bước lên phía trước tạ ơn Túc thái uý, nói:
- Tống Giang tôi ngày trước khi đến núi Tây Nhạc may được biết uy dũng của đại nhân. Nay nhờ ơn thái uý hết sức tâu bầy lên thiên tử, cứu vớt cho anh em tôi lại được thấy ánh mặt trời, công ơn ấy anh em tôi nguyện khắc cốt ghi tâm, không khi nào dám quên.
Túc thái uý nói:
- Nguyên Cảnh tôi tuy biết các nghĩa sĩ có lòng trung nghĩa, đáng kính tự đứng ra hành đạo thay trời, nhưng những chuyện éo le uẩn khúc bên trong thì chưa được biết, vì vậy khi hầu thiên tử chưa dám tâu lên, để đến nỗi chậm trễ như thế. Mới gần đây nhận được thư của Văn tham mưu, lại được nghĩa sĩ có lòng cho lễ hậu, khi ấy Nguyên Cảnh tôi mới thật rõ nội tình. Hôm ấy thiên tử lên nghỉ ở điện Phi Hương, Nguyên Cảnh tôi được đứng hầu chuyện, thiên tử có hỏi về các nghĩa sĩ. Nguyên Cảnh tôi mới đem việc tâu lên. Hay đâu thiên tử cũng đã biết rõ, khớp với lời tôi tâu. Ngày hôm sau thiên tử ngự triều ở điện Văn Đức, trước mặt bá quan, quát mắng Đồng khu mật, khiển trách Cao thái uý về tội mấy lần xuất quân mà chẳng nên công cán gì, rồi thiên tử sai lấy văn phòng tứ bảo, tự tay cầm bút viết chiếu son, đặc cách sai Nguyên Cảnh tôi chuyển giao đến quý trại; vậy cũng có lời thuật lại để các đầu lĩnh đều được biết. Nguyên Cảnh tôi mong các nghĩa sĩ sớm thu xếp về kinh để khỏi phụ lòng thiên tử ban chiếu vỗ yên.
Các đầu lĩnh đều vui mừng, chắp tay vái tạ. Lễ nghi như thế là xong. Trương thái thú thối thác rằng ở địa phương còn có việc bận, cáo từ Túc thái uý, rồi xuống núi trở về Tế Châu.
Lại nói chuyện Tống Giang cho mời Văn tham mưu ra gặp Túc thái uý. Túc thái uý vui vẻ kể chuyện cũ, niềm vui tràn ngập khắp Trung Nghĩa đường. Tiếp đó Tống Giang mời Túc thái uý ngồi vào ghế giữa. Văn tham mưu ngồi đối diện. Trên nhà, dưới sân bắt đầu bầy tiệc lớn, ai nấy theo ngôi thứ mà ngồi, lần lượt nâng cốc chúc rượu. Nhà tiệc râm ran tưng bừng. Tuy không có nem rồng chả phượng, nhưng đúng là thịt núi rượu sông. Ngày hôm ấy mọi người tận sức say sưa rồi dìu nhau về nơi riêng an nghỉ. Hôm sau lại bày yến tiệc, ai nấy đều thổ lộ tâm can, kể lại cho nhau nghe những điều mong ước bình sinh vẫn ấp ủ trong lòng. Ngày thứ ba cũng bày tiệc, sau đó mời Túc thái uý đi chơi núi, đến chiều lại ăn uống no say, rồi mọi người mới tản ra về. Thấm thoát đã hết mấy ngày, Túc thái uý muốn về kinh nhưng anh em Tống Giang một mực mời giữ. Túc thái uý nói:
- Các nghĩa sĩ chưa nõ nội tình. Nguyên Cảnh tôi vâng chỉ của thiên tử đến đây, nghỉ ngơi cũng đã mấy ngày, may mắn được các anh hùng khảng khái quy thuận, việc đại nghĩa như thế đã chu toàn. Nếu không gấp trở về thì e kẻ gian thần ghen ghét đặt điều dị nghị.
Tống Giang nói:
- Thái uý đã nhất quyết như vậy, anh em tôi cũng không dám cố nài. Cạn bữa rượu hôm nay, ngày mai xin tiễn đưa thái uý xuống núi.
Liền đó lại tụ tập các đầu lĩnh đến cùng nhau yến ẩm. Giữa bữa rượu ai nấy đều nói lên lời cảm tạ. Túc thái uý lựa lời an ủi mọi người. Chiều tối tan tiệc ai nấy mới lui về.
Sáng sớm hôm sau, xe ngựa đã sắp sẵn. Tống Giang tự tay bưng một mâm vàng, ngọc vào trường thất của Túc thái uý, cúi đầu lạy hai lạy rồi dâng lên. Túc thái uý từ chối không chịu nhận, Tống Giang phải hai ba lần nài ép, thái uý mới bằng lòng nhận cho. Rương hòm quần áo gói buộc chất lên yên ngựa chuẩn bị lên đường. Quân lính và người tuỳ tùng của Túc thái uý từ mấy ngày nay do Chu Vũ và Nhạc Hoà lo việc khoản đãi theo đúng lệ chung, rượu thịt mặc sức ăn uống, đồng thời cũng đã có vàng bạc vóc lụa hậu hĩnh tặng biếu riêng cho từng người, ai nấy đều vui. Tống Giang đưa vàng bạc đến biếu Văn tham mưu. Văn tham mưu chối từ, Tống Giang phải nài ép mãi mới chịu nhận.
Đông đủ các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc cùng đội nhạc chiêng trống đàn sáo tiễn đưa Túc thái uý xuống núi. Qua bến thuyền ở bãi Kim Sa còn đi theo đến ngoài ba mươi dặm mới xuống ngựa rót rượu chạm cốc tiễn biệt. Tống Giang nâng chén nói:
- Ân tướng về kinh yết kiến thiên tử, mong lựa lời bảo tấu giúp cho!
Túc thái uý đáp:
- Các nghĩa sĩ cứ yên lòng, chỉ cốt nhất là thu xếp cho mau chóng để sớm về kinh. Người ngựa về đến nơi thì báo cho ta biết, kịp thời tâu lên thiên tử sai người đưa cờ lệnh tiết đi đón tiếp, như thế mới thật đúng cung cách việc quan.
Tống Giang nói:
- Mong ân tướng xét cho: anh em tôi sinh sống chốn bờ lau bến nước, từ khi Vương Luân lên núi mở mang cơ nghiệp, rồi tới Tiểu Cái, sau đến lượt Tống Giang tôi, ròng rã đã mấy năm trời, quấy nhiễu dân cư quanh vùng kể không phải ít. Cứ như ngụ ý của anh em tôi thì chuyến này muốn dốc hết tài sản trong sơn trại phát mại trong mười ngày. Mọi việc thu xếp xong, tất cả sẽ đi ngay về kinh không dám chậm trễ. Việc riêng của chúng tôi như vậy, dám mong thái uý tâu lên thiên tử giúp để xin được nới thêm kỳ hạn.
Túc thái uý ưng thuận, rồi từ biệt mọi người, dẫn người ngựa trong đoàn sứ bộ chiêu an đi về phía Tế Châu.
Anh em Tống Giang trở về đại trại, lên nhà Trung Nghĩa đường đánh trống tập hợp quân sĩ. Các đầu lĩnh lớn nhỏ ngồi cả trên nhà, hiệu uý, quân sĩ đều đứng dưới sân. Tống Giang truyền lệnh:
- Anh em chúng ta ở đây, kể từ Vương Luân khai sáng sơn trại, sau đó Tiểu thiên vương có công xây đắp, cơ nghiệp mới hưng vượng như ngày hôm nay. Riêng ta từ khi được anh em cứu thoát ở Giang Châu đưa lên đây, suy tôn làm huynh trưởng, thấm thoát cũng đã mấy năm trời. Nay mừng được triều đình đến chiêu an, anh em ta lại trông thấy mặt trời, sớm muộn ắt cũng sẽ về kinh để ra tay giúp nước. Từ bấy giờ, tất cả các người giữ gìn những đồ vật gì lấy được trong các kho tàng thì phải đem nộp trả lại để đem dùng vào việc công, còn những tài vật vẫn có từ trước thì ta sẽ chia đều cho các ngươi. Anh em ta tất cả một trăm lẻ tám anh em ta sớm muộn cùng về kinh triều kiến để khỏi phụ ơn lớn của thiên tử. Còn quân sĩ các ngươi, cũng có kẻ tự ý lên đây làm nghề lạc thảo, cũng có người theo chúng bạn mà lên, lại có người lâm trận bị vây hãm phải theo hàng hoặc bị bắt đưa về sơn trại. Chuyến này em ta nhận chiêu an theo về với triều đình, các ngươi ai muốn cùng đi thì ghi tên để biết rõ số lượng đặng lên đường. Nếu không muốn đi theo cũng ghi tên để cùng nhau từ biệt, ta sẽ thân đưa các ngươi xuống núi cho tuỳ ý làm ăn sinh sống.
Tống Giang truyền lệnh xong, giao cho Bùi Tuyên và Tiêu Nhượng lo việc ghi chép danh sách. Hiệu lệnh đưa xuống, ba quân đội nào về đội ấy cùng nhau bàn bạc. Những người xin về tất cả cũng đến bốn năm ngàn. Tống Giang đều thưởng cho tiền vật rồi đưa tiễn xuống núi. Những người tự nguyện sung quân cũng đều ghi tên lập sổ để báo lên quan.
Ngày hôm sau, Tống Giang giao cho Tiêu Nhượng viết cáo thị, sai người đi dán các nơi, hiểu thị khắp xóm thôn, phường trấn ở các quận quanh vùng cho dân chúng biết để lên sơn trại mua đồ phát mại liền trong mười ngày. Cáo thị viết:
“Tống Giang các nghĩa sĩ Lương Sơn Bạc lấy đại nghĩa bố cáo để gần xa đều biết như sau:
Anh em chúng tôi tụ tập ở chốn sơn lâm, quấy nhiễu dân chúng bốn phương đã nhiều. Nay đội ơn thiên tử có lòng nhân đức khoan dung, xuống chiếu ân xá cho mọi điều tội lỗi. Anh em chúng tôi đã nhận chiếu chiêu an, sớm muộn cũng sẽ về kinh triều kiến thiên tử. Nay không biêt lấy gì để đáp tạ mọi người, vậy xin phát mại sơn trại trong hạn mười ngày. Nếu trong hạn ấy dân chúng đem tiền đến mua tất trong đó sẽ có phần báo đáp, không dám đơn sai.
Nay cáo thị để dân chúng gần xa đều biết, khỏi tránh né hồ nghi.
Được đón tiếp mọi người lên sơn trại, thật chúng tôi rất lấy làm mừng.
Niên hiệu Tuyên Hoà, năm thứ tư (1122) tháng ba.
Nghĩa sĩ Lương Sơn Bạc Tống Giang kính cáo.”
Tiêu Nhượng viết xong cáo thị, sai người đem đi dán khắp thôn xóm phố phường trong các châu quận quanh vùng.
Bao nhiêu vàng bạc, châu báu, gấm vóc lụa là v…v… cất giữ trong kho đều đưa ra phân chia cho các đầu lĩnh và quân sĩ, lại dành ra một phần để cung hiến triều đình, còn nữa chất đống ở sơn trại đợi phát mãi hết cho dân trong hạn mười ngày, bắt đầu từ mồng ba đến hết ngày mười ba tháng ba. Cho gϊếŧ dê mổ bò, ủ men nấu rượu, sửa soạn khoản đãi tất cả những người lên sơn trại mua hàng, cũng là khao thưởng anh em quân sĩ.
Đúng ngày đã định, dân bốn phương từng đoàn tấp nập khoác bao quảy níp lên sơn trại. Tống Giang ra lệnh trong mười hôm, ngày nào cũng như thế. Hết hạn mười ngày, chấm dứt việc phát mại. Tống Giang truyền lệnh cho tất cả mọi người thu xếp về kinh triều cận. Tống Giang có ý định cho đưa gia quyến các anh em trở về làng cũ. Ngô Dụng can:
- Việc ấy xin chớ vội. Hãy tạm lưu gia quyến anh em ở lại sơn trại ít lâu nữa, đợi anh em về kinh triều cận, được ban ấn tứ đâu đó xong xuôi, khi ấy hãy cho đưa người già trẻ con các quân sĩ về quê quán cũng chưa muộn.
Tống Giang nghe xong nói:
- Quân sư nói phải!
Lại tiếp lệnh truyền xuống cho các đầu lĩnh thu xếp mọi việc, chỉnh đốn quân sĩ, rồi anh em Tống Giang hoả tốc lên đường. Trước hết qua Tế Châu, đến cảm tạ thái thú Trương Thúc Dạ. Trương thái thú liền mở tiệc khoản đãi các nghĩa sĩ, khao thưởng quân sĩ. Anh em Tống Giang cáo từ Trương thái thú ra khỏi thành Tế Châu, tiếp tục dẫn đoàn quân người ngựa thẳng đường về Đông Kinh. Tống Giang giao cho Đái Tôn và Yến Thanh đi trước về kinh, đến dinh riêng báo tin cho Túc thái uý. Thái uý liền đi ngay vào cung tâu lên thiên tử việcTống Giang đang đưa người ngựa về kinh. Thiên tử nghe nói cả mừng, sai Túc thái uý cùng một viên chỉ huy đội ngự giá cầm cờ mao tiết ra ngoài thành đón tiếp. Túc thái uý lĩnh thánh chỉ liền đi ngay ra ngoài thành.
Lại nói quân mã Tống Giang đi đường hàng ngũ sắp xếp chỉnh tề. Trước đoàn quân trương hai lá cờ đỏ: một đề hai chữ “Thuận Thiên”, một đề hai chữ “Hộ Quốc”. Các đầu lĩnh đều mặc giáp phục, chỉ có Ngô Dụng chít khăn, mặc áo lông; Công Tôn Thắng khoác áo đạo bào lông hạc; Lỗ Trí Thâm mặc cà sa màu đỏ lửa; Hành giả Võ Tòng choàng áo thụng đen, các đầu lĩnh khác đều mặc chiến bào giáp sắt, thứ y phục chiến trận trước nay vẫn dùng. Một ngày kia, người ngựa về đến ngoài thành Đông Kinh, vừa gặp lúc quan ngự giá chỉ huy sứ cầm cờ lệnh tiết đi đón. Tống Giang được tin liền dẫn các đầu lĩnh đến yết kiến Túc thái uý, sau đó cho người ngựa dừng lại đóng trại ở ngoài cửa Tân Tào chờ thánh chỉ.
Nói tiếp, Túc thái uý và quan ngự giá chỉ huy sứ trở về thành tâu với thiên tử:
- Quân mã của Tống Giang đã về, đóng trại ngoài cửa Tân Tào chờ xin thánh chỉ.
Thiên tử truyền lệnh:
- Quả nhân lâu nay từng nghe anh em Tống Giang một trăm lẻ tám người ở Lương Sơn Bạc ứng mệnh các thiên tinh, lại có tiếng là những kẻ anh hùng dũng cảm. Nay bọn họ quy hàng và đã về đến kinh sư: ngày mai quả nhân sẽ dẫn bá quan lên lầu Tuyên Đức. Hãy truyền cho anh em Tống Giang cứ mặc giáp phục như khi lâm trận – nhưng không được đưa đại quân người ngựa đi theo, chỉ cho phép dẫn chừng bốn năm trăm quân kỵ, quân bộ vào thành, diễn hành từ phía đông qua phía tây cho quả nhân xem. Vả lại như thế cũng là để cho quân dân trong thành đều được biết những anh hùng hào kiệt ấy nay đã trở về làm kẻ tôi trung của triều đình. Sau đó truyền lệnh cho họ cởi bỏ giáp phục, giao nộp hết vũ khí, tất cả đều phải mặc cẩm bào đã được ban, đi qua cửa Đông Hoa môn đến điện Văn Đức triều kiến.
Quan chỉ huy sứ liền đi ngay đến hành dinh truyền đạt thánh chỉ cho Tống Giang biết.
Ngày hôm sau, Tống Giang truyền lệnh cho Thiết diện khổng mục Bùi Tuyên lựa chọn lấy những người thật vạm vỡ, hùng dũng, lập thành đội quân bộ chừng năm bảy trăm người, đi đầu là đội chiên trống cờ nheo, tiếp theo là quân vác thương đao phủ việc chính giữa trương cao hai lá cờ đỏ “Thuận Thiên”, “Hộ Quốc” rồi đến quân sĩ đeo cung tên đao kiếm, mặc nhung trang giáp phục như mọi khi, xếp thành đội ngũ, đi qua cửa Đông Qúach mà vào. Dân chúng già trẻ và binh lính trong thành Đông Kinh dắt díu nhau đón đường chờ xem như muốn tận mắt trông thấy các thiên thần.
Lúc bấy giờ thiên tử dẫn bá quan lên lầu Tuyên Đức, đang tựa hiên đứng nhìn, thấy đi trước là đội chiêng trống cờ nheo, sau đến các đội quân vác thương đao phủ việt, ở giữa có hai kỵ binh cưỡi ngựa trắng giươnghai lá cờ đỏ “Thuận Thiên” và “Hộ Quốc”, hai bên có chừng hai ba chục quân kỵ mã vừa đi vừa đánh trống, sau hết mới đến các đầu lĩnh và quân tuỳ tùng nối gót tiến lên. Chưa biết các anh hùng hảo hán vào thành triều cận thiên tử ra sao, chỉ thấy:
Thềm ngọc gió hoà, mâm vàng sương đọng. Phương đông vầng nhật vừa lên, cửa bắc rèm châu nửa cuốn. Ngoài cửa Nam Huân, trăm linh tám nghĩa sĩ trở về; trên lầu Tuyên Đức tựa hiên đấng chí tôn trông xuống. Phép triều mới theo mà nghi thức trang nghiêm; quân dụng chỉnh tề mà mặt mày hớn hở, Gió(1), Mưa (2)…. mặt trời đến cả muôn Sao (3), thảy đều ngóng về đức vua nơi hạ giới. Sấm (4) vang, Chớp giật (5) đánh dẹp chẳng mượn đến uy trời. Trước cửa khuyết, tụ họp các anh linh: có Thánh (6), có Tiên (7), có Na Tra (8), có Kim Cương (9), có Diêm La (10), có Phán Quan (11), có Môn thần (12), có Thái Tuế (13), cho đến Dạ Xoa (14), Ma (15), Quỷ (16), thảy đều trông Hoàng đế Đạo quân.
Dưới lầu phượng muôn thú đến chầu: nào Beo (17), nào Báo (18), nào Kỳ Lân (19), Sư Tử (20), Chó Ngao (21), Chồn (22), Chim cắt (23), Diều hâu (24), Rùa (25), Vượn (26), đến cả Chó (27), Chuột (28), Rắn (29), Bò cạp (30), cũng đều biết vua Tống là chúa tể muôn loài. Năm rồng ôm mặt trời thì có: Rồng luồn mây (31), Rồng lặn sông (32), Rồng vượt rừng (33), Rồng chín khoanh (34), Rồng một sừng (35), ào ào như bầy Giao long ra khỏi đông (36), như đàn con Thần bơi sông (37), cũng lũ lượt về chầu thiên tử.
Bầy hổ lìa rừng thì có: Hổ mọc cánh (38), Hổ nhẩy khe (39), Hổ lông gấm (40), Hổ cổ hoa (41), Hổ mắt xanh (42), Hổ mặt cười (43), Hổ lùn (44), Hổ trúng tên (45), đến cả Hổ ốm (46), Hổ cái (47) cũng theo bầy đi dự lễ.
Có tiếng rằng các bậc Công (48), Hầu, Bá (49), Tử (50), am hiểu triều nghi; ai ngờ đâu trong đám lạy múa chúc mừng lại có cả Thầy thuốc (51), Thầy toán (52), cùng là Kẻ làm vườn (53), Bác thợ mộc (54), Ông chèo thuyền (55). Những tưởng rằng chỉ có bọn mày râu mới được gia ân sủng mệnh, ban mũ tía áo hồng xem kỹ ra thì cả Đàn bà (56) đến những Tay ăn chơi (57), sư sãi tu hành (58) đều được cả. Tự đặt lấy chức suông thì có: Thái Bảo (59), Quân sư (60), Quận mã (61), Khổng mục (62), Lang (63), Tường (64), Tiên phong (65), quan hàm bày trước ra đủ cả. Vì với người xưa thì Bá vương (66), Lý Qủang (67), Quan Sách (68), Ôn Hầu (69), Uý Tri (70), Nhân Quý (71), y như là các vị ấy tái sinh.
Nom bảnh trai thì như chàng Bạch diện lang quân (72), mái tóc giắt cành hoa (73), lại nữa là chàng cầm ống tiêu (74), Chàng cầm quạt (75), Chàng đánh trống (76), Chàng vác cờ (77), hẳn đều muốn vui ca nhảy múa. Trông xấu xí thì như gã đầu thủ (78), mà lại đeo Mặt Quỷ (79), cùng mấy ông vác Thương(80), xách Đao (81), cắp Roi (82), vuốt Tên (83) đều những kẻ chiến trận vốn quen nghề. To lớn thì như Hiểm đạo thần (84), thân cao một trượng (85). Dữ tợn thì như Thạch tướng quân (86), sức Át ba non (87). Mắt dù xanh, tóc dù đỏ đều ôm ấp tấm lòng son. Với được trời (88), Giỡn được sóng (89) mà đường gian nịnh quyết không dòm. Nay mừng thấy quân vương, nào phải xưa đâu mà xấu hổ (90). Ơn trên khoan thứ, chức phòng (91) ban cho. Từ nay thôi hết, đúng là chẳng cần chi Che đậy (92). Hãy cứ nhìn chàng thư sinh (93) trong đám đông đang vung đao múa gậy, hẳn còn hơn phường quan lại chật sân triều, chuyên đối nước hại dân. Nghĩa sĩ nay mừng gặp chủ mới; hoàng gia vui đón có thêm người.
___________________
1- bắt đầu từ đây biệt hiệu của các đầu lĩnh Lương Sơn Bạc sẽ được lần lượt nhắc đến – nhưng không theo đúng ngôi thứ. Biệt hiệu của các đầu lĩnh nói chung là để thể hiện ý chí và sức mạnh của từng người. Những biệt hiệu mang tên thú vật thường dùng tên những con thú hung dữ hoặc có nhiều phép mầu nhiệm thường được nói đến trong thần thoại. Ở đây,
Phong: Hắc toàn phong Lý Quỳ (cơn gió lốc đen), Tiểu toàn phong Sài Tiến (cơn lốc nhỏ)},
2- Cập thời vũ Tống Giang (trận mưa đúng lúc) thường cũng gọi là Hồ Bảo Nghĩa (người kêu gọi bảo vệ chính nghĩa ).
3- Trí đa tinh Ngô Dụng (ngôi sao nhiều mưu trí). Độc hoả tinh Khổng Lương (sao lửa). Mao đẩu tinh Khổng Minh (ngôi sao nhỏ ).
4- Oạnh thiên lôi Lăng Chấn (tiếng sét vang trời).
5- Tích lịch hoả Tần Minh ( tia chớp lửa).
6- Phi thiên đại thánh Lý Cổn ( đại thánh đi về như bay trên trời).
7- Thiết dịch tiên Mã Lân (ông tiên thổi sáo sắt).
8- Bát tý Na Tra Hang Sung (Na Tra tám tay).
9- Vân lý kim cương Tống Vạn (Phật Kim Cương đi về trong mây).
10- Hoạt Diêm la Nguyễn Tiểu Thất ( Diêm la sống ).
11- Thôi mệnh phán quan Lý Lập –quan toà hung dữ).
12- Tang môn thần Bao Húc ( thần giữ cửa nhà có người chết).
13- Lập địa thái tuế Nguyễn Tiểu Nhi (hung tin sa xuống đất. Thái tuế là tên sao, tức là Mộc tinh. Thuật chiêm tinh cho rằng Mộc tinh là sao dữ, ứng vào vùng nào thì vùng ấy bị thiên tai rủi ro.
14- Mẫu dạ xoa Tôn Nhị Nương (dạ xoa cái).
15- Hỗn thế ma vương Phàn Thuỵ (ma vương quấy đời).
16- Xích phát quỷ Lưu Đường ( quỷ tóc đỏ). Thao đao quỷ Tào Chính ( quỷ múa đao).
17- Kim nhãn bưu Thi Ân (beo mắt vàng).
18- Báo tử đầu Lâm Xung ( đầu báo); Kim tiền báo tử Thang Long (báo đốm vàng); Cẩm báo tử Dương Lâm (báo vằn).
19- Ngọc kỳ lân Lư Tuấn Nghĩa ( kỳ lân ngậm ngọc).
20- Hoả nhãn toan nghê Dũng Phi ( sư tử mắt lửa).
21- Tinh mộc hãn Hách Tư Văn (chó ngao đen). Hãn là một loại thú trong thần thoại vừa giống chó, vừa giống hổ, thường được dùng để gác cửa ngục).
22- Hạn địa hốt tứ Chu Quý (chồn khát nước). Tứ là một loài chồn.
23- Ma vãn kim si Âu Băng ( Chim cắt luồn mây).
24- Phốc thiên điêu Lý Ưng (diều hâu vυ't trời).
25- Cửu vĩ quy Đào Tông vương( rùa chín đuôi).
26- Thông tỉ viên Hầu Kiện ( vượn dài tay).
27- Kim mao khuyển Đoàn Cảnh Trú ( chó vàng ).
28- Bạch nhật thử Bạch Thắng ( chuột ban ngày).
29- Lưỡng đầu xà Giải Trân ( rắn hai đầu); Bạch hoa xà Dương Xuân ( rắn đốm).
30- Song vĩ yết Giải Bảo (bò cạp hai đuôi).
31- Nhập vân long Công Tôn Thắng (Rồng luồn mây).
32- Hỗn giang long Lý Tuấn (Rồng quấy sông).
33- Xuất lãm long Trâu Uyên (Rồng ra khỏi rừng).
34- Cửu vân long Sử Tiến (Rồng chín khoanh).
35- Độc giác long Trâu Nhuận (Rồng một sừng).
36- Xuất động giao Đồng Uy (Cá sấu rời hang).
37- Thần: một loài giao long trong thần thoại. Loài này ở ngoài biển, mình như rắn, có sừng, có phép lạ thổi hơi nước lên làm thành lâu đài thành quách ngoài biển, gọi là Thần lầu. Phan giang thần Đồng Mãnh (Thần lội sông).
38- Sáp sĩ hổ Lôi Hoành (Hổ chắp cánh).
39- Khiêu giản hổ Trần Đạt (Hổ nhảy khe).
40- Cẩm mao hổ Yến Thuận (Hổ lông gấm).
41- Hoa hang hổ Cung Vương (Hổ có hoa).
42- Thanh nhãn hổ Lý Vân (Hổ mắt xanh).
43- Tiếu diện hổ Chu Phủ (Hổ mặt cười).
44- Nuỵ cước hổ Vương Anh (Hổ thọt).
45- Trúng tiễn hổ Đinh Đắc Tôn (Hổ trúng tên).
46- Bệnh đại trùng Tiết Vĩnh (Hổ ốm).
47- Mẫu đại trùng Cố Đại Tẩu (Hổ cái ).
48- Mỹ nhiêm công Chu Đồng (Ông râu đẹp).
49- Tử nhiêm bá Hoàng Phủ Đoan (Ông râu đỏ).
50- Thiết khiếu tử Nhạc Hoà (Cái còi sắt).
51- Thần y An Đạo Toàn (thầy thuốc giỏi).
52- Thần toán tử Tưởng Kính (thấy tính giỏi).
53- Thái viên tử Trương Thanh (người trông vườn rau), Trương Thanh nói đây là chữ Thanh không có bộ thuỷ.
54- Ngọc tí tượng Kim Đại Kiên (người thợ mộc có bàn tay ngọc). Thiết tí bác Sái Phúc (cánh tay sắt ).
55- Thuyền hoả nhi Trương Hoành (ánh lửa thuyền).
56- Hoạt thiểm bà Vương Định Lục (mụ già chán đời). Vương Định Lục là đàn ông nhưng đặt hiệu như thế. (Trong các đầu lĩnh có 3 phụ nữ: Hổ Tam Nương, Tôn Nhị Nương, Cố Đại Tẩu, đã nhắc đến ở chỗ khác).
57- Lãng tử Yến Thanh (tay ăn chơi).
58- Hoa hoà thượng Lỗ Trí Thâm (hoà thượng mặt rỗ). Hành giả Võ Tòng (nhà sư đi khuyến thiện).
59- Thần hành thái bảo Đái Tôn (ông thủ từ đi nhanh).
60- Thần cơ quân sư Chu Vũ (quân sư giỏi mưu kế).
61- Xú quận mã Tuyên Tần (phò mã xấu xí).
62- Thiết diện khổng mục Bùi Tuyên (quan toà mặt sắt).
63- Đoản mệnh nhị lang Nguyễn Tiểu Ngũ (chàng hai xấu số); Phanh mệnh tam lang Thạch Tú (chàng Ba liều mạng).
64- Thánh thuỷ tướng quân Đan Đinh Khuê (tướng nước thánh) bách thắng.
65- Cấp tiên phong Sách Siêu (tướng tiên phong nóng tính).
66- Tiểu bá vương Chu Thông (bá vương nhỏ).
67- Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh (Lý Qủang nhỏ - Lý Quảng là danh tướng đời Hán).
68- Bệnh Quan Sách Dương Hùng.
69- Tiểu Ôn Hầu Lã Phương.
70- Bệnh Uý Tri Tôn Lập (Uý Tri ốm). Tiểu Uý Tri Tôn Tần (Uý Tri nhỏ). Uý Tri (cũng đọc là Uất Tri), tức Uất Tri Kinh Đức, danh tướng đời Đường.
71- Trại Nhân Quý Quách Thịnh.
72- Bạch diện lang quân Trịnh Thiên Thọ (chàng mặt trắng).
73- Nhất chí hoa Sài Khánh (một cành hoa).
74- Thiết khiếu tử Nhạc Hoà (ống sáo sắt).
75- Thiết phiên tử Tống Thanh (chiếc quạt sắt).
76- Cổ thượng tảo Thời Thiên (bọ chét đâu trên trống).
77- Ngọc phan can Mạnh Khang (cán cờ bằng ngọc).
78- Thanh diện thú Dương Chí (thú mặt xanh).
79- Quỷ kiểm nhi Đỗ Hưng (gã mặt quỷ).
80- Kim thương thủ Từ Ninh (tay thương sắt). Song thương tướng Đổng Bình (tướng đánh song thương ).
81- Đại đao Quan Thắng (tướng đánh đại đao).
82- Song tiên Hồ Diên Chước (tướng đánh hai roi sắt).
83- Một vũ tiễn Trương Thanh (tên không lòng). Một vũ tiễn nghĩa là mũi tên không có cánh, tức là hòn đá. Trong các đầu lĩnh có hai người tên gọi đều là Trương Thanh. Chữ Thanh của Một vũ tiễn là chữ Thanh có chấm thuỷ; còn người kia là Thái viên tử Trương Thanh, chữ Thanh không có chấm thuỷ.
84- Hiểm đạo thần Úc Bảo Tứ (thần giữ đường hẻm).
85- Nhất trượng thanh Hổ Tam Nương (xanh tươi khắp một trượng).
86- Thạch tướng quân Thạch Dũng (ông tướng đá).
87- Trấn tam sơn Hoàng Tín (trấn ngự ba núi).
88- Mô đắc thiên Đỗ Thiên (sờ được trời).
89- Lãng lý bạch điều Trương Thuận (giải bọt trắng trên sóng).
90- Một diện mục Tiêu Đĩnh (gã xấu xí).
91- Phòng ngự là tên một chức quan võ tức là chức Phòng ngự sử đặt từ đời Đường. Từ đời Tống về sau chỉ còn là hư chức. Đến đời Minh thì bỏ. Đây nói “ban cho chức phòng ngự”, tức là chỉ được hư vị, không có thực quyền.
92- Một già lan Mục Hoằng (không che dấu), tiểu già lan Mục Xuân (cho giấu chút ít).
93- Thánh thủ thư sinh Tiêu Nhượng (người học trò chữ đẹp).
o O o
Nói tiếp chuyện Đạo quân hoàng đế cùng các quan đứng trên lầu Tuyên Đức xem đoàn quân Lương Sơn Bạc diễu qua, thiên tử cả mừng nói với các quan: “Đám hảo hán ấy thật xứng đáng là những kẻ anh hùng!”, rồi cứ tấm tắc khen ngợi mãi. Sau đó sai quan điện đầu truyền lệnh cho anh em Tống Giang thay mặc áo cẩm bào đã được ban để vào triều kiến.
Quan diện đầu truyền lệnh, anh em Tống Giang đến trước cửa Đông Hoa cởi bỏ giáp trụ, thay mặc áo gấm màu hồng, màu xanh, đeo thẻ vàng, thẻ bạc, chít khăn chầu, đi hài xanh; chỉ có mấy người là Công Tôn Thắng dùng gấm hồng may theo kiểu đạo bào. Lỗ Trí Thâm may kiểu áo cà sa, Võ hành gỉa may kiểu áo choàng thụng, ai nấy đều không dám quên ơn vua. Rồi Tống Giang cùng Lư Tuấn Nghĩa đi đầu, Ngô Dụng và Công Tôn Thắng đi sau dẫn mọi người qua cửa Đông Hoa đi vào trong hoàng thành.
Hôm ấy nghi thức thiết triều sửa soạn rất ngihêm trang. Xe loan chờ sẵn, đúng đầu giờ Thìn rước thiên tử đến ngự triều ở điện Văn Đức. Lễ quan dẫn anh em Tống Giang theo thứ tự vào sân chầu, xếp hàng làm lễ. Quan điện đầu xướng lệnh lạy mừng. Lạy xong mọi người đều tung hô “vạn tuế”. Thiên tử lấy làm hài lòng, cho gọi tất cả lên trên điện Văn Đức theo ngôi thứ mà ngồi, đoạn sai bầy ngự yến. Quang Lộc tự sắp xếp yến tiệc, lương uẩn thự ( là ty rượu), lo việc tiếp rượu, trân tu thự (là ty thực phẩm quý. Cả 3 thự này đều lo việc rượu thịt ăn uống trong triều. Ở đây, chúng tôi cứ để như tên gọi trong nguyên văn ), soạn món ăn, chưởng hải thự (là ty thịt) lo việc làm cơm, dại quan thự dâng hầu ngự thiện. Ty giáo phường điều khiển tấu nhạc. Thiên tử đích thân ngồi ghế báu dự yến với mọi người.
Rõ là:
Cửu trùng mở cửa, dặt dìu, nghe tiếng loan vang
Thiên đình (1) vén mây, ngây ngất vời trông áo cổn
Áo cổn (long cổn); áo thêu hình rồng cuộn, áo của vua
Chiếu tiệc đồi mồi, đồ thiệt bảo sáng choang;
Lò trầm kỳ lân, hương bách hoà thoang thoảng.
Cốc pha lê xếp liền nậm hổ phách.
Chén mã não để cạnh bình san hô.
Giữa mâm ngọc chất cao gan phượng lân bộc (2)
Trên dĩa vàng xếp đầy chân hươu tay gấu
Thức canh thang, nước hoa đào rắc thịt dê vàng,
Món gỏi tươi, miến tơ bạc gói nhân chép đỏ.
Chén hoàng kim rượu nóng rót đầy.
Cốc tử hà nước quỳnh sỏi bọt.
Năm mâm, tám bồn,
Trăm thức, nhiều món,
Nay mứt ngon, vị đường ngọt lịm,
Nọ bánh quý, hương sữa thơm lừng…
Giữa lúc: Rượu mời tiến năm tuần,
Thang vừa dâng ba đợt,
Ty giáo phường đưa đội nhạc bước vào,
Ty lễ nhạc dẫn phường trò tiến đến.
Lần lượt qua hành lang, các vai xin kể rõ:
Người thứ nhất, vai phụ, khăn đóng sơn đen bóng loáng
Áo lụa hoa, dáng điệu đàng hoàng.
Người thứ hai, vai dẫn trò, đai lưng sừng tê rẽ nước, khăn là hoa đỏ lá xanh, áo kép quần chúng, chân đi ủng thấp ngắn mỏ, vạt áo vàng vân sơn thuỷ thêu đầy.
_________________________________
1 - ở đây dịch ý từ Xương Hạp. Vương Dật chú thích thơ Ly tao của Khuất Nguyên, viết rằng: Xương hạp là cửa trời”. Hồng Hưng Tổ chú thích thêm “Cửa trời là cửa cung tử vi, nơi thượng đế ở”. Câu này ý nói yến tiệc tưng bừng đến nỗi trên thiên đình cũng phải vén mây trông xuống.
2- Lân bộc: chả kỳ lân.
o O o
Người thứ ba, vai trung, đầu đội mũ đính ngà tơ đeo ngọc, mặc áo là trong lót hàng tơ, vào đến nơi liền cất tiếng giáo đầu, đọc mấy đoạn tản văn hiếm có.
Người thứ thư, vai nịnh, nói năng xem chừng hấp dẫn mặt mày tỏ vẻ loẹt loè, theo điệu ca hàng viện (1) cất tiếng hát rất mùi.
Người thứ năm, vai nịnh phụ, hớt hơ hớt hải, liếc dọc, nhìn ngang; bên gò má bôi một vết sẹo to; ngang đỉnh trán tô hai đường vôi trắng; quấn đầu một chiếc khăn sờn nhờn loáng; khoác đυ.n áo bông lếch thếch lôi thôi, roi quất hai trận xem cũng như chơi, gậy phang sáu đòn chừng không đau đớn.
Theo sau năm vai ấy là đội múa sáu mươi tư người, cùng đội nhạc một trăm hai mươi người nữa.
Kẻ này khăn xanh mũ ống, người nọ đai đỏ áo hoa.
Đánh trống thổi kèn, âm thanh lay chuyển trời mây;
gẫy đàn gõ phách tiếng vang hãi hùng chim cá.
Xem diễn trò ai nấy đều xuýt xoa; nghe khôi hài người người cùng khen giỏi.
Múa thi có các bài “Năm thái bình muôn nước đến chầu”, “Đời thịnh trị trị bát tiên chúc thọ”. Trò thì có các lớp: “Huyền Tông mơ chơi Cung Quảng Hàn”, “Địch Thanh đêm cướp Côn Lôn quan”,
Không những có thần, tiên, tăng, đạo
Mà cũng đủ con hiếu, cháu hiền
Người được xem thì chí vững lòng bền
kẻ được nghe đủ tu tâm dưỡng tính.
Một lát sau, tâm người đội trưởng đi phù theo bốn mỹ nữ ra trình,
Vừa ca, vừa múa
________________________________________-
1- Nguyên văn: viện bản, bản hát của các hàng viện, sau trở thành một loại từ khúc phổ biến đời Kim, Nguyên.
o O o
Đàn sáo vang lừng.
Hát các bài “Chầu thiên tử”, “Chúc thánh triều”
“Đội ơn vua”, “Vui trước điện”, đều là những thanh âm thịnh trị.
Múa các điệu: “Tuý hồi hồi”, “Hoạt Quan âm”,
“Liễu Thanh nương”, “Bảo lão nhi”, phong thái giữ được vẻ
Thuần nhiên.
Qủa thật là:
Trâm báu giát đai lưng;
Trân châu đeo diễm áo,
Khi cười,hoa trước mắt
Múa xong, gấm bao đầu (1)
Tiệc lớn cũng vừa xong
Đàn sáo nổi vang lừng.
Khánh chúc thánh thọ vô cương.
Khắp trong thiên hạ bốn phương đều mừng.
1- Cầm triền đầu: khi xem hát múa ở cung đình, nếu nghệ nhân diễn hay thường được quan khách đem gấm vóc đến khoác lên đầu để ban thưởng.
o O o
Việc này có thơ làm chứng như sau:
Cửu trùng phong khuyết tân khai yến
Thiên tuế long tri cựu tử y
Cái thế công danh nàng tự lập
Thi tâm trung nghĩa khởi tương vi
Tưng bừng tiệc lớn, mới vừa thôi.
Áo gấm hôm nay đã mặc rồi.
Lừng lẫy công danh đều nức tiếng
Tấm lòng trung nghĩa chẳng pha phôi.
Nói tiếp, hôm ấy thiên tử ban ngự yến cho anh em Tống Giang đến chiều muộn mới tan. Tạ ơn xong, mỗi người đều được phát một cành trâm hoa để tiện việc ra vào, rồi tất cả cáo từ a ngoài cửa Tây Hoa lên ngựa trở về doanh trại. Ngày hôm sau anh em Tống Giang lại vào thành, quan chủ lễ dẫn mọi người đến điện Văn Đức làm lễ tạ ơn. Thiên tử rất hài lòng, dự định sẽ phong quan ban tước cho, bèn truyền lệnh bảo anh em Tống Giang ngày mai đến thụ chức. Anh em Tống Giang tạ ơn rồi ra khỏi hoàng cung trở về doanh trại, việc không có gì phải nói.
Lại nói các quan ở viện khu mật dâng sớ tâu: “Những người mới nhận chiếu chiêu an chưa lập được công lao, không nên vội phong quan ban tước, đợi sau này sai đi đánh dẹp có công, khi ấy hãy xét mà phong thưởng. Nay bọn họ quân lính đông mấy vạn người đóng trại ở sát kinh thành, điều ấy thật không nên. Xin bệ hạ cho phân tán ngay quân mã bộ hạ của bọn Tống Giang; những tướng nào khi trước vẫn ở kinh sư, lâm trận bị bọn chúng bức hàng thì nay được ở lại kinh sư; quân lính các tỉnh khác thì ở đâu đưa về nơi ấy. Số quân còn lại thì chia làm năm đạo diễu đi Sơn Đông, Hà Bắc. Như thế mới là thượng sách”.
Ngày hôm sau thiên tử sai quan ngự giá chỉ huy sứ đến doanh trại truyền thánh chỉ cho anh em Tống Giang phải phân tán ngay người ngựa, ai ở đâu về đấy. Các đầu lĩnh nghe xong đều bất bình nói:
- Anh em chúng tôi nhận chiếu chiêu an của triều đình, chưa ai được quan tước gì, nay lại định phân tán đưa mỗi người đi một ngả. Anh em các đầu lĩnh chúng tôi sống chết có nhau, quyết không khi nào chịu chia lìa. Nếu việc đúng như thế thì chúng tôi chỉ còn cách quay về Lương Sơn Bạc!
Tống Giang vội vàng ngăn lại, rồi lấy lời trung nói với quan chỉ huy sứ để kh về triều tâu lại với thiên tử thì xin giấu việc ấy đi cho. Nhưng quan chỉ huy sứ về cung không dám giấu giếm, đành phải tâu lên để thiên tử biết sự việc vừa rồi. Thiên tử nghe nói cả kinh, bèn sai gọi các quan ở viện khu mật đến bàn. Khu mật sứ Đồng Quân tâu rằng:
- Bọn ấy tuy về hàng, nhưng lòng dạ không hối cải, trước sau rồi cũng gây ra hoạ lớn. Theo ngụ ý của thần thì chi bằng bệ hạ cứ truyền lệnh lừa gọi cả bọn vào thành rồi bắt gϊếŧ hết một trăm linh tám tên, sau đó phân tán người ngựa đi các nơi để trừ mối hậu hoạ cho nước nhà.
Thiên tử nghe tâu xong, lặng yên nghĩ ngợi chưa dám quyết. Đang lúc ấy, từ sau bức bình phong có một viên đại thần mặc áo tía, đeo thẻ ngà bước ra lớn tiếng quát:
- Bốn phương binh lửa chưa tắt mà giữa chốn kinh sư đã gây mầm tai hoạ, đó là tội ác của bọn gian thần các ngươi làm hư nát thiên hạ của thánh triều!
Người ấy đúng là:
Lấy lời lẽ giữ yên thiên hạ
Tránh khỏi điều đất chuyển trời rung.
Chưa biết viên đại thần từ sau bức bình phong bước ra quát đó là ai, xem hồi sau sẽ rõ.