Mưa xuân vừa tạnh, gió mát dịu dàng thấm vào lòng người.
Dưới ánh sáng ban mai, những lan can đỏ cong cong, đình đài lầu gác vốn xa hoa khó với nay lại mang vẻ gần gũi khác thường.
Cả tòa biệt viện đang dần thức giấc.
Đám tỳ nữ tay bưng chậu rửa, trà sáng, đồ ăn và những bộ y phục huân hương đi qua hành lang uốn khúc, giày thêu khẽ lướt trên nền gạch không phát ra chút âm thanh nào.
Một bóng dáng mảnh mai trong trang phục màu xanh đen bước ra từ Tàng Giao Viện, dừng lại dưới tán cây ngoài khu vườn.
Mặt trời dần lên cao, tiếng người trong biệt viện cũng rộn ràng hẳn lên.
Một thiếu nữ “Lạch bạch” chạy đến, dừng lại trước người đang đứng ôm kiếm dưới gốc cây.
“Trúc Tuyết! Hóa ra ngươi ở đây, xem này! Ta thêu cho ngươi một chiếc khăn tay, màu lông quạ rất hợp với ngươi!”
Thiếu niên ôm kiếm cụp đôi mắt màu hạnh đào, dáng người thon thả, đứng thẳng trong ánh sáng sớm mai, vẻ lạnh lùng như cành trúc đêm tuyết.
Nghe vậy, y lùi lại một bước, giọng nói lạnh nhạt trầm thấp.
“Đa tạ biểu cô nương, ta không dùng khăn tay.”
Thiếu nữ có hơi thất vọng: “Sao cái gì ngươi cũng không nhận, bộ ngươi chán ghét ta sao?”
Trúc Tuyết lại lùi thêm một bước: “Không dám.”
Thiếu nữ rất thẳng thắn: “Vì sao ngươi luôn giữ khoảng cách với ta? Chẳng lẽ vì ta lớn hơn ngươi một tuổi? Hay ngươi cho rằng mình chỉ là một thị vệ, không dám thân cận với ta? Thực ra ngươi không cần phải tự ti đâu, ngươi là ân nhân cứu mạng của biểu ca, nếu không có ngươi, làm sao biểu ca có thể bình an trở về từ sào huyệt bọn cướp. Hơn nữa, ngươi còn là người rất chính trực, tháng trước biểu ca muốn trọng thưởng nhưng ngươi lại từ chối, chỉ xin được một cuộc sống bình thường, ngươi đúng là người tốt!”
Trúc Tuyết bị khen đến nỗi vành tai ửng hồng.
Y cụp mắt, một lát sau, dường như khó mở lời, thiếu niên đành cắn răng nói: “Thực ra... ta từng bị thương, đã mất đi ‘mệnh căn’, không còn khả năng hành sự như một nam nhân.”
Thiếu nữ sững sờ không nói nên lời, ngây người nhìn đôi mày thanh tú ấy, ngẩn ngơ hồi lâu, rồi lặng lẽ thất vọng bỏ đi, chạy được một quãng lại thầm thở phào nhẹ nhõm, quay đầu nói vọng lại:
“Những lời vừa rồi coi như ta chưa từng nói, khăn này cũng không phải do ta tự tay thêu, là tỳ nữ của ta... Ngươi cũng đừng tự ti, sẽ có cô nương nhà khác không quan tâm đến chuyện đó!”
Bóng dáng xinh đẹp biến mất sau những tán hoa.
Trúc Tuyết dưới gốc cây lặng lẽ thở phào.
Lời vừa rồi không phải nói dối.
Y quả thực không có "mệnh căn”, không có khả năng hành sự như nam nhân.
Nhưng không phải vì bị thương, mà là vì...
Y là nữ cải nam trang.
Nghe nói nam nhân không có "mệnh căn" thì sẽ không thể khiến nữ nhân động lòng, nên nàng mới đưa ra lý do này, còn "mệnh căn" trông như thế nào, hành sự như nam nhân lại ra làm sao thì nàng không biết.
Còn cái tên “Trúc Tuyết”, là công tử ban cho sau khi nàng trở thành thị vệ, tên thật của nàng là Trình Lệnh Tuyết.
Dải vải bó ngực siết chặt khiến nàng thấy tức thở.
Trong lòng Trình Lệnh Tuyết cũng rất khó chịu.
Việc nàng trở thành ân nhân cứu mạng của công tử không phải là ngẫu nhiên, mà do nàng cố tình theo dõi công tử một đường.
Lúc công tử không may bị sơn tặc bắt đi, nàng đã ra tay “Anh hùng cứu mỹ nhân.”
Cái danh ngay thẳng, không muốn nhận tiền thưởng cũng là giả.
Không phải nàng không tham tiền, mà vì muốn tiếp cận công tử, đành phải nhịn đau mà bỏ qua.
*
Chuyện phải quay về một tháng trước.
Ngày đó, nàng xuống núi giúp sư phụ làm việc, khi đi ngang qua một khu chợ sầm uất, bỗng thấy cổ tay như có sợi chỉ đỏ lóe lên, đồng thời l*иg ngực đau nhói, cơn đau lan khắp cơ thể.
Lúc đầu nàng không để tâm, nhưng sau đó có một người ăn xin đưa cho nàng một bức thư và vài lạng bạc.
Bức thư do một người nuôi cổ trùng viết, trong thư người đó xin lỗi, nói rằng hắn ta đã vô tình làm rơi con cổ trùng mình nuôi trên phố.
Mẫu cổ đã chui vào cơ thể một vị công tử quý tộc.
Tử cổ thì sau một thoáng đã ở trên người nàng.
Trên thư có viết, cổ độc phát tác sau nửa năm, mỗi tháng một lần. Người trúng tử cổ cần phải giành được toàn bộ lòng tin và sự tín nhiệm từ người trúng mẫu cổ thì mới có thể giải được.
Nếu không, độc phát nhiều lần sẽ làm tổn thương kinh mạch.
Đúng là quái đản, nếu nói rằng “Giao hợp với người khác” hay “Làm người khác động lòng” mới giải được cổ độc thì nàng còn miễn cưỡng tin được, đằng này lòng tin thì không thể đo lường, vậy thì phải làm sao?
Có lẽ đằng sau còn có ẩn tình gì đó.
Trình Lệnh Tuyết không yên tâm, đi tìm một vị thầy thuốc người Miêu Cương, sau khi xem xét, quả nhiên phát hiện trong người nàng có cổ độc, chỉ là không thể nhìn ra rốt cuộc là loại cổ độc gì.