Kể Chuyện Đi Làm Của Kỹ Sư Thủy Lợi

Chương 20

Chương 20: Câu chuyện về cái bóng trong nhà.
Sau cái chết đột ngột của chị Mẫn, anh Hòa như người mất hồn. Cũng phải thôi, nhìn cảnh người mình yêu thương bị lũ cuốn trôi đi mà không làm được gì còn đau đớn hơn gấp ngàn lần cái chết. Nhiều lúc anh cứ tha thẩn, nằm trong lán, rồi có chiều lại đi ra bờ suối ngồi một mình. Trong anh vẫn còn thương nhớ chị Mẫn nhiều lắm.

Sang thất 3 của chị Mẫn (21 ngày), anh Hòa với mấy người trong đội sang thắp hương cho chị. Nhà ông Bá làm lễ cúng từ đó đến nay, một phần cũng mong tìm được chị để đưa về mai táng. Thế nhưng khác gì mò kim đáy bể, ngày ấy dân cư thưa thớt, lũ mà cuốn thì coi như mất xác luôn chứ chẳng còn hi vọng nào.

Nhà ông Bá lâu nay vẫn coi anh Hòa như người thân trong nhà, nhìn khuôn mặt buồn bã, vô hồn của anh mà ai cũng xót xa. Thương cho người đã mất, xót cho người ở lại. Nén hương được anh thắp lên như muôn vàn nỗi thương nhớ gửi đến chị. Nhưng có sự lạ, khi vừa cắm nén hương duy nhất xuống, chợt cả bát hương bùng cháy một cách dữ dội, cháy cả những chân nhang trước đó. Trong ngọn lửa đang cháy, anh Hòa thấy hình ảnh chị Mẫn trong cơn lũ giơ tay về phía anh như một sự cầu cứu vô vọng, đâu đó văng vẳng bên tai giọng chị Mẫn: Anh Hòa ơi....

Người ta nói bảo con gái chết trẻ linh mà dữ lắm. Mấy chú cùng đội anh Hòa biết được anh đang bị ảnh hưởng bởi cú sốc tâm lý nên đâm ra lẩn thẩn cũng là điều dễ hiểu. Thời gian này đang mùa lũ nên anh em ít ra công trường. Bởi đang cắm cái máy khoan mà lũ về bất ngờ thì máy móc coi như mất sạch. Ngày ấy chỉ cần mất một cái cờ lê hay con ốc cũng là chuyện lớn.

Hôm ấy, anh Hòa cùng bác Năm ( đội phó ) đi sang bờ bên kia để kiểm tra mấy nõn mẫu hố khoan bữa trước đang khoan dở chưa kịp chuyển về lán. Ngày ấy đập chưa xây, cầu chưa có. Muốn di chuyển từ bờ bên này sang bờ bên ở công trường có 2 cách. Cách 1 là chạy lên phía trên khoảng 200m rồi bơi xuôi sang bờ bên kia. Cách 2 chuyên nghiệp hơn mà tới 2017 bây giờ khi khảo sát dân địa chất vẫn dùng, là đóng bè, buộc dây từ bờ bên này sang bờ bên kia, rồi thả bè, bám theo dây sang bờ kia. Đây cũng là cách vận chuyển máy móc khi khảo sát.

Sau khi kiểm tra và vác theo vài mẫu về lán thì bác Năm và anh Hòa trở về. Vừa bám dây, vừa phấn khởi vì mấy mẫu khoan hôm trước không bị mưa cuốn trôi đi, thì bỗng thấy cái bè chợt lắc lư như vừa chồm qua con sóng nào, nước sông liên tục dồn lên mặt cái bè nhỏ. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề cho bác Năm biết được, có lũ đang về. Chẳng ai bảo ai, 2 người đều ra sức nhanh tay kéo dây để nhanh chóng về tới bờ, chẳng mấy chốc nước lũ đã đổ về ầm ầm, tuy không dữ dội nhưng cũng đủ cuốn đi tất cả trên dòng sông đó. Gắng hết sức nhưng sức 2 người nhỏ bé thế sao thắng lại được thiên nhiên. Sơi dây mỏng manh như ngọn đèn trước bão, đứt phựt khi còn khoảng 20m nữa thì tới bờ. Cái bè bị cuồn theo dòng nước. 2 người nằm xuống, chẳng có thể chèo được nữa, tay bám chặt lấy đầu bè, cầu trời run rủi cho số phận, trong đầu anh Hòa lúc này hiện lên hình ảnh chị Mẫn, tay giơ lên giữa dòng, giọng đâu đây : Anh Hòa ơi..... Trôi qua tuyến đập khoảng 100m, tới đoạn sông cong, như có một thế lực vô hình nào đó, cái bè đang trôi phăm phăm giữa dòng nước dữ, bỗng đổi hướng về phía đám cây bên bờ sông rồi vướng ở đó. Đúng kiểu chết đuối vớ được cọc. 2 người bám vào đám cây, lúc này chưa phải đỉnh lũ nên có thể lần lên bờ được. Vừa lạnh vừa ướt, 2 chú cháu nhìn nhau mừng mừng tủi tủi. Lũ về mạnh hơn, ầm ầm như thác đổ, cái bè dắt vào cây như không chịu lại sức mạnh của dòng nước, kéo phăng cả cành cây, trôi ra giữa dòng rồi vỡ tan tành sau khi dập vào mòm đá giữa sông.

.

Sau khi thoát chết lần đó, anh Hòa càng thu mình hơn, ít nói hơn. Anh tin rằng chị Mẫn vẫn đâu đây quanh anh, theo dõi từng việc anh làm hằng ngày.

Từ ngày chị Mẫn đi, anh Hòa ít ngủ hẳn. Đêm nay cũng vậy, thức dậy vì không ngủ được, anh lại ra bờ sông, cầm theo bó nhang để thắp cho người đã khuất. Vì chẳng biết chị mất ở đâu nên anh hay thắp ở chỗ men sông gần lán. Bó nhang bùng cháy, anh trở về lán trong nỗi buồn gặm nhấm tâm hồn anh. Mở hòm, lấy từng tờ giấy ngày xưa anh dạy chị viết, nhìn những nét chữ nguệch ngoạc của Mẫn mà nước mắt anh trào ra.... Lấy cuốn sổ nhật ký công trình, anh định tranh thủ ghi nhật ký cho ngày hôm nay. Dở tới trang giấy trắng để ghi tiếp, anh Hòa như hoảng hồn, anh bỗng cảm thấy lạnh người, mồ hôi ướt đẫm bàn tay. Anh nhìn tờ giấy dưới ánh đèn măng-xông leo lét, từng nét chữ của chị Mẫn hiện lên rõ một một, chỉ có 3 chữ : Anh Hòa ơi......

Từ ngày đó, dường như anh càng tin rằng chị Mẫn vẫn ở quanh đây, vẫn chưa rời xa anh. Mọi người ai cũng biết chuyện đó. Bản thân anh Hòa thì vẫn còn hạnh phúc vì đâu đó vẫn có sự liên kết giữa anh và chị, giữa thế giới bên này và bên kia. Thế nhưng ai cũng lo cho anh, nhất là bác Năm. Hồi trước bác đã lo chuyện này rồi, nếu 2 người đến được với nhau thì còn gì vui hơn, nhưng chẳng may không đến được với nhau thì lại khổ anh Hòa. Nhìn anh Hòa vui thế, bác chẳng nỡ nói ra sự thật rằng : Anh Hòa đang bị duyên âm, nói khác đi là bị vong theo. Ban đầu thì thế, nhưng cái hậu quả của việc này nó kinh khủng lắm. Có thể anh Hòa sẽ bị hâm dở người người ở làng bác Năm như chap trước.

Ít lâu sau thì anh Hòa về quê, không theo nghiệp địa chất nữa. Sau đó người ta cũng giới thiệu cho anh một vài cô gái mà chẳng đâu đến đâu. Có người kể rằng, người ta sợ khi nhìn vào trong mắt anh, nó âm u như núi rừng Tây Bắc...............

Cả lũ chúng tôi như hiểu được phần nào câu chuyện về người con gái trong nhà lúc kia. Nhà ông Hiệp cũng nhiều lần gặp thầy cúng để cắt duyên âm cho anh, mà nhiều nơi cũng đành chịu. Người ta đồ rằng ngày xưa quen chị Mẫn, anh bị bỏ bùa. Thế nên mới có cái ban thờ nhỏ trong nhà, ai cũng biết đó là thờ ai.

Dưới ánh đèn rạng đông, mở cuốn sổ nhật ký cũ của anh Hòa ra, lật tới tờ giấy trắng, chúng tôi vẫn sởn gai ốc vì 3 chữ của chị Mẫn : Anh Hòa ơi......

.