Tác phẩm của Thang Cáo không bao giờ hạ thấp IQ cả thế giới để tôn lên nhân vật chính. Trên hành trình trưởng thành của mình, nữ chính Bạch Nhật Hi trải qua vô số gian nan trắc trở, chứng kiến vô số kiếp nạn của những người tu luyện trên đại lục Cửu Châu.
Trong sự rèn luyện gian khổ, Bạch Nhật Hi đã bảy lần gõ lên cánh cửa tiên giới. Nàng hỏi ra những điều mình không hiểu và thắc mắc trong hành trình ở nhân gian, cuối cùng triệt để ngộ đạo, đạo tâm viên mãn, đắc chứng Hỗn Nguyên Vô Cực.
(Đắc chứng Hỗn Nguyên Vô Cực: Giác ngộ hoàn toàn, đạt đến cảnh giới vĩnh hằng bất diệt.)
Vậy thì vấn đề là... Bạch Nhật Hi gõ cửa tiên bảy lần, rốt cuộc đã hỏi những gì vào những lần đó?
Nguyên tác của Thang Cáo vẫn giữ phong cách quen thuộc, ông luôn thích để lại sự bí ẩn cho độc giả. Đọc xong sách của ông, người ta thường có cảm giác "khó có thể diễn tả thành lời" nhưng lại cảm thấy vô cùng lôi cuốn.
Nhưng khi chuyển thể thành phim, rõ ràng cảm giác bí ẩn đó không được thể hiện rõ. Đạo diễn đã ra lệnh cho tất cả mọi người phải viết rõ chủ đề cốt lõi của tiểu thuyết Thất Khấu Tiên Môn vào kịch bản.
Lẽ ra chuyện này nên hỏi trực tiếp tác giả vì chỉ ông mới hiểu linh hồn tác phẩm của mình. Nhưng ngoài việc nổi tiếng với sự bí ẩn thì Thang Cáo còn được biết đến với tính khí cứng đầu không chịu thỏa hiệp.
Tác giả thì ngông, nhân viên nhỏ bé cũng chỉ biết bó tay. Tác giả gốc một mực không hợp tác, kết quả là một đống biên kịch và người sửa lời thoại phải vật lộn như cá nằm trên thớt.
Và Dịch Trần đã nhận củ khoai bỏng tay này chỉ vì nhất thời xúc động.
Dịch Trần uống một chai nước giải khát để hồi phục lại năng lượng, sau đó mới đủ bình tĩnh ngồi trước máy tính, bắt đầu đọc các bài phân tích và suy đoán của độc giả về tiểu thuyết Thất Khấu Tiên Môn.
Đúng như Dịch Trần nghĩ, Thang Cáo dùng lối viết chia mạch truyện thành từng chương riêng biệt để mô tả đại lục Cửu Châu. Cốt truyện chính chia làm bảy phần, mỗi phần kết thúc bằng một lần Bạch Nhật Hi gõ cửa tiên. Trong mỗi chương, Bạch Nhật Hi đều gặp gỡ những con người khác nhau, trải qua những câu chuyện khác nhau, nếm trải được nỗi vui buồn khi ly hợp.
Có độc giả đã tổng kết lại là bảy lần ngộ đạo của Bạch Nhật Hi có thể chia thành các chủ đề: "Chúng sinh", "Thiện ác", "Chính tà", "Tiên phàm", "Yêu hận", "Sinh tử", và cuối cùng là "Đạo pháp".
Đây là giả thuyết được nhiều người công nhận nhất. Dịch Trần dựa theo hướng này để viết thì không sai, nhưng vấn đề không nằm ở câu hỏi mà ở câu trả lời.
Trong tiểu thuyết có câu như thế này:
[Trên mây xanh, cuối chân trời,
Bảy tiên bàn luận, vang lời đạo sâu.]
Bạch Nhật Hi gõ cửa tiên bảy lần, bảy lần này không thể nào không có kết quả gì. Ở cuối mỗi cánh cửa tiên, nàng đều nhận được câu trả lời thỏa đáng cho thắc mắc của mình. Và người giải đáp mọi thắc mắc cho nàng chính là bảy vị tiên trên trời.
Vậy bảy vị tiên này là những ai? Về việc này, ngoài việc nhận xét họ là đại lão tiên giới thì Dịch Trần không biết phải đánh giá thế nào nữa.
Bảy vị tiên này là bảy vị tiên nhân có tu vi cao nhất ở đại lục Cửu Châu. Thực lực của họ đã gần như chạm đến Thiên Đạo, là lõi năng lượng duy trì sự vận hành và luân hồi của toàn bộ đại lục.