Miếu Hoang

Chương 59: Con " Vàng "

" Xoạt....xoạt....xoạt..."

Thứ gì đó vẫn đang cố cào vào cửa trước, ông Vọng hỏi lại một lần nữa :

-- Ai đấy....?

Lúc này bên ngoài chợt vang lên tiếng chó sủa :

" Gâu...Gâu....Gâu..."

Nghe thấy tiếng chó sủa, ông Vọng vội vã bước nhanh đến cánh cửa gỗ, bởi tiếng chó vừa sủa khiến cho ông nhớ tới con Vàng.

" Két....Cạch...Cạch.."

Cánh cửa được mở then cài, ông Vọng mở bung cửa ra rồi khẽ gọi :

-- Vàng....Vàng, là mày phải không...?

Bên ngoài trời đêm, ánh trăng, ánh sao hôm nay sáng vằng vặc, giữa khoảng sân gạch, đúng là con Vàng đang đứng đó. Nó nhìn thấy ông Vọng thì lập tức vẫy đuôi, quay đầu hướng về ông Vọng, con Vàng nhìn ông Vọng xong chạy thẳng ra vườn. Ông Vọng loạng choạng đi theo nó, vừa đi ông vừa gọi :

-- Vàng, Vàng....Mày chạy đâu vậy...? Quay lại đây, Vàng ơi....

Nhưng con Vàng chỉ ngoái đầu rồi lại chạy xộc ra khoảng vườn nằm kề cái ao nhỏ ngay trong sân, hình như nó muốn ông Vọng đi theo nó thì phải. Ông Vọng cũng chạy ra đến vườn, lúc này con Vàng cũng đã dừng lại, nó dừng lại ngay dưới gốc cây xoài rồi cứ thế cào 2 chân trước xuống mặt đất. Vừa cào nó vừa sủa lên mấy tiếng :

" Gâu....Gâu....Gâu...."

" Gâu....Gâu....Gâu..."

[........]

-- Vàng.....Vàng ơi......Vàng......

Ông Vọng ú ớ nói mơ......Lúc này thầy Lương khẽ day nhẹ vào người ông Vọng rồi gọi :

-- Bác Vọng, bác Vọng.....Tỉnh dậy đi, bác Vọng....

Lập tức ông Vọng mở mắt, ngồi bật dậy, ông Vọng dáo dác nhìn xung quanh nhà, thấy mình vẫn còn đang nằm trên giường. Nhìn thấy thầy Lương đang đứng cạnh, ông Vọng hốt hoảng :

-- Con Vàng, thầy ơi.....Con Vàng đâu...?

Thầy Lương đáp :

-- Con Vàng...? Bác trưởng làng nằm mơ thấy nó phải không...? Chắc tại bác nhớ nó quá, con Vàng chết rồi mà bác Vọng.

Ông Vọng lắc đầu :

-- Không, tôi biết....tôi biết con Vàng chết rồi, nhưng khi nãy tôi đã nhìn thấy nó....Không phải mơ đâu, nó còn sủa rồi vẫy đuôi với tôi mà.

Thầy Lương chưa kịp nói gì thêm thì ông Vọng bước xuống giường, không kịp xỏ cả dép, ông Vọng hỏi thầy Lương :

-- Bây giờ là mấy giờ rồi thầy..?

Thầy Lương trả lời :

-- Chưa tới 5h sáng, xin lỗi đã làm phiền bác trưởng làng, tôi chắc có lẽ đã ngủ nguyên một ngày....

Ông Vọng kéo tay thầy Lương, mở cửa nhà, bên ngoài trời đang tờ mờ sáng. Bước ra hiên, ông Vọng cúi xuống nhìn vào cánh cửa gỗ, rồi ông hét lên :

-- Đúng là nó mà.....Thầy, thầy nhìn mà xem, trên cánh cửa vẫn còn vết cào này.....Con Vàng, con Vàng nó đã cào vào cửa để gọi tôi. Không phải mơ đâu thầy ạ.....Là nó thật đấy.

Thầy Lương cúi xuống nhìn, đúng thật, cánh cửa gỗ có những vết cào xước còn rất mới, không chỉ vậy, dưới nền hiên thực sự có vết chân chó.

Còn đang suy nghĩ thì ông Vọng kéo tiếp thầy Lương đi ra sân, tiếp đó, ông Vọng chỉ tay ra ngoài vườn rồi vội vàng nói :

-- Chưa hết đâu thầy ạ.....Con Vàng nó cào cửa gọi tôi, rồi nó dẫn tôi ra ngoài vườn....Tôi hãy còn nhớ như in, nó đào bới gì đó dưới gốc cây xoài kia. Như vậy.....như vậy là sao hả thầy...?

Thầy Lương nói ông Vọng đi vào trong nhà, bên ngoài trời vẫn còn sương. Ngồi xuống ghế, thầy Lương nói :

-- Nếu bác trưởng làng đã nhìn thấy con Vàng thì tôi tin thực sự con Vàng muốn báo mộng cho bác trưởng làng điều gì đó. Dù sao nó cũng coi như một thành viên thân thiết trong gia đình bác trưởng làng. Từ qua đến giờ bác trưởng làng đang nghĩ đến việc gì nhiều nhất...?

Ông Vọng trả lời :

-- Không giấu gì thầy, suốt cả ngày hôm qua, trong lúc thầy ngủ, tôi lại tiếp tục tìm kiếm khắp nơi từ hốc bếp. xó nhà xem có thấy cái bình nào không...? Từ lúc nhớ đến lời nói cuối cùng của bố tôi, tôi thực sự muốn tìm xem " cái bình " mà ông cụ nói nó ra làm sao. Tối qua trước khi đi ngủ, tôi có thắp hương cho hai cụ, lúc lên giường nằm, nghe tiếng cho sủa từ nhà khác vọng lại, nhớ con Vàng tôi chảy cả nước mắt.

Thầy Lương mỉm cười :

-- Bác nói con Vàng dẫn bác đến gốc cây xoài rồi cứ thế đào bới ở đó phải không..?

Ông Vọng gật đầu :

-- Dạ đúng rồi, nó vừa đào hai chân trước xuống mặt đất, vừa quay đầu lại nhìn tôi rồi cứ thế sủa vang.

Thầy Lương nói :

-- Trong nhà còn gì ăn không bác trưởng làng...?

Đang nói chuyện về con chó, bỗng dưng thầy Lương lại hỏi đồ ăn khiến ông Vọng ngơ ngác, nhưng ông Vọng vẫn trả lời :

-- Còn thầy ạ, hôm qua tuy thầy ngủ mê mệt, nhưng tôi vẫn cơm nước chờ thầy. Thấy thầy ngủ say quá không dám gọi, mâm bát tôi vẫn đậy cẩn thận dưới bếp.

Thầy Lương gật đầu :

-- Bác dọn cơm lên đi, hai chúng ta cùng ăn.

Đang nói chuyện nọ thì thầy Lương lại chuyển sang chuyện ăn uống, nhìn ông Vọng thầy Lương khẽ cười rồi tiếp tục :

-- Phải ăn chứ, ăn để mà lấy sức chuẩn bị đào xem dưới gốc cây xoài đó thực sự có thứ gì...? Rất có thể điều mà bác trưởng làng mong mỏi, thắc mắc đang nằm dưới gốc cây xoài đó.

Giờ mới hiểu ra, ông Vọng vâng dạ rồi lục tục xuống bếp hâm nóng lại đồ ăn. Chưa bao giờ ông thấy hồi hộp như lúc này. Nếu đúng như lời thầy Lương nói, con Vàng đang muốn chỉ cho ông thứ gì đó nằm dưới lòng đất, bên dưới gốc cây xoài. Nhớ lại, cây xoài này được chính tay bố mẹ ông Vọng trồng năm ông Vọng chỉ mới 10 tuổi. Đó là giống xoài tượng, không biết bố ông Vọng đánh được từ đâu về, lúc ấy cây xoài chỉ cao chừng 50 phân và to hơn ngón tay cái một chút.

Khi ấy, ông Vọng thích lắm, lúc bố mẹ ra vườn tìm chỗ trồng, ông Vọng cũng lăng xăng chạy theo. Đang chạy thì vấp ngã cái uỵch, cú ngã khá đau, vườn lại có đá dăm nên tay chân Vọng xước hết cả. Vọng ngồi đó khóc tu tu, để dỗ con, bố mẹ Vọng chọn luôn chỗ Vọng ngã để trồng cây xoài. Và chính tay Vọng là người cầm cái bay xúc lớp đất đầu tiên để đưa cây xoài về với mảnh vườn của gia đình. Sau này khi lớn lên, bố mẹ Vọng mỗi lần nhìn cây xoài đều kể cho Vọng nghe về chuyện trồng xoài khi Vọng còn nhỏ.

Sau này, khi mẹ ông Vọng tuổi cao sức yếu, những ngày trước khi mất, năm bà mất vào đúng mùa xoài, cây xoài tượng ra những trái rất to. Bà cụ trước khi ra đi vẫn muốn nhìn cây xoài lần cuối, bà nói với hai cha con ông Vọng :

-- Cây xoài đó là do cả nhà ta chung tay trồng, bao năm qua, nó chứng kiến tất cả những gì mà chúng ta làm....Nó, nó.....hức....

Nói đến đây bà cụ bật khóc, bố ông Vọng nhìn vợ gật đầu :

-- Bà nó đang mệt, đứng ngoài này không tốt, để tôi đưa bà vào trong.

2 ngày sau, mẹ ông Vọng qua đời, chôn cất cho mẹ xong, trên cây xoài khi ấy chín đúng 3 quả, ông Vọng hái vào để thắp hương cho mẹ. Giờ nhớ lại những chuyện đã xảy ra, ông Vọng mới thấy nếu bên dưới gốc xoài có chôn thứ gì đó có liên quan đến ông Vọng thì cũng hợp lý. Chỉ có điều, tại sao cho đến tận khi qua đời, cả hai ông bà đều không nói cho ông Vọng biết về thân thế, cũng như quá khứ của mình.

Ăn cơm xong, ông Vọng đi chuẩn bị cuốc, xẻng để đào đất thì bên ngoài cổng có tiếng người hớt hải gọi :

-- Bác Vọng ơi, bác Vọng ơi.....Bác có nhà không...?

Đang tay cuốc, tay xẻng, ông Vọng ngó ra thì thấy Sửu.

Sửu chào :

— Bác Vọng, mở cổng cho em vào với. Thầy Lương khoẻ chưa ạ..?

Ông Vọng nhìn vào trong nhà xem ý thầy Lương ra sao. thầy Lương gật đầu, ông Vọng mở cổng cho Sửu. Hãy còn sớm, lúc này mới chỉ 6h sáng. Ông Vọng hỏi :

— Nhà Sửu đi đâu sớm vậy..?

Sửu cười rồi giơ lên hai con chim cu gáy đang cầm trên tay, Sửu đáp :

— Cũng không có gì, hôm qua em đặt bẫy sau vườn, thế nào lại bẫy được hai con chim cu. Biết thầy Lương đang ốm, em mang sang biếu bác với thầy nấu cháo ăn cho nó bổ. Bắt được cái em mang sang ngay đấy.

Đặt hai con chim bên ngoài đậy cẩn thận, Sửu bước vào nhà thấy thầy Lương đang ngồi, Sửu vội chào rồi hỏi thăm. Tính Sửu rất tốt, cũng là người góp công sức trong việc làng mấy ngày qua nên thầy Lương cũng có cảm tình. Bước lên hiên thấy cuốc xẻng đặt ở đó, Sửu hỏi :

— Ủa, bác Vọng định làm gì à..? Sẵn em ở đây có gì cần đến dùng sức, cứ để em làm cho. Đồng áng chưa vào vụ mới nên buồn tay buồn chân lắm.

Thầy Lương nhìn ông Vọng khẽ mỉm cười rồi trả lời Sửu :

— Nếu được vậy thì nhờ cậu Sửu đây vậy.

Ông Vọng nhìn thầy Lương có chút e ngại, thầy Lương nói với ông Vọng khi mà Sửu đang cầm cuốc xẻng ra ngoài vườn :

— Bác Vọng đừng lo, người này chất phác, thật thà, có tâm tính tốt....Có thể nhờ cậy được, hơn nữa mệnh cách của cậu ta mà tôi nhìn thấy sẽ bảo vệ được cho bác Vọng tai ương về sau. Duyên đến thì cứ để nó thuận theo tự nhiên. Cậu ta đến tìm chúng ta lúc chúng ta cần chính là duyên rồi.