Miếu Hoang

Chương 23 : Phong thư bọc giấy Dầu

" Keng....Keng "

Tiếng kim loại va chạm vào vật cứng vang lên, ông Vọng chạy lại chỗ thầy Lương gọi vội vàng :

-- Thầy, thầy lại đây mà xem.....Lại đào trúng cái gì rồi.

Thầy Lương cũng vừa nghe thấy âm thanh phát ra từ bên dưới hố, chắc hẳn Sửu và Lực đã đào vào thứ gì dó rất cứng nên mới phát ra tiếng như vậy. Từ trên miệng hố nhìn xuống, thầy Lương thấy Lực đang xoa hai bàn tay vào nhau, Lực nói :

-- Mẹ kiếp, sao mà cứng thế, không đào được nữa rồi....Cứng lắm.

Sửu ngước lên trên nói tiếp :

-- Quả thực là cứng lắm thầy ạ, đục vào nó mà chỉ sứt mẻ có một tí ti.

Thầy Lương hỏi :

-- Là đá phải không..?

Sửu gật đầu :

-- Đá thầy ạ, mà sao đá cứng thế không biết.

Thầy Lương nói ông Vọng đi lấy chút nước rồi đổ xuống hố. Tiếp đó, ông dùng tay rửa trôi đi lớp bùn đất còn bám trên bề mặt hòn đá mà hai anh em Sửu đang đào. Nhưng khi lớp bùn được rửa bớt đi, thầy Lương dùng xẻng hớt nhẹ lớp đất xung quanh thêm một chút nữa. Lúc này cả 4 người mới nhận ra, đó không phải là hòn đá mà là cả một tảng đá vân mây vuông vắn, còn một điều nữa, tảng đá đó không nằm một mình, cái hố mà hai anh em Sửu đang đào tầm khoảng 80 x 80 thì tảng đá đó có kích thước 60 x 40 được chia cắt bởi hàng gạch đỏ mà ban nãy đào trúng.

Thầy Lương một lần nữa trèo lên miệng hố, từ trên nhìn xuống dưới, thầy Lương hỏi ông Vọng :

-- Bác trưởng làng, bác nhìn có thấy quen không...?

Ông Vọng đáp :

-- Có phải đây là....móng....

Thầy Lương gật đầu :

-- Đúng vậy, chính là nền móng của một ngôi nhà hoặc có thể là một dinh thự lớn. Bởi vì căn cứ vào gạch đỏ, cộng với tảng đá vân mây vuông vức kia, nền móng này nếu như tồn tại cách đây ít nhất 50 năm về trước thì nó không phải thứ mà người nghèo có thể làm được. Hơn nữa, biến đá tảng thành những khối vuông, sau đó dùng chúng để đặt móng, kỹ thuật này không phải ai cũng biết. Mà dù biết cũng không có điều kiện để mà xây dựng. Thường thì chỉ những biệt phủ, những công trình lớn của những phù hào, quan lại họ mới làm như thế này. Làng Văn Thái đến nhà gạch cũng chỉ đếm được trên 1 bàn tay. Vậy tại sao ngay Bãi Hoang này, khu đất được cho là bỏ hoang mấy chục năm nay, như lời bác trưởng làng nói thì đời cha mẹ trưởng làng nơi này đã được gọi là Bãi Hoang lại xuất hiện một nền móng chắc chắn đến như vậy. Móng còn đây, vậy kiến trúc trên bề mặt đã biến đi đâu, và tại sao nó lại biến mất...? Nền móng này chắc chắn là do con người xây dựng, trước khi nơi này trở thành Bãi Hoang......chuyện gì đã xảy ra...?

Rất nhiều câu hỏi cứ thế hiện ra trong đầu thầy Lương mà chưa có lời giải đáp, cả ông Vọng với hai anh em Sửu cũng bàng hoàng. Chưa bao giờ họ nghĩ, Bãi Hoang lại có một bí ẩn đến như vậy. Nếu như không phải chính tay họ đào thấy những viên gạch đỏ, tảng đá vân mây vuông vức, mà không phải chỉ có một tảng thì chắc có nói họ cũng không bao giờ tin.

Sửu ấp úng :

-- Bây giờ....phải làm sao hả...thầy...?

Thầy Lương trả lời :

-- Giờ tiếp tục đào cũng không phải cách, tảng đá này được dùng để đặt móng, vậy giờ thay vì phá vỡ nó chúng ta nên tìm cách cậy nó lên. Quanh tảng đá đều có những gờ nối ngăn cách bởi hàng gạch đỏ. Đào đến chân tảng đá rồi dùng sức bẩy nó lên.

Sửu vâng dạ rồi ra hiệu cho Lực tìm cách để nhanh chóng lật được tảng đá. Hai anh em Sửu tiếp tục dùng sức đào bới. Chính giữa cái hố, tảng đá vân mây càng lúc càng lộ rõ. Thầy Lương và ông Vọng đứng bên trên hồi hộp chờ đợi, ở bên dưới, Sửu và Lực đang dùng thanh xà beng dài để làm đòn bẩy, hai anh em dùng hết sức, nghiến răng nghiến lợi hô lớn :

-- NÀO....1....2....3....NÀO....H Y......A......H Y....

Phải đến 5 lần 7 lượt như vậy thì lúc này tảng đá mới bắt đầu nhúc nhích. Sửu lên hết gân cốt, mắt mũi trợn ngược, miệng mím chặt lại, cả Lực cũng thế. Không ai bảo ai, cả hai cùng gật đầu rồi cùng nhau hét lớn :

-- LÊN....NÀO......LÊN......

" Keng.....Keng.....Keng.."

Tiếng thanh xà beng va vào tảng đá, đất bên dưới hố bị hất tung lên trời, Lực và Sửu thở hồng hộc, họ ngồi phịch luôn xuống đất vì đã quá mệt, hai anh em nhìn nhau vừa cười vừa thở. Bên trên, ông Vọng hô :

-- Bẩy được rồi.....Bẩy được rồi....Thầy Lương ơi, bẩy lên được rồi kìa.

Thầy Lương cũng mừng không kém khi tảng đá đã được lật lên, nhưng khi nhìn vào cái hố mà tảng đá để lại thì dưới đó chẳng có gì cả.

Sửu và Lực thẫn thờ bởi bên dưới tảng đá này lại có thêm một tảng đá khác, chúng có độ cao tầm 40cm chồng lên nhau. Nếu tính cả độ cao của tảng đá vừa được lật lên thì cái hố mà anh em sửu đang đào sâu đúng 6 thước. Nhưng tại sao dù đã lật được tảng đá lên mà bên dưới lại không có gì.

Ông Vọng buồn rầu nhìn thầy Lương khẽ hỏi :

-- Vậy là sao hả thầy...?

Bên dưới chỉ là một lớp đá khác, cố gắng công sức cả ngày hôm nay, cũng đã đào đến kiệt cả sức, nhưng rốt cuộc họ vẫn chưa thể tìm được thứ gì ngoài đá và đá. Thấy mọi người đang nản dần, Sửu cầm lấy thanh xà beng rồi quát Lực :

-- Đứng dậy, tiếp tục đào.....Tiếp tục bẩy nốt tảng đá phía dưới này lên. Trời vẫn còn sáng, đừng vội bỏ cuộc.

Ông Vọng ngăn sửu lại rồi nói :

-- Thôi, dừng lại đi....Hôm nay 2 cậu cũng hết sức rồi....Có gì để mai tiếp tục, có đào tiếp thì lát nữa trời cũng sẽ tối.

Ức quá, Sửu đâm mạnh thanh xà beng vào mặt dưới của tảng đá vừa lật lên ban nãy, Sửu chửi thề :

-- Khốn kiếp, tức quá đi mất.....Sao lại chôn lắm đá thế không biết.

Sau cú va đập, trong lúc Sửu định trèo lên mặt đất thì Lực kéo tay Sửu lại khiến cho Sửu càng bực :

-- Cái gì nữa....?

Lực nói :

-- Anh Sửu, nhìn kìa...

Sửu quay lại thì tảng đá mà hai anh em lật lên hồi nãy đã vỡ ra làm đôi, một điều quá dị thường, lúc sớm, khi mới đào đến mặt trên tảng đá, Lực dùng hét sức đục vỡ nó mà nó chỉ mẻ mỗi chút, điều này chứng tỏ tảng đá rất cứng. Vậy mà vừa rồi, Sửu đập xà beng vào mặt dưới thì tảng đá đã vỡ ra làm hai. Khi hai nửa của tảng đá tách ra thì từ chính giữa tảng đá rơi ra một thứ gì đó mỏng như giấy. Lực đính cúi xuống nhặt thì thầy Lương ngăn lại :

-- Để đó, đừng chạm tay vào.....Hóa ra thứ chúng ta đang tìm lại nằm bên trong tảng đá.

Nhìn gần hơn thì đó giống như một phong thư dài khoảng 1 gang tay, bên ngoài được bọc kỹ bằng 1 lớp giấy dầu. Nhìn phong thư đó rât bình thường nhưng để cẩn thận, thầy Lương lấy trong tay nải ra một cái lọ nhỏ màu trắng, ông khẽ đổ nước trong lọ lên bề mặt phong thư lạ. Nước vừa chạm vào giấy dầu lập tức sủi bọt.

Thầy Lương nói :

-- Bên ngoài lớp giấy dầu đã được tẩm độc, kẻ giấu thứ này vào tảng đá chắc chắn muốn đề phòng không cho người khác chạm vào. Dù sao cũng đã tìm được thứ đồ vật được giấu dưới 6 thước đất. Cũng sắp tối rồi, chúng ta về thôi.

Dùng que gỗ gắp phong thư cho vào trong một cái túi vải, để nó trong tay nải, thầy Lương tiếp tục :

-- Sau khi về nhà, tôi sẽ dùng găng tay để bóc lớp giấy dầu này ra. Dù bất kể trong này là gì đi chăng nữa thì nó cũng rất quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân khiến cho ngôi làng này gặp tai họa.

Sửu hỏi thầy Lương :

-- Thầy, thầy có thể cho anh em tôi về đó xem cùng được chứ...?

Thầy Lương gật đầu :

-- Tất nhiên là được rồi, hôm nay hai anh em cậu là những người có công lớn nhất. Việc này cũng không có gì phải giấu diếm, có hai cậu cũng thêm sức lực.

Ông Vọng mừng rỡ :

-- Vậy là làng có cơ hội rồi, giờ tất cả về nhà tôi nấu tạm bữa cơm rồi cùng ăn.....Sau đó chúng ta sẽ xem xem, bên trong phong thư này là thứ gì.

[........]

5h30 chiều, tại nhà cô Xoan, bên ngoài hiên nhà, cái Mị vẫn đang ngồi vẽ những nét vẽ loẹt quẹt. Trời lúc này đã nhá nhem tối, cô Xoan bê mâm cơm chỉ có đĩa lạc răng muối trắng và bát canh bí luộc lên nhà trên. Thấy con gái vẫn ngồi hí hoáy ở hiên từ lúc thức dậy, cô Xoan đi ra kéo tay Mị đứng dậy nói :

-- Ăn cơm thôi con.....Vẽ gì mà từ trưa tới giờ vậy...?

Mị thả miếng gạch nhỏ trong tay ra, bên ngoài không còn đủ ánh sáng để cô Xoan nhìn rõ được dưới hiên nhà Mị vẽ cái gì nữa, mà biết con bị mù, cô cũng chẳng hi vọng con gái mình sẽ vẽ được thứ gì có hình thù. Nhập nhoạng cô thấy trên nền hiên hình như thứ Mị vẽ có hình tròn, mà nhiều nét chồng lên nhau, rất rối.....Khẽ lắc đầu, cô Xoan dìu con vào bên trong ngồi xuống cái chiếu trước mâm cơm, cô Xoan thở dài, miệng lẩm bẩm :

-- Sao tôi khổ thế này.....hả trời....!!

Vừa gắp lạc vào bát cơm cho con gái, cô Xoan vừa ấm ức, nghiến răng hận trời.