Đối với cậu Cả, tôi chỉ có thể trông chờ vào duyên phận mà thôi, vạn sự không thể cưỡng cầu!
____________
Cả ngày hôm ấy tôi trông cậu Ngọc về suốt mà không thấy mặt mũi cậu đâu, hỏi ra mới biết là cậu đi làm hai ba bữa nữa mới về lận. Đã rầu thúi ruột còn nghe dì Nguyệt bảo dì ấy coi ngày đẹp xong xuôi, giờ chỉ chờ tới ngày là bước sang nhà nói chuyện cưới gả. Dì Nguyệt không nói thì tôi lo ít mà dì nói thì tôi lo càng nhiều, tôi sợ cậu Cả làm không kịp thì chết tôi luôn. Rầu ghê nơi hà!
Đến sáng hôm sau, tôi vác cái bộ mặt với quầng mắt thâm đen vì mất ngủ ra ăn sáng, thấy tôi ngáp ngắn ngáp dài ủ rũ, dì Dung mới cười hỏi:
– Con gái chuẩn bị có hôn sự có khác hen, mừng quá ngủ hông được hay sao mà mắt đen thui vậy hở Út Quân?
Tôi nhìn dì, ủ rũ trả lời:
– Hổng có đâu dì, con bệnh nên ngủ hông được.
Cậu ba Bảo ngồi kế bên dì Dung, cậu ấy cau mày nhìn tôi rồi hỏi:
– Em thấy trong người không khỏe thì để cậu kêu thầy lang tới coi bệnh cho em, chớ nhìn em hốc hác quá đó đa.
Tôi ngồi thẳng dậy, cười gượng gạo trả lời:
– Dạ thôi cậu, em bệnh rề rề vậy chớ hông có chi đâu, cậu đừng lo nghen.
Cậu Ba lại lên tiếng:
– Hay là em… hổng ưng hôn sự này với anh Hai?
Tôi ngạc nhiên nhìn cậu Ba, đang không biết nên trả lời như thế nào thì dì Dung mẹ ruột cậu ấy liền cất giọng phàn nàn.
– Bảo, con nói cái chi lạ lùng lung vậy, Út Quân từ khi bước vào nhà này thì định sẵn là mợ lớn rồi mà con. Con nói vậy để má lớn nghe, má rầy con chết đó đa.
Cậu Bảo cười nhạt:
– Rầy thì rầy chớ con nói đúng sự tình thì thôi, má nhìn cũng biết là Út Quân, em ấy…
– Thôi nghen, má nói rồi nghen, hông được ăn nói nhảm nhí nữa.
Bị dì Dung quở mắng, cậu Ba bực dọc giận dỗi quay sang chỗ khác. Tôi cứ tưởng là cậu ấy không dám nói nữa chứ ai ngờ vẫn quay sang dặn dò tôi một câu.
– Em không thích thì em cứ nói em không thích, cậu đứng về phe em, em hông cần sợ.
Dì Dung đập nhẹ lên bàn, dì càm ràm:
– Cha chả cái thằng này, hôm nay con ăn nhằm cái chi hở Bảo? Út Quân đã nói cái chi ưng với không ưng đâu mà con nói như vậy…
Cậu Bảo không thèm trả lời dì Dung, cậu nói hiên ngang:
– Có cái chi đâu mà má sợ, má cứ như vậy thì hỏi sao không thiệt thòi cho bản thân. Anh Hai là con của cha thì con cũng là con của cha, má cũng là vợ của cha, má có quyền chớ.
Dì Dung thoáng sững người, mà tôi tôi cũng cảm thấy hơi hoảng trước câu nói này của cậu Ba. Cậu Ba đó giờ theo tôi nhận xét là người điềm tĩnh, rất ít khi nào tôi thấy cậu lớn tiếng khó chịu với ai. Cái này có được coi là tức nước vỡ bờ không vậy nhỉ? Mà dì Nguyệt hiền queo à, làm gì có chuyện ức hϊếp mẹ con cậu Ba đâu chớ?
Trên bàn ăn lúc này ngoài tôi ra thì chỉ còn hai mẹ con cậu Ba Bảo nên không sợ có người ngoài nghe thấy. Dì Dung mím môi nhìn con trai rồi lại ngại ngùng quay sang nhìn tôi, tôi cũng thức thời hiểu chuyện nên liền trấn an dì ấy:
– Dì Dung không cần lo đâu, con nãy giờ không nghe cái chi hết, không hề nghe cái chi hết.
Dì Dung cười gượng, dì ấy gật nhẹ đầu:
– Ờ… ờ.
Cậu Ba bực dọc nhìn mẹ mình, cậu bực dọc nói:
– Con không ăn cơm nữa, má nói lại một tiếng giúp con.
– Chớ bây chừ con đi đâu?
– Đi coi đá gà.
– Con!
Mặc cho dì Dung tức tối kêu lên nhưng cậu Bảo vẫn không quay đầu nhìn lại. Tính ra cậu Bảo cũng không chững chạc như tôi nghĩ nhỉ, vẫn còn nông nổi làm việc theo cảm xúc lắm đó đa.
– Chuyện chi mà mới sáng sớm đã nghe hai má con em lớn tiếng rồi đa? Thằng Bảo đi đâu vậy, giờ cơm không ăn mà còn đi đâu?
Thầy Trầm với dì Nguyệt bước vào chung, nghe thầy Trầm hỏi, dì Dung vội vàng đứng dậy trả lời:
– Dạ mình, Thái Bảo có… có công chuyện riêng cho nên… cho nên…
Thầy Trầm đỡ dì Nguyệt ngồi xuống ghế, ông bực dọc lớn tiếng:
– Em lại bao che cho nó nữa phải không? Cái thằng… suốt ngày mần toàn chuyện tào lao không đâu ra đâu. Nó mà được một phần của thằng Ngọc cũng đỡ, còn đằng này…
Dì Nguyệt đỡ lời:
– Mình, con nó còn nhỏ, có chi thì để em Dung dạy bảo thêm. Hồi đó thằng Ngọc cũng y chang vậy chớ có khác chi đâu, lớn chút nữa là tự động tụi nó hiểu chuyện liền. Mình la con cái hoài, nó tự ái tội nghiệp, với lại em Dung cũng có lỗi chi đâu…
Dì Dung mặt mày tối sầm ủy khuất, thầy Trầm coi bộ chắc là thấy quá lời nên mới thôi không nói thêm nữa. Không khí trong phòng ăn có chút ngột ngạc khó tả, mãi tới khi thầy Trầm nhẹ giọng cất lên thì mới thấy thoải mái được đôi chút.
– Thôi thì sau này tôi không nói nữa, chị em hai người tự mà bàn tính nhau dạy dỗ tụi nhỏ. Thằng Bảo thông minh lanh lẹ nhưng không dạy là hư, rồi không lẽ cứ để nó muốn mần cái chi thì mần. Sản nghiệp nhà này trước sau gì cũng thuộc về tụi nó, mần chi thì mần, đừng để cho tổ tiên ông bà hiện hồn về quở mắng tôi là được.
Vợ lớn vợ nhỏ nhìn nhau, cả hai cùng đồng thanh đáp:
– Dạ mình.
Chuyện cậu Ba xong xuôi, dì Nguyệt mới quay sang cười nói với dì Dung:
– Dung, em sao rồi, con lạnh chân nữa không? Thuốc đó tốt lung lắm đa, uống cho ấm người.
– Dạ chị Hai, ngày nào em cũng uống hết.
Thấy hai người nói chuyện rôm rả, tôi với thầy Trầm không xen vào nhưng mà tôi để ý, thầy Trầm cứ nhìn dì Dung riết thôi. Từ nãy tới giờ, ánh nhìn của thầy cũng chưa từng dời đến bên người dì Nguyệt. Mà dì Dung cũng lạ lắm, tôi nhìn cứ thấy sao sao ấy nhưng cụ thể là như thế nào thì tôi… không rõ nữa.
Mãi một lát sau, Bà Nội với Thục Oanh mới đi vào, hôm nay Bích Hà không ăn sáng, cô ấy nói là không khỏe.
– Con Hà đâu rồi cà, sao hôm nay con nhỏ không ra ăn sáng?
Dì Nguyệt nhẹ nhàng trả lời:
– Dạ má, Bích Hà chắc là không được khỏe trong người nên mới…
Bà Nội lúc này mới liếc mắt nhìn sang tôi, bà có chút không vui nói:
– Ừ, dặn tụi gia nhân nấu cháo cho con nhỏ rồi mời thầy lang tới coi bệnh cho nó.
– Dạ má.
– Ừ, mà vợ thằng Thọ nè, má nghe nói con định hỏi cưới con Quân cho thằng Ngọc hở? Chuyện này sao không thấy con thưa với má?
Dì Nguyệt cười mỉm, dì trả lời:
– Dạ con định là coi ngày đâu đó xong xuôi thì mới sang thưa với má đó má.
– Vậy hen, vậy mà má tưởng con hông còn coi má là má nữa rồi chớ. Nhưng thôi, chút ít chuyện đó má bỏ qua cũng được, nhưng có chuyện này… năm nay không tốt lắm, chuyện cưới xin để lại sang năm sau đi.
Tôi nghe Bà Nội nói mà như mở cờ trong bụng, trên mặt thì không hiện gì nhưng trong lòng thì đang mừng rơn lên.
– Má, chuyện này…
Dì Nguyệt chưa nói hết câu thì Bà Nội đã phủi tay phản đối:
– Tôi còn sống thì cứ nghe tôi, đợi tôi chết rồi thì cô muốn mần cái chi thì mần. Năm nay không tốt, muốn cái chi thì để sang năm, nghe rõ chưa?
Dì Nguyệt đáng lý là muốn nói lại nhưng thầy Trầm giữa chừng kéo tay ngăn lại không cho nói. Cuối cùng vẫn là dì Nguyệt nhượng bộ, dì ấy không có nói là sẽ đồng ý nhưng cũng không cãi lại tiếng nào. Tôi thì tôi vui muốn xỉu nhưng lại giả vờ buồn buồn không nói năng gì. Bà Nội thấy tôi như vậy, bà ấy thích chí cười hả hê suốt buổi. Thấy bà ấy hả hê, tôi trông mà buồn cười nhưng bà ấy càng hả hê thì tôi lại càng có lợi, phản đối nữa đi, tìm cách phản đối nữa đi Bà Nội ơi.
Đến trưa ngày hôm đó, trong nhà xảy ra biến lớn, tôi nghe bé Nhỏ thuật lại là dì Nguyệt bị Bà Nội quở mắng ở trong phòng, nghe đâu là vì chuyện cưới xin của tôi với cậu Ngọc. Mà lần này dì Nguyệt không chịu nhường nữa, dì ấy chống đối lại Bà Nội nên làm cho bà tức tới thở không thông. Dì Nguyệt thì cũng đâu vừa gì, không biết là có xảy ra xô xát gì hay không mà dì Nguyệt dì ấy đau bụng phải kêu thầy lang với bà mụ tới coi bệnh. Trong nhà loạn thành một đống, người thì chăm sóc bà nội, người lại canh chừng bà lớn. Tôi nghe tin liền xách guốc chạy tới thăm dì Nguyệt trước nhưng dì ấy không cho tôi vào, dì ấy biểu tôi về phòng nghỉ ngơi đi đừng lo cho dì ấy. Tôi đứng ngoài cửa cả buổi cũng không vào trong được nên tôi đành sang thăm bà nội. Ấy vậy mà bà nội cũng không cho tôi vào, bà ấy biểu chị Oanh nói lại với tôi là bà đang mệt lắm không tiếp chuyện được với ai hết. Thành thử ra trong nhà người chạy tới người chạy lui bận đến đen đầu, chỉ có tôi là khỏe ru không có chuyện gì để làm cả.
Ngồi trong phòng riết cũng chán, tôi nghĩ nghĩ liền danh cái vòng đi tới phòng cậu Cả. Gõ gõ cửa sổ phòng cậu y như hôm trước, tôi khẽ kêu:
– Cậu Cả ơi!
Lần này thì nhanh hơn lần trước, vừa mới kêu một tiếng, cậu Cả đã đi ra mở cửa cho tôi trèo vô. Đợi tôi trèo vô xong xuôi, cậu mới nhàn nhạt cất tiếng hỏi:
– Chuyện gì nữa vậy?
– Sao cậu không giải quyết chuyện hôn sự của em với cậu Ngọc? Giờ mọi chuyện rối ren lên hết rồi kìa, cậu tính sao.
– Vội cái gì? Thằng Ngọc chưa về thì lấy ai mà cưới cô?
Tôi hậm hực:
– Không phải chuyện của cậu nên cậu không có lo, cậu nói thì dễ nghe lắm.
– Chứ cô muốn sao?
Tôi vểnh môi:
– Em muốn giải quyết chuyện này ngay bây giờ, em không yên tâm.
Cậu Cả đi tới gần tôi, cậu vỗ lên trán tôi cái chát rồi mới trả lời:
– Tôi biết rồi.
– Tôi biết rồi biết rồi, có thấy gì á đâu.
– Cô nói cái gì?
Thấy cậu Cả nhìn tôi, tôi vội thảo mai trả lời:
– Có nói gì đâu cậu, em có nói gì á đâu.
Cậu Cả lườm nguýt tôi một phát, cậu nói:
– Chuyện này tôi đã có cách rồi, cô với thằng Ngọc chưa cưới nhau được đâu, không cần phải lo.
– Vậy… em yên tâm rồi, cảm ơn cậu.
– Cảm ơn xong rồi về à?
Tôi gật gù:
– Dạ, ở đây làm chi nữa cậu.
– Sao hôm nay cô khách sáo vậy?
Tôi cười cười:
– Không khách sáo thì biết làm gì hở cậu? Cậu giúp em, em giúp lại cậu, coi như huề nhau, em nên cảm ơn cậu cho đúng lễ nghĩa chứ.
Nghe tôi nói, cậu Cả liền đi nhanh về phía tôi, mắt cậu híp lại, cảm xúc có chút khác lạ nhưng lại biến hoá đến không nhìn rõ được. Mặt cậu gần sát mặt tôi, giọng cậu rất ấm rất trầm:
– Biết tôi có người trong lòng nên thất vọng à? Bọn người hiện đại các cô thiếu niềm tin đến vậy hở?
Mắt tôi chớp chớp, tim đập có chút nhanh hơn, tôi ấp úng trả lời:
– Vậy chớ… em phải làm sao? Giành giật cậu với… cô ấy à?
Cậu Cả khẽ cười, nụ cười đểu giả:
– Cô ấy không cần giành với cô… trong lòng tôi chỉ có một mình cô ấy, cô… không xứng.
Cậu Cả quay mặt sang hướng khác không thèm nhìn đến tôi nữa, giọng cậu nhàn nhạt:
– Đi về phòng đi, tôi buồn ngủ rồi.
Tôi đứng đờ ra giây lát, đợi tới khi cảm giác hụt hẫng trong lòng vơi đi một chút, tôi mới quay người đi đến chỗ cửa sổ. Cũng không biết là tại vì sao mà trong khoảnh khắc trèo qua cái cửa sổ thấp tè ấy, tôi lại… rơi nước mắt.
Nước mắt vừa chảy ra, tôi đã vội vàng kéo ống tay áo mà lau đi sạch. Nhảy xuống bệ cửa sổ, tôi lảo đảo mém tí là ngã lăn quay, cũng may là giữ thăng bằng lại được. Tôi hít lấy một hơi rồi đi thẳng ra bên ngoài, một lần quay đầu luyến tiếc nhìn lại cũng không có. Vừa đi tôi vừa nhủ với lòng mình rằng, có cái gì phải khóc, thế gian này biết bao nhiêu là đàn ông tốt, mắc mớ gì phải khóc vì một tên ngang ngược cơ chứ. Không có tên này thì có tên kia, khóc lóc như đứa thần kinh trẻ trâu vậy ấy. Mặc dù nghĩ thì nghĩ mạnh mẽ là thế nhưng khi về phòng, tôi lại vỡ òa cảm xúc mà ôm bé Nhỏ khóc như mưa.
Tôi, tôi thật không hiểu vì sao nữa, cảm xúc của tôi nó mâu thuẫn lắm, cảm giác cũng quá mức khoa trương lên rồi. Vốn dĩ chuyện cậu Cả không thích tôi là chuyện mà tôi có thể chắc chắn, vậy mà khi nghe cậu nói tôi không xứng, tim tôi lại đau đến thắt nghẹn lại. Dù không muốn khóc nhưng nước mắt vẫn cứ chảy dài ra, còn khóc đến mức trời rung đất chuyển nữa. Thiệt tình mà nói, lần thất tình đầu tiên, tôi cũng không khóc tới mức như vậy, thật là khó hiểu mà.
Khóc xong một trận cũng đến khuya, bên phía Bà Nội với dì Nguyệt cũng không có động tĩnh gì. Tôi tầm này chán chả buồn nói, ai muốn làm gì thì làm, nghĩ mãi thấy đau đầu quá. Cơm tối không ai ăn nên tôi ăn một mình, bé Nhỏ vừa dọn cơm cho tôi, con bé vừa xuýt xoa kể lại.
– Cô, sau này cô đừng có ra bờ sông ngâm chân nữa nghen.
Đang buồn mà có chuyện để tám cũng đỡ, nghe con bé nói vậy, tôi liền hỏi:
– Sao vậy Nhỏ? Bộ có chuyện chi hở?
– Dạ, kể từ cái bữa mà cô bị rớt xuống sông tới giờ á cô, quá trời người đi khuya về té xuống đó rồi, ngay cái chỗ đó luôn. Mà hên, hổng có ai chết hết, thấy ghê quá trời luôn cô.
– Có chuyện thiệt vậy hả Nhỏ?
– Dạ thiệt, con nói xạo với cô chi. Dân mình sợ quá mới đem nhang đèn ra cúng, hồi trưa con cũng chạy ra coi nè cô.
– Ờ…
Ế quên nữa, bờ sông… bờ sông… Út Quân… Út Quân…
Bữa đó người tự xưng là “Út Quân” cứu tôi một mạng khỏi tay của ma da, chuyện đã qua mấy hôm rồi mà tôi vẫn chưa ra đó cảm ơn “người đó” một tiếng. Mà cũng không chỉ là cảm ơn không đâu, tôi rất tò mò, thật sự tôi rất muốn hỏi về chuyện hồn nhập xác kỳ bí này của tôi và Út Quân. Trước hay sau gì thì tôi cũng phải gặp “người đó”, việc tôi có trở về được hay không, bây giờ chỉ có thể trông chờ vào manh mối duy nhất này mà thôi.
Sau khi suy xét thật kỹ, tôi kêu bé Nhỏ đi chuẩn bị cho tôi nhang đèn, giấy tiền vàng bạc với hoa quả các thứ, đêm hôm nay, tôi phải ra đó một chuyến mới được.
Nửa khuya, sau khi đợi mọi người đã ngủ hết, tôi xách theo một giỏ đồ mà bé Nhỏ đã chuẩn bị từ trước cho tôi rồi đi thẳng ra cổng. Tầm này anh coi vườn chắc cũng đã ngủ nên tôi đi nhẹ nhàng rồi mở cửa khẽ khẽ đi thẳng ra bên ngoài. Chu choa, trời càng về khuya càng lạnh, mà vừa lạnh lại còn vừa vắng vừa tối nữa chớ. Tôi đưa tay vặn cái đèn sáng mạnh hơn một chút rồi lấy trong túi ra chai rượu nhẹ độ, hớp một tí cho ấm người đặng tiếp thêm sức mạnh mà đi gặp… “ma”.
Đêm xuống, tiếng ếch nhái ễnh ương kêu vang một vùng trời, lâu lâu pha chút tiếng gà gáy, tiếng chó sủa rồi kèm theo chút âm thanh xì xào của gió. Tôi kéo áo lên cao rồi gọi đèn đi tới chỗ bờ sông, vừa đi tim vừa đập thùm thụp thùm thụp sợ muốn té xỉu. Đi gần tới cái neo đậu chỗ mà cậu Ngọc làm cho tôi hóng mát, da gà da vịt tôi tự dưng dựng đứng hết cả lên. Gió thổi qua một trận, ngọn đèn trên tay tôi cũng lay lay như muốn tắt, tôi phải lấy tay mình che đèn lại. Đợi gió tắt, tôi đưa mắt nhìn về chỗ sáng le lói ngay cạnh bờ sông… ờ đúng như lời bé Nhỏ nói, người dân có lập miếu thờ nhỏ hoa quả vẫn còn rất tươi mới.
Cầm chắc giỏ đồ cúng trong tay, tôi sợ tới mức mồ hôi tuôn ra ướt hết cả tay cầm. Bây giờ làm thế nào đây, đi hay không đi, hay là thôi đi… vô ngủ cho lành chứ thấy ghê quá.
– Sợ hả?
– Sợ chớ… á… cậu… cậu Cả…
Nghe tiếng hỏi tôi quay lại nhìn, xém chút tôi chết điếng người luôn rồi á. Vỗ vỗ ngực, tôi thở dốc lèm bèm:
– Cậu bị điên hả, hông biết là em đang sợ hay sao vậy?
Cậu Cả lườm tôi phát:
– Sợ sao không nói, tôi đi cùng cô.
Tôi cười nhạt nhìn cậu:
– Thôi khỏi, em hổng xứng, ai dám nhờ cậu.
– Giỏi thù dai…
Tôi hừ hừ mấy tiếng không thèm nhìn cậu nữa, ai mượn cậu ấy ra đây đâu, tôi mà cần á, còn lâu.
– Tôi… xin lỗi em, tôi không cố ý… em đừng giận.
Ơ, cậu Cả xin lỗi… cậu Cả gọi tôi bằng em… ơ kìa… ơ kìa kìa!