Chương 10: Xuất Phát
Hắc Hạt Tử rất ít khi update cái gì, không ai biết hắn đang làm gì, thế nhưng mới vừa ban nãy, hắn đăng lên một hình ảnh, trên ảnh là một chữ “Nghèo” to tướng. Viết: đầu năm kiếm ăn, chờ mở tiệm.Tôi với Tiểu Hoa cùng lúc bấm like, không viết thêm gì nữa.
Đêm hôm ấy, chúng tôi đều ngủ rất muộn.
Nhà tôi trong làng này thực ra rất rộng. Sắp xếp các phòng xong xuôi, tôi bảo bọn họ bật chăn điện lên mà nằm ngủ, lúc tôi quay về phòng thì đã gần 4 giờ sáng. Tôi lề rề rửa mặt, nằm vật xuống giường, mới nhận ra, trong cái trạng thái cực kỳ êm đềm này, nội tâm tôi lại rất kích động.
Chợp mắt một cái, chả mấy mà ngủ, ngủ một giấc thẳng đến tận 12 giờ trưa hôm sau. Lúc tôi tỉnh dậy, bọn họ đã mở chiếu mạt chược thứ hai, Bàn Tử vừa ù được một ván Thập tam yêu đầu tiên.
Tôi rửa mặt bằng nước ấm, không khí bên ngoài lạnh như băng, bước ra ngoài sân cả mặt bốc hơi nước. Tôi nhìn thấy Tiểu Ca đang lục lọi mấy thứ trang bị của bọn tôi lúc trước, kiểm tra xem còn bền hay không.
Khoảng bảy giờ tối, bố mẹ, chú Hai, Tiểu Hoa với Tú Tú rời đi. Bọn họ còn đủ các chương trình chúc Tết nữa. Chúng tôi tiễn họ lên trấn trên. Trên đường về làng, trên xe chỉ còn lại ba chúng tôi. Sau bữa cơm chiều tôi với chú Hai có hàn huyên một hồi, chú Hai thế mà không làm khó tôi, chỉ bảo tôi suy nghĩ kỹ lại, bố mẹ tôi qua cái Tết nữa biết làm sao.
Vẫn là Bàn Tử lái xe, tôi ngồi ở ghế phó lái, cầm di động lên, mở tin nhắn của Lôi Bản Xương ra đọc. Trong tin nhắn là địa điểm và thời gian tập hợp, chúng tôi có lẽ cũng cần chuẩn bị cho mình nữa. Không có câu nào là chúc Tết.
Trong xe, không ai nói một lời. Chuyến đi này, đối với cái đám đã tuyên bố về hưu là chúng tôi, có phần xấu hổ. Tôi vẫn không tìm ra được nguyên nhân cốt lõi vì sao chúng tôi lại đồng ý chuyến đi này là cái gì. Nhất là Tiểu Ca. Nhưng mà tôi cứ cảm thấy, hắn đang muốn cho tôi xem cái gì đó.
Thời gian trôi qua cực nhanh. Mấy ngày tiếp theo, tôi với Bàn Tử tập luyện một chút để khôi phục thể lực, chí ít cũng phải để cho các khớp xương quay trở lại trạng thái thích ứng được với chạy nhảy vận động mạnh. Theo thường lệ, tôi cũng nghiên cứu tình hình một chút, mở mấy thứ mà Lôi Bản Xương gửi cho tôi ra xem, sắp xếp lại. Bàn Tử chộp lấy thịt khô của Lôi Bản Xương ăn lấy ăn để, theo lý mà nói, đây hẳn là tiền đặt cọc, cơ hội cuối cùng để tôi đổi ý đã mất rồi. Nhưng mà, hương vị cũng khá ngon.
Thời gian đã đến. Chúng tôi hội họp ở trấn trên. Nhiều cửa hàng bắt đầu lục tục mở cửa lại. Ông cụ lái máy kéo, trang bị sẵn đầy đủ đồ nghề câu cá, chờ sẵn chúng tôi trước cửa quán ăn sáng. Tôi húp bánh canh(*), nhìn đồ chất trên máy kéo của ông ta, liền biết ngay đây đích thị là kẻ thạo nghề trong số những kẻ thạo nghề. Tuy nhiều trang bị vốn có sẵn, nhưng đều được cải trang cả.
Cải trang tốt sẽ khiến người ta không có cảm giác quái quái. Đây là một cảm giác rất vi diệu, vừa liếc mắt một cái, theo bản năng liền cảm thấy sự thay đổi này rất có hiệu quả, cho dù khâu chế tác chả có tí nghệ thuật gì cả.
Ông ta lái máy kéo đưa chúng tôi vào núi, đi suốt mười bốn tiếng đồng hồ, cuối cùng nghỉ chân ở một nhà nông Lôi Bản Xương đã đặt trước. Sau đó lại lái máy kéo tiến vào một thôn làng rất hẻo lánh, tôi từng nghe qua về ngôi làng này, tôi gọi nó là đoạn đầu thôn, vì đường làng kéo dài đến cái thôn này là không thể mở tiếp được nữa. Kiểu thôn làng này thường dựa lưng vào núi lớn, hoặc là thôn kế tiếp ở cách đây quá xa. Còn cái thôn kia là dựa lưng vào dư mạch núi Vũ Di.
Đến cuối đường làng là thửa ruộng, cuối thửa ruộng là bãi tha ma trong rừng. Các phần mộ hiện đại được đắp bằng bê tông. Chúng tôi xuống khỏi máy kéo, đi vào trong, qua bãi tha ma là vào nơi núi rừng hoang dã, khu rừng trên núi rất hiền hòa, không có đại thụ che kín trời, cũng không có rừng rậm quỷ dị, chúng tôi đi xuyên qua rừng, nhiều chỗ còn thấy những bậc thang đá hoang phế vỡ nát. Tiến lên phía trước là nhìn thấy bóng của núi Vũ Di, ở Phúc Kiến không có khu không người thực sự, đi suốt nửa tiếng, trèo qua một đỉnh núi, liền cảm thấy rất thú vị, phóng mắt nhìn ra xa là thấy Bàn Lĩnh xanh biếc. Lại trèo qua một đỉnh núi, nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang, chứng tỏ, mặc dù là núi sâu nhưng vẫn có người canh tác ở đây. Cứ thể lặp đi lặp lại hai ba lần, mới tính là vào trong núi thực sự.
Lôi Bản Xương nói đầm sâu kia không còn xa nữa, mấy tiếng sau, chúng tôi đã tới đó. Ở đây, thế núi kỳ vĩ, ngọn núi lớn giữa vùng đồi núi phía Nam nhiều nước, đâu đâu cũng là thác nước, tôi còn tưởng ở Vũ thôn đã là nhiều thác nước nhất rồi. Nhưng trong núi, suối, thác, đầm, hồ khắp nơi nối liền nhau thành hệ thống nước ngút tầm mắt. Bàn Tử hễ đi qua cái hồ cái đầm nào là lại hỏi, Lôi Bản Xương rất kiên nhẫn trả lời: có cá, không có cá, tên hồ, lịch sử ra sao, có loài cá gì, lúc nào thì đến mấy lần.
Bước chân của ông ta rất vững vàng, không chút do dự, có thể thấy ông ta rất quen thuộc với vùng đất này.
Khi đến được đầm sâu kia, tôi mới nhận ra nó hoàn toàn khác so với những gì tôi nghĩ. Đầm nước này ở bên dưới một quả núi đá khổng lồ, đá núi cứ như một cái mũ lưỡi trai úp chụp lên mặt đầm, phần lớn đầm ẩn trong bóng tối bên dưới quả núi, chỉ hở ra mép nước. Chúng tôi đi từ trên núi đá xuống đến bờ đầm mới hiểu vì sao hồi đó người ta phải lội xuống đầm để câu cá. Bởi nơi sâu nhất của đầm, là ở tận cùng bên trong dưới quả núi kia. Bọn họ phải lội nước đi xuống dưới quả núi đá, mới có thể vung cần đến đáy đầm được.
Do ánh nắng rất sáng, nên có thể nhìn thấy mấy tảng đá núi to tướng nằm chỏng chơ dưới đáy vùng nước cạn. Đá bị nước ăn mò, tạo thàn những đường vân cong cong như vỏ sò. Trông có vẻ rất trơn.
Chúng tôi đặt trang bị xuống, dựng lều ngay gần đó. Muộn Du Bình liền đi quan sát khắp bốn phía, Lôi Bản Xương theo thường lệ đi chuẩn bị đồ câu, lấy long quan khuẩn ra giã nát, trộn lẫn với bã đậu và mắm tôm. Nhưng nếu theo suy đoán của Muộn Du Bình, thì chắc chắn là vô dụng thôi, bởi không có thời tiết đặc biệt, con cá kia chắc chắn không bơi lên trên đâu. Hắn nhìn thế núi khắp xung quanh, tôi hỏi hắn đang tìm gì thế, hắn không nói gì, Bàn Tử bảo: “Tay nghề của chú lùi rồi, vừa nhìn là biết Tiểu Ca đang tìm bãi đá, muốn xây tường trong núi, tất phải làm sao để khai thác nguyên liệu ngay tại chỗ chứ. Cậu coi quả núi này bị khuyết một tảng ở đằng kia, thế thì con đường bộ để xuống kia chắc chắn không còn xa nữa rồi.”
Ở một bên, Lôi Bản Xương quỳ sụp xuống bên bờ đầm, đốt ba nén hương cắm vào bãi đá. Tôi châm điếu thuốc, chợt nhận ra ông lão này còn có chuyện gì giấu bọn tôi.
—————
(*) thực ra nó là một món đặc sản Phúc Kiến, Diāng-biĕng-gù (鼎边糊), gạo đem xay nhuyễn với nước thành nước gạo, thịt sợi, hến, hoa kim châm, mộc nhĩ, thịt trai, ốc vân vân các loại thủy hải sản hành lá các kiểu đem xào qua rồi đổ thêm nước hầm xương vào đun thành nước xuýt, ăn cùng với bánh bột gạo chần nước xuýt này. Mặc dù không liên quan nhưng mà cái kiểu ăn này cũng giống bánh canh, tuy là cách làm cái bánh gạo nó khác tám vạn dặm =)))) Đặc trưng của món này là rót bột vào thành nồi để bột chảy xuống rồi tự thành hình dài dài, nên mới tên là “đỉnh biên hồ”.