Chuyện Cổ Tích Dành Cho Người Lớn

Chương 2: Nhân vật nữ của tôi


Nhân Vật Nữ Của Tôi

Đăng được một truyện ngắn trên báo, điều đó không phải dễ. Bài viết của bạn trước hết phải được biên tập viên phụ trách văn nghệ thông qua. Sau đó còn phải tới tay trưởng ban biên tập. Sau khi vị này đồng ý, bạn phải còn chờ xem cái đầu của vị tổng biên tập gật hay là lắc. Đến khi tác phẩm của bạn đã in ra trên giấy trắng mực đen rồi, còn phải đợi xem người đọc có tiếp nhận không đã, khi đó thì nó sẽ đích thị là một tác phẩm văn học hoặc sẽ chỉ là một món hàng thủ công kém chất lương và không ai tiêu dùng. Đó là một chặng đường dài dằng dặc và cam go cho những ai muốn trở thành nhà văn.

Nhưng đối với tôi những thử thách trên đây không phải là không vượt qua được. Cái cửa ải khắc nghiệt nhất, cái vật cản đáng ngán nhất chắn ngang nẻo đường văn học của tôi, oái ăm thay, lại là vợ tôi. Tại sao à? Thì đây!

Tôi nghĩ ra một cốt truyện hấp dẫn, thế là tôi ngồi vào bàn viết. Tôi viết say sưa đến nỗi khi vợ tôi cầm lên đôi đũa thì tôi vẫn còn cầm trong tay cây viết. Tuy nhiên vợ tôi rất là tuyệt vời. Cô ta sẵn lòng ăn cơm một mình và trong khi ăn tuyệt đối giữ im lặng cho chồng làm việc. Tôi viết được ba trang. Ăn cơm xong, vợ tôi lại gần tôi để xem tôi viết những gì. Thấy có người chú ý, tôi càng ra bộ quan trọng, ngòi viết sột soạt một cách bay bướm và đầy trí tuệ. Vợ tôi đặt tay lên vai tôi:

- Thôi, anh nghỉ một chút đi, rồi...

Đang nói, vợ tôi đột nhiên ngừng bặt. Tôi ngó lên và bắt gặp nét mặt cau có của cô ta. Lập tức tôi sờ lên cánh tay vợ tôi và hỏi giọng bối rối:

- Em sao vậy?

Không để ý đến cử chỉ âu yếm của tôi, cô ta trợn mắt:

- Hạnh nào đây? Tôi ngơ ngác: - Hạnh nào là Hạnh nào? Em nói gì anh không hiểu!

- Thôi đừng làm bộ! - Giọng vợ tôi rít lên the thé - Cô Hạnh nào ở trong truyện anh đây nè! Phải cô Hạnh làm chung cơ quanh với anh không?

Tôi nhăn nhó:

- Em đừng nói oan cho anh. Đó là một cái tên ngẫu nhiên anh nghĩ ra, chẳng dính dáng gì đến ai cả.

- Làm sao mà chẳng dính dáng được! Anh dẹp ngay cái tên này cho tôi! Thiếu gì tên không đặt mà cứ phải là tên Hạnh!

Để được việc mình và để chìu vợ, tôi gạch ngay tên Hạnh và thế vào đó là Cúc.

- Cúc nào? - Vợ tôi tiếp tục hoạnh họe - Con Cúc ở cạnh nhà phải không?

- Trời ơi là trời! - Tôi vò đầu - Thiếu gì người tên Cúc mà sao em cứ...

- Bỏ ngay! - Vợ tôi phán, không để tôi nói hết câu.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thế là Cúc biến thành Lan.

- Không được! Con Lan thợ may chứ gì!

Ngay lập tức, tên Lan bị xóa đi. Nhân vật của tôi mang tên mới: Tuyết. - Dẹp con Tuyết bán bún riêu này đi! Anh đừng hòng léng phéng!

Cuối cùng tôi phải thay Tuyết bằng Thúy, tức là tên vợ tôi.

- Thúy nào đây?

Tôi cười chiến thắng:

- Thúy là em chứ còn ai vô đây!

Nhưng vợ tôi có vẻ thờ ơ với tên của mình. Cô ta bóp trán và đột ngột hét lên:

- A, anh đừng hòng đánh lừa tôi. Nhỏ Thúy ở hiệu sách quốc doanh phải không?

- Trời ơi, anh có biết tên cô ta hồi nào đâu? Sao em...

Vợ tôi khoát tay:

- Không có sao em sao anh gì hết! Anh xóa ngay tên này cho tôi!

Tôi xóa ngay. Và bắt đầu nghĩ ngợi, cố tìm một cái tên không giống ai. Rốt cuộc tôi đã tìm ra:

- Nguyễn Thị Trầu, em bằng lòng chưa?

Vợ tôi nhíu mày. Cô ta hơi gục gặc đầu khiến tôi thấp thỏm mừng thầm. Nhưng hình như cô ta không muốn cho tôi mừng:

- À, ý anh muốn nhắc tới con nhỏ xinh xinh ở cách nhà mình năm căn chớ gì?

Tôi gần như phát điên:

- Thiệt anh không biết nói sao nữa! Anh có đời nào biết con nhỏ mà em nói đâu! Cô ta tên Trầu hay tên Trẩu làm sao anh biết được!

Vợ tôi vẫn khăng khăng:

- Anh đừng có giả bộ ngây thơ! Cô ta không phải tên Trầu, nhưng cái dây trầu mà leo trước nhà cô ta ai mà không biết. Dẹp ngay, trầu với lại triếc! Thiệt tôi chưa thấy ai lăng nhăng như anh!

Để khỏi bị vợ đánh giá là lăng nhăng tôi sửa Trầu thành Trấu. Thực là vạn bất đắc dĩ, con gái gì mà trên Trấu, nghe chẳng êm tai chút nào.

Nhưng vợ tôi vẫn khó dễ tới cùng:

- À, bây giờ anh lại nhớ đến con nhỏ chà gạo ở đầu đường hả?

Tôi phản đối:

- Chà gạo thì ra cám chứ đâu có ra trấu!

- Thì trấu với cám đâu khác gì nhau, anh đừng có qua mặt tôi!

Tôi đành phải bấm bụng cho nhân vật nữ đáng yêu của tôi mang tên Trậu. Nếu là Dậu thì còn hy vọng giống nhân vật của Ngô Tất Tố, còn Trậu thì trong lịch sử văn học nước nhà chưa có ai dám mang tên này. Nhưng mặc, thà Trậu còn hơn là không được ra đời.

Vợ tôi bằng lòng với cái tên này lắm. Cô ta cười tươi như hoa trong khi tôi buồn phiền không kể xiết. Khi tả cô Trậu, tôi cố gắng tả giống hệt vợ tôi để cô ta khỏi bắt bẻ tôi nữa. Nhưng vợ tôi đâu có chịu:

- Anh tả ai đây? Mắt đen huyền là mắt đứa nào?

- Mắt em chứ mắt ai! - Mắt em đâu có đen, anh đừng giỡn mặt! Mắt em màu xám, còn mắt đen là mắt nhỏ Tuyết! Còn mặt trái xoan là mặt ai?

- Thì em chớ ai!

- Bậy! Mặt em là mặt trái quít, mặt trái xoan là mặt nhỏ Hạnh. Còn đây nữa, mũi dọc dừa, môi trái tim, tóc mây... những thứ này đâu phải của em, anh đừng có mà gán ghép bậy bạ. Dẹp ngay cái trò này đi! Anh định mượn văn chương để ám chỉ cô này cô nọ hả?

Trước một người vợ như thế, tôi chỉ biết thở dài:

- Nhưng tả như thế nào, đặt tên gì em cũng không chịu thì anh biết làm sao bây giờ?

- Bộ anh viết truyện không có người nữ không được hả? - Vợ tôi bắt đầu đi vào lý luận văn học.

- Truyện anh viết về may vá, sinh đẻ mà không có người nữ sao được. Chẳng lẽ để cho những người đàn ông đẻ à?

- Thì đừng có đẻ nữa! Ai kêu anh viết ba chuyện đó vô đây! Còn không thì anh dẹp cái chuyện văn chương thơ phú của anh lại. Tôi không muốn thấy bất cứ bóng dáng của một cô nào trong truyện của anh.

Cuối cùng, tôi đành phải buồn rầu xếp những trang văn chương thơ phú của tôi lại, bởi vì tôi không thể cho những nhân vật nam của tôi đẻ bậy bạ được. Còn nhân vật nữ thì vợ tôi cấm xuất hiện. Vợ tôi ghen với cả những người đàn bà đã có bầu, ghen với cả cái cây mọc trước nhà một cô gái nào đó trong khi tôi không hề biết cô gái đó là ai.

Bạn đọc thân mến! Nếu các bạn đã yêu tôi qua câu chuyện đau khổ này thì mong các bạn đừng lấy làm buồn phiền nếu tôi không trở thành nhà văn và trong trường hợp đó, truyện ngắn này được coi như là truyện ngắn cuối cùng của tôi, tôi xin gởi lời chào vĩnh biệt các bạn. Còn trong vạn nhất, nếu như các bạn còn gặp lại tôi trên trang báo này lần thứ hai thì điều đó có nghĩa là vợ tôi đã bỏ cái tính ghen bóng gió và trở thành một con người đáng yêu bậc nhất. Lúc ấy, các bạn hãy mừng cho tôi.

-1983-

Nguyễn Nhật Ánh