Mùa đông.
Chuyến tàu lửa với lớp sơn xanh lá xình xịch chạy từ nam ra bắc. Qua một đêm, cảnh vật ngoài cửa sổ cũng dần chuyển từ xanh tươi sang hoang vu.
Bên cửa sổ tàu hỏa có một đôi mẹ con đang ngồi, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi. Đứa trẻ cuộn mình trong vòng tay mẹ, dụi dụi đôi mắt trông như vừa tỉnh dậy, dáng vẻ khoảng năm tuổi rất xinh xắn. Ánh nắng ngoài cửa sổ chiếu lên gương mặt cậu bé làm nổi bật một lớp ánh vàng, đôi đồng tử màu nhạt ánh lên chút sắc hổ phách trong trẻo và sáng ngời. Mái tóc không biết có phải vì ngủ qua một đêm mà hơi cong lên, cậu bé cũng nhận ra tóc mình có chút rối, được mẹ cho uống một chén nước ấm xong thì chăm chú dùng tay chải tóc nhưng càng chải lại càng làm tóc vểnh lên hơn.
Người hành khách đối diện liếc nhìn rồi cười lớn: “Ồ, một cậu bé tóc xoăn đáng yêu!”
Cậu bé có chút ngượng ngùng, rúc sâu hơn vào vòng tay mẹ.
Người đối diện rất nhiệt tình mở hộp cơm nhôm rồi bẻ một miếng bánh hạnh nhân đưa qua: “Nào, ăn một chút đi. Bé ngoan thật, tối qua chẳng nghe khóc tiếng nào!”
Dù là lúc nào thì đi tàu đường dài mà gặp người mang theo trẻ con thì thường rất ngại. Đối diện là vài người mặc áo bông công nhân, người chia bánh lại đeo kính gọng vàng, trông như nhân viên kỹ thuật trong nhà máy. Họ trên đường đi công tác, ban đầu nhìn thấy mẹ con mang theo trẻ con đã thầm than phiền, nghĩ rằng tối chắc khó mà yên giấc, không ngờ đứa trẻ đi xa như vậy mà lại yên lặng, ngoan ngoãn vô cùng.
“Chị cũng đi Đông Xương?”
“Vâng.”
“Dẫn theo con nhỏ đi đường vất vả thật, về thăm nhà ngoại à?”
“Vâng, nhà mẹ đẻ ở đó.”
Người phụ nữ ít nói, lời lẽ nhẹ nhàng, khuôn mặt vẫn còn tái nhợt, thỉnh thoảng nhíu mày như có điều phiền muộn.
Cậu bé trong lòng vừa ăn một miếng bánh hạnh nhân thì lại đưa lên đút mẹ một miếng.
Người phụ nữ cúi đầu vuốt lại mái tóc cho con rồi nhẹ giọng bảo con tự ăn đi, cậu bé cũng nghe lời, ngoan ngoãn ôm bánh ăn tiếp.
Người đối diện định hỏi thêm nhưng khi thoáng thấy băng tang đeo trên tay hai mẹ con thì miệng hơi hé ra rồi thì lại ngậm vào luôn sau đó im bặt.
Chuyến tàu đi ba ngày hai đêm, mãi mới đến ga Đông Xương.
Xuống tàu, người phụ nữ một tay xách túi da đen, tay kia nắm chặt tay con, vội vã hòa vào dòng người.
….
Đông Xương là một thị trấn nhỏ.
Ngày xưa phần lớn là những khu nhà tứ hợp viện, sau này nhà máy xây dựng, phân chia khu vực, vài dãy nhà lớn thông với nhau, đi sâu vào những con đường lát gạch nhỏ, hỏi thăm vài lần là có thể tìm được nhà.
Người phụ nữ vừa hỏi thăm vừa tìm đường, đến cổng thì đã nghe bên trong có tiếng trống lẫn tiếng khóc ai oán. Đôi mắt cô đỏ lên rồi cúi xuống chỉnh lại quần áo trên người cậu bé, nhẹ giọng dặn dò: “Lát nữa vào trong đừng sợ, cứ đi theo mẹ, hiểu chưa?”
“Dạ!”
Đẩy cánh cổng sắt của tứ hợp viện, ngôi nhà đầu tiên phía đông đang làm lễ tang, bên ngoài xếp hàng chục vòng hoa, còn có người đến viếng liên tục.
Những gia đình khác trong viện cũng có người đến giúp, người đi lại không ngớt, mùi khói đốt vàng mã và nến hương nồng nặc xa lạ. Cậu bé không nhịn được đưa tay nắm lấy gấu áo mẹ nhưng cậu lại nghe thấy người phụ nữ khóc gọi một tiếng: “Cha”
Cảm giác mẹ con luôn tâm linh tương thông, người mẹ vừa khóc, cậu bé cũng đỏ hoe mắt, nước mắt to tròn lăn dài, không ngừng thút thít.
Rất nhanh bên trong có người dìu một bà cụ ra, người phụ nữ gọi một tiếng: “Mẹ!” Bà cụ vỗ hai cái vào tay cô, ôm chầm lấy nhau rồi khóc:
“Sao giờ con mới về, sao giờ con mới về! Cha con cứ gọi tên con, ông ấy không chịu nhắm mắt, chỉ muốn nhìn con lần cuối…” Nói đến đây, bà ôm chặt hơn rồi khóc lớn: “Đứa con nhẫn tâm!”
Bà cụ bị đẩy nhẹ ở chân, một đứa bé nhỏ xíu cố chen vào giữa, tuy cậu bé sợ nhưng vẫn kiên quyết đứng chắn phía trước.
Bà cụ cúi nhìn rồi nhận ra ngay đây là cháu ngoại của mình.
Cậu bé trắng trẻo, xinh xắn, giống hệt mẹ nó hồi bé, nhất là ánh mắt vừa đáng thương vừa bướng bỉnh ngẩng lên nhìn người lớn này.
Bà mấp máy môi, cuối cùng cũng mềm lòng: “Dẫn thằng bé vào đi, lạy cha con một lạy rồi thắp cho ông ấy nén hương.”
Nước mắt của bà cụ đã khô cạn nhưng khi nhìn thấy cô con gái út thắp hương cho ông bạn già thì bà cụ vẫn không kiềm được mà rơi lệ, bà cụ lấy khăn lau rồi vẫy tay gọi đứa trẻ nhỏ lại gần hỏi:
“Cháu tên là gì?”
“Là Tử Mộ, Bạch Tử Mộ.” Người phụ nữ Đổng Ngọc Tú, vội dẫn con lại gần rồi khẽ đáp.
Bà cụ chỉ nhìn đứa trẻ: “Mẹ không hỏi con, mẹ hỏi nó.”
Đứa bé có chút rụt rè nhưng vẫn nghe lời mẹ, nhỏ giọng gọi một tiếng: “Bà ngoại.” Có lẽ vì tình thân cách một đời, vừa nghe tiếng gọi ấy, vẻ mặt bà cụ cũng dịu đi nhiều.
Sức khỏe bà Đổng không tốt nên bà được người đỡ vào nghỉ ngơi, còn Đổng Ngọc Tú thì dẫn con quỳ xuống đốt vàng mã.
Bạch Tử Mộ tuổi còn nhỏ, đối với mọi thứ xung quanh vẫn còn ngơ ngác, xa lạ nên chỉ biết nép chặt vào mẹ.
Đổng Ngọc Tú dẫn con trở về từ phương nam, cách ăn mặc không giống người miền bắc trong thị trấn nhỏ. Đặc biệt là Bạch Tử Mộ, trên người cậu bé mặc chiếc áo bông lót lông thỏ với cổ lật, làm khuôn mặt trắng trẻo như ngọc càng thêm sáng.
Chị dâu nhà họ Đổng ngồi gần đó trò chuyện đôi câu, nghe thấy cô nói “chồng không còn nữa” thì sắc mặt lập tức thay đổi, ánh mắt soi mói nhìn hai mẹ con từ trên xuống dưới, cố tình bới móc: “Sao lại cho con đi đôi giày có màu đỏ? Em gái à, không phải chị nói em nhưng trước đây cha thương em nhất, em làm thế này là không biết điều chút nào.”
Đổng Ngọc Tú cúi đầu nhìn đôi giày vải trắng trên chân cậu bé chỉ có vài chữ in nhãn hiệu màu đỏ, nếu không nhìn kỹ căn bản không thấy được.
“Quy củ nhà mình lớn lắm, trên người dính chút màu đỏ cũng không được đâu. Em gái, hay em cứ đưa cháu ra ngoài trước đi.”
Đổng Ngọc Tú chỉ biết đứng dậy, Bạch Tử Mộ vội vàng theo sau nắm tay mẹ cùng đi ra sân.
Đổng Ngọc Tú nhẹ giọng dặn: “Tử Mộ, con ở đây chờ mẹ một lát, không được chạy lung tung, biết chưa?”
Mùa đông ở miền bắc lạnh giá, hơi thở của cậu bé hóa thành những làn khói trắng, cậu ngẩng đầu nhìn mẹ rồi ngoan ngoãn gật đầu.
Tuy tuổi nhỏ nhưng cậu rất nghe lời.
Những vị khách lạ hiếm khi đến tứ hợp viện, nhất là một đứa trẻ xinh xắn như vậy bất ngờ xuất hiện thì rất nhanh chóng thu hút sự chú ý của các đứa trẻ khác trong sân.