Lá Nằm Trong Lá

Chương 13

Đêm đó, tất nhiên thi sĩ Trầm Mặc Tử tắm rửa sạch sẽ, thậm chí kỳ cọ đến tróc cả da trước khi leo lên ghế xếp để tiếp tục tắm mình trong một cơn mưa khác, lần này ít tồi tệ hơn vì chính nó là người làm ra mưa.

Như đã nói, bữa đó Hòa câm nín đến tận nhà, chỉ khi sắp trèo lên ghế xếp, nó mới kéo tôi ra trước hiên, rít khẽ:

- Cấm mày kể chuyện này với ai đấy nhé!

Tuy Hòa chỉ dặn dò đơn giản như vậy nhưng qua vẻ mặt lẫn quai hàm đang nghiến chặt của nó, tôi hiểu thông điệp giấu đằng sau có ý nghĩa là “Nếu không tao sẽ gϊếŧ mày!”.

Dĩ nhiên tôi đâu có ngu. Tôi kể chuyện xấu của Hòa ra làm chi. Hơn nữa, tình bạn giữa tôi và nó không cho phép tôi làm chuyện ngốc nghếch đó.

Người xì ra chuyện là Cúc Tần. Nó nói với tụi Hạt Dưa, Xí Muội, Thỏ Con là ngay lần hò hẹn đầu tiên giữa nó và thằng Hòa chỗ đống rơm, ba nó đã hay biết.

Ba nó biết chỉ do tình cờ. Tối đó, ba nó đứng trước ngõ nói chuyện với hàng xóm, đột nhiên thấy ánh đèn pin chớp lóe bên ngoài hàng rào. Tưởng ai đi ngoài đường nhá đèn, ba nó không để ý nhưng ngay sau đó thấy Cúc Tần trong nhà rón rén đi ra, ông bắt đầu sinh nghi.

Ông sè sẹ bước lại gần đống rơm, dĩ nhiên hai đứa đại ngu là thằng Hòa và con Cúc Tần không hay biết gì. Bữa đó thấy hai đứa nó chỉ ngồi trò truyện suông nên ông không ra tay, nếu tụi nó lỡ dại ôm nhau một cái chắc thằng Hòa chỉ có bò về nhà.

Tất nhiên, con Cúc Tần chỉ biết được chuyện đó vào tối hôm qua, khi thi sĩ Trầm Mặc Tử lại đánh tín hiệu lần nữa. Được Hòa thông báo trước trên lớp, tầm tám giờ Cúc Tần bắt đầu lảng vảng trước sân, không biết kể từ hôm bắt quả tang nó hẹn hò với thằng này tối nào ba nó cũng vờ ra đầu ngõ ngồi hóng mát với mục đích không nói thì ai cũng biết là phục kích hai đứa nó.

Lần này, khi tín hiệu hắc ám của thằng Hòa vừa lọt vào mắt, ông liền đứng bật lên khỏi chiếc đòn kê chạy lại nắm tay con gái kéo sềnh sệch vào nhà trước khi nó kịp mon men lại chỗ hàng rào. Hẳn nhiên, lúc đó hồn vía con Cúc Tần đã đi ăn giỗ tận đâu, mặt nó thoắt đổi sang màu lông chuột, tay chân đột nhiên yếu ớt và không còn chút hơi sức: ba nó lôi nó như lôi một bao gạo nhưng nó tuyệt không có phản ứng gì, cả bằng hành động lẫn lời nói.

Sau khi quát đứa con, bắt nó ngồi yên trong nhà, ba nó hùng hổ vòng ra sau hè truy bắt tội phạm. Con Cúc Tần kể với tụi bạn là lúc đó trái tim nó hoàn toàn ngừng đập, nó ngồi trên ghế có cảm tưởng đang ngồi trên bếp lò, có thể cháy thành than bất cứ lúc nào.

Tất nhiên trong hàng chục kịch bản mà sự sợ hãi có thể nghĩ ra, Cúc Tần không bắt gặp hình ảnh nào giống với sự trừng phạt mà ba nó đã dành cho thằng Hòa vào tối hôm đó.

Tất nhiên ba nó không hề hé môi với con gái về hành động quỷ quái của mình, có lẽ vì ông sợ nhỡ con gái ông đem lòng yêu thương sâu đậm đứa con trai thì tình cha con rất có thể sẽ rạn nứt thê thảm nếu Cúc Tần biết được người đẻ ra mình đã làm gì với người sẽ đẻ ra những đứa con của mình.

Sự cẩn thận lo xa của ba con Cúc Tần cũng là điều may mắn của thằng Hòa.

Bốn nàng thơ xúm lại vây quanh nó, mỗi đứa hỏi một câu:

- Tối qua ba tôi nói gì với bạn vậy?

- Ổng nó bằng “đả hổ cước” hay “giáng long chưởng”? - Nói thiệt đi! Xương sườn ông giờ còn mấy cái?

- Ông thử đi mấy bước cho tụi này coi chân ông có bị cà nhắc không?

Thằng Hòa khẽ liếc tôi, gượng cười: - Có gặp mặt đâu! Tôi đứng ngoài hàng rào, chưa kịp nhúc nhích, thấy có bóng người lêu nghêu đi tới là tôi bỏ chạy liền!

Xí Muội từ khi đóng vai Mã Phú, lập tức được ái mộ cuồng nhiệt. Mặc dù khi tụi bạn trong lớp hỏi Mã Phú có phải là nó không, bao giờ nó cũng cười cười nói không phải.

Nhưng sự phủ nhận kèm theo nụ cười lại rất giống với sự hân hoan thừa nhận. Cho nên cứ vài ba hôm không thấy văn sĩ Mã Phú viết tiếp câu chuyện về chàng chăn ngựa, các độc giả trung thành lại tìm đến Xí Muội để thúc giục, năn nỉ.

Xí Muội lại phải gặp thằng Lợi.

Câu chuyện của Lợi ngày càng hấp dẫn, đến mức ngay cả thằng Thọ cũng tấm tắc:

- Không ngờ thằng pê-đê này viết truyện được quá!

Từ “viên ngọc quý” đến “thằng pê-đê”, thái độ của Thọ đối với Lợi quay phắt 180 độ nhưng nó vẫn cần đến văn sĩ Mã Phú để đánh bóng tên tuổi bút nhóm Mặt Trời Khuya. Trong những ngày này, Thọ cũng đang nghĩ đến chuyện thuyết phục thầy hiệu trưởng cho đăng truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua vào đặc san Mùa Hè sắp tới.

Bây giờ không chỉ tụi bạn lớp tôi mà tụi học trò các lớp khác trong trường cũng tích cự truy lùng và hỏi mượn cuốn sổ các-nê của bọn tôi để theo dõi câu chuyện thơ mộng giữa chàng chăn ngựa nghèo khổ và nàng công chúa kiêu sa.

Trong câu chuyện của Thọ, có vẻ như nàng công chúa càng này càng mến chàng trai bần hàn, và tụi con trai con gái mới lớn lại có dịp ca ngợi sự kỳ diệu của tình yêu bằng cách không ngừng ra rả câu hát sến chảy nước: “Ta yêu nhau không kể giàu nghèo”, dù cho đến lúc này văn sĩ Mã Phú vẫn chưa động bút đến chuyện yêu đương trong các trang viết của mình.

Nhưng các độc giả của nhà văn quả quyết những chi tiết trong truyện chính là biểu hiện của tình yêu, những đứa quá khích thậm chí còn cá với nhau sớm muộn gì chàng chăn ngựa cũng sẽ trở thành phò mã, nếu không như vậy tụi nó sẵn sàng quét lớp cho những đứa thắng cuộc suốt một năm!

Tôi không biết thằng Lợi đang nghĩ gì trong đầu, rằng nó có sẽ để cho tình bạn đẹp đẽ giữa công chúa và chàng chăn ngưa nảy nở thành tình yêu vào một ngày đẹp trời nào đó hay không, nhưng tôi thầm công nhận những trang văn tuyệt vời của nó vẫn lấp lánh báo hiệu một điều gì đó rất đáng để chờ đợi.

“Bây giờ thì ngày nào công chúa cũng xin phép vua cha ra chơi ngoài đồng cỏ. Cô ôm tập theo để học bài, để làm toán, nhưng phần lớn là để vứt lăn lóc đâu đó khi mải chạy chảy nô đùa với người bạn mới.

Dần dà, cô học được ở chàng chăn ngựa những điều trước đây chưa từng có ai chỉ bảo cho cô. Cô lấy làm thích thú khi biết loài hoa có các màu trắng đỏ hồng tím mà cô thấy ở ngự hoa viên vẫn mọc đầy ở đồng cỏ, có tên là hoa móng tay, và quả nang của nó khi ai đυ.ng mạnh vào thì hạt bất ngờ bắn ra – cô đã thử làm theo lời chàng chăn ngựa và cô thích thú nhận thấy quả đúng như thế thật. Còi hoa phớt tím mọc bên cạnh những quả tròn có gai như quả dâu lại có cái tên đầy đe dọa là cà độc dược, nhưng loài hoa này đem phơi khô xắt thành sợi làm thuốc lá có thể hút trị suyễn. Lá và quả của nó đập nát đắp lên da có thể chữa trị được nọc rắn – chàng chăn ngựa bảo với cô như vậy và dĩ nhiên cô tin ngay khi cô xúc động nhớ ra chàng đã sống lầm lũi một thời gian dài trong rừng sâu.

Nhưng công chúa thích nhất là hoa bông tai mọc trên những bụi cây chỉ cao tầm một mét. Ngày nào cô cũng vòi vĩnh bắt chàng chăn ngựa dắt cô đi hái dù cây bông tai nằm xa tít ở cuối cánh đồng, sau đó cô giắt chùm hoa có màu đỏ nâu và vàng cam rực rỡ kia lên tóc như một cô dâu nhí nhảnh khiến chàng chăn ngựa không thể nào rời mắt khỏi cô.

Có nhiều hôm cô ngồi hàng giờ bên giỏ cỏ của chàng chăn ngựa để nghe chàng chỉ cho cô cách phân biệt cỏ nhung, cỏ chăn vịt, cỏ gà, cỏ xuyến chi và các loại cỏ khác. Những lúc đó, thực ra không cần nhiều thời gian đến thế để nhận ra sự khác nhau giữa các loài cỏ nhưng cô vẫn ngồi lặng một chỗ chỉ để đưa mắt ngắm chàng trai mà không biết từ bao giờ cô đã thấy vô cùng thân thiết.

Dĩ nhiên là công chúa còn bé. Cô mới mười bốn tuổi. Nhưng đến ngày chàng chăn ngựa sau một đêm ngủ dậy ngạc nhiên phát hiện đang đắp ngang người mình, bên trên mớ cỏ khô và mảnh chăn dạ cũ kỹ, một tấm chăn bông đẹp đẽ và thơm tho, chàng lập tức nghĩ ngay đến công chúa và nếu đây đúng là hành vi của công chúa thì hình như cô không còn bé bỏng nữa.