Hậu Thủy Hử

Chương 78: Cao Thái Úy Mưu Đánh Lương Sơn

Lại nói các hảo hán Lương sơn bạc sau hai lần đánh bại Đồng Quán, Tống Giang và Ngô Dụng bàn bạc nên cử người đi Đông kinh nghe ngóng tin tức về báo lại để sơn trại kịp chuẩn bị đánh lại quan quân triều đình. Tống Giang vừa dứt lời thì Thần hành thái bảo Đới Tôn nói:

- Tiểu đệ xin đi!

Tống Giang nói:

- Việc do thám quân cơ phần nhiều phải nhờ đến hiền đệ. Nhưng đi chuyến này nên có một người nữa cùng đi để giúp hiền đệ thì hay hơn.

Lý Quỳ liền nói:

- Xin cho tiểu đệ cùng đi!

Tống Giang cười nói:

- Cho ngươi đi để gây rối nữa hay sao?

Lý Quỳ đáp:

- Lần này đệ không dám gây chuyện gì nữa!

Tống Giang không muốn cho Lý Quỳ đi bèn hỏi lại:

- Có anh em nào khác muốn đi không?

Xích phát quỷ Lưu Đường đáp:

- Tiểu đệ xin đi để giúp Đái viện trưởng, không biết có được không?

Tống Giang nói:

- Được lắm!

Ngay ngày hôm ấy hai người sửa soạn hành lý lên đường.

Chưa nói chuyện Đới Tôn, Lưu Đường về Đông kinh nghe ngóng tin tức ra sao. Đây nói chuyện Đồng Quán và Tất Thắng trên đường thu thập tàn quân được hơn bốn vạn người ngựa chạy về Đông kinh, dọc đường cho phép các tướng đem quân trở về bản doanh, chỉ đem quân ngự doanh vào thành. Đồng Quán cởi bỏ chiến bào, giáp trụ, đi ngay đến phủ Cao thái úy. Hai người gặp nhau chào hỏi xong, Cao Cầu mời Đồng Quán vào hậu đường nói chuyện. Đồng Quán kể hết với Cao Cầu việc đại quân hai lần thua trận, tám lộ quan quân bị đánh tan tành, đại tướng Phong Mỹ bị bắt sống, sự thể như vậy không biết phải nên thế nào?

Cao thái úy nói:

- Tướng công không nên buồn phiền. Việc này cứ giấu thiên tử là xong. Ai dám liều mà tâu báo? Bây giờ hạ quan cùng tướng công đến chỗ thái sư bàn tính them xem sao.

Đồng Quán và Cao Cầu lên ngựa đến phủ thái sư, đi thẳng vào cổng. Người hầu vào báo: “Có Đồng khu mật đến”. Đoán trước là Đồng Quán thua trận lại thấy cả Cao Cầu cùng đi, Sái Kinh bèn mời hai người vào phòng khách nói chuyện. Đồng Quán lạy chào thái sư rồi khóc sướt mướt. Sái Kinh nói:

- Tướng quân đừng buồn, ta đã biết chuyện thua trận rồi.

Cao Cầu nói:

- Quân giặc ẩn nấp trong chốn ao đầm, không có thuyền thì không tiến đánh được. Quan khu mật chỉ có người ngựa nên bị thất lợi, mắc quỷ kế của giặc.

Đồng Quán nhân đó kể với Sái thái sư chuyện quân thua, tướng bại. Sái Kinh nói:

- Tướng quân làm hao tổn bấy nhiêu người nựa lương tiền, tám lộ quân tan tác cả. Việc như thế làm sao dám tâu lên thiên tử?

Đồng Quán sụp lạy nói:

- Cầu mong thái sư che dấu giúp cho!

Sái Kinh nói:

- Ngày mai vào chầu chỉ còn cách tâu là: “Vì thời tiết nóng nực, quân sĩ không quen thủy thổ, tạm xin lui quân bãi chiến”. Nếu thiên tử nổi giận nói: “Để mối lo trong gan ruột không trừ đi sau ắt thành họa lớn” thì liệu các quan trả lời thế nào?

Cao Cầu đáp:

- Không phải Cao Cầu tôi dám khoe khoang, nhưng nếu thái sư đề cử thì Cao Cầu tôi dám đem quân đi đánh, chỉ một trận là dẹp yên.

Sái Kinh đáp:

- Thái úy chịu đem quân đi thì tốt lắm. Ngày mai hạ quan sẽ xin đề cử thái úy giữ chức nguyên súy.

Cao Cầu lại thưa:

- Có điều là phải xin thánh chỉ cho được toàn quyền điều quân, tùy ý đóng thêm thuyền bè, thu dụng các loại thuyền công tư, hoặc xuất tiền đóng thuyền mới. Có đủ thuyền bè thủy lục cùng tiến, người ngựa cùng đi mới thắng được.

Sái Kinh nói:

- Việc ấy dễ thôi.

Ba người đang nói chuyện thì người canh cửa vào báo:

- Đại tướng Phong Mỹ đã trở về.

Đồng Quán cả mừng. Sái thái sư cho gọi Phong Mỹ vào hỏi nguyên do. Phong Mỹ lạy chào rồi thưa:

- Tống Giang chỉ bắt mình tiểu tướng lên núi, còn quân sĩ đều tha, lại cấp tiền ăn đường cho bọn chúng về quê. Vì vậy tiểu tướng mới lại được nhìn thấy tôn nhan.

Cao Cầu nói:

- Đó là quỷ kế của quân giặc cố ý khinh mạn quân triều đình. Lần này không lấy quân mã ở những vùng lân cận nữa, cứ chọn quân tráng kiện ở tận Sơn đông, Hà bắc giao cho Cao Cầu tôi.

Sái Kinh nói:

- Đã bàn định rồi, ngày mai cứ thế tâu lên thiên tử.

Đồng Quán, Cao Cầu cáo từ trở về phủ.

Canh năm ba khắc sáng hôm sau các quan đều tề tựu ở nội cung. Tiếng trống chầu nổi lên, mọi người theo phẩm tước lần lượt vào trước đan trì xếp ban chầu. Các quan văn võ đứng thành hàng hai bên, nghe hiệu lệnh đều lạy mừng tung hô vạn tuế. Quan điện đầu cầm roi quất vung vυ't, nói to:

- Ai có việc ra tâu báo, không có việc thì cuốn rèm bãi chầu.

Sái thái sư liền bước ra khỏi hàng tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ, trước đây bệ hạ đã sai khu mật sứ Đồng Quán thống lĩnh đại quân đi đánh dẹp bọn giặc cỏ ở Lương sơn bạc. Nhưng gặp lúc tiết trời nóng nực, người ngựa không quen thủy thổ hơn nữa bọn giặc ấy lại ẩn náo trong chốn hồ đầm, không có thuyền thì không đi lại được, người ngựa không thể tiến nhanh. Vì thế xin bệ hạ cho ngưng chiến để quân sĩ nghỉ ngơi, đợi sau sẽ xin thánh chỉ.

Thiên tử nói:

- Đang mùa viêm nhiệt thì chưa đi được.

Sái Kinh tâu:

- Xin đưa Đồng khu mật đến cung Thái Ất đợi tội, xin bệ hạ cho một đại thần khác làm nguyên súy đưa quân đi đánh. Cúi mong thánh chỉ.

Thiên tử nói:

- Bọn giặc ấy là mối họa lớn trong gan ruột, không thể không trừ đi. Biết lấy ai chia nổi lo với trẫm?

Cao Cầu bước ra tâu:

- Hạ thần bất tài cũng xin đem hết sức trâu ngựa cầm quân đi đánh giặc. Cúi mong thánh thượng chuẩn tâu!

Thiên tử nói:

- Khanh đã bằng lòng chia sẽ nổi lo với quả nhân. Vậy cho phép khanh được toàn quyền tuyển chọn quân mã.

Cao Cầu lại tâu:

- Vùng Lương sơn bạc chu vi hơn tám trăm dặm, không có thuyền bè thì không tiến quân được. Thần cúi xin thánh chỉ cho phép được chặt cây đốn gỗ ở miền gần Lương sơn bạc, sai thợ đóng thuyền, hoặc xuất tiền mua loại thuyền lớn của dân làm chiến thuyền.

Thiên tử nói:

- Trẫm ủy cho khanh được tùy ý xử trí công việc, nhưng cần thận trọng đừng làm phương hại đến dân chúng.

Cao Cầu tâu:

- Hạ thần không dám! chỉ xin bệ hạ gia hạn để trù tính cho chu toàn.

Đạo quân hoàng đế bèn sai lấy chiến bào gấm, áo giáp vàng ban cho Cao Cầu, sai chọn ngày tốt đưa quân lên đường.

Tan buổi chầu hôm ấy, Đồng Quán, Cao Cầu theo Sái Kinh về phủ thái sư. Sái thái sư sai trung thư sảnh truyền thánh chỉ định đoạt việc điều động quân tướng. Cao thái úy nói:

- Trước đây có mười viên tiết độ sứ võ nghệ cao cường đã lập nhiều công với triều đình, hoặc đánh nước Quỷ phương hoặc chinh phạt Tây hạ, Đại kim, Đại liêu, xin thái sư điều họ làm tướng.

Sái thái sư ưng thuận bèn viết văn thư gửi xuống mười đạo, sai mỗi đạo chọn một vạn tinh binh đưa xuống Tế châu đợi lệnh. Mỗi viên tiết độ sứ được giao chỉ huy một vạn quân, hẹn ngày đem quân lên đường. Mười viên tiết độ sứ ấy là:

Hà nam Hà bắt tiết độ sứ Vương Hoán

Thượng đảng thái nguyên tiết độ sứ Từ Kinh,

Bắt kinh hoành nông tiết độ sứ Vương Văn Đức,

Dĩnh châu nhữ nam tiết độ sứ Mai Triển,

Trung sơn yên bình tiết độ sứ Trương Khai,

Giang hạ linh lăng tiết độ sứ Dương Ôn,

Vân trung nhạn môn tiết độ sứ Hàn Tồn Bảo,

Lãng tây hán dương tiết độ sứ Lý Tòng Cát,

Lang nha bình thành tiết độ sứ Hạ Nguyên Trấn,

Thanh hà thiên thủy tiết độ sứ Kinh Trung

Mười đạo quân mã ấy đều là hạng tinh binh dũng cảm, được tập luyện nhiều, lại có mười viên tiết độ sứ vốn xuất thân từ chốn lục lâm, sau chịu chiêu an về hàng triều đình được phong chức quan cao, lập nhiều công lớn. Trung thư sảnh định ngạch gửi văn thư xuống mười đạo hẹn ngày đem quân đến Tế châu, kẻ nào chậm sẽ bị xử theo quân lệnh. Ở huỵện Kim lăng phủ Kiến khang có đội thủy quân do Lưu Mộng Long làm thống chế. Tương truyền mẹ Lưu Mộng Long chiêm bao thấy con rồng đen bay vào bụng cảm động mang thai rồi sinh ra Mộng Long. Lớn lên, Mộng Long giỏi bơi lội, từng có công dẹp giặc ở Hiệp giang, Tây xuyên được thăng đến chức đô thống chế, thống lĩnh một vạn năm nghìn thủy quân và năm trăm chiến thuyền đóng giữ miền Giang nam. Cao thái úy hạ lệnh cho đội thủy quân ngày đêm đi gấp đến Tế châu đợi lệnh. Lại cho một tên tâm phúc là Ngưu Ban Hỷ đi thu dụng hết thuyền bè ở vùng ven sông Trường Giang đem đến Tế châu giao nộp. Dưới trướng Cao thái úy có nhiều nha tướng, trong đó có hai viên đáng kể xuất sắc hơn cả là anh em Đãng Thế Anh và Đãng Thế Hùng, có sức khỏe địch nổi vạn người, hiện đều giữ chức thống chế. Cao thái úy lại chọn thêm một vạn năm nghìn tinh binh ở ngự doanh, cùng nhân mã các nơi đều đến, tất cả là mười ba vạn người ngựa. Các lộ đều sai quân đem lương thảo, thuyền bè đến giao nộp. Cao thái úy ngày đêm cho chỉnh đốn giáp trụ, may cờ lệnh để kịp ngày lên đường.

Lại nói chuyện Đới Tôn, Lưu Đường đến Đông kinh, ở lại vài hôm nghe ngóng tin tức rồi ngày đi gấp về Lương sơn bạc báo cho Tống Giang biết. Nghe nói Cao thái úy điều mười ba vạn người ngựa và mười viên tiết độ sứ, đích thân cầm quân đi đánh, Tống Giang lấy làm lo lắng, mời quân sư Ngô Dụng đến bàn cách ứng phó.

Ngô Dụng nói:

- Xin nhân huynh đừng lo. Ngày xưa Gia Cát Khổng Minh chỉ có ba nghìn quân mà đánh tan mười vạn người ngựa của Tào Tháo. Ngô Dụng tôi từ lâu đã biết mười viên tiết độ sứ ấy đã đánh dẹp nhiều nơi, lập công với triều đình. Đó là do bọn họ từ trước không có địch thủ, lần này đến đây cốt để khoe tài võ nghệ. Nhưng gặp anh em bọn ta như gặp phải hổ báo thì bọn tiết độ sứ kia cũng chẳng ra mẽ gì. Có đáng gì mà huynh trưởng phải lo ngại? Cứ để mười đạo quân của bọn chúng đến đây, ta sẽ cho chúng một phen kinh sợ.

Tống Giang nói:

- Quân sư định ứng phó thế nào?

Ngô Dụng đáp:

- Chờ khi người ngựa của chúng đến tụ tập ở Tế châu, ta sẽ cho hai đầu lĩnh hăng đánh lọt vào chém gϊếŧ một trận cho Cao Cầu biết tay.

Tống Giang hỏi:

- Quân sư định sai ai đi làm việc này?

Ngô Dụng đáp:

- Nên sai Một vũ tiễn Trương Thanh và Song thương tướng Đổng Bình đi trận này.

Tống Giang bèn cho gọi Trương Thanh và Đổng Bình đến, giao cho mỗi người đem theo một nghìn quân mã tìm cách đánh phá quân triều đình đang đóng ở Tế châu. Lại truyền lệnh cho các đầu lĩnh thủy quân chuẩn bị cướp thuyền của quân triều đình. Các đầu lĩnh khác ở sơn trại cũng đã nhận lệnh ai lo việc nấy.

Lại nói Cao thái úy nấn ná ở kinh sư hơn mười ngày, thiên tử phải thúc giục mới đưa quân lên đường. Cao Cầu phát quân ngự doanh đi trước, sai ty giáo phường chọn hơn ba mươi ca nhi vũ nữ đi theo quân đàn hát mua vui. Đến ngày đã định, Cao Cầu làm lễ tế cờ, vào trong cung cáo từ thiên tử rồi đem quân lên đường, tính ra là đã chậm mất hơn một tháng. Bấy giờ là đầu mùa thu tiết trời dịu mát, các quan lớn nhỏ đều đến tiễn biệt ở trường đình. Cao thái úy mặc chiến bào, đeo đai khoác giáp, cỡi chiến mã thắng yên cương vàng, phía trước là năm con ngựa hầu đai ngọc yên thêu. Đãng Thế Anh và Đãng Thế Hùng cỡi ngựa đi hai bên tả hữu. Phía sau là các viên điện súy, thống chế, thống quân đề hạt, binh mã phòng ngự súy, đoàn luyện sứ, hang ngũ quân mã sắp xếp mười phần chỉnh tề.

Ra khỏi thành đến trạm trường đình, Cao thái úy xuống ngựa cùng cạn chén từ biệt các quan rồi vin yên nhảy lên ngựa tiến về Tế châu. Dọc đường cao Cầu dung túng cho quân sĩ cướp bóc quấy nhiễu, dân chúng thật khốn khổ trăm đường.

Lại nói mười lộ quân mã theo lệnh triều đình lục tục đế Tế châu. Tiết độ sứ Vương Văn Đức dẫn quân mã lộ Đông kinh ngày đêm đi gấp. Đến cách thành Tế châu hơn bốn mươi dặm, Vương Văn Đức đem quân đi qua một nơi gọi là dốc Phượng vĩ, dưới dốc là một khu rừng rậm. Tiền quân vừa lọt vào bìa rừng bỗng nghe một tiếng thanh la nổi lên, từ sau sườn núi một đội quân mã xông ra chặn đường. Viên tướng cỡi chiến mã đi đầu đội mũ trụ, khoác giáp sắc, vai đeo cung và ống tên có cắm hai lá cờ nhỏ thêu chỉ vàng đề rõ “Anh hùng Song thương tướng, Phong lưu vạn hộ hầu”, hai tay cầm hai ngọn thương. Đó là viên dũng tướng Đổng Bình, vị đầu lĩnh Lương sơn bạc quen xông trận hang đầu. Đổng Bình ghìm ngựa giữa đường cái quát lớn:

- Đội quân mã kia từ đâu tới? Hãy mau xuống ngựa chịu trói!

Vương Văn Đức dừng ngựa cười vang:

- Đồ vật có tai, ngươi sao không biết ta là thượng tướng Vương Văn Đức, nổi tiếng trong số mười viên tiết độ sứ có công với triều đình?

Đỏng Bình cười vang, quát:

- Ngươi không biết ta là bố trẻ của ngươi sao?

Vương Văn Đức cả giận quát:

- Tên giặc cỏ phản nghịch sao dám là nhục ta?

Nói đoạn Vương Văn Đức nâng thương thúc ngựa lên đánh. Hai tướng đánh nhau ba mươi hiệp không phân thắng bại. Vương Văn Đức liệu thế không thắng nổi Đổng Bình bèn nói to:

- Hãy tạm nghỉ!

Hai tướng đều quay ngựa về phía quân nhà. Vương Văn Đức truyền lệnh cho các tướng không được ham đánh, chỉ cốt mở đường mà đi. Vương Văn Đức tự mình cỡi ngựa đi trước dẫn đường, quân lính hò reo ùa theo sau. Đổng Bình dẫn quân đuổi theo. Bọn Vương Văn Đức sắp ra khỏi bìa rừng lại gặp một đội quân mã từ sau núi xông ra. Viên tướng cỡi ngựa đi đầu chính là một vũ tiễn Trương Thanh. Trương Thanh ngồi trên ngựa quát lớn.

- Tướng giặc chớ chạy!

Vừa nói Trương Thanh vừa thò tay vào túi gấm lấy một viên đá, vung tay nhằm ném vào đầu Vương Văn Đức. Vương Văn Đức né người viên đá trúng vào chỏm mũ sắt, Văn Đức liền rạp người xuống quất ngựa chạy trốn. Trương Thanh cùng Đổng Bình rượt đuổi theo. Vừa lúc ấy phía trước có một đội quân mã đang bon nhanh đến. Vương Văn Đức ngẩn nhìn mới biết đó là cánh quân mã của tiết độ sứ Dương Ôn đến cứu ứng. Đổng Bình, Trương Thanh thấy vậy không dám đuổi theo, bèn đem quân quay về. Hai đội quân mã của Vương Văn Đức và Dương Ôn vào thành Tế châu nghỉ ngơi. Tri phủ Trương Thúc Dạ tiếp đón khoản đãi quân sĩ. Mấy hôm sau quân tiền lộ đến báo: “Đại quân của Cao thái úy đã tới”. Mười viên tiết độ sứ đều ra ngoài thành nghênh đón rồi đi theo hộ vệ thái úy vào thành.

Tri phủ Trương Thúc Dạ tạm giao phủ đường cho thái úy làm súy chủ và chỗ nghỉ ngơi. Cao thái úy truyền lệnh cho quân mã ra đóng ở ngoài thành, chờ thủy quân của Lưu Mộng Long đến sẽ cùng xuất phát. Quân mã mười lộ tuân lệnh ra ngoài thành hạ trại. Quân lính vào rừng chặt cây đốn gỗ, phá dỡ cả cột kèo khung cửa nhà dân đem về dựng trại, Cao thái úy ngồi trong súy phủ định đoạt việc quân. Ai có tiền bạc đút lót thì được giữ ở đội trung quân, công ít báo nhiều; ai không có tiền bạc đút lót thì xung đi tiền tiêu giao phong chịu trận. Vì thế mối gian tệ nảy sinh ra nhiều. Vài ngày sau đoàn chiến thuyền của Lưu Mộng Long cũng đến nơi. Cao Cầu truyền gọi mười tiết độ sứ và đầu lĩnh thủy quân Lưu Mộng Long đến sảnh đường bàn kế sách tiến quân.

Bọn Vương Hoán thưa:

- Xin thái úy trước hết cho quân mã bộ đi trước dò đường, khiêu chiến để giặc đem quân ra đánh, sau đó điều chiến thuyền đánh vào sào huyệt làm cho quân giặc trước sau không cứu ứng được nhau, quân ta tất bắt sống được chúng.

Cao thái úy cho là phả, bèn sai Vương Hoán, Từ Kinh làm tiền bộ tiên phong; Vương Văn Đức, Mai Triển làm tướng hợp hậu. Trương Khi, Dương Ôn làm tả quân; Hạ Nguyên Trấn, Kinh Trung làm tiền hậu ứng. Đãng Thế Hùng dẫn ba nghìn tinh binh lên chiến trường hiệp trận với thủy quân của Lưu Mộng Long. Các quân được lệnh chuẩn bị trong ba hôm, rồi mời Cao thái úy đến điểm duyệt các lộ. Cao thái úy đích thân ra ngoài thành đi xem xét khắp một lượt rồi truyền lệnh cho ba quân tướng sĩ cùng đoàn chiến thuyền nhất loạt xuất phát tiến đánh Lương sơn bạc.

lại nói Đổng Bình, Trương Thanh trở về sơn trại kể lại tỉ mỉ tình hình quân giặc. Tống Giang và các đầu lĩnh dẫn đại quân xuống núi, đi chưa được bao xa đã thấy quân triều đình tiến đến. Quân hai bên ước lượng tầm tên dàn thành thế trận. Bên quân triều đình tiên phong Vương Hoán nâng thương thúc ngựa ra trước trận, cao giọng nói:

- Bọn giặc cỏ khốn kiếp có nhận ra đại tướng Vương Hoán đây không?

Bên trận Lương sơn bạc, Tống Giang đứng dưới môn kỳ đích thân thúc ngựa ra trước trận nhã nhặn lên tiếng đáp:

- Ta muốn gởi lời đến Vương tiết độ sứ: nay tiết độ sứ tuổi cao không kham nổi việc quân cơ trận mạc nữa. Nếu tiết sứ ra đương đầu giữa chốn rừng tên núi giáo, lỡ xảy ra điều lầm lỡ thì tiết sứ uổng phí thanh danh một đời. Tiết sứ nên quay về cho bọn trẻ hơn xuất trận.

Vương Hoán cả giận mắng:

- Ngươi là kẻ tiểu lại bị thích chữ vào mặt, sao dám chống lại thiên binh?

Tống Giang đáp:

- Vương tiết sứ, ngươi chớ cậy tài giỏi. Các anh em hảo hán thay trời hành đạo ở chỗ bọn ta hẳn không chịu thua ngươi đâu!

Vương Hoán vung thương xông ngựa đến đánh Tống Giang, lập tức phía sau Tống Giang có tiếng nhạc ngựa vang lên, một tướng vung thương thúc ngựa xông lên đánh Vương Hoán. Đó là Báo tử đầu Lâm Xung. Hai tướng ngồi ngựa quần thảo, quân hai bên reo hò trợ chiến. Cao Cầu ghìm ngựa quan sát, không ngớt lời khen ngợi.

Thấy Vương Hoán và Lâm Xung đấnh đến bảy tám chục hịêp không phân thắng bại, cả hai bên đều nổi chiên gọi về, Vương Hoán và Lâm Xung liền quay về trận nhà Tiết độ sứ Kinh Trung thúc ngựa đến gần nghiêng mình thưa với Cao thái úy:

- Tiểu tướng xin được quyết chiến với quân giặc một phen!

Cao Cầu bèn cho Kinh Trung xuất chiến. Tiếng nhạc ngựa lại rung lên phía sau Tống Giang. Hô Diên Chước vỗ ngựa xông ra đón đánh. Kinh Trung cầm chắc trường đao, cỡi ngựa vàng lao vào đánh Hô Diên Chước. Hai tướng đánh chừng hai mươi hiệp, Hô Diên Chước đánh dứ một đường, gạt đao dài của Kinh Trung, thuận tay vung roi sắt quật mạnh. Kinh Trung vỡ đầu chết lăn dưới ngựa. Cao Cầu thấy mất một viên tiết độ sứ vội sai Hạ Nguyên Trấn ra đánh. Nguyên Trấn xách thương phóng ngựa xông đến quát Hô Diên Chước:

- Tên giặc cỏ liệu dám đọ sức với ta?

Song thương tướng Đổng Bình từ phía sau Tống Giang phóng ngựa vung song thương ra đánh Hạ Nguyên Trấn. Hai tướng đánh hơn mười hiệp, Nguyên Trấn đột ngột quay ngựa bỏ chạy. Đổng Bình thúc ngựa đuổi theo. Nguyên trấn cho ngựa chạy vòng trước trận, Đổng Bình đuổi sát theo sau. Nguyên Trấn cắp thương vào nách, tay trái cầm cung, tay phải kéo căng dây, rạp người thả tên đi. Đổng Bình nghe tiếng dây cung phía sau định dơ tay gạt nhưng mũi tên đã trúng vào vai phải. Đổng Bình vội dứt thương quay ngựa chạy về. Nguyên Trấn khoác cung tên phóng ngựa đuổi theo. Bên quân Tống Giang, Hô Diên Chước và Lâm Xung thấy vậy vội phóng ngựa đến cứu Đổng Bình đem về trận nhà. Cao thái úy xua quân ùa lên hổn chiến. Tống Giang sai người đưa Đổng Bình về sơn trại chữa vết thương. Quân mã của Tống Giang ở phía sau không chặn nổi bèn quay ngựa bỏ chạy. Cao thái úy xua quân đuổi theo đến tận bờ nước. Một mặt điều quân tiếp ứng cho đoàn chiến thuyền.

Lại nói Lưu Mộng Long và Đãng Thế Hùng thống lĩnh thủy quân vòng vèo tiến về Lương sơn bạc, chỉ thấy bờ lau bến sậy heo hút mênh mông, cỏ cây um tùm che mặt nước. Chiến thuyền san sát nối đuôi nhau kín khắp mười dặm. Đoàn thuyền đang tiến bỗng nghe tiếng pháo oanh thiên nổi vang trên sườn núi, rồi từ bốn phương tám hướng vô số thuyền nhỏ lướt nước chèo ra. Quân đứng trên thuyền hoảng sợ, nhìn lau lách um tùm lại càng thêm kinh hoàng. Các thuyền con mai phục trong lau sậy vẫn tiếp tục xông ra đánh, đoàn thuyền quân Cao Cầu trước sau không cứu ứng cho nhau được nữa. Quân sĩ trên các thuyền quá nửa vứt thuyền bỏ chạy. Các hảo hán Lương sơn bạc thấy thủy trận của Cao Cầu rối loạn liền nổi trống khua thuyền xông lên đánh. Lưu Mộng Long và Đãng Thế Hùng cho thuyền quay về nhưng những chỗ nước cạn đã bị các hảo hán Lương sơn bạc dung thuyền con chất đầy rơm rạ, củi gỗ lấp tắc. Thuyền quân Cao Cầu vướng sào chèo không tiến lên được. Quân sĩ hầu hết bỏ thuyền nhảy xuống nước. Lưu Mộng Long vội cởi đai tháo giáp bò lên bờ tìm đường chạy chốn. Đãng Thế Hùng không dám bỏ thuyền chỉ quát tháo quân sĩ tìm chỗ nước sâu lách thuyền đi. Được chừng một hai dặm thấy phía trước có ba chiếc thuyền con lướt nhanh đến. Đấy là tam hùng họ Nguyễn, ai nấy tay cầm đao lá răm, chèo thuyền áp đến. Quân sĩ của Đãng Thế Hùng đứng trên thuyền sợ hãi nhảy cả xuống nước. Đãng Thế Hùng cầm giáo giao chiến với Nguyễn Tiểu Nhị trên mũi thuyền. Được một lúc Nguyễn Tiểu Nhị cũng nhảy xuống nước. Nguyễn Tiểu Ngũ và Nguyễn Tiểu Thất tiếp nhau áp sát đến. Đãng Thế Hùng thấy tình thế không chống cự nổi vội vứt giáo nhảy xuống nước mong trốn thoát. Đúng vào lúc ấy Thuyền hỏa nhi Trương Hoành từ dưới nước ngoi lên, một tay túm tóc, một tay nắm lấy đai lưng Đãng Thế Hùng lôi tuột lên bờ sậy. Hơn chục tên lâu la nấp sẳn xông đến trói gô Đãng Thế Hùng áp giải về trại Thủy hử.

Thấy đoàn chiến thuyền cắm cờ của Lưu Mộng Long rối loạn quay về bên chân núi. Cao Cầu biết là thủy quân bị thua trận, vội truyền lệnh thu quân về Tế châu để bàn tính kế khác, nhưng chưa kịp lui quân thì trời đã tối. Bỗng nghe khắp nơi hỏa pháo nổ vang rồi các đội quân mã của Tống Giang từ khắp bốn phía ào ạt xông đến. Cao Cầu thốt kêu lên: “Khổ quá!”

Đúng là

Hí hửng chưa lâu sầu đã đến

Tai ương vừa khỏi nạn sinh ngay

Rồi đây:

Một viên thái úy bơ vơ như lạc lối Âm Lăng

Mười đạo hùng binh nháo nhác tựa tàn quân Xích Bích

Chỉ biết:

Bộ quân không đường về đại trại

Thủy quân hết lối lại trần gian

Chưa biết Cao Thái úy và mười lộ quân triều đình thoát than ra sao, xem hồi sau sẽ rõ