Cuối giờ Thìn, căn miếu hoang ven rừng dừa ngập ánh nắng, do mái đã hư hoại gần hết, thủng lỗ chỗ. Năm người đều đã ngủ được một ít, dù nói mệt thì rất mệt, nhưng chỉ trong hai ngày, biết bao hiểm nguy dồn dập ập đến, họ đều đã quen với cảm giác hồi hộp bứt rứt, lo sợ, nên ngủ cũng không dám ngủ lâu. Hồng Quán chỉ ngả lưng chợp mắt được một chút, bản thân anh thì không mệt lắm, cảm thấy vẫn còn sức lực, có điều quá nhiều thứ phải suy nghĩ, nên trông có vẻ mệt mỏi.
Tư Lĩnh đang nằm ngủ thì kêu lên mấy tiếng rồi giật mình dậy, mồ hôi ướt đầm áo, trán nhễ nhại mồ hôi, trông thật là vừa buồn cười vừa đáng thương, tình cảnh ấy kỳ thực ai cũng gặp cả, chỉ là không dám thể hiện ra mà thôi. Bảo An đã tỉnh dậy, khuôn mặt nó lấm lét, pha chút sợ hãi, câu đầu tiên nó nói là: "Con bé kia lại chiếm xác tui hả?" Đến khi nghe mọi người kể lại chuyện, Bảo An mới cho rằng, bên trong cơ thể Hải Tang Tử yêu khí lộn xộn, cảm giác được cơ thể có biến đổi từ khi vào hang động, thậm chí là từ lúc lên bãi bồi là Bảo An thấy có điều bất thường, duy chỉ không cho rằng nghiêm trọng đến vậy.
Đến nước này thì có thể khẳng định, bên dưới cung điện dưới lòng đất đó ắt hẳn có một loại thần mộc, thần mộc này chia sẻ linh lực đạo hạnh của nó cho cả khu vực, mà trong đó có Hải Tang Tử. Hải Tang Tử về cơ bản chỉ là cái cây, thầy Tư trồng vô tình làm nó dính đến phần mộ đang bị áp Ngọc Liên Huyệt, khiến Hải Tang Tử dựa vào hồn phách của cái thai mà tạo ra một con bé yêu tinh cây bần. Đến khi trở về bãi bồi, chính sự liên kết của Hải Tang Tử và thần mộc bên dưới mà con bé đã hóa điên, Bảo An cũng cho rằng, thứ lấp lánh phát sáng hình dạng rễ cây trên trần hang, chính là rễ của thần mộc, chuyện lục tỉnh có nhiều thần mộc ngàn vạn năm, Bảo An đã nghe qua rất nhiều. Hồng Quán lo sợ cho Hải Tang Tử, mới hỏi hiện giờ linh hồn nó thế nào, Bảo An nói rằng linh hồn nó đang chìm sâu, rất khó đánh thức, không sớm thì muộn cũng phải tìm pháp bảo gì đó cố định hồn phách nó lại, chứ sắp tới còn quay xuống dưới kia mà để nó bị vật như vậy là hỏng, với lại có biết nó còn bị như vậy thêm lần nào nữa hay không. Hồng Quán suy nghĩ về thứ pháp bảo cố định hồn phách ấy, không biết tìm ở đâu để có thể cứu Hải Tang Tử và cả Bảo An nữa, vì chung thân xác, nên nếu Hải Tang Tử có mệnh hệ gì, Bảo An cũng sẽ biến thành cái cây bần theo mà thôi.
Hồng Quán ngạc nhiên: "Cung điện dưới lòng đất đó, theo ngươi có phải là lăng mộ gì hay không, sao trong đó lại có thần mộc như ngươi nói?"
Bảo An liếʍ tay, nghĩ ngợi giây lát mới nói: "Cảm giác của tui thì dưới đó, à nhầm, trong cung điện đó, là một lăng mộ, vùng lục tỉnh này ngàn xưa đã có những thành quách lâu đài nguy nga tráng lệ vượt xa sự tưởng tượng người đời ngày nay, nên nó có một khu mộ bề thế như vậy thì có gì lạ, còn việc có thần mộc thì như nãy tui nói đấy thôi, miền tây thời này thần mộc có rất nhiều, cứ về Thất Sơn hay Kiên Lương là thấy, đã vậy thì ở cái thời xa xưa ấy, thần mộc còn nhiều cỡ nào nữa, không tránh khỏi chuyện người dân khi đó tôn thờ chúng, rồi táng vua chúa của họ vào nơi có thần mộc."
Tư Lĩnh tiếc đứt ruột, cứ nhắc mãi: "Nhị ca, cái gì cái, đệ thấy hay là cứ gác qua cái Thiên Tướng Tiên Cung với đầy rẫy Thiên Can La Sát ấy qua một bên, bốc cái bát hương này trước, ông bà nói rồi, cái gì dễ thì ưu tiên làm, đường đi nước bước trong ấy chúng ta cũng đã biết qua, bây giờ mà chuẩn bị kỹ lưỡng lại, thì sao mà không vét sạch cái bát hương đó cho được!"
Hồng Quán lắc đầu, khuôn mặt đầy hoài nghi: "Không được đâu em, phàm thứ gì dễ ăn, cá dồ ăn sạch rồi đâu tới lượt mình! Anh cho rằng có một bí ẩn ở đó chưa giải đáp được, ai là người tạo ra Loạn Mộ và đống chum người sáp trong đấy, lúc trong động đệ có thấy kinh hồn bởi thứ âm khí dày đặc trong đó hay không? Với bản lĩnh hiện tại của chúng ta, rất khó để bốc cái bát ấy, huống gì lúc nãy chỉ là đứng ngoài cửa cung điện mà thôi, vào bên trong thử xem còn ghê gớm hơn mức nào nữa? Cứ đi bốc cái bát ấy với anh Nguyên, xong xuôi về anh sẽ nghiên cứu cái lăng này mà bốc bát nó xem sao!"
Tư Lĩnh tuy "Dạ!" một tiếng chắc nịch nhưng nhìn mặt lão dễ gì bỏ qua, vẫn còn vô cùng nuối tiếc, lão cho rằng trong ấy kỳ trân dị bảo phải nhiều vô kể, vì kiến trúc ấy có thể là của thời kỳ Tiền Chân Lạp, vàng bạc châu báu hồi ấy nhiều như lá đa kia mà.
Hải Yến lúc này trở mình dậy, lấy tay xoa đầu mấy cái, có vẻ còn choáng, ánh sáng mặt trời làm cô chói mắt, đến lúc này mới có đầy đủ ánh sáng, Hồng Quán nhìn kỹ thì thấy Hải Yến có khuôn mặt sắc sảo, mày cong mắt to, da dẻ mịn màng, nhìn qua ai mà biết là thầy đuổi thây tống xác kia chứ.
Hồng Quán thấy cô tỉnh rồi mới hỏi: "Cô thấy sao rồi? Lần đầu trải qua những chuyện này hay sao?"
Hải Yến nhìn sang, thấy tất cả đều đã ngồi đấy thì có phần hơi ái ngại, vội chùi vết bùn đất dính trên mặt mày, khẽ nói: "Đúng vậy, trước giờ tôi chỉ có luyện thuật khiển thây, cũng chỉ có thử vài lần, chứ chuyện xuống đất xuống hang đó giờ chưa được thử. Lần này phải cám ơn mấy anh, không có mấy anh thì tôi đã không thể trả thù được toàn vẹn rồi."
Tư Lĩnh hiểu ý, bèn trêu Hải Yến một câu, lão cười hề hề, nói: "Không sao, không sao, người một nhà cả, người một nhà cả, giúp nhau là việc nên làm, cô Yến đây chớ khách sáo như vậy!"
Hồng Quán nói: "Cô Yến, dù gì cũng kinh qua những chuyện sinh tử cùng nhau, tôi cũng không giấu cô nữa, bọn tôi đang trên đường đi tìm một cổ mộ ở sông Cổ Chiên, tình thiệt là mộ ấy được xây công phu, cơ quan cạm bẫy nhiều thì chắc là nhiều rồi, nhưng chỉ sợ cương thi ma quỷ nằm ngoài khả năng của tôi, có cô là thầy dẫn thi theo thì đỡ lo hơn, không biết cô Yến có thể giúp sức trong chuyện này hay không?"
Tư Lĩnh hiểu ý Hồng Quán kỳ thực chỉ muốn mời Hải Yến đi chung, nhưng câu nói thô thiển, sợ làm Hải Yến hiểu lầm nên lão tiếp lời: "Nhị ca à, ai lại mới gặp người đẹp lần đầu lại rủ đi đào mồ trộm mả chứ? Cô Yến đừng hiểu lầm, ý nhị ca tôi chỉ là mời cô đi chung để tiếp chuyện lặt vặt, chứ nào dám để cô vào chỗ hiểm nguy."
Hải Yến tròn mắt nhìn Hồng Quán, trong lòng từ sớm đã có dự định sẽ đi chung với mọi người, nhưng chưa có dịp để nói nghiêm túc, nay nghe Quán và Tư Lĩnh đều mở lời như vậy, cô cũng gật đầu rồi nói: "Không sao, tôi hiểu ý mấy anh mà, chỉ là tôi thấy bản thân mình tài phép không bao nhiêu, nhưng vốn từ nhỏ không thích ở một chỗ, tâm hồn vẫn theo mây gió phiêu bồng nên xác định sẽ còn nay đây mai đó, cho nên tôi cũng muốn được học hỏi thêm, các anh cho phép đi chung là tôi vui rồi, chuyện hiểm nguy thì tôi chỉ sợ không có mà thôi."
Tư Lĩnh thấy Hải Yến tuy là con gái nhưng khẩu khí và chí hướng không thua gì nam nhi, trong lòng cũng khâm phục. Hồng Quán vui mừng, nói: "Vậy thì tốt rồi, thêm người bớt lo, hành sự càng kỹ càng hơn."
Phúc Nguyên thấy Yến khuôn mặt tuy vui, nhưng ánh mắt như có điều khó nói, liền hỏi: "Cô Yến hình như từ lúc ra khỏi hang động cứ như đeo đá trong lòng. Bây giờ chúng ta đồng hội đồng thuyền, nếu để cô như vậy cũng khó mà hiểu ý nhau, cô có điều gì ngại chia sẻ chăng?"
Hồng Quán nhớ lại chuyện trong động, hỏi: "Có phải là chuyện về Lâm Tấn Hành?"
Hải Yến gật đầu. Tư Lĩnh chẳng nhớ đó là khúc nào của câu chuyện, nhưng có nhắc đến tên Tấn Hành làm lão có vẻ tức tối, liền đập tay xuống đất, lớn tiếng nói: "Nhị ca nói cái gì, cô Yến đây bị tên Tấn Hành đó làm chuyện gì không phải hay sao? Thằng đó đệ gặp thêm lần nào nữa thì không vặt đầu nó không được!"
Phúc Nguyên nhìn Tư Lĩnh, thấy lão có vẻ còn sung sức, liền nói: "Ý anh Tư đúng lắm, hông ấy bây giờ tôi với anh vượt sông Hậu, về lại đồn giang thuyền, đập nó một trận cho thống khoái, hoặc anh với tôi lên Chợ Lớn, vào tận sào huyệt của hắn mà đại náo, như vậy mới nổi danh giang hồ được!"
Tư Lĩnh tỏ vẻ nghiêm túc: "Thôi, chuyện đâu còn có đó, trước mắt là bốc bát Thiên Tướng Tiên Cung, rồi sau đó bốc bát cổ điện địa lăng bên dưới này, rồi sau đó mới là vặt đầu thằng nhãi đó, nhất nhất đều phải tỏ rõ chí khí của con cháu Hành Gia, như vậy Hành Gia Lão Tổ Tông mới phù hộ độ trì được, tuyệt đối không được hấp tấp cậu Nguyên à!"
Hồng Quán chen ngang: "Thôi, hai anh em đừng cà kê, để cô Yến nói lại xem, rốt cuộc tên Tấn Hành ấy với cô là có quen biết nhau hay không?"
Hải Yến cúi đầu, nói: "Không những là quen biết, mà tôi với hắn còn có hôn ước..."
Bốn người còn lại đều giật mình chưng hửng, đúng là đời này chuyện tình cờ không thiếu, chỉ là chưa xảy ra đến độ làm ta giật mình mà thôi. Hải Yến kể, hồi cô còn nhỏ, cha cô có qua lại với một người mà ông gọi là bạn tâm giao từ nhỏ, hai nhà vô cùng thân thiết, người ấy to cao vạm vỡ, giọng nói ồm ồm vang như sấm dậy, có điều không thể nhớ được rõ mặt. Ông ta có một cậu con trai, lớn hơn Yến một tuổi, hai gia đình từ nhỏ đã định sẵn giao ước, đợi khi Yến mười tám sẽ gả cho cậu con trai kia. Lần đó, ông ta để cậu con trai lại ở nhà Yến đến mấy năm, nói rằng ông ta đi xử lý việc gì đó, Yến chỉ nhớ được nó có vẻ ghê gớm lắm.
Trong thời gian đó, Hải Yến và cậu trai đó, Tấn Hành lớn lên cùng nhau, ban đầu đôi trẻ chỉ xem là đôi bạn thân, dần dà cũng có tình cảm hơn mức, Hải Yến có vẽ một bức tranh con bướm và hai đứa trẻ tặng cho Tấn Hành. Bốn năm sau, Tấn Hành nhận được tin dữ về cha mình, có một người bà con đến đón đi. Hải Yến ở lại đợi, nhưng cũng hai năm sau thì bị biến cố, Lương sư phụ bị gϊếŧ, Hải Yến trốn đi, hai bên bặt tin từ đó, nhưng Hải Yến có để lại tin cho những người gần nhà, rằng nếu có ai đến tìm cô nói về chuyện hôn ước, cứ nói cô đã đi tu ở Thất Sơn, không màng chuyện tình cảm nữa, duyên kia đành gửi lại kiếp sau.
Lúc gặp lại trong động, Tấn Hành đứng chắn trước mặt, định ra đòn với Tư Lĩnh, đúng lúc đất đá rơi xuống làm Hải Yến kêu lên và một đòn Thiên Đăng soi sáng không gian, Tấn Hành nhận ra người xưa. Hành thấy Hồng Quán bảo vệ cho Yến, lại ngay lúc địa động đang chuẩn bị sụp đổ, không có thời gian nghĩ nhiều, bao nhiêu câu hỏi ghen tuông ùa về, Tấn Hành cho rằng Quán và Yến đã thành đôi nên sững sờ không thôi.
Hải Yến kể xong thì gục mặt, không nói gì khác nên ba người kia cũng không muốn hỏi thêm, có lẽ tâm lý cô đang rất xáo động. Hồng Quán thì thẳng tính, nói: "Thì ra chuyện đó chỉ là hiểu lầm, lần sau gặp mặt, Quán tôi nhất định sẽ giải thích với cậu Hành!"
Tư Lĩnh gạt ngang, nói: "Thôi nhị ca à, nhường gì thì nhường, chuyện tình cảm sao mà nhường được, phần ai người đấy hưởng thôi!"
Hồng Quán nhìn Tư Lĩnh khó hiểu: "Ý em là sao?"
Phúc Nguyên nghe nãy giờ, bản thân vẫn thấy có gì đó không ổn, chỉ là linh cảm vậy thôi, nhưng thấy tình hình cũng chẳng nên hỏi làm gì, với lại cũng muốn tập trung mọi người lại, liền nói: "Thôi anh Tư, chuyện ấy là chuyện buồn của người ta đó, anh nói vậy khác nào tạt nước? Bây giờ tạm gác chuyện đó lại, tính tới chuyện đi Cổ Chiên là vừa đó!"
Hồng Quán nói phải, hiện giờ nên bàn kỹ lại chuyện đi Cổ Chiên, tình hình có phần căng hơn suy nghĩ của họ mới nãy.
Tư Lĩnh nói: "Hỏng rồi, đồ dùng thì không có, tiền thì hết, làm sao mua đồ? Mà đừng nói là mua đồ bốc bát, mua mì ăn cho qua cơn đói cũng khó nữa là."
Hiện giờ năm người chỉ còn hai cây dao găm, Tỏa Sơn Tiên đã rơi mất, tiền lộ phí cũng đã thất lạc gần hết, do học di chuyển liên tục, lại đánh nhau nhiều, có khi tiền rải dọc đường rồi cũng nên. Tư Lĩnh nhìn Bảo An, nói: "Hay là ra phố, Bảo An làm xiếc, kiếm ít tiền rồi mình đi ngay?"
Bảo An lè lưỡi, gừ một phát, nói: "Tui tu luyện hơn trăm năm mà để đem đi mua vui hay sao?"
Hồng Quán nói: "Nơi này anh đoán là ở Trà Cú, còn cách Cổ Chiên tầm năm, sáu mươi cây nữa, để đi được thì cần tiền, lại còn phải mua thêm dao, dây, đèn đuốc, chu sa, hoàng chỉ để làm phù, bùa, tốn nhiều vậy e là Bảo An có xiếc còng lưng đến năm sau cũng chưa đủ đâu."
Phúc Nguyên nói: "Đúng vậy, chúng ta cũng không thể lội bộ đến Cổ Chiên được, chưa kể là có khả năng đang bị lính truy nã nữa, chẳng thể xuất hiện công khai mà xiếc được đâu!"
Hải Yến thở dài: "Không có tiền, lại không thể ra đường được, vậy làm gì để có tiền đây?"
Cô vừa nói xong, cả ba người Quán, Lĩnh, Nguyên đều nhìn nhau đầy ẩn ý. Hải Yến tưởng họ có ý đồ xấu với cô, liền lui ra sau, nói: "Mấy.. Mấy anh tính làm gì tôi?"
Tư Lĩnh cười lên hề hề, nói: "Thôi đi cô Yến, ai mà làm gì cô, cái chuyện làm kín đáo, mà lại có nhiều tiền, ngoài ăn trộm ra thì chỉ còn lừa đảo thôi. Nhóm mình năm người thì có hai người chuyên đi lừa đảo rồi!"
Hồng Quán nghe xong thì phẩy tay, nói: "Nè, anh không có đi sàng tro đã lâu dữ lắm rồi, chỉ có em mới đi sàng tro thường thôi!"
Phúc Nguyên thêm vào: "À, thực ra thì khi hết tiền tôi cũng hay giả làm thầy tướng số đi lừa kiếm ít tiền lắm, nên như anh Tư nói, nhóm mình có hai người hay đi lừa đảo cũng đúng mà!"
Hải Yến tròn mắt: "Lừa? Lừa gì bây giờ?"
Tư Lĩnh lấy tay quẹt mũi, nói: "Thời thế loạn lạc nhiễu nhương, dân tình thế nào chẳng có xu hướng mê tín, cứ ra đại phố chợ thăm dò, chắc chắn sẽ có nhà giàu có đang vướng vào chuyện liên quan đến mồ mả âm phần, còn không có thì mình làm cho có, ôi thôi nhiều cách, chỉ sợ không dám làm mà thôi."
Cả bọn nhìn tới nhìn lui, rốt cuộc ba người Quán, Nguyên, Lĩnh thì có thể đã bị truy nã, Bảo An thì dễ bị bắt cóc, chỉ có Hải Yến là có thể dễ dàng hành động, vì Bình chỉ gặp Hải Yến mới đêm qua, lại không rõ mặt, thì làm sao phác họa lại được. Hải Yến đồng ý sẽ đi thám thính trong làng, tìm một nhà giàu có để gnhe ngóng, sau đó sẽ báo lại. Hồng Quán căn dặn cô phải hết sức cẩn thận, nếu có chuyện bất ngờ, đừng ngần ngại chạy thoát thân trước, cùng lắm thì hẹn nhau giờ Thân tại ngôi miếu này là được.
Hải Yến gật đầu, liền cải trang thành một cô gái bán dừa khô. Trong miếu may sao có cái thúng, tuy rách nhưng đựng tạm vẫn được, Hải Yến lại làm đầu tóc bù xù, trông qua cũng khó nhận biết được người này là thầy đuổi thây dẫn xác. Tư Lĩnh chậc lưỡi, nói: "Trước giờ chỉ nghe mấy người làm nghề tống xác đều xấu như Chung Vô Diệm, có cô Yến đây thì câu đó chắc phải đổi lại!"
Hải Yến nói, cô chưa bái sư chính thức, nên cũng khó gọi là "thầy" dẫn xác đúng nghĩa, ngày xưa nghề này ai dám làm, nên chỉ có những người dung mạo xấu xí, ma chê quỷ hờn không làm gì được mới phải cắn rang làm thầy dẫn xác, chứ có phải là quy định nghiêm ngặt gì đâu.
Năm người bí mật ra khỏi miếu, quan sát xem có lính nào hay không, Hải Yến giả làm người buôn dừa, bốn người còn lại thì bí mật nấp ở một số chỗ để dễ bề tiếp ứng. Ra khỏi rừng dừa, trước mặt năm người là một cánh đồng lúa nhỏ, phía đầu bên kia thấp thoáng thấy một cái chợ làng. Hồng Quán quan sát, thấy làng này người giàu có lẽ không nhiều, nhưng có còn hơn không, Tư Lĩnh nói ở đâu cũng có lũ giàu ác ôn, cứ nhắm vào bọn đấy mà sàng tro thì dù có đào mồ bới mả cũng không bị tổn phước đức.
Hồng Quán thở dài, nói cướp là cướp, ác là ác, tốt là tốt, xấu là xấu, không thể có suy nghĩ đánh đồng như vậy được. Hôm nay họ sàng tro, xâm phạm âm phần, rồi cũng sẽ có ngày bị quả báo, nhưng không thể không làm, chỉ là nhớ thắp vài nén nhang, khấu đầu vài cái trước mộ phần người ta mà mong họ nguôi giận phần nào thôi, chứ làm gì trong sạch không tổn đức được.
Tư Lĩnh biết Hồng Quán là người nguyên tắc, nên cũng không cãi lại mấy chuyện này, liền giục Hải Yến nhanh bước để sớm có tiền mà hành sự, phần bốn người còn lại sẽ đến ngồi bên bờ sông, chỗ có cái bến lên hàng, coi có nghe ngóng được gì không.
Hải Yến đi trước, Tư Lĩnh đứng lại thở dài: "Đúng là tính già ra non, tính đâu vượt sông Hậu đi nhanh hơn, ai dè còn khổ hơn quá giang ghe mà đi nữa!"
Hồng Quán nói: "Đâu thể tiêu cực vậy, ít ra bây giờ chúng ta cũng có thêm bạn đồng hành đó thôi!"
Tư Lĩnh lắc đầu: "Nhị ca lạc quan kiểu này mà sắp tới hông bị người ta chơi trên đầu thì đá be sườn đệ!"
Bốn người lựa một khu gần gốc cây xoài to dưới bến, chỗ mấy người phụ nữ họp chợ bán gà vịt cá, tản ra mỗi người một chỗ, hẹn nhau cuối giờ Tỵ thì quay về mé ruộng để báo lại tình hình. Làng này không lớn không nhỏ, người dân tầm trung nhiều, thấp thoáng thấy nhiều cơ ngơi khang trang trong làng, người dân bàn tán nhiều điều nhưng có vẻ hay bàn quá lên, cho thấy họ rảnh rang nhiều, gọi nôm na là có của ăn của để, nơi này có thể sàng tro được. Phúc Nguyên dốc sạch túi, còn đủ tiền mua ba cái bánh bao, đến giờ Tỵ, mọi người tụ về mé ruộng thì chia ra ăn, vốc ít nước lã uống đỡ, xong rồi kể lại những gì nghe được.
Hải Yến đặt cái thúng xuống, cô hỏi: "Có thứ liên quan đây, mà không biết... chúng ta làm thế nào?"
Tư Lĩnh nói: "Làng này hiện đang có chuyện đó là lớn, nãy giờ bọn tôi ngồi ngoài bến cũng nghe được không ít..."
Sau đó Hải Yến thuật lại những điều điều tra được, độ tin cậy cao, so lại với tin đồn ở bến, cho thấy chuyện này có thể tin tưởng được. Tư Lĩnh nghe nói xong thì vuốt râu, gãi cằm, mặt đang trầm ngâm thì đanh lại, chửi: "Con mẹ nó, tưởng đâu sàng tro đơn giản, chứ chuyện này chua à nghen, sàng tro gì nữa, giải quyết chuyện dùm người ta thì có!"
-0-
Đây là làng Xóm Củi, đúng là thuộc Trà Cú, cách Cổ Chiên năm mươi cây. Trong làng có hai bá hộ, là bá hộ Từ và bá hộ Quách, ai cũng giàu nứt đố đổ vách, của cải không biết chất đâu cho hết. Hai nhà này nghịch nhau, nghe đâu đã ba đời nay không qua lại, thậm chí vẫn hay tìm cách hại nhau, không biết bao nhiêu lần.
Nhà họ Từ có một cô con gái, nhà họ Quách có một cậu con trai, trời xui đất khiến thế nào mà hai người này lại có tình cảm với nhau. Nhà họ Quách thấy con trai nằng nặc đòi cưới con gái nhà họ Từ thì cũng đành chịu, coi như thù xưa xóa bỏ, đi nhờ mai mối qua nói chuyện, ai ngờ họ Từ đuổi bà mai về, nói có chết cũng không làm sui gia với nhà họ Quách. Nhà họ Quách coi đó là sự sỉ nhục vô cùng lớn, cũng chửi bới nhà họ Từ thậm tệ, hai nhà đã căng thẳng thì nay càng căng thẳng hơn.
Đôi trẻ vẫn lén lút thư từ qua lại, cô gái nói rằng nếu sống không đến được với nhau thì để khi chết sẽ được làm ma có đôi có bạn, thế là hai người hẹn sẽ cùng tự tử vào đêm hôm đó. Sáng hôm sau, người nhà họ Quách phát hiện ra cậu con trai treo cổ chết, khuôn mặt lộ vẻ giận dữ vô cùng, không thể vuốt cho mắt khép lại được, nghe đâu đến lúc liệm vẫn thấy máu rỉ ra từ thất khiếu, nhiều người nói đã thành oán linh rồi cũng nên.
Về phần cô gái, đêm ấy cũng định treo cổ, nhưng do sợ quá nên ngất xỉu, người nhà phát hiện ra nên ngăn cản kịp. Cứ tưởng chuyện đến đây là hết, ai ngờ bi kịch giữa hai nhà chỉ mới bắt đầu. Bảy ngày sau cái chết của chàng trai. Đêm ấy đã canh ba, trên trời mây tản ra, trăng sáng vằng vặc, khắp nơi đều có ánh trăng, cảnh làng xóm lúc nửa đêm vì thế đỡ thê lương hơn phần nào, nhưng lại lạnh hơn ngày thường rất nhiều. Tầm giữa giờ Tý, khi ấy cả Xóm Củi đều đã ngủ say, bắt đầu từ đầu làng chạy dài vô trong, lần lượt từng nhà chó sủa vang dậy. Người trong xóm bị đánh thức, trông ra đường thì không thấy ai, chỉ có gió lạnh thổi bụi bay mù trời, nhìn kỹ vào đám bụi ấy thì thấy có những cái bóng lờ mờ. Vàng mã không biết ở đâu bay tứ tán.
Người ở của nhà họ Từ đang ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa, tiếng gõ tuy không dồn dập, nhưng tạo cảm giác gấp gáp lạ thường. Tiếng "cộc cộc" vang lên đều đặn làm người ở chạy ra xem, lúc đến nơi thì lại không nghe tiếng gõ cửa nữa. Người này lấy làm lạ, bèn ghé mắt qua khe cửa để xem ai bày trò quấy rối giữa đêm thế này, thứ anh ta thấy là một người đàn ông mặc âu phục lịch sự, đang đứng quay lưng lại với cửa chính, ngoài đường trông như có xe đang đậu, tưởng là người của chính quyền đến lùng nghĩa quân giữa đêm, người ở mới hỏi vọng ra: "Ai vậy? Đến nhà này có gì không mà tới giữa đêm vậy?"
Người đó đáp gọn lỏn, giọng trầm đυ.c: "Tôi ... đến ... rước... dâu!"
Qua khe cửa hẹp, người ở kia thấy người đàn ông từ từ quay người lại, không kiềm nổi mà phải hét lên như bị cắt cổ. Người đàn ông đó không ai khác mà là con trai nhà họ Quách. Thân xác mục rữa, da thịt nhão nhoét, cặp mắt lồi ra khỏi hốc, thòng xuống má, khuôn mặt lúc nhúc dòi bọ, lưỡi dài đỏ, răng trắng, môi thâm, cổ thủng lỗ chỗ, tóc đã rụng gần hết. Người ở sợ quá hét lên làm cả nhà thức giấc, vội chạy ra xem thì thấy tên người ở mặt xanh như tàu lá, ấp a ấp úng nói mãi không được, tay cứ chỉ ra cửa thì biết có biến, hai ba tên gia đinh vác sào tre, hè mở cửa ra thì đập, nhưng rốt cuộc không thấy ai, chỉ thấy dưới đất có mấy dấu chân màu đen. Trước nhà có rất nhiều dấu chân đen như vậy, tưởng như có mười mấy người cùng tụ tập vậy, xem qua ai nấy đều nói đây là chân ma. Hai bên cửa dựng rất nhiều tủ, bàn, ghế, giường, trang sức, ngựa, bò, trâu, nhưng tất cả đều làm bằng giấy, cùng với một hình nhân giấy cao như người thật, mô tả một người chú rể trong lúc đi rước dâu.
Nhà họ Từ ban đầu cho rằng nhà họ Quách chơi khăm mình, nhưng về sau, đêm nào cả Xóm Củi đều nghe tiếng của đám người, mà đến bây giờ thì đoán chừng là đoàn ma đi rước cô dâu nhà họ Từ. Chú rể nhà họ Quách luôn để lại sính lễ bằng giấy trước cửa, đoàn rước đêm nào cũng vào làng lúc giờ Tý ba khắc, đến trước cử nhà họ Từ gọi tên cô dâu lúc cuối giờ Tý, qua giờ Sửu thì biến mất. Nhà họ Từ có mời thầy đến, đêm ấy cũng phục kích, nhưng vong người con trai đã quá nặng, thầy ấy không thể trừ được, cũng cuốn gói ra đi.
Tới đêm nọ của hơn mười ngày trước, trùng hợp vào lúc bốn mươi chín ngày sau cái chết của chàng trai, đoàn rước dâu ma vẫn đến nhà họ Từ, người trong nhà sợ quá, không ai dám ra mở cửa, cứ để đó lát nữa đoàn rước tự tan biến. Vừa qua giờ Sửu, người nhà nghe tiếng hét từ phòng của cô gái. Bỗng nhiên thấy một bóng người mặc đồ đỏ như bay lướt ra từ phòng cô hướng ra cửa lớn, ai nấy đều thấy rõ mồn một, mười phần thì cả mười là ma quỷ! Lo sợ có chuyện chẳng lành, một nhóm tráng đinh chạy đến xem, ông bá hộ Từ gõ cửa mãi không nghe con mình nói gì, mới cho người tông cửa vào thì thấy cô con gái đã treo cổ trên trần nhà, khuôn mặt vẫn vô cùng hốt hoảng, trên người mặc bộ áo váy đỏ như của cô dâu nhưng được làm bằng giấy, khuôn mặt trắng bệch, trang điểm nguệch ngoạc, nhìn sơ qua thì cô gái cũng không khác gì con hình nhân giấy cả. Bá hộ Từ nhìn lên thì thấy đôi mắt trợn trắng của cô gái đang nhìn ông chằm chằm, giữa khung cảnh tối sáng lẫn lộn, ánh đèn dầu hắt lên khuôn mặt cô gái, trông như đang vừa cười vừa hết sức giận dữ, khiến tráng đinh còn hết sức run sợ, thậm chí lúc gỡ cô gái xuống cần phải bốn người nam lực lưỡng mới khiêng xuống được, cô gái nhỏ bé bỗng nặng như đeo chì trên người. Lúc ấy có con hầu nữ, nó nói rằng lúc gỡ xác xuống, có mấy cái bóng người mặc áo đỏ đen, mặt trắng bệch, không thấy mắt, miệng cười toe toét, đang đu bám trên người cô gái, làm cô gái nặng vô cùng, khiến mấy tên tráng đinh có leo lên gỡ cô gái cảm thấy sợ run người. Có người nói người con trai nhà họ Quách đã kiện lên Diêm Vương để bắt hồn cô gái, vì cô ta không làm theo lời hẹn ước, để người con trai chết oan. Có người lại nói do bát tự của cô ta là tang tóc, dính líu đến rất dễ bị chết, có khi chàng trai vì cái bát tự đấy mà chết, rồi mới vì oan ức mà bắt cô ta đi theo.
Chuyện tưởng như đã hết ở đó, thì mới đây, hai nhà Quách, Từ cứ hàng đêm canh ba thì nghe tiếng bước chân, tiếng bàn ghế dịch chuyển trong phòng ngủ, hễ mở đèn lên thì thấy khắp nơi là dấu chân ma đen sì, còn tắt đèn thì lại nghe tiếng bước chân lộp cộp, dấu chân đi quanh giường ngủ đến đen đặc! Cả hai ông bá hộ đều gặp chung một chuyện, hễ đang ngủ say thì có người kéo chân, vừa mở mắt ra thì thấy hai cái đầu của đôi trai gái đang lơ lửng đằng trước, cả hai khẩn khoản xin cho hai nhà đồng ý di dời phần mộ của họ vào chung một chỗ, để có nơi chốn đàng hoàng, không lang thang vất vưởng nữa. Hiện tại mộ phần của người con trai thì được chôn trong phần đất của Quách gia, mộ người con gái thfi chon ngay sau nhà Từ gia, ngày đêm đều có người chăm sóc.
Dĩ nhiên hai nhà không thể mở lời trực tiếp, mới nhớ người qua ướm thử ý bên kia xem có chịu hay không. Đến nước này rồi, hai nhà thấy cũng chẳng thể làm gì khác, đành đồng ý. Họ mời một thầy pháp về để hợp mộ, nhưng người thầy pháp này nói không phải muốn hợp mộ thì hợp mộ, hai người này bát tự tuy xấu, nhưng nếu cưới nhau về sẽ bù đắp cho nhau, nên làm một lễ cưới trước, làm vậy thì đảm bảo đôi trẻ dưới suối vàng không những có người bầu bạn, mà bát tự hợp nhau, lại có thể tạo ra âm đức, giúp con cháu hai nhà Quách, Từ luôn được vinh hoa phú quý.
Đám cưới như vậy gọi là minh hôn, hay đám cưới ma, là một tập tục xuất xứ từ chuyện Tào Tháo làm đám cưới ma cho tào Xung, lưu truyền qua nhiều thời kỳ, phát triển rất mạnh vào thời nhà Tống bên Trung Quốc, với quan niệm là sống có đôi có cặp thì chết cũng phải có bầu có bạn, vậy mới không biến thành cô hồn dã quỷ, lang thang vất vưởng. Có nhiều trường hợp cần làm đám cưới âm. Văn hóa xưa của Trung Quốc không cho em lấy vợ trước anh, nên lỡ anh có chết, thì phải làm minh hôn, ấy là thứ nhất; lỡ có hôn ước rồi nhưng chết trẻ, oán khí dễ biến thành ác linh, quấy phá nhà họ hai bên, cần làm minh hôn để an ủi vong hồn người chết, ấy là hai; Nhà có con gái, tục xưa nói là "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", con gái không phải là con mình, nên nếu có con gái chết trẻ cần làm minh hôn, để cô gái được đưa về nhà chồng, có người nhang khói, nhà nghèo quá thì thỉnh thầy về, tìm một cái vong nam, tùy tiện cho cưới cũng được, để có người bảo bọc, ấy là ba; trường hợp phụ nữ quá tuổi chẳng ai ưng có thể tìm một nhà có trai chết trẻ, làm minh hôn, rồi chuyển về nhà tải làm việc nhà, hệt như con dâu bình thường, ấy là bốn; đối với những nhà "độc đinh", lỡ như con trai có chết thì phải làm minh hôn, rồi nhận một đứa con nuôi trong họ, cho kế thừa gia sản và nhang khói cho tổ tiên, ấy là năm; có những người nói rằng mồ chôn ở một số thế đất chỉ có thể vượng cát khi được táng đôi, vậy nên chết rồi vẫn phải làm minh hôn, ấy là sáu.
Nhìn chung, đám cưới ma có hai dạng, một là cả hai đã chết, hai là một chết và một còn sống. Đối với dạng hai người đã chết, lúc làm lễ thì trưng bài vị, hình nhân giấy, nếu có một người còn sống thì người sống cầm bài vị cho người chết. Vẫn thường nghe kể, người sống làm minh hôn với người chết, cơ thể thường cảm thấy mọi mệt, kỳ thực không phải do bệnh tật, mà người âm luôn đi theo, lúc thì cõng trên lưng, tối ngủ thì áp lên mặt, hoặc xuất hiện nhiều lúc sinh hoạt hằng ngày, khiến người còn sống vì thế sẽ già trước tuổi, ít nói, da thịt lúc nào cũng lạnh lẽo, hay nghe tiếng khóc bên tai, nửa đêm soi gương chải đầu ba cái thì thấy người chồng ma, vợ ma đang xếp tóc lại cho mình, trên bàn ăn nếu có dọn dư chén đũa thì bắt buộc phải bới cơm và gắp đồ ăn vào đấy và không được ăn phần đó, vì nó sẽ thiu rất nhanh, ấy là do người âm đã ăn mà thôi. Chuyện tổ chức minh hôn tưởng như đơn giản nhưng lúc làm lại vô cùng phức tạp, có khi còn phức tạp hơn đám cưới cho người sống nữa, vì âm giới là thứ không nên mạo phạm, cái gì cũng phải kỹ lưỡng, không được qua loa.
Ban đầu nhà họ Quách phản đối, cho rằng minh hôn là của người Tàu, người Việt mình bao đời nay đâu gnhe chuyện ấy, chết rồi thì cho mồ yên mả đẹp là xong rồi, cần gì phải bày vẽ, cảm thấy thật không ra gì. Người thầy pháp kia không can ngăn gì, chỉ nói là đợi xem một hai ngày nữa, nhà họ Quách có đổi ý hay không. Đêm ấy họ Quách đang ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa phòng, có giọng nói vang lên: "Ông Quách ơi, ông Quách ơi..." nghe thì tưởng là mấy bà vυ', nhưng nghe kỹ thì thấy không phân biệt được là nam hay nữ. Ông Quách mở đèn, nhưng cũng bán tín bán nghi, vì đã thấy quá nhiều chuyện liêu trai xảy ra, ông cũng có chút lo lắng, bảo vợ mình cứ nằm bên trong, đừng đi ra ngoài. Ông từ từ đứng dậy, hỏi: "Ai vậy? Bà Liên à? Giờ này lên đây làm gì?" Không có tiếng đáp lại. Ông Quách hít một hơi thật sâu, dù gì ma quỷ cũng đã gặp rồi, gặp thêm lần nữa cũng đâu có sao, mạnh dạn kéo cửa ra thật mạnh. Trước mặt ông chỉ thấy đoạn hành lang tối om, chẳng đèn đuốc gì cả, chỉ có ánh đèn dầu trong phong leo lét, hắt ra được một chút ngay cửa. Ông Quách định kéo cửa lại, thì giọng ban nãy vang lên, nhưng là trên đầu ông: "Sao ông không nhìn tôi?"
Ông Quách theo quán tính, đưa mắt nhìn lên thì giật mình, tim muốn nhảy ra ngoài: trên đầu ông là một khuôn mặt ma quái, mặt nó rất to, thân hình nó cao đến trần, mặc áo vải kiểu cổ phục, màu đen, mặt dài, da nhăn, mắt mở to, chỉ một màu trắng đυ.c, tóc nó bạc trắng, búi thành cục sau đầu, nó không có chân mày, miệng rộng, không có răng, lưỡi xám xịt, mở miệng ra bốc mùi hôi thối kinh dị. Thì ra hành lang bị tà áo của nó bịt kín, nó đứng khom lung, ngoẹo đầu sang một bên, nói với ông Quách lúc ấy còn run như cầy sấy: "Đứa này là con của ông đúng không? Nó chết vào giờ hung sát, Diêm Vương sắp bắt cả nhà ông đi theo rồi, tại sao không sớm tìm người để cưới nó, có như vậy cả nhà sẽ thoát nạn..."
Ông Quách kêu lên: "Ngươi... Ngươi là ai?"
Nó ngoác miệng ra như đang cười: "Ta là Quỷ Bà Mối, nếu ngươi không cho con ngươi cưới ai khác, ta sẽ ghép duyên nó vào ta, hồn phách nó sẽ đọa ngục suốt kiếp, còn nhà của ngươi cũng chuẩn bị chết hết là vừa..." Lúc này, con quỷ vừa nói vừa rút trong tay áo ra một hình nhân giấy y hệt con trai họ Quách. Ông ta kêu lên rồi quỳ thụp xuống, mặt đờ đẫn, lúc tỉnh ra thì đã thấy Quỷ Bà Mối biến đâu mất. Ông sợ quá, ngay trong đêm cho người tìm đến lão thầy pháp, bàn chuyện tổ chức minh hôn càng sớm càng tốt.
Hai nhà Quách, Từ thấy vậy cũng có thể coi là cái kết đẹp cho đôi trẻ, cũng để hóa giải hận thù hai nhà, mới đồng ý. Người thầy pháp nọ mới xem ngày thích hợp để tiến hành minh hôn. Minh hôn dù là đám cưới cho người chết, nhưng cũng hết sức cầu kỳ phức tạp trước đó ba ngày thì nhà trai vẫn đem đầy đủ sính lễ đến nhà gái, tất cả đều làm bằng giấy, để có thể đốt xuống cho cô gái, nếu tro màu nâu thì cô gái đồng ý, tro màu trắng thì cô gái không chịu, nhà gái chỉ cần châm lửa nhẹ thì cả đống sính lễ đã phừng cháy, tro màu nâu đậm. Hai nhà hoan hỷ đợi ngày làm minh hôn. Người dân Xóm Củi nói, từ lúc cô gái đồng ý sính lễ của nhà trai, điều lạ là hang đêm, cô gái vẫn hiện ra trước cửa nhà mình mà khóc, đáng lý ra đôi lứa phải vui vẻ mới phải?
Người nhà cô gái thấy chuyện rất lạ, nhưng hỏi thì người thầy pháp nọ bảo rằng đám cưới thường mà cô dâu còn khóc như mưa thì âm hôn này không khóc làm sao được? Họ Từ nghe cũng... không biết có hợp lý hay không, nhưng chẳng còn ai khác để tin nữa, đành nghe lời ông thầy này. Đến này làm lễ. Theo cách làm minh hôn, phải đợi qua giờ Dậu thì mới bóc mả, sẽ làm một cái hình nhân bà mối, để xác cô dâu lên, gọi là "quá nương". Có con ngựa đen, đặt hình nhân chú rễ lên dẫn đường. Đặt "quá nương" vào kiệu đỏ, khiêng đến nhà trai, sau đó thì hợp mộ.
Vừa vào giờ Dậu, Xóm Củi nhà nào nhà nấy đều tắt hết đèn đuốc, chui vào nhà, con nít không dám khóc, chó không dám sủa, ai cũng ráng đợi qua hết đêm nay, chứ đám cưới ma kỳ quặc như vậy xưa nay chưa từng thấy, ai mà dám đứng coi, lỡ xui bị âm khí bám lấy là coi như khỏi làm ăn gì được. Không khí căng thẳng cứ như vậy, nhích từng chút từng chút đến cuối giờ Dậu. Nhà họ Từ cử ra mười tráng đinh, sắp xếp bốc mộ nhanh hết sức có thể, không được quá giờ Tuất, vì cô dâu phải về nhà chồng trước giờ Tý, khi ấy âm duyên mới bền vững.
Đám trai tráng này đều được lựa ra từ những thành phần lỳ lợm sắn đá nhất làng, chuyện ma quỷ không hề có chút sợ hãi, thiếu điều cho chúng đủ tiền, ngủ dưới mộ cả tháng cũng được. Trước khi vào bốc mộ, mỗi tên đều uống gần cả cân rượu. Giờ vừa điểm, chúng đạp đổ bia mộ, đập theo sự hướng dẫn của thầy pháp, bỗng nhiên một tiếng cười vang lên lanh lảnh, nghe ma quái vô cùng. Tiếng cười phát ra từ cành cây hướng đông nam, nhìn lên thì thấy con chim heo, do khá xa, một số tên tráng đinh run tay, nói rằng sao nhìn cái đầu chim y hệt với mặt người thế kia?
Tay thầy pháp bấm quẻ, thấy có điềm không ổn, liền đuổi con chim đi, giục đám tráng đinh đập nhanh nữa lên. Khi đào đến quan tài, tất cả bọn chúng đều nghe tiếng "ầm" phát ra từ bên trong quan, bình thường chúng nào biết sợ là gì, ấy vậy mà bây giờ bắt đầu run tay. Một tên cố gắng dùng thuổng cạy nắp quan, thấy quan tài dính toàn thứ nhớt đen ma quái. Đám tráng đinh đứng nép qua một bên, tay thầy pháp mắng chúng một hồi rồi phóng xuống huyệt, lật nắp quan ra, bên trong lập tức bốc lên một lớp âm khí đen đặc, kèm theo đó dường như có thứ gì phóng ra khỏi quan. Tay thầy pháp không nhìn ra là gì, vì bận lấy tay che lớp âm khí, dù dày nhưng lại không tanh hôi, mà có mùi hệt như bột giấy.
Thầy pháp chụm cây đuốc, soi vào áo quan, thi thể cô gái nằm dưới đất lạnh đã lâu, nhưng không hề có dấu hiệu phân hủy, da thịt hết sức hồng hào, cổ chỉ ngoẹo sang một bên do di chứng để lại do treo cổ. Thầy pháp soi vào áo quan, thấy khắp nơi là dấu móng tay cào, lên nắp quan, vách quan, bột gỗ quan tài rơi khắp nơi. Lúc ánh đuốc lập lòe soi đến mặt cô gái, cô ta đột nhiên mở trừng mắt ra, nhìn trừng trừng lên trời.