Tống Xác - Hành Hương

Chương 13: Thủy Quái

Lương Hải Yến từ thần thái đến dáng vẻ đều toát lên khí phách uy dũng, dù thân là nữ nhân nhưng khí khái phi phàm, lại làu thuộc Chú Khiển Thây, tay dùng bùa truyền lệnh, hai cái xác nhất nhất đều tuân phục, khiến Hồng Quán bất giác thấy nể phục. Hai cái xác băng băng lao đến tay đạo sĩ vừa chạy đi, trông chẳng khác gì hổ báo săn mồi, trong màn đêm chỉ nghe được những tiếng chạy bịch bịch, tiếng rẽ nhánh cây, rồi tiếng kêu của tay đạo sĩ, có vẻ như hắn đã bị hai cái xác khóa chặt.

Tư Lĩnh và Phúc Nguyên đợi mê hương vừa tản ra bớt thì lập tức đuổi theo, Hải Yến mắt đang nhắm thì mở to, bảo rằng đã bắt được hắn, liền đứng dậy chạy ra ngoài khiến Hồng Quán phải hấp tấp đuổi theo, xem cô nàng này còn thi triển dị thuật gì nữa.

Vừa qua bụi chuối, Hồng Quán thấy Tư Lĩnh và Phúc Nguyên đứng hai bên, dưới đất là tay đạo sĩ vừa trốn chạy đã bị hai cái xác nằm đè lên, khóa chặt lại, hai cái xác lúc này trở lại là xác chết, không còn động đậy gì nữa.

Hải Yến rút hai cây kim đang ghim vào cổ hai cái xác, rồi dán thêm một tấm bùa vào đó, cái đó Hồng Quán biết, gọi là "dập khí", không để cái xác bị hóa thành tà ma do hút dương khí người xung quanh.

Tư Lĩnh bảo nên làm gì, Hồng Quán cho rằng cứ trói hai tên đạo sĩ thúi này lại cái đã rồi tính kế tiếp. Chốc sau, hai tên này đã bị trói chặt, bịt miệng, đặt trong góc "thây điếm". Hồng Quán sợ chúng thoát được, chặt đoạn tre, buộc vào tay chân như cái nạng, không cho chúng dùng dằng mà cởi dây trói. Tư Lĩnh nhìn Hải Yến, có chút e dè, hỏi: "Cô em đây là người của Lương Gia? Chẳng phải Lương Gia từ sớm đã bỏ xứ lục tỉnh mà quay về cố hương rồi hay sao?"

Hải Yến bỗng có chút tiếc nuối, nói: "Phải chi cha tôi chịu quay về thì đâu có bị lũ khốn này hại cho chết!"

Hồng Quán mới hỏi cớ sự, Hải Yến kể kỳ thực rất ngắn gọn, nhưng vì cùng là người trong giới nên ba người còn lại mới hiểu. Sự việc bên trong thì lại có đôi chút dài dòng.

Sáu mươi năm trước, trong đợt di dân phương Bắc về lục tỉnh, có một nhóm những thầy tống xác quê ở Tương Tây, Hồ Nam. Lại nói về Tương Tây nổi tiếng với thuật tống xác dẫn thây, có câu "nhị đàn, tứ phái", nghĩa là thuật tống xác dẫn thây ở Tương Tây nổi tiếng với hai Lôi Đàn chính là Hồ Trạch và Kim Trạch, hai Lôi Đàn này lại được phát triển bởi bốn người đệ tử lớn, sau này mỗi người đi một hướng khác là Lương, Triệu, Thân, Vi.

Thầy tống xác ở Tương Tây nói nhiều kỳ thực cũng không nhiều, vì quá đặc thù nên thành ra người ta chỉ đếm trên đầu ngón tay ngón chân trong một địa bàn thì đã là quá nhiều rồi, xác ở đâu mà dẫn cho đủ. Nghề tống xác dẫn thây lại quá kỳ bí và chứa nhiều huyền thuật không truyền cho người ngoài, không tránh khỏi chuyện ngày càng bị mai một, cho đến khi họ đến lục tỉnh.

Trong nhóm người đó, có Lương sư phụ, Lương Đán, là ông nội của Hảii Yến. Lương Đán từ chối gia nhập Thập Hương để tạo nên Hành Gia như đã biết, mà lui về vùng Gò Công, mở một trại hòm nhỏ, Lương Đán mất hai mươi năm trước, truyền trại hòm ấy lại cho con trai độc nhất là Lương Khiết Trì. Kỳ thực Lương gia xứ Gò Công chỉ làm hòm để che đi nghề chính của họ là tống xác dẫn thây. Có một chuyện khó tin, đó là vùng Gò Công xưa địa hình chia cắt phức tạp, kênh rạch nhiều, phân bố nhỏ lẻ, rừng cây chiếm phần lớn diện tích, cho nên ngày ấy hễ là nghĩa quân chống triều đình, đều lập căn cứ ở đây.

Xứ Gò Công còn nổi tiếng với địa thế phong thủy vô cùng đặc biệt, vì thế mà người ta thường truyền tụng hai câu ca dao: "Đầu rồng đuôi phụng le the, mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con".

Vùng này và vùng Bến Tre có nhiều địa danh liên quan đến Rồng, Phụng như Cồn Rồng, Cồn Phụng, Theo thuyết phong thuỷ đã cắt nghĩa vị trí địa lý đắc lợi của tỉnh Gò Công như sau: Chỗ rạch Long Tượng, nối từ Thạnh Nhựt ăn ra Tiền Giang, được gọi là "Đầu Rồng", theo kiểu "Long Đầu Hí Thuỷ". Còn đuôi rồng nằm về phía Bắc. Vùng phía Bắc tỉnh lỵ Gò Công, có địa danh "vườn Phụng" do ông Thôn Cửu lập ra giữa thế kỷ mười chín, với Gò Lân ở làng Sơn Quy. Thế đất đó gồm đủ "Long Lân Quy Phụng" tức "tứ linh," nên làng nào nằm trong thế đất "tứ linh", sẽ vượng phát phú quý. Vì thế mà nơi này phát tích ra rất nhiều bậc công hầu khanh tướng phải nói đến như Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào, bà Từ Dũ Thái hậu, bà Đinh Thị Hạnh, thứ phi của vua Thiệu Trị.

Phía Nam Gò Công là nơi tiếp giáp với Mỹ Tho, Bến Tre có Vàm Rồng ở làng Vĩnh Hựu, rạch Long Uông ở xã Tăng Hoà, rạch Long Trọng trên có cầu Ngang, rạch này làm ranh giới giữa hai làng Thạnh Nhựt (Gò Công) và Hoà Bình (Chợ Gạo). Hồi trước có nạn xét giấy thuế thân, hễ khi hương chức làng xét, dân nghèo trốn qua làng Hoà Bình, còn phía Mỹ Tho xét thì đàn ông trốn qua làng Thạnh Nhựt như trò chơi cút bắt.

Do địa thế vô cùng đặc biệt, nên những người xứ này, đặc biệt là dân lắm tiền nhiều của, khi chết đều muốn về đến nhà rồi mới nhắm mắt, lại có thêm một kiểu người nữa, đó là muốn được chết tại huyệt tốt, nghĩa là lúc họ nhắm mắt lìa đời thì phải nằm trên huyệt đó, tựa như thiên ý chọn họ để nằm tại huyệt đó vậy. Làm như thế nhằm có được âm phúc, con cháu hưởng được phú quý lâu bền. Lương gia nổi tiếng với làm hòm, vậy nên chẳng bao lâu mà được nhiều người phú hào biết đến, những người này đều để ý rất kỹ, hễ trước khi thân phụ trong nhà, hay bản thân sắp chết, đều nhờ người tìm đến Lương gia để nhờ cậy phần việc còn lại là tìm mồ yên mả đẹp.

Người gần chết làm sao có sức mà đi, dù có ngựa xe hay kiệu, dọc đường chịu không nổi mà chết ngang thì lại không được tốt nữa, thế nên Lương gia bày cho cách uống thuốc dẫn bùa, cơ thể mê mê man man, khi đó thì đem đến chỗ huyệt muốn chôn, rồi giải thuốc bùa, không lâu sau thì chết. Những người ấy kỳ thực chỉ muốn làm cho cái chết của mình trở nên huyền bí, tựa như vua chúa hay thánh nhân, chọn huyệt mà chết, để có được một hai câu khen của người đời trong ngày đám tang mà thôi, chuyện bên trong thì lại chẳng được tốt đẹp gì cho cam, vậy mới nói giàu có quá rồi thì con người ta lại tạo ra những thứ lễ nghĩa phù phiếm, vớ vẩn.

Lương gia không quan tâm đúng sai, chuyện mình làm được thì mình làm, ai đâu ngu ngốc tự đi đạp đổ nồi cơm của bản thân, vậy nên Lương Khiết Trì hành nghề dẫn xác như vậy, đến khoảng hơn mười năm trước, Hành Gia và Lương Khiết Trì tuy vẫn nói là nước sông không phạm nước giếng, nhưng vì cùng xuất phát chung một gốc tống xác dẫn thây, nên rất nhiều phương kế của Hành Gia đều bị Lương Khiết Trì bóc mẽ, cho nên Hành Gia bốc bát hương ở xứ Gò Công, đa phần đều hỏng cả, vì bát hương ở đây được làm để đối phó với Hành Gia, mặc dù chưa đến mức tinh vi như Mộ Thiên Can, Quan La Sát, nhưng có thể dùng đá ong, hoặc chôn mộ nông, hoặc chôn riêng, rất nhiều phương cách ngăn cản Hành Gia, khiến chuyện bốc bát trở nên khó khăn hơn nhiều, nhưng của nả thu về không được bao nhiêu, trong khi xứ ấy lại nhiều bát hương giá trị ghê gớm. Cách làm của Lương gia nếu so với cách làm Mộ Thiên Can, Quan La Sát là dễ làm hơn, nhưng cũng ngăn cản được ít nhiều Hành Gia, tiết kiệm hơn cách làm mộ kia.

Hành Gia làm ăn không được, điều tra ra, thì biết đều do Lương gia bày mưu cho các nhà giàu ở xứ này. Họ bắt đầu gây sức ép lên Lương Khiết Trì. Khi ấy ông cũng chán ngán cảnh giang hồ lục tỉnh, định bụng có đủ vốn sẽ quay trở lại Hồ Nam. Lúc ấy, Khiết Trì có một cô con gái, là Lương Hải Yến, lo sợ thuật tống xác dẫn thây chính thống sẽ bị mai một dần vì Khiết Trì cho rằng Hải Yến là con gái thì làm sao học được. Khiết Trì không cam tâm để thuật tống xác dẫn thây bị thất truyền, vì suy ra nếu so sánh Lương gia với Hành Gia bốc bát hương thì việc làm của ông còn tích đức gấp bội phần đám Hành Gia, thuật tống xác vẫn hữu ích và giúp được nhiều người.

Nghĩ vậy, Khiết Trì thu nhận bốn người đệ tử, ban đầu thì gọi là dạy cho cách làm quan tài, kỳ thực là xem có thích hợp để truyền nghề tống xác dẫn thây lại hay không.

Bốn người đó sẽ được Khiết Trì dạy riêng mỗi người một thuật của thuật tống xác, sau đó người nào có tính phù hợp sẽ được ông giao cho bí kíp còn lại. Bốn thuật đó là Chú, Lệnh, Kỹ, Pháp.

Chú là các bài Chú khiển thây, nếu bình thường chỉ đọc riêng Chú mà không kết hợp với ba thuật kia, xác chỉ có thể đứng hoặc ngồi hoặc há miệng ra. Lệnh là vẽ bùa, bùa tống xác có bùa đóng và bùa mở, dùng cho những lúc dẫn thây hoặc nghỉ tại "thây điếm". Kỹ là cách rèn luyện thân thể, khinh công, hoặc nhại tiếng người và thú vật, dùng để phòng thân. Pháp là điều khiển xác theo ý thầy dẫn xác muôn, gồm cách dùng kim, nước "hoạt cốt dịch nhục", cho thể xác có thể điều khiển được. Bốn thuật này là tuyệt học, vô cùng khó để lĩnh hội, nên dù truyền được cho cả trăm người cũng chưa chắc một trăm người đó truyền được cho một người đệ tử.

Bốn tên mà Khiết Trì thu nhận chính là Bình và ba tên đạo sĩ ở đây. Bọn này học chưa tới đâu thì lén Khiết Trì đi dẫn xác, rốt cuộc bị chính quyền Pháp phát hiện, truy bắt, bọn chúng sợ quá, đổ hết tội lỗi lên đầu Khiết Trì, bảo ông là kẻ buôn thần bán thánh, truyền bá mê tín dị đoan, còn bảo rằng ông buôn xác để trục lợi. Có một tên quan Pháp ở Chợ Lớn hay tin vụ này, đến móc nối với tên Bình, bảo hắn về dưới trướng mình, rồi quy kết Khiết Trì tội chết, cả nhà ông bị tịch thu. Hải Yến chỉ còn Khiết Trì là gia đình, ông bị chết, cô vô cùng đau khổ.

Trong lúc dọn nhà, cô thấy quyển Tàng Thây Tông Sách, vốn là ghi chép về những tuyệt kỹ của tống xác dẫn thây, đúc rút bao nhiêu kinh nghiệm từ cả Hồ Trạch và Kim Trạch, Hải Yến quyết tâm báo thù, liền cầm theo quyển bí kíp, về vùng Thất Sơn tu luyện mười năm, sau đó quyết định tìm ra bọn Bình mà gϊếŧ cho hả giận.

Lại nói về đám người của Bình, được tay quan Chợ Lớn che chở, mua cho một chức Đồn phó Đồn Giang thuyền Hậu Giang, vốn là con đường huyết mạch, mục đích thực sự là để dùng chiêu bài dẫn thây của Bình, vận chuyển vũ khí và thuốc phiện qua lại. Gã quan kia dù có thế lực, cộng thêm chính quyền Pháp vẫn cho bán thuốc phiện, nhưng chúng đánh thuế cao quá, gã đâu ngu dại gì dính vào cho thiệt thân, thế là gã mua hàng về, vận chuyển cả súng đạn, thuốc phiện qua mấy cái xác bằng cách mổ xác, moi ruột, đặt hàng vào mấy lớp vải dầu chống nước, rồi đặt vào ổ bụng, may xác lại, dẫn xác lên thuyền qua sông. Chuyện buôn lậu ấy, Bình phải che mắt gã Đồn trưởng người Pháp, bằng không sẽ bị khép vào tội chết già trong tù, kể ra Bình cũng phải giả ngu suốt năm sáu năm, hắn mới tin dùng Bình, khi thấy thời cơ thích hợp, Bình bắt đầu báo cho tên quan Chợ Lớn để chuyển hàng cấm.

Hải Yến cũng lên cồn này vào buổi trưa, đúng lúc gặp nhóm của Hồng Quán, thấy mùi âm phần tỏa ra từ quần áo hơi thở, đoán chừng nhóm này cũng là người kiếm cơm trên mồ mả kẻ khác, không biết có chung nhóm với đám của Bình hay không, nên lén theo dõi để biết đường đối phó. Do sử dụng thuật Kỹ của dẫn xác, điều hòa hơi thở, bước chân nhẹ như mèo, thân thủ nhanh như sóc nên cả nhóm người chỉ có mỗi Bảo An là nhận ra được. Bản thân Hải Yến cũng thấy được, Bảo An không phải là con bé bình thường, nhưng không đoán được thân xác đó là của cây bần trăm tuổi và một con mèo một trăm tám mươi tuổi.

Tối nay, Hải Yến biết bọn chúng sẽ cử xác dậy để dẫn thây trước khi hết giờ Tuất, cô đợi bọn chúng chuẩn bị sẵn sàng hết rồi mới hành động, mục đích để bọn chúng không kịp trở tay, chuyến hàng này trễ chắc chắn sẽ đánh động đồn Pháp, khi đó Hải Yến sẽ làm lộ bí mật về "thây điếm" này, sau đó gϊếŧ Bình báo thù cũng chưa muộn.

Hồng Quán nghe xong, giới thiệu bản thân và Tư Lĩnh là người của Hành Gia, Phúc Nguyên là huynh đệ mới quen, chuyện ân oán xưa giữa Hành Gia và Lương Khiết Trì, Quán lấy làm tiếc vô cùng, chỉ xin Hải Yến bỏ qua chuyện xưa, giúp Hồng Quán giải thoát Hải Tang Tử rồi hẵng giải quyết đám đạo sĩ bất lương này.

Hải Yến thấy Hồng Quán nói năng đĩnh đạc, là người có nghĩa khí, cũng tỏ vẻ cảm phục, đồng ý giúp bọn của Quán cứu Hải Tang Tử và Bảo An. Khi biết chuyện thân xác trăm tuổi của Hải Tang Tử có thể chứa được hồn phách Bảo An, Hải Yến rất bất ngờ, cho rằng bản thân Hải Tang Tử có thể còn ẩn chứa huyền cơ bên trong.

Phúc Nguyên hỏi: "Tình hình bây giờ, nên làm thế nào? Có khi đến giờ mà chưa thấy hai tên này đâu, tên Bình cũng sẽ sinh nghi, hắn kéo quân đi lùng. khi ấy lại khổ."

Tư Lĩnh nói: "Sao phải sợ, nhờ cô em đây dẫn thây hết đám xác này ra quậy cái đồn đó một trận là được chứ gì!"

Hồng Quán nói: "Cái chính là không để bọn chúng phát hiện ra quá sớm, giá mà tôi còn Thiết Bút thì có thể hữu ích lúc này!"

Hải Yến liền hỏi: "Nó là cái gì, mà nghe anh nói có vẻ lợi hại quá?"

Hồng Quán đáp: "Đó là pháp bảo của Hành Gia bọn tôi. Ban trưa, lúc vào phòng của tên Bình, tôi có để trong ấy, sau đó cứ tưởng Bảo An đi lạc, lúc chạy ra vô ý không cầm theo, không biết hiện giờ tên Bình đã để ở đâu rồi."

Hải Yến nói: "À, buổi trưa, tôi cứ tưởng các anh là người chung phe với tên Bình, nên có theo dõi một chút, định tìm hiểu thêm. Lúc ấy tôi thấy tên Bình có đem theo một túi vải, vứt ở sau phòng hắn, cùng với một cây tre dài nữa, không biết đó là cái gì, có thể là của anh chăng?"

Hồng Quán nghe miêu tả như vậy thì biết là Thiết Bút và Tỏa Sơn Tiên vẫn còn, tỏ vẻ mừng rỡ, không lo bị mất pháp bảo trấn môn nữa, bốn người bắt đầu chụm lại để lên kế hoạch. Tư Lĩnh nói: "Đập bọn chó này thì dễ, nhưng làm chúng bị bọn Phú Lang Sa chĩa súng vào mới thú, coi có cách nào hay hay để chơi nó không?"

Phúc Nguyên ngẫm nghĩ một hồi, nói: "Có cách này, mà không biết là Lương tiểu thư có làm hay không mà thôi!"

Lương Hải Yến quả quyết: "Chỉ cần trừng phạt bọn chúng thậm tệ, báo thù cho phụ thân, Yến tôi điều gì cũng dám làm!"

Phúc Nguyên gật đầu, sau đó trình bày một kế hoạch, Hồng Quán nghe xong liền gật gù: "Có gan làm giàu, dù gì bọn này ở đây cũng chẳng đem lại điều gì tốt đẹp." Nói rồi cả bốn người chia ra hành sự.

-0-

Tại bến Bắc Cồn Mỹ Phước, lúc này đã giữa giờ Tuất, tên đạo sĩ còn lại không thấy hai tên đàn em đâu, bụng đang lo sốt vó, gần cuối giờ chúng mới ra thế nào cũng dính con nước, nước lên cao, thuyền qua sông chậm, lại trễ giờ nhận hàng ở bến bên Trà Vinh là lại bị ăn chửi như tạt nước. Hắn chửi thầm trong bụng, lát nữa hai tên kia đến, thế nào cũng cho vài cái bạt tay mới hả giận.

Đây là nơi bọn chúng chọn để làm nghi thức "đảo trù", làm cho Hải Tang Tử hiện nguyên hình. Nghi thức đảo trù vô cùng phức tạp, ba tên đạo sĩ thúi này vốn sở học huyền thuật chẳng có, chỉ toàn nghe ngóng học lén học chui, dĩ nhiên cách làm chưa đúng, dẫn đến chuyện dù làm lễ từ trưa đến tối vẫn chẳng thể làm cho Hải Tang Tử hiện ra nguyên hình là một cây bần bé con. Đảo trù, hiểu nôm na là để thân xác bên ngoài của yêu tinh vào một không gian quen thuộc, nhưng lại bao phủ bởi bùa chú, sau đó tụng niệm cho yêu tinh bị đồng hóa, trở lại nguyên hình vốn có. Trường hợp của Hải Tang Tử thì bị trói và quấn che mắt lại bằng vải đỏ viết Chú Hàng Yêu, ngâm nửa thân mình trong nước, phần thân được đặt trong một cái chum nhỏ, đóng vai trò như một cái chậu cây. Tiếp theo là người khiển lễ phải làm lễ thỉnh Thần, Phật trấn áp yêu tinh, đẩy phần xác ra khỏi phần hồn, cho chúng hiện nguyên hình, đấy là cách hiểu đại khái, cách làm lại phức tạp vô cùng, còn tùy theo đạo hạnh của người cử lễ, rất khó để trình bày cho tường tận.

Sở dĩ Bảo An trong thân xác Hải Tang Tử lúc này không hiện nguyên hình được, có thể do bên trong có đến hai linh hồn, nên các bài Chú Hàng Yêu chưa đủ linh lực trấn áp, hai là do đạo hạnh của tên đạo sĩ đang cử lễ chẳng ra gì, thế nên điều hắn làm được duy nhất là làm Hải Tang Tử bất tỉnh, nằm gục trưa giờ.

Hắn cũng mặc kệ con bé không hiện nguyên hình, lát nữa đoàn thây đi qua, cứ quăng con bé vào là xong. Sở dĩ tên Bình xin phép được Đồn trưởng cho ba tên đạo sĩ này lên Cồn Mỹ Phước cũng chỉ là để giải quyết đống xác dân làng đang thối rữa do dịch bệnh từ nước uống mà thôi. Đồn trưởng thấy có người giải quyết được cục lùm xùm mà cái đồn của hắn tạo nên thì đồng ý ngay, cùng lắm thì quy vạ hết tội trạng cho Bình là xong, mà Bình hiện giờ lại là người của chính quyền, nên nếu gã bị gì, cách giải quyết dễ nhất là đổ lên đầu ba tên đạo sĩ đàn em này là xong. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, bọn chúng khi xưa đối xử với Khiết Trì cùng một giuộc, vậy nên chuyện quả báo chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.

Có điều ấy là suy tính của gã Bình, ba tên đạo sĩ vẫn tuyệt nhiên chẳng hề hay biết, thậm chí ban trưa, khi được biết rằng Hải Tang Tử có thể đem lên Chợ Lớn đổi cho Thần Tài lấy tiền muôn bạc vạn, Bình đã dự tính đến trường hợp độc chiếm toàn bộ số của cải trên trời rơi xuống đó mà ba tên đàn em đâu có hay. Lòng người không đáng sợ, thử hỏi thứ gì mới đáng sợ? Chẳng phải từ xa xưa đến giờ, bao nhiêu bi kịch của loài người đều vì có hai loại người là tốt và xấu đấy sao.

Tên đạo sĩ canh ở bến sông, nhìn nước dâng lên cuồn cuộn mà ngao ngán, đêm nay trời lại có gió lớn, ít sao, trăng bị mây che, hắn nhìn dòng nước đen ngòm đang cuồn cuộn chảy mà trong lòng không khỏi dâng lên một dự cảm bất an.

Có một chuyện mà tên Bình không tin và cho là ba tên đạo sĩ làm việc mê tín riết rồi lú lẫn, đó là việc "cho cá ăn". Kỳ thực mỗi lần dẫn thây lên thuyền qua bờ sông Hậu bên kia vào lúc nửa đêm, lần nào cứ đến giữa sông, thuyền đều bị thứ gì đó đυ.ng vào đáy, may là thuyền to, chứ nếu nhỏ như xuồng ba lá, có khi bọn hắn đã làm mồi cho cá từ lâu rồi. Riêng trong chuyện này, thì làm mồi cho cá theo đúng nghĩa đen.

Từ thuở xa xưa, lưu dân vào khai quang mở cõi ở xứ Nam Kỳ lục tỉnh đã bị choáng ngợp bởi hai dòng sông là Tiền Giang và Hậu Giang. Sông rộng hơn ngàn thước, sâu hơn chục thước, nước cuộn chảy quanh năm, lũ về thì nước trắng xóa ruộng đồng, bên dưới lớp nước ngầu đυ.c ấy, cá tôm nhiều vô kể, sâu bên dưới nữa, thử hỏi làm sao không có những quái ngư bá chủ mỗi khúc sông? Ba tên đạo sĩ này trong chuyến đi đầu tiên đã tái xanh mặt mày khi gặp một thứ như thế.

Hắn vẫn nhớ như in, đêm ấy tầm giờ Tuất, hai tên kia cử xác, một trước một sau, trước cầm phướn rung chuông, sau bê chậu hắt nước, vô cùng bài bản điệu nghệ, thoạt đầu thì gã đồn trưởng còn ra đứng ngó xem coi đám thầy bùa này làm ăn có hiệu quả hay không, về sau bị thuyết phục và sợ, nên không ra xem nữa. Nếu không vì mấy cái tạp kỹ xỏ đòn gánh xác lừa đảo mà tên Bình học lỏm được lúc Lương sư phụ trình bày về các loại hình tống xác dẫn thây thì làm sao qua mắt nổi tên quan Pháp này. Tên Bình hẳn nhiên chẳng biết chút gì về tống xác dẫn thây chính hiệu cả, thấy quan Pháp trố mắt ra nhìn thì bắt đầu mồm mép tép nhảy, năm mười bốc phét đủ thứ về trình độ của ba tên đạo sĩ, nào là đạo hạnh cao như mây, tài năng dài như gió, nhốt nắng nuốt mưa, đỉnh thiên lập địa, khiến gã người Pháp vốn chẳng hiểu gì về huyền thuật Đông Phương thì nay càng thêm u u mê mê, như vịt nghe sấm, chỉ ậm ừ cho qua.

Ba tên đạo sĩ thấy lừa được người thì vui lắm, hăng hái dẫn xác lên thuyền, sắp đặt vị trí, rồi căng buồm, đẩy mái chèo chầm chậm hướng về bờ bên kia. Đêm ấy trời không gió nhưng lại có cảm giác lạnh lẽo lạ thường, trên cao mây cũng đυ.n lại thành từng lớp như thành cao, che hết ánh trăng sao huyền ảo, mặt sông nổi một lớp sương khói mờ mờ, sóng không đánh mạnh mà hiền hòa đến lạ, ba tên đạo sĩ vừa hút thuốc vừa cười, cho rằng ngay cả thiên nhiên cũng sợ uy của chúng mà làm cho mọi thứ trở nên thuận lợi để tống xác dẫn thây hơn. Thử hỏi giữa đêm lạnh lẽo, lại chẳng có ánh sáng tỏ tường, có hơi sương bao phủ, trời mờ đất lạnh như vậy mà nhìn thấy cả đoàn xác người thế này, lại chẳng sợ mà chạy mất dép hay sao? Đấy là trọng yếu của thuật tống xác dẫn thây mà mấy kẻ lừa đảo hay dùng, luôn cố tỏ ra huyền bí, ma quái, chủ yếu để dọa người ta sợ mà không dám đến gần, đến gần thì lại phát hiện được cây sào tre với mấy thứ súng đạn giấu trong bụng xác thì làm sao.

Một tên đứng đầu mũi thuyền, hai tên đứng sau cầm lái, đẩy nhẹ mái chèo. Do nước không chảy mạnh, nên tên cầm lái không cần chèo xéo ngược dòng mà đi tương đối thẳng, còn nếu gặp nước chảy mạnh, thì sẽ chỉnh buồm và đẩy mái chèo cho thuyền đi chếch lên hướng Đông rất nhiều, để khi qua đến bờ bên kia hoặc chỉ cần quá giữa sông thì thả trôi thuyền là vừa tới, chỉ cần kết hợp điều chỉnh mái chèo một tí là ổn.

Thuyền đang đi ngon trớn thì bỗng như va phải đá ngầm, nghe "rầm" một tiếng, thuyền như bị đội lên, tưởng như bị nâng khỏi mặt nước. Tên đứng đầu mũi hốt hoảng kêu: "Mẹ nó, đá ngầm hay gì vậy?"

Tên cầm lái lắc đầu, đáp: "Ở giữa sông này làm gì có đá ngầm hả anh?"

Sông Hậu đoạn này thường sâu hơn tám thước, đáy sông toàn bùn đất, làm sao có đá ngầm được. Tên đứng đầu mũi thấy vậy, mới định đưa đầu ra khỏi mạn thuyền để nhìn xuống sông. Không gian đang im lặng, đột nhiên tiếng nổi bọt, thở phì phò vang lên sát bên nghe như sấm, khiến cả ba tên đều lông tóc dựng ngược hết cả. Ở sông lớn và sâu thế này, làm gì có con vật nào thở ra tiếng như thế, trừ phi là cá thành tinh.

Nhắc đến cá, ở sông Hậu này thiếu gì loài cá khổng lồ, không biết chúng đã sống được bao nhiêu năm, có khi còn biết nói chuyện cũng không chừng. Cá đoạn từ đầu nguồn sông Hậu (sông Mekong đến gần biên giới Việt – Cam thì chia ra thành Tiền Giang và Hậu Giang, đoạn hợp chung ở Cam còn được gọi là Ba Thắc) thì từ cá vồ cờ, cá đuối sông, cá tra dầu, con nào con nấy nặng hai ba trăm ký là thường, dài đến hai ba thước, bốn thước. Hàm răng của chúng nếu đã sống đến mức như vậy thì trông qua chẳng khác gì quái thú, cũng nhọn và tua tủa, tin đồn cá ăn con nít không phải là hiếm!

Cả ba tên không ai nói ai, đang run cầm cập vì sợ, chẳng ai dám lú đầu ra xem thứ gì dưới nước. Thuyền không ai chèo nên cũng đứng sững lại, chỉ trôi chầm chậm theo dòng nước. Đột nhiên lại có thứ gì đó húc vào mạn thuyền, khiến thuyền nghiêng về bên còn lại. Thuyền nghiêng làm mọi thứ chao đảo, ba tên đạo sĩ may mắn chụp được vào thành tàu, không thì cũng đã văng xuống sông. Một tên kêu lên: "Coi chừng mấy cái xác!"

Thì ra do thuyền nghiêng đột ngột làm cho mấy cái xác nối vào sào tre không kỹ liền mất thăng bằng, rơi tõm xuống sông, tức thì từ dưới nước phi lên một cái đầu trơn nhẵn, hai cặp mắt đỏ lòm, miệng nó to như một cái cống, đen sì, hôi hám vô cùng. Xác chưa kịp chìm xuống sông thì thứ ấy lao lên, đớp một phát, đứt lìa cái xác ra làm đôi, dịch xác chảy ra lênh láng trên mặt nước, kéo theo hai ba cái đầu khổng lồ đến cùng nhau xâu xé mấy cái xác còn lại, trông cảnh tượng vô cùng kinh hãi, ba tên đạo sĩ có kẻ sợ quá, đái trong quần, không đứng nổi nữa. Chỉ có tên đứng đầu mũi là vừa run vừa kêu: "Chèo, chèo nhanh đi, chết cả nút bây giờ, cá hô sông đó!"

Cá hô là họ với cá chép, cá hô sông Hậu và sông Tiền đều sống sâu, ít hoạt động ban ngày, chủ yếu săn mồi kiếm ăn là về đêm, vảy đen tuyền cứng chắc, mắt to tròn đυ.c ngầu, miệng rộng, đuôi khỏe, là nỗi ám ảnh của dân chài lưới khi vô tình quăng lưới vào con cá hô, nhẹ thì bị cá quẫy cho đứt lưới, hai là bị kéo theo xuống sông. Cá hô to lớn dị thường, lại ăn tạp, có tin đồn là trẻ nhỏ tắm sông vẫn hay bị chúng nhầm là cá nhỏ, một phát cắn thì thân xác đứt lìa, nguy hiểm vô cùng.

Bầy cá hô đang quây xung quanh thuyền chở xác mỗi con dễ phải dài đến hơn năm thước, một đớp đã nuốt gọn thân người. Chúng sống lâu năm, có linh tính, cảm nhận được âm khí từ thuyền chở xác nên kéo đến kiếm ăn. Cũng may lần đó, hai tên sau lái sợ quá nhưng vẫn hiểu được là phải chèo ra khỏi chỗ này, vậy nên cả bọn mới an toàn qua được khúc sông đó, có điều là phải quăng thêm mấy cái xác xuống nữa để bọn chúng lo giành ăn mà quên đi cái thuyền chở thây này.

Lần đó chúng phải giải thích mãi, mà đám buôn súng và thuốc phiện bên đầu bến Trà Vinh vẫn không hiểu là làm gì có loài quái ngư cá hô dài hơn năm thước hung tợn như vậy cho được, lại còn cười tên đái trong quần, khiến chúng xấu hổ thiếu điều chui xuống lỗ chết cho rồi. Đến lúc giao xác rồi, chúng phải đợi trời sáng mới dám bơi cực lực về. Về đến lại bị Bình chửi mắng thậm tệ vì thiếu xác, dẫn đến thiếu hàng, chúng nói thế nào về đám cá thì Bình cũng không tin.

Thế là từ đó về sau, mỗi đợt tống xác dẫn thây qua sông về đêm, chúng đều đem theo dư bốn năm cái xác để nuôi đám cá thành tinh đó, coi như là đồ "cúng", riết thành thông lệ, tính đến nay cũng đã được mấy năm, đêm nào có tống xác, chúng đều bơi ra giữa sông rồi ném mấy cái xác sang một bên cho cá đớp thì thuyền mới yên ổn đi qua được, chưa một lần sai khác, họa chăng có mấy lần nước sông ròng, thấp, thì không thấy cá lên ăn, còn khi nước lớn thì thế nào cũng có chúng. Số xác ấy chúng kiếm ở đâu ra, Bình cũng chẳng cần biết, chuyện thất đức ở đâu mà chẳng như nhau!

-0-

Trở lại tình hình tại bến sông, tên đạo sĩ hút thuốc muốn nám cả râu, mãi chưa thấy hai tên cử xác đến, trong khi giờ Tuất sắp qua, nước sông đang lên cao, không đi sớm thì lại tốn thêm xác nuôi cá. Bỗng đâu hắn nghe tiếng súng nổ vọng lại từ phía đồn lính. Tiếng súng càng ngày càng rát, bắn liên tục, dồn dập, lại có cả lựu đạn, hắn khó hiểu, chẳng lẽ đồn bị nghĩa quân đánh úp? Hắn mặc kệ, nghĩa quân sức chẳng có nhiều, đánh được chút lại nghỉ mà thôi. Bỗng hắn nghe tiếng Bình nói vọng ra: "Thằng ngu, mày đứng đó làm gì, bọn hồi sáng là người của Hành Gia đó, chúng đang quậy cái nhà xác kìa, chạy lại tiếp nhanh lên!"

Tên này đang hút thuốc, thấy bóng dáng Bình thấp thoáng thì ngơ ngác, hỏi: "Còn con yêu tinh này thì sao giờ đại ca?"

"Để mặc nó đi, bên đây quan trọng hơn, thằng ngu!"

Tên kia sợ oai của Bình một phép, liền lật đật chạy theo. Hắn thấy bóng dáng của Bình trước mặt, chạy đến gần đồn lính thì nghe khắp nơi là tiếng gào thét. Hắn ngỡ ngàng trước cảnh tượng mấy chục cái xác chết đang vây chặt đồn lính, không tấn công, mà cứ nhảy qua lại, đặc biệt là trong đó có cả hai tên đàn em của hắn cũng đã bị biến thành thây ma.

Trước mặt hắn, Bình đang chỉ huy đám lính, cầm súng bắn vào mấy cái xác, tên đạo sĩ này thấy vậy thì ngỡ ngàng, hét lên hỏi: "Đại ca, chuyện là sao vậy?"

Bình bất ngờ quay sang, đám lính nhìn Bình, tại sao tên kia lại gọi Bình là đại ca, Bình ngớ người, lắp bắp: "Thằng... thằng kia... mày ở đây làm gì?"

Tên này vẫn chưa hiểu, đến gần Bình thì bị bắn cho mấy phát, gục xuống chết tươi. Bình tuy vẻ mặt tỏ ra bình thản, nhưng trong lòng vô cùng tức giận, ai ngờ bị trúng kế của nhóm người Hồng Quán.

Kế của Phúc Nguyên là, Hải Yến khiển thây tấn công trại lính, trong đám thây đó có hai tên đạo sĩ, chỉ cần tấn công vòng ngoài, đám lính bên trong bị kích động, sẽ bắn trả, khi ấy không cần tấn công, chỉ câu giờ là được. Cùng lúc đó, Hải Yến sẽ đi cùng Phúc Nguyên, giả làm Bình, đứng trong bóng tối để kêu tên đang canh bến sông quay lại đồn. Tên này khi quay về đồn, Bình không thể nào thông báo rõ tình hình cho hắn biết, vì như vậy là lộ ra bọn chúng một phe. Về phần tên đạo sĩ, hắn cũng có thể thấy hoặc không thấy hai đứa đàn em của mình đã bị biến thành thây sống đang tấn công trại lính, giờ chỉ cần hắn tiếp cận Bình, Bình sẽ không ngần ngại gϊếŧ hắn bịt đầu mối. Khi ấy ở bên sông không ai trông coi, Tư Lĩnh sẽ cướp một chiếc xuồng trong khi Hồng Quán đi tìm lại Thiết Bút và Tỏa Sơn Tiên, sau đó cả nhóm hội lại chỗ bến sông, Tư Lĩnh đến trước sẽ cứu Hải Tang Tử ra khỏi lễ đảo trù.

Bình lúc này nhận ra thì đã quá muộn, lập tức chỉ huy một đội lính, vòng qua bến sông để cản, ai ngờ đến nơi thì thấy nhóm Hồng Quán đã thoát được. Hắn tức tốc chạy về, nạp nhiên liệu cho thuyền mới rồi đuổi theo. Các thuyền, xuồng máy ở đồn này trong máy đều không có hoặc có rất ít dầu, Bình biết thế nào tàu của nhóm Quán chẳng thể qua đến bờ bên kia được, sai lính nhanh chóng đuổi theo, chẳng màng cho ba tên đàn em vừa bị chết thảm, Bình cũng chẳng quan tâm làm gì, lúc này chỉ ham muốn bắt lại Hải Tang Tử, dễ gì bỏ được cơ hội đổi đời như vậy cơ chứ!

Kế hoạch Phúc Nguyên đề ra được tiến hành trơn tru, bản lĩnh Hải Yến, con gái Lương gia quả không hổ danh thầy dẫn xác chánh tông, một tràng bùa khiển thây, cùng lúc nhập chú truyền linh lực qua bùa, khiển một lần hơn bốn mươi thây, vô cùng uyển chuyển khiến ba người Tư Lĩnh, Phúc Nguyên, Hồng Quán không khỏi ngả mũ thán phục.

Hồng Quán theo lời Hải Yến chỉ dẫn cũng tìm được túi đồ mà Bình vứt lại, đó là do nhãn quang hắn không có, làm sao nhìn ra được trước mắt là Tỏa Sơn Tiên và Thiết Bút lừng danh của Hành Gia lục tỉnh, nhờ vậy mà Hồng Quán không mất đi vật quý, bằng không cả đời chưa hết hối tiếc.

Về phần Tư Lĩnh, chuyện đột nhập ăn trộm đồ có gì xa lạ với hắn nữa, nhân lúc trại lính đang nháo nhào về chuyện xác sống tấn công, tên nào cũng sợ quắn cả đít, vội cầm súng chạy ra bắn cho có, bắn theo lệnh, chứ tên nào cũng run tay nhắm mắt, Tư Lĩnh tận dụng thời cơ, bơi sát mé nước, nhảy lên một xuồng máy, quay máy xong chạy đi, khiến đám lính ở bến còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì xuồng đã chạy vèo, rẽ vào đám bần, mất hút. Tại đây, lão chạy dọc theo bến, để ý thì thấy được Hải Tang Tử, vội tấp xuồng vào, đưa con bé ra khỏi thế đảo trù, mặc dù nó vẫn còn mê man, nhưng Tư Lĩnh biết rằng như vậy cũng ổn, không sao cả, lão đặt nó lên xuồng, vừa lúc ba người kia vừa tới, ai cũng đã hoàn thành phần việc của mình, cả bọn cứ thế chạy như bay qua bờ bên kia. Ai ngờ chạy chưa đến giữa sông thì hết dầu, xuồng đứng sững lại, phía sau đã thấy thuyền của Bình chạy băng băng đến.

Tư Lĩnh tức mình, đập tay vào máy dầu, chửi: "Con mẹ nó, tưởng thoát được rồi, ai ngờ, bây giờ không lẽ nhảy xuống sông cho rồi?"

Hồng Quán nói: "Không được, cứ xem tình hình thế nào, bây giờ nhảy xuống sông thì có khác nào nạp mạng cho hà bá đâu cơ chứ!"

Phúc Nguyên nói: "Không thể nói chuyện phải quấy với tên này được đâu!"

Hồng Quán gật đầu, đáp: "Tôi hiểu, nếu tình hình không ổn, tôi sẽ tung Thiết Bút đoạt mạng hắn trước, hai người lo cướp thuyền, chỉ còn cách đó thôi!"

Quả như lời Hồng Quán nói, nước sông đang dâng lên cuồn cuộn, lại chảy tương đối mạnh, nhảy xuống lúc này mười phần chắc chín phần chết, quả là không khôn ngoan chút nào, cho nên Hồng Quán có ý định hòa hoãn với tên Bình để tìm phương kế khác, được tới đâu thì hay tới đó.

Tên Bình khoái chí cười lên sằng sặc, tay cầm khẩu súng ngắn, hét lên: "Còn không mau giao con bé kia ra cho tao, cái lũ ngu này!"

Hồng Quán chưa kịp trả lời, thì xung quanh bỗng trở nên lạnh ngắt, mây đυ.n lại thành lớp cao, che mặt trăng, nước đang chảy siết đột nhiên bốc lên một lớp sương mỏng, bọt nước nổi lên dày đặc. Bình giật mình, hắn thấy cảnh này khá giống với những gì ba tên kia đã mô tả.

Trên xuồng, Hải Yến hạ giọng, lộ ra vẻ lo sợ, nhắc ba người kia: "Đừng nhìn xuống nước..."