Nó rít một hơi, nhắm mắt ngửa cổ nhả khói lên trần nhà với phong cách rất ư là nghệ sĩ, rồi gật gù:
- Lớp mình có một viên ngọc quý.
Biết thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn khoái mào đầu theo kiểu lửng lơ, ba đứa tôi im lặng nhìn nó, nín thở chờ nó nói tiếp.
Thọ quét mắt một vòng, chậm rãi:
- Thằng Lợi chính là viên ngọc quý đó.
Sơn chớp mắt:
- Tại nó học giỏi văn hở mày?
- Chính xác! – Thọ gật đầu, nó nheo mắt nhìn bọn tôi – Tụi mày có biết tại sao học giỏi văn là viên ngọc quý không?
Hòa gãi cổ:
- Vì mai mốt nó sẽ trở thành Khải Hưng, Thạch Lam…
Thọ đập tay xuống mặt bàn đánh chát khiến ba đứa tôi giật bắn. Nhưng không phải nó nổi giận mà đó là hành động bày tỏ sự tán thưởng với câu trả lời của thằng Hòa:
- Mày nói đúng lắm, Trầm Mặc Tử! Hòa chưa kịp toét miệng sung sướиɠ, Thọ hùng hồn giải thích:
- Thằng Lợi có mọi phẩm chất để trở thành một nhà văn lớn trong tương lai, nhưng với điều kiện ngay từ bây giờ nó phải được nuôi dưỡng trong bầu không khí văn chương sôi động.
Tôi hiểu ngay ý Thọ:
- Mày muốn rủ nó gia nhập bút nhóm?
- Đúng vậy! – Thọ huơ điếu thuốc vẽ một vòng tròn lập lòe trong không trung, nãy giờ mải bận bịu chuyện kết nạp thành viên, nó quên bẵng việc ép tụi tôi hút thuốc lá. – Mặt khác, bút nhóm tụi mình cũng cần một cây bút như nó. Bọn mình chỉ rặt thi sĩ, cần bổ sung một văn sĩ cho nó… cân đối!
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Lúc Thọ quyết định thế, Lợi chưa khác lên người cái bút danh mỹ miều Mã Phú.
*
* *
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn uốn ba tấc lưỡi để thuyết phục “viên ngọc quý” nhưng xem chừng “viên ngọc quý” vẫn e dè. Chỉ đến khi Thọ trưng ra cuốn sổ sáng tác của bút nhóm Mặt Trời Khuya thì Lợi mới lung lay.
Hôm đầu tiên ôm cuốn sổ về nhà, Lợi giữ ba ngày, đến ngày thứ tư nó đem lên trả. Thọ cầm lấy cuốn sổ, mắt sáng trưng. Nhưng sau khi lật tới lật lui, chẳng thấy chữ nào của thằng Lợi, Thọ sầm mặt:
- Sao thế mày?
Lợi nhìn xuống đất:
- Tao chẳng biết viết gì.
Tôi đứng bên cạnh, ánh mắt đi qua đi lại giữa Tho và Lợi một cách lo lắng, thấp thỏm chờ thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn thốt ra tiếng “Ngu!” quen thuộc.
Nhưng khác với điều tôi chờ đợi, Tho không mắng Lợi, cũng có thể muốn mắng lắm nhưng nó kềm lại được. Dẫu sao Lợi cũng là học trò mới, không phải bạn bè than thiết như tôi, Sơn hay Hòa mà muốn nặng lời lúc nào cũng được. Chưa kể, bút nhóm Mặt Trời Khuya đang thiếu văn sĩ trầm trọng, Thọ không muốn làm mếch lòng Thạch Lam tương lai.
- Mày cầm về đi! – Sau một lúc ngẫm nghĩ, Thọ giúi cuốn sổ vào lại trong tay Lợi, tặc lưỡi – Chừng nào viết được gì đó, mày hãy trả cho tao!
Lợi không chịu cầm lấy cuốn sổ. Nó nhìn thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn bằng ánh mắt van nài:
- Nhưng tao…
- Không “nhưng” gì hết! – Thọ nhún vai, một cử chỉ cho biết còn lâu thằng Lợi này mới hòng từ chối được – Mày cứ nghe tao đi. Tao biết mày là đứa có tài.
Thọ đập tay lên vai Lợi, động viên:
- Tao biết mày viết được mà. Mày viết thể loại nào cũng được. Thậm chí mày có thể sáng tác truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện trinh thám… Tùy!
- Viết đi, Lợi! – Tôi phụ họa – Tao học văn giỏi như mày, tao sáng tác truyện từ khuya rồi!
Hai đứa tôi đã nói đến nước đó, Lợi không thể không nghe.
Nó nhăn nhó cầm cuốn sổ nhét vào túi xách, chép miệng:
- Được rồi. Tao sẽ cố!
*
* *
Để thằng Lợi toàn tâm toàn ý hơn nữa cho việc sáng tác, hôm sau Thọ xin cho nó vào ban báo chí của lớp và của trường.
Lợi đồng ý ngay, nhưng cuốn sổ các-nê thì nó vẫn giữ rịt.
Bọn tôi hỏi thì nó bảo đang viết. Hỏi viết gì thì nó không nói.
Lợi cũng chẳng chịu nghỉ học tiết sinh vật để “đi làm báo” với bọn tôi.
Tôi kéo tay nó, nó trì lại, bảo:
- Tao thích học.
- Kệ nó đi! – Thọ hất đầu ra hiệu cho tôi – Nó không thích nghỉ học thì thôi.
Trong thời gian đó, bọn tôi phải lo dàn xếp những chuyện rắc rối xảy ra với các nàng thơ nên mặc Lợi muốn làm gì thì làm, kể cả chuyện gai mắt nhất là nó không thèm nghỉ tiết sinh vật của cô Hiền như bọn tôi.
Rắc rối đầu tiên đến từ Thỏ Con.
Một chủ nhật nọ tôi rủ thằng Hòa đến nhà Thỏ Con chơi, mối tới đầu ngõ đã thấy trong nhà nó thấp thoáng mấy đứa con trai lạ mặt.
Thỏ Con đang ngồi tiếp chuyện vui vẻ với đám này, nhác thấy tôi và Hòa, nhanh nhảu chạy ra mời hai đứa tôi vô.
Chiếc bàn khách nhà nó có bốn chiếc ghế. Thỏ Con ngồi một chiếc, ba người khách của nó ngồi ba chiếc, tôi và Hòa phải đặt mông ngồi ké trên bộ ván kế đó.
Nhưng chuyện đó không làm tôi bực mình bằng chuyện mấy tên kia cứ thản nhiên buông lời tán tỉnh Thỏ Con, coi tôi và Hòa như hai cục gạch không có khả năng hiểu bọn họ nói gì.
Ba anh chàng này cũng là dân thị trấn, con ông A ông B ông C, Thỏ Con giới thiệu thế. Tôi biết ông A, ông , ông C nhưng không biết con của họ. Cả ba đều trạc mười tám tuổi, học lớp mười hai ngoài thành phố, do thị trấn quê tôi chưa mở cấp ba.
Suốt nửa tiếng đồng hồ dộng vô tai tôi toàn những câu khó nghe kinh khủng:
- Anh thấy em càng lớn càng xinh!
- Hôm nào đi Tiên Nông chơi với bọn anh nhé!
Toàn những lời nhố nhăng vậy mà Thỏ Con cứ ngồi toét miệng ra cười làm tôi sôi máu.
Tôi kéo tay Hòa:
- Xuống nhà dưới ngồi chơi!
Hòa chắc cũng đang bất bình giùm tôi. Tôi vừa mở miệng, nó đứng bật dậy ngay. Hai đứa đùng đùng kéo nhau xuống nhà dưới, chẳng thèm nói tiếng nào với Thỏ Con và ba vị khách.
Tôi ngồi trên võng, nó ngồi trên chiếc chõng tre, chìa hai bộ mặt hầm hầm vào mắt nhau như xem thử đứa nào xịt khói ra đằng mũi trước.
Một lát, Thỏ Con chạy xuống:
- Sao hai bạn ngồi đây?
Tôi cáu:
- Muốn tụi này đi về hả?
- Ơ…
Thỏ Con ngân lên một tiếng ngân dài.
- Ơ gì mà ơ? – Tôi cay đắng – Hay bạn muốn tụi này ở lại nghe mấy tay kia tán nhăng tán cuội?
- Người ta nói gì kệ người ta chứ! – Thỏ Con đỏ mặt – Tôi có thích nghe đâu!
- Không thích mà ngồi nhe răng ra cười như đười ươi!
- Lịch sự mà!
- Hừ, lịch sự! Đồng lõa thì có.
Thỏ Con có vẻ muốn chuộc lỗi với tôi. Nó ngồi lì ở nhà dưới, bỏ mặt ba vị khách loay hoay trên kia.
Tôi hơi nguôi nguôi được một chút, chợt nhớ một chuyện liền đưa mắt nhìn quanh:
- Ba mẹ bạn đâu?
- Đi vắng rồi.
- Thế còn Út Năm?
- Em mình qua nhà bạn. Tôi cắn môi, nghe máu nóng bốc lên đầu:
- Thế là bạn rủ bọn người kia đến nhà?
Bạn nói bậy! – Thỏ Con nhăn mặt – Tôi không thèm nói chuyện với bạn nữa!
Nói xong, nó quay mình chạy lên nhà trên.
Hành động của Thỏ Con chẳng khác gì đổ dầu vô lửa. Tôi đứng phắt lên khỏi võng, đá chân vào chân Hòa:
- Về!
*
* *
Đi một quãng xa, đầu tôi từ từ nguội dần. Gió ngoài đồng trống thổi mơn man đầu cổ tóc tai giúp tôi bắt đầu nhận ra trí thông minh của tôi vừa rồi đã bị cơn nóng giận làm cho vón cục lại.
Tôi liếc thi sĩ Trầm Mặc Tử đang trầm mặc bên cạnh, tặc lưỡi:
- Bậy quá mày!
- Ờ, Thỏ Con bậy thiệt! – Hòa phụ họa.
- Không! Tao bậy chứ không phải nó!
Hòa trố mắt như thể tôi vừa nói tiếng Ấn Độ. Tôi thở dài: