2 tuần sau.... Tại chùa Thiên An..
" Cộp... Cộp... Cộp.."
Chủ quán trọ cũng đang có mặt tại đây, mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt, ông ta nói :
— Chỗ cánh cửa đó ép gỗ lại rồi đóng cho chắc vào nhé, nãy tôi thấy vẫn còn hở đó.
Sư trụ trì chùa Thiên An tay cầm siêu nước, rót một cốc nước, đưa cho chủ quán trọ, sư trụ trì nói :
— Thí chủ uống ngụm nước cho tỉnh táo, từ sáng đến giờ thí chủ cũng vất vả rồi.
Chủ quán trọ kính cẩn đưa hai tay nhận lấy cốc nước từ sư trụ trì, ông nói :
— Dạ, cảm ơn sư thầy, vất vả gì đâu ạ, con chỉ đứng xem rồi thấy chỗ nào chưa được yêu cầu họ làm cẩn thận hơn thôi.
Sư trụ trì đáp :
— A di đà phật, công đức này của thí chủ, nhà chùa vô cùng cảm kích. Vậy là mùa đông sắp tới, các cháu không còn lo chỗ nằm bị mưa gió tạt vào nữa rồi. Cảm ơn thí chủ nhiều lắm.
Chủ quán trọ ngồi xuống nhấp ngụm nước rồi vội xua tay :
-- Ấy chết, này là con chỉ góp công thôi... Còn thực ra chi phí tu sửa lại chùa là của thầy Lương cả đó chứ. Mà nhắc đến thầy Lương, phải nói thầy Lương dự liệu mọi chuyện như thần. Lúc nghe thầy nói gì đến tiền công sau chuyến đi, con còn chẳng hiểu ý thầy là gì, nhưng khi tìm đến đúng với địa chỉ mà thầy Lương ghi lại trên giấy. Nơi mà con đem chiếc tủ đến là nhà họ Đoàn, một dòng họ nổi tiếng giàu có. Sư thầy biết không, khi con nhắc đến cái tên Đoàn Thị Thanh Trang, người nhà họ Đoàn ai cũng giật mình, nhưng họ nghĩ con bịa chuyện hòng kiếm tiền cúng bái, giải hạn.... Sau khi con làm như lời thầy Lương dặn, mở cánh tủ rồi nhìn vào góc trong tủ, quả đúng là có một dòng chữ.
Sư trụ trì khẽ hỏi :
— Chẳng hay đó là dòng chữ gì vậy..?
Chủ quán trọ trả lời :
— Trong góc tủ đó có khắc một dòng chữ nhỏ, tuy hơi mờ nhưng vẫn đọc được : Bà trẻ họ Đoàn - Đoàn Thị Thanh Trang. Những tấm gỗ được đóng thành cái tủ ấy hóa ra lại chính là gỗ từ quan tài của bà trẻ nhà họ Đoàn. Những chữ khắc trong tủ được chính họ Đoàn thuê người về rồi khắc tên vào quan tài. Ngay khi nhìn thấy ký tự được lưu lại, người nhà họ Đoàn lập tức mời con vào trong nhà. Sau khi con kể lại những việc đã xảy ra thì già trẻ trong nhà ôm mặt khóc nức nở. Họ nói đúng là 4 năm trước, mộ của bà trẻ sau khi chôn được một thời gian ngắn thì đã bị bọn trộm mộ đào bới, xới tung lên, ngoài vàng bạc chôn kèm, ngay cả đến áo quan chúng cũng lấy bởi chúng biết loại gỗ đóng quan tài đó là gỗ quý, đắt tiền. Hôm sau người nhà phát hiện ra thì chỉ nằm dưới cái hố chỉ còn cái xác trơ trọi. Nhìn cảnh tượng đó ai cũng xót xa, đau đớn.
Sư trụ trì khẽ nhắm mắt, chắp hai tay lại ông thở dài :
— A di đà phật, thiện tai, thiện tai..... Trên đời này sao lại còn những người nhẫn tâm, mất đi nhân tính đến như vậy...? Đến người chết mà cũng không tha, nghe thôi mà bần tăng cũng thấy nhói tận tâm can. Nhưng cũng thật may là thí chủ không quản ngại đường xá xa xôi, lặn lội đưa vong linh người chết về gia đình của họ.
Chủ quán trọ nghe sư trụ trì khen thì ngượng ngùng đáp :
— Sư thầy quá lời rồi, tất cả con đều làm theo lời của thầy Lương mà thôi. Nhưng con không hiểu, tại sao buổi tối hôm ấy, thầy Lương lại cho con lựa chọn. Một là thiêu cái tủ ra tro, đem tro ấy rải bốn hướng, nếu làm như vậy sau này hồn ma kia sẽ không hại ai được nữa, và cách sau đó là chấp nhận giải nghiệp cho người đã chết.
Sư trụ trì mỉm cười :
— Thầy Lương sau khi cứu được bà cụ và cháu bé thì coi như đã làm hết công việc của mình. Thầy Lương cũng không thể đưa vong hồn người phụ nữ đó về với gia đình cô ta. Việc này chỉ có thí chủ làm được, nhưng những việc mà vong nữ đó đã làm với gia đình thí chủ cũng coi như vướng phải tội nghiệt, nếu như thí chủ có đốt cái tủ thì cũng không thể trách thí chủ được. Nhưng thí chủ đã chọn cách khó khăn hơn, tuy vậy lại là cách nhân nghĩa nhất. Ý của thầy Lương há chẳng phải quá rõ ràng rồi sao. Việc thí chủ chọn cách đưa vong linh người phụ nữ đó quay về nhà cũng chính là phúc phần của thí chủ. Công đức của thí chủ không chỉ được tính bằng số tiền mà người nhà họ Đoàn phúc báo mà còn là đức hạnh cho đời sau. Tiếp theo đó thí chủ lại dùng toàn bộ số tiền nhận được để giúp chùa xây sửa, tu bổ, giúp cho các con nhỏ nương tựa cửa chùa có một cuộc sống bình an hơn...... Cái này là thầy Lương dùng chính phúc của thí chủ để tạo phúc cho thí chủ và cho nhà chùa. Thầy Lương quả thật suy nghĩ sâu xa, đầy lòng nhân hậu. A di đà phật..
Nghe sư trụ trì nói mà chủ quán trọ như vỡ ra được nhiều điều. Đúng là như vậy, nếu khi ấy, ông chọn cách tiêu diệt hồn mà đó thì sao có được công đức về sau. Nếu chỉ hám cái lợi trước mắt chẳng phải sẽ mất những thứ trân quý sau này hay sao.
Chắp tay cúi lạy sư trụ trì, chủ quán trọ khẽ nói :
— A di đà phật, cảm ơn sư thầy đã giúp con hiểu ra được mọi chuyện.
Sư trụ trì mỉm cười :
— Đều là do lòng nhân hậu của thí chủ mà thành, bần tăng mới là người phải cảm ơn.
Chủ quán trọ trầm ngâm một lát rồi bất chợt hỏi :
— Nhưng sao thầy Lương lại phải lang thang, nay đây mai đó. Với khả năng cũng như cái tâm của mình, thầy Lương hoàn toàn có thể có một cuộc sống sung túc.
Sư trụ trì nét mặt thoáng buồn, ông nói :
— Mỗi con người từ khi sinh ra đã có một số mệnh khác nhau. Thí chủ nói không sai, thầy Lương là người đức độ, tuy nhiên bần tăng cảm nhận thấy sâu thẳm bên trong trái tim của thầy Lương vẫn còn một màn đen tựa sương khói bao phủ. Trong mỗi chúng ta, có người sinh ra đã mang thiên mệnh giàu sang, phú quý, nhưng cũng có những người phải chịu cảnh bần hàn, bệnh tật, nhưng ai cũng phải cố gắng để tiếp tục sống. Ngoài những người đó ra thì có người mang trong mình ác nghiệp, có thể nghiệp đó từ kiếp trước, hoặc chính kiếp này do bản thân họ gây ra.... Và nói theo dân gian, họ là những người bị trời hành. Bần tăng không biết thầy Lương đã mắc tội nghiệt gì đến mức sống qua tuổi 50 vẫn phải trả nghiệp. Nhưng bần tăng hi vọng, công đức của thầy Lương suốt những năm tháng qua sẽ sơm giúp cho thầy sớm thanh thản, trút bỏ được gánh nặng trong lòng.... A di đà phật.
Lặng lẽ nhìn lên bầu trời xanh cao vời vợi, cả chủ quán trọ và sư trụ trì đều thầm cầu mong cho thầy Lương thượng lộ bình an, sớm tạo được nhiều công đức giúp đời.
[.......]
" Rào....Rào....Rào..."
Trời vẫn đổ mưa lớn, 2 tuần nay, ông Lương vẫn đang đi về phía Nam trong cuộc hành trình của mình. Tình từ lúc rời khỏi nhà chủ chủ quán trọ, ông Lương ước chừng mình chắc có lẽ đã đi được 50 dặm. Đi đến nơi này thì trời bắt đầu đổ mưa, càng đi thì mưa lại càng lớn.
" Ùng... Đùng... Đoàng "
Sấm chớp gầm gừ rung chuyển trời đất, biết khó mà có thể đi tiếp trong tình trạng thời tiết thế này, nhưng ngặt một nỗi, xung quanh đây chỉ toàn là ruộng lúa, là đồng không, mông quạnh. Chẳng thấy có một ngôi nhà nào cả.
" Lộp... độp... lộp.. độp "
Mưa càng lúc càng nặng hạt, cố lê những bước chân nặng nhọc dính đầy bùn đất với hi vọng tìm đươc một chỗ trú chân. Cuối cùng thì ông Lương cũng nhìn thấy dưới gốc cây đa có một quán lá, đội mưa, đội gió, ông Lương vừa chạy vào trong thì một tiếng sấm nổ kinh thiên động địa vang lên :
" Oàng "
Cảm tưởng mặt đất dưới chân ông cũng vữa rung chuyển, tiếng sấm khủng khiếp cộng thêm cơn mưa xối xả như dự báo điềm chẳng lành. Bất ngờ bên trong quán có tiếng nói, vừa giật mình bởi tiếng sấm nên ông Lương chưa kịp mở lời chào hỏi chủ quán nước, người vừa nói là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi :
-- Bác đứng lui vào trong này cho nó đỡ mưa...... Cả năm nay mới thấy một trận mưa to đến như vậy. Thế này thì lại ngập úng hết cả thôi, thời tiết giữa thu rồi mà mưa khiếp thế không biết.
Ông Lương cất lời chào rồi đáp lại :
-- Dạ chào bà chủ, mưa lớn quá, cho tôi trú nhờ một chút, lát tạnh mưa rồi tôi đi.
Bà chủ quán nước khẽ cười để lộ hàm răng đen xì do nhai trầu rồi nói tiếp :
-- Bác cứ ngồi đấy, mưa bất chợt quá, lại còn to nữa nên tôi cũng chẳng dọn hàng mà về được. Thằng con trai ở nhà chắc thấy mưa to nên cũng không ra phụ mẹ được. Chứ sấm chớp như này, ngồi ngay gốc cây cũng sợ.... Nhìn bác lạnh run hết cả người rồi kia, ngồi xuống đó tôi rót cho chén trà nóng, uống cho nó ấm cái bụng.
Nhấp ngụm trà nóng, đỡ run hơn, ông Lương mới khẽ hỏi :
— Bà chủ cho tôi hỏi, đây là chỗ nào ấy nhỉ...?
Chủ quán nước đáp :
— Nhìn bác là tôi biết không phải người ở đây rồi, nhưng bác đi đâu mà cũng không biết à...? Đây là địa phận làng Văn Thái, xã Tam Hưng, Thủy Nguyên. Mà bác là người ở đâu, sao lại đến đây.
Ông Lương gật đầu rồi trả lời :
— Tôi là người gốc Trung, nhưng sinh sống tại Việt Nam cũng hơn 30 năm rồi. Nay tôi đang trên đường vào Thanh Hóa. Nhưng sao làng mình vắng vẻ thế bà chủ nhỉ...? Đi suốt một quãng đường dài mà chẳng thấy nhà cửa gì cả..?
Bà chủ quán cười rồi nói :
— Làng tôi rộng mà, đất đai nhiều, chỗ bác đi qua là ruộng lúa thì làm gì có ai ở. Phải từ đây, tính từ gốc đa này đi vào trong mới có nhiều người, nhà tôi cũng ở đó, chỗ này là quán nước bán cho bà con đi đồng qua lại nghỉ chân. Mà bác bảo bác đi Thanh Hóa, đừng nói với tôi là bác đi bộ đó nha.... Mà nhìn bác, kể cả nghe bác nói chẳng ai biết bác là người Trung đâu.
Ông Lương uống thêm ngụm trà rồi trả lời :
— Tôi đi bộ mà, đến đây thì mắc mưa..... Mà nhìn trời thì chắc chắn phải mưa ít nhất là 5 ngày nữa mới dứt. Vậy nên nếu nhà bà chủ có ruộng đồng gì thì khi trời ngớt mưa phải tháo nước ra ngay. Trời không dễ gì tạnh sớm đâu.
Bà chủ quán nước ngạc nhiên :
— Ủa, bác nói cứ như bác là thầy tướng số ấy nhỉ...? Mà thật là trời mưa đến tận 5 ngày cơ à..?
Ông Lương gật đầu :
— Tôi chỉ là một người làm nghề bốc mộ thôi, nhưng nếu bà chủ tin thì cứ làm theo lời tôi dặn. Đừng thấy trời quang mà nghĩ mưa dừng.
Vừa dứt lời thì bên ngoài trời mưa đã ngớt, khẽ đứng dậy, ông Lương trả tiền chén nước chè cho bà chủ quán rồi hỏi :
— Trong này có nhà trọ nào không hả bà chủ...?
Bà chủ quán nước đáp :
— Nhà trọ hả, ở đây không có đâu, toàn dân trong làng, có ai đến đây mấy đâu mà có nhà trọ. Này chỉ có bác đi vào làng rồi hỏi nhờ xem nhà ai cho tá túc được thì ở. À không thì bác vào đó rồi hỏi nhà trưởng làng, xem ông trưởng làng có giúp gì được cho bác không. Nhà trưởng làng thì cứ đi thẳng con đường này, khi nào đến cái giếng làng thì quẹo tay phải, thấy con đường đất mà hai bên trồng kín tre, tới đó gặp ai bác hỏi tiếp là họ chỉ đường cho đến nhà trưởng làng. Mà chẳng phải bác bảo bác đi Thanh Hóa sao...?
Ông Lương nói :
— Đột nhiên tôi lại muốn ở đây ít ngày, hơn nữa giờ đồ đạc của tôi ướt hết rồi. Phải tìm một chỗ nghỉ ngơi đã chứ. Cảm ơn bà chủ nhiều nhé, tôi đi trước.
Rời khỏi quán lá dưới gốc cây đa, ông Lương bước trên con đường đất mà theo bà chủ quán nước nói là đường đi vào làng Văn Thái. Ngay khi ra khỏi quán lá, ông Lương ngẩng mặt lên nhìn bầu trời vẫn còn mây đen thâm xì, thi thoảng vẫn có tiếng sấm khan ùng ùng.
Khẽ đưa bàn tay lên mũi rồi ngửi ngửi, ông Lương cau mày :
— Sao nước mưa lại phảng phất mùi tanh thế này, làng này sắp xảy ra chuyện gì hay sao...?