Gia đình ngoại em chuyển về ở một vùng ven biển. Ở đây người dân sống thật thà chất phác. Ai cũng yêu quý và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Cạnh nhà em có cô nuôi Hiếu đang nuôi con nhỏ. Cô thấy em tội nghiệp nên còn cho em bú nhờ. Em từ bé không được bú mẹ nên cứ mím miệng không chịu bú. Cô còn vắt sữa ra bát để bà đút em từng thìa. Và theo đó em lớn dần lên cùng từng thìa sữa của cô Hiếu.
Em được 8 tháng nhưng vẫn nhỏ tí xíu chứ không mập mạp như bạn Tít nhà cô Hiếu. Em không lẫy, không bò cũng không ngồi được như Tít. Bà ngoại em lo lắng em bị chậm phát triển nên ôm em đi khám. Bác sỹ nói em sinh non nên yếu ớt hơn các bạn và yêu cầu tiếp tục theo dõi.
Cô Hiếu thấy em còi cọc, da dẻ vẫn tróc từng mảng như em bé sơ sinh cũng lo lắng: con Thảo Nguyên nó khó nuôi như vậy hay bà thử gửi lên miếu bà ở gần đây xem có dễ nuôi hay không?
Bà em nghe vậy giận lắm: cháu tôi thì tôi nuôi chứ mắc mớ gì phải gửi lên miếu hả cô?
Cô Hiếu đáp: cu Tít nhà con hồi bé khó nuôi lắm, con nghe người ta mách cũng gửi lên chùa . Trộm vía thằng bé ngoan hẳn ra mà lại dễ nuôi bà ạ. Bà xem nó 10 tháng mà bụ bẫm lại chạy lon ton rồi đây này.
Bà chỉ biết thở dài nhìn em. Tuy nhiên bà không muốn gửi em lên chùa.
Ngày em một tuổi, cơ thể em có sự biến đổi lạ kì làm ai nấy đều ngạc nhiên. Trước tiên là da em mịn màng không còn tróc mảng như trước nữa.
Mấy cô hàng xóm thấy vậy hỏi bà tắm cho em bằng nước gì mà da tôi khỏi còn nhẵn mịn như thế? Bà em đáp bà chỉ dùng chanh tắm đều cho em từ lúc sinh ra tới giờ chứ không dùng thêm thứ gì khác. Dì Lệ thì bảo do dì xin nước phép ở khe suối tiên trên chùa về tắm cho em nên da em mới đẹp như thế.
Dì em nói vậy làm mọi người cũng bán tín bán nghi. Dì giải thích: tại cúng mụ cho Thảo Nguyên rơi trúng ngày giỗ của bố mẹ nên gia đình em làm trên chùa. Thầy chùa làm lễ khai hoa và cho chai nước phép về tắm cho bé.
Bà ngoại nghe nhắc tới bố mẹ em thì mặt buồn đi trông thấy. Bà khẽ quay đầu đi che giấu giọt nước mắt đang ngân ngấn nơi khoé mi. Mấy cô hàng xóm dường như hiểu chuyện nên cũng về nhà tránh làm bà xúc động.
Em bắt đầu biết cười và nói chuyện với mọi người. Nói chuyện là chỉ mọi người gọi em nghe và phản ứng quay lại hay nhoẻn miệng chứ em chưa nói được như bạn Tít. Đó cũng là sự thay đổi lớn của bản thân em bởi trước đó em không hề phản ứng, không cười đùa bình thường như những đứa trẻ khác. Bà em lo em có lẽ do sinh non nên mắt tai và não đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lúc thấy em cười với thầy chùa bà với dì Lệ còn khóc vì quá đỗi vui mừng.
18 tháng em mới tập đứng để bước đi những bước đầu đời. Bà kiên trì bên em dạy theo em từng bước. Ba tháng sau em cũng đi được như bao bạn khác nhưng em không chịu nói chuyện. Mắt em lại yếu, nếu gặp ánh nắng quá chói liền chảy nước mắt nên bà hạn chế cho em ra ngoài. Bác sỹ khuyên nên tập dần cho em thích nghi thì mắt sẽ điều tiết tốt hơn và quen dần với ánh sáng.
Em lên hai tuổi thì đi vững, không còn ngã như trước nữa. Tuy nhiên từ khi hơn 2 tuổi em lại ghi nhớ rất tốt. Những thứ gì em đã nhìn qua một lần hoặc ai em gặp một lần em đều nhớ rất rõ. Điển hình là việc dì Lệ em thu tiền học sinh và bị mất cắp. Hôm ấy dì em dạy một nhóm học sinh ở nhà bác Hoà. Nhà không có người trông nên dì dẫn cả em đi dạy học.Em nhìn thấy anh Kiên con bác Hoà lẻn về phía sau nhà. Lúc sau em lại thấy anh Toàn cũng đi theo anh Kiên. Khi dì nói mất tiền hỏi các anh nhưng ai cũng không chịu nhận. Dì hỏi ai ra khỏi lớp thì chỉ có anh Kiên đứng lên nhận là rời khỏi lớp ra sau nhà còn anh Toàn thì ngồi yên không nói gì. Bác Hoà tức giận vì dì mất tiền ở nhà mình thấy vậy nên tát cho anh Kiên một cái rồi tra bắt anh khai giấu tiền của dì ở đâu? Anh nhất quyết không nhận.
Bên tai em có tiếng thì thầm: thằng Toàn nó lấy đấy. Nó giấu ở cây dừa phía sau bếp. Mau bảo cô Lệ đi không mẹ anh đánh oan thằng Kiên
Em mỉm cười với anh vừa nói cho em nghe rồi đi về phía dì Lệ chỉ anh Toàn mà bảo: dì Lệ, anh Toàn lấy tiền của dì.
Lúc bấy giờ dì ngạc nhiên lắm. Anh Toàn thì đứng bật dậy cãi: em không lấy trộm, con bé này nó nói láo.
Dì bảo em: con ngồi chơi đi, con không được nói anh như thế.
Em đáp: anh bảo anh Toàn giấu tiền ở cây dừa.
Mặt anh Toàn bắt đầu tái đi. Mọi người nhìn vậy cũng đoán ai là thủ phạm nào. Dì Lệ bèn bảo: được rồi, con đừng nói vậy sẽ là đứa trẻ hư, không ai yêu đâu.
Cái anh ban nãy lắc đầu bảo em: em dẫn cô đi lấy tiền về.
Vậy là em nói theo và dẫn dì ra tận chỗ giấu tiền ở phía sau bếp nhà bác Hoà. Quả nhiên tiền của dì được cuộn tròn nhét trong cái bẹ dừa sau bếp. Dì không tra chuyện đó mà chỉ nhắc nhở các anh không nên trộm cắp vì như thế là hư. Bác Hoà thì thắc mắc: sao con Nguyên lại biết chỗ giấu tiền? Từ lúc tới đây nó toàn ngồi ở đây mà.
Em đáp: là anh chỉ cho cháu.
Bác Hoà ngạc nhiên: anh nào?
Em đáp: anh lớn mặc áo xanh đây này. Anh đi chơi rồi.
Dì Lệ và bác Hoà đưa mắt nhìn nhau đầy thắc mắc. Bác Hoà gặng hỏi: cháu biết anh là ai không?
Em đáp: là anh lớn như anh Kiên.
Bác Hoà nghe vậy vội hỏi tiếp: cháu thấy anh ở đâu?
- Anh đứng cạnh cháu. Anh đi chơi rồi.
Dì Lệ vội nói: chắc con Nguyên nhìn thấy em Toàn giấu tiền vào đó chứ ở đây làm gì có ai khác đâu chị? Chị đừng quan tâm tới lời con bé. Nó mới hơn 2 tuổi thôi mà.
Bác Hoà dường như bỏ ngoài tai lời dì Lệ nói. Bác vào nhà ôm một cuốn an bum ảnh ra chỉ vào một tấm hình có 6 anh chụp ở biển và hỏi: anh nào vừa chỉ cho cháu biết chỗ giấu tiền?
Em chỉ luôn vào một người trong ảnh và bảo: là anh này. Anh ấy mặc áo xanh.
Bác Hoà oà lên khóc. Dì Lệ ngạc nhiên bèn hỏi: có chuyện gì vậy chị?
Bác đáp: là thằng Hải con trai tôi, anh trai thằng Kiên.
Dì Lệ ngạc nhiên: chị còn con trai nữa sao? Sao em không biết?
Bác đáp: nó mất 4 năm nay rồi. Nó vẫn theo chúng tôi cô giáo ơi.
Dì em lắp bắp: chuyện...chuyện này sao có thể chứ? Sao con Nguyên lại nhìn thấy cậu ấy? Có...có phải là ...là trùng hợp không chị?
Bác Hoà lắc đầu, nước mắt lã chã rơi: không đâu, tôi vẫn mơ thấy nó về cô ạ. Lần nào về nó cũng mặc áo xanh. Con bé con này nói không sai đâu.
Dì Lệ lấy cuốn album lật một tấm khác hỏi: con cho dì biết có anh lúc nãy ở đây không?
Em nhìn vào rồi lắc đầu: không có anh.
Rồi em lật cuốn album tìm tấm khác có anh ấy và chỉ đúng người. Dì em tới mức ấy thì sốc lắm. Dì hết nhìn em rồi lại nhìn bác Hoà. Bác đáp: cũng không lạ đâu cô giáo, trẻ con thường thấy những thứ mà người lớn không thể thấy. Tuy nhiên cháu Nguyên có trí nhớ đặc biệt, sau này lớn lên chắc cháu sẽ rất thông minh.
Sau khi dì phát hiện ra em có khả năng ghi nhớ tốt và đặc biệt hơn em có nhìn thấy con trai của bác Hoà thì lo lắng lắm. Dì kể cho bà ngoại nghe mọi chuyện xảy ra. Bà vốn dĩ không tin mấy chuyện ma quỷ nên nghe dì nói vậy liền mắng át đi. Sau đó bà cấm dì không được cho em theo sang nhà bác Hoà nữa.
Một ngày hè, khi ấy em gần 3 tuổi; em tha thẩn chơi ở góc đường với Tít và mấy anh lớn hơn thì có một chú lại gần. Chú ấy hỏi em đường về nhà cô Hiếu, chính là nhà của Tít. Em chỉ tay về phía Tít bảo chú ấy: mẹ của Tít là cô Hiếu.
Tít vẫn chơi với các anh, em gọi: Tít, chú tìm mẹ Tít này.
Mấy anh hàng xóm ngước lên trêu em: Nguyên ơi, ở đây làm gì có chú nào? mày bị ma hỏi đường rồi.
Em quay lại nhìn thì thấy chú ấy đang trợn mắt nhìn mấy anh lớn kia. Ánh mắt chú ấy đáng sợ làm em phát khóc. Một anh thấy vậy liền hỏi: mày sao lại khóc thế Nguyên?
Em lắc đầu rồi co chân chạy lại phía Tít. Lúc sau em lại len lén nhìn thì thấy chú ấy cười rồi bước đi luôn. Lúc chú ấy xoay người em mới thấy phía sau đầu chú ấy bị thương, máu đang chảy thấm đẫm xuống lưng áo. Lúc ấy em sợ lắm và đến giờ vẫn còn sợ máu như vậy.
Chơi một lúc ở đó thì các anh kéo nhau về hết. Em với Tít cũng đi về. Lúc tới cổng em thấy chú khi nãy đang đứng trong sân nhà Tít. Em sợ lắm muốn hét lên thì dì Lệ đi làm về hỏi: sao hai con chạy ra ngõ chơi mà không sợ ông ngáo ộp hả?
Em quay lại nhìn dì rồi chỉ tay về nhà Tít: cái chú kia hỏi nhà cô Hiếu kìa dì?
Dì Lệ nhìn sang sân cô Hiếu rồi vội vàng kéo em với Tít vào nhà. Dì bảo: hai đứa ở yên trong này chơi, không được phép ra ngoài nữa,dì cho ăn quà.
Dì Lệ thắp hương ban thờ bố mẹ rồi lấy gói bánh xuống bóc cho em với Tít ăn. Dì vào thì thầm với bà ngoại mấy câu rồi đi nấu cơm. Bà ngoại nghe dì nói thì xuống bếp bê rổ hành tỏi lên ngồi chơi bóc ngay ở cửa nhà. Em nhớ bà dặn hai đứa không được ra ngoài chơi kẻo bị người xấu bắt bán đi Trung Quốc.
Mấy ngày hôm sau dì Lệ không cho em ở nhà 1 mình nên chở em tới trường chơi với các anh chị. Dì cho em cái bảng với cục phấn để em ngồi vẽ khi các anh chị học bài. Giờ ra chơi em cũng ra sân đứng xem các anh chị chơi. Dì dặn em ở lớp không được tự ý đi chơi kẻo bị ông ngáo ộp bắt đi. Em cũng không biết ông ngáo ộp là ai nhưng dì doạ thì cũng sợ nên không tự ý ra ngoài. Một lúc sau có chị đi giặt giẻ lau bảng rủ em đi em lại theo các chị đi ngay mà quên lời dì dặn.
Trường dì dạy có chỗ giặt giẻ lau bảng ở tận khu nhà vệ sinh. Đó là cái bể chứa nước làm ngăn hai bên, một bên sang nhà vệ sinh nam, một bên sang nhà vệ sinh nữ. Lúc các chị về lớp học thì em lén chạy quay lại bể vì em thích nghịch nước. Em bắt chước mấy chị cũng cúi múc nước giặt giẻ lau bảng. Đáng tiếc em ngã nhào xuống bể nước mà không kịp kêu lên tiếng nào. Cái bể nước không to và không nhiều nước nhưng em lại không thể lên được. Em vùng vẫy ở trong ấy một lúc rồi lịm đi. Một lúc sau dì không thấy em mới chạy đi tìm. Dì thấy em trong bể nước vội vàng sơ cứu rồi đưa đi cấp cứu ở trạm xá. Bà y sỹ kiểm tra cho em rồi nói không cứu được nữa vì đuối nước quá lâu rồi. Dì gào lên rồi bế em lên điên cuồng lắc mạnh người em bắt em tỉnh lại.
Mọi người khuyên dì bình tĩnh đưa em về lo hậu sự nhưng dì không chịu. Dì cứ dốc đầu em xuống mà lắc rồi lại thả em nằm trên bàn mà sơ cấp cứu liên tục. Bà y sỹ lắc đầu: con bé chết rồi, cô đừng cố nữa.
Dì Lệ tức giận: không...con bé không chết. Con bé chỉ là chưa tỉnh thôi. Dì bế em chạy lao ra ngoài hô lên: mau...mau chở tôi đi viện. Tôi phải đi gặp bác sỹ cứu lấy con bé.
Đồng nghiệp của dì e ngại nhìn nhau nhưng cũng đi ra lấy xe. Bà y sỹ lắc đầu: con bé chết rồi, đường từ đây lên viện cả hai chục cây số, tới đó cũng cứu không nổi đâu. Cô cho con bé về nhà thì hơn.
Dì quyết không nghe cứ ôm em một mực đi viện. Dì vừa khóc vừa gọi: con tỉnh dậy cho dì, nhất định phải sống, con mà không tỉnh dậy dì đánh con.
Dì nói rồi tay vỗ liên tục lên mông, lên lưng em. Rồi dì ôm em quỵ xuống ngay cổng trạm xá. Bà ngoại em cũng chạy lên tới đó. Bà lao vào giật lấy em từ tay dì mà hét lên: Nguyên, dậy đi con. Bà mua váy công chúa cho con đây này. Dậy đi, về còn làm sinh nhật con ơi.
Vâng, đó là ngày sinh nhật em 3 tuổi. Bà bế em lấy cái nón che mặt cho em rồi về nhà. Bà vừa đi vừa nghẹn ngào nói: cháu sợ nắng bà che cho cháu, về tới nhà hết nắng cháu mở mắt ra ngồi nói chuyện với bà biết chưa? Cháu ngoan rồi tối còn đi mời các bạn trong xóm tới sinh nhật. Bà còn mua cả bánh gato nữa...
Ai nhìn cảnh khóc lóc ấy cũng thương tâm.
Bà đi trước, dì lẽo đẽo theo sau. Mấy cô chú dạy cùng dì cũng dắt xe đi theo bà về nhà.
Và đúng như lời bà dặn dò, về tới nhà em đã tỉnh dậy thật. Chuyện lạ như một phép màu của bà tiên ông bụt trong truyện cổ tích. Bà với dì em bất ngờ và hạnh phúc gào khóc ầm ĩ. Em thì ho sặc sụa rồi ngơ ngác chẳng hiểu sao nhà mình nhiều người thế. Bà và dì ôm lấy em cứ thế mà khóc. Vậy là đúng ngày 30/9 em lại được sinh ra một lần nữa.
Sau vụ em từ quỷ môn quan trở về bà ngoại dắt em lên miếu bà gửi làm dì Lệ và hàng xóm đều ngạc nhiên. Bà bảo: thì con bé khó nuôi, tôi nghe lời mọi người gửi nó lên miếu bà.
Ngày bà ngoại dắt em lên miếu bà em sợ lắm vì em nghĩ bà không thương em nữa nên mang em đi bỏ. Dì Lệ cứ khóc lóc nói rằng chỉ làm lễ gửi miếu bà rồi mồng 1, ngày rằm sắm lễ lên miếu cúng là được nhưng bà nhất quyết không nghe. Bà nói em phải ở lại miếu khi nào lớn qua 7 tuổi muốn ở đâu thì ở.
Chẳng biết bà đã gửi gắm với sư thầy trên miếu từ khi nào mà thấy em đến thầy vui vẻ ra đón. Thầy lấy tay đặt lêи đỉиɦ đầu em mà bảo: công chúa ngoan lắm! Con ở đây với thầy, thầy dạy con học làm người.
Em gào lên chạy lại ôm lấy bà ngoại. Bà cũng khóc. Bà đẩy em về phía thầy rồi chạy vội ra cổng.