Vào lúc 11 giờ 30 phút đêm, chỉ còn mười phút nữa là khu ký túc xá khang trang nhất của đại học Bắc Xuyên sẽ tắt đèn.
Tại phòng ký túc xá số 444, tầng 4, khu B3, hai thành viên trong phòng đang cố gắng chạy đua với thời gian dưới ánh đèn le lói.
Không biết tự bao giờ, giữa các sinh viên đã hình thành lên một nhận thức ngầm không cần phải nói ra: Không có buổi học thâu đêm nào là không thể giải quyết được vấn đề, nếu có, thì hãy học thâu đêm hai buổi.
Vì vậy, trong đêm cuối cùng trước kỳ thi cuối kỳ, cả hai đều ngồi bên bàn học và mong muốn nhồi nhét tất cả kiến thức nhất có thể.
Nhưng thực tế chứng minh, cách học nhồi nhét, bộc phát sau một thời gian dài lười học thường không mang lại hiệu quả rõ rệt đối với hầu hết mọi người.
Điển hình là với Bạch Thọ Mi.
Bạch Thọ Mi không biết liệu người khác khi học có giống mình hay không:
Cô nhất định phải chuẩn bị một quyển sổ tay ngăn nắp, gọn gàng; chọn một chiếc bút có cảm giác viết mượt mà, và sắp xếp đầy đủ tất cả các dụng cụ học tập cần thiết. Sau đó, cô ngồi ngay ngắn tại bàn học được lau chùi tinh tươm, từ từ viết từng dòng ghi chú với tốc độ chậm rãi như đang viết thư pháp.
Trong quá trình viết, mỗi khi nhận ra chữ bị sai thì Bạch Thọ Mi sẽ lập tức xé trang giấy đi và viết lại. Nếu chữ bị xấu, xé trang giấy và viết lại. Bố cục không vừa ý, xé giấy và viết lại. Thậm chí ngay cả khi không có vấn đề gì cụ thể, chỉ nhìn tổng thể không hài hoà thôi cô cũng xé giấy đi và viết lại.
Cuối cùng, khi quyển sổ mới tinh đã bị xé hơn phân nửa số trang mà chẳng ghi được chữ nào nên hồn thì Bạch Thọ Mi mới nhận ra một sự thật đáng buồn: Cô vốn chưa bao giờ học viết thư pháp, sao có thể viết đẹp được?
Vì vậy cô mất hết hứng học tập. Ném cây bút trong tay qua một bên, cô giơ bộ móng tay lấp lánh được đính đá cầu kỳ lên, rồi lấy ra chiếc Iphone đời mới nhất treo đầy phụ kiện xa hoa, mở ứng dụng mua sắm và nhập từ khoá: bảng chữ mẫu.
Lướt qua hàng loạt kiểu dáng và mẫu mã, mắt cô hoa lên. Bảng chữ mẫu đang bán chạy nhất chỉ có giá 29.9 tệ bao gồm cả phí vận chuyển. Thế là cô quất luôn một đơn hàng ship hoả tốc.
Sau khi đặt hàng xong, Bạch Thọ Mi có cảm giác như bản thân vừa hoàn thành một nhiệm vụ to lớn, một cuộc cách mạng vĩ đại. Cô cũng chẳng buồn học tiếp. Cô ung dung chống cằm, mở ứng dụng mạng xã hội ra và bắt đầu lướt một vòng tin tức của bạn bè.
Đối với Bạch Thọ Mi, tuy cô không phải là con gái duy nhất của một ông chủ quặng mỏ, nhà mặt phố bố làm to nhưng cô lại là người thừa kế duy nhất của một gia đình sở hữu đến mười bốn căn hộ trăm mét vuông tại khu vực có giá nhà đất trung bình 30.000 tệ/m2 thì việc trở thành người giàu có qua một đêm chỉ là chuyện nhỏ. Dù không làm việc thì cô vẫn có thể sống ung dung tự tại nhờ tiền cho thuê nhà.
Vì vậy, việc học tập đối với cô chỉ là một sở thích nghiệp dư nhằm bồi dưỡng tâm hồn. Cô không cần phải học vì áp lực nuôi sống gia đình, và cũng chẳng ai thúc ép cô phải lao động để kiếm tiền.
Thêm vào đó, Bạch Thọ Mi từng thi đại học với số điểm 577, đỗ vào ngành Ngôn ngữ Trung của đại học Bắc Xuyên. Hiện tại, cô tiếp tục học lên thạc sĩ ngành Khảo cổ học. Trong thời gian học chính quy, cô còn đảm nhiệm vị trí đội trưởng đội cổ động nhỏ của trường. Cô tự thấy bản thân mình rất giỏi.
Rõ ràng cô có thể chỉ dựa vào nhan sắc xinh đẹp của mình và việc thu tiền thuê nhà để sống qua ngày. Nhưng không, cô lại chọn dùng trí tuệ để vào một trường đại học không tồi, khiến bản thân càng toả sáng hơn.
Dù người khác nghĩ như thế nào thì trong mắt Bạch Thọ Mi, cô đã đủ ưu tú.
Vậy nên, nếu kỳ thi cuối kỳ có hơi qua loa một chút, chắc các giáo sư cũng sẽ không quá khắt khe đâu nhỉ?
Sau khi lướt xong tin tức trong vòng bạn bè thì cô chuyển sang đọc mục tin đồn của trường. Thấy vụ án nữ sinh mất tích tập thể trong trường đã có tiến triển, cô nhanh chóng gọi bạn cùng phòng:
“Thiên Lưỡng Thiên Lưỡng! Có tin mới về vụ mất tích đấy! Cậu xem chưa?”
Người mà cô gọi là “Thiên Lưỡng” chính là cô gái buộc bóc tím ở đối diện cô đây, tên đầy đủ của cô ấy là Huyền Thiên Lưỡng, một cô nàng có vẻ ngoài nhỏ nhắn, đáng yêu.
Nhưng thực chất, Huyền Thiên Lưỡng lại là một “trạch nữ” sống trong thế giới giả tưởng tràn ngập công nghệ.
Dưới bàn học của cô ấy là một chiếc PC lắp ráp cồng kềnh có kích thước siêu lớn. Trên bàn, hai màn hình 32 inch đang hoạt động: một màn hình hiển thị danh sách game trên Steam, còn màn hình kia đang chạy Adobe Audition. Dây dợ và các loại thiết bị phụ kiện lộn xộn treo đầy trong không trung.
Còn bản thân Huyền Thiên Lưỡng thì đang ôm một chiếc iPad say xưa xem anime. Đến đoạn cao trào, cô ấy ngẩng đầu lên nhìn trần nhà và lẩm bẩm:
“Tiểu Bạch, cậu nói xem, bao giờ thì tớ mới có thể thống trị thế giới?”
Bạch Thọ Mi lập tức trợn mắt, nhỏ này không nghe cô nói hả?!
Cô gái mắc “hội chứng hoang tưởng tuổi dậy thì” trước mặt này là bạn thân của Bạch Thọ Mi.
Khác với cô nàng giàu có lớn lên trong môi trường nuôi thả tự nhiên như Bạch Thọ Mi, Huyền Thiên Lưỡng xuất thân từ một gia đình gốc tri thức.
Dù không phải theo kiểu gia đình giàu sang nhưng Thiên Lưỡng là viên ngọc quý trong nhà. Gia đình cô ấy thuộc tầng lớp trung lưu, nhiều thế hệ làm bác sĩ, giáo sư, nhà khoa học - nói chung đều là những người học cao.
Tuy nhiên, gia đình kiểu này thường có chung một đặc điểm: không có kinh tế của tầng lớp thượng lưu nhưng lại có sự cao ngạo của tầng lớp thượng lưu.