Thiên Chính Đạo Nhân

Chương 14: Sáng tỏ

Dịch: Trúc Tử

***

Nhớ khi tôi còn bé, những năm đại hạn người ta sẽ tổ chức lễ cầu mưa. Vậy thì cầu mưa như thế nào?

Tôi cũng đã nghe những người trong đội cầu mưa, tận mắt nhìn thấy toàn bộ quá trình kể lại như sau: Mọi người xách theo chiêng, trống, và cả tiền giấy, hương, cúng phẩm. Sau đó cùng nhau đi tới một cái hồ lớn nhất trong vùng, gϊếŧ một con gà trống trắng, bày ra ra đồ cúng. Tiếp theo đặt một cái hồ lô rỗng gần bờ hồ, lúc làm lễ không ngừng niệm chú. Nước trong hồ sẽ tràn vào cái hồ lô kia, mãi tới khi đầy mới ngưng lại.

Rồi lại cử một nam thanh niên dưới 18 cường tráng nhất trong thôn, cõng cái hồ lô kia về, lúc đi không được dừng lại hay ngoái đầu nhìn. Nghe nói cái hồ lô kia sẽ ngày càng nặng dần, lúc về tới nhà cũng chẳng còn sức làm gì, ba ngày sau mới khỏe lại. Tới khi về nhà phải đặt cái hồ lô trong từ đường của thôn, chỉ độ vài hôm sau là có mưa.

Lễ cầu mưa này tôi đã từng tham gia mấy lần, nghe ông tôi nói: Cái hồ lô chứa nước nặng như núi vậy, nhưng đặt xuống nước không hề chìm. Nơi dân trong thôn tôi làm lễ cầu mưa cũng sát gần miếu Tướng Quân, cho nên có thể nói phong thủy ở khu vực đó cực tốt. Nơi có long mạch, ắt hẳn là chốn phong thủy bảo địa…

Tra Nghiêm Vân cũng đã nghe lão Vương tường thuật lại mọi chuyện, nhưng vẫn chưa rõ tại sao lại không tìm được địa cung. Nên ông thử bói một quẻ, quẻ này chỉ rõ miếu Tướng Quân có địa cung, nhưng với thế đất bằng phẳng không thể phát hiện được, đây cũng chính là nguyên do. (Trong phong thủy khi quan sát cách cục người ta phải đứng ở nơi cao để nhìn được toàn bộ khu đất. Nếu thầy phong thủy bạn mời về chỉ đo bằng la bàn và ở nơi đất bằng quan sát thì quá nửa chính là lừa đảo)

Vì vậy Tra Nghiêm Vân cùng lão Vương trèo lên ngọn núi đối diện miếu Tướng Quân, đứng ở đỉnh núi nhìn ra xa. Không nhìn không sao, vừa nhìn thấy toàn bộ cách cục của khu miếu, lão Vương lập tức trợn tròn hai mắt.

Cách cục xung quanh miếu như thế này: Ngay gần miếu có một con sông từ phía tây chảy qua, tạo thành một cái hồ nhỏ, theo phong thủy nói thì đây chính là nơi thanh long hút nước. Phía đông miếu có một dãy núi trùng điệp, nhưng tới đây thì đột nhiên thế núi thấp dần, rồi trải dài về phía hồ nước, tựa như một con rồng lớn đang cúi đầu uống nước vậy!

Nơi này có hai con rồng cùng nhau hút nước, một thổ một thủy, có thể tưởng tượng phong thủy ở nơi này tốt như thế nào. Hơn nữa khi lão Vương dùng phấn đánh dấu lên bản đồ phạm vi của miếu tướng quân thì tạo thành hình dáng một con rùa to lớn. Mà đầu của con rùa đen này cũng chỉ thẳng về phía cái hồ kia.

Đừng nói lão Vương thất thố, ngay cả Tra Nghiêm Vân khi nhìn kỹ phong thủy ở đây cũng cảm thấy rung động. Cách cục nơi này quả thực quá tốt, con rùa trèo lên đầu hai con rồng, đồng thời hấp thu chân long khí, cộng thêm đạo quan lại là nơi hấp thụ nhật nguyệt tinh hoa. Phong thủy nơi này hoàn toàn thích hợp mai táng một vị đế vương, chớ nói một con mèo thành tinh, chỉ sợ kể cả một con chuột sống lâu ở đây cũng biến thành vua ấy chứ!

"Ba đầu đều hướng về cùng một chỗ, hẳn chính là chỗ đó."

Tra Nghiêm Vân bấm ngón tay, cúi đầu nói nhỏ: "Lão Vương, nhìn thấy cái bia nhỏ đối diện miếu Tướng Quân không? Nếu tôi đoán không lầm, địa cung hẳn là ở gần vị trí cây cầu đá qua hồ, chúng ta đi xuống xem một chút."

Khi Tra Nghiêm Vân cùng lão Vương xuống núi đã là buổi chiều tà, hai người chẳng quản trời tối, đi thẳng tới cái bia ven cầu. Bằng vào phân tích khi trước, Tra Nghiêm Vân cẩn thận tìm tòi dấu vết.

"Lão Vương, mau nhìn. Tảng đá này có phải được phủ vữa gạo nếp hay không?"

Bởi vì thời xưa không có vật liệu xây dựng hiện đại như bây giờ, cho nên nhiều kẻ quyền quý đều trộn cơm nếp nấu chín, giã nhuyễn với một số vôi nung nóng tạo thành vữa. So với xi măng thời nay thì vữa bằng gạo nếp còn có độ bền chắc cao hơn gấp nhiều lần. Trong thôn tôi cũng đã từng phát hiện có một ngôi mộ cổ được xây bằng vữa gạo nếp, phải dùng thuốc nổ đế phá, đủ để thấy độ cứng cáp của thứ vật liệu này.

Manh mối này cũng không làm khó được năng lực khảo cổ của lão Vương, sau khi xác định chắc chắn là địa cung nằm ở nơi này. Tra Nghiêm Vân cùng lão Vương liền quay trở về nhà của tôi bàn bạc.

Từ sau chuyện con mèo mun, cha tôi nhiệt tình mời đội khảo cổ trú lại trong nhà, mọi người có gì cũng thuận lợi nhờ cậy.

Sáng sớm ngày thứ hai, lão Vương cử người đi mua vài thùng dấm chua, toàn bộ đều là thùng lớn. Rồi kéo đến vị trí cái bia nhỏ ven cầu, dùng gáo đổ dấm vào theo kẽ đá. Dần dần đá phía dưới tấm bia cũng giãn ra, chưa tới buổi trưa thì mọi người đã đào ra được một cái miệng hố lớn. Quả nhiên bên dưới là một kiến trúc cổ.

Lão Vương lại bảo thành viên trong đội mang tới một cái máy hút khí, đưa ống vào hút sạch không khí bên trong, để đề phòng có khí độc. Sau một giờ hút khí, lại buộc một con vịt vào một đầu dây, thả nó vào trong hố. Qua khoảng 20 phút thì kéo con vịt ra ngoài, nó không có gì khác thường. Lúc này tất cả mọi người mới an tâm đi vào, đi đầu dĩ nhiên chính là Tra Nghiêm Vân và lão Vương.

Được đèn của đội khảo cổ mang theo chiếu rọi, toàn cảnh nơi này dần hiện ra trong tầm mắt. Đây chính là một cái địa cung, cả khoảng không gian giống như một cái sân bóng nhỏ trong lòng đất, tất cả đều trống rỗng. Tới khi đèn chiếu lia qua vách tường, mọi người dường như đồng thời ngừng thở.

Một bức bức bích họa xuất hiện theo ánh đèn, giống như chiếm lấy toàn bộ không gian nơi này vậy. Lão Vương thấy vậy hết sức xúc động, đây quả thực chính là quốc bảo. Mọi người đều dè dặt nhấc chân lên, từng bước một tiến về phía trước. Quỷ mới biết, ở cái nơi cổ quái này có cạm bẫy gì hay không.

Cũng may là trong địa cung cũng không bố trí cạm bẫy gì khác, mọi người cũng yên tâm mà nhìn ngắm khung cảnh trên bức bích họa kia. Bức bích họa chia làm nhiều phần, phần đầu tiên có vẽ một con vượn ở trong một động khẩu, bức thứ hai là cảnh một người thanh niên gặp con vượn trong động, bức thứ ba vẽ cảnh người kia dập đầu trước con vượn. Cứ như vậy nối tiếp nhau tới tận bức tranh thứ hai đếm ngược là cảnh một lão già râu bạc cưỡi hạc bay về hướng tây, bức cuối cùng chỉ vẽ một cái quan tài.

Tra Nghiêm Vân nhìn một cái liền hiểu, sau đó hành lễ đệ tử trước bức bích họa, đây chính Đạn Tử hòa thượng trong truyền thuyết! Nguyên lai đó không phải là hư cấu, mà là thật. Ông cũng không kiềm chế được tâm tình kích động, run rẩy đi về phía sau bức bích họa.

Ở mặt còn lại đều vẽ hình ảnh một vị đạo sĩ hàng yêu trừ ma, mặc dù có chút khoa trương, nhưng là cũng khiến Tra Nghiêm Vân hiểu rõ tất cả đa phần đều đã diễn ra trong lịch sử.

Lão Vương lại chiếu đèn, đi tới gian phòng chính điện. Trong đó toàn bộ các mặt tường đều có vẽ Tam Thanh của Đạo gia. Ngoài ra trong phòng còn có một cái bàn đá thờ thần, trên bàn chỉ có một cái hộp gỗ, phủ đầy tro bụi.

Ánh mắt tất cả mọi người đều tập trung về cái hộp kia. Cả một địa cung rộng lớn như vậy, ngoại trừ bức bích họa kìa chỉ có một cái hộp nhỏ như vậy, trong đó là cái gì?

Sợ rằng giá trị của nó đều vượt qua tưởng tượng của mọi người.

Tra Nghiêm Vân cùng lão Vương gần như đồng thời đi tới, lão Vương đeo bao tay, đặt lên chiếc hộp. Tất cả mọi người đều vây quanh, kích động chờ thời khắc cái hộp được mở ra.

Ngay khi lão Vương định thần, Tra Nghiêm Vân lại đưa ra đề nghị dập đầu trước Tam Thanh.

Mọi người cũng thấy gần đây đã phát sinh nhiều sự kiện không giải thích được, cũng không dám thờ ơ, cung kính tế bái.

Từ bên ngoài thì có thể nhận ra cái hộp được làm bằng gỗ tử đàn, không có bất kỳ khóa hay móc gì, bên trên có chạm trổ bát quái, thái cực.

Tra Nghiêm Vân luôn cảm thấy có gì không ổn, nhưng cũng không biết nói thế nào, đành nhắm mắt suy tính.

Khoảng mười phút sau, lão Vương hết sức nóng ruột, cũng không nghe theo lời Tra Nghiêm Vân là phải cẩn thận, lập tức mở cái hộp ra.

Lập tức một đốm lửa bùng lên trong tay y, lão Vương theo bản năng buông cái hộp ra. Cái hộp liền rơi xuống đất, trong nháy mắt đã cháy sạch, chỉ còn lại là một đống tro tàn.

Thật ra thì cái này địa cung xây rất vững chắc, trong hộp chắc chắn có chứa lưu huỳnh và diêm tiêu, cho dù đã qua ngàn năm tính chất vẫn rất ổn định. Khi lão Vương mở hộp ra đồng thời kích phát cơ quan, dẫn tới nổ mạnh.

Tới giờ trong cái hộp này rốt cuộc là cái gì, sợ rằng chỉ có người vẽ bức bích họa kia biết được mà thôi.

Sau vài phút thất thần, lão Vương nhìn Tra Nghiêm Vân ủ rũ, cũng không dám nói lời nào. Dẫu sao đây cũng chính là di vật của bậc tiền nhân tu Đạo, là kẻ hậu bối sao lại không thấy tiếc nuối?

Mọi người sau đó cùng nhau khảo sát lại cả địa cung, rồi phân tích. Chỉ vài ngày sau thì tất cả đều sáng tỏ, giống với suy đoán của Tra Nghiêm Vân tám chín phần. Nơi này vốn là một đạo quan do Đạn Tử hòa thượng xây dựng, sau khi Đạn Tử hòa thượng quy tiên thì không hỏa táng, mà được chôn trong địa cung. Về sau Thanh Liên Giáo chiếm được nơi này, mở ra địa cung, lấy đi vật trong hộp, lại bỏ thuốc nổ vào đó.

Còn cái quan tài làm bằng Kim Ti Nam Mộc kia, người được mai táng trong đó tới ngàn năm cũng vẫn nguyên vẹn. Đây chính là thứ mà tới cả hoàng đế muốn tìm cũng không thấy, giáo chủ Thanh Liên Giáo sau khi phát hiện lập tức kéo thi thể của Đạn Tử hòa thượng ra. Cũng không biết có mục đích gì mà lại đưa thi thể của Đạn Tử hòa thượng giấu trong vách tường, còn mình sau khi chết thì để giáo chúng đưa vào quan tài, nằm lại trong đại điện.

Vì vậy trong thư gửi cho Nghiêm Vân, giáo sư Hà nói rằng thi thể nằm trong quan tài là từ thời Thanh. Mà cũng nhờ oán khí con mèo chôn cùng, giáo chủ Thanh Liên giáo lại có thể từ từ hấp thu long khí, hóa mình thành yêu, một lần nữa tồn tại trên thế gian.

Còn về vật trong hộp, mọi người nghe Tra Nghiêm Vân kể lại truyền thuyết, đều phỏng đoán đó chính là 《 Như Ý Sách 》 Còn về tung tích của nó, sợ rằng còn phải phá giải một số đoạn chữ viết trên tường mới biết được.

Dựa theo phân tích này, hai luồng lực lượng trong miếu chính là của Đạn Tử hòa thượng và Thanh Liên giáo chủ. Sau đêm đại chiến với con mèo, Tra Nghiêm Vân đã phá đi tà khí trong miếu, hẳn giờ trong miếu cũng chỉ còn sót lại một phần lực lượng thuộc về Đạo gia.

Tra Nghiêm Vân lập tức quyết định, đêm đó đưa tất cả mọi người bị bệnh, cũng bao gồm cả tôi, đưa vào trong miếu. Ông bày pháp đàn, thỉnh cầu tổ sư hóa giải tà khí trên người chúng tôi. Nhắc tới cũng quái, sau khi chúng tôi dập đầu với bức tường có cái kén hình người kia thì đều cảm thấy khoan khoái dễ chịu, tới ngày hôm sau thì khỏi hẳn.

Những bức bích họa trong địa cung thì được tỉnh ra chỉ thị đưa về viện bảo tàng, địa cung cũng được giữ nguyên vẹn, giao cho địa phương quản lý, còn miếu Tướng Quân cũng bị khóa lại. Sau đó người trong vùng đều biết truyện, thường xuyên tới miếu thắp hương. Tỉnh cũng cho đội khảo cổ khảo sát, trùng tu lại miếu. Tới nay đã trở thành một điểm thu hút du khách, thường xuyên có người tới thắp nhang, cầu bình an.

Tra Nghiêm Vân vẫn còn rất nhiều nghi ngờ trong lòng, ông mang theo chúng trở về quê. Chuyện về miếu Tướng Quân tạm thời coi như chấm dứt.