Yêu Thương Gửi Vào Gió

Chương 18

Chuyến tàu đi mất một ngày mới về đến ga, lúc tôi đi xuống, thị trấn nhỏ đã là thời gian nửa đêm. Xung quanh đều vắng lặng, cũng có rất nhiều xe ôm và taxi, nhưng lâu rồi không về quê cho nên tôi chẳng dám liều lĩnh. Xã hội ngày càng phức tạp, tôi dù có mạnh mẽ đi nữa thì cũng không phải là thần thánh, chẳng may đi trên đường có chuyện gì thì khi ấy bản thân biết kêu gào với ai. Vì vậy suy đi tính lại một hồi, tôi cũng quyết định ngồi ở sảnh chờ trời sáng rồi lúc ấy mới tính tiếp.

Bốn giờ, những quán hàng đã bắt đầu mở, tôi nheo mắt nhìn dòng người khoác balo đi ra đi vào, đột nhiên trong lòng thế nào lại chợt nghĩ đến Dương Thành Nam. Người đàn ông ấy, tối hôm qua thẫn thờ ở ngoài phòng khách đến gần 3 sáng mới về phòng, tôi biết được cũng là nhờ nghe thấy anh lấy đồ đạc với mở cửa. Phải nói thế nào nhỉ, tuy không nhìn anh nhưng tôi vẫn biết, cảm xúc của anh là gì. Nó có một chút buồn bã, có một chút bất lực, và nhiều nhất chính là đau khổ. Đau khổ vì tình ái, vì người yêu cũ…

Thật ra, chuyện đau khổ của mỗi người trong tình yêu đều không giống nhau. Tôi cũng là người yêu sâu đậm, khi chia tay bản thân cũng đau lòng lắm chứ, nhưng vì không muốn ai nhìn thấy cho nên tôi mới cố gắng giấu đi những cảm xúc vụn vỡ trong lòng, trước mặt họ luôn bày ra cảm xúc rất ổn. Nhưng mà ít ai biết được, trong lòng tôi, mọi thứ đều không hề ổn một chút nào. Tiền bạc mất, thanh xuân mất, sự tin tưởng bị đạp vỡ, đã vậy còn tận mắt nhìn thấy người yêu gian díu, tận tai nghe thấy người yêu nói xấu, cái khoảnh khắc ấy mãi mãi là một vết sẹo hằn trong tim chẳng bao giờ xóa nhòa. Chỉ có thể từng chút từng chút bơ nó đi, rồi lao đầu vào công việc, cố gắng để mình bận rộn nhất có thể mà thôi.

Nhắm mắt nghỉ một lát, khi bầu trời bắt đầu hửng sáng với những tia nắng sớm nhàn nhạt, tôi mới cựa mình tỉnh giấc đi bắt taxi trở về nhà. Mục đích lần này trở về là muốn giúp mẹ trả tiền và thực hiện những gì Nga đã khuyên, cho nên nói gì thì nói trong lòng tôi cũng có chút hồi hộp và một chút lo âu. Suốt dọc đường, tôi đã nghĩ mình nên nói với dượng cái gì, nên xin lỗi dượng và mẹ ra sao, rồi cả tiểu Bân, đứa em trai của tôi nữa. Tôi đã nghĩ rất nhiều, chỉ là tôi không ngờ được, mình chưa kịp thực hiện mọi thứ đấy thì lại phải tận mắt chứng kiến cảnh trước cổng nhà có rất nhiều người tụ tập nhòm nhó. Có người lăng mạ, có người chì chiết, có người chửi bới với rất nhiều lời lẽ không hay.

- Thế rốt cuộc bây giờ nhà cô có tiền để trả cho nhà tôi không? Lúc vay thì thế nào, ngon ngọt năn nỉ, hứa hẹn đủ điều, lúc người ta đến đòi thì bày đặt kể khổ kể sở, cô kể cho ai nghe. Cô tưởng nhà tôi đi in ra tiền được chắc?

Người lớn tiếng mắng mẹ tôi là một người phụ nữ nổi tiếng chanh chua trong làng. Mấy lần trước về quê, bản thân có mấy lần thấy mẹ với người đó nói chuyện kiểu thân thiết lắm, chị chị em em liên tục. Tôi vẫn còn nhớ khi ấy mình rất vui vì ít nhấ tôi không có ở nhà, mẹ tôi còn những người như vậy để bầu bạn tâm sự. Và như thế, bà sẽ không hề cảm thấy tẻ nhạt, hay là buồn tủi chút nào. Nhưng mà, tôi lại nhầm thật rồi, thật sự tôi đã quá nhầm rồi…

Không thể nào chịu đựng nổi được những lời xúc phạm từ người khác đến mẹ của mình, tôi hùng hùng hổ hổ tiến lại, thế nhưng vì đám đông quá nhiều nên muốn vào nhà cũng khó khăn. Cùng lúc ấy, tôi lại nghe thấy giọng mẹ tôi cất lên.

- Chị Lan, tôi thật sự không phải là lừa chị đâu. Chẳng qua là đợt này nhà tôi túng thiếu quá, cho nên tôi chưa dồn được tiền để trả tiền cho chị thôi. Chị cũng biết tôi trước giờ sống rất đàng hoàng, không hề có ý định muốn ăn không của ai.

- Tôi biết là cô không lừa, nhưng cô cứ khất lên khất xuống mà không cho tôi cái hẹn, cô bảo tôi phải làm sao với cô. Lúc vay cô hẹn 2 năm, bây giờ mấy năm rồi. Bốn năm rồi đấy, bốn năm chỉ trả được một ít lãi vớ vẩn, còn gốc chưa thấy đâu. Định bắt tôi chờ đến bao giờ. Chờ đến chết hả?

- Tôi biết là tôi sai. Nhưng mà tôi bây giờ thật sự túng quá, cho nên…

- Túng? Cô chẳng kể với tôi đứa con gái của cô không phải được học hành tử tế, bây giờ đang làm trên thủ đô sao? Túng cái gì?

Bà cô kia tức tối không cho mẹ tôi giải thích hay lên tiếng một lời nào, ngữ điệu cất lên càng hung hăng.

- Năm ngoái con gái cô về, quần áo ăn mặc đúng kiểu người thành phố, đồ đạc đều là đồ đắt tiền chứ rẻ tiền gì đâu? Cô không có thì nó có, mấy người nhà các cô định tỏ vẻ hoàn cảnh nuốt hết à?

- Con bé đi làm trên thành phố vậy chứ cũng không có tiền, với cả nó đã ở riêng nhiều năm, cái này chị đừng nên lôi nó vào.

- Không nên lôi. Nó là con gái của cô, cô không có để trả thì để nó trả, thế thôi. Bây giờ ý cô thế nào, hoặc là đem tiền ra đây, hoặc là ngày mai tôi lên tận công ty nó tôi tìm nó. Nói cho nó biết, con mẹ nó ở quê không có tiền còn thích cao sang, đi vay chữa bệnh cho tình nhân.

Người phụ nữ kia giọng nói mỗi lúc một thêm quá quắt, mẹ tôi không nhịn được cảm xúc, bà nghiến răng.

- Chị nói vậy mà nghe được sao? Cái gì mà tình nhân, ai tình nhân. Chị biết gì về tôi mà chị nói thế.

- Tôi không biết? Buồn cười, cô thử hỏi cả cái làng này xem có ai mà không biết cô vì một hai lấy tình nhân mà con gái không thèm nhìn mặt nữa? Cô thử hỏi cả cái làng xem, ai chẳng biết cô chồng chết được mấy năm đã vội vàng vội vàng tìm người khác, rồi ăn ở trên mảnh đất của chồng cũ. Cô không trơ trẽn, thì tôi vu oan cho cô được sao?

Lời nói của bà ta vừa dứt, những người khác lại bắt đầu xì xào bàn tán, mỗi người một câu chỉ chỉ trỏ trỏ. Tôi nhìn một cảnh ấy, bản thân tức đến nghiến răng nghiến lợi, lúc này chẳng còn suy nghĩ tình làng nghĩa xóm gì hết đưa tay kéo đám người kia ra. Đến khi len được vào mảnh sân nhỏ, nhìn thấy mẹ ngồi bệt dưới đất, quần áo dính đầy bụi, tôi nóng mắt chiếu cái nhìn sắc lạnh đến cái người hàng xóm vừa không ngừng nghiệt ngã bà, nhếch môi.

- Vừa nãy bà nói cái gì đến tôi? Muốn đến công ty tôi làm loạn, muốn làm khó tôi? Bà tưởng bà là ai?

Sự xuất hiện đột ngột của tôi nhất thời khiến cho mấy người ở đó ngạc nhiên, bao gồm cả người cho mẹ tôi vay tiền. Có điều, bà ta nổi tiếng đanh đá chua ngoa từ lâu nên chuyện sợ tôi thì không bao giờ, vì vậy sau khi im lặng được vài giây lại chống nạnh hướng đến tôi nói.

- Tao bảo lên tìm mày để bảo mày trả tiền cho mẹ mày. Bây giờ mày về rồi, tao cũng đỡ tốn tiền bắt xe lên đó. Nào, trả tiền đây.

Chuyện mẹ tôi vay tiền rồi để nợ lâu, tôi cũng biết đó là lỗi sai của mẹ, nhưng tôi cũng không cho phép ai chỉ trích bà bất gì điều gì, không cho phép người khác đàm tiêu những lời không hay. Cuộc đời này, mẹ tôi đã khổ lắm rồi, tôi giận bà lâu nên càng khiến cho bà bị người khác bàn tán. Dượng bị bệnh, bà không dám nói với tôi mà cứ lặng lẽ âm thầm đi vay tiền của người khác. Bây giờ tận mắt nhìn thấy bà bị sỉ nhục, tôi đau lòng lắm chứ, đau đến nỗi l*иg ngực thật sự chỉ muốn nổ tung ra mà thôi.

“ Tiền của bà tôi sẽ trả”. Tôi nhíu mày nhìn bà ta với đám người đi theo, thái độ cứng rắn hẳn :” Một xu cũng không thiếu. Còn bây giờ, thì bà đi về đi.”

- Tao không về. Chừng nào mày trả tiền thì tao về. Tao đây là đi đòi nợ, chứ không có đi xin của nhà chúng mày mà mày dùng cái thái độ đấy.

- Tôi nói là tôi sẽ trả. Không ai ăn quỵt của nhà bà. Nếu bà sợ thì bà ra ngoài cổng ngồi đợi, đừng làm ảnh hưởng đến gia đình nhà tôi.

Tôi không nể nang chút gì với người phụ nữ đấy, mà bà ta nghe tôi nói vậy thì càng nổi điên hơn, bắt đầu nói năng không hề suy nghĩ.

- Mày tỏ ra thanh cao cho ai xem. Mấy đứa ở đây đều nói lên thành phố làm nghề này nghề nọ, tất cả đều là nghề đánh đĩ hết. Ngủ hết với lão bằng tuổi cả bố mình rồi đi tiếp rượu cho người ta. Cái loại mày cũng thế chứ khác gì, không ngủ với trai mà có tiền mua nọ mua kia, có tiền trả nợ cho mẹ mày. Đúng là mẹ nào con đấy, cấm sai tí nào.

- Bà nói ai ngủ với trai? Bà nói lại xem?

- Tao nói mày đấy.

Người phụ nữ càng nói càng quá đáng, mà những người xung quanh chẳng ai muốn dây dưa nên cũng không ai can thiệp. Tôi tức lắm, định bụng muốn cho bà ta một cái đạp, nhưng lúc này mẹ tôi bỗng từ phía sau đi lên, bà chống nạnh chỉ tay thẳng vào mặt bà cô kia chửi lớn.

- Tôi vay tiền của chị, có gì chị cứ nhằm vào tôi, đừng có nhằm vào cái Ninh. Con gái tôi mà phải làm đĩ á? Tôi nói cho mấy người hay, con tôi có bằng đại học đàng hoàng, nó còn học cả lên thạc sĩ, bây giờ đang làm ở công ty lớn trên thành phố. Con cái mấy người đã học được như nó chưa, mà mở mồm ra là hạ bệ con người khác.

Mẹ tôi một khi đã tức thì bà nói rất nhiều, nói câu nào thấm câu đó nên người phụ nữ kia cứng họng không sao nói được, đến cùng chỉ có thể tức tối bực mình đi về. Đám người đó rời khỏi, mẹ mới hạ xuống được cơn tức, quay sang nhìn tôi một lượt, lo lắng.

- Con có sao không? Vừa nãy có bị ai làm gì không?

Tôi lắc đầu :” Con không sao đâu. Mẹ đừng có lo quá.”

Thế nhưng, mặc cho tôi nói thế nào bà vẫn không tin, phải nhất quyết xoay người tôi một vòng, đến khi cảm thấy mọi thứ thật sự ổn rồi mới thở dài một hơi, nói tiếp với tôi.

- Đi tàu cả đêm chắc mệt lắm. Vào nhà ngồi chút đi, để mẹ đi hầm cho con bát canh gà. Nhanh thôi, nhà có củi, chỉ một lúc là xong.

Hơn một năm mới về quê, sau lần giận nhau ấy, tôi với mẹ bây giờ cơ bản cũng có thể nói là hòa hợp được trở lại. Tôi không muốn những ngày tháng về sau tất cả đều là bất hòa với muộn phiền nữa nên chấp nhận nghe theo lời khuyên của Nga, nghe theo trái tim của mình, từng chút từng chút buông xuống những điều của quá khứ. Để bây giờ, một nhà có thể cùng với nhau vui vẻ, không ai phải nhìn sắc mặt ai vì sợ đối phương khó chịu nữa.

Nghĩ đến điều ấy, tôi cũng nâng khuôn mặt lên mỉm cười với mẹ, gật đầu nói.

- Để con giúp mẹ nhé.

- Không cần đâu, mẹ làm nhanh thôi.

Mẹ tôi vẫn như thế. Mỗi lần tôi về nhà, bà đều không bao giờ để tôi động chân động tay vào bất cứ một thứ gì, kể cả đến việc quét nhà rửa bát. Khoảng thời gian ấy, tôi cũng vô tâm nên mẹ nói gì nghe đó, thành ra mọi thứ đã nhạt lại càng nhạt hơn. Nhưng mà bây giờ, tôi không muốn để mọi thứ tệ hơn, bởi vì bất chợt sau bao nhiêu năm xa nhà, tôi chợt nhận ra, mẹ tôi đã không còn trẻ. Tóc bà xuất hiện sợi bạc, làn da sạm đi có cả nếp nhăn, những ngón tay nứt nẻ vì làm quá nhiều việc bây giờ thi thoảng trời trở gió sẽ lại đau nhức.

Đi theo mẹ ra phía chuồng gà, tôi yên lặng nhìn khoảng vườn nhỏ với những khóm rau xanh một lúc, ngẫm nghĩ đôi chút cũng quyết định nói với mẹ.

- Mẹ không cần phải cầu kì đâu. Lần này con về là mang tiền để trả nợ, sau đó con sẽ đưa cả nhà lên thủ đô khám tổng quát để xem bác sĩ nói như thế nào. Mẹ với dượng thu xếp thời gian đi, đi được càng sớm thì càng tốt. Mà đợt trước thuốc con gửi cho dượng, dượng uống vào có thấy đỡ chút nào không hả mẹ.

Mấy năm qua, tôi hay mua thuốc của một phòng khám nổi tiếng trên thủ đô. Gía cả hơi đắt một chút, tôi cũng có hỏi mẹ về tình hình bệnh của dượng nhưng bà đều bảo với tôi là không sao. Giờ vỡ lẽ hết mọi thứ, tôi không thể biến mình trở thành người không có trách nhiệm, làm ngơ trước tất cả mọi thứ được.

Nghe tôi nói vậy, mẹ tôi bỗng chốc thở dài, mắt bà đỏ hoe lên rồi chảy xuống từng giọt lệ.

- Dượng của con mấy năm gần đây đã đau rồi, bác sĩ bảo ông ấy bị thoát vị nghĩa đệm, phải mổ gấp. Mới đầu, ông ấy tiếc tiền nên chỉ mua thuốc, nhưng sau này đau quá, mẹ thương ông ấy nên đi vay người khác rồi nói dối là tiền con gửi về. Lúc ấy dượng con nhất quyết không chịu mổ, bắt mẹ trả tiền, mẹ phải năn nỉ mãi ông mới đi. Nhưng lần một không thành công, bây giờ đau vẫn hoàn đau, không thể làm gì khác hơn được nữa.

- Vậy sao mẹ không gọi cho con. Con không phải là con gái của mẹ sao? Không phải là thành viên trong gia đình này?

- Mẹ…

Mẹ tôi ngập ngừng không nói, đôi mắt bà phảng phất nét buồn bã vô cùng. Nói thật, tôi rất muốn giận, nhưng tôi không thể nào giận nổi, bởi vì chính tôi cũng là người có lỗi rất nhiều trong chuyện này. Tôi bỏ đi nhiều năm, tôi chưa từng coi chốn đây là mái ấm, tôi tự mình đẩy bản thân ra khỏi căn nhà mà mọi người vẫn luôn ngày ngày chờ đón. Là tôi sai, tất cả đều là tôi sai…

- Con xin lỗi.

Nói một câu ba từ này với mẹ, cổ họng tôi cũng trở nên nghẹn lại, may mắn là chính mình vẫn kiểm soát được cảm xúc nên không có khóc lóc. Mà mẹ của tôi, đến bây giờ nụ cười vui vẻ và thoải mái nhất cũng hiện trên môi, vừa chảy nước mắt vừa gật đầu.

- Không phải xin lỗi, không có gì phải xin lỗi hết.

- Vậy thì mẹ đừng khóc. Mẹ khóc con cũng không vui chút nào.

- Được rồi, không khóc, không khóc nữa.

Hiểu lầm của hai mẹ con cơ bản được hóa giải, tôi thở nhẹ ra một hơi đầy nhẹ nhõm, sau đó cùng với mẹ đi chuẩn bị nấu đồ ăn sáng. Dượng đi lên trấn giúp nhà người ta lắp bộ bàn ghế, tiểu Bân thì đi học, ở nhà chỉ có hai người nên cũng không được gọi là niềm vui trọn vẹn, nhưng mà như vậy cũng tốt vì tôi với mẹ có thể có nhiều thời gian để tâm sự hơn. Mẹ kể cho tôi nghe về chuyện cũ, tôi kể cho mẹ nghe về công việc của mình, kể cho mẹ nghe về Nga, về những cảnh đẹp ở thủ đô. Tất nhiên, nhưng thứ không vui, tôi đều tuyệt đối giữ im lặng.

Ăn sáng xong, dẫn mẹ đi đến nhà người đàn bà chanh chua hồi sáng với cái hang ổ cho vay nặng lãi để trả tiền, tôi định bụng cùng với bà đi chợ mua một ít đồ dùng gia đình thì đột nhiên điện thoại của bà đổ lên từng hồi chuông dồn dập. Mẹ tôi nhận máy, chẳng biết đầu giây bên kia người ta nói gì mà bà đột nhiên khóc đến nấc nghẹn, cả người gần như chết ngất khụy hẳn xuống đường, hỏi gì cũng không nói. Cũng may, điện thoại vẫn chưa ngắt kết nối, tôi vừa cầm lên thì nghe thấy giọng nói gấp gáp.

- Cô à… Cô ơi… Cô còn ở đó không ạ?

Tôi khịt mũi, dù lo lắng cho mẹ nhưng vẫn cố gắng giữ lấy bình tĩnh, đáp lại lời nói của họ.

- Mẹ tôi đang sốc. Có chuyện gì, chị nói với tôi cũng được?

- Cô là con gái của chị ấy, vậy chắc cô là con gái của chú này rồi. Chú ấy bị người khác đâm vào, bây giờ đang nguy kịch ở bệnh viện, người nhà mau lên nhanh nhé.

Cô gái kia gấp gáp lên tiếng, tôi nghe xong bây giờ mới ngờ ngợ nhìn lại số điện thoại, phát hiện ra đó là số của dượng thì càng trở nên sợ hãi. Dượng tôi bị tai nạn, dượng tôi đang nguy kịch, rốt cuộc chuyện này là như thế nào. Chẳng phải hồi sáng mọi thứ vẫn bình thường hay sao.

Trái tim giống như bị ai gõ vào một cái thật mạnh, kéo theo đó là chân tay bủn rủn hết cả, cả l*иg ngực nhức nhối đến khó thở. Tôi không còn tâm trạng nào nữa, giọng nói mang theo tiếng nghẹn run run.

- Sao lại bị tai nạn? Bây giờ dượng của tôi đang ở đâu? Ở chỗ nào?

Bên đầu giây bên kia, tiếng bác sĩ gấp gáp, tiếng băng ca đẩy rầm rầm truyền đến, tôi chẳng rõ có phải họ làm cho dượng hay không mà chẳng hề thấy nói gì. Chỉ nghe loáng thoáng họ gào thét, cuối cùng thật lâu, người phụ nữ gọi điện thông báo mới bảo tôi đi lên bệnh viện đa khoa tuyến huyện.

Gấp gáp gọi một chuyến taxi, chưa đầy hai mươi phút sau, xe cũng dừng lại trong sân. Mẹ tôi đã lấy lại được tỉnh táo, bà không để ý đến tôi mà trực tiếp phi ngay về lối cầu thang bộ chạy một mạch lên tầng bốn, trong quá trình đi ấy chẳng thoát khỏi việc va phải hết người này người khác. Tới nơi, chỉ thấy một người đàn ông toàn thân đầy máu ngồi đó, ông ta nhìn thấy chúng tôi thì vội đứng dậy, hỏi.

- Hai người có phải là người thân của chú này đúng không?

Vừa nói, ông ta vừa đưa cho tôi chiếc ví, bên trong đều là giấy tờ tùy thân của dượng. Tôi nhận lấy chúng, mắt nhìn vào chiếc áo nhăn nhúm của ông ta, những ngón tay càng siết chặt đến run rẩy. Nhiều máu như vậy, đây là máu của dượng sao?

Cổ họng nghẹn ứ, mẹ tôi không nói được gì, bà như người mất hồn ngồi xuống dưới chiếc ghế chờ. Chỉ còn lại duy nhất một mình, tôi không cho phép bản thân gục ngã yếu đuối, cố gắng lắm mới cũng mới thoát được mấy lời, cánh môi mấp máy.

- Dượng của tôi đâu rồi? Rốt cuộc có chuyện gì mà lại bị tai nạn thế? Chú là người đưa dượng tôi vào đây đúng không?

Người đàn ông đó gật đầu, tôi nghe thấy ông ta nói.

- Tôi đi giao hàng qua đoạn đường bờ sông thì gặp phải anh ấy bất tỉnh nên mới đưa đến bệnh viện. Còn chuyện anh ấy bị từ bao giờ, tôi cũng không rõ. Bác sĩ bảo là vết thương rất nặng, nhưng họ cũng sẽ cố gắng hết sức.

Rất nhiều năm về trước, tôi mất bố, người đàn ông duy nhất yêu thương tôi và luôn cưng chiều tôi vô điều kiện. Bây giờ đến lượt dượng của tôi cũng thế, tôi sao còn dám đặt niềm tin vào mấy từ “ cố hết sức “, tôi sao còn dám bám víu lấy điều ấy để mong lấy được kì tích cơ chứ. Cuộc đời này, tôi đã mất bố 23 năm rồi, mẹ tôi mất chồng 23 năm, khó khăn lắm mới lại có một ngày đoàn tụ hạnh phúc mới, vậy mà ông trời luôn đày xuống những chuyện vô cùng nghiệt ngã. Bây giờ dượng ở trong đó, sống chết mong manh, ai dám chắc chắn một điều gì.

Cố ép xuống để chính mình không rơi những giọt nước mắt, tôi không hỏi thêm gì nữa. Mà mẹ tôi, cú sốc ập tới này quá lớn khiến cho bà không thể nào chịu nổi, tay túm lấy vai tôi vừa lắc vừa chất vấn.

- Tại sao dượng con lại bị như thế chứ? Rõ ràng hồi sáng ông ấy vẫn còn rất vui vẻ cơ mà. Hồi sáng ông ấy còn nói, lần này làm xong lấy được tiền sẽ làm một cái lễ kỉ niệm ngày cưới để bù đắp cho mẹ. Ông ấy đã nói như vậy mà.

- Mẹ, mẹ bình tĩnh đi, các bác sĩ ở bệnh viện này đều là bác sĩ có tay nghề, chờ họ ra rồi chúng ta sẽ tìm cách được không. Nếu họ cho chuyển tuyến, con sẽ đưa dượng lên thủ đô, ở đấy mọi thứ đều phát triển, hi vọng sẽ cao hơn.

Tôi cố gắng an ủi mẹ , nhưng tại thời điểm lúc này, bà đều không muốn nghe gì, cảm xúc chỉ toàn là đau khổ đến vật vã.

- Sao con không nói... Ninh, con nói đi... Nói với mẹ là ông ấy sẽ không sao đi? Nói đi mà.

- Con… Mẹ…mẹ đừng như vậy. Để con đi tìm bác sĩ, rồi con sẽ nói cho mẹ biết.

- Mẹ mất bố con, mẹ đã đau khổ lắm rồi. Những năm đó, mẹ chỉ muốn chết đi, chỉ muốn bỏ lại tất cả, nhưng nhìn con còn nhỏ mẹ lại không nỡ vì con là mầm sống duy nhât của ông ấy. Mẹ đã nghĩ mẹ sẽ không bao giờ có hạnh phúc, cho đến khi gặp được dượng của con, rồi cùng với ông ấy lên duyên. Dượng con không giàu có, nhưng lại rất tình cảm, chưa bao giờ phàn nàn chuyện mẹ thờ cúng bố của con. Bây giờ ông ấy như vậy, mẹ rất sợ ông ấy bỏ mẹ đi một lần nữa.

Mẹ tôi nâng mí mắt nhìn phía hành lang sâu hun hút đầy ẩm mốc, từng giọt lệ cứ vậy vỡ òa mà chảy xuống, Ngoài kia, bầu trời bắt đầu nổi lên những cơn giông, tôi không biết làm gì khác ngoài việc ôm chặt lấy mẹ vào lòng, để làm chỗ dựa cho bà, muốn nói rất nhiều nhưng đến cùng lại chỉ có thể mấp máy.

- Mẹ, mẹ hãy mạnh mẽ lên. Dượng lúc này cần mẹ nhất, mẹ có làm sao, dượng biết sẽ rất buồn. Bây giờ chúng ta cùng ngồi đợi bác sĩ, sau đó con sẽ liên lạc với bệnh viện ở trên kia.

Nghe những lời an ủi này của tôi, mẹ tôi đến cùng cũng chịu im lặng. Hai mẹ con ngồi đó chờ đợi, thời gian trôi đi vẫn quá chậm chạp. Kim đồng hồ treo trên tường dường như còn không hề nhúc nhích, tôi cắn môi nhìn đến khi mọi thứ nhòe hết cả, lúc sau thấy các bác sĩ lần lượt đi ra với nét mặt phờ phạc, tôi mới vội vàng đứng dậy.

- Bác sĩ, dượng của tôi thế nào rồi? Vết thương có nặng lắm không vậy?

Người bác sĩ chủ trì nhìn tôi, ông ta tháo khẩu trang xuống, đôi mắt mang theo tia máu đầy mệt mỏi.

- Cô là người nhà của bệnh nhân?

- Đúng, tôi là người nhà. Là.. là con gái. Trong đó là bố của tôi.

Tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân mình trở nên bình tĩnh, các bác sĩ người nọ đứng nhìn người kia, sau cùng vẫn quyết định nói.

- Không được lạc quan. Trên người rất nhiều vết thương, chúng tôi chỉ gọi là tạm thời sơ cứu. Người nhà nên nhanh chóng chuyển bệnh nhân lên thủ đô để nhập viện trên đó, càng sớm càng tốt. Nếu không thì…

Lời nói của vị bác sĩ kia vừa dứt, tất cả mọi người có mặt chẳng ai dám lên tiếng hay thở mạnh, bầu không khí dường ngưng trệ. Mẹ tôi vừa lấy lại được tinh thần bây giờ lại ngã khụy ôm mặt khóc, tôi cũng chẳng giữ được vẻ mạnh mẽ, l*иg ngực nhức nhối đau đến nghẹn thở. Bởi vì tôi biết, bác sĩ nói như vậy có nghĩa là dượng của tôi khó khăn có thể vượt qua được kiếp nạn này.

Hít một hơi thật sâu, tôi gật đầu, lên một tiếng rồi nói với họ.

- Vậy làm phiền bệnh viện, cho chúng tôi chuyến xe đi lên đó sớm nhất. Mọi chuyện còn lại, tôi sẽ sắp xếp.

- Được rồi, chúng tôi sẽ đi chuẩn bị ngay.

Phản ứng của tôi khiến cho tất cả mọi người có mặt ở đó đều giương mắt lên nhìn với nhiều ánh mắt. Tôi hiểu, là họ thắc mắc tại sao tôi lại có thể bình thản như vậy khi mà người thân của tôi đối diện với cánh cửa sinh tử. Tôi biết, cũng có người nghĩ tôi máu lạnh, vì nếu không phải như thế thì tôi đã khóc lóc vật vã rồi. Tôi biết, còn rất nhiều suy nghĩ khác nữa, nhưng mà tôi đều mặc kệ. Chuyện tôi muốn làm, tôi chẳng muốn nói ra cho một ai, cũng không muốn phô trương ra, ai nghĩ sao với tôi bây giờ đều không còn quan trọng. Hai mươi ba năm trước, tôi là một đứa bé 7 tuổi bất lực trơ mắt nhìn bố buông xuôi trần thế này đi sang bên kia. Hai mươi ba năm sau, tôi đã 30 tuổi, tôi nhất định sẽ cố gắng làm tất cả mọi thứ cho dượng của tôi, kể cả là 1% mỏng manh, tôi vẫn sẽ không bỏ cuộc.

Thủ tục được các bác sĩ làm trong nhanh chóng, tôi ký tên vào giấy, xong xuôi hết tất cả mới lấy điện thoại gọi cho Dương Thành Nam. Bên kia, điện thoại reo lên hai hồi, anh cất giọng hỏi tôi.

- Có chuyện gì thế?

Tôi khịt chiếc mũi ngạt đặc, đối với chuyện sinh tử, cái lòng tự cao của bản thân bây giờ đều không đáng một đồng xu nào. Trên thủ đô, Dương Thành Nam có quan hệ rất rộng, bây giờ dượng lên đó, tôi chỉ có thể nhờ đến anh, nhờ đến tiếng nói của anh để mọi thứ có thể tốt nhất.

- Dượng tôi bị tai nạn, bây giờ phải chuyển lên trên đó. Anh có thể giúp tôi…

Dương Thành Nam không để cho tôi nói hết câu, anh cất giọng thật trầm.

- Bao giờ lên tới nơi? Đã đi chưa?

- Bây giờ chúng tôi sẽ đi. Nhưng mà di chuyển bằng ô tô, sẽ khá lâu, anh không cần quá gấp…

- Đợi tôi 2 phút.

Nghe thấy tôi nói vậy, người đàn ông bên kia không trả lời mà chỉ để lại một câu nói như vậy rồi cúp máy. Tôi đoán là anh có chuyện gì đó gấp gáp nên cũng không làm khó, mắt nhìn điện thoại một giây rồi cất vào túi trở lại phòng bác sĩ. Lúc này, mọi thứ đã ổn thỏa hết, xe cũng đến sảnh, tôi với mẹ vừa lên xe thì Dương Thành Nam lại gọi điện lại. Anh nói với tôi.

- Tôi đã thuê máy bay rồi. Bây giờ cô bảo bọn họ chở thẳng ra sân bay đi. Tôi đợi cô ở bệnh viện trung tâm thành phố.