Yêu Đến Tận Cùng

Chương 1

- Em làm người yêu anh nhé!

- Dạ, em đồng ý.

Nếu có ai hỏi tôi rằng, lúc nào tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, thì tôi sẽ không suy nghĩ mà trả lời rằng: Đó là giây phút anh tỏ tình với tôi. Bởi vì từ giây phút đó, tôi có anh, người mà tôi thương thầm mấy tháng nay, và tôi không còn đơn độc trên cõi đời này nữa. Từ bây giờ, anh chính là người yêu, cũng là một người thân của tôi trong kiếp này.

Tôi là một đứa mồ côi mồ mồ cút, bị mẹ ruột bỏ rơi trước cổng chùa giữa trời đêm lạnh giá. Tôi còn sống đến tận ngày hôm nay là nhờ sư thầy thương tình cưu mang.

Tôi thường nghe mọi người trong làng kể rằng: Ngày đó, vào một buổi tối, trời lạnh giá buốt nên mọi người ở hết trong nhà, không ai ra ngoài cả. Chín giờ đêm, mọi người nghe tiếng thét la của đứa trẻ, nhưng họ không để tâm, bởi vì trẻ nhỏ khóc la vào ban đêm là một chuyện rất bình thường. Nhưng mà, đến mười giờ đêm tiếng khóc than ấy vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Bác Hiền, thấy lạ mới ra khỏi nhà xem sao. Và rồi, bác nhìn thấy tôi được quấn một chiếc khăn dày nằm ngo ngoe và không ngừng khóc trước cổng chùa. Nhìn thấy cảnh tượng thương tâm đó, bác ấy vội vàng bế tôi rồi chạy thẳng vào trong chùa, sau còn dỗ dành cho tôi ngừng khóc. Sư thầy nhìn thấy vậy thì rất lạ, sau biết được sự tình bà đã rơi nước mắt, bà tự trách mình già cả, chỉ tại đôi tai nặng này mà bà đã không nghe được tiếng khóc của tôi, để tôi nằm ở ngoài đường lạnh lẽo trong thời gian dài tới như vậy.

Chuyện đã qua lâu lắm rồi, nhưng không hiểu sao, mỗi lần kể lại câu chuyện này là nước mắt tôi lại rơi.

Bác Hiền thấy tôi tội nghiệp, cũng muốn nhận chăm sóc tôi, nhưng không thể, lực bất tòng tâm. Nhà bác còn có ba người con đang tuổi ăn tuổi học mà hai vợ chồng bác làm lụng vất vả cũng chẳng có dư dả gì. Nên tôi ở lại chùa với sư thầy, bà nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương tôi như con gái ruột của bà.

Cuộc đời tôi, nhìn lên tôi không bằng ai cả, nhưng nhìn xuống, tôi vẫn hơn rất nhiều người. Nếu ngày xưa người kia không bỏ tôi ở trước cổng chùa, mà bỏ tôi ở một góc xó xỉnh không người lui tới nào đó, có lẽ tôi sẽ không còn sống đến tận bây giờ. Vì vậy, tôi chỉ có một người thân duy nhất là sư thầy.

Nhưng trớ trêu thay, năm tôi 16 tuổi, sư thầy qua đời ở tuổi 70 vì bệnh nặng, người bỏ lại tôi đơn độc trên cõi đời này. Người thân duy nhất cũng rời bỏ tôi mà đi.

Những ngày tháng sau đó, tôi phải tự lực cánh sinh, vừa đi học vừa đi làm. Buổi sáng đi học, chiều tôi rửa chén ở quán cơm. Số tiền tôi kiếm được không nhiều nhưng đủ để tôi trang trải. Tôi ở chùa một mình để nhang khói cho sư thầy một năm rồi cũng rời khỏi đó, đến nhà bác Hiền sống, vì bác lo tôi con gái một thân một mình ở như vậy không được, sợ có kẻ xấu để ý. Ngôi chùa mà tôi sống là một ngôi chùa rất nhỏ ở thôn, người ta đã dời chùa đến địa điểm khác khang trang hơn, mấy thầy, mấy cô cũng đến địa điểm mới. Nhưng sư thầy của tôi cả đời gắn bó ở ngôi chùa nhỏ này, bà không nỡ đi. Bà ở lại để trông nom ngôi chùa. Đó là lí do tại sao khi sư thầy mất đi, chỉ còn lại một mình tôi ở chùa.

Tôi ở nhà bác Hiền một thời gian, cố gắng học hành, đến năm 18 tuổi tôi đậu đại học, thế là đứa nhà quê như tôi khăn gói lên thành phố.

Tại một thành phố xa lạ, một ngôi trường xa lạ, tôi chẳng quen biết một ai. Ngày đầu tựu trường, tôi vào trường với tâm trạng lo lắng, hồi hộp.

Tình cờ, tôi gặp được anh.

Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm đó, anh mặc một chiếc quần tây đen, áo sơ mi màu xanh nhạt, trên vai còn đeo một chiếc ba lô nhỏ. Lúc đầu tôi chẳng để ý anh giữa biển người rộng lớn đâu, ấy vậy mà xui khiến làm sao, ở đằng sau lưng tôi, có hai bạn nam mãi đùa, một bạn còn va vào tôi khiến tôi ngã nhào về phía trước, may có một vật cản ở đằng trước, tôi như người sắp chết với được phao cứu sinh, vội nắm lấy giữ thăng bằng để khỏi ngã. Nhưng chỉ một giây sau, tôi nghe có tiếng "rẹt..." rồi thấy có một vật rơi xuống đất. Thôi xong, thứ tôi dùng để giữ thăng bằng là một người đàn ông, cái tôi níu lấy là một chiếc ba lô người đàn ông đó đeo trên vai, và tôi làm đứt dây ba lô của người ta rồi. Không biết người thành phố có khó chịu không? Rồi họ có đánh tôi không? Tôi sợ hãi, vội xin lỗi người đàn ông kia

- Em... Em xin lỗi ạ, em không cố ý, em sẽ đền ba lô cho anh...

Tôi đã hoảng lắm rồi, mà hai bạn nam lúc nảy va phải tôi còn ở đằng sau phụ họa

- Đúng rồi bạn ơi, bắt đền nó đi, tụi này chẳng biết gì, nó kéo đứt dây ba lô của bạn đấy.

Nghe thế, tôi càng sợ hãi, vội vã xin lỗi, đến mức câu từ cứ loạn hết lên

- Em xin lỗi... Em đền... Em đền ạ...

Tôi còn định nói thêm một tràng lủng củng nữa, thì người giữ im lặng nãy giờ, cuối cùng cũng lên tiếng.

Anh nói:

- Làm hư đồ của người khác thì phải đền. Nhưng không phải là em đền, mà là hai thằng nhóc kia.