Đây là lần đầu tôi chia sẻ về trải nghiệm tâm linh của mình, không phải tự nhiên tôi lại nảy sinh hứng thú với những truyện ma quái như vậy. Tất cả đều bắt nguồn từ một sự kiện có thật, cũng chính từ sự kiện đó mà nhận thức của tôi bị thay đổi. Kể ra đây, thực chất là để thỏa mãn trí tò mò của mọi người, bản thân tôi cũng coi đó như cảm hứng để viết, ai tin ai ngờ tôi đều không quan trong. Biết đâu trong những anh em ở đây, có người đã vô tình gặp phải chuyện tương tự, đầu đuôi thế nào, mời thử đọc khắc rõ.
Một đám ma, một thầy cúng, một điềm báo.
Bà ngoại tôi mất khi tôi đang học lớp 12, hôm ấy là ngày 15/2 âm lịch, tôi vẫn nhớ lúc mẹ khóc bà, mẹ nói bà tới khi nằm xuống vẫn chưa hết khổ, ngày giỗ trùng ngày Rằm, coi như là mất giỗ. Chuyện bắt đầu từ đêm hôm trước, bác tôi ngủ trông bà, lúc bấy giờ bà vẫn còn tỉnh táo, bà bảo bác ngủ giường ngoài, giường trong nhỏ nằm hai người chật lắm. Nửa đêm bác tôi giật mình tỉnh dậy, nghe trong buồng có tiếng cót két, tưởng bà muốn đi cầu, bác tôi liền vào xem.
Bác sợ bật đèn làm bà lóa mắt nên cứ thế lần mò đến đầu giường bà, để đánh động, bác hỏi bà dậy à, muốn đi đâu bác đỡ bà đi. Nhưng bà tôi không đáp, lúc đó bác thấy trong màn, bà vừa nằm vừa xoay, cứ lộn từ đầu giường xuống cuối giường, chăn gối đều bị đạp rơi hết. Bác tôi hoảng quá vội bật đèn lên, chui vào màn lay bà, sờ tay chân bà xem có bị làm sao không. Sau một lát thì bà mở mắt, bác kể là bà vẫn còn nói chuyện được, chỉ là không minh mẫn, nhìn bác mà bà cứ hỏi cái V, cái V về rồi à.
Bác V là con thứ ba của bà tôi, từ hồi mẹ còn chưa lấy bố, bác đã bỏ đi đâu biệt tăm, tới nay đã là hai mươn năm mà không thấy chút tin tức gì. Bà hỏi thế thì bác tôi chỉ bảo không phải, con là D đây, bà tôi cũng ậm ừ, nhưng bác bảo chắc là từ đấy bà đã yếu lắm rồi. Mẹ tôi cứ trách bác mãi, sao sáng hôm sau bác không báo mẹ ngay, bà nửa đêm quay vòng như vậy là do phát phiền trong người, cuồng tay cuồng chân không nằm yên được. Đây cũng là dấu hiệu khi cơ thể đến ngưỡng chịu đựng cuối cùng, nếu đưa đi viện hồi sức cấp cứu kịp thời thì may ra sống.
Bác còn kể tiếp, đêm ấy bác ra ngủ với bà, gần như bác thức đến sáng, lúc dậy chuẩn bị đi chợ, bà cũng mở mắt, dặn bác mua cho bà ít bánh cuốn. Từ lúc bác đi chợ đến khi về là tầm hai mươi phút, bác có dặn lại chị họ tôi phải ngồi ở giường xem bà có uống nước hay đi cầu không. Thế mà đến lúc bác về, chị họ bảo hỏi bà bao nhiêu câu mà bà không đáp, chỉ nằm quay mặt vào tường thôi. Nghe thế bác liền rụng rời, vội vén màn lên gọi bà, lúc đó bà đã cấm khẩu, ù tai không nghe thấy gì nữa.
Gia đình tôi định đưa bà đi viện, nhưng bác sĩ cấp cứu thông báo lỗ đồng tử của bà đã loãng, không có khả năng cứu được nữa. Dù rất đau xót nhưng mấy người già trong làng đều cấm con cháu khóc trước khi bà trút hơi thở cuối cùng. Sợ làm vậy sẽ khiến bà lưu luyến người thân, ra đi không được thanh thản. Tới hơn 1h chiều thì trong nhà mới rộ lên tiếng khóc, dâu rể cháu chắt đứng kín quanh giường, tôi được mẹ kéo tay vào gần bà, để bà nhìn mặt lần cuối, lúc đó tôi chỉ biết khóc thật to lên.
Ông thầy cũng được bác trai tôi mời đến, ngay lúc báo tang, ông ấy cầm mảnh khăn trắng qua che mặt cho bà, bảo người nhà lùi xuống dưới khóc, để nước mắt nhỏ vào thân thể người đã khuất không có lợi. Có khóc cũng không được gọi tên húy của bà, coi như là bà vẫn đang tại thế, khóc để giải tỏa thôi. Qua đêm đầu tiên sau khi mất, sáng ngày tiếp theo bác trai trưởng sẽ phát phục và thuê kèn trống về khóc đám.
Bà nằm sẵn trong tấm áo lục hình màu vàng, hai tay nắm hờ trên ngực, một tay giữ đồng tiền xu, một tay cầm túi gạo. Tiền là để trả công đò qua sông, còn gạo là để ăn đường, cũng có nơi quan niệm là để rắc đường. Mẹ tôi còn bảo bà ngậm môt cây kim vàng trong miệng, để có bị quan đi tuần tra hỏi cũng dễ ăn dễ nói. Riêng ảnh để đầu hòm của bà là gia đình tôi chưa chuẩn bị xong, tức là tới cận giờ nhập quan cũng không có ảnh đặt. Thầy cúng đành bảo anh họ tôi lấy hai que trúc buộc thành hình chữ thập, đợi sau khi đặt bà nằm xuống rồi sẽ gỡ vải liệm trên người bà treo lên, bó tay chân lại như hình người. Cái đó gọi là Hồn bạch, là đồ thiết thân lúc lâm trung, tạm thời dùng để thay di ảnh được.
Thầy cúng xem cho nhà tôi giờ để bà nhập quan, nhưng xin tới năm đài âm dương cũng không được, vì ngày bà mất trùng với ngày Rằm nên quan đi tuần rất ngặt, ma chay hiếu hỉ đều không cho qua. Tới hơn 10h thì tôi lấy ảnh về, mọi người hạ Hồn bạch xuống và đặt ảnh lên trước quan, các nghi lễ cúng tế lúc này mới được bắt đầu.
Ngoài khoảng thời gian bối rối lúc phát tang, gia đình tôi không gặp phải chuyện gì bất cập nữa. Đám ma diễn ra suôn sẻ tới chiều hôm sau, khi đã hoàn tất mai táng cho bà, trong nhà có mời thầy cúng về cầu siêu, đọc kinh kệ để bà được thanh thảnh. Trước khi ra về, thầy có nói lại rằng, gia đình xem sau 100 ngày của cụ có gọi được cụ lên không thì đi gọi thử, xin chuyển ngày giỗ sang hôm 16, để cụ được về với con cháu. Nhà tôi cũng coi như tín đạo, chuyện đó tất nhiên không ai phản đối. Sẵn tiện trong vùng lúc bấy giờ đang nổi lên một trung tâm gọi vong rất thiêng, ai chết đường chết chợ, mộ mất mả trôi đều có thể gọi lên chỉ chỗ được.
Từ đây tôi mới biết đến chuyện âm dương suy thịnh thế nào. Chả là sau 100 ngày, nhà tôi tổ chức đưa bà lên chùa và hôm tiếp theo thì qua nhà cô Tài- người được cho là ăn lộc cô lộc cậu. Nhà người này nằm trong ngõ, nghe nói từ ngày được hầu cô cậu thì ăn lên làm ra, tiếng tăm đồn từ miền xuôi lên miền ngược. Ban đầu chỉ là xem mồ mả quanh làng, sau còn giúp gọi vong lên nói chuyện.
Được cái nhà cô không lấy tiền ai bao giờ, ai đến nhờ cô gọi thì tùy tâm công đức. Một cái đặc biệt nữa ở trung tâm của cô Tài, đó là vong lên sẽ nhập vào người nhà, bất kỳ ai đến, theo hướng dẫn của cô mà vong hợp người nào sẽ vào người ấy. Nghĩa là cô không bịp bợm lừa đảo ai, tất cả đều là tự thân con cháu gọi ra, người nhập rồi sẽ nói gì, làm gì, cái đó là do vong chỉ đạo.
Phủ cô Tài.
Khi chúng tôi đến, ngõ vào nhà cô Tài đã dựng đầy những xe máy, bên trong không còn chỗ để nên chúng tôi phải gửi xe vào nhà dân gần đó. Ban đầu tôi nghĩ vào phủ sẽ thấy một khung cảnh u ám với cửa đóng vòng trong vòng ngoài, một tủ thờ vĩ đại, trên trưng ra hai ngọn đèn đỏ, người ngồi khấn vái lụp xụp. Nhưng đi đến trước cổng tôi mới thấy mình nhầm, phải nói là tiếng người từ trong vọng ra rất ồn ào, giống như một phiên chợ thu nhỏ.
Qua cánh cổng sắt mở rộng, chạy suốt dọc khoảng sân diện tích đến 80m2, đếm qua tôi cũng thấy được 50 chiếu dải thành bốn hàng dọc. Người với người chen nhau ngồi khắp các chiếu, cứ năm sau người quây lại thành một vòng cung, họ chụm đầu trước một chiếc bàn nhựa, đồ đạc là để trên bàn đó.
Nhà tôi đã cử người tới đây xí chỗ trước, vì nghe giới thiệu là tầm này sẽ có đông người đến gọi, nhưng dù đông cũng không nghĩ đến cảnh tượng này. Trong lúc loay hoay tôi may mắn tìm được chiếu nhà mình, bên cạnh cũng toàn người làng, họ đến dây gọi vong liệt sĩ. Hóa ra cô Tài còn gọi được vong liệt sĩ, thảo nào mà tiếng tăm cô phát triển như vậy.
Sau khi đã yên vị, chiếu hàng xóm mới mách chúng tôi cách để vong nhập xác. Đầu tiên phải lấy thân chuối tươi đã chuẩn bị sẵn ra, cắm ba que nhang lên cho nó cháy. Bày trên bàn một đĩa gạo, ít bánh xếp vào một bên, ít hoa quả xếp vào bên đối diện. Nhất thiết phải đem ảnh vong dựa vào thân chuối để vong có lên còn biết mà nhận mặt. Nhà tôi đem theo trứng gà sống để lên đĩa gạo, đây là lòng thành của con cháu, ai biếu được cái gì thì biếu. Tiếp đến là dâng sớ đến trình trong phủ cô Tài, hiểu đơn giản là cô có thể dùng sớ như lệnh bài chiêu hồn, mẹ tôi bảo cô sẽ triệu tập vong từ dưới Âm tào lên, sau đó nhà tôi mới hô vong nhập xác.
Nghe đã ảo diệu, tới khi bắt tay vào hành động còn thấy kinh ngạc hơn. Trong lúc nhà tôi cho người đi trình sớ vào phủ, tôi được dịp chứng kiến cảnh vong nhập xác. Tức là lúc đó bên chiếu hàng xóm đã có hồn về, thẻ hương cháy sắp tàn, người ta lại vội vã thắp ba nén mới lên, để mong cái làn khói mỏng manh ấy bợ đỡ cho chân vong ở dương thế. Vong là thần là thánh, đừng ai nghĩ vong là ma quỷ, tôi đoán là họ không muốn người thân mình bị so với ma quỷ, nên mới phải chiều như chiều vong. Họ lim dim mắt, ngồi xếp bằng hai chân và hơi rung rung người. Có khoảng ba bốn người hợp vong nên bắt đầu nhập tịnh, những người còn lại dùng lời nói dịu dàng để vong ngồi lên đầu lên cổ, nhập xác con cháu mình.
Cảnh đó nói thật là hết sức buồn cười, người nói thì mỗi miệng một câu, có khi người này nói vong khôi ngô đẹp đẽ, người khác lại nói vong cường tráng đẫy đã, nói tới hết các mĩ từ để tả người, khiến tôi cũng phải ngó xem ảnh người được gọi trông thế nào. Đó là một người đàn ông trẻ tuổi, ảnh chụp khi vừa lấy vợ, sau thì ra trận và hy sinh tại chiến trường B. May mắn là người này cũng đã có hai con gái, hôm này họ đưa mẹ và mấy đứa nhỏ đến tìm ông ngoại. Chả thế mà trong những người ngồi nhập tịnh có một thằng bé, tuổi tầm 11, cũng nhắm mắt xếp bằng, tôi nghĩ nó bắt chước người thân nên không để ý.
Nhưng tới khi bên nhà tôi bắt đầu làm lễ, chiếu hàng xóm bỗng khóc òa lên, tôi nhìn sang thấy mấy người lớn đều vật ra chiếu khóc, họ vái lấy vái để đứa nhỏ. Thằng bé kia mặt đỏ tía tai, hai mắt nhắm chặt, tay chống xuống đùi, ngổi thẳng người dậy. Nhập rồi, đấy ông cháu hợp nhau, mới đó đã lên rồi đấy. Tôi nghe loáng thoáng thấy mẹ và bác nói với nhau, thú thật là tôi không tin chuyện này, tới khi thằng bé kia bắt đầu hành động, bản thân lập tức bị một phen kinh thần.
Vì là lần đầu mục sở thị cảnh vong nhập nên người nhà tôi đều tập trung quan sát. Lúc đó có cả bố tôi chứng kiến, bố cũng không thể giải thích nổi, một đứa trẻ 11 tuổi, sau khi lử đử ngồi lắc vài vòng, đột nhiên hai mắt đổ lệ. Tức là nó khóc mà không thành tiếng, khóc tới mức ướt hết cổ áo, hai tay vẫn chống đùi, chân rung rung, không nói không rằng mà cứ thế khóc.
Cô Tài được mẹ tôi nhờ xuống hướng dẫn gọi vong trông thấy, liền quỳ bến cạnh thằng bé, bảo với nó là bác trai về gặp vợ con phải không, bác về thì phải mừng chứ, sao bác lại khóc. Qua một lát mới thấy tay trái đứa bé giơ lên, nó đấm mấy cái vào ngực, nước mắt vẫn rơi lã chã.
"Đau lắm."
Đứa bé vừa đấm vừa nói, điệu bộ như một người trưởng thành đang than vãn. Cô Tài lại ngọt nhạt hỏi, bác đau thế nào.
"Bị giặc bắn vào đây. Đau lắm."
Thế là cả chiếu lại thi nhau khóc, người lớn tuổi nhất bên đó, cũng là vợ của liệt sĩ kia liền ôm tay đứa nhỏ, gào khản tiếng, giọng già cả nghe vô cùng thảm thiết. Cô Tài nói gia đình phải bình tĩnh, vong là liệt sĩ nên có thể hy sinh trong khi bị thương tích khắp người, được lên gặp người nhà thì phải hết sức an ủi, khóc thế không giải quyết được việc gì. Cô hướng dẫn phải mời mọc khuyên giải, hỏi han vong, rồi từ từ mới được xin đưa vong về, nghĩa là khi vong ưng rồi thì sẽ chỉ chỗ nằm cho mà tới đón.
Bên nhà đó lập tức nín khóc, họ rót rượu và châm thuốc lá cho thằng bé. Nói những lời hết sức tình cảm, người nào là vợ thì nhất nhất hỏi ông có nhận ra tôi không, xong lại tới hai cô con gái, mà trong hai người bọn họ có một người là mẹ đứa nhỏ, nhưng lúc này cũng một câu bố ơi, hai câu bố ơi. Cảnh tượng trở lên hỗn loạn, bản thân tôi lại không nhịn nổi cười, đấy là còn chưa đến màn chính. Đứa trẻ sau một hồi khóc than, nó đỡ cốc rượu và điếu thuốc, hai mắt vẫn nhắm chặt, một hơi nó lốc cạn cốc rượu gạo trong tay. Tiếp đó nó rít mấy hơi thuốc, hít vào đâu, thở ra đường nào, mặt làm biểu cảm ra sao, nó đều thể hiện được hết.
Có bao nhiêu đứa trẻ 11 tuổi làm được như vậy? Cảm giác lúc đó của tôi giống như mình vừa gặp ma, trán lấm tấm mồ hôi và mặt biến sắc. Nếu thực sự là vong nhập, vậy trong khoảng sân này có bao nhiêu hồn ma đang hiển hiện. Chưa bao giờ cảm giác âm dương lại gần nhau như vậy, cứ chốc chốc từ một góc nào đó lại vang lên tiếng khóc, báo hiệu vong đã nhập và người nhà mừng không cầm được nước mắt khi thấy người quá cố trở về.
Ấn tượng của tôi về lần đầu tiên đi gọi vong chỉ dừng lại ở đấy. Nhà tôi ngồi hết buổi chiều cũng không gọi được bà lên, cô Tài giải thích là bà tôi mới mất nên chưa đi mây về gió nhanh như vậy được. Nếu gia đình kiên trì thì hôm sau lại đến gọi, cô sẽ hỗ trợ đưa đường chỉ lối cho. Bản thân tôi rất tò mò về việc vong nhập xác người sống như vậy, không biết cơ chế để một người bị vong nhập diễn ra thế nào, tâm sinh lý người đó thay đổi ra sao, cảm giác khi người khác nhập vào mình có được bình thường không, có nhận biết được xung quanh không... Thế nên hôm sau tôi lại theo mẹ đi sang nhà cô Tài lần nữa.
Ngày nào ở chỗ cô cũng đông như vậy, lần này nhà tôi lại ngồi cạnh chiếu người làng, thời kỳ tổng động viên năm đó có rất nhiều thanh niên trai tráng lên đường vào Nam. Phần lớn đều hy sinh tại chiến trường Bình Trị Thiên, rất ít người còn tìm lại được hài cốt, thân nhân họ đến trung tâm này để mong có cơ may đoàn tụ với người liệt sỹ thất lạc.
Ông ngoại tôi cũng mất trong đợt đó, sau khi thấy người ta đi gọi vong liệt sĩ đông như vậy, gia đình tôi cũng thử gọi ông, nếu được thì để hai ông bà gặp nhau một thể. Những người hợp ông như tôi, bác cả hay bác thứ đều ngồi vào thiền tịnh, có lúc tôi cảm giác người hơi nâng nâng, toàn thân thả lỏng, tay chân bỗng nhiên mất hết sức lực. Nhưng cảm giác đó qua nhanh, chỉ loáng một cái là tôi lại tỉnh táo, đó cũng chưa phải là vong nhập.
Lúc mọi người không để ý nhất thì tự nhiên chị họ tôi lại gục đầu xuống, sau đó chị ấy khóc như thằng bé hôm trước, mẹ tôi thấy đầu tiên nên vội hú hồn gọi tên ông, hỏi có phải ông P đấy không? Đầu chị họ tôi cúi sâu, nước mắt chảy thành giọt xuống chân, nhưng không để ai thấy là mình khóc, phải hỏi đến câu thứ tư chị mới gật gật đầu. Mẹ tôi lập tức nắn tay nắn chân chị ấy, xúc động mà khóc nấc lên, ông ngoại hy sinh trước khi mẹ ra đời, có ngày gặp lại như vậy quả thực là kỳ tích.
Mọi người hỏi "ông" xem có bị đau đớn ở đâu không, nghe chừng "ông" tôi nói chuyện rất khó khăn. Cô Tài bảo là do chỗ ông nằm bị mối hoặc kiến làm tổ, che hết mũi miệng ông. Gia đình tôi thương quá, bao nhiêu năm ông phải nằm nơi đất khách quê người, thân thể còn bị xâm phạm tới mức đó, giờ quyết tâm phải đón ông về đây mai táng đàng hoàng. "Ông" ngồi được chục phút thì người ngả ra, mắt vẫn nhắm nghiền như không thấy gì, bác cả và bác hai nhà tôi đỡ lấy người "ông". Hai bác bảo chị họ tôi lúc đó nặng lắm, đỡ mãi không thẳng lên được, người cứ như đeo đá, đến hai bác cũng phải dựa tường mới đỡ được chị ấy.
Mẹ tôi vừa khóc vừa hỏi, bố biết con là ai không, con là đứa út, bố bỏ lại mẹ con con đi B, từ đó bặt vô âm tín, mẹ con con khổ trần đời bố ơi. "Ông" không nói gì, mặt cứ méo xẹo đi, vừa ngừng khóc được giây lát, "ông" lại giọt ngắn giọt dài, đầu hơi gật gật. Mỗi vong lên biểu hiện lại một khác, tôi thấy chủ yếu họ khóc rất nhiều, có người còn trách cứ thân nhân, hờn dỗi đủ kiểu, nhưng thái độ như ông tôi thì hiến lắm. Bác cả tôi vừa lau nước mắt cho "ông" vừa nói, bố có đau ở đâu thì nói chúng con, muốn ăn muốn uống gì cứ chỉ, con cháu bố ở cả đây mà. Lúc này "ông" liền chỉ vào cổ, sau đó xua xua tay.
Bác tôi vẫn hỏi, đến câu cổ họng bố bị giặc đâm trúng phải không, "ông" mới gật đầu. Cô Tài bảo phải từ từ để ông hồi lại mới nói chuyện được, nhà tôi gặp được ông như thế này là nhanh đấy, có gia đình đến đây ba bốn ngày mới gặp. Nói theo cách tích cực thì là ông vẫn luôn dõi theo con cháu, hồn phách nhớ đường nhớ lối mà về nhà phù hộ cho toàn gia. Chúng tôi khóc thêm hai ba mươi phút nữa, tới khi thấy "ông" không còn rầu rĩ thì bác cả tôi mới hỏi, bố đã hết đau chưa.
"Ông" bây giờ đã có thể nói, ban đầu chỉ ậm ừ mấy tiếng, hai mắt "ông" nhắm nghiền, nhưng vẫn ngoái lại nhìn bác tôi. Bác hai hỏi tiếp, rằng thì mẹ con vừa mất, bố đã biết chưa. "Ông" đáp là biết rồi, nhưng còn chưa gặp được. Sau đó ông hỏi lại, thế mẹ mày đi thì ai ở nhà trông đàn lợn, chúng mày còn nhỏ trông không đặng rồi chúng nó chết ra.
Tức là ông vẫn nhớ hồi trước khi đi B, nhà bà có nuôi một chuồng lợn, bấy giờ các bác tôi còn nhỏ, ông chỉ nghe mà không thấy được ai với ai. Chị họ tôi hơn tôi sáu tuổi, tôi không nghĩ là chị ấy biết được những chuyện từ thời của ông tôi, nhưng khi các bác hỏi, chị đều trả lời, có câu đúng, có câu bỏ qua vì lâu rồi không nhớ nữa. Phải nói thật là tôi bị thay đổi nhận thức hoàn toàn sau hai ngày tới trung tâm này, nếu ai đó chưa từng thấy vong nhập sẽ nghi ngờ chuyện của tôi. Kiểu như thầy gọi vong lên xong nói những cái chỉ có dưới cõi âm thì đó là lừa đảo, tôi đây là chính mắt thấy người nhà mình nhập, đang bình thường bỗng thành người khác, miệng nói được vanh vách chuyện ngày xưa.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, chiếu hàng xóm cùng lúc cũng có vong lên, người nhập là con trai của liệt sĩ ấy. Ban đầu nhà tôi mải hỏi chuyện ông nên không để ý, mãi sau thấy chiếu bên rậm rịch thì mới nhìn sang. Chú bị vong nhập mặt đỏ như mặt gà trọi, mắt nhắm hờ, đang ngồi đột nhiên chú ta đứng phắt dậy, chân nghiêm tay đặt trước trán như đang chào cờ. Mọi người cùng không hiểu chuyện gì, tự nhiên thấy chú ấy hô một hai một hai, chân dậm tại chỗ, bác cả tôi mới chỉ chú ấy, hỏi "ông":
"Kia là chú S, chú đi B với bố ngày xưa đấy, nhà chú ngay đằng sau nhà mình, bố nhớ không?"
"Ông" tôi ngửa mặt nhìn, sau lại nói:
"Không phải. Thằng S tao còn lạ gì, nó ngày trước làm liên lạc viên xong xung phong lên tuyến trên, thằng S nào ở đây."
Cả nhà tôi và nhà hàng xóm đều bất ngờ trước câu nói của ông. Bên nhà đó còn hỏi chú bị vong nhập xem có nhận ra ai đang ngồi kia không, vong ấy không trả lời, dậm chân vài cái liền lập tức rời đi. Nhà tôi lấy làm phân vân lắm, hỏi cô Tài thì cô bảo vong tất nhiên phải nhận ra nhau, nhìn người có thể không rõ nhưng không có chuyện nhận nhầm vong. Vì thế mà nhà tôi có phần khó nghĩ, nếu ông mình đúng thì kia không phải liệt sĩ S, cái vong nhập vào người chú ấy là của ai, không phải vong của người nhà có vấn đề gì không.
Cơ bản là chuyện đó không thuộc quản lý của nhà tôi, mọi người lại quây vào hỏi han tình hình ông, rằng ông có nhận được giầy dép quần áo cúng giỗ gửi xuống hàng năm không. "Ông" bảo không nhận được gì sất, ở dưới đấy người ta phân phát đồ như thời bao cấp, chẳng biết quần áo của ai, mà mấy thứ tiền giấy, tiền âm phủ cũng không dùng được, tốt nhất về sau đừng có đốt nữa.
Hỏi ông ngày giỗ mà nhà làm cho ông có đúng không, ông bảo sai rồi, nhưng giờ bà đã không còn thì ông chẳng về làm gì nữa. Nhà tôi chột dạ, bảo hay là để bố cho bọn con cái địa chỉ của bố,để bọn con vào đón bố ra, đoàn tụ với mẹ con ngoài này. "Ông" liền gạt đi, đáp chúng mày không phải đi tìm, tao ở đấy có bạn có bè, về đây một chốc một lát rồi lại vào chiến khu thôi. Dù là con nào nói ông cũng không chịu để đưa hài cốt về, hỏi mãi ông đâm ra giận, không nói không rằng gì nữa.
Mẹ tôi giờ nhớ lại vẫn thương ông, bảo là ông vì con vì cháu, chắc chỗ yên nghỉ trong rừng rú xa xôi, không muốn con cháu phải khổ mà đi vào đó đưa ông ra. Có khi xương cốt cũng mục hết, như nhà nào đi đón hài cốt liệt sỹ về chỉ được một nắm đất không nguyên vẹn đấy. Bố tôi lại nói, chắc ông cũng chẳng nhớ xương cốt nằm đâu nữa, bao nhiêu năm như vậy rồi, ông đi mây về gió suốt, muốn ông chỉ đường người trần mắt thì là bất khả thi.
Trò chuyện với ông được trọn vẹn bốn tiếng, ông bảo mệt nên phải đi, còn dặn là từ giờ không cần con cháu đi gọi thế này nữa, nhọc công ông lắm. Nhà tôi vâng lời, sau đó thấy chị họ đang ngồi đột nhiên thả lỏng toàn thân, hai bác đỡ sau lưng cũng không còn thấy nặng nề như trước nữa. Khoảng dăm phút sau thì chị họ tôi tỉnh, mọi người hỏi chị có nhớ gì không, cảm thấy trong người thế nào, đầu óc đã tỉnh táo chưa.
Chị bảo lúc nãy ngồi lim dim, tự nhiên mắt díp lại, tai vẫn nghe thấy tiếng nói nhưng không đáp được. Chị cũng biết nước mắt chảy ra, nhưng không tài nào cho tay lên lau đi, kiểu như toàn thân thoát lực, mệt mỏi không buồn nhấc tay. Quá trình tiếp theo chị chỉ nghe thấy mọi người xung quanh nói chuyện, không thấy gì cũng không đáp gì, gần như mất hết tri giác. Giờ tỉnh lại cảm thấy xương cốt rã rời, người chỉ trực lả đi, nếu ai từng bị bóng đè sẽ hiểu hoàn cảnh của chị tôi lúc bấy giờ, chính xác đó là một dạng bóng đè, não bộ vẫn thức nhưng mọi giác quan đều không hoạt động.
Vong nhập vốn dĩ là chuyện rất hoang đường, một người còn sống không bị bệnh gì về thần kinh, bỗng thay đổi suy nghĩ, nhớ được cả những chuyện xảy ra từ khi mình chưa đẻ, chỉ kể lại thôi tôi đã thấy khó tin. Nếu không tận mắt chứng kiến, lại chính người nhà mình trực tiếp liên quan, chỉ như vậy mới không thể bị ai mua chuộc, cũng không thể nói mò mà đúng được chuyện trong quá khứ. Vong ấy tôi gọi là vong nhà mình, còn trường hợp không phải vong nhà mình nhập vào, tình hình sẽ khác hoàn toàn, vong đó được gọi là Âm Binh. Cũng trong mấy ngày đó, tôi được thấy luôn cả Âm Binh nhập người sống, cảm giác như trải nghiệm thực tế về thế giới tâm linh.
Oan cây thị.
Sau hai ngày đi phủ cô Tài, toàn gia chúng tôi ai về nhà nấy, gian thờ bây giờ chuyển vào phòng bà ngoại, bác cả là người chăm sóc hương hỏa trong đấy. Phòng của bà nằm dưới dãy nhà ngang, trước cửa là sân phơi thóc, qua sân sẽ đến khu vườn ăn quả. Dù là đi từ cổng vào hay từ nhà ra thì thứ đập vào mắt người ta đầu tiên là cây thị già trồng ở rìa bao lơn, sát với bể nước. Cây thị cao tới ba tầng nhà, tán rộng che quá nửa sân, cành lá xung xuê, nó là được bà trồng từ ngày đẻ bác hai. Ngày đó bà được thôn cắt thêm miếng đất trước cửa, bà tính trồng cây gì vừa ra quả vừa cho bóng mát nên mới cắm hột thị xuống.
Ngày bà mất bác cả lấy khăn tang buộc ở thân cây, trong khi những cây khác bác chỉ quệt vôi trắng. Hỏi thì bác bảo câu thị này theo bà lâu nhất, tính đến này nó cũng trồng được 45 năm rồi, so ra chẳng khác gì người nhà. Tôi không biết nếu biến cố kia không xảy ra, tán cây thị có thể che hết sân và ngọn cây sẽ cao tới đâu nữa.
Hơn 10h sáng ngày thứ ba sau 100 ngày của bà, một người đàn ông tuổi trên 50, cũng là người làng tôi, tự xưng là cụ Bê, một người đã mất cách đây 80 năm. Người đó cầm gạch, dao dựa xông qua cổng, bất chấp sự ngăn các của các bác trong nhà, một tay người đó dọa sẽ đập chết ai lao tới gần, một tay vung dao chặt xuống thân cây thị. Bố mẹ tôi cùng mấy bác ở xa được báo đến giải quyết vụ việc, nghe qua điện thoại tôi chưa hiểu rõ tình hình, lúc đến nơi mới rõ, người tự xưng là cụ Bê kia, thực chất là vừa đi gọi vong ở phủ cô Tài về.
Thân nhân của người đó có qua nói lý với chúng tôi, rằng mộ cụ bà nhà họ bị sụt mất từ lâu, nay gia đình bên đó muốn xây nhà thờ tổ nên đi gọi cụ, xin cụ chỉ chỗ mả bị vùi để đem về trùng tu lại. Người đàn ông kia là cháu bên nội của cụ Bê, ông ta được cụ nhập vào và dẫn người nhà đến đây đòi mộ. Một điều khó hiểu là người đàn ông đó khăng khăng dưới gốc cây thị này là tiểu của cụ bà bên đó, trong lúc nhà bên đấy giải thích, người đàn ông không nói không rằng cứ dùng dao băm bổ vào thân cây thị.
Lời người đàn ông đó nói ra rất gay gắt, không xem nhà chúng tôi ra gì, bất cứ ai cản ông ta đều bị dao và gạch đập thẳng tay. Tôi nhớ ông ta nói chúng tôi là hàng con cháu, ông ta thì một điều cụ Bê, hai điều cụ Bê, chỉ từng mặt các bác tôi mà chửi, dọa rằng nếu không đào cây thị này lên, cả nhà tôi sẽ bị vật chết.
Các anh chị tôi không tín như các bác, nghe ông ta nói thì tức lên, vài người vác gậy đuổi ông ta ra khỏi cổng. Nói gì thì nói, vừa qua 100 ngày bà tôi, khăn tang còn chưa gỡ xuống, ai cho phép họ kéo tới đây làm loạn. Đấy là chưa kể lời người đàn ông kia chẳng có căn cứ, muốn đào thì đào được chắc, người chết cách đây 80 năm, nếu có hồn ma thật đi chăng nữa thì giờ cũng phải sang kiếp khác rồi. Vô lý nhất là sụt đâu không sụt, lại chọn đúng cây thị già của bà tôi, đây là di vật sống giá trị nhất mà bà để lại cho toàn gia chúng tôi. Người ngoài đến chặt phá nó sau khi bà mất, tôi không biết đây là trùng hợp hay cố ý nữa.
Người đàn ông kia lời lẽ đanh đá, chua ngoa, so với bình thường thì ông ta hoàn toàn khác. Tôi biết ông ta từ trước khi biến cố xảy ra, ông ta không rượu chè, không gây gổ với hàng xóm, là người sống rất biết điều và có tiếng hiền lành. Có lẽ vì theo người nhà đến phủ cô Tài nên bị vong nhập, đầu óc như hóa điên, mà khổ nhất là lại đi gây với nhà tôi. Khi đó tôi vừa chấp nhận được suy nghĩ có cõi âm trên đời, nên ánh mắt nhìn người đàn ông kia đa phần là sợ hãi. Không chỉ có tôi mà toàn gia đều phải cân nhắc lời ông ta rất nhiều.
Nếu thực sự dưới gốc cây thị có tiểu của cụ Bê kia, nhà tôi không thể không trả lại. Nhắc tới chuyện cây thị, tôi nhớ một lần, cách lúc bấy giờ 4 năm, hồi tôi học cấp hai, tôi từng thấy trên cây thị có ma. Tối hôm đó tôi vào bà ngoại ăn cỗ, tàn cơm bọn trẻ trong nhà rủ nhau đi chơi trốn tìm. Đến lượt tôi đi tìm, đoán là sẽ có anh nào trèo lên cây thị, tôi ra bể nước, trèo lên thành bể và đu sang cây.
Trời tối mà tán thị rất dày, đèn ngoài sân không chiếu lên cao được, tôi leo thêm mấy chạc cây, liền phát hiện một bóng người đứng núp sau thân cây, cách tôi ba bốn chạc. Tôi chắc mẩn là anh họ nên tính trèo lên bắt. Đu được hai chạc thì ở trong nhà ngang có người gọi, là mẹ tôi bảo muộn rồi đi về. Lúc đó tôi còn nhìn lên chạc cây kia một cái, thấy người đó vẫn núp sau thân cây, kiểu như chưa biết tôi trèo lên vậy. Nghĩ thế nào tôi liền im lặng tụt xuống gốc thị, muốn để người đó trốn thên đấy lâu một chút.
Nhưng khi chạy đến nhà ngang, tôi đã thấy tất cả anh chị đều ở đây, không thiếu một người nào. Tôi hỏi có ai trốn trên cây thị không, mọi người bảo điên mà trèo lên cây thị buổi tối, trượt chân ngã xuống bể nước chết toi. Hồi đó tôi chỉ hơi sợ thôi, về sau không bao giờ tôi chơi cạnh cây thị khi trời tối nữa. Tôi đem chuyện đó ra kể với các bác, có người bảo tôi quáng mắt, có người lại bảo đúng là cụ Bê đấy rồi. Trong nhà tôi cũng phải đấu tranh tâm lý ác liệt, bên ngoài người đàn ông kia lại không ngừng ném đá ném gạch vào sân nhà bà tôi.
Sau cùng là nhà tôi phải thỏa hiệp với bên kia, mẹ tôi nói rằng bà ngoại vừa nằm xuống, cứ để người ta gây rối bên ngoài thì bà làm sao mà nhắm mắt được. Chuyện lại thuộc về mảng tâm linh, thực chất rất khó để giải quyết, chính quyền thôn không biết làm cách nào để can thiệp vào chuyện này. Thế là nhà tôi yêu cầu họ ký cam kết, dù cho bên dưới có tiểu hay không, mọi chi phí và giá trị của cây thị, nhà bên đó phải đứng ra hoàn trả cho nhà tôi.
Nói cho cùng thì cây thị có đáng mấy tiền đâu, chủ yếu là giá trị tinh thần của nó. Những tưởng là di sản bà tôi để lại được vĩnh viễn cho con cháu, nhưng không ngờ bà vừa nhắm mắt, cây cũng chết theo.
Hôm sau người ta cho xe cẩu và cưa máy đến, thân cây thị to bằng ba người ôm liền bị đốn hạ, cành cây bị cưa bớt và đem vứt khắp ngoài đường. Phải mất nửa này thì gốc thị mới được bật lên, rễ nó bao gần như trọn khoảng sân, người ta còn phải phá cả sân để đào rễ lên. Hơn 8h tối, cây thị chính thức khai tử. Mẹ tôi suốt ngày hôm ấy chỉ ở trong giường thờ dưới nhà ngang, khấn vái hương hồn bà. Tôi không biết mẹ nói gì với bà nhưng khi nghe kết quả của cuộc đào xới, nén nhang trên bát chợt bùng cháy dữ dội.
Dưới gốc cây thị, xung quanh bán kính 300m, đào móc tới 4m đất, hoàn toàn không thấy một mẩu xương nào. Cả khoảng sân của bà đều bị xới tung, người nhà hai bên cùng dân làng tham gia tìm kiếm, kết quả chỉ thấy độc đất là đất. Người đàn ông kia trước đó còn lớn tiếng chửi mắng, giờ lại lăn đùng ra bất tỉnh. Nhà bên đó phải đền bù và xây sửa lại hết những tổn thất mà họ gây ra. Mẹ tôi nói rằng, dù có đền bù gấp mười lần thì cũng không thể bằng được lúc đầu. Kẻ ác tâm chắc chắn sẽ bị quả báo, cái cây sống lâu năm cũng thành người, gϊếŧ nó rồi nhân quả báo ứng sẽ giáng xuống đầu chúng.
Hiện tại đã là năm năm sau ngày ấy, người đàn ông trước bị vong nhập giờ đã hóa điên. Ông ta lúc mê lúc tỉnh, đi lang thang trong làng, cũng không nhớ mình là ai, hỏi thì lúc nói là người này lúc lại bảo người khác. Thầy cúng cho biết vong nhập vào người ông ta không phải cụ Bê nào hết, vong đó là Âm binh chết đâm chết chém, chính vì vậy ông ta mới đi gây sự quấy rối.
Bản thân tôi cũng ngẫm ra câu nói của mẹ, cái cây sống lâu cũng thành người, chính cây thị già kia là một thành viên trong gia đình tôi, tự tay bà chăm bẵm cho nó phát triển. Bóng người tôi thấy hẳn không phải ma, chỉ là cái cây đấy cũng muốn đùa chơi một chút, nó hoàn toàn không có ác ý. Quả thực, nó là bị chịu oan mà chết.
Gọi dí.
Sau khi cây thị bị chặt, những chuyện lùm xùm quanh đám tang cũng từ từ lắng xuống. Thẳng đến bốn năm sau, tức là thời điểm trước đám giỗ bà năm ngoái, nhà tôi mới lại có chuyện xảy ra. Cụ thể là tôi nằm mơ thấy bà, trước đó các bác cũng mơ thấy nhưng thường không rõ ràng, hoặc bà không nói được, chỉ khóc và nhìn bác thôi. Giấc mơ đó đặc biệt ở chỗ, tỉnh dậy rồi mà tôi vẫn nhớ như in những chuyện xảy ra trong đó. Nếu có ai từng mơ thấy người đã khuất, chắc chắn lúc dậy hai mắt sẽ ít nhiều bị ướt, tôi cũng vì khóc quá nên phải dậy, má và mang tai chan hòa nước mắt.
Trong mơ tôi thấy mình đứng giữa sân nhà bà ngoại, sau đó bà từ nhà ngang đi ra, vẫn là hình dáng và điệu bộ quen thuộc như khi còn sống. Tôi bắt đầu khóc từ lúc đấy, bà vòng xuống bếp, tôi theo sau, trên người bà mặc đúng cái áo mới mẹ thay cho bà lúc nhập liệm, mà áo len màu nâu sáng. Bà nhóm bếp nấu rượu như hồi còn sống, rồi quay ra nhìn tôi đứng ngoài cửa, tôi nhớ là bà có cười và chỉ tôi lên nhà trên. Vừa đi bà vừa nói: "Gọi bố mày vào tao có chuyện nhờ."
Tôi thấy bà vào phòng, đó giờ là nơi đặt giường thờ, bà chỉ cái hoành phi treo tường, mặt hướng tôi, nhắc lại một câu: "Gọi bố mày vào tao có chuyện nhờ."
Sau đó tôi mở mắt, giấc mơ tương đối nhẹ nhàng, tôi nhẩm lại lời bà trong mơ. Nghĩ có việc quan trọng nên tôi chạy đi tìm mẹ, kể cho mẹ nghe hết đầu đuôi rồi giục bố vào xem bà nhờ cái gì. Mẹ tôi liền vào nhà bà ngoại, bảo với bác cả chuyện bà chỉ cái hoành phi trên giường thờ. Anh họ tôi khi đó cũng có nhà, hoành phi là từ thời ngày xưa nên được treo khá cao, mẹ và bác tôi thắp hương xin phép các cụ cho anh tôi trèo lên tháo hoành phi xuống.
Anh tôi vừa bước lên giường thờ, nhìn mặt trước mặt sau của hoành phi một cái, đột nhiên kêu lên. Mặt tường sau bức hoành phi đùn lên một tổ mối rất lớn, nguyên phiến gỗ áp tường đã bị mối xông tới rỗng ruột, mặt ngoài do còn nước sơn nên nhìn không ra. Anh vừa động vào bức hoành phi, những chỗ đóng đinh và móc treo ngày trước đều bung hết, bác và mẹ tôi phải căng miếng ni lông để hứng gỗ cùng mối rơi.
Bác cả bảo bà thiêng quá, nếu không báo sớm, để tới mùa mưa kiểu gì cái hoành phi ấy cũng rơi xuống. Rồi cũng đến đổ vỡ hết bát hương trên giường thờ mất thôi. Mấy người trong nhà lại họp bàn với nhau, rằng bây giờ bà đã đủ ngày đủ tháng, nói ra lời như vậy, chắc đi gọi được rồi. Phủ cô Tài lúc đó đã đóng cửa, cô chuyển đi đâu không rõ, gia đình tôi hỏi han vài nơi, thấy cũng có một nhà áp vong chuẩn lắm. Mẹ tôi với bác hai liền quyết định đem lễ qua nhà đó nhờ gọi hộ.
Nhà này không áp vong vào thân nhân, vong gọi lên sẽ nhập vào thầy, mẹ tôi bảo đấy là đi gọi dí. Mẹ và bác đến vào ngày trong tuần, ở đây cũng đông người tới xem, nhưng không gian yên tĩnh lắm. Khác với vẻ ồn ào bên nhà cô Tài, ai tới đây xem thì phải sắp lễ đặt lên điện thờ trước, xong ra ngoài đợi, tới lượt gọi thì vào. Đợi hết cả tiếng mới đến lượt nhà tôi vào xem, thầy cũng ghi sớ, trong đó có họ tên, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất, xong là trình lên điện.
Hết phần thủ tục, thầy bắt đầu hành lễ chiêu hồn, đọc thần chú và ngồi xếp bằng nhập tịnh. Mẹ và bác tôi chắp hai tay khấn gọi tên bà, so với áp vong vào người nhà thì áp vong vào thầy không được chính xác bằng. Nhưng khi thấy thầy thôi lắc lư người, hai tay giật giật, mặt từ trắng chuyển sang đỏ, miệng không còn đọc chú nữa thì nhà tôi đoán là bà đã lên.
Có thể mẹ tôi quá tin vào việc áp vong nên khi kể lại diễn biến lần bà nhập vào thầy đó, lời nói của mẹ có hơi thái quá. Cụ thể là khi bà lên, mẹ như nhận ra ngay người nhà mình, từ dáng ngồi, cách bà để tay cho đến việc bà cuộn trầu ăn, thầy đều làm y hệt như điệu bộ của bà. Mẹ với bác tôi vừa khóc vừa hỏi mẹ lên với chúng con đấy phải không mẹ, bốn năm không thấy mẹ chúng con đau xót lắm mẹ ơi.
Khóc một thôi một hồi, thầy để cho người nhà tôi nín rồi mới nói, con D với con T đấy phỏng, mấy hôm trước thằng M nó chạy xe ngoài đường gây tai nạn, tao thấy nên tao đỡ cho đấy, nếu không thì cũng chẳng sống nổi đâu. Anh M tôi là con bác D, đúng là tuần trước anh có bị tai nạn, may mà chỉ xước chân tay, không gãy dập chỗ nào. Câu đó là thầy phán đúng rồi, bác tôi liền vái lấy vái để, nói là nhờ mẹ trên trời linh thiêng phù hộ cho con cháu.
Thầy lại tiếp, Rằm tháng trước nhà thằng H nó làm lễ động thổ, nó quên mang lễ ra thắp hương cụ tổ, để cụ trách phạt, đồ đạc trong nhà tháng trước mất mát liên miên. Bác H là bác cả nhà tôi, mẹ bảo lúc về hỏi bác có đúng hôm động thổ bác không ra mộ cụ không, vì là đi xem ở đâu người ta cũng bảo bác hợp cụ, nhà cửa con cái đều là cụ nâng đỡ che chở cho. Bác bảo lễ bé nên chỉ làm trong nhà thôi, không có ra một gọi cụ. Quả nhiên tháng đó bác chết mất hai con lợn, bán hàng ga thì liên tục lỗ.
Thế mới biết người âm cũng có vai trò lớn thế nào với người sống, giống như họ luôn luôn hiện hữu bên cạnh chúng ta, chỉ là có ý định tốt xấu thế nào thôi. Lực lượng tâm linh là một dạng sức mạnh tinh thần, như mẹ tôi nói là nó ảnh hưởng trực tiếp đến người sống, dù không nhìn không thấy nhưng nó lại tác động được vào tư duy của người sống, hướng người đó làm những việc bản thân không nhận thức hoặc không mong muốn.
Hiểu theo cách nào đó thì người âm là một ngoại cảnh không thể chống lại đối với người sống, có những người căn cao số nặng, ngoại cảnh đó sẽ tác động trực tiếp đến sinh mạng người đó, tức là làm gì cũng có người âm theo kèm. Một điều nữa, đó là hành vi của người âm hình thành như thế nào, kiểu như vì sao người đó lại hại mình, hay vì sao người đó lại giúp mình. Mẹ tôi cho rằng đó là duyên âm, duyên ở đây là tuổi tác, vận mệnh, cung mệnh, khác với duyên người sống, duyên âm thường mang ý nghĩa tiêu cực.
Theo tôi thì một người khi nhìn thấy ma, chủ yếu là do sóng não hai bên phát ra tương đồng nhau, tỷ lệ trường hợp ấy xảy ra không nhiều. Vì sao nó hiếm khi xảy ra, đâu phải ai cũng có tầm số sóng não trung hợp với hồn ma, người sống với người sống còn khó nữa là. Nhưng để có thể giải thích tiếp, buộc lòng chúng ta phải tin trên đời tồn tại người âm đã.
Quay lại thời điểm nhà tôi đi gọi dí, thầy còn phán về gia đình tôi rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên không thấy nói đến chuyện bức hoành phi và cây thị bị chặt. Mẹ tôi đang được đà nên thầy nói gì cũng tin ngay, tới chuyện năm nay bà tôi bảo tôi chắc chắn lấy vợ, mẹ tôi cũng về truyền đại lại và bảo tôi làm gì thì làm, cuối năm là phải có con dâu ra mắt. Trong khi thực tế là tôi tới giờ đã lấy được ai đâu. Phán đúng được vài câu, nhưng để tôi phải phân vân vào thực hư lời thầy nói, có một chuyện mà tôi thấy đáng nghi lắm.
Thầy phán là nhà tôi có nuôi một vật đại hung, ý thầy là bà tôi thấy vậy, con vật đó chấn yểm cả khu nhà, bà tôi không vào coi sóc gia đình tôi được. Nếu là con vật thì nhà tôi chỉ nuối mỗi con mèo già mười tuổi, nó không phải mèo đen hay gì, thực ra là nó chỉ sống quá dai thôi. Nếu nó là vật đại hung thì mười năm qua phải có biểu hiện gì đó chứ. Thầy nói tiếp là, còn vật đó ăn bám nhà tôi, nhiều lầm bà thấy nó dẫn hung tinh vào nhà, gây ra bệnh tật, đường làm ăn sa sút.
Tôi thì bảo không phải con mèo, mẹ tôi lại nhất quyết đổ cho nó. Khi về nhà, mẹ lập tức tháo xích phóng sinh, để nó đi đâu thì thi, không cho ở nhà nữa. Những ngày tiếp theo nhà tôi vắng khách hẳn, không phải vắng bình thường mà là vãn hết cả việc luôn. Tôi bảo bố nói với mẹ, cho tôi đi tìm mèo về, đuổi nó đi như vậy là cạn tình quá, dẫu sao nó cũng sống với nhà mình mười năm nay. Tôi không dám đề cập đến chuyện gọi dí nữa, đấy là còn chưa kể lúc mẹ tôi hỏi làm cách nào để trừ được hung tinh, thầy phán là phải mời người về làm lễ. Mà người ở đây là ai, chẳng phải chính là thầy sao. Tôi nghe mà sốt cả ruột, giống như mình bị lừa vậy.
Con mèo kia đi chán rồi năm ngày sau lững thững về nhà, nó gào ầm trên hiên, đến lúc tôi ra mở cửa thì người ngợm đã đen nhẻm. Tôi phải tắm rửa và cho nó ăn đầy đủ, mẹ cũng không ý kiến gì nữa, dẫu sao nuôi thêm nó thì nhà tôi cũng chẳng nghèo đi được. Tôi còn để ý thấy, sau khi mèo về, nhà tôi lại có việc, so với hôm nó đi thì đông khách hơn. Mấy lời vô thưởng vô phạt của ông thấy kia, thực chất là nhằm vào đối tượng ít ảnh hưởng trong gia đình. Ví như con mèo này, với ông ta có cũng được không có cũng chẳng sao, vậy nên thầy mới phán để nhà tôi có theo thì thầy sẽ giúp cho.
Tôi lại kể tiếp chuyện hôm đi gọi dí bà tôi, sau khi nói vãn chuyện bà tôi thấy nhà các bác làm được gì và chưa được gì. Mẹ tôi mới hỏi, ở dưới đấy mẹ đã gặp bố con chưa, đợt trước làm 100 ngày cho mẹ, bố con cũng về nhà đấy. Bà bảo chưa gặp, trần sao âm vậy, đường xá xa xôi cách trở thế, muốn tìm dược cũng khó. Nói đến tìm người, bác tôi sực nhớ một việc, lúc đó liên đem ra hỏi bà:
"Mẹ vẫn ở cùng chúng con, coi sóc cho chúng con như thế, đó giờ mẹ đã gặp cái V chưa?"
Nghe thế đột nhiên thầy rơm rớm nước mắt, nói:
"Nó chết rồi còn đâu, tao đi tìm nó mà gặp nó ở cửa quan, nó đói khổ rách rưới lắm, tao nghĩ mà cứ thương hại nó."
Ui chao, cùng lúc mẹ và bác tôi đều lặng người, xong cả hai liền khóc lên thành tiếng. Bác V tôi mất tích từ khi còn trẻ, nếu giờ bác còn sống chắc cũng 58 tuổi rồi, mất tích đã hơn 30 năm, chẳng chết thì đã tìm về với anh em họ hàng. Chỉ là lần nào đi gọi bác, mọi người đều nghe bảo bác còn sống, có gia đình riêng, nhưng không biết vì cái gì mà không về. Ngày xưa lúc bác bỏ đi, có ai mắng mỏ trách cứ gì bác, bà cũng thương bác lắm chứ có lỡ quở bác câu nào, khiến bác tự ái mà bỏ đi đâu.
Nay thì bà bảo bác chết rồi, lại còn đói khổ rách rưới nữa, muốn hỏi bác chết ở đâu để mọi người đến nhang khói cho đỡ lạnh. Thầy nói rằng bác không còn mặt mũi nào để gặp họ hàng nữa, thế nên là mẹ và bác không cần tìm, gặp rồi chỉ làm khổ mọi người thôi. Cũng coi như là nhà tôi đã biết tin về bác, bao nhiêu năm chờ đợi mỏi mòn, cuối cùng nhận lại một câu như vậy, thực sự ai cũng thấy đau lòng.
Ngoài mấy chuyện đó ra thì mẹ và bác cũng hỏi là năm sau bọn con tính chuyển nhà cho mẹ, mẹ có ý kiến gì về chỗ ở hiện tại không, để năm sau bọn con đưa mẹ về nhà mới cho mát mẻ. Thầy phán là năm sau chuyển được rồi, đi sang khu quy hoạch của thôn cho gần hàng xóm láng giềng. Thế nghĩa là bà tôi đã ưng cho gia đình cải mộ vào năm sau, theo như mẹ tôi được biết, khi vong thấy trong người nhẹ nhõm, không nặng nề như ban đầu mới chết, thì có nghĩa là dưới mộ đã tương đối sạch sẽ. Có thể định ngày cải táng, bốc dọn sang nhà mới.
Bốc mộ.
Tôi xin phép được bỏ qua khoảng thời gian một năm tiếp theo, vì cũng không có sự tình gì xảy ra lúc đó, rất nhanh liền đến ngày chuẩn bị cải táng cho bà. Quê tôi có một mùa gọi là mùa cải táng, nó rơi vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi trời bắt đầu se lạnh và ngoài đồng cỏ đã úa vàng. Chính xác thì nhà tôi vừa tổ chức bốc dọn vào tuần trước, công tác chuẩn bị kéo dài từ cách đó mấy tháng, ngày giờ đều đã định, chỉ đợi con cháu tề tựu đầy đủ là tiến hành lên nhà mới cho bà.
Hôm trước ngày hành lễ, nhà tôi có ra mộ gọi bà, mẹ tôi bảo để bà xem con cháu phương trưởng báo hiếu thế nào. Rước bà về nhà, gặp mặt họ hàng làng xóm một lượt nữa, vì hôm sau là nhà tôi là cỗ lớn, mời hết thân bằng cố hữu tới dự, từ đợt giỗ đầu tới nay, đây là lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng bà được gặp đông đủ mọi người. Các anh chị tôi cứ nói nhỏ với nhau là biết làm sao được bà về hay không, cái này chỉ là thủ tục trong quan niệm thôi.
Bác cả tôi bảo bà sống khôn chết thiêng, kiểu gì ngày này cũng về với con cháu. Mà đúng là bà tôi về thật. Ngày còn sống, bà ngoại có nuôi một con chó đen, bà đặt tên nó là Vàng vì quý như cục vàng vậy, lúc bấy giờ nó mới được gần một tuổi, hiện tại nó đã sáu tuổi, lớn tướng và rất khôn lanh.
Nhà làm cỗ, con chó lên đầu hè dãy nhà ngang nằm, bình thường nó hay sủa người lạ, kể cả con cháu mà ít đến là nó cũng sủa. Hôm đấy khác khứa đông, người ra người vào liên tục, thế mà con chó chỉ nằm yên, đầu gối lên hai chân trước, mắt nhìn vào trong gian thờ. Nơi đó ngày trước là phòng của bà. Mà kỳ lạ ở chỗ, cứ một lát con Vàng lại ngẩng đầu quẫy đuôi, kiểu như có ai gọi tên nó, nhưng mọi người đều bận, đâu có ai để ý đến nó gọi làm gì.
Bác tôi thấy thế, bảo là nó nhìn được bà về, chó nhớ dai lắm, chủ đi bao nhiêu năm về nó vẫn nhận ra, ngày trước bà nuôi nó thế nào, giờ nó cứ y vậy mà theo. Không sủa đã đành, con Vàng suốt buổi còn không thèm ăn cơm, tôi đem cơm đến nó cũng không ra mừng, một mực nhịn đói đến tối. Mẹ nói là chắc bà cho nó ăn rồi, nhịn cả ngày không kêu ca gì, chỉ khi nhà tôi chuyển mộ xong mới thấy nó rời khỏi hiên, đi tới chỗ góc bể nằm hướng mặt ra cổng. Chắc nó thấy bà đi nên ngồi đó ngóng, khéo trong nhà tôi nó là đứa duy nhất được gặp bà, bao nhiêu năm rồi nó vẫn ngóng bà về, đến hôm đấy xem như được toại nguyện.
Người xem giờ cho nhà tôi phán rằng, động thổ vào đầu giờ chiều là đẹp nhất, thế là hơn 1h30 nhà tôi liền xuất phát ra mộ. Ngày xưa người ta cứ quan niệm bốc mộ phải làm vào ban đêm, tức là lên nhà mới cho người âm phải tổ chức buổi tối để không bị trùng với việc của người sống. Bây giờ mấy quan niệm đó đã bị bỏ đi hết, người ta làm vào giờ nào trong ngày cũng được, hơn nữa làm lúc buổi sáng lại thuận tiện hơn là làm lúc nửa đêm canh ba.
Nghi thức đầu tiên là động thổ nhà mới, có một thầy cúng sẽ đọc bài khấn thổ công, đốt sớ hay như ông ấy gọi là hộ khẩu mới của bà tôi, hú hồn bà về cho thổ công nhận mặt. Con cháu mỗi người một mảnh khăn tang trên đầu, mẹ và bác tôi ngồi vừa chắp tay vái vừa đọc kinh, tới lúc bắt đầu hạ xẻng thì vái ba vái. Bên thi công là chái trai của bà đứng ra động thổ, anh tôi nghe thầy cúng đánh ba tiếng kẻng báo hiệu rồi mới bắt đầu xúc. Nhà mới của bà nằm trong khu nghĩa địa quy hoạch, xung quanh mộ xây thẳng tắp, hàng nối đâu vào đấy rất đẹp.
Thầy cúng bảo anh tôi để cho thợ xúc người ta làm, giờ phải sang bên mộ cũ của bà, đến giờ khai quan rồi. Nói luôn là bên mộ cũ đó nhà tôi đã cho người xới đất lên từ sáng, quan để dưới lòng đất lâu như vậy, nếu không đào trước để thoát bớt âm khí thì đến lúc khai quan mùi sẽ rất nặng. Bên đó các bác đã căng bạt và che chiếu hường Tây đầy đủ cả, che chiếu là để mặt trời đỡ rọi vào quan, dù hôm đấy không có nắng nhưng nhà tôi vẫn cử hành cho đúng thủ tục.
Đất dưới mộ rất khô, nguyên một tầng đất sét dày 3m, mọi người đoán là trong quan mở ra sẽ không có nước đọng. Thầy cúng cắm một bó nhang to trên đầu mộ, lại khấn thên một bài, đại loại là đủ ngày đủ tháng, con cháu tề tựu về đây, mở cửu mả đề nhìn bà lần cuối. Đấy cũng được coi như lại mặt người đã khuất trước khi đào sâu chôn chặt. Con cháu mỗi người một nén cắm vào cạnh bó nhang to của thầy cúng, sau đó đứng thành hai hàng trên miệng huyệt, chuẩn bị xem nắp quan mở ra.
Đinh đóng ván đã rỉ từ lâu, hai anh họ tôi đứng mỗi người một bên, lần lượt bật hết các góc quan lên. Lúc đó trong nhà đã có người không chịu được phải bỏ ra xa, dù quan đã phơi nửa ngày nhưng bên trong vẫn bịt kín, vừa tháo đinh một lát liền có mùi yếm khí thoát ra. Anh con bác trưởng cầm cây móc sắt, khèo vào đầu ván, chuẩn bị nghe thầy cúng hô là bật nắp lên. Vì lần đầu chứng kiến nên tôi có phần hơi sợ, cũng không tưởng tượng được bên trong kia sẽ như thế nào.
Thầy cúng khấn xong, mọi người vái lạy, ông ấy cầm cái kẻng gõ lên một tiếng, miệng hô: "Khai". Ngay lập tức anh tôi gồng mình kéo nắp quan ngửa lên, những người xung quanh giờ chỉ còn toàn thanh niên, mẹ và các bác đã lùi hết lại phía sau khấn vái. Tình hình bấy giờ tương đối kinh người. Đầu tiên là nắp ván ngửa lên, mặt trong đã mốc xanh mốc đỏ, từng đám dày cộm bám chồng chéo lên nhau, tôi nhìn mà không nhịn được rùng mình. Tiếp theo là tới bên trong mộ, người đầu tiên nhìn vào là anh con bác hai, trước cả khi mọi người định thần, anh đã kêu lên:
"Chưa róc, vẫn còn nguyên."
Một câu đó thôi mà toàn gia tôi sợ khϊếp người, lập tức các mẹ các bác bắt đầu khóc lớn, mỗi người một câu than trời than đất, bà tôi khổ quá, tới năm năm rồi mà vẫn không được sạch sẽ. Tôi cũng sợ mà lùi lại, không dám nhìn xuống dưới huyệt ngay lúc đấy. Bác tôi bảo anh đậy nắp quan lại, gia đình hội ý một chút đã.
Bên cạnh các mẹ vẫn đang khóc thảm, các bố bảo nhau xem vừa thấy cái gì. Anh con bác hai làm như chắc chắn lắm, quả quyết là thấy người bà vẫn phồng như còn da thịt bên trong, với cả một phần do đất ở đây khô nên thịt khó tan hết. Bác cả cũng thấy một ít, bác bảo là đã sạch được đầu rồi, tức là lúc bác nhìn chỉ còn mỗi sọ thôi. Các bác khác người thì nhìn thấy tay bà vẫn còn dính đốt, người thì bảo quần áo bà vẫn khô nguyên, không ai dám chắc là bà đã sạch hay chưa.
Một bác còn bảo, nếu chưa sạch thì đóng nắp lại, thuê một chuyến xe xuống lò hỏa thiêu ở Hải Dương mà đốt, đem tro về chôn xuống mộ là xong. Các mẹ nghe thế thì các khóc to hơn, làm vậy bà sẽ nóng với đau đớn lắm, nhưng giờ đã mở quan ra rồi, đóng lại chôn tiếp không được nữa. Cùng lúc đó, nhà tôi chạy đi mời một bác chuyên bốc dọn đến, hỏi xem bây giờ phải làm thế nào.
Bác ấy bảo cứ mở nắp lên trước đã. Một lần nữa anh họ tôi lại kéo nắp quan ra, mọi người xúm vào nhìn, dù có sợ cũng vẫn phải nhìn, để tận mắt rõ được là bà đã sạch hay chưa. Tôi cũng lấy can đảm nhìn, dù nói là người thân, nhưng không nhất thiết là tất cả mọi người đều không được sợ. Bà tôi mặc chiếc áo len màu nâu sáng, quần tọa đen, tay xỏ găng, chân đi hài, lúc đó tôi mới thấy đầu bà chỉ còn lại xương, da thịt đã tan hết, mà xương cũng thuần một màu đen.
Bác chuyên bốc dọn kia liền bước xuống mộ, vạch tay chân bà ra xem, vài anh chị đứng trên ngó theo, thấy màu trắng vàng liền bảo thôi đúng rồi, bà vẫn chưa róc hết. Tiếng các mẹ một lần nữa lại vang lên, cả một vùng nghĩa địa tràn ngập những tiếng kêu khóc ai oán. Nhưng mà bác kia bảo không việc gì, chỉ là chỗ đất này khô quá nên da thịt khó tan, chứ róc thì đã róc hết rồi. Bác ta trèo lên huyệt, bảo anh tôi nhóm một đống lửa lớn, nấu nước lá thị mà đổ vào, đổ ngập hết mộ, để qua vài phút thì có thể lấy xương ra rửa.
Khoảng 30 phút sau khi đổ nước lá thị, bác kia mới bắt đầu xuống mộ lọc xương. Mọi người bấy giờ đã bình tĩnh lại, mỗi người một chân một tay, đỡ xương, lấy nước thơm mà ngâm rửa sạch sẽ, được phần nào thì xếp vào tiểu phần đấy. Quá trình đó tôi chứng kiến được một nửa, cảm giác quả thức khó tả, mà tôi cũng phục cái bác chuyên bốc dọn kia, trong mộ nước đầy như thế, bác đi ủng vào rồi đứng xuống nước, lựa chân không để dẫm vào bộ phận nào của hài cốt. Chỉ với găng tay mà bác ta mò xuống mộ, lấy lên những phần cốt đã róc hoặc chưa róc, chỗ nào đã róc thì cho vào chậu nước thơm, chỗ nào chưa, bác lại tách xương thịt ra, tuốt đi tuốt lại đến khi sạch thì thôi.
Vừa làm bác chuyên bốc dọn nói, bà tôi thế này là dễ rửa đấy, có những lần bác bốc phải mộ còn chưa tách thịt, phải dùng cả dao để lạy thịt ra. Làm nghề này trên người nặng mùi tử khí, nếu mà muốn sống lâu, phải là người có tâm, làm đến nơi đến chốn sạch sẽ. Tôi nghe nói thân nhân của những người này thường rất phát đạt, giống như là người âm họ báo ơn cho vậy. Nhưng mà trước khi được hưởng phúc ấy, họ chắc cũng chịu bao phen khốn đốn, thần kinh cũng rắn rỏi lắm mới trụ được cái nghề này.
Bằng chứng là trong một làng giỏi lắm chỉ có khoảng bốn người biết bốc dọn, hầu như đám nào cũng đến tay họ, thường xuyên đối mặt với mồ mà như vậy, nếu không có tâm lý vững vàng, chắc chẳng ai dám làm. Còn cả vợ con người đó, thường thì nếu chồng làm nghề làm, vợ kiểu gì cũng sẽ phụ theo, nếu không sẽ khó mà sống cùng nhau được. Đấy là còn chưa kể vấn đề tâm linh tín ngưỡng, có khi đi bốc dọn xong về bị vong ám, chuyện đó không phải là không có, quan trọng là ở cái tâm của người làm nghề này, phải tự nhủ là mình không làm thì ai làm, rồi con cháu mình về sau được hưởng lộc, làm ít làm nhiều cũng vì chút phúc đức đó mà thôi.
Phải mất đến ba tiếng đồng hồ mới mò hết xương và rửa sạch cốt cho vào tiểu. Đúng là không đến mức khó làm, các anh tôi đứng ngoài đỡ xương đều bảo, bác kia nhấc lên hàng tảng, xong lọc ra từng cái đầu xương một, bóp cho nát thịt rồi mới để sang một bên. Xương thịt cũng róc hết rồi, chỉ cần rút ra là được, bác ấy làm cẩn thận không sót phần cốt nào của bà nên mới bới đi bới lại đống thịt. Có những đốt tay đốt chân nhỏ xíu, sờ mà không khác gì viên sỏi, bác ấy phải soi lên chỗ sáng mới phân biệt được. Thịt chưa tan mà vẫn có những phần xương đã mục nát, động nhẹ cũng mủn ra, quả thực phải rất cẩn thận mới giữ nguyên vẹn hết những mảnh cốt đó.
Xong xuôi rồi mọi người lại qua nhìn bà lần cuối, từ nay về sau sẽ đào sâu chôn chặt, vĩnh viễn không còn thấy lại nữa. Mẹ và các bác tôi liền khóc bà, giống như hồi bà mới mất, nào mẹ bỏ con năm năm trời bơ vơ, không ai đưa đường chỉ lối, bọn con biết đi đâu về đâu, rồi từ này không được thấy mẹ trên đời nữa, đau lòng con lắm mẹ ơi. Tôi nghe mà không kìm được nước mắt, ngày bà còn sống tôi không được ở cạnh bà nhiều, chăm sóc chưa được bao lâu thì bà đột ngột mất, nghĩ mà lòng cũng đau lắm.
Tiếp theo thầy cúng chỉ đạo đóng nắp tiểu, con cháu khiêng bà lên, đi thật chậm và cẩn thận, không để tiểu bị xô đẩy, đưa sang nhà mới cho kịp giờ. Ông ấy cầm bó nhang đi trước dẫn đường, vừa đi vừa hú hồn thật lớn, anh con bác trưởng cầm bó đuốc theo sau, làm như lễ đưa vong về nhà vậy. Tới mộ mới, anh tôi luồn dây thừng xuống dưới tiểu, theo lời ông thầy cúng đang khấn hương hồn bà tôi mà từ từ hạ tiểu xuống. Chạm đáy rồi thì một người xuống dưới huyệt nghiêng đầu tiểu rút dây thừng ra.
Thầy cúng bảo mọi người biếu cụ tiền mừng tân gia đi, sau đó mỗi người nhặt một nắm đất bỏ xuống mộ, tỏ chút lòng thành trước khi lấp huyệt. Vẫn có tiếng khóc trong đám đông, thầy cúng bảo bà về nhà mới phải mừng chứ không được khóc, sau đó ông ấy lấy mấy cái bát đập ngay cạnh huyệt để thay cho tiếng pháo nổ.
Tới lượt các con trai, con rể bà lần lượt lên xúc xẻng lấp mộ, bố tôi cũng xúc mấy xẻng, sau đó vái ba vái coi như chào bà lần cuối. Đến khi mộ đã lấp, bác tôi dùng lưỡi xẻng đập nhẹ cho bằng phẳng, rắc tiền vàng lên trên để kết thúc buổi lễ. Việc xây mộ chưa tiến hành ngay hôm đó, phải đợi cho đất khô, bấy giờ mới có thể đổ bê tông và đắp gạch lên. Nhưng hiện tại việc bốc dọn và chuyển nhà cho bà đã tương đối hoàn tất.
Nhà tôi cho người lấy quan tài cũ lên, đem tất cả quần áo và ván gỗ của bà ra hong ráo nước, tiếp theo tẩm dầu và chúng đốt đi. Đây là một cách thông báo việc bà hết hộ khẩu ở chỗ cũ, từ giờ có thể yên ổn về nhà mới. Hoàn tất rồi tôi liền theo chân mọi người trở về nhà bà ngoại, lúc đó trời đã sẩm tối và trên đồng gió lạnh thổi qua hun hút.
Trải nghiệm của tôi dừng lại ở đây, lần đầu tôi được biết đến một thế giới tồn tại song song với cuộc sống của mình, càng tìm hiểu tôi càng thấy những chuyện tâm linh thực chất cũng bắt nguồn từ chính cuộc sống này mà ra. Trần sao âm vậy, những người chết đi ở thế giới này, họ sẽ lại sống ở thế giới khác, có khi là ngay bên cạnh chúng ta, vô tình hoặc hữu ý can thiệp vào cuộc sống mà chúng ta không biết.