Nói một cách dễ hiểu thì đó là một cặp vòng tay phỉ thúy chạm trổ hình Ngọc Linh, khắc hoa văn Khổng Tước Vũ, khi hai chiếc vòng gần nhau sẽ phát ra âm thanh. Tóm lại chỉ có thể diễn tả bằng một chữ: Đắt.
Tô Vân im lặng một lát, trực tiếp gửi tin nhắn thoại: “Cô gửi trước danh sách đấu giá tối nay cho tôi xem đã, nếu không thì không mua.”
Lần này Diễm quỷ trả lời rất nhanh, đó là một bản danh sách đấu giá điện tử, được tổ chức tại phòng đấu giá của Thanh Vân sơn trang, bắt đầu lúc tám giờ tối nay, tổng cộng có ba mươi vật phẩm đấu giá, đôi vòng tay phỉ thúy này xếp thứ hai từ dưới lên, chủ yếu là do kiểu dáng rất tinh xảo, giá khởi điểm là 50 vạn.
Xem xong giá cả và thứ hạng, Tô Vân cảm thấy cũng được, chắc sẽ không có quá nhiều người tranh giành với cô.
Vừa định thoát khỏi giao diện để trả lời Diễm quỷ thì Tô Vân nhớ lại cuộc trò chuyện của hai nữ sinh lúc nãy, như có ma xui quỷ khiến, cô trực tiếp lật danh sách đấu giá xuống cuối cùng.
Điểm nhấn của buổi đấu giá hôm nay nằm ở ba vật phẩm cuối cùng, thứ ba từ dưới lên là một chiếc đèn Trường Minh hình hoa sen bằng vàng nguyên chất, giới thiệu nói là được khai quật từ một ngôi mộ cổ vô cùng lâu đời, tạm thời chưa xác định là dùng để trấn yểm hay là để canh giữ mộ, cho nên được xếp ở vị trí thứ ba từ dưới lên.
Vật phẩm đấu giá cuối cùng chính là tượng Ngọc Quan Âm mà hai nữ sinh vừa nhắc đến, cao khoảng 30cm, tay cầm bình ngọc, toàn thân được điêu khắc bằng bạch ngọc, chỉ có phần bên trong bình ngọc là màu xanh lục, hơn nữa không có dấu vết của việc khảm nạm hay điêu khắc, sau khi giám định, khối lục này là do tự nhiên sinh trưởng bên trong khối bạch ngọc, kích thước vừa vặn, cho nên được các nghệ nhân điêu khắc thành hình tượng Ngọc Quan Âm.
Còn vật phẩm đấu giá quan trọng nhất, là một chiếc thước Đinh Lan, niên đại chưa được xác định, ước tính được chế tác vào thời Đường, vật liệu chế tạo không rõ, nhưng sau khi được khai quật thì vẫn được bảo quản hoàn hảo, dù đã trải qua thời gian dài, được bảo dưỡng nhưng vẫn không có dấu hiệu hư hỏng, có thể nói là tuyệt phẩm.
Tô Vân vốn chỉ muốn xem tượng Ngọc Quan Âm trông như thế nào, mà lại đáng giá để Tô gia mua về làm vật hộ thân cho Tô Vân, bây giờ nhìn thấy chiếc thước Đinh Lan, cô lại động lòng.
Trong tờ danh sách đấu giá không ghi rõ chất liệu cụ thể, nhưng Tô Vân chỉ cần nhìn một cái là nhận ra, đây là gỗ Âm trầm, khắc hai loại kích thước thiên và u, có thể nói là một chiếc thước Đinh Lan được bảo quản vô cùng hoàn hảo.
Từ xưa đến nay, gỗ Âm trầm luôn là một trong những loại gỗ vô cùng quý hiếm, điều kiện hình thành cực kỳ khắc nghiệt, hơn nữa thuộc loại vật chất rất khó tái tạo, có một khối nhỏ có thể điêu khắc thành vật nhỏ để thưởng thức đã là thuộc loại có tiền cũng không mua được, chuyên dùng cho hoàng thất, về sau những khối Âm trầm lớn cơ bản đều bị hoàng gia dùng để làm quan tài.
Gỗ Âm trầm là những cây cối từ thời Viễn Cổ do thiên tai bị chôn vùi dưới lòng đất, được nước ngầm bao bọc kín hình thành, thông thường là từ cây sồi, cây liễu, long não, cây hồng xuân, niên đại từ ba ngàn tám trăm năm đến sáu ngàn năm, thường được dùng để làm quan tài, gỗ Âm trầm dùng cho quan thường phải là loại gỗ có niên đại từ 8.000 năm trở lên, cũng là loại quý giá nhất.
Việc nhìn thấy một chiếc thước Đinh Lan bằng gỗ Âm trầm ngàn năm tuổi tại một khu chợ hoặc trong một buổi đấu giá có thể coi là đã sử dụng hết vận may cả đời.
Trên tờ giới thiệu của buổi đấu giá, khúc gỗ này ít nhất năm ngàn năm tuổi, nếu là loại gỗ lim phải tám ngàn năm mới thành Âm trầm, thì nó phải hơn vạn năm tuổi. Đặt nó trong nhà để thờ cúng, có lẽ không phải gỗ nuôi người mà là người nuôi gỗ.