Chương 13: Nhà không em thật vắng lặng
Chiều hai người tan làm lái xe đến trường đón Seven rồi qua nhà anh luôn. Cô vẫn giữ thói quen tặng thằng bé hai món quà lúc sáng sớm như những năm trước. Cả nhà quây quần ăn cơm xong thì Seven đòi thổi nến sinh nhật. Không biết cu cậu ước điều gì mà chắp tay lại nhắm nghiền hai mắt, miệng lẩm bẩm trông rất thật tâm. Seven còn nhận được thêm ba món quà từ ông bà nội và ba. Thằng bé thích thú bóc từng món quà một, anh nói nhỏ với ba mình điều gì đó rồi kéo cô ra ngoài.- Này, chúng ta đi đâu thế, sao em cứ có cảm giác bỏ con giữa chợ thế nhỉ?
- Bỏ con ở nhà ông bà nội đấy chứ. Chúng ta đi chơi Noel, thế nào?
Thì ra đám bạn bè anh tổ chức bữa tiệc trong biệt thự của Minh. Lúc họ đến nơi thì mọi người đang đốt pháo, chỉ là những cây pháo xẹt cầm tay nhỏ xíu nhưng nhìn rất vui mắt. Kiều Lam và Hoàng cũng được phát mỗi người vài cây trước khi nhập tiệc. Thật ra họ chỉ ăn lẩu uống bia và vài món kèm theo nhưng có lẽ trong không khí giao mùa này ai cũng đều thấy thỏa mãn.
Ăn uống xong Minh lại gợi ý mọi người chơi bài, Hoàng một lần nữa xắn tay áo thể hiện ý định phục thù. Kiều Lam trừng mắt nhìn anh.
- Để em, anh ngồi một bên đi, anh đánh mà thua lúc đó lại bán em đi mất.
Sở dĩ khả năng đánh bài của cô vô cùng giỏi vì chú cô là con nghiện bài, bình thường mọi người tụ tập ở nhà chú cô, đóng kín cửa lại chơi cả ngày. Mấy đứa nhỏ như cô rất thích ngồi quan sát họ đánh, vì khi ai đó nhờ tụi cô mua thứ này thứ kia đều không lấy lại tiền còn dư. Xem nhiều nên khả năng của cô cũng không tồi.
Cô thắng liền mấy ván khiến mọi người đều cười, bảo không thể nhìn mặt bắt hình dong, cao thủ ở đây, ai dám múa rìu qua mắt thợ chứ. Cô xua tay:
- Chỉ là may mắn thôi, mọi người đừng tâng bốc Lam như thế.
Chung cuộc cô vẫn là người thắng. Hoàng rất vui vẻ, nhấc bổng cô lên, xoay một vòng rồi lại hôn cô một cái, nói với đám bạn:
- Cuối cùng cũng có một chiến thắng vẻ vang.
Đám bạn anh nghe thế, cười bảo anh trẻ con, đã không biết đánh bài còn khoe khoang. Hoàng đã không ngại còn hất mặt lên:
- Việc nước đã có vợ lo, sợ gì không thắng được các cậu chứ.
- … - Kiểu suy nghĩ gì thế này.
- Cậu nói thế không sợ mọi người cười cho à? - Minh bình luận.
- Tớ chẳng phải thanh niên mới lớn lúc nào cũng cần sĩ diện, quá trình không quan trọng, kết quả mới là quan trọng nhất, biết chưa anh bạn.
***
Kết thúc năm tài chính đang đến rất gần, nhân viên phòng cô bù đầu xét thưởng cuối năm và lương tháng mười ba cho các bộ phận cũng như nhân viên cửa hàng. Năm nay lợi nhuận toàn công ty giảm một phần ba so với năm ngoái nên hệ quả kéo theo lương thưởng cũng ít đi. Mọi người vừa làm việc vừa than thở với nhau.
- Thời buổi lạm phát thế này, ba ngày xăng tăng hai lần, một tháng điện tăng bốn lần, làm sao em để dành tiền mua nổi chiếc Iphone 5S bây giờ. - Chi, cô bé thực tập của ngày xưa than vãn.
- Em chưa có gia đình, còn có thể sống vô tư như thế, chứ như anh thử xem. Lương tháng nộp hết cho vợ, chỉ giữ lại hai triệu cơm nước, xăng dầu. Tiền sữa hai thằng một tháng đã hết ba triệu, chưa kể tiền nhà trẻ, ăn mặc, trăm thứ vào dần, khổ lắm cô ơi. - Người đàn ông già nhất phòng cũng lên tiếng kể khổ.
- Nhà em có mỗi hai vợ chồng, còn chưa dám sinh em bé, thế mà để dành mãi chẳng đủ tiền mua cái móng chứ nói gì đến mua nhà, sống kiếp ở trọ mãi ám ảnh quá. Đang định đợt này gom thưởng tết của hai vợ chồng, xin thêm hai ông bà hai bên một ít, mua trả góp vậy. Cuộc sống sao mà khó khăn đến thế này nhỉ.
- Địa điểm phòng làm việc dời đến Quảng Ninh hồi nào sao tôi không biết thế nhỉ? Than sắp đen hết cả người rồi kìa. Mà Chi, em cứ để dành tiền, tới chừng ra 10S chắc em cũng đủ tiền mua 5S thôi. - Kiều Lam nói vui với đồng nghiệp.
- Chị ơi, chị giỏi thật đấy, có thể nuôi Seven lớn từng ấy. Thật ngưỡng mộ chị.
- Thành công nào cũng có sự chứng kiến và đồng hành của gian khổ, chỉ là mọi người không nhìn thấy mà thôi. Làm việc nhanh nhé, mai phải nộp báo cáo rồi đấy. Tôi đi ăn trước đây.
Vài ngày nữa cô có chuyến công tác xuống Cần Thơ nên phải hối thúc mọi người xong việc sớm cô còn xem xét lại và duyệt trước khi mang sang phòng kế toán tính lương.
Kiều Lam ở cửa hàng Cần Thơ đúng mấy ngày tết Dương lịch, người dân được nghỉ làm nên sức mua tăng vọt, cô phải bố trí nhân viên tăng ca mới kịp phục vụ. Sáng mùng hai, Seven lấy điện thoại của Hoàng gọi cho cô.
- Mẹ ơi, chừng nào mẹ mới về, con với ba hôm qua đi xem bắn pháo bông vui ơi là vui, nhưng mà đông người lắm, ba phải bế con để không bị lạc.
- Hai ngày nữa mẹ về, Seven có nhớ mẹ không?
- Có, nhưng ba nhớ mẹ hơn, ba kêu con gọi cho mẹ đấy. Mẹ nói chuyện với ba nhé.
- Alo, anh Hoàng hả?
- Ừ, anh nghe đây. Thằng bé nói bậy đấy, em đừng tin nhé.
- Nói vậy là anh không nhớ em rồi.
- Tất nhiên là không rồi, em có gì mà phải nhớ chứ.
- Thế em cúp máy nhé.
- Đừng, … thật ra cũng nhớ, nhà không em thật vắng lặng.
Kiều Lam nhìn dòng người tấp nập ra vào chọn cho mình và gia đình những vật phẩm thật ưng ý. Trong đó có hai cụ già khoảng sáu mươi tuổi, ông cầm túi xách cho bà, hai người nắm tay nhau đi xem gian hàng máy giặt. Phải chăng hạnh phúc chỉ cần nhỏ nhặt như thế, lúc tóc ngả hai màu còn có thể nắm tay nhau bước đi bình thản mặc kệ những ồn ào xung quanh.
- Đợi em hai ngày nhé, em cũng nhớ anh, nhiều hơn một chút của anh.
Ngày về anh đón cô ở sân bay trong khí trời ngập sắc xuân, những bông mai đua nở, vài cành quất vàng nặng trĩu trái, trên phố rộn ràng những khúc ca xuân.
- Tết năm nay anh về nhà cùng mẹ con em nhé.
- Anh không đón tết với ba má sao?
- Hai ông bà đi du lịch nhân tiện ghé thăm chị gái anh rồi, bình thường anh cũng chỉ tụ tập bạn bè hoặc đi du lịch một mình.
- Có thật là một mình?!
- Thật một nghìn phần trăm.
- Thế anh đặt bốn vé nhé, tối hai bảy mình về luôn, hai tám nhà em gói bánh chưng rồi.
Khang vừa bảo vệ thành công luận văn của mình, chắc cũng sắp có bằng. Công ty Khang thực tập giữ thằng bé lại làm nên không cần chạy đôn chạy đáo tìm việc. Thế là qua tết cu cậu cũng gia nhập vào hàng ngũ nhân viên văn phòng. Không hiểu chuyện gì mà hôm ra sân bay về quê ăn tết vẻ mặt cậu út bí xị, chẳng có chút sức lực nào. Seven ghé tai cô nói nhỏ:
- Cậu út và mợ út cãi nhau, tối qua con ngủ còn nghe cậu gọi điện cho mợ rồi nói cái gì mà chia tay á?
Thì ra lũ nhỏ lại cãi nhau, chắc cũng chẳng phải chuyện gì to tát, vì bình thường ba bữa nửa tháng cô lại thấy chuyện đó xảy ra. Cô vỗ vai Khang:
- Cười lên xem nào, em về nhà chứ có phải đi đánh giặc đâu mà bày bộ mặt đó ra hả?
Chỉ đến khi đứng giữa bầu trời quê hương, nhìn hàng râm bụt chạy thẳng đến cuối ngõ nhỏ, cảm nhận không khí se lạnh của Tây Nguyên, Khang mới nở nụ cười. Tết với mỗi người có một ý nghĩa khác nhau. Với cô, nó mang mùi vị của bữa cơm đoàn viên, là ánh lửa ấm áp dưới nồi bánh chưng thơm lừng mùi nếp, là mỗi sáng ngủ vùi khiến mẹ phải gõ cửa gọi dậy ăn cơm. Trước khi về nhà, cô đã nói trước với bố mẹ việc Hoàng về chung với cô nên khi anh xuất hiện ông bà cũng không bất ngờ, còn nhiệt tình với anh hơn con đẻ là cô.
Sáng hôm sau ăn cơm xong thì nhà cô bắt đầu công cuộc gói bánh chưng. Người dân nơi đây ăn cơm ba bữa, họ không có khái niệm ăn sáng như người Sài Gòn, chỉ có những đứa trẻ không kịp giờ học, giờ đón xe buýt mới mua tạm ổ bánh mì hoặc hộp xôi mà thôi. Mẹ cô luôn dậy từ bốn giờ rưỡi bắc nồi cơm lên rồi đi thể dục với mấy cô hàng xóm trên con đường đập gần nhà. Sáng nào cũng thế, chưa bao giờ đứt đoạn.
Bố ngồi sắp khuôn, cô lau lá chuối là dong, anh hai chẻ lạt, Hoàng trộn nếp cho đều muối, mỗi người một việc. Đến lúc gói bánh, anh và Seven lóng ngóng mãi khiến cô bật cười.
- Hai người gói bánh kiểu gì thế. Đầu tiên trải lá chuối lên, khoảng ba bốn lá thế này, cho nếp vào, hai chén này thôi, trải đều nếp ra, rồi cho đậu xanh với thịt vào, múc thêm hai lon nếp trải đều lên phần đậu xanh. Nắm hai bên lá gập lại, xong gấp phần mép phía trên xuống thế này. Lấy lạt buộc vào, anh buộc năm dây ngang trước rồi buộc một dây dọc chạy từ đầu tới cuối bánh. Thế nào?
Cô giơ chiến lợi phẩm của mình ra cho anh và Seven xem
- Mẹ gói vẫn xấu như năm ngoái, chỉ có ông ngoại gói đẹp thôi.
Bố cô cười, vỗ đầu Seven
- Sau này tết năm nào Seven cũng phải gói bánh nhé. Tết là phải có cặp bánh chưng để trên bàn thờ tổ tiên, có củ kiệu, dưa món, phải giữ được những điều ấy cho một cái tết, như thế mới trọn vẹn. Lớp trẻ các cô cậu quên hết những điều này rồi.
Seven ngoan ngoãn gật đầu rồi lại lon ton cầm khuôn bánh chưng đến gần ông ngoại, xem ông gói.
Đến gần trưa thì năm ký nếp đã nằm yên vị trong những chiếc lá chuối, lá dong. Chị dâu bê củi nhóm lửa, anh hai và Hoàng sắp bánh cho lên bếp trong khi cô bế cháu gái còn Seven lon ton quanh chân cô đòi chơi với cô chị mới mấy tháng tuổi này. Đến tối, vợ chồng dì út cũng về góp vui với mấy ký khoai lang, vài trái bắp ngô già.
Khang đi chơi với đám bạn sáng giờ không thấy mặt mũi cũng mò về. Anh hai và chị dâu đang chăm sóc cháu gái, chỉ còn lại cô và anh là già nhất trong cái đám nhí nhố này. Kiều Lam vùi mấy củ khoai và mấy trái bắp vào than, cậu út lại lấy trong tủ lạnh ra vài con mực và mấy lon bia của bố ngồi nhâm nhi. Dì út đề nghị.
- Chơi bài nhé, cứ mười lăm phút, nếu ai thua ván đó ra đẩy củi và chêm nước, thế nào?
- Năm người thì chơi kiểu gì hả bà già?
Khang trẻ nhất nên ai cũng bị nó gọi thành bà già, ông già khiến không ít lần mọi người tức tối.
- Chị với anh Hoàng một phe, anh Hoàng đánh bài cùi bắp lắm.
- Cũng được, Seven với cậu út một phe, nào, qua đây Seven.
- Thế tại sao vợ chồng em lại mỗi người một phe?
- Thế dì định có ý kiến gì sao? - Cô hỏi lại.
- Thôi được, chơi thì chơi.
Hai vợ chồng dì út là người đứng lên nhiều nhất khiến con bé trở mặt
- Chơi xì lát đi cho công bằng, không chơi tiến lên nữa.
- Chiều ý dì vậy, nhất dì rồi đấy.
Lần này tình hình có vẻ đều hơn. Mỗi người vài lượt xong thì cũng tới giờ vớt bánh.
Ngày hôm sau cô dẫn anh và Seven đi chợ mua đồ tết, khu chợ này chô cô mới xây hai năm, vẫn còn vắng khách, nhưng được cái chỉ cách nhà cô ba phút đi bộ. Đa phần cả khu chợ mọi người đều biết mặt nhau. Hoàng nhìn thấy thứ gì cũng khen rẻ, đòi mua. Seven nắm tay ba:
- Ba chưa đi chợ tết bao giờ à, mẹ dặn chợ tết bán cái gì cũng mắc gấp năm gấp sáu lần bình thường nên phải trả giá.
- Thế Seven có biết trả giá không?
- Hihi, cái đó ba cứ để mẹ ra tay. - Thằng bé vừa nói vừa lắc đầu.
Cô mua trái cây cúng mâm ngũ quả, cầu sung dừa đủ xoài, thêm mấy ký lê, táo với quýt và hai trái dưa hấu. Sáng mùng ba nào nhà cô cũng sẻ dưa để lấy may mắn. Vì thế lần nào Kiều Lam cũng nhờ cô Hà bán dưa lựa cho mình trái dưa đỏ nhất.
Quay sang hàng bánh kẹo, đã thấy Hoàng và Seven thử hết thứ này đến thứ khác, món nào cũng khen ngon, cô mua hai ký hạt dưa với hướng dương xong thì lấy mỗi thứ một ít trong cái đám bánh kẹo hai cha con vừa thử lúc nãy. Lạm phát năm nay tăng cao đến mức cô đi chợ cũng phải than trời, nhớ năm ngoái mua hạt dưa có bảy chục ngàn một ký mà giờ đã trăm mốt.
Đây là năm đầu tiên Hoàng đón một cái tết đúng nghĩa, bố cô là người Bắc nên rất coi trọng dịp năm mới này, còn gia đình anh đã có cô giúp việc lo toan mọi thứ, nên anh chưa từng có cảm giác chân thực này. Ba người cùng nhau đi chợ, mua đồ, họ giống một gia đình bình thường vậy.
Bố cô còn mua một chậu mai to để góc phải phòng khách, mẹ lấy trên cậu về mấy giỏ lan tím treo trước nhà. Đêm ba mươi cả nhà quây quần trước tivi xem táo quân, cô và chị dâu loay hoay trong bếp nấu chè, xôi cúng giao thừa, lâu lâu lại chạy ra xem Nam Tào, Bắc Đẩu chọc cười.
Đến trước mười hai giờ, bố ra khỏi nhà, sau mười hai giờ lại trở về, đây là tục lệ xông đất đầu năm ở quê cô. Sau đó mọi người ngồi ngay ngắn chờ nhận lì xì từ bố mẹ, không phân biệt lớn nhỏ, ai cũng có một phong bao trên tay. Mọi người cũng lần lượt lì xì cho nhau theo thứ tự lớn bé.
Cuối cùng, Hoàng cũng đứng lên mừng tuổi bố mẹ và mọi người, anh chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, vui vẻ bên con cháu. Sau đó, ông nhóm một đống lửa to trước sân, cả nhà quây quần chơi đùa hát hò ăn uống bên đống lửa ấy đến hơn một giờ sáng mới lên phòng ngủ. Hoàng ôm chặt cô vào lòng
- Sau này, năm nào mình cũng về đón tết thế này nhé.
Đó chỉ là những điều bình thường mà hầu như năm nào cô cũng trải qua nhưng sao thấy thân thương đến lạ lùng. Hay đơn giản chỉ vì được sống trong không khí của tình thân, của những người yêu thương nhau hơn bản thân mình.
Sáng mùng một đại gia đình co kéo nhau đi chúc tết ông bà, hai bác, cô chú ở gần đấy, chỉ có anh chị dâu ở nhà đón khách. Hoàng gặp đứa em, đứa cháu nhỏ nào của cô cũng lôi phong bì ra lì xì làm mấy đứa nhỏ cười tít mắt, tranh nhau khen anh Hoàng, chú Hoàng đẹp trai. Nhìn đứa cháu ngày xưa cô bế trên tay giờ đã là học sinh cuối cấp ba, Kiều Lam chợt nhận ra, cô đã già thật rồi.
Cô vẫn giữ thói quen đi thăm cô chủ nhiệm ba năm cấp ba vào mùng hai tết, sau đó tụ tập mấy đứa bạn chơi chung thời cấp hai, cấp ba ăn uống, cà phê, chỉ khác, năm nay lại có thêm một người đồng hành cùng cô. Kiều Lam muốn để Seven ở nhà chơi với ông bà ngoại, Hoàng lại ngăn cản, nói nhỏ vào tai cô.
- Em phải dẫn con gà đẻ trứng vàng đi lượm tiền chứ không mình lỗ thì sao?
- Ông anh của tôi ơi, đừng áp dụng nguyên tắc kinh doanh của anh vào tình bạn của tôi được không. - Cô lườm anh.
Đến mùng ba tết, Hoàng quay lại Sài Gòn trước, nhà anh năm nào khách tới chúc tết cũng rất đông, anh về phụ ba má mới từ Hà Nội bay vào. Cô ở lại đến hết mùng chín mới cùng Seven và Khang xuống lại để chuẩn bị đi làm.
***
Cô không biết giữa Khang và Ngọc Thư xảy ra chuyện gì mà thằng bé dạo này có vẻ không vui. Cho đến một hôm nhận được thiệp cưới của Ngọc Thư, ngày tổ chức 23/2, có điều chú rể lạ không phải em cô mà thôi. Hôm ấy, Khang đi làm về, nhìn tấm thiệp rất lâu, gần như cả buổi tối.
Kiều Lam đánh mắt qua Hoàng, anh hiểu ý đi qua nói chuyện với Khang, còn cô dắt Seven vào phòng học. Cô không biết hai người nói những gì mà khi bước ra thấy Khang đang cầm đũa ăn cơm.
Thằng bé gẩy từng hạt cơm cho vào miệng, có giọt nước mắt trào mi lăn dài trên má, cô đưa tay lau giọt lệ ấy đi, choàng tay qua vai ôm lấy đầu thằng bé, cứ khóc đi nếu em muốn, có thể nỗi đau sẽ vơi một nửa, cũng có thể không nhưng em sẽ thấy nhẹ lòng hơn. Thằng bé nằm xuống, gối đầu lên đùi cô khóc như một đứa trẻ lạc mẹ.
Kiều Lam bỗng nhớ những ngày nhỏ xíu, anh hai theo ba mẹ đi rẫy tưới cà phê, cô ở nhà nấu cơm và trông hai đứa nhỏ. Ngày ấy, Khang cũng hay gối đầu lên đùi cô ngủ thế này, chỉ có điều cậu bé mang theo nụ cười vào những giấc mộng đẹp của mình chứ không phải cảm giác cay đắng của giờ đây.
- Hôm trước tết cô ấy đi công tác cùng với trưởng phòng, cô ấy nói với em rằng cô ấy và tay trưởng phòng kia đã phát sinh quan hệ chỉ vì rượu vào không kiểm soát được hành vi. Thư đòi chia tay và nói không còn xứng đáng với em. Lúc đó em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định tha thứ. Thế nhưng ăn tết xong nửa tháng cô ấy lại thông báo cô ấy có thai rồi. Chị biết cảm giác này của em không, chị có hiểu cảm giác này của em không? Chỗ này, nơi con tim này đau lắm.
Cô không nói gì, bởi không biết phải an ủi Khang thế nào, yêu càng sâu đậm, đau thương nhận được sẽ càng nhiều.
- Ngày đó là cô ấy theo đuổi em, nói yêu em trước. Chúng em quen nhau bốn năm cũng không bằng vài ngày kia. Chẳng lẽ cô ấy nói quên là quên sao? Sao Thư có thể tàn nhẫn với em như thế chứ. Em phải làm thế nào đây?
- Cứ sống, sống thật tốt, nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua thôi. Em còn có chị, có bố mẹ, gia đình bên cạnh. Em đau mọi người cũng đau theo em, không quên được cô ấy thì đừng quên, thời gian sẽ giúp em làm tất cả điều đó.
- Liệu cô ấy có hạnh phúc với quyết định của mình không chị, liệu sau này em có tìm được một người em yêu như thế nữa không? Niềm tin đã mất em phải làm sao lấy lại bây giờ.
- Khang à, trong cuộc đời mỗi người, ta chẳng thể nào tránh được không mắc sai lầm cả. Bởi suy cho cùng, thế giới này chẳng ai hoàn hảo cả, chị cũng thế, em cũng thế, và cả cô ấy cũng thế. Điều quan trọng là một khi người khác đã quyết định, em phải tôn trọng quyết định ấy. Đó là con đường cô ấy đã chọn, dù đúng, dù sai, kết quả Thư phải tự gánh lấy. Và nếu một lúc nào đó trong cuộc đời này, có ai đó có lỗi với em, cũng đừng ngại tha thứ cho họ, bởi họ còn đau hơn em gấp trăm lần. Ra đi không có nghĩa là biến mất hoàn toàn. Trong trái tim cô ấy sẽ luôn có một vị trí dành cho em.
Ngày hôm sau, Khang vẫn đi làm bình thường, hôm nay lại là Valentine, thằng bé sẽ cảm thấy cô đơn nhường nào chứ. Cô nói với Hoàng những suy nghĩ trong lòng, anh cũng đăm chiêu rất lâu trước khi cất lời:
- Hãy cứ để thằng bé chơi với Seven, con chúng ta là ai chứ, Khang sẽ vui hơn khi ở cùng Seven đấy. Tối nay chúng ta có tiết mục khác.
- Tiết mục gì thế anh?
Cô vừa cho muỗng cơm vào miệng vừa hỏi anh. Hình như có hạt cơm dính nơi má cô, Hoàng đưa tay lấy xuống, còn trêu cô:
- Miệng em bị mẻ đúng không, ăn đâu rớt đó, xấu hổ quá. Mà chuyện đó là bí mật. Sáu giờ tại The Deck Saigon nhé, cùng ngắm mặt trời lặn. Anh tới trước có chút việc, vì thế em tan làm đón taxi đến nhé.
- Anh lại định giở trò gì thế?
- Anh đã nói là bí mật, cứ đi khắc biết.
Nói xong còn nhéo má cô một cái khiến cô phải gào lên
- Đã nói bao nhiêu lần là không được nhéo má em rồi mà, biếng ăn.
Anh cười thái độ trẻ con của cô, có ai biếng ăn mà lần nào cũng ăn hết cả suất cơm như thế không cơ chứ.