Trước khi rời đi, Lê Đường chắp tay trước bức tranh, nghiêm túc chúc phúc: “Chúc mi đầu thai vào một gia đình tốt, thiện tai thiện tai.”
Lúc này, người phụ trách triển lãm cũng là đàn chị đồng môn của cô - Thời Nhứ bước đến, trêu chọc:
“Đàn em à, em ra nước ngoài một chuyến mà cứ như hack vậy. Hèn gì lần này cô giáo lại đồng ý trưng bày tranh mới của em.”
Cô ấy cười đầy ẩn ý: “Vừa bày ra đã có người trả giá cao để mua ngay, cảm giác thế nào?”
Thấy điều hòa sắp tắt, Thời Nhứ tiện tay cầm áo khoác của Lê Đường khoác lên vai cô.
Lê Đường nhướng mày, thản nhiên phát biểu: “À, vị khách quý này đúng là có mắt nhìn. Mua được bức tranh này là vinh hạnh của người ta.”
Giọng điệu hoàn toàn không có chút khiêm tốn, như thể việc tranh của cô được công nhận là điều hiển nhiên.
Thời Nhứ đã quen với tính nết đàn em nhà mình từ lâu, nhịn cười phụ họa: "Vâng vâng, đây là tác phẩm đầu tiên của họa sĩ nổi tiếng tương lai, sau này giá chắc chắn sẽ tăng vùn vụt. Người ta kiếm lời lớn rồi.”
“Đương nhiên.”
Lê Đường điềm nhiên nhận lấy lời khen, bình thản như thể chuyện phải thế.
“À phải, cô giáo nói mỗi bức tranh chân dung của em đều đạt trình độ này, cuối năm có thể sẽ tổ chức triển lãm cá nhân cho em. Em có tự tin không?”
Thời Nhứ biết rõ từ nhỏ đàn em nhà mình đã mơ ước có triển lãm riêng, nhưng sau này vì bất đồng quan điểm với cô giáo về hội họa mà giấc mơ ấy cứ mãi dở dang.
Thế nhưng, đối diện với câu hỏi này, Lê Đường không hề do dự mà đáp chắc nịch: “Có chứ. Tuần sau cô giáo muốn xem tranh mới, em sẽ chuẩn bị.”
Trong đáy mắt cô ánh lên sự kiêu ngạo đầy tự tin - đừng nói một bức, mười bức, hai mươi bức cũng chẳng thành vấn đề.
Bởi vì, khi cô vẽ “Kỳ Tích”, trình độ đã đạt đến mức liền mạch lưu loát, linh cảm tuôn trào không chút gián đoạn - cảm giác ấy, như thể đã “thông linh” hoàn toàn.
Lê Đường sở hữu tài năng hội họa xuất chúng, thuộc dạng thiên tài hiếm có. Nếu không, cô đã chẳng được bậc thầy Văn Dao Ý thu nhận làm học trò và đặt kỳ vọng lớn đến vậy.
Nhưng không biết từ bao giờ, cô lại đặt ra tiêu chuẩn hoàn mỹ đến cực đoan cho nhân vật trong tranh của mình.
Chính vì thế, những bức họa của cô, dù tinh xảo đến đâu, cũng trở nên cứng nhắc như những con rối vô hồn, mất đi toàn bộ sự sống động.
Cô giáo từng nhận xét một câu: “Quá cứng nhắc, không có linh hồn.”
Trong mắt Văn Dao Ý, sự hoàn mỹ mà Lê Đường theo đuổi vốn không tồn tại. Bởi lẽ, con người luôn có khuyết điểm. Một khi vẫn còn chấp niệm cực đoan ấy, cô sẽ không bao giờ vẽ ra được một tác phẩm thực sự có hồn.