Gia Phả Của Máu

Chương 3



Chiều hôm sau.

Hưng đạp xe lên phố huyện mua một cuốn sổ màu đen, để về chép lại thứ công thức bí truyền về cách làm những tấm lụa quý.

Đi qua hai con phố nhỏ, cuối cùng gã cũng đến được tiệm tạp hóa duy nhất trong huyện. Gã mở cửa tiệm bước vào bên trong, chọn lấy một cuốn sổ đen và dày nhất.

Gã lựa loại giấy tốt nhất trong tiệm nhằm cho việc chép sách được thuận tiện và còn có thể lưu giữ được lâu.

Sau khi ngắm nghía đủ thứ trong tiệm, xem xem mình còn thiếu thứ gì chưa mua hay không, gã mới đem cuốn sổ đen ra quầy thanh toán tính tiền.

Chủ tiệm tạp hóa là một người phụ nữ, năm nay độ chừng bốn mươi tuổi, nhìn thấy gã ăn mặc quê mùa nên nghi ngờ gã là kẻ cắp. Mụ cứ đứng nhìn chằm chằm làm gã cảm thấy khó chịu, gã gõ mạnh cuốn sổ đen xuống mặt bàn mà nói với giọng bực tức:

– Bao nhiêu tiền?

Mụ thấy gã hỏi như vậy thì mới cho rằng cái ý định mua cuốn sổ của gã là thật. Bởi lẽ vốn dĩ những người ăn mặc xoàng xĩnh thuộc giai cấp bần nông như Hưng, có lẽ nào lại đi mua sách vở về để mà viết, mà nếu có lựa sổ về để viết thì cũng thường chỉ chọn những loại nào rẻ tiền nhất. Nhưng nhìn Hưng như không có tiền mà lại chọn cuốn sổ sang nhất thì chẳng trách tại sao mụ lại nghi ngờ gã là có cái ý đồ ăn cắp vặt trong tiệm như vậy.

Mụ cầm cuốn sổ lên liếc xéo một chốc, rồi mới ra giá:

– Mười nghìn đồng!

Hưng toan trợn mắt kinh ngạc, nhưng gã lại nhanh chóng giấu được cái thứ cảm xúc ấy. Mười nghìn đồng là có thể đủ cho gã có một bữa rượu say bét nhè cùng với Toại ở đầu làng. Vậy mà chỉ một cuốn sổ đen nho nhỏ lại có cái mức giá trên trời như vậy thì gã không ngạc nhiên làm sao cho được. Nhưng Hưng tính toán đến chuyện thiệt hơn nên vẫn cố gắng bấm bụng lôi ra tờ giấy bạc mười nghìn đưa cho mụ chủ tiệm tạp hóa, rồi nhanh chóng cầm cuốn sổ đen rời khỏi.

Mụ chủ tiệm tạp hóa cũng nhìn gã với vẻ thoáng ngạc nhiên, nhưng sau cùng cũng chỉ lắc đầu, coi như là con mắt đánh giá người của mụ nhìn lầm. Và người đàn ông nghèo khố rách áo ôm này có thể bỏ ra được một số tiền lớn đến như thế để mua sổ cũng là chuyện hiếm có.

Ra khỏi tiệm tạp hóa, Hưng hung hăng bực dọc vì bị coi thường. Gã nhìn lại bộ quần áo khố rách áo ôm của mình mà thầm nghiến răng quyết tâm phải làm giàu cho được, quyết không để cho thiên hạ còn có thể khinh thường gã như vậy.

Sau khi về nhà, gã giấu kín cuốn sổ dưới cái gối ở đầu giường, rồi chờ cơ hội ông Hùng đi vắng là sẽ lén lút mở trộm cuốn bí kíp ra đọc và chép trộm.

Và cuối cùng thời cơ cũng đã đến, buổi chiều ông Hùng có việc qua xã bên, phải đến tối mới về. Mà bà Hường thì đang mải lui cui làm mấy thứ ở sau cái chuồng lợn. Hưng liền lén lút bước đến gần cái từ đường, đứng trước cái hộc gỗ đựng cuốn bí kíp gia truyền.

Gã đảo mắt nhìn quanh canh chừng một chặp cho cẩn thận, rồi mới đưa tay lên chắp lại, khấn vái trước bài vị của tổ tiên mà lẩm bẩm rằng:

– Con là Hưng, là đích tôn của dòng họ Lã. Nay dòng họ nhà mình đã đến hồi đèn cạn lửa tắt, không còn cách vãn hồi. Con không còn cách nào khác, chỉ đành mượn cuốn bí kíp này để hồi sinh lại dòng họ nhà mình, để nở mày nở mặt với tổ tiên. Để thứ công thức bí truyền không bị mai một, nay con xin phép sao ra một bản của quyển công thức này để mở xưởng làm ăn. Mong gia tiên tổ tông hiểu cho và xin cũng thành toàn cho con…

Khấn vái xong, Hưng bưng vội cái khay gỗ trên ban thờ từ đường, đặt xuống cái sập gỗ. Rồi cẩn thận bê cuốn bí kíp làm thứ lụa quý từ trong khay mở ra.

Những dòng chữ bị ẩn giấu hàng trăm năm, phủ sau lớp cát bụi dày đặc dần được hé mở, một sự thật kinh động lòng người được lộ ra.

Từng dòng chữ nôm màu đen nhánh uốn lượn trên mặt giấy tuy trông rất thật nhưng lại làm Hưng có cảm giác mờ ảo như màn đêm.

Thoáng nhìn qua nét chữ trên cuốn bí kíp, Hưng thất vọng tràn trề vì đó toàn là chữ nôm, mà chữ nôm thì gã chẳng hiểu gì cả. Nhưng gã nghĩ đến Việt, là người ở thành phố, hẳn sẽ có cách liên hệ được người nào đó mà dịch được những chữ này chuyển thành thứ ngôn từ mà gã có thể hiểu được. Nên Hưng vẫn cẩn thận trải cuốn bí kíp mở ra mặt giấy đặt trên kệ, rồi đem bút bi phỏng theo nét uốn lượn của từng chữ một mà chép lại vào cuốn sổ đen.

Vì việc Hưng không biết chữ nôm khiến gã không thể nào chép nhanh được hết công thức trong cuốn bí kíp, mà chỉ có thể dùng cách phỏng theo nên gã phải chép rất lâu.

Trời đã dần tối, Hưng đoán chắc ông Hùng sắp về nên đành phải cất lại cuốn bí kíp đặt lại chỗ cũ, hẹn lần sau lại chép tiếp.

Khi gã vừa đặt xong cuốn bí kíp vào vị trí cũ thì cũng là lúc tiếng ông Hùng vọng đến từ cái cổng ngoài sân:

– Nhà cửa sao để tối đen như mực thế này? Hưng, mày không biết bật cái đèn lên hả con?

Hưng giấu vội cuốn sổ đen nhét dưới gầm cái sập gỗ, rồi mới hét toáng vang cả ra bên ngoài trả lời ông Hùng:

– Dạ hồi chiều con ốm mệt quá nên ngủ quên!

Gã vội bật nhanh cái đèn điện trong nhà, bàn tay vẫn còn hơi run run vì vừa rồi gã làm một chuyện lén lút.

Ông Hùng bước vào trong nhà, nhìn quanh một hồi rồi mới từ từ ngồi xuống cái sập gỗ. Ông đổ nước nóng vào trong ấm trà, pha một ấm trà đặc rồi ngồi nhâm nhi. Hưng thì lẻn vào trong buồng ngồi thụp xuống thở phào vì gã vừa rồi may mà nhanh tay, nếu không ông Hùng về phát hiện ra gã chép trộm quyển bí kíp thì xong chuyện.

Từ đó, gã cứ rình mò liên tục, chỉ đợi ông Hùng ra khỏi nhà là lập tức đem cuốn bí kíp bỏ ra chép trộm. Mới đầu thì gã còn sợ ném chuột vỡ bình, nên nét chữ chép rất cẩn thận, còn về sau thì gã chép vội nên rất qua loa và cẩu thả. Đúng một tuần sau thì gã hoàn thành chép toàn bộ được cuốn bí kíp về công thức làm thứ lụa quý.

Gã nhanh chân chạy đến nhà Toại, hối Toại mau chóng ra bưu điện xã, làm một bức điện báo gọi cho Việt về làng có công chuyện gấp.

Việt ở trên thành phố mấy hôm vẫn đang chờ tin tức của Hưng, được điện báo một cái, là gã đã phóng xe máy ngay từ thành phố về làng để gặp Hưng.

Trong cái lán nhỏ ở đầu làng, Hưng, Việt và Toại đang ngồi quây lại bên mâm thịt chó, mà người mời bữa này chính là Việt.

Việt nóng lòng sốt ruột, chưa chờ Hưng động đũa đã liền hỏi ngay:

– Cậu Hưng, cậu hối cháu về gấp như thế, có phải là đã lấy được cuốn bí kíp từ tay ông rồi không?

Hưng đắc ý, gã chẳng vội vã gì mà chỉ từ tốn đưa miếng thịt chó vô trong miệng nhai đều cho thật đã, rồi mới nói:

– Cậu lấy được rồi, nhưng chỉ có điều…

Việt hỏi gấp:

– Có điều làm sao hả cậu?

Hưng nheo mày tỏ vẻ khó khăn nói:

– Cuốn bí kíp này từ đời tổ tiên dòng họ nhà mình, khi ấy người ta lại thịnh hành cái thể chữ nôm. Nên đâm ra cậu chép được hết mà đọc chẳng hiểu được gì, đấy mới là cái khó…

Việt vừa nghe đến đây, hai hàng lông mày nhăn chặt của gã liền giãn ra, gã cười nói:

– Ôi cháu tưởng chuyện gì, chứ còn việc dịch chữ thì sớm cháu cũng đã biết từ trước rồi. Cậu cứ đưa cuốn bí kíp ấy đây, cháu sẽ đưa cho người ta dịch cho cậu…

Hưng lắc đầu, gã sao có thể đồng ý việc ấy. Nếu đưa cuốn bí kíp ấy cho Việt thì gã đâu còn là người nắm đằng chuôi nữa, cho nên gã quả quyết:

– Mày phải đưa người về đây, dịch trước mặt cậu, dịch xong là cậu lấy một bản, còn mày lấy một bản, sau này mở xưởng lợi nhuận chia đôi!

Việt hào phóng vỗ bàn:

– Được, cậu đã nói thế thì cháu xin làm theo lời cậu. Cậu cứ chờ đi, khoảng độ hai hôm nữa là cháu sẽ đưa người về dịch cuốn bí kíp ấy…

Nói xong, Việt nâng chén chúc mừng. Cả ba người chè chén say rượu nát đến be bét rồi mới lê lết về nhà.